Trang chủ > 022. Gia phả họ Tô (xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM)

022. Gia phả họ Tô (xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM)

15/08/2022 10:58:57

Gia phả họ ở Tô xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2007.

LỜI MỞ ĐẦU

Gia phả là quyển sử - Cuốn sách vàng của mỗi gia đình, dòng họ. Gia phả giúp cho các thế hệ con cháu đương thời và nối tiếp được hiểu biết về nguồn gốc Tổ tiên, bà con họ hàng trên dưới, gần xa; biết nhớ ngày giỗ kỵ; tránh được những chuyện thường luân, bại lý. Đặc biệt, gia phả nhằm giúp các thế hệ con cháu biết được quá khứ, truyền thống lịch sử tốt đẹp, công lao đức độ của ông bà, tổ tiên của dòng họ đã tạo dựng, phát triển họ tộc của mình như thế nào để phấn khởi, tin tưởng, tự hào cũng như thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình ra sức phấn đấu, giữ gìn, học tập, lao động, rèn luyện tài đức làm rạng rỡ cho bản thân, gia đình, họ tộc, góp phần cống hiến cho quê hương, đất nước. Đó chính là ước nguyện, mong mỏi sâu xa của các bậc cha mẹ, ông bà, Tổ tiên của dòng tộc và đó cũng chính là biểu thị của đạo đức, tấm lòng hiếu thiện, thảo hiền, lòng trung thành của các thế hệ con cháu đối với cha mẹ, ông bà, Tổ tiên dòng tộc, quê hương, đất nước. 

Họ Tô -Bình Mỹ đến nay (năm 2007) đã trải qua gần 200 năm, với 8 đời nối tiếp do ông tổ Tô Thắng, sinh ra, tạo dựng, lập nghiệp chủ yếu trên vùng đất thấp, sình lầy, hoang sơ trước đây, nay là xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Ông tổ Tô Thắng,  người con thứ hai ông ba Tô Tự và người con út ông Tô Tâm làm nghề thuốc Bắc, bốc thuốc, chữa trị bịnh cho dân, còn lại hầu hết con cháu các thế hệ họ Tô Bình Mỹ đều sinh sống chính là nghề nông, nên bản chất lao động, cần cù, thật thà, siêng năng, chịu khó, có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Những việc trong gia tộc họ Tô từ trước đến nay chỉ mới truyền miệng mà chưa ghi chép bằng văn bản nên thời gian càng xa, các tư liệu về họ tộc càng bị lãng quên, thất thoát nhiều. 

Sau năm 1975, đất nước được hòa bình, thống nhất, cũng như các họ tộc khác, bà con họ Tô Bình Mỹ có điều kiện sum vầy, gần gũi, gặp gỡ nhau bàn tính công việc họ tộc. Bà tám Tôn (Tô Thị Tôn, hậu duệ đời thứ ba là con gái ông cố tám Tô Thuộc) và anh ba Tô Ký (hậu duệ đời thứ năm, cháu đích tôn ông tổ Tô Thắng) có ý định tổ chức viết gia phả họ Tô Bình Mỹ, nhưng chưa kịp tiến hành thì bà tám Tôn và anh ba Tô Ký đã mất.

Năm 2000, đại diện bà con các chi họ Tô Bình Mỹ đã họp, cử ra Ban Liên lạc nhằm đôn đốc nhắc nhở, kiểm tra, chăm lo công việc của họ tộc như: chăm sóc mồ mả, nghĩa trang, nhà thờ Tổ họ, tổ chức giỗ tổ hàng năm, viết gia phả họ tộc… Chú chín Tô Văn Liêm (hậu duệ đời thứ năm, cháu cố ông ba Tô Tự) bằng nhiệt tình trách nhiệm đã tích cực, chịu khó, chủ động đi tìm hiểu các ông bà lớn tuổi và bà con của từng chi họ ghi chép, biên tập bước đầu gia phả họ Tô Bình Mỹ, Ban Liên lạc thảo luận, góp ý chỉnh sửa và cho in gởi các chi họ để bà con đóng góp ý kiến. Sau đó, Ban Liên lạc tập hợp, đi khảo sát thêm, biên tập lại với sự tham gia về chuyên môn, nghiệp vụ của một số chuyên viên Trung tâm nghiên cứu và thực hành gia phả Thành phố Hồ Chí Minh do Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bền làm Tổ trưởng. Bộ Gia phả họ Tô Bình Mỹ đã được hình thành.

Tuy Ban Liên lạc và nhóm biên tập gia phả có nhiều cố gắng và tâm huyết, song vì đây là lần đầu biên tập gia phả của họ tộc ta, chắc chắn không tránh khỏi những khiếm khuyết. Mong bà con họ Tô Bình Mỹ thuộc các chi họ, trong quá trình nghiên cứu tìm hiểu, phát hiện thêm về họ tộc của mình sẽ bổ sung, sửa chữa, hoàn chỉnh dần. Các em cháu các thế hệ sau nầy sẽ viết tiếp gia phả họ Tô Bình Mỹ ngày một đầy đủ chính xác hơn; nhất là tìm hiểu về các đời trước ông tổ Tô Thắng mà hiện nay con cháu chưa được biết và cố gắng biên tập đầy đủ, rõ ràng, chính xác và chi tiết hơn về lịch sử chung cũng như các cá nhân tiêu biểu của dòng họ có nhiều cống hiến cho dòng tộc, quê hương, đất nước trường tồn và giàu mạnh trên các lĩnh vực.

TÔ DÙNG

Trưởng Ban Liên lạc họ Tô Bình Mỹ
Hậu duệ đời thứ năm, cháu cố ông hai Tô Tường

 

PHẢ KÝ

Có một sự kiện điển hình trong lịch sử dòng họ Việt Nam đang được truyền tụng là việc họ Lý ở Hàn Quốc đã 800 năm còn nhớ tìm về cội nguồn ở Việt Nam tổ quán. Đó là ông Lý Xương Căn, hậu duệ 26 đời của hoàng tử Lý Long Tường, con vua Lý Anh Tông (1138 - 1175) đã trốn nhà Trần sang nước Cao Ly (nay thuộc Hàn Quốc). Năm 1994, sau khi Việt Nam hòa bình ổn định, ông Lý Xương Căn quyết định về Việt Nam tìm cội nguồn tổ quán họ Lý tại Đền Đô, làng Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc, không quên mang theo bộ gia phả họ Lý! Thật đáng kinh ngạc và vô cùng khâm phục!.                                    

Tại sao cội nguồn của dòng họ lại quan trọng như vậy? Tại sao gia phả lại quý giá như vậy? Có lẽ có một sức mạnh vô hình thiêng liêng, một dòng huyết thống ngàn đời lưu dẫn bất diệt trong mỗi con người đã thôi thúc hậu duệ họ Lý suốt thời gian dài quyết vượt vạn dặm đường tìm về tổ quán, thăm lại Tổ tiên. Một nghĩa cử tiêu biểu về chữ “Hiếu” Việt Nam.

Tìm về cội nguồn tổ tiên. Một việc có vẻ xa xôi nhưng lại hết sức thân thiết, gần gũi, bức xúc trong mỗi con người của mỗi dòng họ. Thậm chí có người tâm huyết khi chưa tìm được, ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng cảm thấy là mình có lỗi, mang tội bất hiếu với tổ tiên ông bà, nhất là sau khi đất nước thanh bình, gia đình sum họp.

Họ Tô Bình Mỹ ta không gặp hoàn cảnh éo le như họ Lý, nhưng chịu cảnh đất nước bị giặc Pháp đô hộ 80 năm với các cuộc khởi nghĩa liên tục để giải phóng đất nước, đặc biệt hai cuộc kháng chiến chống thực Pháp và đế quốc Mỹ ác liệt kéo dài 30 năm. Nhiều người con cháu họ Tô trực tiếp tham gia cách mạng và  kháng chiến cứu nước chịu bao tổn thất hy sinh, dòng họ ly tán…

Sau ngày miền Nam được giải phóng (1975) tổ quốc thống nhất, ông Tô Ký là người quan tâm đến dòng họ, lại thuộc Chi trưởng (chi ông hai Tô Tường), người có uy tín lớn được sự kính trọng trong họ tộc, đã đề xuất viết gia phả họ Tô Bình Mỹ. Nhưng lúc đó con cháu họ Tô chưa tập hợp được đầy đủ, ông là Trưởng Tộc nhưng đang bận rộn lo toan nhiều việc chung, sức khỏe lại dần giảm sút, bịnh tật lại đến. Cuối cùng ý định tốt đẹp ấy chưa được thực hiện thì ông đã về với ông bà.

Ban Liên lạc họ Tô Bình Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện ý định nầy bằng cách trước tiên dựa vào ngày giỗ Tổ (ông tổ Tô Thắng) là dịp tốt nhứt để tập hợp dòng họ. Lễ giỗ đầu chỉ có 50 người, lễ giỗ năm kế tiếp đã lên đến 150 người. Các kỳ giỗ sau, con cháu về dự ngày càng đông. Ngày giỗ Tổ có ý nghĩa đặc biệt. Dù ở đâu, đang bận công việc gì, con cháu họ Tô vẫn sắp xếp, tự nguyện về dự giỗ Tổ như là một nghĩa vụ thiêng liêng, là sự báo hiếu Tổ Tiên.

Năm 2000, qua các lễ giỗ gặp gỡ, thăm hỏi nhận bà con, nghe dòng họ kể, ông Tô Văn Liêm, cháu cố ông ba Tô Tự, chi thứ hai, phát tâm từ dòng họ đã nhận trách nhiệm ghi lại Tông Chi họ Tô Bình Mỹ. Qua nhiều lần, Ban Liên lạc và bà con họ Tô góp ý sửa chữa bổ sung, đến năm 2005, công trình cơ bản hoàn thành, gồm 7 chi (7 người con trai của ông Tổ) là những tư liệu ban đầu trong việc tiếp tục tập hợp dòng họ. 

I. PHÁT TÍCH DÒNG HỌ

Hậu duệ họ Tô Bình Mỹ đều biết ông Tổ của mình tên là TÔ THẮNG, gốc người Hoa, sanh năm 1800, theo cha (không biết tên) là quan triều Minh trong lực lượng: “phản Thanh, phục Minh” sang Đại Việt (Quốc hiệu nước ta thời đó) tránh sự truy lùng đàn áp của nhà Thanh. Hiện nay, biết thêm có ông Tô Văn Gắt và bà Tô Thị Giồng là lớp con cháu của những người cùng đi với ông. Ngoài ra, không ai biết gì thêm, như ông mất năm nào, mồ mả ở đâu? (Có phải ở Biên Hòa chăng?). Ông có phải là thầy thuốc hay không?....

Về ông tổ Tô Thắng, cũng theo con cháu họ Tô kể, ông làm nghề thuốc Bắc ở Biên Hòa có uy tín, bịnh nhân các nơi đến rất đông. Có một người con gái ở Thủ Dầu Một vì mến mộ tài đức đã thuận tình kết duyên vợ chồng với ông. Rồi ông về quê vợ ở Thủ Dầu Một làm nghề thuốc Bắc. Từ đó, chúng ta có thể suy luận về cuộc hành trình và suy ra Tổ quán:

Mộ ông Tổ Tô Thắng tại ấp 6,  xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, Thành phố  Hồ Chí Minh

Một là, ngày xưa việc đi lại thường bằng đường thủy là thuận tiện nhứt và cửa biển Cần Giờ là cửa ngỏ đi sâu vào đất liền – hai bờ sông toàn là rừng rậm hoang vu… (theo Phủ biên tạp lục). Có thể bằng đường thủy nầy, các vị đến cù lao Phố, Biên Hòa là nơi có đông cư dân (lúc đó đã có người Hoa), chọn làm nơi dừng chân đầu tiên thích hợp cho nghề thuốc Bắc. Khi đã quen đất nước con người, lại có nhiều thân chủ, nhứt là sau khi gặp được bà, ông Tổ mới chuyển đến chợ Thủ Dầu Một là trạm dừng chân thứ hai .  

Hai là, Thủ Dầu Một cách Bình Lý (nay là Bình Mỹ) qua con sông Sài Gòn hiền hòa nước ngọt quanh năm. Bờ sông bên Bình Lý đã có người ở, nhưng còn đất rộng người thưa, thuận lợi cho việc mở mang dựng nghiệp. Ông bà Tổ mới quyết định sang Bình Lý và Bình Lý trở thành Tổ quán của họ Tô ta ngày nay.

Ba là, một cứ liệu nữa có thể giúp chúng ta tìm hiểu thêm về ông Cao Tổ (thân, sinh ông Tổ Tô Thắng). Được biết, ông Tổ Tô Thắng sanh năm 1800, thì lúc bấy giờ, ông Cao Tổ phải lớn hơn người con trai của mình ít nhất từ 20-25 tuổi, tức ông Cao Tổ có năm sanh từ 1775 đến 1780, thời gian nhà Thanh chuẩn bị kéo quân sang đánh Đại Việt (Lịch sử Việt Nam có ghi, vua Quang Trung đại thắng hơn 20 vạn quân Thanh vào Tết Kỷ Dậu 1789). Từ các mốc, thời gian nêu trên, chúng ta có thể suy đoán, ông Cao Tổ tỵ nạn sang Đại Việt sau năm Kỷ Dậu, lúc ông đã trưởng thành. Vì đối với một chuyến hải hành dài đầy gian khổ hiểm nguy (chưa kể bị lực lượng canh phòng kiểm soát gắt gao trước và trong thời gian có chiến dịch đánh lớn) thì với sức vóc của những người trai tráng khỏe mạnh, dũng cảm mới có thể chịu đựng được. Và đi trong hoàn cảnh trốn lánh như vậy, đoàn đi thường gồm những chiến binh hết sức tinh gọn, nên ít có phụ nữ đi cùng. Nếu vậy, thì ông Cao Tổ cũng đi độc thân, sau mới lấy vợ người Việt. Và ông Tổ Tô Thắng được sanh ra trong đất Việt mang 50% dòng máu Việt Nam!

Có một nguồn thông tin nữa trong nước cũng nên tham khảo. Sau khi thành lập Ban liên lạc họ Tô Bình Mỹ đã liên lạc được họ Tô Việt Nam, tổ quán Nghệ An, có bộ gia phả họ Tô bằng chữ Hán lập năm 1947, chỉ ghi thủy Tổ Tô Quỳnh Thuận, Nghệ An, hiện do cụ Tô Trình, Bang tá Tổng Thanh Đoài cất giữ (Thông Tin họ Tô Việt Nam số 7 tháng 10/2003). Mới đây, theo tờ Thông Tin số 10 tháng 6/2007, đăng tin: “Nguồn gốc họ Tô – Ai là ông Tổ” như sau: “Nguồn gốc họ Tô xuất xứ ở quận Võ Công , tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Cháu nội vua Chuyên Húc là Lục Chung Tử Phàm được phong ở chốn Khôn Ngô, đời đời là Bá tước của triều đại nước Hạ. Con cháu được phong ở đất Tô, lấy họ Tô làm họ. 

Ông Tổ là Tô Phấn Sinh làm quan Tư Khấu nước Chu. Sau nầy do chiến tranh nên con cháu phân tán khắp nơi” (Hồ Sấu Chẩy, Quận 5 tp Hồ Chí Minh – theo ông Tô Hoàng Kiên, Hải Phòng sưu tầm ở báo Thế Giới Mới số 44 – 01/11/200).

 Các cứ liệu trên đây tuy chưa thấy có liên quan nhưng sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu và hậu duệ họ Tô có thêm hướng mở rộng việc tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc họ Tô ta, khẳng định thêm vị thế dòng họ trong cộng đồng dân tộc ta. Vì “dòng họ là một hiện tượng lịch sử xã hội đặc biệt mang tính tổng quát của nhân loại. Dòng họ có từ trước khi xã hội phân chia giai cấp và sau này khi giai cấp, nhà nước đã tiêu vong, thay đổi chế độ xã hội thì dòng họ với tư cách là sự liên tục giữa ông cha và con cháu vẫn tồn tại” (Tô Thuận).

Đối với các chuyên viên gia phả, có một vài nhận định như sau: Họ Tô có nguồn gốc từ Trung Hoa sang Việt Nam kẻ trước người sau (cũng như một số họ khác) định cư lập nghiệp được các chế độ cầm quyền và nhân dân Việt Nam thương yêu đùm bọc. Lâu dần họ coi Việt Nam là quê hương và họ cũng trở thành người Việt Nam thật sự và đã có những cống hiến quan trọng trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước. Con cháu của các bậc tiền bối ấy bao lớp nối truyền, bao cuộc phối ngẫu với nam thanh nữ tú người bản địa, sanh con đẻ cháu hàng chục thế hệ qua, nay đã thuần Việt hoàn toàn. Về di truyền học, từ những cuộc phối ngẫu như vậy thường có gien đột biến.

Như họ Tô nhà ta, từ ông Tổ Tô Thắng phối ngẫu với bà Tổ Trần Thị Trà, đến đời V xuất hiện Tô Ký, nhân vật nổi trội trong dòng họ, làm rạng danh quê hương đất nước.

Xin trở lại họ Tô Bình Mỹ. Tuy ông Cao Tổ có đến Việt Nam, nhưng không còn dấu tích gì về ông, chỉ biết qua truyền miệng, nên hậu duệ họ Tô tôn ông Tổ Tô Thắng là Tổ khai sáng dòng họ Tô Bình Mỹ là đời I.

Ông Tổ Tô Thắng và bà Tổ Trần Thị Trà sanh hạ được 10 người con (9 trai và 1 gái). Người thứ tư và thứ năm về Trung Quốc, người thứ bảy là gái, chết nhỏ, còn lại 7 người con trai (7 chi ): ông hai Tô Tường, ông ba Tô Tự, ông sáu Tô Thành, ông tám Tô Thuộc, ông chín Tô Sách, ông mười Tô Lệ và ông út Tô Tâm. Các ông sanh con đẻ cháu nối truyền đến nay đã được 7 đời. Chi thứ nhất (đời II) ông hai Tô Tường (chi trưởng) sanh hạ 8 người con, mất 4 còn 4 (2 trai, 2 gái): thứ 2 Tô Văn Quyện (cháu nội ông là tướng Tô Ký), thứ 5 Tô Thị Quờn, thứ 7 Tô Văn Tế và thứ 9 Tô Thị Chín. Vợ ông Tô Văn Quyện  là bà Nguyễn Thị Tạo và cháu nội gái của bà là Tô Thị Út (con ông 7 Tô Văn Tế) được Nhà nước phong tặng là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ông có 3 người con là liệt sĩ thời chống Pháp: Tô Nếp, Tô Đậu và Tô Thanh. Chi trưởng có nhiều người tham gia cách mạng chống ngoại xâm, có số người nổi tiếng, có nhiều người liệt sĩ và có hai Bà Mẹ Việt Nam anh hùng . 

Các chi khác, chi thứ hai: Ông ba Tô Tự sanh hạ 9 người con, mất 3 còn 7 người (4 trai, 3 gái): thứ 2 Tô Văn Khá, thứ 5 Tô Văn Bầy, thứ 6 Tô Văn Chức, thứ 7 Tô Thị Thép, thứ 8 Tô Văn Chịnh, thứ 9 là Tô Thị Ninh và thứ 10 Tô Thị Kỹ. Ông ba Tô Tự là thầy thuốc Nam, ông có 2 người cháu liệt sĩ là Tô Văn Khách, cháu nội (con ông Tô Văn Chức) và Trần Văn Lực, cháu cố (con bà Tô Thị Rảnh); Lê Văn Hải, cháu cố (cháu nội bà Tô Thị Thép) là Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Chi thứ ba ông sáu Tô Thành sanh hạ 6 người con, mất 3 còn 3 người (1 trai, 2 gái): Thứ 2 Tô Văn Tiệm, thứ 5 Tô Thị Tịnh và thứ 7 Tô Thị Bảy.

Năm 1945, ông Tô Văn Gián, (con ông Tô Văn Tiệm) làm Hương cả làng Bình Lý, được cách mạng vận động ông hiến cả ngôi nhà ngói 3 gian của mình làm văn phòng chi đội 12 của Tô Ký. Chi thứ tư ông tám Tô Thuộc sanh hạ 8 người con, mất 2 còn 6 người (3 trai, 3 gái): thứ 4 Tô Văn Hữu, thứ 5 Tô Văn Thâu, thứ 6 Tô Thị Hợi, thứ 7 Tô Thị Nĩ, thứ 8 Tô Thị Tôn và thứ 9 Tô Thị Ty.

Ông có người con rễ là Nguyễn Văn Nhì (chồng bà Tô Thị Tôn) liệt sĩ, và người cháu ngoại là Nguyễn Thi Mau tham gia kháng chiến chống Mỹ và là Đảng viên; Nguyễn Ngọc Lan (con bà Tô Thị Tôn) là đại úy Quân đội nhân dân Việt Nam Đảng viên, thương binh. Chi thứ năm ông chín Tô Sách sanh hạ 10 người con, mất 4 còn 6 người (3 trai, 3 gái): thứ 3 Tô Văn Sửu, thứ 4 Tô Thị Thắm, thứ 6 Tô Thị Lợn, thứ 7 Tô Văn Năng, thứ 10 Tô Văn Hạt và thứ 11 Tô Thị Niềm. Riêng Tô Văn Sông (con trai trưởng ông Tô Văn Sửu), thời chiến tranh tản cư sang Bình Dương, vì lý do ngại thực dân Pháp nghi có liên hệ với ông Tô Ký nên đến nơi ở mới ông cho các con mang họ Phạm (họ mẹ).

Cháu nội ông là Tô Văn Chính (con ông Tô Văn Xã) làm hạt phó Hạt Kiểm Lâm tỉnh Bình Dương. Chi thứ sáu ông Mười Tô Lệ có 3 dòng con gồm 5 người (3 trai, 2 gái): Tô Thị Nổi, Tô Văn Luyện, Tô Thị Bình, Tô Văn Chịu và Tô Văn Ánh. Ông có 2 người cháu nội là Tô Văn Ngọt và Tô Văn Chăn (con ông Tô Văn Luyện) liệt sĩ; người cháu cố là Nguyễn Hoàng Anh Vũ (cháu nội của bà Tô Thị Bình), Thiếu tá công an. Chi thứ bảy ông út Tô Tâm sanh hạ 9 người con, mất 3 còn 6 (3 trai, 3 gái): thứ 2 Tô Thị Thời, thứ 3 Tô Văn Bửu, thứ 4 Tô Văn Thường, thứ 7 Tô Văn Vô, thứ 8 Tô Thị Thả và thứ 10 Tô Thị Lên. Cháu cố ông là Nguyễn Hữu Thành (con bà Tô Thị Trần) liệt sĩ.

Nếu tính từ ông Tổ Tô Thắng (đời I) đến ông Tô Tường (đời II), Tô Văn Quyện (đời III), Tô Nếp (đời IV), Tô Ký (đời V), Tô Kiển Hưng (đời VI) đến Tô Nhân Kiệt (đời VII) - cháu nội đích tôn của ông Tô Ký thì đến nay họ Tô Bình Mỹ đã nối truyền được 7 đời. Con cháu họ Tô chủ yếu hiện sống tại Tổ quán Hốc Môn, Củ Chi, nội thành Thành phố Hồ Chí Minh, một số người ở Bình Dương, số ít ở nước ngoài học tập và lập nghiệp.

Sau bảy năm được thành lập, Ban Liên Lạc họ Tô Bình Mỹ đã có nhiều hoạt động thiết thực như: Tôn tạo mộ ông Tổ Tô Thắng, xây cổng Nghĩa trang họ Tô khang trang, xác định chủ quyền ranh giới thổ mộ, lo chu đáo ngày giỗ Tổ là dịp tập hợp đông đủ con cháu, truy tìm kết nối thêm những người trong họ; dùng một phần ngân quỹ của dòng họ làm công tác xã hội: chúc thọ người già, tặng quà, phát thưởng cho học sinh giỏi để động viên các cháu học thành tài – tương lai sẽ lập quỹ Khuyến học họ Tô; có kế hoạch xây dựng nhà Từ đường làm nơi thờ cúng ổn định lâu dài ông bà Tổ.

Hiện nay, Ban Liên Lạc đang phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và thực hành gia phả Thành phố Hồ Chí Minh dựng lại hoàn chỉnh bộ Gia phả họ Tô. Khi hoàn thành, Bộ Gia phả là gia bảo rất thiêng liêng của dòng họ vì được ghi chép đầy đủ họ tên, năm sanh, ngày mất (giỗ), nơi mộ táng, kèm hành trạng của Tổ tiên ông bà, những người có công lao lớn đối với dòng họ và xã hội.

Làm được như vậy, họ Tô ta đã xây dựng được kiềng ba chân vững chắc, gồm: Đồng mả họ, nhà thờ Tổ và gia phả dòng họ – nền tảng của mỗi gia tộc Việt Nam. Đồng mả và Nhà thờ Tổ là hai di tích lịch sử vật thể được xác định cụ thể sự hiện diện của ông bà ta. Còn bộ Gia phả thuộc về phi vật thể, không thể thiếu được; vì gia phả lý giải quá trình hình thành, tồn tại của dòng họ trải qua bao sự biến thiên của đất nước, hoàn cảnh cuộc sống địa lý nhân văn vùng đất Tổ quán mà Tổ tiên, ông bà ta đã dày công dựng nghiệp…

Xem gia phả, con cháu họ Tô sẽ vô cùng xúc động càng yêu kính Tổ tiên, ông bà, càng quý yêu mảnh đất quê hương, nơi trước đây ông bà ta đã sanh sống thân thiện trong sự đùm bọc, chở che của cộng đồng dân ấp, dân lân, đậm đà tình làng nghĩa xóm.

Theo tục lệ Nam bộ xưa, khi về già cha mẹ ở với người con trai út. Ông Tổ Tô Thắng sống chung với ông út Tô Tâm (cũng như sau nầy ông út Tô Tâm ở với con trai út là Tô Văn Vô). Tại nền ngôi nhà xưa ông Tổ ở đến cuối đời, nay là nhà bà Tô Thị Trần (con gái ông Tô Văn Vô) đang ở. Phần mộ ông Tổ và ông Tô Tâm cũng được an táng gần ngôi nhà nầy. Theo lời căn dặn của ông Tổ, con cháu xây mộ ông 7 tầng đá tượng trưng cho 7 người con luôn gần gũi thương yêu, gắn bó bên nhau, con cháu đời đời mãi đoàn tụ, sum vầy.

Ngày giỗ ông Tổ (16 tháng 8 âm lịch), trước kia do ông Tô Văn Chịu (đời III, cháu nội ông mười Tô Lệ) cúng giỗ hàng năm. Sau ngày giải phóng, ông Tô Ký (đời V, cháu cố ông hai Tô Tường) thỉnh về giỗ từ đó đến nay. Tuy đã có Nghĩa trang họ Tô (do ông hai Tô Tường mua 2 sào đất, tức 2000 m2, của ông Nguyễn Văn Cẩm, gồm trên 120 mộ), nhưng mồ mả các bậc trưởng thượng họ Tô còn rải rác ở mấy nơi.

Mộ các ông Tô Tường, Tô Tự, Tô Thành, Tô Sách ở ấp 3, xã Đông Thạnh, Hốc Môn. Mộ ông Tô Thuộc ở trên đất bà Nguyễn Thị Mau (cháu ngoại ông Tô Thuộc), mộ ông Tô Lệ ở đất bà Tô Thị Tráng (cháu nội ông Tô Tâm). Bởi vậy, lúc còn sanh tiền, ông Tô Ký có ý định muốn di táng mộ ông Tổ về đồng mã họ Tô để gần gũi con cháu.

Nhưng có mấy cụ lớn trong họ không dám đụng đến mộ Tổ, nên thôi, và nay đã tôn tạo phần núm mộ giữ theo kiến trúc cổ, sửa sang nền móng và dựng mới mộ bia. Hiện mộ ông Tổ nằm riêng trong vườn lài, có lối đi rộng từ lộ xe vào. Vào dịp giỗ Tổ và tảo mộ hàng năm, con cháu họ Tô Bình Mỹ đến cúng viếng đông đủ. Gần mộ ông có nhà bà Tô Thị Trần, có con cháu bà ở, thường xuyên chăm nom phần mộ Tổ.

 II. LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT

Tổ quán họ Tô Bình Mỹ, huyện Củ Chi Thành phố  Hồ Chí Minh, vùng đất này xưa là làng Bình Lý thuộc tổng Bình Thạnh Trung, quận Hốc Môn tỉnh Gia Định. Làng Bình Lý xưa có 8 ấp: ấp Bình Đông  (nay là ấp 3, xã Đông Thạnh, gần cầu Bà Năm) – có giai đoạn làng Bình Lý bị nói trại ra là Bình Lái, vì kỵ húy ông Cai Tổng tên Lý. Năm 1940, chánh quyền Pháp sáp nhập 3 làng: Tân Mỹ (gần Cầu Xáng), Bình Lý và Mỹ Bình (gần cầu Bà Bếp) thành làng Bình Tân. Sau năm 1954, chánh quyền Sài Gòn đổi thành xã Bình Mỹ thuộc tỉnh Bình Dương. Năm 1961 (thời chống Mỹ), làng Bình Tân rộng lớn được cách mạng chia ra làm 2 xã: Bình Tân A và Bình Tân B thuộc huyện Gò Môn (Gò Vấp – Hốc Môn), tỉnh Gia Định. Sau ngày giải phóng 1975, xã Bình Mỹ thuộc huyện Củ Chi, Thành phố  Hồ Chí Minh cho đến ngày nay.

Ngày xưa, Gia Định vốn là thủ phủ của miền đất phương Nam nước Việt. Địa danh Gia Định thường được gọi kèm với địa danh Đồng Nai, để chỉ về toàn bộ lãnh thổ trong Nam. Đất Gia Định xa xưa gọi là Giản Phố Trại, thời nước Phù Nam. Năm Nhâm Tuất 1802, vua Gia Long lên ngôi, đổi Phiên Trấn dinh thành Gia Định Trấn. Năm 1808, nhà vua định lại bờ cõi, phân địa giới toàn lãnh thổ gồm 2 miền Bắc Nam gọi là: Bắc Thành, từ Thuận Hóa trở ra Bắc và Gia Định Thành, từ Bình Thuận trở vào Nam; 4 dinh, 25 trấn. Gia Định Thành gồm 5 trấn:

1. Phiên An Trấn (Gia Định)

2. Biên Hòa Trấn.

3. Vĩnh Thanh Trấn (Vĩnh Long – An Giang)

4. Định Tường Trấn

5. Hà Tiên Trấn.

Về mặt hành chánh, Gia Định Thành khi ấy gồm có:

-  Phủ Tân Bình

-  4 huyện: Bình Dương, Tân Long, Thuận An và Phước Lộc. Vị Tổng trấn đầu tiên là Kinh Môn quận công Nguyễn Văn Nhân, vị Hiệp Tổng Trấn là Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu. Đất Hốc Môn thuộc huyện Bình Dương, phủ Tân Bình. 

Năm Minh Mạng 13, Nhâm Thìn 1832, sau khi Tả quân Quận Công Tổng Trấn Gia Định Thành Lê Văn Duyệt từ trần, nhà vua bãi bỏ chức Tổng trấn, đặt Gia Định làm thành một tỉnh do các vị Tổng Đốc hoặc Tuần phủ, An sát, Bố chánh cai trị, đổi 5 trấn của Gia Định thành ra thành 6 tỉnh (lục tỉnh Nam Kỳ): Gia Định, Biên Hoà, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Đất Hốc Môn thuộc tỉnh Gia Định, là thủ phủ của Bình Long huyện. Sau cuộc khởi nghĩa “Mười tám thôn vườn trầu” năm 1885, thực dân Pháp đổi tên là quận Hốc Môn (bao gồm cả huyện Củ Chi ngày nay). Hốc Môn là 1 trong 4 quận  (Hốc Môn, Gò Vấp, Thủ Đức và Nhà Bè) của tỉnh Gia Định.

Cả nước tự hào về Hốc Môn là cái nôi của Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Nhân dân Hốc Môn tự hào về vùng đất địa linh nhân kiệt “Vành đai đỏ” Hốc Môn được thiên nhiên ban tặng một vị trí khá đặc biệt, rất lý tưởng cho các nhà chiến lược quân sự. Có thể so sánh Hốc Môn như một thanh gươm đầu nhọn đuôi dài cắm sát Sài Gòn, đầu não địch ở phương Nam. Gươm có thể vung lên bất cứ lúc nào khi có thời cơ. Ba hướng Bắc, Tây, Đông đều có thể tiếp nối với các chiến khu, căn cứ nghĩa quân cách mạng. Hàng trăm hecta rừng trải dài ở phía Bắc, giáp với rừng Trảng Bàng (Tây Ninh), với bưng Tràm Lạc (Đức Hòa, Chợ Lớn, nay là Long An), phía Tây các vùng bưng Tân Thới Tây, Tân Thới Thượng tiếp giáp với giồng Bằng Lăng vùng rừng mênh mông; phía Đông vượt sông Sài Gòn là có thể đến các chiến khu nổi tiếng như chiến khu Đ, chiến khu Dương Minh Châu. Ngay trong đất Hốc Môn cũng có nhiều chiến khu khá nổi tiếng là Vườn Cau Đỏ và An Phú Đông lừng lẫy, có địa đạo Xuân Thới Thượng góp chiến công. Một thế chiến lược vững vàng, tiến thoái đều thuận lợi. Thật ít nơi nào có được. Không phải ngẫu nhiên, mà BCH TW Đảng và Xứ ủy đã 5 lần tổ chức họp tại đây bàn việc quốc gia đại sự.

Nhân kiệt Hốc Môn thời nào cũng có!

Nếu Nguyễn Ảnh Thủ chỉ huy đánh chiếm đồn Thuận Kiều (1871), thì Phan Công Hớn lãnh đạo nhân dân Mười tám thôn vườn trầu thiêu hủy dinh quận Hốc Môn (1885). Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), cũng nổ ra đầu tiên tại Hốc Môn… Hào khí bất khuất này đã trui rèn và sản sinh những người con của Hốc Môn trung kiên lẫm liệt, truyền thống nối tiếp truyền thống quê hương. Tô Ký, Nguyễn Văn Bứa, Hồ Thị Bi, Phan Văn Khải, Phan Trung Kiên là những nhân vật tiêu biểu cho Hốc Môn thời hiện đại. Và lớp lớp con cháu sẽ còn nhiều tên tuổi xứng đáng nối tiếp truyền thống vẻ vang trong tương lai.

Họ Tô ta rất tự hào về người con ưu tú Tô Ký. Niềm tự hào về tướng quân Tô Ký không còn bó hẹp trong phạm vi họ tộc, mà là còn của Hốc Môn, Mười tám thôn vườn trầu, của Nam Bộ Thành Đồng, của Quân Khủ miền Bắc.

III. ĐẶC ĐIỂM CỦA DÒNG HỌ

Qua việc tìm hiểu, nghiên cứu và so sánh với một số dòng họ khác, họ Tô Bình Mỹ có những đặc điểm mà những người trong và ngoài họ Tô đều thấy được:

1. Họ Tô Bình Mỹ vốn xuất thân là nông dân nghèo, không có nhiều điền sản – tiêu chuẩn đầu tiên để phân biệt giàu nghèo thời trước đây. Trong sổ địa bạ, điền bạ của Hốc Môn – Gia Định không có danh sách các điền chủ họ Tô  Bình Mỹ. Bằng chứng là 20 sào (2000 m2) đất thổ mộ (nay là Nghĩa trang họ Tô) ông Hai Tô Tường phải mua của ông Nguyễn Văn Cẩm. Tuổi trẻ, tướng Tô Ký phải bỏ học vì nhà nghèo.

Có thể nói, với hai bàn tay trắng từ sự cần cù lao động chịu thương chịu khó chống cường quyền bất công, họ Tô làm nên sự nghiệp, cả sự nghiệp tinh thần. Bằng ý chí tự lập, tự lực tự cường, tự vươn lên, không quen nương nhờ ai nên đã đứng vững suốt 7 thế hệ trên mảnh đất đầy sóng gió, thù trong giặc ngoài nầy.

2. Truyền thống tốt đẹp của dòng họ là đầu mối của lòng yêu nước nồng nàn và căm thù giặc sâu sắc lại được hun đúc bằng khí phách quê hương, tất cả tạo nên bản lĩnh, phẩm chất tuyệt vời của dòng họ, mà tướng Tô Ký là người tiêu biểu nhất. Dòng họ có hai Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trên hai mươi liệt sĩ. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Mỹ, không có ai làm việc cho chế độ thực dân đế quốc.

3. Phẩm chất nổi trội của họ Tô là trọng nghĩa khinh tài, ăn ngay nói thẳng. Bất cứ trong hoàn cảnh nào, người họ Tô vẫn sống trọn tình vẹn nghĩa với xóm làng bà con, thủy chung với bạn bè, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc quê hương, thái độ dứt khoát với kẻ thù xâm lược.

4. Dù trải qua bao biến đổi của cuộc đời, qua hai cuộc chiến tranh ác liệt dòng họ ly tán, nhưng khi có điều kiện là quyết tâm nối kết dòng họ, đùm bọc giúp đỡ những người nghèo khó vươn lên, lo tôn tạo mồ mả, thờ phụng cúng giỗ ông bà; đặc biệt tập trung lo ngày giỗ Tổ vừa để tỏ lòng hiếu thảo với Tổ tiên vừa có dịp tập hợp, đông đủ con cháu để ôn lại truyền thống tốt đẹp của dòng họ cho con cháu noi theo.

5. Nghề thuốc là nghề gia truyền của họ Tô cũng được nối truyền. Từ thầy thuốc nổi tiếng: ông Tổ Tô Thắng (đời I) đến thầy thuốc Tô Tự, Tô Tâm (đời II) truyền cháu cố ông là y sĩ Tô Văn Liêm (đời V) – lúc trẻ anh thanh niên Tô Ký có học chữ Nho và cũng muốn nối nghề thuốc của ông bà – nay có bác sĩ Tô Thanh Tùng (đời VII), cháu nội ông Tô Lợi đang nối nghiệp Tổ tiên, con dâu ông Tô Ký là bác sĩ Nguyễn Ngọc Hạnh là Trưởng khoa Dinh dưỡng, bệnh viện Trưng Vương TP Hồ Chí Minh, em dâu của ông - bác sĩ Trần Ai Lan, nguyên là Giám đốc bệnh viện Bình Dương tỉnh sông Bé.

Nghề thuốc là nghề nhân đạo, trị bịnh cứu người. Con cháu nối nghề gia truyền là nét đẹp văn hóa họ tộc, là cách thiết thực góp phần vun bồi cho việc giữ gìn truyền thống họ tộc, tự hào về tổ tiên, rất được gia tộc và xã hội hoan nghênh.

Họ Tô Bình Mỹ tuy không phải là họ lớn, lại không phải họ giàu có, nhưng là họ tộc danh giá được xã hội kính trọng vì tài năng, đạo đức và những cống hiến đáng kể cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Con cháu họ Tô ta ngày nay và mãi mãi rất tự hào về truyền thống quý báu này. Đó là hành trang quan trọng, nền móng vững vàng, là bệ phóng tốt nhất để cho lớp lớp hậu duệ cất cánh bay cao vươn xa. Con hơn cha là nhà có phước, đúng với họ Tô, như lời ông bà đã dạy:

Hữu Dư Phước Ấm Lưu Miêu Duệ

Bất Tử Tinh Thần Tại Tử Tôn

(Tổ tiên để phước đức cho con cháu,

Trách nhiệm con cháu là làm cho sáng đẹp mãi).