Trang chủ > 'Việc họ' trong quan hệ với 'việc nhà' và 'việc nước'

'Việc họ' trong quan hệ với 'việc nhà' và 'việc nước'

03/10/2024 11:11:16

Tham luận của Tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng viết cho Tọa đàm khoa học với chủ đề “Việc họ” do Viện Lịch sử Dòng họ tổ chức ngày 28/6/2024, tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM (5 Nam Quốc Cang, Q.1).

Mối quan hệ của gia đình, dòng họ với việc làng, việc nước ở Việt Nam trước  nay vẫn là vấn đề hệ trọng cả trong nhận thức chính trị - xã hội, trong các quan điểm chính thống cũng như trong thực tế đời sống dân gian mọi thời. Tuy nhiên, cái nhìn xuyên suốt thấu đáo đối với vấn đề vẫn có thể còn nhiều điều phải tiếp tục trao đổi.   

TS Huỳnh Quốc Thắng 

1. Học giả Đào Duy Anh trước đây từng nêu ý kiến rằng: “Gia tộc Việt Nam xưa nay có hai bực một là nhà, hay tiểu gia đình, gồm vợ chồng cha mẹ và con cái, hai là họ, hay là đại gia đình, gồm cả đàn ông đàn bà cùng một ông tổ sinh ra, kể cả người chết và người sống” (Đào Duy Anh, 1938: 106 - 107). Theo đó, “việc nhà” là những gì liên quan đến “tiểu gia đình” bao gồm vợ chồng cùng với các con mà ngày nay người ta thường gọi đó là “gia đình hạt nhân”, tức mô hình xã hội được hình thành bởi quan hệ hôn nhân (theo luật và lệ) và quan hệ huyết thống (theo gien di truyền) là chủ yếu. Còn “việc họ” tức những gì thuộc về “đại gia đình” với mối quan hệ huyết thống của các thế hệ con cháu của “cùng một ông tổ sinh ra”. Như vậy, “việc nhà” cùng với “việc họ”, bao gồm những người đang sống và cả những người đã chết trong mối quan hệ huyết thống với nhau sẽ tạo thành “gia tộc” (hay “dòng tộc”) hay nói cách khác, “gia tộc/dòng tộc” gồm cả “việc nhà” lẫn “việc họ”. 

2. Như đã nói, “việc họ” về bản chất là việc của “đại gia đình” liên quan bà con họ hàng tuy vượt ra khỏi quy mô “tiểu gia đình” (gia đình hạt nhân) nhưng vẫn có quan hệ “huyết thống” tức về bản chất vẫn là thuộc “việc nhà”. Từ thực tế lịch sử dựng nước và giữ nước lâu dài, người Việt Nam thường đề cao mối quan hệ “Nhà - Làng - Nước” tức ngoài gia đình và dòng họ, quan trọng hơn đó còn là quan hệ láng giềng (Làng) và quan hệ quốc gia, dân tộc (Nước). Một minh chứng cho mối quan hệ “Nhà - Làng - Nước” theo hướng như vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có thể được xem là nét gạch nối quan trọng giữa văn hóa gia đình, dòng họ với văn hóa dân tộc: Bàn thờ gia tiên trong từng gia đình (tổ tiên thuộc dòng tộc); Đình thờ thần Thành hoàng trong làng (tổ tiên thuộc cộng đồng làng, xã); Đền, lăng, miếu thờ các anh hùng (liệt sĩ), thờ vua Hùng trong khắp cả nước (tổ tiên thuộc cộng đồng dân tộc)…(Huỳnh Quốc Thắng, 2007: tr. 126). 

3. Ngoài ra, người Việt Nam trước nay còn hay nói về mối quan hệ “trong họ” (huyết thống) và “ngoài làng” (láng giềng) với tâm thức truyền thống vẫn luôn đề cao tinh thần “Bán bà con xa mua láng giềng gần” theo nghĩa “việc họ” hay “việc nhà” (quan hệ huyết thống) không thể lớn bằng “việc làng” (quan hệ láng giềng, mở rộng ra là quan hệ quốc gia, dân tộc tức đồng nghĩa với “việc nước”). Đây là những vấn đề thuộc về chiều sâu của truyền thống văn hóa Việt Nam có liên quan các nguyên nhân lịch sử - văn hóa lâu đời.

Thông thường, trong xã hội phong kiến nông nghiệp cổ truyền ngàn năm ở các nước phương Đông trong đó có Việt Nam, do ảnh hưởng Nho giáo cùng nhiều lý do xã hội khác, thời bình người ta thường lấy “huyết thống” làm trọng tức lấy chủ nghĩa gia tộc “con dòng cháu giống” (tức yếu tố “gien” di truyền về sinh học và về văn hóa) làm gốc. Do hoàn cảnh hàng ngàn năm lịch sử phải liên tục đối đầu với giặc ngoại xâm, thậm chí có lúc mất nước hàng trăm năm hoặc dài hơn, trước nguy cơ “quốc phá gia vong” (nước mất nhà tan) thì cả “việc nhà” và “việc họ” đều thường phải bị bỏ qua để tất cả vì “việc nước” mà chủ yếu đó là lo “đánh giặc cứu nước” (gồm cả cứu “làng”, cứu “nhà” trong đó)…

Thực tế lịch sử xưa nay từng có nhiều minh chứng rõ về điều này, chẳng hạn: Thái hậu Dương Vân Nga thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ IX - X) đã hy sinh lợi ích gia đình để nhường ngôi vua của con cho Lê Hoàn nhằm chống giặc Tống; Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn thời Trần (thế kỷ XIII) vượt qua những mâu thuẫn gia tộc để tất cả vì sự nghiệp chống giặc Nguyên – Mông…; kể cả cho đến trong lịch sử hiện đại  hàng ngàn “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” hy sinh chồng con của mình cho sự thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống thực dân, đế quốc…tất cả đều góp phần khẳng định truyền thống lớn cùng đấu tranh giữ gìn, xây dựng quê hương đất nước như một nét bản sắc văn hóa quan trọng của “đại gia đình” dân tộc Việt Nam xưa nay.

4. Cho đến nay, trong công cuộc xây dựng xã hội mới và chế độ mới, xử lý  mối quan hệ “Nhà - Làng - Nước” theo hướng phát huy những truyền thống vốn có như đã nói ở trên vẫn là một trong những vấn đề lớn. Chẳng hạn, thực hiện nguyên tắc tổ chức của Đảng, của Nhà nước, việc luân chuyển cán bộ ở các cơ quan ban ngành cấp trung ương và địa phương đi xuống cơ sở hoặc đến công tác ở các địa phương khác phải chăng chính là vì sự rèn luyện thử thách cần thiết nhằm khắc phục sự “cục bộ địa phương” đồng thời tránh cả sự chi phối của “chủ nghĩa gia tộc”?!

Tương tự, việc quyết liệt chống tệ nạn tham ô, hối lộ và khắc phục mặt trái của “kinh tế thị trường” theo kiểu “tự do tư bản chủ nghĩa” len lõi tác động cả vào nội bộ Đảng Cộng sản đưa đến hệ quả làm hư hỏng một số cán bộ đảng viên vì chạy theo lợi ích cá nhân mà quên cả “việc nước” (ở đây là lợi ích chung của xã hội) lẫn “việc họ” (ở đây là danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, của tổ tiên mình…). Cũng theo hướng ấy, xây dựng và tuân thủ chế độ xã hội theo “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ở đây phải chăng cũng chính là nhằm góp phần tích cực phát huy tính thống nhất (không có mâu thuẫn) giữa “việc họ” (gồm cả “việc nhà”) với “việc nước” như đã nói (?)…  

5. Từ đó nhìn rộng và sâu hơn, gia đình trước sau vẫn là những thiết chế nền tảng tồn tại và phát triển với tư cách là một “tế bào” của đời sống xã hội mang những vốn văn hóa truyền thống có tính gốc rễ của dân tộc mà lịch sử xã hội nông nghiệp cổ truyền Việt Nam hàng ngàn năm qua đã từng xác lập và cho đến nay về cơ bản nó vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa ngày càng phát triển, các mối quan hệ gia đình, dòng họ ngày càng trở nên lỏng lẻo, xây dựng văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ thực sự là một trong những vấn đề còn nhiều tồn tại.

Trên thực tế nhiều gia đình, dòng họ cả ở đô thị lẫn nông thôn vẫn còn gặp nhiều mâu thuẫn, xung đột giữa vợ - chồng (nam – nữ) và giữa các thế hệ (cha mẹ, ông bà - con cháu) mà về thực chất đó là sự “giằng xé” giữa những giá trị gia đình truyền thống với những xu thế mới của xã hội hiện đại. Nhiều nếp sinh hoạt văn hóa tổ chức gia đình, dòng họ ở nông thôn như ma chay, cưới xin, giỗ họ cho tới xây dựng gia phả, nhà từ đường…vẫn có thể có những mâu thuẫn ảnh hưởng đến đoàn kết gia đình, dòng họ hoặc ngược lại là sự phát triển của chủ nghĩa gia đình, dòng họ cục bộ cùng các tệ nạn khác…Tình hình hoạt động nhiều hội đồng hương, tổ chức họ, tộc và thực hành gia phả v.v…nở rộ ở khắp nơi trong cả nước mặc dù có những nỗ lực tâm huyết của một số cá nhân, tập thể nhưng nhìn trên tổng thể vẫn là còn mang nhiều tính tự phát…

6. Do yêu cầu thực tiễn của đất nước, các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021 đã bước đầu định hướng việc xây dựng Hệ giá trị gia đình và Chuẩn mực con người Việt Nam bên cạnh Hệ giá trị văn hóa và Hệ giá trị quốc gia trong thời đại mới...Đến nay qua nhiều cuộc sinh hoạt khoa học nghiêm túc, Hệ giá trị gia đình đã được xác định gồm 4 giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; bên cạnh đó là Hệ giá trị con người Việt Nam gồm 8 giá trị chủ yếu: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Tất cả cùng hướng đến Hệ giá trị văn hóa với 4 giá trị nền tảng: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học và Hệ giá trị quốc gia gồm 9 giá trị cơ bản: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc (Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, 2024).

Theo đó, văn hóa gia đình, dòng họ với những vấn đề lớn liên quan như xây dựng ngành Gia đình học, Gia phả học, củng cố và phát huy các cơ quan nghiên cứu như Viện Lịch sử Dòng họ, Trung tâm Thực hành Gia phả .v.v…là những việc có ý nghĩa chiến lược. Nó không chỉ nhằm khẳng định truyền thống từng gia đình dòng họ mà còn là nhằm góp phần củng cố đại gia đình Tổ quốc các dân tộc Việt Nam trong quá trình hội nhập toàn cầu hóa hiện nay. Cũng từ đó, trong bối cảnh thời đại ngày nay, tất yếu “việc họ” hay “việc nhà” và “việc nước” sẽ tiến tới gồm cả “việc của nhân loại” (tức mối quan hệ và tình hữu ái quốc tế) và không có gì mâu thuẫn giữa các “việc” đó…  

Qua những gì đã nêu, tất cả minh chứng rằng gia đình, dòng họ/gia tộc tức “việc nhà” và “việc họ” có thể vừa là một môi trường lưu giữ các giá trị truyền thống, vừa là nền tảng mang tính chức năng có tác động tích cực hoặc tiêu cực đối với đời sống văn hóa, kinh tế – xã hội của đất nước, tức với “việc nước” nói chung. Ngược lại, mọi chuyển động của xã hội và đất nước cũng có thể gây ảnh hưởng nhất định đối với sự tồn tại, phát triển của bản thân từng gia đình, dòng họ/gia tộc. Điều đó càng khẳng định rõ ràng rằng: Văn hóa gia đình dòng họ đặc biệt thể hiện qua mối quan hệ “việc họ” với “việc nhà” và “việc nước” là một nội dung quan trọng của vấn đề xây dựng đất nước hiện tại cũng như trong tương lai. Theo ý nghĩa đó, những nỗ lực nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tế vì văn hóa gia đình, dòng họ trong mối quan hệ với đại cuộc xây dựng văn hóa dân tộc, phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay và sắp tới đây là thực sự cấp thiết ./.               

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương (2024), Hệ giá trị quốc gia - Hệ giá trị văn hóa - Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

2. Đào Duy Anh, 1938, Việt Nam văn hóa sử cương. NXB Bốn Phương.

3. Huỳnh Quốc Thắng (2007), Quan hệ văn hóa gia đình - dòng họ và văn hóa dân tộc ở Việt Nam,  Kỷ yếu hội thảo “Văn hoá gia đình dòng họ và gia phả Việt Nam”, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, trang 123 – 130.

4. Huỳnh Quốc Thắng – Huỳnh Tuấn Kiệt (2021), Tâm thức văn hóa dân tộc với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay, Báo Văn hóa, thứ Ba ngày 23/11/2021.-

Huỳnh Quốc Thắng - Huỳnh Tuấn Kiệt