Trang chủ > 020. Gia phả họ Nguyễn (ấp Bình Tả, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An)

020. Gia phả họ Nguyễn (ấp Bình Tả, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An)

14/08/2022 22:49:21

Gia phả họ Nguyễn ở ấp Bình Tả, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2002.

LỜI TỰA

Ông Nguyễn Văn Truyện - ông năm Truyện - là cha của chúng tôi.

Ba anh em chúng tôi : Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Hữu Thiện và Nguyễn Chiến Thắng, đã đi theo kháng chiến từ nhỏ. Trải qua hai cuộc đánh Pháp, đuổi Mỹ, tập kết ra miền Bắc, dần dần trưởng thành và cả ba đều được đi học tập ở nước ngoài.

Cho đến nay, qua 27 năm tổ quốc vô vàn kính yêu được độc lập, thống nhứt, hòa bình ; mặt dù trong ý thức, tâm tưởng có nhớ tới quê cha, đất tổ, nơi chôn nhao cắt rún, song do nhiệm vụ cách mạng bề bộn, có lúc còn phải đi xa nên chúng tôi ít có dịp về sống cạnh với họ hàng thân thuộc, hỏi han thăm viếng cô bác, anh em … nên tên xóm tên người, thế thứ mã mồ vẫn còn lúng túng. Thật là điều thiếu sót lớn của chúng tôi.

Nghĩ rằng : Cây có cội , nước có nguồn, làm con phải biết tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Đến tuổi tri thiên mệnh tâm hồn càng lắng đọng nên ta thường nghĩ về dòng họ, tổ quán, hay lúc thư nhàn của tuổi nghỉ hưu lại càng nhớ về nước nguồn, cây cội, mối quan hệ ràng buộc của thân tộc, ruột rà ; nỗi niềm cốt nhục ấy đã thúc giục chúng tôi phải làm điều gì có ý nghĩa để báo hiếu, để bù đắp nghĩa vụ đối với gia đình, với dòng họ mình, nhứt là thời gian thoát ly đã phải vắng mặt dài lâu.

Được cô bác tán đồng, cổ vũ, đầu năm 2002 anh em chúng tôi đứng ra làm nòng cốt, đã khởi công và hoàn thành nhà bia tưởng niệm trên đất ông bà, tiếp theo là dựng bộ Gia phả cho tộc họ Nguyễn, nay đã hoàn thành, trước kính dâng lên báo hiếu Tổ tiên, sau để con cháu truy nguyên về lịch sử dòng họ mình trong đó có danh tánh, thứ thế, hành trạng, sự nghiệp, ngày giỗ chạp của ông cha; mục đích là để noi gương sáng của Tổ tiên, luôn làm điều tốt, tránh điều dở, hoặc xóa bỏ điều ích kỷ, nhỏ nhen phạm phải. Nhìn vào gia phả để thấy chiều dài lịch sử họ tộc, biết là con một cha, nhà một nóc, như cây một gốc nước một nguồn, để thực hiện sự đoàn kết, thương yêu, nương tựa, dạy bảo nhau, chị ngã em nâng, mong thực hiện câu : Một giọt máu đào còn hơn ao nước lã. Đồng thời nhắc cho thế hệ con cháu mai sau thế nào là lời dạy “Báo bổn tư nguyên” (nhớ cội nhớ nguồn) thế nào là “Vĩnh truyền tôn thống”(nối dõi dòng họ). Đó là bản chất của đạo lý, là truyền thống văn hóa Việt Nam, đã khắc sâu trong tâm khảm của con Lạc cháu Hồng.

Bản gia phả này mới lập lần đầu tiên, mặc dù có sự góp sức lớn lao của “Nhóm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP Hồ Chí Minh” song e rằng không tránh khỏi sự thiếu sót, lầm lẫn, mong được bà con cô bác xem xét, vui lòng nhuận chính.

Nhân đây, anh em chúng tôi xin chuyển lời trân trọng cám ơn “Nhóm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP Hồ Chí Minh”, không quên cám ơn chú ba Nguyễn Văn Thạnh, chú tám Nguyễn Văn Quan, cô dượng út Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Văn Xuân đã nhiệt tình giúp đỡ trong suốt quá trình tạo dựng bộ gia phả này.

Ngày     tháng    năm 2002

Các cháu đời 5 họ Nguyễn :

Nguyễn Trung Tín
Nguyễn Hữu Thiện
Nguyễn Chiến Thắng

 

PHẢ KÝ

Nước có Sử để ghi sự hưng vong của từng triều đại, nhà có Phả để chép việc thăng trầm của mỗi dòng họ.

Theo chữ Hán, gia là nhà, phả là chép vào, Gia phả có nghĩa là một quyển sổ để ghi chép đầy đủ, rõ ràng tên tuổi từng thế hệ, từng người trong dòng họ mình. Một người dù trí nhớ có tốt đến mấy cũng không tài nào nhớ nổi tên tuổi, hành trạng, ngày giỗ, nơi để mồ mả của người trong tộc. Hơn nữa, đất nước trải qua 83 năm đô hộ, 30 năm chiến tranh giữ nước, biết bao sự kiện dồn dập, làm cho ký ức chúng ta ít nhiều bị dồn nén hoặc bị phai mờ. Để ghi nhận một cách có hệ thống và toàn diện dòng họ, thì việc dựng gia phả là điều cần thiết.

Chỉ cần giở ra từng trang gia phả, nhân thân mỗi người sẽ lần lượt hiện lên. Con cháu cứ soi rọi vào đấy mà biết tông tích của tiền nhân, việc ưu điểm thì noi gương, điều nhược điểm thì khắc phục, đó là cach học tập đạo lý của tiền nhân, đó là cách tu thân trong cuộc sống. Nhờ có gia phả ta sẽ biết rõ quan hệ thế thứ, quan hệ nội ngoại, ngày húy kỵ ông bà, để thấy rằng : Cây cùng một gốc, nước chung một nguồn, dù nay có năm chi bảy phái thì cũng do một ông Tổ mà ra, từ đó ta có cơ sở để thương yêu đùm bọc lấy nhau, không làm điều gì sái quấy tủi hổ vong linh Tổ phụ Ông bà, hay trong khi thất bại trên đời, khi đọc thấy sự nghiệp của Ông bà, ta sẽ phấn chí mà vượt lên được.

Dưới đây là thủ bút ghi “Cửu huyền thất tổ” họ Nguyễn chúng ta, do ông Nguyễn Văn Dậu mà cháu cố ngành trưởng ghi lại còn giữ được, tuy cách ghi còn sơ lược, song dựa vào đó, con cháu thấy được ông bà tổ phụ là ai, nối nhau thế nào :

PHÁT TÍCH DÒNG HỌ

Theo bảng tông chi do ông Nguyễn Văn Dậu (Cai tổng Dậu cháu đời 4) viết như trên và theo đa số người trong họ, thì ông tổ cao đời nhứt trong họ ta húy là Nguyễn Văn Tích, bà là Nguyễn Thị Xong, có mộ táng trên đất nhà. Không biết năm sanh, năm mất; là người bản địa hay từ đâu đến định cư và khai canh nơi xóm Bình Tả này.

Do đó sự xác định niên đại chỉ bằng sự suy đoán, dựa trên cơ sở so sánh niên đại có sẵn của người con gái thứ ba của ông bà còn ghi trên mộ bia cổ đá xanh chữ Hán, người con gái ấy tên Nguyễn Thị Dưỡng, mộ bia ghi rằng :

Đại Nam, Hiển tỷ tánh Nguyễn Thị Dưỡng chi mộ.

Sanh Đinh Hợi, Đinh Tỵ tốt

Hiếu tử Lại Văn Sủng lập thạch

Có nghĩa là : Trên đất nước Đại Nam (quốc hiệu thời Minh Mạng) phần mộ bà mẹ đã mất họ Nguyễn tên là Thị Dưỡng.

Sanh năm Đinh Hợi, mất năm Đinh Tỵ, con trai là Lại Văn Sủng lập mộ cho mẹ mình. Mà Đinh Hợi là năm 1827, ta lấy năm này để làm chuẩn tính ngược lên ông tổ Nguyễn Văn Tích.

Nhưng tại sao ta không lấy mốc từ người anh hai của bà Dưỡng tức ông Nguyễn Văn Trữ trưởng nam của tổ phụ Nguyễn Văn Tích  cho sát đúng hơn ? Bởi vì mộ bia ông Nguyễn Văn Trữ mới tái lập sau này ghi chữ Việt là ông sanh năm 1829 Đinh Dần, do người tính toán sai lầm vì trong Âm Dương lịch Việt Nam không bao giờ có Đinh Dần 1829, nên không đủ độ tin cậy.

Do đó ta quy ước mỗi thế hệ cách nhau 25 năm, bà ba Dưỡng sanh năm 1827 trừ 2 năm cho ông anh hai Trữ và khoảng cách 25 năm, ta có được đáp số năm sanh của tổ phụ Nguyễn Văn Tích là 1800, nhằm lúc cuộc nội chiến Nguyễn Ánh - Tây Sơn sắp chấm dứt.

Tiếp theo sẽ còn có các câu hỏi : ông là người bản địa hay là người miền Ngũ Quảng hưởng ứng cuộc Nam tiến như sách Đại Nam nhất thống chí có viết : “Đầu Xuân Mậu Dần (1698) Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam, lấy đất Đồng Nai dựng dinh Trấn Biên lập huyện Phước Long, lấy đất Sài Côn dựng dinh Phiên Trấn lập huyện Tân Bình, dân số hai huyện có 4 vạn hộ”.

Thời điểm này, các chúa Nguyễn xứ  Đàng Trong đã đặt bộ máy cai trị trên đất Thủy Chân Lạp chỉ đến bờ sông Vàm Cỏ, rồi xảy ra chúa Định Vương bị diệt, Tây Sơn nổi lên, đất miền Nam luôn có chiến tranh, cho đến khi Nguyễn Ánh thống nhứt đất nước, thời gian có cả trăm năm.

Sách Gia Định thành thông chí ấn hành năm 1820 viết :

Đầu đời Gia Long, phủ Gia Định đổi gọi là Trấn Gia Định bao gồm cả Nam bộ ngày nay. Năm 1808, gọi là Gia Định thành đặt quan Tổng Trấn để thống quản cả năm trấn : Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên và kiêm quản cả trấn Bình Thuận, lại thăng cấp huyện làm Phủ, thăng Tổng thành Huyện. Trấn Phiên An có một Phủ là Tân Bình (xưa là Huyện).

Phủ Tân Bình coi bốn huyện là Bình Dương, Tân Long, Phước Lộc, Thuận An. 

Huyện Tân Long có hai tổng là Tân Phong và Long Hưng, trong đó thôn Đức Hòa là một trong 74 thôn, xã, phường thuộc tổng Long Hưng, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, trấn Phiên An.

Năm 1832, phủ Tân Bình chia hai huyện Thuận An và Phước Lộc lập thành phủ Tân An, hai huyện Bình Dương, Tân Long vẫn thuộc phủ Tân Bình.

Đến năm 1834 sau cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng bãi bỏ Tổng trấn Gia Định và đặt ra Lục tỉnh Nam kỳ là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.

Đến năm 1836, Trương Đăng Quế và Trương Minh Giảng tiến hành công cuộc đo đạc lập địa bạ, đã thấy đặt thêm các tổng, thôn mới.

Tỉnh Gia Định cai trị hai phủ Tân Bình và Tân An.

Phủ Tân Bình coi hai huyện Bình Dương và Tân Long. Huyện Bình Dương có sáu tổng là Bình Trị Thượng, Bình Trị Trung, Bình Trị Hạ, Dương Hòa Thượng, Dương hòa Trung và Dương Hòa Hạ. Huyện Tân Long có sáu tổng là Tân Phong Thượng, Tân Phong Trung, Tân Phong Hạ, Long Hưng Thượng, Long Hưng Trung và Long Hưng Hạ, trong đó thôn Đức Hòa là một trong 21 thôn phường thuộc tổng Long Hưng Thượng.

Duyên cách thôn Đức Hòa, tứ cận như sau :

Đông giáp thôn Mỹ Hạnh, tây giáp thôn Hòa Khánh, nam giáp rừng, bắc giáp thôn Mỹ Lập và Mỹ Hạnh có lập cột gỗ làm giới, thực canh ruộng điền tô là 127 mẫu 4 sào 9 thước, đất dân cư là 5 mẫu, 6 sào, 10 thước và hai khoảnh đất hoang nhàn.

Năm 1839 tỉnh Gia Định lập thêm phủ Tây Ninh có hai huyện Tân Ninh, Quang Hóa. địa giới từ Trảng Bàng đến vùng cao giáp Cao Miên. Năm 1841 tách lập phủ Hòa Thanh coi hai huyện Tân Hòa và Tân Thạnh, ở phủ Tân Bình cũng tăng thiết thêm huyện Bình Long tách từ huyện Bình Dương, lỵ sở huyện Bình Long đóng ở Hóc Môn, lại cắt phần vùng trên của tổng Long Hưng Thượng lập ra tổng Cầu An Hạ trực thuộc về huyện Bình Long cho đến 1859, tàu Pháp vào đánh chiếm tỉnh thành Gia Định, qua 1862 Nguyễn triều cắt nhượng ba tỉnh miền Đông.

Chỉ ở trong bối cảnh đó, thời gian đó (thời Gia Long thống nhứt đất nước) ông bà ta hiện diện, vẫn duy trì cuộc sống, sinh hoạt, “dĩ nông vi bản” lấy nông nghiệp làm chính, giáo lý nho học làm căn bản, cấy lúa nước dưới ruộng sâu, cất nhà ở trên giồng đất cao, và tổ phụ mẫu  Nguyễn Văn Tích, Nguyễn Thị Xong sanh ra đời hai gồm chín người con : Nguyễn Văn Trữ, Thị Dưỡng, Thị Nuôi, Văn Bàng, Thị Định, Văn Quới, Thị Nhơn, Văn Hiếu và Văn Ráng.

Ở đây, nhóm biên tập xin bổ sung thêm hai điều quan trọng chưa ai đề cập đến mà trong quyển phả cần ghi :

a) Theo bản viết tay của ông Nguyễn Văn Dậu có một đoạn viết :

Nguyễn văn Suốt, ông cố họ

Nguyễn Thị Cẩm, bà cố họ

Nguyễn Văn Thường, chú

Nguyễn Thị Tương, cô

Theo nhận định, phải chăng ông Suốt, bà Cẩm là đôi vợ chồng ?

Danh xưng ông cố họ phải là người huynh đệ với cố Nguyễn Văn Tích chúng ta. Và chú cô Thường, Tương là cháu nội của ông Suốt ?

b) Theo khẩu truyền của các vị bô lão trong và ngoài họ chưa được kiểm chứng thì tổ phụ Nguyễn Văn Tích còn có các anh em khác mà hậu duệ ngày nay còn hiện diện trong xóm như là : ông Cả Tề, Hương hào Trinh, ông Mùa và thầy giáo Thất, ông chín Bửu, ông Cả Nam, ông tám Lung, ông chín Nhậm (cha ông ba Phất), dù chưa rõ sự quan hệ, nhưng vẫn nhận nhau là bà con.

Phần này phải được nghiên cứu thêm mới làm rõ được, mong bà con lưu ý để có dịp sẽ làm rõ hơn, trong phả này chỉ ghi phần ông tổ Nguyễn Văn Tích.

LỊCH SỬ SANG TRANG, ĐỜI HAI HIỆN DIỆN

Đến đời Tự Đức, qua bốn đời vua và 60 năm dựng nghiệp của nhà Nguyễn thì người Pháp đến, nhanh chóng biến Nam kỳ thành thuộc địa, ông bà đời hai chưa sống trọn với cựu trào, song lúc về già có người còn chứng kiến việc xâm lược của giặc Tây Dương cuối thế kỷ XIX . Các người đời hai, sự phân bố đã thấy ông hai Trữ và ông mười Hiếu sống tại Bình Tả, trên đất tổ phụ khai canh, ông năm Bàng và ông tám Quới phát triển sang ấp Bình Tiền, ông út Ráng vô hậu, người thứ bảy yểu vong, bốn người con gái đều có gia đình về ở quê chồng quanh vùng không xa. Vẫn tiếp tục sự nghiệp và nếp sống của cha mẹ, cuộc sống khá giả thuộc lớp trung lưu và có vị trí nhứt định trong xã hội thời đó.

Tháng 2 năm 1861, Pháp phá vỡ đại đồn Chí Hòa rồi đánh lên Thuận Kiều, Hóc Môn, trực chỉ theo đường bộ lên Tây Ninh, hướng đường thủy theo sông Vàm Cỏ Đông lên Trảng Bàng qua ngã Đức Hòa, quân thứ Định Biên rút lên Biên Hòa bỏ trống phía Nam Sài Gòn, nên Pháp thừa cơ chiếm luôn Gò Đen, Rạch Kiếm, Cần Giuộc, thẳng xuống Định Tường, đến cuối năm 1861, Biên Hòa cũng mất.

Sau khi quan quân ba tỉnh triệt thoái liền xuất hiện một phong trào võ trang chống Pháp, kháng mệnh triều đình, đứng đầu là Bình Tây Đại Nguyên Soái dân phong dấy lên làm cho Pháp lắm phen điêu đứng. Nhưng Trương Định sớm hy sinh (19/8/1864) lực lượng kháng chiến lần lần yếu thế và cuối cùng chịu thất bại, tuy còn có nhiều cuộc khởi nghĩa lẻ tẻ khác khắp Nam kỳ.

THẾ HỆ THỨ BA HỌ NGUYỄN TIẾP NỐI

Cuộc khởi nghĩa 18 thôn vườn trầu do Phan Công Hớn (người Bà Điểm) và Nguyễn Văn Quá (người Mỹ Hạnh) cầm đầu tấn công dinh quận Bình Long năm 1885 là cuộc nổi dậy cuối cùng chấm dứt giai đoạn sĩ phu yêu nước chống Pháp. Là giai đoạn mà ông bà đời hai lần lượt vắng đi, nhường chỗ cho thế hệ thứ ba tiếp nối cũng là lúc bước qua thế kỷ mới, thế kỷ XX. Nông thôn Đức Hòa bắt đầu nhận làn gió văn minh Tây phương thổi tới, có đường nhựa, có dây thép nói, có chữ quốc ngữ theo vần La tinh thay cho “nhân chi sơ, tánh bổn thiện” đã xuất hiện và sử dụng tận khắp nông thôn, với chiêu bài là ân huệ của kẻ thống trị ban bố cuộc sống văn minh cho người dân nhược tiểu thực chất là ru ngủ để cai trị, nhưng làn gió độc đã bị ngọn gió lành thổi bạt đi.

Cuộc cách mạng Tư sản ở Pháp, cách mạng Tân Hợi ở Trung Hoa và cách mạng Tháng mười Nga những nguồn thông tin mới ấy đã in sâu vào tâm khảm của quảng đại quần chúng đã cải thiện tư duy con người trên bước đường “Minh tân” một cách đáng kể.

Một định hướng chưa có, một ngọn cờ chưa phất cao, bước đi còn rụt rè, nhưng người dòng họ chúng ta vẫn phải sinh tồn, vẫn phải chăm lo con cái đang ngày càng sinh sôi nảy nở, đó là hoàn cảnh của thế hệ thứ ba, họ phải lo mở mang diện tích canh tác để tích lủy nguồn thu nhập cho mưu cầu sâu xa hơn là đầu tư cho lớp sau bằng con đường học vấn để mở rộng tri thức, mở rộng tầm nhìn.

Song song với việc lao động cần cù để củng cố vật lực, tài lực có một thế đứng vững chắc trong xã hội nông thôn, nên lại được mời ra giữ việc làng, việc nước. Do đó, đã có người là Cai tổng, là Hương chức Hội tề, nhưng chẳng qua cũng chỉ là biện pháp để gọi là có một vị trí nhứt định được kẻ nể người vì trong làng xóm mà thôi, tầm nhìn xa trông rộng là hướng cho lớp con cái vào con đường sáng hơn.

Hệ thống hành chánh lần lượt thay đổi. Năm 1867 Pháp đặt Sài Gòn thành 7 Hạt Tham biện (Inspection), trong đó 5 tổng của huyện Tân Long cũ thuộc Hạt Tham biện Chợ Lớn. Đến năm 1889 đổi tên địa hạt thành Tỉnh (province) thì tỉnh Chợ Lớn có 11 tổng, 69 xã, tổng Cầu An Hạ có 11 xã là An Ninh, Đức Hòa, Đức Lập, Hiệp Hòa, Hòa Khánh, Hựu Thạnh, Lộc Giang, Lương Hòa, Mỹ Hạnh, Tân Mỹ, và Tân Phú Thượng.

Ta biết rằng ngoài tỉnh Chợ Lớn, còn có thành phố Chợ Lớn dưới là các Hộ phủ trên địa bàn quận 5, một phần quận 6, một phần quận 10 ngày nay, còn tỉnh Chợ Lớn cai trị các tổng Cầu An Hạ, Long Hưng Thượng, Long Hưng Trung, Long Hưng Hạ, Phước Điền Thượng, Phước Điền Trung, Phước Điền Hạ, Lộc Thành Thượng, Lộc Thành Trung, Lộc Thành Hạ và Tân Phong Hạ. Tên quận Đức Hòa có từ năm 1913 thay cho tên các huyện ngày xưa.

VẬN HỘI MỚI, ĐỜI BỐN NHỮNG NGƯỜI ĐI LÀM CÁCH MẠNG

Đầu thế kỷ tổ chức Thiên địa Hội đầy bí ẩn bởi các ông già nhận nhau bằng các mật hiệu, đã một thời mưu toan làm “quốc sự” nhưng sớm bị đàn áp, nhưng ngọn lửa vẫn còn âm ỉ tiếp theo là người thanh niên tiến bộ Nguyễn An Ninh với tổ chức Thanh niên Cao Vọng đã làm nền móng cho sự tập hợp và dương cao ngọn cờ vô sản từ năm 1930, điển hình là cuộc biểu tình ngày 4 tháng 5 ở Đức Hòa, người chiến sĩ cộng sản Châu Văn Liêm hy sinh. Cuộc biểu tình có khẩu hiệu là đòi giải phóng dân tộc, giảm sưu thuế, để từ đó càng về sau cuộc đấu tranh giai cấp của nhân dân càng mang nội dung mới là Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội .

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 lần thực tập cuối cùng trong lịch sử cách mạng vô sản, Đức Hòa được trả giá khá đắt, gia đình Võ Văn Tần, gia đình Huỳnh Văn Bài và nhiều người khác bị sát hại dã man, nhưng rồi ngày vinh quang đã đến ; năm năm sau cách mạng Tháng tám thành công, thành lập nhà nước Dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á .

Ngày ấy, nhân dân Đức Hòa dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh đã cướp lấy chính quyền một cách êm thấm, tên Quận trưởng ngoan ngoãn đầu hàng bàn giao ấn tín, vũ khí cho cách mạng, ngay trong ngày đầu thắng lợi đã có mặt những người trong họ ta như cai tổng Dậu, thầy giáo Truyện trong trang phục Thanh niên Tiền phong hừng hực khí thế, tiếp đó cùng với mọi người tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp với các nhiệm vụ khác nhau, người làm Mặt trận Đoàn thể, Ủy ban, người đứng trong hàng ngũ Vệ Quốc Đoàn, lớp thoát ly vào chiến khu, lớp bám địa bàn xã ấp.

Cuộc Nam bộ kháng chiến, chánh quyền Việt Minh tổ chức ra Mặt trận các cấp, các đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân … thành lập Ủy ban Kháng chiến Hành chánh từ xã, huyện, tỉnh đến Nam bộ.

Lực lượng võ trang kháng chiến phụ trách địa bàn tỉnh Chợ Lớn là Vệ Quốc Đoàn Chi đội 15, sau lớn mạnh lên đổi thành Trung đoàn 308, với Ban Chỉ huy Trung đoàn gồm :

Trung đoàn trưởng Huỳnh Văn Một

Trung đoàn phó Nguyễn Văn Huợt

Chánh trị viên Nguyễn Văn Truyện

Cả ba vị chỉ huy đều là những người con của Đức Hoà và Chánh trị viên Nguyễn Văn Truyện, tức thầy giáo Truyện của dòng họ ta.

Địa bàn hoạt động của Trung đoàn 308 trải dài từ vùng hạ : Cần Giuộc, Cần Đước lên Vườn Thơm, Bà Vụ, Láng Le, Bàu Cò của Trung Huyện và quan trọng nhứt vẫn là Đức Hòa, Đức Huệ. Mặt trước canh giữ cửa ngõ Sài Gòn, mặt sau bảo vệ Quân khu Đông Thành và các cơ quan đầu não Nam bộ ở Đồng Tháp Mười, đồng thời bảo vệ hành lang giao thông huyết mạch cho miền Đông xuyên ngang Mỹ Hạnh, Đức Hòa, Hòa Khánh qua sông Vàm Cỏ Đông về Đồng Tháp Mười.

Suốt khoảng thời gian chín năm, trên cương vị cấp chỉ huy từ Trung đoàn 308 đến Liên Trung đoàn 306-312, rồi về Tỉnh đội bộ Long Châu Sa đều nắm nhiệm vụ Chánh trị ủy viên kiêm Bí thư Đảng ủy, ông năm Truyện đã hoàn thành trọng trách của mình, không riêng bản thân mà người vợ thân yêu rồi sau đó các con tuy còn nhỏ lắm vẫn theo đường cách mạng đầy chông gai, gian khổ.

Cuộc kháng chiến thắng lợi bằng hiệp định Genève 1954, lực lượng kháng chiến tập kết về bên kia vĩ tuyến 17, hẹn hai năm sau hiệp thương tổng tuyển cử thống nhứt hai miền. Nhưng Ngô Đình Diệm rước Mỹ về thay Pháp chối bỏ hiệp thương gây thêm tang tóc hai mươi năm nữa. Vốn có tinh thần độc lập, nhân dân miền Nam không chịu nổi sự hà khắc của ấp chiến lược, của chiến dịch “tố cộng” của sự nô lệ, nên một lần nữa đứng lên dưới cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam để “ đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” trong sự chi viện giữa hai miền tiền tuyến và hậu phương. Cuối cùng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử bằng chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc thắng lợi giữa Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975.

Trong thời chống Mỹ, năm 1956 địch lập thêm tỉnh Hậu Nghĩa, tỉnh lỵ đóng ở Bàu Trai cai quản bốn quận Củ Chi, Đức Hòa, Đức Huệ và Trảng Bàng, cấp tổng chỉ còn là hư vị không còn quan trọng, đường tỉnh lộ 8 được nối dài từ Củ Chi qua Bàu Trai, lực lượng Mỹ từ chỗ chỉ là cố vấn đã lần lần tràn ngập và chiến cuộc cũng tăng cao.

Quận Đức Hoà coi các xã : Đức Hoà, Đức Lập, Hòa Khánh, Hựu Thạnh, Mỹ Hạnh và Tân Phú Thượng. Tỉnh Hậu Nghĩa tồn tại đến năm1975, sau đó dưới chế độ XHCN, huyện Đức Hòa thuộc về tỉnh Long An đến ngày nay.

Huyện lỵ Đức Hòa đóng ở Bàu Trai tỉnh lỵ Hậu Nghĩa cũ, gồm có :

- Ba thị trấn là : Hậu Nghĩa, Hiệp Hòa và Đức Hòa.

- Các xã là : Lộc Giang, An Ninh Đông, An Ninh Tây, Hiệp Hòa,Tân Phú, Hòa Khánh Đông, Hòa Khánh Tây, Hòa Khánh Nam, Tân Mỹ, Đức Lập Thượng, Đức Lập Hạ, Hựu Thạnh, Đức Hòa Thượng, Đức Hòa Hạ, Đức Hòa Đông, Mỹ Hạnh Bắc và Mỹ Hạnh Nam.

Xã Đức Hòa Hạ nơi địa bàn cư trú họ ta có bốn ấp là : 

- Bình Tả 1, Bình Tả 2 bên phía bắc tỉnh lộ 10

- Bình Tiền 1, Bình Tiền 2 ở phía Nam tỉnh lộ 10

Huyện Đức Hòa hai lần được tuyên dương Anh hùng và 100% xã trong huyện đều là xã anh hùng.

THẾ HỆ HÔM NAY, TRONG THỜI ĐẤT NƯỚC HÒA BÌNH VÀ ĐỘC LẬP

Lớp cha chú đời bốn từ bỏ cuộc sống đời thường, dấn thân vào nẻo gian truân với một lý tưởng sáng ngời, lớp trưởng bối thì cất bước từ lúc “mùa thu rồi, ngày hăm ba …” đám nhỏ hơn thì ra đi theo nhịp bước “giải phóng miền Nam”, người hồi kết đi B, lớp ở chiến trường xông tên đột pháo, lớp trong rào chiến lược chịu kềm hãm ngày đêm, người hy sinh vĩnh viễn không về. Nhưng nhìn chung thì họ đã góp nhiều công sức cho đại cuộc, rồi sản sinh ra thế hệ kế tiếp nối chí cha anh, được nhà nước cho đi du học, mang kiến thức tiên tiến về phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước.

Ngày nay, qua 27 năm đất nước thanh bình, nông thôn Đức Hòa màu xanh phủ kín, đường sá khang trang, điện sáng khắp nhà, đất khô cằn thành khu công nghiệp, trường học xây mới, bịnh xá sạch đẹp văn minh, người lớn trong màu áo công nhân vào ca sản xuất, trẻ con tung tăng cắp sách đến trường.

Đời năm hôm nay, tuổi đã chất chồng, cháu nội cháu ngoại đủ đầy, đa số bám đất bám vườn, yên vui trong cuộc sống, một số người vì yêu cầu nhiệm vụ, nên còn ở thành phố, chưa tính trở về, nhưng vẫn nghĩ rằng : mình là người con của Bình Tả – Đức Hòa, nơi địa linh có di chỉ Phù Nam, nơi nhơn kiệt có các ông Châu Văn Liêm, Võ Văn Tần, dấu ấn còn in đậm nơi khu lưu niệm ngã tư Đức Hòa với trăm năm tượng đồng bia đá.

NHẬN XÉT CHUNG

Trải qua hai thế kỷ, dòng họ chúng ta kế thừa đã hơn bảy đời, truyền tử lưu tôn khá đông đảo, cũng trải qua nhiều giai đoạn gian nguy của lịch sử. Khách quan mà nói, mỗi cá nhân của thế hệ hôm nay chưa ai hoàn toàn có thể nói là đã thông hiểu thật đầy đủ về dòng họ mình. Chính vì vậy phải nhờ đến gia phả.

Nay gia phả họ Nguyễn chúng ta đã hoàn thành, đó là một quyển sử dòng họ, sẽ giúp cho chúng ta thấy :

- Nơi định cư mà ông bà đã chọn là vùng cuối của phù sa cổ Đông Nam bộ tiếp giáp với vùng trủng Đồng Tháp Mười đất xám đầy phèn chua, năn lát. Cuộc sống dựa trên các “giồng” quanh năm nước ngọt, với tập quán “thượng thổ hạ điền”, lúa một vụ dư ăn quảng canh dưới ruộng, đậu phọng hàng bông ngắn ngày trên gò, sức kéo trâu bò đã sẵn, lại là vùng chuyên nuôi ngựa để đi đua và kéo xe thổ mộ.

Truyền thống Việt Nam, đạo lý Khổng Mạnh tạo thành nếp sống tinh thần trong gia đình. Thời cuộc có biến chuyển vẫn chú trọng đến việc học vấn, nhiều người làm thầy giáo để góp phần nâng cao kiến thức người dân.

Mỗi gia đình của từng đời sanh khá đông con, phổ biến là 9,10 người (về sau do thực hiện chánh sách kế hoạch hóa nên chỉ ở mức hai con).

Việc hôn nhân không câu nệ, không gò bó ; quý hồ cuộc sống gia đình đề huề hạnh phúc, không phân biệt con anh, con tôi, con chúng ta, nếu không đồng thuận thì đường ai nấy đi không gượng ép. Đa phần vợ chồng cùng họ Nguyễn nhưng là chi phái khác, ông bà thân sinh ra mình thì gọi là “cha” là “má”, giai đoạn hiện nay mới gọi là “ba”, “me”.

Có một việc đã thành truyền thống, khởi đầu thấy lớp ông bà xưa có người dùng âm T để đặt như là Tứ-Túc-Thới-Thơ-Truyện nên ngày nay nhánh con cháu ông năm Truyện có quy định dùng âm T để đặt tên cho con cháu mình.

Nói tới đặt tên, cũng cần thấy người xưa đã chú ý, không cầu kỳ nhưng tao nhã, không quê mùa, có sự liên thông về từ ngữ giữa cha, con, anh em như là : Tích-Trữ, Dưỡng-Nuôi, Bàn-Định, Tam-Tứ, Thơ-Truyện, v.v…

Việc bố trí nhà cửa khá tập trung liền nhau, phân biệt ranh giới bằng những hàng rào, có ngõ thông nhau qua lại, quay mặt theo nhiều hướng khác nhau, đều nhà ngói tường gạch khang trang, dạng chữ đinh là phổ biến.

Cốt cách con người : hình trạng cao ráo, phương phi, đi đứng khoan thai, sức khỏe dồi dào, ăn nói hoạt bát vui vẻ, tinh thần minh mẫn, sống hòa đồng, giàu nhân ái, có học thức, sẵn sàng góp sức trong công tác xã hội, làm việc thiện, từ đó đã có nhiều người trai trung nghĩa, nhiều con dâu chí hiếu là nét đẹp nổi bật trong dòng họ. Đa số đều giữ việc thờ cúng ông bà, chỉ có một số ít theo đạo Thiên Chúa.

Một đặc điểm khác, là trong họ Nội cũng như bên Ngoại, người người đều đứng về phía cách mạng, thoát ly theo suốt hai cuộc kháng chiến, có người đã là liệt sĩ, có người là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều người được tưởng thưởng huân, huy chương các loại. Những ai không có điều kiện dấn thân mà ở lại trong vùng tạm chiếm, cũng vẫn để lòng mình về Tổ quốc thân yêu, không ai sai phạm để bị qui kết là thành phần phản bội nhân dân.

Theo tập quán ngàn đời, người quá vãng được an táng nơi huyệt mộ gần nhà, gần đây có một số hộ gia đình hưởng ứng theo chủ trương cải tiến mồ mả nông thôn, làm sạch môi trường hoặc theo di chúc nên khi cha mẹ mãn phần thì hỏa táng, đựng di cốt vào hủ sành để thờ mà không  dùng địa táng nữa.

Những nguời còn ở xa chưa về và chắc sẽ không về quê hương dù vậy vẫn lắng đọng trong lòng công cha nghĩa mẹ, cây cội nước nguồn, tấc đất ngọn rau nên từ đây thấy thanh thản trong lòng khi đã hoàn thành “Nhà bia tưởng niệm”, tiếp đó là công bố bộ Gia phả họ Nguyễn cho dòng họ.

Điều hy vọng sau cùng trong họ tộc rằng, nếu có ai vì sự mếch lòng vì quyền lợi cá nhân nào đó mà xúc phạm nhau thì cũng xin mở rộng lòng tha thứ cho nhau, chín bỏ làm mười, hãy vì Tiền nhân, vì dòng họ mà thương yêu gắn bó nhau, bảo vệ nhau trong niềm tự hào bởi truyền thống tốt đẹp của họ Nguyễn vốn sẵn có vị thế vững vàng suốt hai thế kỷ qua trên vùng đất Đức Hòa anh hùng nầy.