Trang chủ > Thượng tướng Phan Trung Kiên nói về vai trò dòng họ trong Cách mạng Việt Nam

Thượng tướng Phan Trung Kiên nói về vai trò dòng họ trong Cách mạng Việt Nam

29/08/2022 20:52:27

Ngày 5/12/2010, tại ấp Bà Giã, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Anh hùng Phan Trung Kiên có ý kiến về dòng họ và gia phả, trong cuộc họp tổng kết năm 2010 của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM, chúng tôi ghi lại ý kiến của Thượng tướng như sau:

Thượng tướng Phan Trung Kiên

Qua nhiều giai đoạn lịch sử, dòng họ đã và đang giữ vai trò quan trọng trong đấu tranh chống ngoại xâm. Dùng cụm từ “dòng họ” để mọi người phải hình dung đầy đủ các yếu tố thiêng liêng trong truyền thống yêu nước của người Việt Nam. Trước hết là con người phát xuất từ dòng họ mà có, dòng họ là tài sản, là mối ràng buộc của con người với quê hương.

Tôi (Thượng tướng) nhận thấy việc xây dựng văn hóa và tôn vinh dòng họ là rất cần thiết. Vì dòng họ là cái nôi của mọi con người. Ai sanh ra cũng có tổ tiên, ông bà, cha mẹ và nhiều đời cao hơn đã hình thành một hệ thống dòng họ có mối quan hệ từ thân đến sơ. Dòng họ là huyết thống của mọi người, tình ruột thịt trải dài  từ một ông bà tổ đến con người đó, luôn mang chung dòng máu, nảy sanh tình cảm của mọi người gắn liền với dòng họ.

Mảnh vườn, mồ cha mả tổ, nhà thờ, nhà thừa tự… là di sản của họ, mọi người có quyền tự hào về phần thưởng từ gia tộc và quý trọng những giá trị văn hóa truyền thống đó.

Quê hương chính là hình ảnh họ đang yêu mến, nơi mà họ không muốn xa rời bao giờ, nơi mà mọi người có ra đi vẫn tìm về. Tình yêu đất nước bắt đầu từ sự hình thành dòng họ và được mở rộng trong sự đồng cảm để chia sẻ những nỗi đau, những vinh quang cùng tạo dựng, đồng một điều chung cao cả bao trùm là đồng bào, là dân tộc.

Bởi vậy 80 năm chiến đấu vì sự thiêng liêng mang nặng trong tâm tư, mọi người cùng trận tuyến cách mạng quyết đánh và chiến thắng. Cách mạng Việt Nam, Bác Hồ và Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo, đã nương tựa vào nhân dân, vào các dòng họ, lấy đó làm thành trì của cách mạng, là chỗ dựa của Đảng, của Bác Hồ.

Nhân dân ta sẵn sàng hiến dâng đời mình cho đất nước, chấp nhận hy sinh để có chiến thắng vì một phần quê hương là của chính họ. Đảng và Nhà nước cầm cân nảy mực, vạch ra chiến lược, nhân dân là lực lượng chủ yếu và to lớn. Dòng họ tạo ra những con người dũng cảm đó, tạo ra những di sản tinh thần và vật chất gắn với cuộc đời của mỗi con người. Bản chất con người từ xa xưa không ai chịu mất đi cái mình có, nếu phải chịu mất thì cũng dành cho một lý tưởng cao cả, hy sinh để còn lại cái cao hơn nữa.

Vì tình yêu gia đình, gia tộc, yêu xứ sở, quê hương, ruộng vườn, yêu nấm mồ của tổ tiên ông bà bị đạn bom đào bới, họ ở lại cùng cách mạng bám trụ chiến đấu. Cách mạng giữ nước, giữ nhà và giữ cả ruộng vườn cho họ. Trong chiến tranh, một người chết trước tiên gia đình buồn đau kế đến dòng họ xót xa, cuối cùng trong làng xã thương tiếc, căm phẩn thúc hối mọi người cùng đứng lên đánh giặc và hy sinh không tiếc cho anh em dòng tộc trường tồn. Đó chính là lý tưởng vì độc lập tự do.

Không có dòng họ là lạc loài vô tổ quán. Quan hệ cuộc sống chỉ là quan hệ đối tác, cuộc sống chú trọng đến lợi và hại nhằm phụng sự cho riêng mình. Tính đoàn kết thiếu chặt chẽ, thiếu tình cảm gia tộc và đồng bào, dẫn đến vô trách nhiệm với tổ tiên, trái với phẩm chất đạo đức dân tộc Việt Nam.

Không có truyền thống dòng họ sẽ không có sự níu kéo với quê hương, tình yêu quê hương không có điểm tựa. Ý niệm quê hương mờ nhạt - họ sẵn sàng tìm một quê hương mới để có được sự an lành riêng, không mang theo nỗi lòng vì quê hương.

Những người không có gì để luyến tiếc, sự hy sinh chỉ là bị ép buộc, dễ bị dao động để xa lìa mọi người. Họ từ chối hai tiếng thân tộc, thân thích một cách vô cảm để tìm sự bình yên. Thành quả đấu tranh họ không có phần, tình gia tộc họ đã đánh mất và tình nghĩa đồng bào của họ trở thành lạnh nhạt.

Như vậy phải có cách để họ phải bắt đầu từ hôm nay, đừng để hoàn cảnh đuổi xô họ vào chốn lẻ loi, đừng để họ mất quyền tự hào dân tộc.

Gia phả có, là sự bắt đầu trở lại, không hạn chế quá khứ lâu hay mới, nhiều hay ít.

Các họ Việt Nam đang mở rộng cho mọi người cùng một họ trong phạm vi cả nước, là nơi nương tựa tinh thần xác đáng cho những ai chưa biết được tổ tiên mình.

Đảng và Nhà nước đã thấy việc khôi phục lại văn hóa dòng họ là cần thiết. Dòng họ đóng vai trò kết nối, tập họp rộng rãi tình cảm mang tính cùng họ. Dòng họ đã làm cho nhiều người gần lại với nhau, thương mến nhau bằng huyết thống. Tất nhiên mọi người phải có bổn phận vì nhau, thêm một nhân tố mới không chịu mất. Tình yêu quê hương có một  phần là ruột thịt của ta. Tình yêu dòng họ nồng thắm, tinh thần đấu tranh vì quê cha đất tổ càng mãnh liệt.

Về mặt Đảng và Chính quyền khuyến khích xây dựng văn hóa dòng họ là vinh danh truyền thống, là đền ơn các tiền nhân đã dành lại cho tổ quốc hạt giống dân tộc. Tôi (Thượng tướng) ủng hộ hết mình Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM, một tổ chức tiên phong góp phần trực tiếp gầy dựng lại cho hoàn hảo hệ thống dòng họ, thể hiện tính thiêng liêng và có tính nhân văn sâu sắc.

Dòng họ Việt Nam đã đóng góp cho đất nước một phần rất lớn, mọi thế hệ phải nhận thức đầy đủ để phát triển dòng họ, không những lớn mạnh mà còn phải hào hùng. 

Trần Văn Đường (TTNC&THGP TP HCM ghi)
(Bài đã được Thượng trướng Phan Trung Kiên đọc duyệt và đồng ý cho đăng báo)

     (GP: 22-02-2011)

           Luật đời hai ngả

           Sinh - tử là luật tự nhiên,

           Do ông Tạo hóa dành cho muôn loài.

           Lên xuống là chuyện thế thời,

           Vận mệnh do đạo với đời giao thoa.

           Ra -  vào là chuyện của ta,

           Vào ra hai ngả mới ra Luật đời!

           (Thượng Tướng, Anh hùng PHAN TRUNG KIÊN)

            Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2010