Trang chủ > Tìm hiểu về gia phả của Trung Quốc

Tìm hiểu về gia phả của Trung Quốc

30/09/2024 16:27:28

Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP Hồ Chí Minh giới thiệu đến quý vị bài viết của anh Hoàng Đình Minh (Giám đốc Trung tâm Dịch thuật Hán - Nôm Gia phả); bài viết nghiên cứu về gia phả của Trung Quốc.

Để nghiên cứu lịch sử, văn hóa của một quốc gia, một dân tộc, chúng ta nên bắt đầu từ việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa của các dòng họ, bởi vì gia đình chính là tế bào của xã hội, mà quốc gia là sự tổng hợp của tất cả các gia đình trên vùng đất đó. Trong bài viết này, tôi chỉ tập trung nghiên cứu những tài liệu tiếng Trung về gia phả, riêng những từ vựng nào mà các nhà gia phả học Việt Nam đã thường dùng thì sẽ sử dụng và chú thích thêm để cho người đọc dễ hiểu.

Gia phả là gì?

Gia phả 家 谱 (còn gọi là tộc phả 族 谱, tông phả 宗 谱, thế phả 世 谱, gia thừa 家 乘, tổ phả 祖 谱, phả điệp 谱 牒, hội thông phả 会 通 谱, thống tông phả 统 宗 谱, chi phả 支 谱, phòng phả 房 谱, và phả của vua gọi là ngọc điệp 玉 牒) là 1 cuốn sách ghi chép về sự phát triển dòng dõi của 1 dòng họ qua nhiều đời, nhiều thế hệ, cùng với những sự tích của các nhân vật trong gia đình, nên được xem là 1 loại tài liệu đặc biệt về lịch sử của gia đình, dòng họ của những người cùng huyết thống. Trong tiếng Anh, gia phả chính là lịch sử gia đình (family history). Vì vậy, gia phả đã trờ thành một phần quan trọng của di sản văn hóa và lịch sử.

Hơn nữa, gia phả còn là loại tài liệu nhân văn quý giá, rất có ích cho việc nghiên cứu về lịch sử, phong tục dân gian, nhân khẩu học, xã hội học và kinh tế học. Nhưng do chiến tranh, giặc ngoại xâm, và sự thay đổi của nhà cầm quyền, nên những quyển gia phả lưu truyền lâu đời đã dần dần mất hết, nhiều phả hệ của các dòng họ đã bị đứt đoạn.

Dòng họ là gì?

Trong xã hội nguyên thủy của loài người, con người đã biết sống thành từng hộ, từng nhà tại một nơi nào đó, được gọi là gia đình, bao gồm từ 2 đời trở lên: cha mẹ và con cái; gia đình lớn có thể là 5, 6 đời ở chung; rồi nhiều hộ gia đình trong một vùng, một khu vực tạo thành một thị tộc, mỗi thị tộc được đặt ra 1 cái tên riêng để phân biệt thị tộc này với thị tộc khác bằng chữ Thị (氏), như Trần thị, Hữu Hổ thị...

Thị (tên của thị tộc) được đặt theo vật tổ (còn gọi là đồ đằng 图 腾), biểu tượng, hoặc tên đất được ban tặng của thị tộc, nên có thể thay đổi đối với từng người, khi di cư từ nơi này đến nơi khác, hoặc thị tộc mình bị thị tộc khác thôn tính, tiêu diệt, Thị cũng được hiểu là họ, nhưng họ, tiếng Hán là tính 姓, ít thay đổi hơn, trừ trường hợp đặc biệt, như trốn chạy sự truy sát của kẻ thù, hoặc lệnh tru di, truy nã của nhà cầm quyền.

Thời xưa, người đứng đầu 1 thị tộc gọi là tộc trưởng 族 長, hoặc tù trưởng 酋 長, có nhiều quyền để quản lý các thành viên trong thị tộc, kể cả quyền sinh sát. Dần dần thị tộc phát triển lớn mạnh, trở thành 1 nước, 1 quốc gia. Ngày nay người đứng đầu 1 chi họ tại 1 địa phương được gọi là tông trưởng 宗 長.

Lịch sử phát triển của gia phả Trung Quốc

Trước thời nhà Tống, gia phả, tộc phả chỉ gói gọn trong qui mô nhỏ của 1 gia đình, cách dựng phả này được gọi là “Tiểu tông chi pháp 小 宗 之 法”.Gia phả thời đó là căn cứ để lựa chọn quan lại các cấp, tác dụng giống bản sơ yếu lý lịch thời nay. Nhất là khi 2 ứng viên có trình độ học vấn như nhau, ví dụ đều là tú tài hay cử nhân, khi xem gia phả, thì người nào có cha, ông là quan chức lớn hơn, hoặc thân thế là danh gia vọng tộc thì sẽ ưu tiên được chọn.

Việc dựng vợ gả chồng cũng vậy. Do đó gia phả cũng phải có sự xác nhận của quan chức địa phương, kể cả khi sửa đổi, bổ sung gia phả. Cuối thời Tống thì bắt đầu thịnh hành việc dựng phả, sửa phả trong dân gian, phần lớn gia đình có học đều có gia phả. Sang thời nhà Minh, nhà Thanh là giai đoạn gia phả được hoàn thiện và chín muồi, những cuốn gia phả cổ có giá trị đều được biên soạn trong thời kỳ này, đã xuất hiện nhiều thợ làm phả chuyên nghiệp gọi là phả tượng (谱 匠). đồng thời qui mô cũng ngày càng lớn, với sự ra đời của nhiều bộ thống phả 统 谱 của các dòng họ, với hàng trăm đời và hàng vạn người của nhiều thế hệ, nhiều chi, nhánh của 1 dòng họ, như “Ngô thị Đại thống Tông phả 吴 氏 大 统 宗 谱” được biên soạn năm 1950, đã có 503 chi, đóng thành 40 quyển, vì lúc đó việc dựng phả, sửa phả thích dựa vào quan lớn, danh tướng, danh nhân, người nổi tiếng trong dòng tộc để truy tìm nguồn gốc và mối liên hệ, dù có khi không gần huyết thống, do đó, độ tin cậy của các bộ Thống phả này cũng không cao.

Theo thống kê, các thư viện lớn trên thế giới hiện nay đang lưu giữ hơn 40.000 cuốn gia phả chữ Hán của các dòng họ. Còn ở dân gian thì chưa có số liệu thống kê nào.

Nội dung chủ yếu của gia phả

1. Lời tựa 序, tức phả tự 谱 序 hay lời nói đầu 前 言: là phần nội dung không thể thiếu trong các quyển gia phả, tộc phả, kể cả những quyển được trùng tu, chỉnh sửa. Nội dung chủ yếu là người viết phả hay sửa phả của dòng tộc sẽ trình bày lý do 缘 由, quá trình 经 过 viết phả, sửa phả, sự truyền thừa nguồn gốc của gia tộc 家 族 的 渊 源 传 承 và những lý luận về gia phả học 谱 学 理 论. Trong 1 quyền gia phả có thể có nhiều lời tựa do nhiều người viết, kể cả do người ngoài gia tộc viết, từ vài bài đến vài chục bài, ví dụ như trong quyển “Cửu mục Lâm thị Gia thừa 九 牧 林 氏 家 乘” của Phúc Kiến Bồ Điền 福 建 莆 田, có tất cả 24 bài tựa, và “Diên Lăng Ngô thị Tông phả 延 陵 吴 氏 宗 谱” của Tuyền Châu có hơn 50 bài tựa và lời bạt, tổng số chữ đã viết hơn 30,000 chữ; độ dài của mỗi bài tựa có thể từ 1 trang đến vài chục trang giấy khổ A4. 

2. Nguồn gốc của dòng họ (姓 氏 源 流)

Trong bất kỳ cuốn gia phả nào, cũng đều phải nói về nguồn gốc của dòng họ mình, mà ai cũng phải biết rõ tổ tiên đầu tiên của dòng họ mình là ai. Đa số dòng họ của người Trung Quốc đều có từ thời xa xưa, ít nhất là hơn 2.000 năm trước. Ngày nay nhờ có ngành khảo cổ học và khoa học về gen nên việc nghiên cứu và xác định huyết thống cũng được thuận lợi hơn, như việc kiểm tra ADN của con, cháu là xác định được mối quan hệ huyết thống cha, con, ông, cháu một cách dễ dàng, được xem là chứng cứ khoa học để chứng minh mối quan hệ gia đình đã được ghi chép trong Gia phả là đúng hay sai.

Gia phả từ xưa đều làm theo phụ hệ, tức là chỉ tính con trai, con gái thì hoàn toàn không được nhắc đến (Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô), vì tư tưởng trọng nam khinh nữ là đặc sản của chế độ phong kiến, thậm chí các bà vợ quan lớn được triều đình phong hàm, cũng chỉ biết được họ mà không biết được tên. Đến đầu thế kỷ 20 (1907-1910), khi có phong trào giải phóng phụ nữ, thì trong gia phả mới bắt đầu có ghi tên các bà vợ, bà mẹ và các con gái.  

Ở phần này, người ta cũng sẽ trình bày việc di cư, di chuyển chỗ ở của 1 người hay 1 gia đình, với nhiều lý do khác nhau, như tỵ nạn chiến tranh, tha hương cầu thực, thuyên chuyển công tác, thậm chí cả làng cùng di cư, như Tăng Cứ vì không muốn hợp tác với Vương Mãng mà đã từ Sơn Đông, dẫn theo hơn 2.000 người trong làng chạy xuống Lư Lăng (Nam Xương)… Việc di cư, di chuyển của 1 người, 1 gia đình đến 1 địa phương khác, sẽ phát triển thành 1 chi, 1 nhánh của dòng họ. Chi, nhánh đó cũng được gọi là phái 派, có tên gọi riêng, gọi là danh phái 名 派, như: Phái Võ Thành của họ Tăng. 

Trong các gia phả, tộc phả của một số dòng họ ở Trung Quốc, bắt đầu từ thời nhà Tống, người ta thường dùng đến phái 派 (phái 1,2, 3… Phái được hiểu như đời, thế hệ) và Tự bối 字 輩 (chữ lót để đặt tên cho con cháu) hay tự phái 字 派, để phân biệt vai vế trong dòng họ. Tự bối thường được viết thành câu văn, gọi là phái ngữ 派 語, câu thơ hoặc câu liễn từ 5 đến 7 chữ, gọi là tự bối phả 字 輩 譜 hay tự bối thị 字 輩 詩 cho để dễ đọc, dễ nhớ. Ví dụ: Vua Khang Hy, tức Thánh tổ Nhân Hoàng Đế nhà Thanh đã ban cho 4 họ Khổng, Mạnh, Tăng, Nhan, 15 chữ dùng làm tự bối từ đời thứ 63 trở đi: Hoằng Văn Trinh Thượng Diễn (宏 聞 禎 尚 衍), Hưng Dục Truyền Kỷ Quảng (興 毓 傳 紀 廣), Chiêu Hiến Khánh Phồn Tường (昭 憲 慶 繁 祥).       

3. Đường hiệu 堂 號

Đường hiệu 堂 號 là tên riêng của một dòng họ tại một địa phương, là nơi khởi nguồn của dòng họ, thông thường là lấy tên địa phương của một quận, huyện, châu, phủ hay tên tự đặt theo lịch sử, công đức hoặc giáo huấn của tổ tiên, nó trở thành một đầu mối quan trọng để truy tìm tổ tông, như Tam Tỉnh đường của họ Tăng, Giang Hạ đường của họ Huỳnh Hoàng, Tứ Tri đường của họ Dương… Nơi khởi nguồn của thủy tổ gọi là “tổng đường hiệu 总 堂 号”, nơi phát triển ra các nhánh, các chi họ gọi là “phân đường hiệu 分 堂 号”. Tổng đường hiệu và các phân đường hiệu được gọi chung là quận vọng 郡 望. Do đó, có thể một quận vọng trở thành đường hiệu của vài dòng họ khác nhau, ví dụ: Thanh Hà đường là đường hiệu chung của 2 họ: Vương và Hồ.  

4. Bảng thế hệ 世 系 表 (tức là phả hệ)

Đây là phần nội dung quan trọng nhất của gia phả, vì nó nêu ra tất cả các thành viên trong gia đình, từ cha (mẹ) đến các con, cháu. Có thể có ông (bà) và các cháu, chắt, nếu sống chung trong 1 căn nhà, nhiều nhất là 5 đời. 

Ở phần phả hệ phải ghi rõ ràng và đầy đủ các thông tin của từng thành viên trong gia đình, từ cao đến thấp, bao gồm: họ tên, ngày sinh, nơi sinh, ngày mất, nơi chôn cất, trình độ học vấn, nơi ở và đã di cư đến các nơi nào, làm chức quan hay nghề gì, ở đâu, người hôn phối là ai, có bao nhiêu con cái, … Có thể mô tả đặc điểm về tính cách, cá tính, công trạng, thành tích, nơi chôn cất, và tóm tắt sự nghiệp của người đó…

Về tên của một người, có thể có nhiều tên gọi khác nhau như: tên (danh 名, thường là tên gọi do cha mẹ đặt ra trên giấy tờ), tự 字 (tên được tự mình hoặc người khác đặt thêm), hiệu 號 (tên hiệu do mình tự đặt gọi là hiệu, do người khác đặt gọi là biệt hiệu 別 號), tên thụy 謚 (tên được người khác đặt cho vua, quan, quý tộc sau khi chết), tên húy 諱 (tức là tên cúng cơm, tên của người đã mất, con cháu không được gọi tên húy ông bà, cha mẹ để tỏ lòng thành kính, gọi là kỵ húy 忌 諱), tên phả 譜 名 (tức phả danh, là tên gọi theo gia phả)…

5. Lời bạt tức bạt ngữ 跋 語, gọi tắt là bạt 跋: là một bài văn viết ở phần cuối của một quyển sách hay gia phả. Nội dung viết trong lời bạt thường là những nhận xét, đánh giá 評 價 mang tính khảo cứu 考 據 hay giám định 鑑 定, cũng có khi là một câu chúc tụng, từ 4 đến 8 chữ, được gọi là đề bạt 題 跋, Ví dụ: Một đề bạt trong Vũ Thành Tăng thị trùng tu tộc phả của 1 quan chức họ Tăng với 4 chữ: 

Tố nguyên trạch hậu: Truy tìm nguồn gốc tổ tiên, tạo phước cho đời sau

6. Gia huấn 家 訓

Gia huấn cũng là phần nội dung quan trọng trong các cuốn gia phả, tộc phả, vì tác dụng của phần này là giáo dục truyền thống của dòng họ, gia tộc. Nội dung trong phần gia huấn của các dòng họ thường là nói đến gia pháp, quốc pháp, hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận với anh chị em, bà con, láng giềng, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên.

7. Gia truyện 家 傳

Muốn tìm hiểu sâu về lịch sử và công trạng, thành tích của một người có danh tiếng trong gia tộc, người ta thường phải đọc gia truyện 家 傳 (câu chuyện của gia đình), dưới hình thức truyện ký, giống như nhật ký, hồi ký của ngày nay. Trước thời nhà Minh, người ta viết gia truyện bên ngoài cuốn gia phả, tộc phả. Sau đó có người đã nhập chung gia truyện vào gia phả. Công trạng có thể bao gồm: sự cống hiến cho quốc gia, dân tộc, địa phương; thành tích có thể là việc bỏ tiền ra xây mộ cho tổ tiên, xây từ đường cho dòng họ… Có 3 loại gia truyện: liệt truyện 列 傳 (là truyện ký ghi chép về công trạng, thành tích của người nam), nội truyện 内 傳 (viết về phẩm hạnh của người nữ), ngoại truyện 外 傳 (viết về phẩm hạnh của người nữ đã xuất giá). Trong các gia truyện thường có hình vẽ, ảnh chụp của người trong truyện để thêm sinh động. 

8. Văn chương nghệ thuật 艺 文 著 述:

Ở một số gia phả, tộc phả, người ta còn trình bày thêm một số tác phẩm văn chương nghệ thuật 艺 文 著 述 của người trong dòng họ, dưới nhiều hình thức, như thơ văn 诗 文, câu đối liễn 对 联, tấu sớ 奏 疏, bia ký 碑 记, mộ ký 墓 记,tranh vẽ 版 画, thư pháp 书 法, ca khúc 歌 曲… được gọi là nghệ văn chí 艺 文 志, từ nguyên tập 辞 源 集, văn trưng tập 文 征 集, hàn mặc 翰 墨 (nét mực hàn lâm), truyền phương 传 芳 (truyền lại tiếng thơm)... Vào thời nhà Minh, nội dung của phần này cũng rất phong phú, bao gồm nhiều lĩnh vực, từ lịch sử, văn hóa, đến kinh tế, tôn giáo v.v… Có thể so sánh với sử liệu kinh điển 经 典 史 料.

9. Hình ảnh 图 像:

Trong gia phả chữ viết sẽ luôn là nội dung chính, hình ảnh chỉ là phụ, nhưng nhờ có hình ảnh mà giá trị của gia phả sẽ được tăng lên rất nhiều, gồm có:

a. Hình chụp cũ 老 图 像: những tấm hình chụp cá nhân và gia đình cũ xưa, dù là hình trắng đen, vẫn có giá trị lịch sử rất quý.

b. Hình ảnh của tổ tiên 祖 先 图 像: bao gồm di ảnh 遗 像, hình vẽ chân dung 人 物 画, tranh vẽ 肖 像 画.

c. Bản vẽ về phong thủy 風 水: bao gồm bản vẽ của từ đường và các ngôi mộ, có ghi rõ hướng địa lý, kể cả bản vẽ về hình dáng và kết cấu của vật kiến trúc đó. Vì người ta tin rằng phong thủy sẽ ảnh hưởng đến sự hưng suy 兴 衰 của một gia tộc.

d. Hình ảnh về xóm làng, quê cũ 故 居, 村 庄 图: nhất là trong các gia phả, tộc phả của người giàu có thường đưa vào một số hình ảnh về ngôi nhà 房 舍, sân vườn 庭 院, lầu gác 楼 阁, phòng đọc sách 书 斋 của gia đình mình…

Các hình thức trình bày của phả hệ và phả đồ

Có nhiều hình thức trình bày về phả hệ và phả đồ như sau:

a. Kiểu của Âu Dương Tu 欧 阳 修 式: (do nhà Văn học thời Bắc Tống Âu Dương Tu sáng tác), còn gọi là kiểu hàng ngang 横 行 体, trình bày từ phải sang trái (theo cách viết chữ Hán thời xưa, hiện nay phần lớn các sách, gia phả cũng đã chuyển sang viết từ trái sang phải, giống như viết tiếng Việt, tiếng Anh…), cứ 5 đời là 1 bảng, gọi là 1 phòng hệ 房 系 bên trái ghi tên họ, ngày sinh, phối ngẫu, chức tước, công trạng, thành thích và tóm tắt cuộc đời của từng đời, nơi chôn cất...

Ví dụ: Vũ Thành Tăng thị trùng tu tộc phả đã dùng hình thức này như sau:

Lưu ý: Khi trình bày bằng tiếng Việt, sẽ viết từ trái sang phải (như hình trên).

b. Kiểu bảo tháp 宝 塔 式: tên người của các đời được sắp xếp từ trên xuống dưới, giống như 1 cái tháp, liên kết các đời qua những đường thẳng đứng và những đường nằm ngang, và đường thẳng đứng luôn ngay điểm giữa của đường nằm ngang. Đường thẳng đứng là quan hệ cha, con, đường nằm ngang là quan hệ anh em, xem ví dụ ở phả đồ dưới đây:

Ghi chú: Gia đình đông con thì trong 1 trang giấy sẽ không đủ ghi hết 3 đời. Như vậy sẽ rất khó phân biệt được mối quan hệ trong dòng tộc của nhiều thế hệ.

Sau này, người ta đã cải tiến kiểu bảo tháp với những hình chữ nhật để ghi tên các đời, những đường thẳng đứng sửa thành những mũi tên để phân trực hệ. Xem ví dụ ở dưới:

c. Kiểu của Tô Tuân 苏 洵 式 (do một nhà văn thời Bắc Tống tên là Tô Tuân sáng tác), còn gọi là kiểu châu thòng 垂 珠 体 hay sơ đồ tơ thòng 垂 丝 图, chủ yếu chỉ trình bày họ tên, kể cả người vợ, nếu có, không ghi được nhiều thông tin cá nhân của 1 đời, không có đường cách ngang để phân chia rõ từng đời, sắp xếp thứ tự trước sau từ phải sang trái. Hình thức trình bày này cũng được gọi là phả đồ.

Ví dụ: Phả đồ của họ Vương (phần tiếng Việt trình bày từ trái sang phải):

Ghi chú: hình que với đầu que có chấm tròn (hạt châu) hay không có chấm tròn cũng được. 

d. Kiểu thông điệp 牒 记 式: là không dùng các đường thẳng để liên kết các thế hệ mà toàn dùng chữ viết để mô tả các mối quan hệ trước và sau, với đầy đủ thông tin cá nhân của người đó.

Ví dụ:  Chi tiết 2 đời 54 và 55 trong “Vũ Thành Tăng thị trùng tu tộc phả” như sau:

Đời 54 : Con thứ 3 của Tường Cát là Tăng Hậu Hưng (曾 厚 䕟)

Lấy vợ họ Lý, sinh 1 con trai tên là Lưu Thuế 留 税. Chôn cùng vợ ở bên trái mộ Ngưu Nã Đường. 

Đời 55: Con trai của Hậu Hưng là Tăng Lưu Thuế (曾 留 税)

Lấy vợ họ Hoàng, sinh 4 con trai tên: Đế Ninh 帝 宁, Đế Dưỡng 帝 养, Đế Thông 帝 聰, Đế Xương 帝 昌. Cùng vợ họ Hoàng chôn chung ở Thiên Tâm Đường, Long Đàm.

e. Phả đồ hình cây 树 状 图 (genealogical tree): gọi tắt là cây gia phả (family tree), thường lấy hình ảnh của một cây cổ thụ làm nền, tổ tiên ghi ở phần dưới gốc cây, con cháu ghi ở phần trên các tán cây, nhánh cây hoặc ngược lại, từ trên xuống dưới. Phả đồ này chỉ thích hợp cho gia đình có ít người.

f. Phả đồ hình ảnh 家 谱 图 像: dạng này chủ yếu là dùng hình chụp cá nhân gắn với tên họ của từng người. Phả đồ này cũng chỉ thích hợp với gia đình có ít người. Xem ví dụ ở hình dưới.

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ máy tính, người ta đã tạo ra các phần mềm chuyên dụng cho việc dựng phả, đã thiết kế ra nhiều dạng phả đồ với các hình ảnh đẹp mắt và tự động cập nhật các thông tin cần thiết.

Nội dung nêu trên là những nghiên cứu ban đầu về gia phả, tộc phả của Trung Quốc. Trong đó không có phần Phả ký và phần Ngoại phả như trong gia phả của Việt Nam. Có thể Lời nói đầu hay Lời tựa đã thay thế cho phần Phả ký.

Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các nhà gia phả học Việt Nam.

--------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. 武 城 曾 氏 重 修 族 譜 (Vũ Thành Tăng thị trùng tu tộc phả - 14 quyển, 3.692 trang).

2. https://zh.wikipedia.org/zh-hans/ 家 谱 (gia phả).

3. http://s_www.hxzpw.net/help.aspx?id=1850&pid=44

华 夏 宗 谱 网: 编 修 家 谱 必 懂 的 七 大 内 容 (Mạng Tông phả Hoa Hạ: 7 nội dung lớn cần biết khi dựng phả, sừa phả).

Hoàng Đình Minh
Trung tâm Dịch thuật Hán - Nôm Gia phả