019. Gia phả họ Nguyễn (ấp Bình Lợi, thị trấn Tân Trụ, tỉnh Long An)
14/08/2022 22:32:12Gia phả họ Nguyễn ở ấp Bình Lợi, thị trấn Tân Trụ, tỉnh Long An được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2006.
LỜI TỰA
“Cây có cội, nước có nguồn, con người phải có tổ tông”.
Xuất phát từ suy nghĩ đó, chắc hẳn trong mọi người chúng ta đều muốn biết được cội nguồn của dòng họ mình, ai là vị thuỷ tổ đầu tiên? Dòng họ mình được truyền tử lưu tôn như thế nào? Công sức xây dựng cơ đồ, sự nghiệp của tổ tiên ra sao đối với gia đình, dòng họ, đối với đất nước?
Những thắc mắc trên hoà cùng với lời giáo huấn người xưa đã dạy: “Nhơn sanh bách hạnh hiếu vi tiên” (đạo hiếu là việc làm đầu của con người) tạo thành động lực thúc đẩy con, cháu họ Nguyễn ở ấp Bình Lợi, thị trấn Tân Trụ, tỉnh Long An quyết tâm, kết đoàn đi tìm cội nguồn. Anh em chúng tôi, cháu đời thứ 10, kể từ cụ tổ đời thứ nhứt là ông Nguyễn Chiêm, hôm nay xin đại diện cho dòng họ Nguyễn phối hợp cùng “ Chi hội gia phả TP.HCM.” lập gia phả cho dòng họ Nguyễn tại đây.
Có gia phả, cõi lòng chúng ta như được ấm áp hơn lên. Vì “nước phải có sử, do đó nhà phải có phả”. Sử ghi chép lại công đức các bậc hiền nhân, quân tử, trung trinh, tiết liệt..., sự tồn vong của tổ quốc. Nhà phải có phả để giữ gìn giềng mối của dòng họ, gia phong, lễ giáo của tổ tiên, ông bà.
Qua hai cuộc chiến tranh: chống Pháp rồi chống Mỹ, gia đình nào cũng bị mất mát, không nhiều thì ít: nào người, nào của...Con cháu tản lạc khắp mọi nơi. Có nhiều người đến giờ nầy cũng không còn nhớ quê cha đất tổ ở nơi nào. Nền tảng giáo dục gia đình bị lung lay, mồ mả của ông bà bị xiêu lạc, đổ nát, mộ bia không còn, ngày giỗ kỵ không nhớ. Hôm nay, mặc dầu xã hội đã tiến bộ, loài người đã văn minh, nhưng một số ít bọn trẻ gần như không mấy mặn mà với gia tộc, với bà con dòng họ, đến một giai đoạn nào đó sẽ quên đi cội nguồn, trong số đó có thể có con cháu họ Nguyễn của chúng ta.
Việc lập gia phả cho họ tộc cũng là cách để duy trì gia quy , bảo vệ giềng mối gia đình, lập lại trật tự, kỷ cương, thế thứ các đời, các chi, để con, cháu hiểu biết thêm về dòng họ mình. Có gia phả con cháu mới nhớ ngày giỗ kỵ của ông bà, dù xa xôi nơi đâu cũng cố gắng tìm về nhà thờ tộc để cùng nhau nhắc nhở công lao gầy dựng dòng họ đông vui, đầm ấm như ngày hôm nay. Có gia phả, con cháu sẽ tránh kết hôn với người cùng huyết thống. Có gia phả, con cháu mới biết bà con để giúp đỡ nhau về công cuộc làm ăn, trao đổi nhau về kinh nghiệm sống hoặc nâng đỡ nhau khi gặp khó khăn trên đường đời...
Chúng tôi thấy tiếc nuối sao mình không làm gia phả sớm hơn. Vì một số bà con lớn tuổi đã hoá ra người thiên cổ, số còn lại cũng đã quá tuổi để nhớ về tiểu sử, hành trạng của ông bà ta ngày xưa Chúng tôi còn đang lúng túng, không kết nối được ông THU, ông CHÂU và ông SANH. Không biết ông nào là cha, hoặc anh. Một mặt, thuỷ tổ của chúng tôi là ai? Nói chung các nguồn cung cấp tư liệu chúng tôi đã khai thác tối đa nhưng bế tắc vẫn hoàn bế tắc! Không lẽ gia phả của chúng tôi chỉ biết từ ông nội trở xuống thôi sao?
Trời không phụ lòng những người con,người cháu có hiếu; cho nên ngày 14.7.2005 vừa qua, ông bà đã đưa đường dẫn lối chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Kỉnh (là anh con bác Ba Nguyễn Trường Ca của tôi) tại xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, tìm lại được gia phả cổ của dòng họ do ông Nguyễn Xoài huý Thu, tự Lau, viết phó ý có gốc tích ở tỉnh Quảng Ngãi. Gia phả cổ được cất giữ tử tế trong một ống đồng từ hơn một thế kỷ qua quả là gia tài vô giá của cả dòng họ. Tôi xin thành thật cảm ơn gia đình bác Ba đã bảo quản tốt tài sản của gia tộc mình đến vậy.
Hôm nay, hậu duệ của dòng họ Nguyễn ở thị trấn Tân Trụ, tỉnh Long An kế thừa các vị tiền bối mà lập bộ gia phả nầy, trước là giữ vẹn đạo hiếu, sau là nối vòng tay lớn trong đại gia đình họ Nguyễn. Chúng tôi chân thành cám ơn bà con, cô bác trong họ, chính quyền địa phương, Chi Hội Gia Phả TP.HCM đã tận tình giúp đỡ chúng tôi hoàn thành bộ gia phả nầy. Hằng năm bà con nên cập nhật phả hệ bên chi của mình để sau nầy có đủ dữ liệu kế tục truyền thống viết gia phả cho dòng họ Nguyễn đơi đời kiếp kiếp.
Trong quá trình biên soạn, mặc dầu hết sức cố gắng, song không sao tránh khỏi thiếu sót. Mong tất cả bà con vui lòng thông cảm bỏ qua và xin bổ sung để gia phả được hoàn chỉnh.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 7 năm 2005
NGUYỄN CHƠN DƯƠNG (ĐỜI X)
Và các em:
NGUYỄN CHƠN TRUNG
NGUYỄN THỊ KIM QUYÊN
NGUYỄN THANH LIÊM
NGUYỄN THỊ KIM LOAN
PHẢ KÝ
Để xây dựng một bộ gia phả mới, việc quan trọng là phải truy tìm cho được ông, bà tổ đời một, công lao và tổ quán của ông, bà, những truyền thống tốt đẹp của dòng họ để con cháu học tập và phát huy. Phần lớn các dòng họ trong Nam không có phả gốc nên việc truy tìm nguồn gốc dòng họ phải dựa vào thông tin của những người lớn tuổi trong họ tộc, nhưng đa số các cụ đã qua đời sớm, bia mộ cổ bằng chữ Nho bị mòn chữ không đọc được, hoặc mộ cổ được cải cách không có bia nên không biết được họ tên, năm sanh, năm mất của các cụ. Đó là những khó khăn khi lập gia phả mới. Việc lập gia phả mới cho dòng họ Nguyễn ở Tân Trụ – Long An được thuận lợi là nhờ có được gia phả cổ mà hậu duệ đời thứ 11 còn lưu giữ nên việc tìm nguồn gốc ông bà tổ đời một của họ Nguyễn được rõ ràng chính xác. Do đó phần phả ký nầy gồm nội dung sau:
I. GIA PHẢ CỔ HỌ NGUYỄN GỐC TÂN TRỤ, LONG AN
1. Hình thức
Ngày 14/7/2005, bộ gia phả cổ của họ Nguyễn đã được phát hiện trong gia đình của hậu duệ thứ 11 của họ Nguyễn ở xã Phước Tân Hưng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Đây là hậu duệ đã được họ tộc chọn làm thừa tự, giữ phần hương hỏa lo việc giỗ chạp, thờ phụng tổ tiên và giữ gìn gia phả.
Cuốn gia phả cổ thuộc loại “phú ý” được viết bằng chữ Hán – Nôm theo lối gia phả miền Trung, gồm 17 trang giấy trắng. Dù giấy đã ngã màu vàng song chữ còn nguyên vẹn nên dịch được dễ dàng. Cuốn gia phả nầy đã được gìn giữ hơn một thế kỷ qua.
Qua cách xưng hô trong gia phả thì được biết người viết gia phả là ông Nguyễn Văn Địch (đời 2) (tính từ ông tổ đời một trong Nam). Căn cứ vào lời ghi trong gia phả cổ thì cuốn gia phả được viết vào năm 1840 “Canh Tý niên chánh ngoạc thập lục nhựt lập phó ý”. Người sao chép gia phả là ông Nguyễn Xoài tự Lau húy Thu vào năm Mậu Dần (1878) và viết xong năm 1882. Nguyên văn gia phả cổ ghi “Tế thứ Nhâm Ngọ ngũ nguyệt thập lương thần, lục thế tôn Nguyễn Thu danh Xoài tự Lau thừa tả phó ý thủ bút”.
2. Nội dung gia phả cổ
Có cấu trúc như sau:
Toàn bộ gia phả cổ viết theo lối trực hệ ông Nguyễn Văn Thu, đời 6 (kể từ ông tổ đời một trong Nam). Bộ gia phả không có lời mở đầu. Trang một của bộ gia phả ghi câu “phó ý tân sao”. Trang hai giới thiệu nguyên quán của ông thủy tổ là “Phường Bàu Lầy, huyện Chương Nghĩa, phủ Quảng Ngãi. Trang nầy cũng ghi nơi định cư trong Nam của hậu duệ đời 5 của họ Nguyễn là phường Bình Tịnh tổng Thuận Đạo Thượng, huyện Cửu An, phủ Tân An, tỉnh Gia Định. Phần nầy trong gia phả cổ ghi “lai đáo Gia Định tỉnh, Tân An phủ, Cửu An huyện, Thuận Đạo Thượng tổng, Bình Tịnh phường".
Phả hệ gồm 2 phần:
Phần I:
Phần này ghi từ ông thủy tổ đến hết 9 phái, con của ông bà Nguyễn Chiêm và Trần Thị Luận qua cách xưng hô của ông Nguyễn Địch theo thứ tự sau:
1. Thủy tổ : Nguyễn Soái.
2. Cao tổ : Nguyễn Lang.
3. Tằng tổ: Nguyễn Thuyền.
4. Tổ khảo, tổ tỷ: Nguyễn Lảnh.
5. Hiển khảo : Nguyễn Chiêm.
Trong gia phả cổ không ghi năm sinh, năm mất và hành trạng mỗi người. Thế hệ thứ 5 là ông Nguyễn Chiêm cùng vợ là bà Trần Thị Luận vào Nam lập nghiệp, định cư tại phường Bình Tịnh, tổng Thuận Đạo Thượng, huyện Cửu An, tỉnh Gia Định. Gia phả này gọi ông Nguyễn Chiêm là ông tổ đời một.
Ông, bà tổ đời một có 9 con, cả trai lẫn gái, chia làm 9 phái như sau:
Phái 1: Nguyễn Thị Mùi – Bà nầy theo cha mẹ về Quảng Ngãi.
Phái 2: Nguyễn Địch – Có 17 người con (11 trai và 6 gái).
Phái 3: Nguyễn Thị Cầu.
Phái 4: Nguyễn Thị Quyền.
Phái 5: Nguyễn Thị Đặt.
Phái 6: Nguyễn Văn Yến – Có 6 con: 4 trai, 2 gái.
Phái 7: Nguyễn Văn Trạch – Có 6 con: 5 trai, 1 gái.
Phái 8: Nguyễn Văn Tịnh – Có 3 con: 2 trai, 1 gái.
Phái 9: Nguyễn Văn Khoa – Có 6 con: 3 trai, 3 gái.
Trong gia phả nầy cũng không ghi hành trạng mỗi người chỉ ghi số con của những người con trai.
Phần II
Phần nầy ghi ông tổ đời một ở trong Nam, từ ông Nguyễn Chiêm húy Bài trở đi – do hậu duệ đời thứ 6 là Nguyễn Văn Thu viết tiếp tục vào năm Mậu Dần tại xã Bình Tịnh, tổng An Ninh Hạ, huyện Cửu An, phủ Tân An. Các thế thứ sau đây theo cách gọi của ông Nguyễn Xoài húy Thu tự Lau được viết theo trực hệ ông Nguyễn Văn Thu như sau:
Thủy tổ : Nguyễn Chiêm húy Bài (đời 1).
Cao tổ : Nguyễn Địch (đời 2).
Tằng tổ : Nguyễn Thành húy Huệ (đời 3).
Hiển tổ : Nguyễn Thông (đời 4).
Hiển khảo: Nguyễn Đường (đời 5).
Trong gia phả cổ không có ghi ông Nguyễn Văn Thu nhưng trang 9 của gia phả có ghi ông Nguyễn Đường có 8 con và qua cách xưng hô thì ông Thu là con út ông Nguyễn Đường.
Như vậy ông Nguyễn Văn Thu thuộc đời thứ sáu.
Trong gia phả cổ không ghi hành trạng từng người, chỉ ghi năm sinh, năm mất của ông Nguyễn Đường (1792 – 1833).
Tiếp sau phần phả hệ là bài di ngôn nói về việc chọn trưởng tộc để chăm lo việc thờ cúng, định ngày cúng ông, bà tổ đời một là ngày mùng 10 tháng 5. Nhắc cụm tộc cúng lệ chung. Cuối bài có chữ ký của ông Thu với chức hương lễ.
Sau bài di ngôn là phần ghi tên họ, ngày mất của ngoại tổ và nhạc mẫu của người viết gia phả như sau:
Ông ngoại: Đặng Văn Nho, mất ngày 14/9.
Bà ngoại: Trần Húy Nhan tự Tô mất ngày mùng một tháng chạp.
Nhạc mẫu: Phạm Văn Nghiệp sinh năm Đinh Tỵ (1797), mất ngày 19 tháng 3 năm Canh Thân (1860).
II. NỐI TIẾP GIA PHẢ CỔ TỪ THẾ HỆ THỨ 6 (TÍNH TỪ ÔNG TỔ ĐỜI MỘT) CHO ĐẾN THẾ HỆ HIỆN TẠI (NĂM 2005)
Căn cứ vào tờ cải chánh ruộng đất của ông Nguyễn Văn Châu và các văn bản địa bạ mới sao lục được từ Trung tâm Lưu trữ Địa chánh miền Nam, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp cho biết ông Nguyễn Văn Châu là con trai duy nhất của ông Nguyễn Văn Thu và ông Nguyễn Văn Châu cũng có một con trai duy nhất là ông Nguyễn Trường Sanh.
Như vậy từ gia phả cổ đã có cơ sở nối thế hệ thứ sáu là ông Nguyễn Văn Thu tiếp thứ 7 là ông Nguyễn Văn Châu. Qua chuyến đi điền dã về ấp Bình Lợi, xã Bình Tịnh thuộc thị trấn Tân Trụ thì được biết thêm ông Thu có người con gái lớn là bà Nguyễn Thị Chánh. Như vậy ông Nguyễn Văn Châu có thêm người chị nữa là bà Nguyễn Thị Chánh. Ông Châu lập gia đình sinh một mình ông Nguyễn Trường Sanh thuộc thế hệ thứ 8.
Ông Nguyễn Trường Sanh lập gia đình với bà Trần Thị Khương ở xã Phước Tân Hưng và qua ở rể xã này. Ông được bên vợ chia cho hơn 70 mẫu ruộng và hưởng thêm bên cha hơn 6 mẫu nữa trong đó có 1ha88.80 là phần hương hỏa ông, bà trở thành địa chủ, sống bằng tô ruộng do tá điền đóng hằng năm. Ông bà hạ sinh được các con sau:
- Thứ hai: Chết nhỏ.
- Thứ ba: Nguyễn Trường Ca.
- Thứ tư: Nguyễn Chơn Tông.
- Thứ năm: Chết nhỏ.
- Thứ sáu: Nguyễn Trường Quan.
Ba người con trai lập gia đình tạo ra 3 tiểu chi:
Tiểu chi một: Nguyễn Trường Ca.
Tiểu chi hai: Nguyễn Chơn Tông.
Tiểu chi ba: Nguyễn Trường Quan.
Ba tiểu chi nầy được cha mẹ chia cho mỗi tiểu chi 24 mẫu ruộng ở Phước Tân Hưng sống nghề nông cho thuê ruộng đất thu tô, lập gia đình ở Phước Tân Hưng truyền nối đến nay là đời thứ 11. Riêng ông Nguyễn Chơn Tông được chia 24 mẫu ruộng tại ấp Chợ Ông Bái, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.
III. NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG HỌ NGUYỄN VỀ SỐ LƯỢNG
1. Ông, bà tổ đời một trong Nam
Theo gia phả cổ của họ Nguyễn do ông Nguyễn Văn Thu viết năm Mậu Dần (1878) thì ông tổ đời một họ Nguyễn ở Tân Trụ, Long An đã thiên cư từ Quảng Ngãi vào Nam là ông Nguyễn Chiêm, húy Bài, hậu duệ đời thứ năm của ông thủy tổ họ Nguyễn tên Nguyễn Soái gốc người Quảng Ngãi. Ông đã thiên cư vào Nam và lập nghiệp tại phường Bình Tịnh, tổng Thuận Đạo Thượng, phủ Tân An, tỉnh Gia Định nay thuộc thị trấn Tân Trụ, tỉnh Long An
Ông sinh mất năm nào, gia phả cổ không có ghi song căn cứ vào năm sinh của ông Nguyễn Đường đã ghi trong gia phả cổ là năm 1792 và cứ mỗi thế hệ cách nhau khoảng 25 năm thì năm sinh của ông Nguyễn Chiêm khoảng năm 1675. Để được đi vào Nam ít nhất ông phải trưởng thành, chính chắn hơn là phải 25 tuổi, khoảng đầu năm 1700 (đầu thế kỷ 18) thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1692 – 1738).
Nguyên nhân nào ông bà tổ đầu tiên vào Nam, con cháu ông không ai rõ nhưng nhìn lại lịch sử khai phá vùng đất Nam bộ thì biết được những đối tượng vào vùng đất Nam bộ ngoài những nông dân nghèo thất sơ xiêu tán còn có những tù binh Việt bị lưu đày, những binh lính đào ngũ hoặc giải ngũ, những người trốn tránh binh dịch kể cả những người vốn đã giàu có nhưng vẫn tìm nơi đất mới để mở rộng công việc làm ăn.
Thông thường, việc di dân thường đi lẻ tẻ hoặc cả gia đình cùng đi hoặc người khỏe mạnh đi trước rồi đón gia đình đến sau hoặc nhiều gia đình họp lại cùng đi. Họ có thể tham gia vào các đợt khẩn hoang do nhà Nguyễn đứng ra tổ chức. Như đã phỏng đoán, ông tổ đầu trên vào Nam đầu thế kỷ 18 (1700) đúng vào thời điểm đợt khẩn hoang đầu tiên diễn ra vào cuối thế kỷ 17 (1698) khi Nguyễn Hữu Kính (Cảnh) vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào xây dựng chính quyền trên đất Đồng Nai, Gia Định “lấy xứ Lộc Dã (Đồng Nai) làm huyện Phước Long, lập dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài gòn lập huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn”.
Trong đợt này Nguyễn Hữu Kính (Cảnh) chiêu mộ dân Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Ngãi) vào khai khẩn vùng đất rộng lớn phì nhiêu ở phương Nam nhưng chưa được khai thác nhiều. Ông tổ của ta vào Nam cùng thời với đợt khẩn hoang của Nguyễn Hữu Cảnh vậy phải chăng ông bà tổ ta vào Nam theo đợt chuyển cư của dân Ngũ Quảng vào đầu thế kỷ 18 do Nguyễn Hữu Cảnh tổ chức.
Thông thường di dân đi vào phương Nam bằng đường thủy, nhưng đi đường bộ thì rất nguy hiểm vì các phủ miền Trung không có lối đi thông nhau, lại hiểm trở, có nhiều thú dữ, rừng thiêng nước độc, bọn cướp dọc đường. Cho nên lưu dân vào Nam chủ yếu bằng đường biển với chiếc ghe bầu, định cư khai phá hai bên bờ sông Vàm Cỏ Tây, bờ Bắc sông Tiền và cù lao các cửa sông Tiền.
Khu vực nầy không bị ngập lụt và khá rộng, bao gồm Tân An và các giồng cao như Giồng Cái Yến (còn gọi là Cái Én), vùng Ba Giồng chạy thẳng tới Cai Lậy, vùng Gò Công giáp qua chợ Gạo Mỹ Tho. Ông tổ Nguyễn Chiêm có lẽ đi bằng đường biển nên đã định cư khai khẩn đất đai ở phường Bình Tịnh bên bờ sông Vàm Cỏ Tây; hiện nay trong địa bạ Minh Mạng còn ghi rõ đất đai của các ông đời 3 – 4 của họ Nguyễn nhà ta ở Bình Tịnh như đất của ông Nguyễn Văn Di, Nguyễn Văn Giáo (đời 3), ông Nguyễn Văn Đỗ (đời 4) Nguyễn Văn Thông (đời 5); đất hương hỏa của họ Nguyễn hiện nay vẫn còn ở Bình Tịnh.
Đất nầy có diện tích là 15.000m2 ở ấp Bình Lợi, xã Bình Tịnh thuộc sở hữu của ông Trần Văn Tuông (còn gọi là ông Bảy Đăng) do sau này ông trực tiếp canh tác. Cháu cố ông Nguyễn Văn Thu (đời 6) ông Trần Văn Tuông thừa hưởng từ bà nội là bà Nguyễn Thị Chánh, con gái lớn ông Thu. Ông và gia đình ông cất nhà và sinh sống trên vùng đất tổ này.
Về bà tổ: Bà tên là Trần Thị Luận, không rõ năm sanh, năm mất, chỉ biết bà từ Quảng Ngãi theo chồng vào Nam lập nghiệp không rõ bà làm nghề gì? Trong địa bạ Minh Mạng có ghi số đất đai của một người tên Trần Thị Luận hơn 37 mẫu ở Bình Tịnh phải chăng bà Trần Thị Luận là vợ ông Nguyễn Chiêm bà tổ đời một của họ Nguyễn? Và đất đai nầy thuộc quyền sở hữu của bà nhưng gia phả cổ cho biết cuối đời ông, bà tổ theo con gái lớn là Nguyễn Thị Mùi về Quảng Ngãi rồi mất ngoài đó.
Thời gian bà cùng chồng vào Nam lập nghiệp là khoảng năm 1700. Bà sống đến cuối đời có thể bà 70 tuổi khoảng năm 1770, còn thời gian lập địa bạ là năm 1836, cách nhau 60 năm. Cũng có thể ông bà cùng con gái lớn định về Quảng Ngãi thăm quê hương rồi vào Nam nhưng do tuổi già sức yếu không vào được rồi mất ngoài đó nên đất đai trong Nam vẫn còn bảo lưu tên họ của bà! Nếu thật sự số đất đai trên là sở hữu của bà Trần Thị Luận vợ ông Nguyễn Chiêm thì công lao của ông bà rất lớn đối với con cháu ông bà. Ông bà đã lao động khó nhọc khắc phục thiên nhiên, chống thú dữ tạo ra đất để lại cho hậu duệ của mình. Những lý luận trên đây vẫn chưa có cơ sở chắc chắn, cần tham khảo thêm.
Mộ ông bà ở Quảng Ngãi, giỗ ông bà tổ vẫn theo di ngôn được ghi trong gia phả là ngày 10 tháng 5 âm lịch do hậu duệ đời thứ 11 ở Phước Tân Hưng cúng.
2. Sự phát triển của dòng họ trong Nam
Theo gia phả cổ, phần phả hệ được ghi theo trực hệ của ông Nguyễn Văn Thu (đời 6) kể thì ông tổ đời một trong Nam; bắt đầu từ ông Nguyễn Chiêm – gồm 6 đời theo thứ tự sau:
Đời 1: Nguyễn Chiêm.
Đời 2: Nguyễn Địch.
Đời 3: Nguyễn Thành.
Đời 4: Nguyễn Thông.
Đời 5: Nguyễn Đường.
Đời 6: Nguyễn Xoài húy Thu tự Lau.
Phần này là những tiểu chi không thể hiện hết dòng họ Nguyễn.
Đời 7: Nguyễn Văn Châu, đời này được ghi đầy đủ các tiểu chi.
Đời 8: Nguyễn Trường Sanh.
Đời 9: Gồm ba tiểu chi:
Tiểu chi 1: Nguyễn Trường Ca được hưởng phần hương hỏa để lo việc phụng thờ tổ tiên.
Tiểu chi 2: Nguyễn Chơn Tông (là cha ông Nguyễn Chơn Dương, người lập gia phả nầy).
Tiểu chi 3: Nguyễn Trường Quan.
Ba tiểu chi nầy phát triển đến nay là đời thứ 11. Như vậy gia phả nầy gồm 11 đời kể từ ông tổ đời một trong Nam nhưng số người không thể hiện được đại tông.
Hậu duệ các đời họ Nguyễn còn ở Bình Tịnh rất đông vì ông tổ đời một có 9 con, một theo cha mẹ về quê, một được ghi vào gia phả, còn 7 con ở Bình Tịnh gồm 3 gái và 4 trai.
Đời 2: Ông Nguyễn Địch có 17 con gồm 13 con trai, 4 con gái.
Đời 3, 4, 5 không rõ số con.
Tất cả số lượng ngoài gia phả phát triển đến nay là 11 đời nếu tính được hết thì qui mô dòng họ Nguyễn rất lớn, cho nên trong địa bạ Minh Mạng, ở xã Bình Tịnh số lượng sở hữu chủ đất đai họ Nguyễn cao hơn các dòng họ khác rất nhiều, còn gia phả chỉ là tiểu chi nên chỉ thể hiện được có 7 trường hợp sở hữu chủ họ Nguyễn.
Con cháu họ Nguyễn hiện nay muốn biết hết đại tông phải tiếp tục truy tìm dòng họ mình thêm.
III. TỔ QUÁN HỌ NGUYỄN XƯA VÀ NAY
1. Quảng Ngãi
Gia phả cổ cho biết tổ tiên nhiều đời của họ Nguyễn ở Phủ Quảng Nghĩa, huyện Chương Nghĩa, phường Bàu Lầy nay là huyện Tư Nghĩa, thị xã Quảng Ngãi .Quảng Ngãi là địa bàn cư trú lâu đời của cư dân biển miền Trung, thuộc nước ta quản lý từ thời nhà Hồ. Năm 1402 nhà Hồ đánh Chiêm Thành chiếm Cổ Lũy và Chiêm Đông. Năm 1403 Hồ Quý Ly tổ chức quản lý vùng nầy, chia thành 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, cử các quan trông coi việc bình định và khẩn đất, lệnh cho dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Thuận Hóa, cấp trâu bò cho dân đưa gia đình vào khai phá vùng đất mới. Năm 1470 vua Lê Thánh Tôn lại sắp xếp lại vùng đất nầy thì phủ Tư Nghĩa gồm 3 huyện: Nghĩa Giang, Bình Sơn và Mộ Đức (thuộc Quảng Nam).
Cuối năm 1558 phủ Tư Nghĩa được đổi thành phủ Quang Nghĩa. Đến năm 1802 được đổi là Quảng Nghĩa Dinh. Năm Minh Mệnh thứ 13 thì đổi thành tỉnh Quảng Nghĩa sau gọi là Quảng Ngãi. Từ năm 1909 đến 1945 tỉnh Quảng Nghĩa chia làm 4 phủ Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và Mộ Đức. Thời kỳ đầu cuộc tổng khởi nghĩa năm 1945 tỉnh Quảng Ngãi đổi thành Lê Trung Đình, phủ Tư Nghĩa được đổi thành phủ Nguyễn Thụy (Sụy) lập lên xã, bỏ các làng cũ, các phủ, huyện, nha đều gọi thống nhất là huyện. Từ năm 1954 – 1971 sau hiệp định Genève, Quảng Ngãi tạm thời thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Sài gòn, các xã được đặt dưới thời 9 năm kháng chiến, chia xã thành quận và một thị tứ Cẩm Thành. Quận Tư Nghĩa có 10 xã và 62 ấp.
Từ ngày 10/11/1975 tỉnh Quảng Ngãi hợp nhất với tỉnh Bình Định lập tỉnh Nghĩa Bình. Huyện Tư Nghĩa hợp với thị xã Quảng Ngãi. Năm 1982 theo quyết định của Quốc hội thị xã Quảng Ngãi được tách ra thành thị xã Quảng Ngãi huyện Tư Nghĩa trở lại như cũ. Đến cuối năm 2000 thị xã Quảng Ngãi có 6 phường, phường Bàu Lầy địa danh xưa, tổ quán họ Nguyễn ta không biết nay được đổi tên gì thuộc vị trí nào ở thị xã Quảng Ngãi, hiện còn đang tìm hiểu.
2. Quê hương thứ hai của hậu duệ họ Nguyễn đời năm
Trong gia phả cổ đã cho biết hậu duệ đời thứ 5 của họ Nguyễn là ông Nguyễn Chiêm đã thiên cư vào Nam định cư tại phường Bình Tịnh, tổng Thuận Đạo Thượng, huyện Cửu An, tỉnh Gia Định nay là ấp Bình Lợi, xã Bình Tịnh mới được tách ra thuộc thị trấn Tân Trụ, tỉnh Long An.
Xã Bình Tịnh được hình thành từ rất sớm cùng với quá trình hình thành tỉnh Long An, từ đầu thế kỷ XVII.
Theo địa bạ Minh Mạng thì xã Bình Tịnh ở 4 xứ có danh xưng dân gian là Rạch Đồng Bế, Rạch Đồng Giấy (Long Đức), Rạch Ế, Kỳ Sơn, hạ Lũng Kỳ.
Đông giáp 2 thôn Tân Trụ và Hậu Đức.
Tây giáp sông nhỏ.
Nam giáp sông lớn.
Bắc giáp địa phận thôn Quảng Phú và giáp sông.
Thực canh ruộng đất các hạng như sau: 1414.0.2.5 chia ra:
- Ruộng sơn điền (Ruộng gò) 546.3.5.4 (114 sở chủ).
- Ruộng thảo điền (Ruộng bưng) 867.6.12.1 (109 sở chủ).
- Dân cư thổ (Đất dân cư) 20.9.12.0 (18 sở chủ).
Mộ địa 5 khoảnh.
Từ thế kỷ XVII đã có người Việt đến khai khẩn ở vùng đất này. Thời Nguyễn Phúc Chu, năm 1698 Nguyễn Hữu Kính (Cảnh) lập bộ máy hành chánh, lấy đất Đồng Nai làm phủ Gia Định, đặt huyện Phước Long và Tân Bình. Năm 1802 phủ Gia Định được đổi ra thành tỉnh Gia Định, thống lĩnh 5 trấn gồm Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thạnh, Định Tường, Hà Tiên.
Huyện Tân Bình được nâng lên thành phủ gồm huyện: Bình Dương, Tân Long, Thuận An và huyện Phước Lộc, xã Bình Tịnh thuộc huyện Thuận An. Năm Minh Mạng thứ XIII, huyện Thuận An và huyện Phước Lộc được tách ra làm Phủ Tân An, đặt phủ lỵ ở Tân An (đóng ở Bình Khuê) gần chợ Cái Tài, bên bờ rạch Châu Phê. Năm 1836 Minh Mạng đổi tỉnh Phiên An thành tỉnh Gia Định gồm 3 phủ: Phủ Tân Bình, Phủ Tân An và Phủ Tây Ninh.
Năm 1837 huyện Thuận An được đổi thành huyện Cửu An. Mãi cho đến năm 1867 Pháp chia Nam Kỳ Lục Tỉnh ra làm 24 khu tham biện từ khu tham biện Tân An có huyện Tân Thanh và huyện Cửu An, Ly Sở ở Bình Lập.
Năm 1910 xã Bình Tịnh thuộc tổng An Ninh Hạ, tỉnh Tân An. Cuối năm 1953 chủ trương cắt bớt một số xã của quận Châu Thành và Thủ Thừa lập quận mới lấy tên là quận Tân Trụ. Năm 1956, chính quyền Sài Gòn đổi quận Châu Thành của Tân An cũ đặt tên mới là quận Bình Phước đống ở Tầm Vu, cắt một phần tỉnh Chợ Lớn nhập với Tân An lập ra tỉnh Long An.
Năm 1970 tỉnh Long An có 7 quận trong đó quận Tân Trụ rộng 116km2, có 27.020 người dân. Năm 1962 Tân An nhập với huyện Cửu An lập ra huyện Vàm Cỏ, xã Bình Tịnh thuộc huyện Vàm Cỏ. Năm 1992 xã Đức Tân và một phần xã Bình Tịnh được nhập lại lập ra thị trấn Tân Trụ, tổ quán họ Nguyễn ngày nay thuộc thị trấn Tân Trụ, có vị trí như sau:
- Đông giáp xã Đức Tân.
- Tây giáp huyện Châu Thành.
- Nam giáp xã Đức Tân.
- Bắc giáp Bình Trịnh Đông và xã Bình Tịnh.
Thị trấn Tân Trụ có 3 ấp: Bình Lợi, Bình Tịnh, Tân Bình (ấp Bình Lợi thuộc xã Bình Tịnh, nay nằm trên thị trấn Tân Trụ) có diện tích 575,66ha, dân số hơn 6.000 người.
Nghề chính: nghề nông.
Nghề phụ: mua bán và dịch vụ.
Tôn giáo: Đại đa số là Phật giáo, một số ít theo đạo Cao Đài (phái Tây Ninh).
Có một miếu thờ ông và một đình Bình Tịnh ở ấp Bình Hòa, hiện nay ở ấp Bình Lợi, có mộ ông bà Nguyễn Văn Thu (đời 6 kể từ ông tổ đời một ở Nam). Còn một mộ cổ mà hậu duệ họ Nguyễn cho là mộ ông tổ cao nhất (vì mộ nầy không còn mộ bia). Mộ ông tổ cao nhất thì đã ở Quảng Ngãi rồi vì ông bà đã cùng con gái về Quảng Ngãi rồi ông bà mất ở ngoài đó. Căn cứ theo phả đồ chúng tôi cho mộ nầy là mộ của ông Nguyễn Văn Đường (đời 5) cha của ông Nguyễn Văn Thu nhưng ông Trần Văn Tuông (cháu cố của ông Thu) cho rằng phải là mộ của ông cao hơn nữa. Hiện chưa có cơ sở để xác định mộ nầy một cách chính xác. Tuy nhiên con cháu họ Nguyễn đã xây dựng mộ này lại, ốp đá hoa cương đen, đẹp đẽ, khang trang (năm 2001).
Hiện nay gia đình của ông Trần Văn Tuông (còn gọi là ông Bảy Đăng) cất nhà sinh sống trên vùng đất tổ.
IV. SỰ ĐÓNG GÓP CỦA DÒNG HỌ CHO QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC
Cùng với những họ khác, sự có mặt của họ Nguyễn vào vùng đất mới từ đầu thế kỷ 18, khi ấy Bình Tịnh còn hoang vu, khắp nơi là rừng hoang cỏ rậm, kinh rạch chằng chịt, thú dữ luôn đe doạ tính mệnh con người. Họ Nguyễn phải lao động cật lực để khai hoang lập ấp ở xã Bình Tịnh. Trong Địa bạ Minh Mạng đã có ghi số đất đai họ Nguyễn ở Bình Tịnh góp phần làm cho Bình Tịnh trù phú như ngày nay. Trong gia phả cổ không ghi hành trạng mỗi người nên không biết được các ông từ đời một đến đời thứ 7 có tham gia các cuộc đấu tranh chống áp bức, chống ngoại xâm không nhưng từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, hậu duệ từ đời thứ 8 đến đời thứ 10 đã có sự đóng góp đáng kể vào 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Ông Nguyễn Trường Sanh (đời 8) là người thừa kế đất đai họ Nguyễn và cũng là người được bên vợ chia cho hơn 70 mẫu ruộng ở Phước Tân Hưng, ông đã trở thành địa chủ, có cuộc sống sung túc nhưng ông đã từ bỏ gia đình tham gia kháng chiến chống Pháp. Về sau tuổi già sức yếu ông mới trở về với gia đình. Tiếp đó, đời 9 tiểu chi Nguyễn Trường Ca – Nguyễn Chơn Tông giác ngộ cách mạng tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Riêng tiểu chi Nguyễn Chơn Tông đa số các con ông đều tham gia cách mạng, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng. Ông Nguyễn Trường Vịnh tham gia cách mạng chống Pháp và Mỹ. Ông Nguyễn Trường Thịnh tham gia cách mạng chống Mỹ, liệt sĩ, hy sinh năm 1970. Ông Nguyễn Chơn Trung (Sáu Quang) chủ tịch Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn – Gia Định năm 1964, lãnh đạo xuất sắc phong trào học sinh Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong thời kỳ chống Mỹ.
Sau khi hòa bình lập lại, con cháu họ Nguyễn ở Tân Trụ Long An cũng có người là liệt sĩ, có người là thương binh, có người có địa vị cao trong xã hội, cũng có người bị bắt đi lính cho chế độ Sài Gòn song tất cả tiếp tục lao động tích cực, học tập để nâng cao đời sống và góp phần xây dựng quê hương
V. ĐẶC ĐIỂM CỦA DÒNG HỌ
Qua hơn 300 năm (từ 1700 – 2005) lập nghiệp ở xã Bình Tịnh tổng Thuận Đạo Thượng, huyện Cửu An, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay là thị xã Tân Trụ, tỉnh Long An) họ Nguyễn đã truyền tử lưu tôn đến nay là đời thứ 11, đã hình thành một họ tộc sống lâu đời ở Tân Trụ Long An. Đây là một họ tộc lớn nhưng gia phả chỉ ghi trực hệ từ đời 6 (tính từ ông tổ đời một ở Nam Bộ). Từ đời thứ 7 đến đời thứ 11 mới ghi đầy đủ các tiểu chi. Tuy không thể hiện hết đại tông song họ Nguyễn trong gia phả nầy cũng đã hình thành được đặc điểm của dòng họ mình như sau:
- Họ Nguyễn gốc nông dân chất phát, lao động cần cù dám từ bỏ quê hương “đất bạc” của mình để đến miền Nam ruộng đồng phì nhiêu lập nghiệp, lao động gian khổ chống thiên nhiên thú dữ để khai khẩn đất đai, góp phần đáng kể trong buổi đầu khai sơn phá thạch ở vùng đất Bình Tịnh, Tân Trụ, Long An ngày nay. Số ruộng đất của họ Nguyễn ở Bình Tịnh thể hiện trong địa bạ Minh Mạng nhiều hơn tất cả các dòng họ khác(4).
Trong gia phả cổ không ghi hết chi tiết mỗi người nên không thể biết hết những nghề cơ bản mà con cháu họ Nguyễn sinh sống. Riêng từ đời 7 đến đời 11 hậu duệ họ Nguyễn làm nhiều nghề khác nhau: cán bộ nhà nước, giáo viên, kỹ sư, y tá, thợ may, làm ruộng, lái xe, doanh nhân... ai cũng có nghề nghiệp, lao động chính đáng để sống, để làm giàu.
- Họ Nguyễn có ý thức giữ gìn dòng họ, tôn kính tổ tiên. Dòng họ Nguyễn ở Quảng Ngãi đã có gia phả, khi thiên cư vào Nam đời II đã viết gia phả, đến đời VI tiếp tục sao lần hai do ông Nguyễn Văn Thu phụ trách. Hiện nay đời X anh em ông Nguyễn Chơn Dương tiếp tục viết lần III và bà Lê Thị Hoa (vợ ông Nguyễn Chơn Tông) cùng các con và thân tộc đã sửa sang lại hầu hết mồ mả tổ tiên. Trong gia phả cổ có bài di ngôn nhắc nhở con cháu “phụng thờ tổ tiên trăm đời không đổi”. Trong họ tộc, có dành phần ruộng hương hỏa để lo việc thờ, cúng giỗ và cúng Việc Lề cho đến hôm nay vẫn duy trì (hiện nay gia đình ông Nguyễn Trường Kỉnh phụ trách cúng Việc Lề vào ngày 21-1 âm lịch hằng năm).
- Đặc điểm rất quý của họ Nguyễn là tinh thần hiếu học. Đa số các cụ thời phong kiến theo Nho. Đến đời thứ 9 theo tân học. Đa số 3 tiểu chi đời 10 đến nay đều có học, thấp nhất cũng cấp 3 (tú tài). Riêng ông Nguyễn Chơn Tông là tấm gương sáng trong học tập để các con cháu noi theo. Ông vừa làm cách mạng vừa học, từ tiểu học ông học lên bổ túc và lần lượt đến đại học (Đại học Sử). Ông muốn các con ông phải học giỏi nên khi tập kết ra Bắc, ông dặn dò vợ ông dù gặp bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải lo cho con ăn học.
Vì vậy một mình vợ ông nuôi 9 đứa con qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, bà vẫn một lòng lo cho con ăn học. Ruộng bán lần lượt hết, bà vẫn làm thuê, làm mướn, thiếu ăn thiếu mặc, gian khổ lắm nhưng vẫn cho con ăn học. Các con ông cơm không đủ no, áo không đủ mặc vẫn học rất giỏi. Hầu hết các con ông đều tốt nghiệp đại học, một số có học vị thạc sĩ, tiến sĩ, viện sĩ.
Ông Nguyễn Chơn Dương tốt nghiệp giảng viên Anh ngữ tại Hoa Kỳ trước giải phóng, đã từng dạy tiếng Anh. Sau giải phóng vẫn tiếp tục học, tốt nghiệp cử nhân Anh văn và đã đi nhiều nước trên thế giới. Các con ông đều học giỏi và thành đạt trong xã hội. Riêng ông Nguyễn Chơn Trung năm 2001 được cấp bằng Tiến sĩ khoa học xã hội và viện sĩ tại Viện Hàn lâm Quốc tế thuộc Liên bang Nga sau khi ông bảo vệ thành công đề tài “Học thuyết Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về Chủ nghĩa tư bản nhà nước” được vận dụng tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 14/9/2005 ông Trung được Viện Hàn lâm Quốc tế thuộc Liên bang Nga trao bằng viện sĩ Xã hội học. Ông Nguyễn Thanh Liêm vừa công tác vừa phấn đấu học tập, được cấp bằng thạc sĩ Kinh tế của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (ông học giỏi, thi đâu đậu đó).
Con gái ông Nguyễn Thanh Liêm là học sinh xuất sắc từ cấp 1 đến cấp 3, được tuyển thẳng vào đại học Oxford của Anh quốc, hiện nay tốt nghiệp thạc sĩ Luật kinh tế quốc tế và còn đang tiếp tục thực tập ở nước ngoài (Singapore).
- Đặc điểm đáng được con cháu tự hào là tinh thần cách mạng triệt để, quyết liệt, luôn trung thành với lý tưởng cách mạng nổi bật nhất là tiểu chi ông Nguyễn Chơn Tông (đời 9 và 10); trong công tác thì hết lòng, nơi chiến trường thì anh dũng xã thân, dù bị tù đày, tra tấn dã man vẫn giữ được khí tiết của người cách mạng, người cộng sản. Cho đến ngày nay con cháu họ Nguyễn đã có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp cách mạng và sự phát triển của dân tộc.
Đó là những truyền thống tốt đẹp của dòng họ Nguyễn đáng được con cháu tự hào và noi gương để phấn đầu học tập vươn lên.
Với tinh thần luôn hướng về cội nguồn, giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dòng họ, tập gia phả này là cơ sở để họ Nguyễn thắt chặt tình huyết thống, đoàn kết giúp nhau trong học tập, trong cuộc sống, cùng nhau gìn giữ những gì còn lại của tổ tiên, thực hiện di ngôn của tổ tiên là “phụng thờ tổ tiên trăm đời không đổi”.
Với gia phả nầy kính dâng lên tổ tiên như một món lễ vật tinh thần vô giá thể hiện lòng tri ân hiếu thảo của con cháu và nguyện học tập những truyền thống tốt đẹp của tổ tiên trên bước đường lập nghiệp, có trách nhiệm bổ sung cho họ tộc được đầy đủ, tô thêm trang sử vẻ vang cho dòng họ trong các thế hệ nối tiếp ở tương lai.
Các tin cũ
- » 018. Gia phả Họ Lê (xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TP.HCM) 14/08/2022 22:06:20
- » 017. Gia phả họ Huỳnh (phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM) 14/08/2022 21:55:01
- » 016. Gia phả họ Huỳnh (ấp Nhơn Trị, Nhơn Thạnh Trung, Tân An & ấp Rạch Đào, Bình Phong Thạnh, Thủ Thừa, Long An) 14/08/2022 21:37:43
- » 015. Gia phả họ Võ (xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) 14/08/2022 21:30:17
- » 014. Gia phả họ Trương (ấp Giồng Dứa, Mỹ Hạnh Nam, Đức Hòa, Long An) 14/08/2022 21:10:54
- » 013. Gia phả họ Trương (Xóm Dinh, xã Long Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) 14/08/2022 20:51:47
- » 012. Gia phả họ Phan (ấp Bờ Kinh Trên, Bình Ân, Gò Công Đông, Tiền Giang) 14/08/2022 20:43:45
- » 011. Gia phả họ Nguyễn (ấp Tây Bắc Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM) 14/08/2022 20:31:32
- » 010. Gia phả họ Nguyễn & họ Hồ (ấp Phong Quới, Phong Mỹ, Giồng Trôm, Bến Tre) 14/08/2022 20:11:35