Trang chủ > 018. Gia phả Họ Lê (xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TP.HCM)

018. Gia phả Họ Lê (xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TP.HCM)

14/08/2022 22:06:20

Họ Lê ở xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TP.HCM được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2001.

DẪN NHẬP

Cùng sống cộng cư với các họ khác như các họ : Nguyễn, Dương, Cao, Quách, Võ v.v… tại quê hương Cây Bài - xưa có tên là làng Vĩnh Cư, nay là ấp 4 xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi - họ Lê chúng ta là một kiến họ không đông, mà sự phát tích cũng khá muộn, tính đến nay cũng chỉ được hơn 6 đời.

Trong bối cảnh lịch sử đất nước luôn biến động do chiến tranh tạo nên, lại là người lưu tán, nên xét về mặt cội nguồn, đã thấy có phần thiếu rõ ràng, chính xác. Vì vậy hiện nay anh em, con cháu chúng ta, những người còn đang mang nguyên trong người giòng máu họ Lê cảm thấy bức xúc và có ý định dựng bộ gia phả cho dòng họ.

Ông bà ta thường dạy “Chim có tổ, người có tông” hễ làm người phải biết nguồn, biết cội, biết gốc gác tổ tiên, biết rõ húy kỵ, mồ mả, hành trạng ông bà để “báo bổn tư nguyên”, “vĩnh truyền tôn thống”.

Dù cho ai có trí nhớ tốt đến mấy cũng không thể lưu trữ nổi toàn bộ dữ liệu về tên tuổi, ngày giỗ chạp, vai vế thế thứ, nơi để mồ mả của từng bậc ông bà - phận làm con cháu lại không nhớ được những điều trên, thì thật là có lỗi lớn.

May thay, việc dựng gia phả là biện pháp tốt nhất để giải quyết điều mong muốn ấy. Do vậy từ đầu năm 2001, hân hạnh được “Nhóm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Thành phố Hồ Chí Minh”  giúp sức, trong khoảng thời gian 5 tháng đã hoàn thành xong bộ “Gia phả họ Lê ở Cây Bài” - trước dâng lên gọi là báo hiếu tổ tiên, sau công bố rộng rãi trong tộc họ.

Cơ cấu được hình thành trong bộ gia phả nầy có các phần như sau :

- Lời dẫn nhập : thay cho lời tựa mở đầu

- Phả ký : ghi chép khái quát về khởi thủy dòng họ, nguồn gốc phát tích, sự phát triển từng thế hệ qua từng giai đoạn lịch sử của đất nước, của địa phương mình.

- Phả hệ : phần chính yếu ghi rõ tên tuổi, thế thứ, ngày giỗ, nơi để mồ mả, hành trạng của từng người, sắp xếp đúng theo thứ tự.

- Phả đồ : cũng gọi là bản tông chi  hoặc phú ý, ấy là Cây phả hệ trong gia tộc họ Lê.

- Phụ khảo : đây là phần chép thêm những việc mà các phần trên chưa nói rõ như : bản đồ các khu đất vườn, các đồng mả, lược sử địa phương xưa và nay v. v…

Cuối cùng, xin chân thành cảm ơn Nhóm chấp bút thực hiện và sự nhiệt tình của nhà tài trợ.

Củ Chi, ngày 19 tháng 8 năm 2001

LÊ THÀNH TÂM
Cháu đời 5 họ Lê.

 

PHẢ KÝ

Nước có Sử để ghi sự hưng vong của từng triều đại.

Nhà có Phả để chép sự thịnh suy của mỗi gia đình.

Gia phả là cái gốc của một nhà, một họ tộc. Chỉ cần giở ra từng trang thì nhiều thế hệ sẽ hiện rõ lên; mọi người cứ căn cứ, soi rọi vào đấy mà thấy được sự truyền nối, vun đắp gia phong, gia giáo, để học tập đạo nghĩa của tiền nhân cho cuộc sống hôm nay và mai sau. Bởi vì sự thịnh suy của một quốc gia, xét cho cùng cũng tùy thuộc vào nền nếp, kỹ cương, tùy thuộc vào lòng yêu nước, yêu dân tộc của tất cả mọi gia đình, dòng họ với tính chất mỗi gia đình, họ tộc là thành viên trong đại gia đình : TỔ QUỐC.

Gia phả là một báu vật có liên quan mật thiết đến mỗi con người cụ thể trong mọi gia đình Việt Nam. Đối với bản thân, gia phả cho biết nguồn gốc, tông tích của chính mình. Đối với gia tộc nó cho thấy nhiều mối liên hệ ràng buộc chặt chẻ về bà con thân thuộc, về nòi giống ông cha, đây là mối liên hệ tất yếu về huyết thống và hôn nhân. Nó không chỉ hạn chế trong việc nghiên cứu lịch sử, mà sâu sắc và toàn diện hơn là gia phả còn phải nhìn vào quá khứ, cội nguồn của ông bà Thỉ tổ đến các thế hệ con cháu, về kỷ sự từng người, về hành trạng, mồ mả, lai lịch nguồn gốc từng con người, như  môn tiểu sử học từng làm để mà dự liệu cho cuộc sống và sự phát triển ở tương lai, xem xem huyết thống của họ ấy sẽ đi về đâu…

Nói cách khác, nhờ có gia phả mà từ ông cha rồi đến chúng ta, đời này qua đời khác “Kế chí thuật sự” nghĩa là theo gia phả mà kể lại rõ ràng công nghiệp của Tổ tiên trong dĩ vãng để hăng hái tiến bước, vun bồi cho tương lai họ tộc. Chính vì quan điểm ấy mà xưa nay có nhiều gia tộc, nhiều cá nhân dù trải qua cơn dâu biển, gian truân, thất vọng cũng vẫn phấn đấu vươn lên khôi phục, bảo tồn được dòng họ mình.

Do đó, lớp con cháu hậu sinh chúng ta phải ra sức vun bồi gốc rễ, gốc rễ có vững chắc thì ngành ngọn mới tốt tươi, để từ đó giữ tròn đạo đức, hiếu nghĩa và “vĩnh truyền tôn thống”, nó luôn là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người trong họ chúng ta.

PHÁT TÍCH DÒNG HỌ

Họ Lê chúng ta đến khai cơ, dựng nghiệp và định cư tại xóm Cây Bài này bởi vị Tổ phụ đầu tiên là ông Lê Văn Non, không biết được tổ quán, niên đại và trường hợp nào mà ông đến đây.

Do vậy, để làm rõ phần nào về phát tích, phải tra cứu tư liệu, cộng với việc so sánh đối chiếu, nhất là về tuổi tác để lượng định niên đại của ông Tổ ta.

Về tư liệu :

· Sổ địa bạ triều Nguyễn lập năm Minh Mạng thứ 17 (1836) ghi rõ : Căn cứ theo đông tây tứ chí ghi trong địa bạ thì xóm Cây Bài có tên là thôn Vĩnh An, mới chỉ có hai người được phân canh ruộng đất tên là Nguyễn Văn Bửu và Nguyễn Văn Tuế. Vị thôn trưởng của thôn là Võ Văn Quang, dịch mục là Nguyễn Văn Nguyệt. Tư liệu này cho thấy chưa có sự hiện diện của Tổ phụ ta. Chưa được bao lâu, năm 1859 người Pháp chiếm Sàigòn đến năm 1862 thì lấy nốt 3 tỉnh miền Đông Nam bộ, năm 1867 lấy trọn Nam Kỳ.

· Sổ địa bạ do người Pháp lập năm 1918, chánh quyền phái quan kinh lý người Pháp đến đo đạc lập bản đồ địa chánh (cadastre) để xác lập chủ quyền và phân loại các loại thổ cư, viên lang, ruộng lúa, bản đồ ghi rõ từng thửa đất.

Lúc này, các chủ sở hửu đã đứng tên phủ kín và rải đều các xóm ấp, trong đó đã xuất hiện họ tên ông Lê Văn Non, được đặc nhượng diện tích ruộng là 9.920m2 từ năm 1875; (xin xem trích sao địa bộ ở phần sau) thì rõ ràng là khoảnh ruộng mà ông Tổ phụ Lê Văn Non ta mua sắm đầu tiên vào năm 1875 sau khi đã hiện diện ở Cây Bài.

Lượng định niên đại bằng cách so sánh tuổi tác

- Ông Ba Lê Văn Hứa biết chắc năm sanh là 1888. Ông là con thứ 3 của ông Lê Văn Hớn và là cháu nội ông Lê Văn Non.

- Năm sanh ước định của ông Lê Văn Hớn là 1863 (1888-25)

- Ông Hớn còn 3 anh chị, thì người chị cả sanh năm 1857 (1863-6)

- Năm sanh ước định của ông Lê Văn Non là 1832 (1857-25)

Như vậy, khả năng từ năm 1832 trở về sau là khoảng thời gian Tổ phụ Lê Văn Non ra đời (cuối triều Minh Mạng 1820-1840) cho đến năm 1875 độ tuổi trên dưới 40 là lúc ông đã hiện diện ở Cây Bài (không loại trừ khả năng ông đã có gia đình, vợ con ở một vùng nào đó đang có chiến tranh giữa quân Pháp và quân triều đình, phải bồng bế nhau, cùng với gia đình nhà vợ chạy về đây…).

ĐỜI THỨ HAI HỌ LÊ

Ông tổ phụ Lê Văn Non cưới bà Tổ mẫu họ Nguyễn (không nhớ tên) ta gọi là ông tổ đời I.

Ông bà sanh 4 người con, người thứ hai là gái, thứ ba chết nhỏ không rõ, thứ tư là Lê Thị Suốt, thứ năm Lê Văn Hớn con trai út và là trai duy nhất nối dõi họ lê.

Bà Hai (ít được nghe nói tới và không nhớ tên) bà lớn lên trong tình trạng hơi lãng trí nên không lập gia đình, có nuôi một người con gái làm con nuôi được gả chồng về xóm Bàu ông Nhẳm, ngày nay họ bên chồng bà này còn một số con cháu và biết mình có liên hệ với họ Lê.

Bà tư Suốt được gả chồng người gốc Hoa ở cùng xóm là Quách Văn Nhứt sanh một trai là Quách Văn Hanh, rồi không may chồng mất sớm, bà để con mình cho bên nội nuôi dưỡng, bước thêm bước nữa, đi làm kế thất cho người góa vợ là ông Huỳnh Văn Sơn ở xóm Cây Da (xã Tân Phú Trung) sanh được nhiều người con nữa. Về già bà bệnh mất, mộ táng ở đồng mả Cây Da.

Ông năm Lê Văn Hớn cũng chỉ ước lượng khoảng năm sanh là 1863, năm mất là 1920 trong thời kỳ đầu bị người Pháp đô hộ. Bà Năm vợ ông là người ở Láng The (xã Tân Thạnh Tây) sanh đông con : 7 trai, 3 gái đều trưởng thành trọn vẹn.

Ông là người mua sắm thêm đất thổ cư 2.080m2, đất vườn 6.960m2 từ năm 1925 và 2 khoảnh ruộng 4.040m2 và 10.080m2 từ năm 1902. Ngày nay con cháu đang cư ngụ và canh tác.

Sinh thời ông có làm việc làng, làm đến chức Hương Cả làng Vĩnh Cư, đủ thấy ông có một vị trí nhất định trong xã hội đương thời.

Ông mất trước bà, mộ phần ông bà ở đồng mả Lớn, Cây Bài, nhưng chôn xa nhau, chưa dựng bia.

Bà tư Suốt và ông năm Hớn là đời 2.

THẾ KỶ SANG TRANG VÀ ĐỜI 3 HỌ LÊ KẾ TỤC

Đang đầu thế kỷ 20, bộ máy cai trị của Pháp đã hoàn chỉnh, đường sá được mở mang, hương lộ 1, hương lộ 2, tỉnh lộ 8 đều đi ngang qua xóm Cây Bài làng Vĩnh Cư. Lúc này đồn điền cao su Cây Bài, nguyên văn chữ Pháp là Société plantation de Vinh Cu do tên Tây là Guiyonnet điều khiển, thầy ký Hứa Ngọc Thạch người Cây Bài giúp việc, diện tích non 400 mẫu tây tọa lạc phần lớn trên đất làng Vĩnh Cư, chiếm hữu rộng hơn vùng thổ cư làng xóm. (Sở này sau năm 1945 không còn khai thác mủ, bỏ hoang cho đến năm 1950 chúng cho đốn hạ bán củi, sau 1954 là bãi tập nhảy dù của quân đội Sài Gòn, đến lúc Mỹ can thiệp vào Việt Nam, đã thiết lập căn cứ quân sự nơi đây, nên người ta quen gọi là căn cứ Đồng Dù. Ngày nay là căn cứ của Bộ Chỉ huy Sư Đoàn 9 QĐNDVN.

Mười người con đời 3 họ Lê sanh ra và trưởng thành trong thời kỳ này, đều chuyên nghề ruộng nương làm sinh kế, dựng vợ gả chồng theo đúng phong tục tập quán Việt Nam, vừa đủ ăn đủ mặc và học hành không được bao nhiêu; thì cũng là lúc làn gió dân sinh, dân chủ thổi tới, làm thay đổi hệ tư tưởng của người dân bị trị, bởi tận mắt chứng kiến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 để rồi 5 năm sau đi theo cuộc Cách mạng mùa thu tháng tám và làm cuộc kháng chiến 9 năm.

Lớp đời 3 họ Lê ở vào độ tuổi 50, đã cùng lớp kế thừa đứng lên làm Việt Minh, vào đoàn thể Cứu Quốc như Lão thành, Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ, Thiếu nhi, xung phong dạy bình dân học vụ và gia nhập dân quân để rào làng chiến đấu, phá hoại giao thông, tiêu thổ kháng chiến; đào hầm bí mật để ngăn giặc vào làng. Một bộ phận thanh niên, phụ nữ thoát ly gia đình vào Vệ quốc đoàn để trực tiếp cầm súng đánh giặc.

Gần cuối cuộc kháng chiến trong giai đoạn “tích cực cầm cự chuyển sang tổng phản công” cục diện chiến trường toàn quốc, lực lượng ta đã mạnh lên, Pháp phải lúng túng bị động đối phó; nhưng xóm Cây Bài giặc đã thiết lập được hệ thống đồn bót, tề làng, tập trung dân tại chỗ và dân Bà Giã sang sống tập trung để dễ bề kiểm soát.

Cơn bão năm Thìn 1952 và những cuộc ruồng bố liên miên của giặc làm cho sức kháng chiến tại chỗ gần như kiệt quệ và người dân lâm vào cảnh khốn khổ trăm bề. Đây là lúc mà một số người phải tránh né chạy về Sài Gòn, thay tên đổi họ để mưu sinh.

Năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, dẫn đến việc nhanh chóng ký kết  hiệp định Genève, tạm thời chia đôi đất nước trong hai năm, số người kháng chiến lên đường tập kết, số người ở lại nhanh chóng trở về đất cũ vườn xưa, không lường được một tương lai đen tối.

Mỹ thay chân Pháp đưa bọn tay sai về lập lên cái gọi là Việt Nam Cộng Hòa, xóa bỏ Hiệp định, tạo nên cuộc chiến tranh mới thảm khốc ròng rã suốt 20 năm nữa.

Với ý nguyện độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc, nên người người lại đứng lên dưới cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” và cuối cùng đã đạt được nguyện ước vào trưa ngày 30-4-1975 lịch sử.

Trong khoảng thời gian năm 1954-1975 tại Cây Bài, ngoài lực lượng Bảo an, Dân vệ, tề làng, Mỹ đã xây dựng căn cứ quân sự Đồng Dù trên toàn bộ đất cao su xưa, lấn luôn phần đất Cây Sộp và một phần sở Palanque để làm lá chắn án ngữ phía Tây Bắc Sài Gòn, trung tâm đầu não của chúng và là bàn đạp để đánh phá lực lượng ta ở bắc Củ Chi.

Dọc theo tỉnh lộ 8, ngang qua Cây Bài, vùng ngoại ô căn cứ Đồng Dù mọc lên các quán bar, các dịch vụ giặt ủi, mua bán hàng hóa Mỹ, đều do người từ nơi khác đến, tạo nên bộ mặt phồn vinh giả tạo, ai biết đâu được bên trong hàng rào ấp chiến lược, nhân dân phải chịu đựng chính sách khủng bố, kềm kẹp, tố cộng sắt máu của Bảo an, Dân vệ, cố vấn Mỹ thông qua chiến dịch Phượng Hoàng, xây dựng nông thôn. Đời sống người dân trăm cay ngàn đắng không khác gì địa ngục ở trần gian. Cho đến những ngày chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, năm cánh quân tiến về Sài Gòn. Sư đoàn 25 Bộ Binh ở Đồng Dù tháo chạy, thì Cây Bài mới sạch bóng kẻ thù.

SAU 1975, SỰ ĐỔI ĐỜI VÀ NỐI TIẾP THẾ HỆ THỨ 5

Trở lại với đời 4 họ Lê, cả đời sống trong thời nô lệ gian khổ, họ đã chứng kiến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 và đã đi suốt đoạn đường chống Pháp, đuổi Mỹ. Từ ngày toàn thắng năm 1975 đến nay đã qua 26 năm có hòa bình, độc lập, thống nhất, hết rồi âu lo, gian khổ, nhưng trong họ cũng có một số vãng đi, còn lại một số người tuổi cao đều đã hưởng được niềm hạnh phúc và sẵn sàng làm thân “tre tàn” cho thế hệ thứ 5 phấn khởi hăng hái tiến bước vươn lên học tập, rèn luyện, kết chặt tình thân trong họ, để cho “măng non” mọc lên để cùng xóm làng bắt tay xây dựng quê hương đất nước.

Thế hệ thứ 5, phần lớn sinh ra sau năm 1975 là lớp người trẻ, tâm hồn hoàn toàn trong trắng, hiểu được sự nghiệp của cha ông, nên hăng hái vươn lên và sớm thích nghi với con đường Chủ Nghĩa Xã Hội. Hiện nay nhiều người là cán bộ, nhân viên của Đảng, của chánh quyền các cấp. Nông thôn Cây Bài đã khoát lên mình một diện mạo mới : màu xanh mượt mà, đường nhựa phẳng phiu, lộ cấp phối chằng chịt, điện lưới phủ kín mọi nhà, kinh mương đưa dòng nước khắp ruộng đồng, người lớn có điều kiện cống hiến, trẻ nhỏ có trường lớp học hành, ai cũng thấy rõ tương lai và triển vọng nước mạnh dân giàu, người người ấm no hạnh phúc!

PHẦN KẾT LUẬN

Viết tiếp bộ gia phả có sẳn, là điều không khó, dựng mới bộ gia phả chưa từng có cho một dòng họ ở nông thôn Nam Bộ, tuy lịch sử định cư chưa lâu nhưng quả là phức tạp vô cùng. Do không có một tư liệu trực tiếp lưu giữ từ dòng họ; ký ức truyền khẩu trong họ lại không vững chắc, độ tin cậy không cao, nên việc dựng bộ phả này phải theo phương châm “biết tới đâu, viết tới đó” quí hồ thể hiện được sự trung thực, không ngụy tạo lịch sử, hoặc không vo tròn bóp méo sự thật, với một hoài bão nho nhỏ để lớp hậu duệ trong họ hiểu rõ hơn về :

- Tôn ti trật tự, phong tục kỹ cương, quan hệ huyết thống và quan hệ hôn nhân trong cửu tộc.

- Các đời, các thế thứ, chi trực hệ, chi bàng hệ liên kết nhau thế nào từ các vị Tổ phụ Tổ mẫu cho đến ngày nay.

- Tạo điều kiện để bà con quyến thuộc có thể gặp gỡ nhau đông đủ trong các ngày giỗ chạp, hội hè trong tộc họ, tạo điều kiện gắn bó nhau, xóa bỏ hận thù, đoàn kết thương yêu nhau vì “một giọt máu đào hơn ao nước lã”.

- Xây dựng gia đình trên cơ sở gia đình văn hóa mới, vì gia đình là “nhóm xã hội nhỏ” gắn với dòng họ thành một đơn vị xã hội lớn.

Gia đình là nơi sinh hoạt của từng người hết sức quan trọng, vì là nơi thể hiện mối quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân và có một nền kinh tế chung, các sinh hoạt vật chất và tinh thần của từng người phần lớn đều phải dựa vào gia đình. Cho nên gia đình, dòng họ có ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

Gia đình dòng họ Lê chúng ta đã trải qua bao thể chế xã hội, nay dưới chế độ mới, có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng gia đình, dòng họ văn hóa mới.

Về mặt tinh thần phải lấy nghĩa dân làm gốc, lấy nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc làm mục tiêu, con cháu ai cũng chăm lo học hành, lao động cần mẫn, người đang tham gia công việc của Đảng, của nhà nước thì cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, xây dựng gia đình bình đẳng, hạnh phúc, tôn trọng phụ nữ, chăm sóc chu đáo trẻ con và kính trọng người già.

Chúng ta phục hồi gia phả, nên cũng không quên việc chăm sóc tu tạo người quá vãng, nhà nào cũng phải có bàn thờ gia tiên, nếu có điều kiện thì lập nhà từ đường để thờ phụng ông bà giữ vững phong tục tập quán tốt đẹp của người Việt Nam.

Qua việc viết lịch sử dòng họ (gia phả), người trong họ và con cháu về sau thấy rõ ưu điểm, mặt tích cực của dòng họ, đồng thời cũng thấy được những mặt hạn chế, nhược điểm của mỗi gia đình, từ đó mà có biện pháp cụ thể để phát huy cái tốt, khắc phục cái xấu.

Đây cũng là một biện pháp rất tốt, rất hiệu quả để giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng nếp sống mới ở nông thôn.

Chúng ta bắt đầu những việc ấy từ mỗi gia đình, dòng họ.

Ngày 19 tháng 8 năm 2001