Trang chủ > Nói chuyện chuyên đề: Gia phả - Khảo luận và thực hành

Nói chuyện chuyên đề: Gia phả - Khảo luận và thực hành

24/08/2024 19:50:03

8h sáng ngày 24/8/2024 tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM, Thạc sĩ Lê Bá Quang đã trình bày chuyên đề “Báo cáo, nhận xét về cuốn sách Gia phả - Khảo luận và thực hành của tác giả Dã Lan Nguyễn Đức Dụ”.

Thạc sĩ Lê Bá Quang

Chương trình do Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM và CLB Gia phả Trẻ (Viện Lịch sử Dòng họ) phối hợp tổ chức.

Đến dự buổi chuyên đề có PGS-TS Hà Minh Hồng - Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Lịch sử Dòng họ; Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bền - Chi hội trưởng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM cùng nhiều thành viên của 2 đơn vị tổ chức; thành viên CLB Sử học Trẻ, CLB Thể thao.

Cuốn sách Gia phả - Khảo luận và thực hành được xem là cuốn sách đầu tiên của ngành gia phả học Việt Nam và tác giả Dã Lan Nguyễn Đức Dụ được xem là ông tổ của ngành gia phả học.

Toàn cảnh buổi sinh hoạt

Nói về giá trị, ý nghĩa của cuốn Gia phả - Khảo luận và thực hành của Dã Lan Nguyễn Đức Dụ, chúng tôi xin trích lời giới thiệu của 2 giáo sư uy tín sau:

Giáo sư Lịch sử văn học Việt Nam và chữ Nôm Lê Hữu Mục trong lời giới thiệu in lần thứ nhất của tập sách đã viết: 

Gia phả khảo luận và thực hành xuất bản lần đầu tiên năm 1970, cũng như những sưu khảo về gia phả họ Trịnh, họ Dương, họ Bùi, đã đóng góp một phần quan trọng vào công trình nghiên cứu lịch sử, địa lý và văn học Việt Nam, nhất là đã tạo cho ông Dã Lan Nguyễn Đức Dụ đủ điều kiện và uy quyền để thiết lập bộ môn gia phả học. 

Với những kiến thức lịch sử chính xác, một cách lập luận mình bạch và một bút pháp vững vàng, thêm vào đấy một tinh thần khiêm tốn tột độ và một lòng ái quốc sâu xa, ông Dã Lan Nguyễn Đức Dụ đã có công tổng hợp những kiến thức gia phả học phát biểu rời rạc từ đời Lý đến nay và đã áp dụng những phương pháp nghiên cứu của Tây phương để hoàn thành một bộ môn gia phả học có hệ thống. 

Công trình của ông cho đến nay tuy chưa thuyết phục được toàn thể các sử gia, các giáo sư sử học, nhưng nó đã được sự chú ý của một số phả học gia có uy tín trên thế giới và thực sự đã chinh phục được thiện cảm của một số tri thức Việt Nam đang miệt mài khảo sát về văn học, ngôn ngữ, triết lý của dân tộc…

… những ý kiến của ông Dã Lan Nguyễn Đức Dụ về gia phả học phải được giới nghiên cứu và chính quyền quan tâm hơn. Những lời phê bình về gia phả học hay cụ thể hơn, sự thiết lập một Viện Phả học quốc gia, một tín chỉ phả học tại các trường đại học, tất cả đều cần thiết cho sự phát triển của ngành phả học là một ngành không thể không có trong số các bộ môn văn hóa”.

Giáo sư sử học Huỳnh Lứa trong lời giới thiệu sách in lần thứ ba (1992) cho rằng:

“Gia phả ở ta đã có từ lâu, ý nghĩa và lợi ích của gia phả nhiều người đã thấy, nhưng cái gì là đặc điểm của gia phả Việt Nam, nó có gì khác biệt với gia phả các nước khác, nhất là các nước Á Đông như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản… và xây dựng một bản gia phả như thế nào cho khoa học và thiết thực, thì chưa hẳn đã có nhiều người hiểu rõ.

Sở dĩ có tình trạng đó là vì lâu nay ở ta chưa có một ai nghiên cứu chuyên sâu về đề tài này. May mắn thay trong giới nghiên cứu nước ta, đã có một người dám chấp nhận mọi khó khăn của hoàn cảnh đứng ra làm cái công việc nặng nhọc đó. Đó chính là Dã Lan Nguyễn Đức Dụ mà nhiều người đã từng biết đến. Từ năm 1965 ông Nguyễn Đức Dụ đã bắt tay vào công việc khó khăn này, và sau nhiều năm cần cù lao động, ông đã cống hiến cho độc giả nước ta một công trình nghiên cứu có giá trị về gia phả Việt Nam, đó là cuốn Gia phả khảo luận và thực hành mà bạn đọc đang có trong tay.

Trong tác phẩm này, ngoài việc trình bày một cách có căn cứ khoa học lịch sử ra đời và phát triển của việc làm gia phả ở nước ta, tác giả còn phân tách, so sánh rất công phu gia phả Việt Nam và gia phả các nước, từ đó rút ra kết luận đầy sức thuyết phục về những đặc điểm riêng có của gia phả Việt nam. Đặc biệt sau khi đúc kết những ưu khuyết điểm của những gia phả đã có, tác giả đã đề ra một phương pháp lập gia phả tương đối khoa học với cách vẽ phả đồ, các phương pháp dựng phả thuận và nghịch, mẫu gia phả đơn dựng và hợp dựng, cách chép tên tuổi theo hệ thống ngang, hệ thống dọc… Đây thật sự là một cống hiến to lớn cho việc làm gia phả của đồng bào ta”.

Trong buổi sinh hoạt chuyên đề này, Thạc sĩ Lê Bá Quang đã trình bày tóm tắt về cuốn sách nói trên + với việc trình bày “những đóng góp của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM trong việc hoàn thiện phương pháp viết một bộ gia phả”.

Sau phần trình bày của Thạc sĩ Lê Bá Quang, có rất nhiều ý kiến chất vấn, trao đổi về gia phả như: Gia phả có phải là nguồn sử liệu? Tại sao một cuốn gia phả thì chỉ viết về họ cha mà không viết về họ mẹ? Làm thế nào để tìm tông tích ông tổ của một dòng họ? Sự khác biệt giữa gia phả của phương Tây và gia phả Việt Nam…

PGS-TS Hà Minh Hồng trao đổi, thảo luận

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bền trao đổi, thảo luận

Qua buổi sinh hoạt chuyên đề, chúng ta thấy rằng, qua tìm hiểu và nghiên cứu một tác phẩm khảo luận và thực hành gia phả được xem là mẫu mực kinh điển như cuốn Gia phả - Khảo luận và thực hành của Dã Lan Nguyễn Đức Dụ, từ đó mà những thế hệ nối tiếp có cơ sở vững chắc để tìm hiểu rộng hơn và xây dựng cấu trúc của một bộ gia phả phù hợp với hoàn cảnh xã hội hiện tại nhằm góp phần xây dựng ngành gia phả Việt Nam ngày càng phát triển…

Mọi người chụp hình lưu niệm trước khi ra về

BÌNH MINH
Ảnh: PHAN KIM HÙNG

Nhà gia phả học lớn nhất Việt Nam - Cố Dã Lan Nguyễn Đức Dụ