Trang chủ > 017. Gia phả họ Huỳnh (phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM)

017. Gia phả họ Huỳnh (phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM)

14/08/2022 21:55:01

Gia phả họ Huỳnh ở phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2004.

“Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ tông”. Đó là ý nghĩa của câu nói người xưa: “Mộc bổn thuỷ nguyên, nhơn sanh hồ tổ”.  Mỗi người sinh ra đều có tổ tiên, ông bà cha mẹ cũng như loài chim trời có đàn, có tổ và mọi dòng sông con suối đều có ngọn nguồn của nó.

Nước có sử ghi lại sự thăng trầm của quốc gia, nhà có phả để ghi lại sự  thịnh suy của dòng họ. Con người Việt Nam chúng ta vốn tôn trọng lễ nghĩa.  Mỗi gia đình dù ở nơi đâu, làm nghề gì, sang hay hèn đều có tổ tiên để thờ phụng, giỗ chạp và thường có gia phả để ghi chép thế thứ, quan hệ thân tộc, năm sinh ngày mất, tập quán gia phong của dòng tộc.  Qua quyển gia phả quý báu này, những thế hệ tiền nhân hiện ra mồn một, con cháu cứ việc soi vào đấy mà suy nghiệm và vun đắp gia phong, giữ gìn đạo nghĩa của tiền nhân trong cuộc sống.

Từ khi vào Nam, họ Huỳnh nhà ta có một bộ gia phả viết do ông Tổ đời II là Huỳnh Văn Lăng dựng vào tháng 9-1944 nhưng đến nay đã thất lạc.  Mọi sự hiểu biết về thân tộc, quan hệ họ hàng chủ yếu được ông bà cha mẹ kể lại.  Vì sợ rằng trong tương lai con cháu họ Huỳnh lớn lên, mải lo toan cuộc sống mà tình nghĩa xao lãng, quan hệ họ hàng ngày một sa sút, giỗ chạp ông bà qua loa, mồ xiêu mả lạc, thì thật đắc tội cùng Ông Bà Tổ tiên. Nghĩ đến, lòng bất giác cảm khái ngậm ngùi và tự hỏi làm thế nào để an tâm cho được.

Do vậy, với sự giúp đỡ của Chi hội Khoa học Lịch sử Gia phả – Hồi ký Thành phố Hồ Chí Minh, tôi - Huỳnh Văn Nở, lớp con cháu đời V – xúc tiến dựng bộ Gia phả họ Huỳnh.

Bộ Gia phả này, trước là ghi lại công đức, hành trạng của Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, ngày tháng giỗ chạp, vị trí của mộ phần…; sau lại như món quà kính dâng Ông Bà Tổ tiên, bày tỏ lòng tri ân báo hiếu.  Đặc biệt, tôi kính dâng lên người mẹ hiền Đỗ Thị Liễu nhân ngày giáp giỗ đầu của mẹ.

Cuộc đời con người sao quá ngắn ngủi và có những nỗi buồn khác nhau và những nỗi đau khác nhau.

Đối với tôi, ngày mà tôi cảm thấy buồn nhất trong đời là ngày 3-5-2003, tức là ngày 3 tháng 4 năm Quý Mùi, vào lúc 5 giờ 10 phút sáng, thời điểm đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời của tôi.  Đó là ngày mẹ tôi ra đi vĩnh viễn, để lại thương nhớ cho chồng, cho con, cho cháu.

Do đó, ý định của tôi làm bộ Gia phả này là để nhớ đến mẹ, ghi lại những chi tiết về cuộc đời của mẹ, cùng với cuộc đời của ông, bà, cha, … để con cháu ngày sau biết được những thăng trầm mà người lớn đã trải qua.

Mẹ tôi đã sớm mồ côi mẹ.  Từ nhỏ, từ thời niên thiếu, một mình mẹ từ Bắc vào Nam để mưu sinh.  Lớn lên, mẹ đã gãy đổ một đời chồng; lúc ấy mẹ đã có hai người con. Theo dòng đời, mẹ bước thêm một bước nữa khi gặp ba.  Và mẹ sinh thêm sáu người con trong đó có tôi.  Chuyện riêng tư ấy, tôi cứ ghi lại, vì “Đèn nhà ai nấy sáng” như tục ngữ đã nêu.

Mẹ tôi, không một lời nào có thể diễn đạt đuợc tấm lòng của mẹ - người mẹ đã hết lòng vì chồng, vì con, vì cháu.  Nặng gánh cơm áo gạo tiền, mẹ đã quên đi những gì cho bản thân của mẹ; tất cả, mẹ chắt chiu để nuôi dạy mấy chị em tôi.  Giờ đây, chúng tôi lớn lên, chúng tôi chưa kịp báo đền ơn nghĩa sinh thành của mẹ, thì mẹ đã vội ra đi.

Trước khi qua đời, mẹ nói rằng : “Căn nhà này ngày xưa là một vùng đất đầm lầy, mẹ với ba cùng chung sức ban ngày đi làm, chiều về đắp nền rồi gầy dựng cho đến ngày hôm nay, không dám ăn, không dám xài, tạo dựng ra nó.  Ba mẹ muốn các con, chị em ở chung với nhau để người ngoài không ai ăn hiếp”.  Bấy giờ, chị em tôi đã hứa với mẹ : “Mẹ cứ yên tâm ra đi, chúng con sẽ làm theo lời mẹ dạy”.

Lớp con cháu họ Huỳnh hôm nay xin ghi lòng tạc dạ công đức của Ông Bà Tổ tiên, ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Chúng con xin hứa : Sẽ đùm bọc, yêu thương nhau, kề vai sát cánh giúp nhau tiến lên cuộc sống ấm no, hạnh phúc, giữ gìn nề nếp gia phong, thanh danh dòng họ, nuôi dạy con cháu phải biết quý trọng công đức của Ông Bà Tổ tiên chúng ta.

Kính xin ông bà, mẹ thương yêu chứng giám cho lòng thành của chúng con.

 

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 9 năm 2003

Huỳnh Văn Nở

 

PHẢ KÝ

Nước có sử, nhà có phả. Sử cho chúng ta hiểu rõ sự hưng vong của đất nước, phả để biết cội nguồn của dòng họ. Con người ai cũng có tổ tông và uống nước phải nhớ nguồn. Tìm về cội nguồn là tìm về lai lịch ông bà thủy tổ, tổ quán của dòng họ và công lao mà tổ tiên đã vun đắp cho dòng họ.

Mỗi dòng họ đều có cội nguồn được hình thành qua nhiều hoàn cảnh khác nhau.  Không rõ từ thuở xa xưa, họ Huỳnh nhà ta từ khi vào phương Nam có Gia phả gốc bằng chữ Hán chăng, nhưng từ năm 1944 đã có một bộ Gia phả do ông Tổ đời II ghi lại; tuy nhiên bộ Gia phả này đã thất lạc, không rõ có phải do ngôi nhà của ông đã bị quân Pháp đốt thiêu, hủy hoại trong một cuộc bố vào vùng An Hội – Hanh Thông trong những năm đầu của cuộc Kháng chiến Nam Bộ chăng ?  

Giờ đây, lớp con cháu đời V lại dựng bộ gia phả viết mới của dòng tộc họ Huỳnh, Phường 12, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, với những chi tiết dựa vào ký ức của hậu duệ họ Huỳnh, bia mộ gia tộc họ Huỳnh, giấy tờ địa bạ còn lưu giữ, ký ức của bác và dì họ Đỗ. 

PHÁT TÍCH DÒNG HỌ

Họ Huỳnh nhà ta sinh cơ lập nghiệp tại vùng đất phương Nam này (quy ước trong bộ Gia phả này là ông Tổ đời I) tính đến nay trải qua được sáu đời.  Song những gì biết được về ông thật giới hạn, cả những điều cơ bản về đời ông cũng còn nhiều tồn nghi.  Chỉ biết rằng ông gốc người miền Trung (từ Phan Thiết trở vào), thuộc tầng lớp quan lại nhà Nguyễn; ngoài ra, còn vô số điều chúng ta muốn biết về ông nhưng do khoảng cách thời gian, không gian thay đổi trong hoàn cảnh lịch sử nhiều biến động nên sự hiểu biết của lớp hậu sinh chúng ta đành dừng lại ở một chừng mực nào đó.

Ông đã vâng lệnh triều đình vào Nam trấn nhậm tại vùng đất này. Theo phỏng đoán, ông sinh vào khoảng năm 1855.  Có lẽ khi định cư tại vùng đất Gò Vấp này, ngoài việc công, ông còn dày công khai phá và gầy dựng để tạo nên sự ổn định và an cư lạc nghiệp. Một điều chắc là, cũng như trong bao tâm khảm người Việt, ông luôn mang nặng cái bản chất và truyền thống về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, dũng, liêm, và tinh thần dũng cảm bất khuất, cần cù siêng năng luôn tiến lên trong cuộc sống…

Không một tư liệu hay dấu vết nào nói về bà Tổ đời I.  Chỉ biết rằng, ông bà còn lại một người con trai sinh năm 1880 tại vùng đất mới - không rõ con thứ hay là con độc nhất – coi như ông Tổ đời II của lớp hậu duệ họ Huỳnh chúng ta.  Không rõ ông làm nghề gì, và lúc sanh thời, ông thuộc vào hàng khá giả.  Theo trí nhớ của những người cháu nội (thuộc đời IV) là ông Tàu, ông Tứ, thì nhà ông kê đá xanh cao cả thước, nền đúc.  Sự khá giả của ông không rõ là do thừa kế gia sản từ song thân hay do chính ông gầy dựng nên.  Khi mãn phần, ông để lại cho vợ con trên 2,3 mẫu Tây đất. Theo vòng xoay của thời gian, nhiều thế hệ con cháu vẫn sống quần tụ trên mảnh đất này cho đến ngày nay…

Người con trai đời thứ III, lại không nối nghiệp cha sống ở Gò Vấp và tiếp tục làm nông mà chuyển đến Phú Nhuận, có gia đình tại đây và làm công chức, sau được chuyển lên Cămpuchia và qua đời trên đó, một thời gian sau cái chết ở quê nhà của người vợ đầu của ông.  Ông có hai dòng con, dòng thứ nhất là cánh họ Huỳnh mà phần đông con cháu đời IV và đời V đang an cư sinh sống ở quận Gò Vấp và quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh này, hai là dòng nhỏ đang định cư bên Pháp. 

MỘT SỐ NÉT VỀ HAI QUÊ QUÁN Ở ĐẤT PHƯƠNG NAM CỦA DÒNG TỘC HỌ HUỲNH : GÒ VẤP VÀ PHÚ NHUẬN

* Gò Vấp - phường 12

Gò Vấp được khai phá từ những ngày đầu khi lưu dân Việt đi khai hoang mở đất. Năm 1698 khi Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh Chúa Nguyễn Phúc Chu vào Nam kinh lý, thì Gò Vấp có tên trong sổ bộ các xã thôn thuộc huyện Tân Bình, phủ Gia Định.  

Theo một số nhà biên khảo, địa danh Gò Vấp xuất phát từ việc vùng này nằm trên một vùng đất gò ở độ cao hơn mười mét so với mực nước biển, trước kia vốn là một ngọn đồi trồng cây “vấp”, còn gọi là lim hay lùn.  

Theo địa bạ triều Nguyễn (lập năm 1836), địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay nằm trên phần lớn hai huyện Bình Dương và Tân Long tỉnh Gia Định xưa.  Huyện Bình Dương lúc ấy có 6 tổng, trong đó có tổng Bình Trị Hạ, gồm 26 làng.  Trong số những làng này có các làng : An Hòa, An Hội, Hanh Thông, Hanh Thông Tây, Phú Nhuận; về sau, An Hội và Hanh Thông - quê quán của gia tộc họ Huỳnh - sát nhập với nhau thành làng Thông Tây Hội.  Đến nay, Gò Vấp là một quận của Thành phố Hồ Chí Minh, với 12 phường là : Phường 1, Phường 3, Phường 4, Phường 5, Phường 7, Phường 10, Phường 11, Phường 12, Phường 13, Phường 15, Phường 16 và Phường 17. 

Phường 12 hiện nay nằm hai bên trục lộ Phan Huy Ích, đông giáp các Phường 11 và 13 của quận, tây và bắc giáp quận 12 Thành phố Hồ Chí Minh, nam giáp quận Tân Bình và sân bay Tân Sơn Nhứt.  Diện tích của Phường vào cuối năm 2003 là 4 ki-lô-mét vuông 530, với 90.000 dân cư (kể cả số tạm trú).   

* Phú Nhuận - phường 4

Phú Nhuận từ xưa là đất giồng, thuộc Gò Vấp.  Theo những nhà biên khảo, hai chữ Phú Nhuận trích từ câu “Phú nhuận ốc, đức nhuận thân” (tạm hiểu là “Giàu có làm đẹp nhà cửa, đức độ làm đẹp bản thân) của Tăng Tử trong cuốn Đại học.  Cũng như nhiều nơi khác, Phú Nhuận đã trải qua nhiều lần thay đổi về hành chánh và địa giới.  Sau năm 1954, Phú Nhuận thuộc tỉnh Gia Định, có 8 ấp : Đông Nhứt, Đông Nhì, Đông Ba, Trung Nhứt, Trung Nhì, Tây Nhứt, Tây Nhì và Tây Ba.  Sau giải phóng, Phú Nhuận trở thành một quận của Thành phố Hồ Chí Minh, không còn ấp mà chia ra 17 phường, đến tháng 10-1982 thu lại còn 15 phường; các ấp trước kia phân chia thành phường, trong đó ấp Đông Nhì chia làm ba phường 3,  4 và 5.

Riêng Phường 4, nơi song thân và chị em đời 5 họ Huỳnh sinh sống, có diện tích 0,2290 kilômét vuông, đông giáp Phường 7, tây giáp Phường 9, nam giáp Phường 3, bắc giáp Phường 5 của quận.  Đây vốn là khu Nhị tỳ nước Hẹ, bên trong cổng xe lửa số 10 chạy từ trung tâm chợ Sài Gòn lên đến Hạnh Thông Tây thuộc Gò Vấp, từng là căn cứ của nhiều thế hệ cách mạng, từ Hội kín Phan Xích Long đến cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23-11-1940 và cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954). Sau giải phóng, khu Nhị tỳ nước Hẹ được giải toả để xây nhà ở (cư xá Nguyễn Đình Chiểu).  Tại đây có chợ nhỏ Nguyễn Đình Chiểu (chiếm hai phần ba chiều dài con đường cùng tên, ngăn ranh giới hai Phường 3 và 4). 

TỔNG KẾT VỀ ĐẶC ĐIỂM HỌ HUỲNH

Trải qua gần hai trăm năm từ ngày ông Tổ đời I vào phương Nam khai cơ lập nghiệp, họ Huỳnh nhà ta trải qua được sáu đời.  Cuộc đời thăng trầm, họ Huỳnh nhà ta cũng có lúc thịnh suy.  Nhờ hồng phúc Tổ tiên, con cháu họ Huỳnh ngày nay sinh sôi nẩy nở ngày càng đông đảo, dù chưa giàu sang nhưng cũng đủ cơm no áo ấm và gắng tiến lên cuộc sống thịnh vượng.

Nhìn vào Gia phả họ Huỳnh nhà ta, trải qua sáu đời liên tục, chưa có ai làm nên công trạng gì lớn lao, lưu danh sử sách, nhưng nói ra điều này không phải để chúng ta tự ti, mặc cảm về tổ tiên dòng họ mà để con cháu hăng hái tiến lên làm rạng danh dòng tộc.  Rõ ràng, việc dựng bộ Gia phả này không phải là để khoe khoan, tôn vinh dòng họ, mà cốt là để con cháu biết đâu là nguồn cội, ngày tháng giỗ chạp ông bà… Mỗi người họ Huỳnh chúng ta biết nhìn vào đó mà suy xét, chọn điều hay lẽ phải, giữ nếp gia phong. 

Hy vọng quyển Gia phả này khi phổ biến đến anh em con cháu sẽ thêm phần thắt chặt tình máu mủ, tinh thần tương thân tương ái, chị ngã em nâng - là thứ tài sản quý giá bao đời của dòng họ Huỳnh nhà ta vậy.