Trang chủ > 038. Gia phả họ Bùi (ấp 3, Mỹ Tân, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)

038. Gia phả họ Bùi (ấp 3, Mỹ Tân, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)

19/08/2022 07:10:18

Gia phả họ Bùi ở ấp 3, xã Mỹ Tân, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2008.

LỜI TỰA

Ông bà ta thường nhắc nhở câu: “Cây có cội, nước có nguồn” với ngụ ý dạy dỗ con cháu làm người phải biết công ơn tổ tiên, ông bà cha mẹ; đồng thời khẳng định giá trị đặc biệt quan trọng của “cội” và “nguồn”. Từ cội (gốc) cây mới bám chặt vào đất hút chất nhựa nuôi thân cây lớn lên, phát triển cành lá, ra bông kết trái tốt tươi có ích cho đời. Từ nguồn (nơi phát nguyên) nước mới chảy ra sông sâu biển rộng: 

Cây có gốc mới nở cành xanh lá 

Nước có nguồn mới biển rộng sông sâu 

Người ta nguồn gốc ở đâu?.... Câu ca dao trên ai cũng thuộc nằm lòng và đã làm day dứt bao thế hệ con cháu khi chưa biết rõ về Tổ tông của mình vì nó đụng chạm đến phần thiêng liêng, đến chữ Hiếu thuộc phạm trù đạo đức con người. Thông thường theo quy luật tình cảm: Có biết rõ, người ta mới yêu kính, có yêu kính mới ra sức giữ gìn, bảo vệ. Hơn nữa, tấm lòng của Tổ tiên ông bà đối với con cháu như là lẽ đương nhiên một chiều “Nước mắt chảy xuống” không hề tính thiệt so hơn, hy sinh cả sức lực, trí tuệ, tài sản cố công làm ăn dành dụm để hết lại cho con cháu muốn cho con cháu sau này sẽ sung sướng, khá giả hơn mình “Con hơn cha là nhà có phước”. Tổ tiên ông bà chỉ mong có một điều là con cháu phải biết giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của họ tộc, ăn ở phải đạo làm người trong gia đình cũng như ngoài xã hội, đừng làm điều gì sai quấy ảnh hưởng đến vong linh tổ tiên. 

Như họ Bùi ta, khoảng 200 năm trước đây, trong những đợt chuyển cư mở cõi đất phương Nam, ông Tổ BÙI VĂN HUY (Đời I) đã chọn nơi đất lành chim đậu nầy - sau có tên là Mỹ Ngãi - làm nơi dựng nghiệp, nay là Tổ quán của họ Bùi ta, sanh con cháu nối dòng. Từ ông Bùi Văn Dũng (Đời II) đến ông Bùi Văn Cận (Đời III), Bùi Văn Gương (Đời IV), Bùi Văn Chuẩn (Đời V), Bùi Văn Nhạo (Đời VI), Bùi Hữu Phương (Đời VII), kể cả lớp cháu kế tiếp là Đời VIII, v.v… Từ đời IV, khi đã ổn định cuộc sống, ông bà có điều kiện quan tâm hơn giáo dục nề nếp gia phong cho con cháu. 

Đời VI, đời VII, đất nước hòa bình, đã lo việc quy tập mồ mả, lập Phủ thờ họ tộc. Đó là hai việc hết sức có ý nghĩa, nhưng họ tộc ta còn thiếu một việc quan trọng là lập gia phả cho họ tộc. Vì mỗi gia đình Việt Nam muốn được ổn định, phát triển vững bền phải có đủ ba cột trụ - như kiềng ba chân - là: Khu mộ (đồng mả) sự hiện diện của Tổ tiên ông bà, Phủ thờ (từ đường) nơi thể hiện lòng biết ơn của con cháu qua các lễ giỗ, còn Gia phả là lịch sử của họ tộc nhắc lại gốc tích, công đức của Tổ tiên, ông bà. Gia phả có tác dụng nối kết chặt chẽ hai yếu tố trên vững chắc. 

Vậy bộ Gia phả rất thiêng liêng vì chứa đựng tên tuổi, năm sanh, ngày mất (giỗ), đặc điểm truyền thống, công đức Tổ tiên ông bà… là cơ sở cụ thể để giáo dục con cháu. Gia phả sẽ tồn tại mãi với họ tộc. Gia phả là gia bảo của dòng họ phải được trân trọng giữ gìn nơi thờ cúng trang nghiêm, do người trưởng tộc đọc cho con cháu nghe trong lễ quý kỵ. 

Trên đây là nói về sự cần thiết của gia phả và lý do dựng bộ Gia phả họ Bùi ta. 

Hơn hai năm qua với ý thức được sự cần thiết việc lập gia phả Bùi tộc, tôi (Bùi Văn Tắc) và cháu Bùi Hữu Phương đã cất công truy tầm tư liệu thân tộc, nhưng chưa hệ thống được, cho đến Xuân Mậu Tý 2008 nầy, nhân dịp lễ họp mặt họ Bùi tại thành phố Hồ Chí Minh, cháu Bùi Hữu Phương (Đời VII) cháu nội bác Ba Bùi Văn Chuẩn có quen biết với đại diện Trung tâm nghiên cứu và thực hành gia phả tại thành phố Hồ Chí Minh thuộc Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi xin ý kiến cô bác, cháu Phương có cậy Trung tâm dựng bộ Gia phả họ Bùi ta. 

Nhân đây chúng tôi đại diện cho họ tộc cám ơn tất cả anh chị em, con cháu đã hết lòng giúp đỡ các chuyên viên gia phả trong việc đưa đón, giới thiệu, kể chuyện Tổ tiên, gia đình lo chu đáo cả về vật chất lẫn tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các chuyên viên gia phả hoàn thành nhiệm vụ. 

Chúng tôi xin cám ơn Trung tâm gia phả đã cử những chuyên viên có năng lực hết sức nhiệt tình và khẩn trương làm việc để sớm hoàn thành bộ Gia phả họ Bùi chúng tôi với chất lượng cao. Bộ Gia phả nầy đã ghi đến đời thứ VIII hiện nay. Sau nầy, cứ khoảng 5 năm, con cháu sẽ ghi tiếp thêm vào, như họ tộc Bùi - Mỹ Ngãi mãi mãi trường tồn . 

 Xuân Mậu Tý 2008 

 Đại diện họ tộc Bùi - Mỹ Ngãi. 

 BÙI THANH CHÀNG (tự De) VÀ BÙI VĂN TẮC 

 

PHẢ KÝ

Khi đất nước hòa bình, gia đình sum họp, đời sống ổn định, nhân dân ta coi như yên tâm về vật chất, nhưng còn có nỗi lo về tinh thần tâm linh. Hầu như họ tộc nào cũng quan tâm đến dòng họ cội nguồn. Nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng họ tộc chưa giải đáp được: 

Tổ quán họ tộc ta ở đâu? Ông Tổ đến đây từ lúc nào, đến bằng cách nào, cùng đi với ai, trước khi đến đây đã dừng chân ở những nơi nào khác? Công lao sự nghiệp của Tổ tiên? Họ tộc ta gồm bao nhiêu người, còn ở những nơi nào nữa, thế thứ ra sao?... 

Cây có cội, nước có nguồn. Hai tiếng “Cội nguồn” sao mà thiêng liêng day dứt mãi những người trong họ, nhứt là những bậc trưởng thượng, rất quan tâm đến dòng họ. Từ đời thứ IV, giữa lúc đất nước còn chiến tranh - năm 1930 - ông Sáu Bùi Văn Gương đã cho khắc gỗ bảng tông chi tóm tắt (Mộc phả) gồm họ tên, ông bà cha mẹ, cô chú, anh chị từ ông Tổ BÙI VĂN HUY (Đời I) đến đời III (ông Bùi Văn Cận) có ghi cả ngày mất (ngày giỗ). Mộc phả nầy là gia bảo được họ tộc trân trọng giữ gìn, chạy giặc cũng mang theo sang cù lao Mỹ Hiệp; sau ngày giải phóng được rước về, hiện nay thờ tại nhà ông Bùi Văn Tắc (Đời VI), người lớn tuổi nhứt trong họ, người bám trụ gần thế kỷ ngay trên mảnh đất kỷ niệm của ông bà, rất am hiểu về họ tộc. Ông và ông Bùi Thanh Chàng (còn gọi là De), anh chú bác ruột với ông, đã hết sức nhiệt tình cung cấp nhiều tư liệu quý về Tổ tiên, ông bà, về họ tộc, về sự tích đình, chùa mà ông bà họ Bùi có công tôn tạo giữ gìn đến bây giờ.

PHÁT TÍCH DÒNG HỌ

Tổng hợp các nguồn tư liệu, được biết, ông Tổ họ Bùi ở 

xã Mỹ Ngãi (nay là Mỹ Tân) là ông BÙI VĂN HUY quê gốc nào, nhưng lúc đi lập nghiệp phải ở tuổi trưởng thành từ 20 - 25 tuổi, tức khoảng năm 1800. Ông kết duyên với bà Nguyễn Thị Mãn sanh hạ được mấy người con không rõ, con cháu chỉ còn biết 3 người (1 trai, 2 gái): Bùi Văn Dũng, Bùi Thị Hữu, Bùi Thị Thiện (Đời II). Ông Bùi Văn Dũng kết duyên với bà Nguyễn Thị Điều. Ông là người duy nhứt sanh con cháu nối dòng đến nay. Ông bà sanh hạ 9 người con, 6 người chết nhỏ, còn 3 người: Thứ năm Bùi Văn Cận, thứ bảy: Bùi Văn Đây, thứ mười: Bùi Thị Tròn (đời III) có nhiều con cháu.

Ông Bùi Văn Cận, kết duyên với bà Nguyễn Thị Sáo sanh được 9 người con, mất 1 (thứ 9) còn lại 8 người (3 trai, 5 gái): Thứ hai Bùi Thị Vuông, thứ 3 Bùi Thị Dương, thứ tư Bùi Văn Nhị, thứ năm Bùi Thị Hạ, thứ sáu Bùi Văn Gương, thứ bảy Bùi Thị Tâm, thứ tám Bùi Văn Nghiêm, thứ mười Bùi Thị Út (Đời IV). Ông bảy Bùi Văn Đây kết duyên với bà Nguyễn Thị Sang hạ sanh được 5 người con (1 gái, 4 trai): Bùi Thị Biển, Bùi Văn Ngài, Bùi Văn Hoài, Bùi Văn Thành và Bùi Văn Lịch (Đời IV). Bà Bùi Thị Tròn có chồng là ông Trịnh Văn Nhiên có 10 người con (6 trai, 4 gái) hiện liên lạc thường xuyên với dòng họ có ông Trịnh Văn Góp (85 tuổi) là con ông Chín Trịnh Văn Thôi. 

Ông Bùi Văn Cận và ông Bùi Văn Đây (Đời III) hình thành 2 chi của họ Bùi (Ông Bùi Văn Cận: chi 1, ông Bùi Văn Đây: chi 2), sanh ra các con (Đời IV), các cháu (Đời V), chắt (Đời VI), hiện nay đã tới Đời VIII, hầu hết đều sanh sống tại xã Mỹ Ngãi (nay là xã Mỹ Tân) ở thị xã Cao Lãnh, (nay là thành phố Cao Lãnh), tỉnh Đồng Tháp, một số ít người công tác và lập nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tiền Giang. Tất cả con cháu đều có công ăn việc làm, trong đó có nhiều người thành đạt khá giả. 

Cánh trưởng, chi 1, ông Bùi Văn Cận có đông đảo con cháu nhứt, có nhiều điền sản, danh giá trong làng. Ông Tư Bùi Văn Nhị kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Dơi và bà Nguyễn Thị Đợi, bà Dơi không có con, còn với bà Nguyễn Thị Đợi sanh được 9 người con, chết nhỏ 5 người (thứ hai, ba, tư, bảy, tám) còn lại 4 người (3 gái, 1 trai): Thứ năm Bùi Thị Thái, thứ sáu Bùi Văn Vững, thứ bảy Bùi Thị Cừu và thứ mười Bùi Thị Ngận. Người con trai duy nhất của ông là Bùi Văn Vững cũng chỉ có 1 người con trai là Bùi Trạch Khởi (Non), còn lại là 4 người con gái. Ông Sáu Bùi Văn Gương kết duyên cùng bà Thái Thị Thuận, sanh hạ được 8 người con, còn 7 người (5 trai, 2 gái): Thứ Hai Bùi Văn Đống, thứ Ba Bùi Văn Chuẩn, thứ Tư Bùi Văn Đốc, thứ Năm Bùi Văn Đàn (chết nhỏ), thứ Sáu Bùi Văn Mật, thứ Bảy Bùi Văn Nhiệm, thứ Tám Bùi Thị Tranh và thứ Chín Bùi Thị Đua. Năm người con trai của ông đều khá giả, nhứt là ông Ba Bùi Văn Chuẩn (làm Cai Tổng), riêng ông Bảy Bùi Văn Nhiệm (Liệt sĩ) đã có công lao lớn cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng. Con cháu các ông thành đạt. 

Ông Tám Bùi Văn Nghiêm kết duyên cùng bà Võ Thị Chạy sanh hạ được 7 người, mất 2 (thứ 2, 3) còn lại (2 trai, 3 gái): Thứ tư Bùi Văn Bằng, thứ năm Bùi Văn Bạng, thứ chín Bùi Thị Kính, thứ mười Bùi Thị Hết và thứ mười một Bùi Thị Anh. 

Ông Bùi Văn Tắc kể về ông nội mình (ông Bùi Văn Gương): Ông rất khỏe mạnh, làm ăn giỏi, có ý chí và thích làm ăn lớn. Theo lời chỉ dẫn của ông cố, ông dẫn con cái có sức lao động xuống tận Cà Mau xin “hóa” đất (lãnh đất hoang khai khẩn ăn tiền công và cây trồng, được hưởng toàn bộ huê lợi trong 5 năm) làm ăn có vốn, sau ông trở về lại quê quán Mỹ Ngãi mua đất lập nghiệp lâu dài. 

Ông Ba Bùi Văn Chuẩn (Đời V) tham gia Ban Hội Tề làng Mỹ Ngãi, sau được cử làm Cai Tổng tổng Phong Thạnh, là vị Cai Tổng cuối cùng. Ông có lòng thương người, nhứt là những tá điền nghèo khổ. Mục đích ông ra làm việc là để bảo vệ thân tộc và giúp đỡ người trong xóm làng. Ông làm việc cho chánh quyền Pháp nhưng vẫn giữ quan hệ với cách mạng. 

Kế thừa sự nghiệp của cha, ông và mấy người anh em của ông lo việc tôn tạo và bảo vệ đình Mỹ Ngãi và chùa Bữu Lâm cùng tọa lạc trong ấp mà Tổ tiên họ Bùi đã góp công sáng lập. Người em ruột thứ bảy của ông là ông Bùi Văn Nhiệm giác ngộ cách mạng từ năm 1930, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, tham gia cướp chánh quyền tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Ủy Ban Kháng chiến hành chánh xã Mỹ Ngãi, sau về làm Phó Ban Kinh tế huyện Cao Lãnh, rồi cán bộ kinh tế tỉnh Long Châu Sa, lại làm cán bộ đơn vị Bảo vệ tỉnh ủy Đồng 

Tháp, ông đã anh dũng hy sinh ngày 3 tháng 6 năm 1960 (Có bài viết riêng về ông ở phần Ngoại phả) Con của ông Bảy Nhiệm (Đời VI) có nhiều người tham gia cách mạng, 2 người con rễ thứ 9 và thứ 10 đều theo ngành Công an hàm Trung tá, đang ở thành phố Hồ Chí Minh. 

Lớp cháu (Đời VII và Đời VIII) khi đất nước hòa bình có điều kiện học hành đỗ đạt, đang công tác ở nhiều ngành kinh tế, xã hội trong và ngoài bộ máy chánh quyền ở Cao Lãnh và thành phố Hồ Chí Minh cùng tham gia xây dựng đất nước. Anh Bùi Hữu Phương, cháu nội ông Ba Bùi Văn Chuẩn hiện đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Các con anh đỗ đạt cao và đang công tác ở thành phố. 

Hiện nay, con cháu họ Bùi đã quy tập mồ mả ông bà, thành 5 khu mộ theo hai tiêu chí: Giữ nguyên nơi ông bà đã nằm trước và trên mỗi phần đất của các ông. Riêng với Liệt sĩ Bùi Văn Nhiệm là để riêng phần mộ, theo nguyện vọng của gia đình. Ngày tảo mộ là ngày họp mặt đông đủ con cháu khắp nơi về vào ngày 23 tháng chạp. Vì theo ý ông bà họ Bùi phải tảo mộ trước ngày đưa ông Táo về trời, để ông Táo tâu với Ngọc Hoàng là chỗ nầy có người ở. 

LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT 

Tổ quán họ Bùi ở làng Mỹ Ngãi (nay là xã Mỹ Tân: do sáp nhập Mỹ Ngãi và Tân An), quận Cao Lãnh (nay là thành phố Cao Lãnh) tỉnh Đồng Tháp. 

Cùng với tiến trình phát triển của dòng họ, Tổ quán Mỹ Ngãi của họ Bùi cũng có lịch sử lâu đời. Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí –phần Lục Tỉnh Nam Việt, Tập Trung (Định Tường, Vĩnh Long): “Năm (Gia Long) thứ 7 (1808) cải dinh Trấn Định (dinh Trấn Định lập năm Tân Sửu 1781) làm trấn Định Tường thuộc thành Gia Định; thăng huyện Kiến An thành phủ Kiến An, đem 3 tổng sở thuộc Kiến Hưng, Kiến Hòa, Kiến Đăng thăng làm huyện. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831)phân hạt gọi là tỉnh Định Tường. Năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) trích huyện Tân Hòa cải thuộc về tỉnh hạt Gia Định, Tỉnh nầy lãnh 2 phủ (Kiến An và Kiến Tường), 4 huyện (Kiến Hưng, Kiến Hòa, Kiến Phong, Kiến Đăng). Huyện Kiến Phong thuộc phủ Kiến Tường (Gia định) có 

4 tổng , 36 thôn”. Sách Gia Định Thành Thông Chí có ghi: “Tổng Phong Thạnh, có 11 thôn: An Bình, An Long, An Phong, Mỹ Đảo, Mỹ Ngãi, Mỹ Trà, Nhị Mỹ, Phong Mỹ, Tân An, Tân Phú, Tân Thạnh”. 

Vị trí thôn Mỹ Ngãi: Đông và Nam giáp các thôn Mỹ Trà, Tân An; Tây giáp: Tân An, Phong Mỹ; Bắc giáp Mỹ Trà và rừng hoang. 

Các loại đất vùng Mỹ Ngãi: 

- Ruộng sơn điền : 618.3.12.1 

- Đất trồng tỉa : 527.4.1.2 

- Đất hoang : 40.7.0.0 

- Mộ địa : Một khoảnh 

- Đất gò : Hai khoảnh 

Huyện Kiến Phong đóng ở Mỹ Trà coi 4 tổng: Phong Thạnh: 12 thôn, Phong Phú: 9 thôn, Phong Nẫm: 8 thôn, Phong Hòa: 9 thôn. 

Năm 1872, đổi trấn Định Tường là tỉnh Mỹ Tho, lập hạt Sa Đéc gồm tổng Phong Thạnh (huyện Kiến Phong) gồm các thôn: Mỹ Ngãi, Mỹ Trà, Nhị Mỹ, Phong Mỹ và lập tổng mới là Phong Nẫm thay cho tổng Phong Phú với tên xã cũ. Hai tổng Phong Thạnh và Phong Nẫm ở vùng Cao Lãnh, Bình hàng Tây. 

Hạt Sa Đéc có lúc thuộc khu vực Vĩnh Long, có lúc thuộc khu vực Bassac. Đến năm 1889, hạt Sa Đéc được đổi thành tỉnh Sa Đéc với 3 quận: Châu Thành, Cao Lãnh và Lai Vung. Quận Châu Thành coi 5 tổng: An Hội (4 làng), An Mỹ (4 làng), An Trung (6 làng), An Thành Hạ (6 làng), Phong 

Nẫm (9 làng). Quận Cao Lãnh coi 3 tổng: Phong Thạnh (7 làng: An Bình, An Thạnh, Mỹ Trà, Nhị Mỹ, Phong Mỹ, Tân An và Mỹ Ngãi), An Tịnh (4 làng), An Thạnh Thượng (8 làng); Quận Lai Vung coi 2 tổng: An Thới (8 làng) và An Phong (7 làng). 

Năm 1956, ngụy quyền Ngô Đình Diệm đổi tỉnh Sa Đéc thành tỉnh Kiến Phong, có 6 quận: Cao Lãnh, Đồng Tiến, Hồng Ngự, Kiến Văn, Mỹ An và Thanh Bình. Hai xã Mỹ Ngãi và Tân An là 2 trong 12 xã thuộc quận Cao Lãnh. 

Năm 1966, ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu tái lập tỉnh Sa Đéc gồm 4 quận: Đức Thành (8 xã), Đức Thịnh (13 xã), Đức tân (7 xã) và Lấp Vò (8 xã). Thời chiến tranh, chánh quyền cách mạng đổi tên Sa Đéc thành Long Châu Sa, rồi Long Châu Tiền cho thuận tiện hoạt động kháng chiến. Sau ngày giải phóng miền Nam (1975), thống nhứt đất nước. Nhà nước ta lập tỉnh Đồng Tháp (nhập Sa Đéc và Kiến Phong) có 2 thị xã: Sa Đéc và Cao Lãnh (từ năm 1983) và 4 huyện: Tân Hồng, Hồng Ngự, Thạnh Hưng và Tháp Mười. 

Từ năm 1999, tỉnh Đồng Tháp có sự điều chỉnh và bổ sung thành: 2 thị xã Sa Đéc và Cao Lãnh và 9 huyện: Cao Lãnh, Châu Thành, Hồng Ngự, Lai Vung, Lấp Vò (trước là Thạnh Hưng), Tam Nông, Tân Hồng, Thanh Bình và Tháp Mười với tổng diện tích của tỉnh là 3,238 km2 và dân số: 1.568.100 người (số liệu năm 2003). Gần đây, thị xã Cao Lãnh được nâng cấp lên thành phố gồm 4 phường: (1, 2, 3, 4) và 7 xã: Mỹ Ngãi, Mỹ Tân, Mỹ Trà, Hòa An, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây và Tịnh Thới. 

Xã Mỹ Ngãi mới đặt hiện nay không phải là xã Mỹ Ngãi xưa, nơi Tổ quán họ Bùi – Tổ quán họ Bùi hiện ởấp 3 xã Mỹ Tân (nhập Mỹ Ngãi và Tân An), nơi còn hiện diện đình Mỹ Ngãi cổ kính từ hơn thế kỷ nay, còn tấm hoành phi khắc chữ Hán kiểu đại tự sơn son thếp vàng rực rỡ “ĐÌNH MỸ NGÃI” làm chứng – Trong khi xã Mỹ Ngãi mới không có mối liên quan mật thiết với truyền thống lịch sử văn hóa với những người dân cố cựu gốc ở xã Mỹ Ngãi xưa. 

Sau Cách mạng Tháng Tám chống thực dân Pháp, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, nhân dân Mỹ Ngãi đã quyết tâm giữ lại và bảo vệ cẩn trọng tất cả hoành phi, câu đối của đình mới còn được như ngày nay (có bài viết riêng về đình Mỹ Ngãi ở phần Ngoại phả).Bản đồ tỉnh Đồng Tháp, nơi mũi tên chỉ là Tổ quán họ Bùi: Xã Mỹ Tân, Thành phố Cao Lãnh. 

Ngày xưa ở mỗi làng đều có đình. Sau khi khai khẩn lập làng, người dân lập Đình để tỏ lòng tri ân thần hoàng, các bậc tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ. Đình Mỹ Ngãi là do Tổ tiên họ Bùi, họ Nguyễn, họ Trần, họ Lê, họ Dương, họ Bạch … góp công tạo dựng nối truyền cho con cháu đến nay. Đình Mỹ Ngãi còn thờ tam vị đại thần: Thống Linh, Thống Chiếu, Thống Bình và các anh hùng liệt sĩ suốt hai thời kỳ kháng Pháp, chống Mỹ. 

Địa linh sanh nhân kiệt. Chưa có công trình khoa học nghiên cứu đầy đủ về mảnh đất thiêng Cao Lãnh, nhưng qua quyển Đồng Tháp Nhân vật chí, chúng ta vô cùng tự hào quê hương Cao Lãnh đã có bề dày truyền thống đặc biệt về lòng yêu nước của lớp lớp thế hệ nối tiếp nhau, nơi sản sinh bao anh hùng dũng tướng như Thống Linh quê Mỹ Ngãi, Quản Bạch (tạo địa danh Hổ cứ), nơi hội tụ nhiều nhân vật nổi tiếng như Thiên Hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Kiều (võ tướng) làm rạng danh chiến khu Đồng Tháp Mười “Việt Bắc miền Nam” mồ chôn giặc Pháp. Võ Hoành, Dương Bá Trạc, Đặng Thúc Liêng, Nguyễn An Ninh đã từng ở đây. Nơi đây giao du với các chiến sĩ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thượng Hiền, v.v…; nơi có nhiều nhân vật ủng hộ tích cực nhứt phong trào Đông Du, Duy Tân như Lư Quang Bạt (1899 - 1958), quê Mỹ Trà, Nguyễn Quang Diệu (1880 - 1936), quê Tân Thuận; Phan Văn Dược, thường gọi là Hội Đồng Phu (1875 - 1946) quê Mỹ Trà, Cao Lãnh, v.v… Đặc biệt, cụ Lê Văn Đáng (1864 - 1947) quê Hòa 

An là bạn tâm giao với cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Bác Hồ), có con là Lê Văn Sao cùng hoạt động với Nguyễn Ái Quốc lúc ở Pháp. Riêng cụ Trần Bá Lê, thường gọi là cả Nhì Ngưu (1850 - 1931) quê Hòa An từng bảo bọc nuôi dưỡng cụ Phó Bảng đến cuối đời. 

Thật ít có nơi nào có truyền thống lịch sử đậm đặc độc đáo đủ võ tướng, danh nhân, nổi bật là truyền thống bất khuất, chống giặc, lòng yêu nước thương dân sâu sắc như ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) quê hương rất đỗi tự hào của họ Bùi ta. 

Được biết, nguyện vọng chánh đáng và tha thiết của họ tộc Bùi và người dân xã Mỹ Ngãi (xưa) đề nghị Quốc Hội, Nhà Nước ta nên giữ lại địa danh Mỹ Ngãi cũ (nơi có đình Mỹ 

Ngãi) là hợp lòng dân, hợp lòng người, hơn hết để góp phần động viên nhân dân giữ gìn truyền thống văn hóa làng xã vốn đã có rất tốt đẹp từ xa xưa, mà Nhà nước ta đang ra sức bảo tồn. 

ĐẶC ĐIỂM VÀ PHÁT HUY XÂY DỰNG DÒNG HỌ VĂN HÓA 

1. Nhìn chung họ Bùi ta đã phát triễn theo chiều thuận: 

Ông bà khai khẩn lập nghiệp, tạo nề nêp gia phong, con cháu thừa hưởng ra sức bảo tồn và phát huy những di sản vật chất và tinh thần của Tổ tiên ông bà để lại: Một dãy đất dài ở ấp 3 (Mỹ Ngãi) cặp lộ nhựa, sát bờ sông Cái Sao Thượng, nhà cạnh nhà, nhà nào cũng khang trang có vườn cây cảnh xanh tươi, đó là Tổ quán của họ Bùi ta. Từ vị trí cư ngụ và lối sống, đã thể hiện mối dây mật thiết của tình huyết thống: thương yêu, đùm bọc, nương tựa, chở che cho nhau, truyền thống tốt đẹp của họ tộc không có gì có thể làm phai nhạt được. Người ngoài rất thèm thuồng và ước ao được như vậy. 

2. Nếu đời III (ông Bùi Văn Cận) ra sức mở mang kinh tế, ổn định đời sống, thì đời IV (ông Bùi Văn Gương) đã chú ý đến việc nội trị, tạo nề nếp gia phong, cơ sở quyết định cho con cháu ổn định, phát triển vững bền. Cụ thể ông cho khắc Mộc Phả (tóm tắt tông chi) là việc làm hết sức thiết thực và vô cùng quý giá đối với con cháu ngày nay. 

3. Việc bà Quách (Nguyễn) Thị Kim Tiên (vợ ông Bùi Văn Chuẩn, đời V), là con dâu của họ tộc đã thay chồng đứng ra chánh thức phân chia tài sản cho từng đứa con, kể cả con gái, nhân ngày giỗ có đông đảo dòng họ bà con lối xóm. Điều này nói lên việc thực hiện bình đẳng nam nữ ngay trong họ tộc từ rất sớm; đồng thời cũng xác định vai trò và sự đóng góp xứng đáng của những người nữ (cả con gái và con dâu) trong gia đình, rất đúng với tinh thần Hiến pháp Việt Nam. Điều mà hiện nay, vẫn còn nhiều gia đình họ tộc chưa thực hiện được. 

4. Họ Bùi ta có một hệ thống chặt chẽ như một sự sắp đặt tự nhiên – Kế tục các đời trước - đời VI có ông Bùi Thanh Chàng (De), ông Bùi Văn Tắc, đời VII có ông Bùi Hữu Phương, rồi đời VIII chắc sẽ còn những ai nữa… là những người hết sức quan tâm đến dòng họ (củng cố mối đoàn kết, bằng các việc cụ thể: tôn tạo nhà thờ, chỉnh trang đồng mả và dựng gia phả), nắm chặt giềng mối là cách tốt nhất để ổn định và phát triển họ tộc lâu bền. Lo cho con cháu được học hành, có công ăn việc làm ổn định, giúp đỡ những người trong họ gặp hoạn nạn, khó khăn trong cuộc sống. Đó là trách nhiệm nặng nề của lớp người hiện nay đối với các thế hệ con cháu mai sau, đó cũng là cách thiết thực bày tỏ tấm lòng kính yêu, báo hiếu Tổ tiên, ông bà ta vậy. 

Qua hành trạng con người, quê hương tổ quán và truyền thống dòng họ cho phép bộ gia phả đề ra phương hướng xây dựng dòng họ văn hóa như sau: 

1. Phát huy truyền thống , lao động, yêu nước sâu sắc của dòng họ. Họ Bùi ta vững lòng tin, vận động con cháu giữ gìn và phát huy việc thờ cúng ông bà, là đạo, nguồn Việt Nam. 

2. Xây dựng dòng họ vẹn toàn, đối xử trong ngoài êm 

ấm, lo cho dòng họ mình, không quên các dòng họ láng giềng. 

3. Chăm lo khuyến học, khuyến nghiệp, khuyến tài một cách thiết thực trong họ. 

4. Mỗi gia đình là gia đình văn hóa; dòng họ là dòng họ văn hóa, làm tròn bổn phận công dân 

5. Phải chăm lo: 

- Nhà thờ họ Bùi nghiêm túc. 

- Mồ mả khang trang. 

- Bộ gia phả hoàn chỉnh.