Việc họ và việc cộng đồng
25/08/2024 19:46:13Tham luận của TS Hoàng Văn Lễ viết cho Tọa đàm khoa học với chủ đề “Việc họ” do Viện Lịch sử Dòng họ tổ chức ngày 28/6/2024, tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM (5 Nam Quốc Cang, Q.1).
Việc họ, là việc trong hoạt động, trong sinh hoạt của mỗi người trước các quan hệ xã hội có tính huyết thống, từ gia đình hạt nhân đến cả họ tộc, từ nhà đến cả nước… Do đó việc họ rất cụ thể, giàu cảm xúc, có ý nghĩa văn hóa lịch sử, có giá trị riêng có và khái quát truyền thống cộng đồng dân tộc.
1. Vài nhận xét về khái niệm
Việc họ là việc diễn ra ở các dòng họ, nhất là các họ có số lượng dân cư đông, hình thành tự nguyện từ vài người đến nhóm nhỏ lớn, hợp cộng sức dựng lên, người và nhóm đại diện, khi thấm đủ “duyên tình” họ hàng lập Ban Liên lạc (lâm thời), tổ chức Đại hội thành lập Ban Liên lạc hoặc Hội đồng dòng họ, tiếp tục kiện toàn và mở rộng hoạt động.
Việc họ rất cụ thể và phong phú ở gia đình, là chi họ; sinh hoạt trong gia đình tuân thủ và tiếp thu mức độ nào đó về văn hóa cổ truyền kết nối với thời đại, phần lớn gia đình hạt nhân tiếp nhận họ hàng thân tộc nội ngoại rất tự nhiên, song cũng có gia đình không gắn kết với họ hàng, thậm chí “hờn giận” né tránh việc dòng họ. Do đó Việc họ của chi họ, của từng gia đình được xét trên luật pháp qui định là chủ yếu, gắn bó huyết thống họ hàng theo nhận thức và khả năng thực tế của từng gia đình.
Việc cộng đồng là việc của một nhóm người, nhóm việc nhằm vào một mục tiêu nào đó có tác động đến hầu hết thành viên của nhóm. Chẳng hạn như: trước đây có “việc làng”, nay là việc đoàn thể cơ sở lo các việc trong cộng đồng xã phường; riêng “việc họ” là công việc liên quan đến dòng họ, từ trong một gia đình hạt nhân đến tộc họ, tộc họ mở rộng (trực hệ và bàng hệ)…
Việc họ liên đới với việc xóm ấp, việc xã phường nơi cư trú. Qui mô lớn bậc nhất là việc nước, lớn hơn nữa là việc ngoài nước (cộng đồng thế giới). Việc họ có một trọng tâm là công ăn việc làm của con cháu trong họ, tạm gọi là “việc làm” hay công việc nghề nghiệp cụ thể, mọi người có việc làm đúng đắn, gia đình nhờ, dòng họ an lành, xã hội yên vui. Mỗi người phải qua đào tạo, nhất là lớp thanh thiếu niên, nên “việc học” rất gắn kết với việc họ, học tập văn hóa để sớm thành người xứng đáng, học nghề nghiệp để nuôi thân, lo cho gia đình, lo cho cộng đồng xã hội phồn vinh.
Lo cho gia đình không chỉ lo ăn ở, sinh hoạt mà còn lo cho tương lai con cháu là trọng yếu, đó lại là “việc nhà”, nên chăng việc họ bắt đầu từ việc nhà, gia đình có an lành, thì việc họ, việc làng, việc nước mới bền vững. Những mối quan hệ cơ bản nêu trên cần được khảo sát khoa học và rất thực tế trong cuộc sống gia đình và xã hội.
2. Các mối quan hệ hữu cơ
2.1. Việc họ và việc nhà: Việc nhà là việc vợ chồng con cái. Trong gia đình trẻ, việc nhà cuốn hút hết quỹ thời gian, có khi lấn sang việc làm (nơi tạo nguồn thu nhập nuôi sống gia đình). Do đó lớp thanh niên chỉ lo việc họ ở những thời khắc nhất định mà thôi; đó là các việc “quan, hôn, tang, tế”.
Ngày nay việc “quan” mừng con đến tuổi trưởng thành, được ghi tên hiệu vào gia phả (con trai), con gái đến tuổi gả chồng, không còn thực tế ràng buộc nữa; nhưng việc dự lễ cưới trong anh em họ tộc luôn là việc rất được mọi người, trong đó có lớp trẻ quan tâm, có thể từ thân vui lẫn chút ít tâm tư họ hàng huyết thống.
Gia đình trung niên nhất là gia đình cao tuổi, việc nhà là việc quan sát, nhận xét các mối quan hệ trong nhà, nhất là phải xử lý các mắc mứu, lấn cấn trong từng mối quan hệ (vợ chồng, cha mẹ với con đẻ, con dâu, con rể; ông bà cháu…). Các mắc mứu này không phải dễ nhìn ra và dễ xử lý, sao cho có trên có dưới trong đại gia đình, lại phải phát huy dân chủ của từng thành viên, gần như gia đình nào cũng phải quan tâm thấu đáo.
Việc tang ma là việc chẳng ai trông đợi, nhưng người thân mất đi phần lớn là không lường trước, chỉ những vị đại thọ sức khỏe không còn bình thường, con cháu mới nghĩ tới việc ra đi của người này. Việc tang ma rất có ý thức ràng buộc, viếng đám tang, đám hiếu (có thể trong lòng không thuận) luôn được thực hiện với câu nói cửa miệng “nghĩa tử là nghĩa tận”.
Việc cúng giỗ có tác động theo mức độ huyết thống và sự thân cận, gắn kết hàng ngày, ngày giỗ cha, giỗ mẹ không ai xao lãng, kể cả phường đạo tặc cũng thường nhớ những ngày giỗ này; giỗ ông bà có cự ly xa hơn; giỗ tổ họ càng xa hơn nữa; nhưng không phải là hoàn toàn không tưởng nhớ, luôn quay về nhớ cội nguồn. Việc này gia phả họ tộc có tác dụng nhắc nhở con cháu đáng kể nhất.
Tất cả các gia đình đều phải lo việc nhà. Trước hết chỗ ở, nhà là nơi trú ngụ căn cơ nhất. Quan niệm dựng nhà rất khác nhau ở các vùng miền, và khác nhau ở từng hộ hạt nhân với khả năng tài chính riêng có của mình… Có người thích nhà cao cửa rộng, nhưng có người thích phiêu lưu; có nơi làm nhà kiên cố để tương xứng với danh gia vọng tộc của mình, nhưng có khi là để phòng chống bão giông của miền đất “sáng chống bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Người thích phiêu lưu, hay di chuyển hoặc việc làm có yếu tố bí ẩn, thường không chú trọng việc làm nhà để tránh ràng buộc khi hành động. Nhìn chung nhà vẫn là nơi thường trú căn bản nhất.
Việc nhà là việc làm nhà, là việc hệ trọng bậc nhất của mọi gia đình.
Việc giáo dục con trẻ là việc hệ trọng khác trong việc nhà, sự phân công tự nhiên của gia đình trước đây: người chồng, người cha lo sự nghiệp chung cho gia đình, là trụ cột kinh tế và có tiếng nói quyết định trong dạy dỗ vợ con; người vợ lo sân sau, hậu cần, chăm sóc cặn kẽ các con từ trẻ thơ đến trưởng thành, nên có câu “con hư tại mẹ”, câu chỉ trích khi người mẹ quá nuông chiều con mà sinh hư; nhưng con nên lại là công của toàn gia đình và xã hội, “công cha nghĩa mẹ ơn thầy”.
Xã hội ngày nay việc phân công khác đi rất nhiều, phụ thuộc từng gia đình. Có người mẹ thành công lớn trong việc xã hội, làm trụ cột kinh tế và chủ đạo chuyện nhà; người cha thuần chuyên môn nghề nghiệp (như thầy thuốc, thầy giáo…), nhưng người cha vẫn giữ vị thế người có trọng trách trong việc nhà. Xử lý việc nhà phải hết sức khoa học, về tâm lý và cả tài chính gia đình, phải từ tình thương yêu và sự tôn trọng lẫn nhau trong gia đình mới giữ được hạnh phúc bền lâu; ngược lại là việc ly hôn, nổi lo ngại của xã hội thời nay khi cái trật tự ngày trước không còn ràng buộc nhiều nữa.
2.2. Những việc trọng yếu trong dòng họ như: làm gia phả, dựng nhà từ đường, xây dựng nghĩa trang họ tộc… ít chiếm dụng thời gian của nhóm gia đình trẻ, song họ có thể cống hiến, đóng góp theo khả năng và qua thuyết phục tình cảm huyết thống họ hàng. Các việc này trung tâm là các vị bô lão trong họ, có tâm và tầm với dòng họ đứng ra chủ xướng, có lý có tình và có tính kiên nhẫn mới thành công; đó là thực tiễn tổ chức việc họ ở tầm họ tộc, họ tộc càng lớn, nhiều danh gia càng kết hợp nhiều mặt để thực hiện việc họ trọng yếu như làm nhà từ đường, dựng phả…
Nhà từ đường là là công trình tâm linh của một tộc họ; thờ các vị thủy tổ, nhất là các vị trong các đời liền kề như nội tổ, cố tổ và các vị cả họ sủng ái. Mỗi vị có di ảnh hoặc bài vị đặt trên bàn thờ, đặc biệt là các vị có công với nước, với địa phương, với tộc họ, với gia đình hạt nhân. Các họ tộc lớn ở nước ta hiện nay, đã xây dựng nhà thờ thủy tổ như họ Trần, họ Nguyễn, họ Lê, ho Vũ Võ, họ Đặng, họ Phạm, họ Lưu… Gần đây nhiều họ xây dựng nhà thờ họ với giá trị thật lớn, lên đến vài trăm tỷ đồng, như họ Bùi, họ Trương. Họ Hoàng Huỳnh đang chuẩn bị xây nhà thờ danh nhân. Nhiều chi họ cấp tỉnh thành hoặc liên tỉnh xây dựng nhà từ đường họ tộc và duy trì việc cúng giỗ thường kỳ. Nhà từ đường nhiều họ tộc ở từng chi họ rất phổ biến như ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Nam định (Bắc bộ), đất Trung Trung bộ và Nam bộ cũng rất phổ biến.
Rõ ràng ý thức văn hóa dòng họ thể hiện rất nhất quán về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, “trăm họ” với hàng ngàn việc kính ngưỡng tổ tiên. Một dạng rất phổ cập là bàn thờ gia tiên trong từng nhà, dù chỉ là một kệ thờ nhỏ vài tất vuông trên vách nhà xiêu vẹo. Bàn thờ gia tiên thiết dựng theo “tam sự”, “ngũ sự”; họ danh gia và nhà từ đường họ tộc mới dựng “thất sự”; tức là trên bàn thờ hoặc ngai thờ: giữa là ảnh hoặc bài vị, bên phải bàn thờ là bình hoa, còn bên trái là mâm quả, ngũ sự thêm cặp đèn khắc chạm đẹp, thất sự thêm cặp chim công; phía dưới là các thú biểu tượng như ngựa, hổ và vũ khí xưa... Rõ ràng việc thờ tự có ý nghĩa văn hóa truyền thống nhất định trong từng gia đình, dòng họ.
Gia phả của từng dòng họ, từng chi họ ngày càng được chú ý thực hiện, qua rồi thời chiến khi mà thân mạng còn chưa chắc giữ được, việc giữ gìn gia phả phải vượt qua thử thách khắc nghiệt; nên nhiều họ tộc, chi họ thất lạc gia phả, sự nuối tiếc khôn nguôi; nay kết nối lại họ tộc hướng về cội nguồn dựng lại gia phả họ tộc mình. Ngày nay tìm kiếm phả hệ trên dưới 5-7 đời không còn bế tắt nữa, dựng phả từ vị tổ đời 1, đến nơi lập nghiệp, làm ăn sinh sống, sinh con nối dòng họ tộc diễn ra thuận lợi; các con cháu hướng về tổ phụ chép gia phả để nhắc nhở con cháu. Phục dựng nét văn hóa dòng họ này không chỉ vì đạo lý “uống nước nhớ nguồn” mà còn góp phần củng cố nền tảng hạnh phục gia đình hiện tại. Nhiều ban liên lạc hay hội đồng họ tộc rất quan tâm và khuyến khích các chi họ dựng phả, làm tài liệu dạy dỗ con cháu, giữ nếp nhà hướng về truyền thống văn hóa của họ tộc. Từ đó, Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả ở Thành phố Hồ Chí Minh, nối tiếp là Viện Lịch sử Dòng họ, đã dựng trên 250 bộ gia phả các chi họ, phần lớn ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận, song có hơn 20 bộ từ các tỉnh miền Trung và miền Bắc xa xôi qua giao dịch hợp đồng dựng phả nghiêm cẩn.
Xây dựng nghĩa trang gia tộc, trước đây phổ biến gọi là “đồng mả” vốn rất đơn sơ trên mảnh đất, doi đất nào đó, rồi chiến tranh làm việc chôn cất tản mạn; nên hiện nay các họ tộc xác lập nghĩa trang nội tộc để qui tập các mộ chôn tản lạc rồi xây lại mộ gia tiên tương xứng, các mộ xếp theo thứ lớp nhất định. Đặc biệt những tấm bia cũ bị sức mẻ, mờ chữ hoặc các di vật tiêu biểu được cố gắng lưu giữ như của báu gia truyền; chẳng hạn như bia đá ghi “Hoàng thị gia huấn” của họ Hoàng làng Văn La (Quảng Ninh) được con cháu hiện nay lấy làm hãnh diện, xem đó là báu vật thiêng liêng sống mãi...
Các danh gia vọng tộc, vốn mộ phần đã hoành tráng nay được tô điểm nổi bật trong khuôn viên nghĩa trang họ tộc, hoặc bề thế hơn nơi chốn cũ. Gần đây, con em đi lưu lạc nước ngoài, đầu tư xây lại mộ phần người thân rất hoành tráng, tốn kém, vừa để biểu thị lòng hiếu thảo lưu tồn, vừa biểu tỏ sự hưng thịnh của chính mình, có thể làm lệch ý nghĩa truyền thống văn hóa dòng họ vì sự phô trương quá đáng…
Đặc biệt nhiều địa phương, nhất là các đô thị, thị xã có quy hoạch phần chôn cất, có qui chế cụ thể; phần đất chôn cất cho từng chi họ ở xã ấp được chỉ rõ, họ tộc bốc mộ các nơi qui tụ về, là đất làng hay đất gia tộc đều có ý nghĩa dựng lại nghĩa trang họ tộc. Tuy vậy, việc chôn cất ở đất nhà, gần nhà ở còn là vấn đề của quản lý chính quyền cơ sở hiện nay
2.3. Việc họ và việc nước: Đây là nội dung đề cao danh nhân yêu nước của từng họ tộc. Các họ đều cố truy tìm trong lịch sử nước nhà, trong gia phả cổ và trong truyền thuyết địa phương để khắc họa vị thủy tổ danh giá của họ tộc mình. Điển hình như: Họ Phạm có ngài Phạm Tu (chữ Hán: 范脩, 476-545) là võ tướng, công thần khai quốc nhà Tiền Lý trong lịch sử Việt Nam. Ông là người có công giúp Lý Bí khởi nghĩa, chống lại quân đô hộ nhà Lương, vào tháng 1 năm 542, lập nên nhà nước Vạn Xuân. Ông là vị danh tướng cả đời vì nước, xả thân cứu nước và mất năm 70 tuổi trong trận chiến đấu lịch sử tại chiến thành vùng cửa sông Tô.
Lịch sử nước nhà ghi công trạng ngài Phạm Tu rất rành mạch. Họ Phạm cúng giỗ ngài Phạm Tu rất trang nghiêm trên nhiều đền thờ cả nước. Họ Vũ Võ suy tôn ngài Vũ Hồn (804-853) có cha là Vũ Huy (武輝), người làng Mã Kỳ, huyện Long Khê, phủ Thường Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc và mẹ là người ấp Mạn Nhuế, huyện Thanh Lâm, thuộc An Nam đô hộ phủ (nay là xã Mạn Nhuế, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương).
Vũ Hồn học rộng tài cao, đỗ tiến sĩ lúc mới 16 tuổi, là người đỗ đại khoa trẻ nhất khoa bảng Trung Quốc. Ông từng giữ các chức quan của nhà Đường: Lễ bộ Tả Thị lang, Đô đài Ngự sử, Giao Châu Thứ sử, rồi An Nam Kinh lược sứ. Vũ Hồn từ quan lúc mới 39 tuổi, lập ấp và dạy học tại vùng đất Lập Trạch, huyện Đường An (làng Mộ Trạch ngày nay).
Các họ tộc khác đều quán triệt trong dòng tộc từ các danh nhân tiêu biểu, trong đó việc đặt tên đường, tên trường học, tên công viên… thường gặp là những danh nhân các họ tộc được người dân ngưỡng mộ và khách du lịch tìm hiểu, như Thánh Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung... Vấn đề này có đánh giá từ cục bộ từng địa phương, từng lãnh vực, từng họ tộc; cự ly có khác nhau vào từng giai đoạn lịch sử, nhất là lúc giao thời giữa hai triều đại, giữa hai chế độ xã hội; nhưng dưới góc nhìn dân tộc và tiến bộ lịch sử, việc ngưỡng mộ danh nhân bớt dần tính cục bộ.
Gần như danh nhân nào xả thân báo quốc đều được tưởng niệm lâu bền trong tâm khảm người dân. Quần chúng là người thẩm định chỉnh chu nhất, nhất là đủ thời gian chín muồi. Ngoài vị thủy tổ, gia phả các họ có rất nhiều danh nhân, không chỉ rạng danh trong họ mà lưu danh trong lịch sử nước nhà. Tất cả tựu trung là chủ nghĩa yêu nước truyền thống, gia phả là tài liệu phổ biến danh nhân nhiều nhất và có tác dụng giáo dục lòng yêu nước của từng dòng họ và toàn dân tộc.
Việc nước ở cơ sở là việc làng, làng là đơn vị hành chính căn cơ, lâu đời nhất ở nước ta, thậm chí có vị thế “phép vua thua lệ làng” khi đoán định những vấn đề văn hóa địa phương hệ trọng, những tập tục riêng có của nơi mình ở. Trong làng có khi chỉ một họ nào đó chi phối, thường thì vài họ chủ xướng, do đó việc làng có lúc là việc họ.
Vì vậy một khía cạnh hạn chế khi tính cục bộ của họ tộc ở cơ sở địa phương chiếm lĩnh, việc họ bàn trước việc chính quyền, áp đặt của các vị đứng đầu họ tộc với con cháu mình, làm cho việc bầu cử và đề ra kế sách thiếu dân chủ; đến khi sai sót bộc lộ, cả họ mang khuyết điểm, hối không kịp. Do đó nên tránh tính cực đoan chỉ thấy họ tộc mình và đề cao quá đáng.
Trong việc làng, giữ gìn truyền thống văn hóa là nền tảng của địa phương, họ tộc nào cũng phải tham gia. Văn hóa đình làng được duy trì lâu đời, có tác dụng lớn, song gần đây, lễ bái đình không còn thu hút nhóm trẻ hơn là “hip-hop”, người cao tuổi hoài cổ và duy trì tín ngưỡng dân gian; sự khác biệt trong tiếp biến văn hóa ngoại nhập thực ra đã hàng ngàn năm, nhưng trào lưu phương Tây diễn ra quyết liệt hơn, nguy cơ có thật, cuộc cạnh tranh đang diễn ra mà văn hóa từ gia đình, dòng họ góp phần quan trọng bậc nhất.
Ngày nay việc làng xã, hay đơn vị hành chính cơ sở của đất nước, có hệ thống chính trị khá chặt chẽ, việc họ động viên con cháu chấp hành đúng pháp luật, tham gia các đoàn thể địa phương, tham gia công tác chính quyền khi được bầu chọn… qua đó phát huy cao nhất việc họ, chắc chắn được dân làng kính trọng, việc họ căn cơ và vẻ vang hàng đầu ở địa phương mình. Vì vậy, chép phả họ tộc, việc làng xã, nhất là việc thiện nguyện luôn được đề cao trong gia phả thời hiện nay vậy.
2.4. Việc họ với chủ trương “khuyến học, khuyến tài” được hầu hết các dòng họ thực hiện trong khả năng có được của mình. Chi phí với tinh thần mọi người cùng đóng góp công sức, thực tế các doanh nhân thành đạt chu tất các chi phí lớn nhất, coi việc tài trợ việc họ là nhân phước báu của chính mình nên chi phí đáng kể. Chi phí cho việc khuyến học dễ thực hiện và có tác dụng nhất thời, chí phí cho khuyến khích tài năng (đạt danh hiệu về văn hóa, thể thao, nghiên cứu khoa học…) theo thực tế diễn ra.
Có việc “khuyến nghiệp” được số ít họ tộc chú ý, đây là việc quan trọng trong việc họ, vì nghề nghiệp quyết định cuộc sống căn cơ nhất, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Định hướng nghề nghiệp là việc nhà mà cha mẹ là người trực tiếp nhất, kế đến là vai trò của chính bản thân thanh thiếu niên, mà tuổi này dễ chạy theo xu hướng có lúc thiếu căn cơ nên cần có định hướng từ cha mẹ, từ ông bà và các vị tiêu biểu trong họ tộc.
Chọn được nghề nghiệp thích hợp rồi, khuyến nghiệp giúp định hướng phát huy việc làm từ khởi nghiệp đến thành đạt, uốn nắn các sai sót nên được phát hiện càng sớm càng tốt, tránh đi vào việc sản xuất kinh doanh sai trái, làm giàu bất chánh thậm chí dẫn đến tù tội. Khuyến nghiệp có thể xem xét dưới nhiều góc độ, với tư duy khoa học và phương châm đạo đức chuẩn mức có thể là việc họ quan trọng bậc nhất của tất cả các dòng họ, ở mọi cấp độ hiện nay.
2.5. Việc họ và các việc cộng đồng khác
Thường việc họ phát động việc thiện nguyện, cứu trợ nơi gặp thiên tai, hoạn nạn; trước hết là giúp người trong họ, sau đến là cả cộng đồng. Việc này các tôn giáo thường huy động và được nhiều người hưởng ứng; có thể nói đạo lý này là điểm son trong văn hóa cộng đồng của nước ta, thậm chí lan rộng ra quốc tế.
Việc họ gắn với việc tâm linh huyền bí; việc cầu đảo tổ tiên đã khuất về vấn kế, vấn an việc họ đã xuất hiện, thậm chí niềm tin phản khoa học, nhưng hướng thiện nên được các vị hội đồng dòng họ thừa nhận. Có họ qua việc được vị tổ báo qua nằm mơ, rồi thờ phượng nghiêm cẩn, có vị tổ báo cả thân tướng, sắc mặt từ đó vẻ hoặc đúc tượng thờ tự. Sư hướng thiện khỏa lấp tính khoa học, có thể là điểm tâm linh huyền bí chăng?
Tóm lại, những việc kê khai trên rất phổ biến ở các chi họ, dòng họ. Tựu trung lại, có chọn lựa trên cơ sở khoa học và tâm lý người thừa kế họ tộc nên diễn biến còn trong thực tế hoạt động. Quá trình xác lập việc họ cần được định hướng từ các nhà quản lý quốc gia, nên chăng bắt đầu từ một văn bản pháp quy của Chính phủ để dần từng bước thành luật pháp, qua đó các họ phát huy cao nhất tính cộng đồng và văn hóa dòng họ hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Các báo cáo hàng năm của Viện Lịch sử Dòng họ và Báo cáo Tổng kết giai đoạn 10 năm, 20 năm, 30 năm của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM.
2. Các Báo cáo Đại hội các họ tộc (họ Vũ - Võ, họ Trương, họ Mạc, họ Hoàng - Huỳnh…), bản tin hoạt động của họ tộc Vũ - Võ, Hoàng - Huỳnh…
TS HOÀNG VĂN LỄ
(Viện trưởng Viện Lich sử Dòng họ)
Các tin cũ
- » Việc họ 25/08/2024 19:41:53
- » Nói chuyện chuyên đề: Gia phả - Khảo luận và thực hành 24/08/2024 19:50:03
- » Lễ giao - nhận gia phả họ Võ ở Nhơn Ninh, Tân Thạnh, Long An 05/07/2024 16:02:57
- » Lễ Trao danh hiệu Nhà gia phả học đợt 2 (2024) 01/07/2024 15:47:34
- » Tọa đàm khoa học 'Việc họ' 28/06/2024 15:45:40
- » Dấu ấn câu lạc bộ Gia Phả Trẻ TP.HCM tại diễn đàn sinh viên nghiên cứu lịch sử Nên thiên sử vàng 09/05/2024 16:00:58
- » Phát hiện mới về đình An Khánh (phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức) 22/04/2024 00:04:58
- » DỊCH VỤ LÀM GIA PHẢ - DỊCH HÁN NÔM RA QUỐC NGỮ 01/01/2024 09:29:47
- » Viện Lịch sử Dòng họ trao danh hiệu Nhà Gia phả học cho 3 nhà nghiên cứu 27/12/2023 14:08:57