Trang chủ > 032. Gia phả họ Phan (ấp Lái Viết Ngọn, Ninh Quới, Hồng Dân, Bạc Liêu)

032. Gia phả họ Phan (ấp Lái Viết Ngọn, Ninh Quới, Hồng Dân, Bạc Liêu)

18/08/2022 20:24:02

Gia phả họ Phan ở ấp Lái Viết Ngọn, Ninh Quới, Hồng Dân, Bạc Liêu được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2008.

LỜI TỰA 

Sanh ra ở đời ai cũng có lòng yêu kính tổ tiên, thương nhớ dòng họ cùng huyết thống, muốn tìm hiểu cội nguồn của mình. Tình cảm này, càng da diết đối với tôi, vì hoàn cảnh phải sống ly hương, xa rời tổ quán, nơi chôn nhau cắt rún của mình.

Sau thời kỳ chiến tranh lâu dài gian khổ, khốc liệt chúng ta đang có những nỗ lực phục hồi đất nước, tiến hành khẩn trương có hiệu quả trên nhiều phương diện. Không những phục hồi tiềm năng phát triển của xã hội, nhà nước còn chú trọng tới việc củng cố nếp sống gia đình trên cả hai phương diện kinh tế và văn hóa giáo dục.

Gia đình vốn là những đơn vị căn bản của xã hội và quốc gia. Gia đình vững vàng, xã hội mới bình an tiến triển.

Vì thế nhiều người ý thức đã quan tâm tới việc đoàn tụ, duy trì kỷ cương lễ giáo và đặt lại nền tảng đạo lý cho gia đình mình. Để kiểm điểm lại sự tồn vong và phát triển như thế nào của tộc họ, một số người có trách nhiệm cố gắngchấn chỉnh lại nếp ăn ở của mọi người trong tông môn đồng thời đặt lại nền móng việc thờ phụng tổ tiên cho được quy củ hơn.

“Chim có tổ, người có tông” là ý tưởng bình dị của dân tộc ta xưa nay như là một ý thức sâu sắc, nghiêm trang có ảnh hưởng lớn laotrong mọi tập quán truyền thống người Việt Nam. Nhớ đến tổ tông, tưởng đến công ân của tiền nhân, người ta phải lo giỗ kỵ và còn phải nghĩ đến một vấn đề cần yếu nữa là Gia phả.

Sau những năm dài có nhiều thăng trầm của cuộc sống, chắc không mấy gia đình còn giữ được cuốn sách ghi sự lưu truyền của gia tộc mình.

Từ nhiều năm qua, rất đông đảo những người quan tâm tới Gia phả đã thắc mắc không biết phải làm sao để lập lại được. Ngay cả những gia đình may mắn còn giữ được “gia bảo” cũng phân vân không biết khai triển, áp dụng như thế nào.

Tại sao cần phải lập lại Gia phả?

Gia phả cần yếu đến mức độ nào trong đời sống của mọi người trong gia đình?

Đây cũng là những vấn đề đặt ra khá hệ trọng đối với đời sống tinh thần của những thế hệ sinh ra, trong hay sau thời chiến. Những người có trách nhiệm và hiểu biết cần phải giải đáp để cho mọi người, nhất là các bạn trẻ ấy thông suốt được vị trí của tộc họ mình trong chiều dài của một thời kỳ lịch sử, sự lưu truyền huyết thống có tính cách thiêng liêng và trách nhiệm ăn ở của mình đối với tổ tiên, phù hợp với truyền thống đạo đức của gia đình, xã hội và dân tộc.

Trường hợp như họ Phan ta, tổ quán tại ấp Lái Viết Ngọn, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Từ ông Phan Bội Trung (đời I), ông Phan Thái Ngọc (đời II) đến đời III trong gia đình có bốn anh em trai, thì ba người anh lớn sống tại quê cũ Lái Viết, sanh con đẻ cháu đến nay đã ba, bốn đời bám giữ mảnh đất ông bà để lại. Riêng người em út là tôi Phan Hữu Danh, thoát ly theo cách mạng từ tuổi thanh niên, tham gia suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Sau ngày đất nước thống nhứt - cũng vì công tác - gia đình tôi lại định cư ở thị xã Rạch Giá (nay là thành phố Rạch Giá), tỉnh Kiên Giang. Dù không cách xa, nhưng mỗi năm tuổi tác càng tăng, sức khỏe càng giảm, tôi luôn nhớ thương núm ruột quê quán của mình.

Những năm trước đây, khi sức khỏe còn tốt, tôi cũng về thăm viếng mồ mả, cúng giỗ ông bà: thăm hỏi bà con, nhắc nhở động viên các cháu cũng là niềm vui tuổi già. Xác định vị trí của mình là người trưởng lão còn lại duy nhứt của họ Phan Lái Viết xã Ninh Quới, tôi đã đứng ra huy động anh em, con cháu tổ chức lễ quy tập hài cốt ông bà ở rải rác về tập trung vào khu thổ mộ dòng họ trong phần đất ông bà cha mẹ và được tôn tạo lại khang trang vào dịp Thanh minh kiết nhựt năm 2006 (Bính Tuất). Tất cả con cháu đều đồng tình ủng hộ và phấn khởi tham gia khiến người sống và người chết có linh thiêng thấy được cũng đều vui lòng hả dạ. Vui vì không chỉ thấy con cháu ngày nay vẫn tha thiết yêu kính tổ tiên, và tôi đã tạo điều kiện để cho các con cháu tỏ lòng báo hiếu với ông bà. Việc làm hiếu nghĩa mang tính nhân văn thật đáng mừng,  đáng khen.

Ông, bà, cha, mẹ đã mồ yên mả đẹp, ngày cúng giỗ, thờ phụng đã có con cháu lo chu đáo. Còn phần lịch sử gia tộc, công đức ông bà, nếu không còn người lớn kể lại làm sao con cháu biết. Con cháu có biết được, thì đó là cơ sở để nâng cao lòng tự hào yêu kính tổ tiên ông, bà mới thương yêu đùm bọc người trong họ tộc, cùng huyết thống. Tôi muốn nói đến gia phả của họ Phan ta. Vì có gia phả mới đáp ứng đầy đủ vấn đề này. Vấn đề gia phả tôi đã tính từ lâu, bản thân tôi và gia đình đã cố gắng ghi chép được một phần cơ bản. Nhưng vì tuổi cao sức yếu rán sức lắm cũng chỉ làm được đến đó.

Vừa qua rất may, từ chỗ có ý thức rồi tìm hiểu quen biết của Hữu Vinh, Vinh đã đưa mấy chuyên viên gia phả (Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM - thuộc Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM) về đây để tiến hành dựng bộ gia phả cho họ Phan ta. Gia đình tôi đã làm việc với các chuyên viên, cung cấp nhiều tư liệu, hình ảnh trước khi anh em đến tổ quán Lái Viết, Ninh Quới của mình. Tại đây các chuyên viên đã được các cháu Tám Hồng, Tư, Năm Nhạn, Bảy Còn, Chín Phó và các cháu trong họ ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình, tạo điều kiện thuận lợi tổ chức đưa đón, lo ăn ở để anh em hoàn thành bộ gia phả họ Phan ta. Bộ gia phả là công trình tập thể giữa dòng họ và các chuyên gia gia phả, nên rất quý giá và rất có ý nghĩa hiện tại cũng như tương lai, là bảo vật thiêng liêng của dòng họ. 

Dựng bộ gia phả họ Phan ta ở Lái Thiết là để lưu truyền cho con cháu mai sau. Khi con cháu biết được sẽ rất tự hào về tổ tiên ông bà mình đã sống trọn nghĩa với xóm làng, tận trung với dân với nước, bất khuất trước kẻ thù, các thế lực cường hào, ác bá quen thói ức hiếp dân nghèo và chống chọi với thiên nhiên, thú dữ để tồn tại và phát triển. Dựng gia phả không phải để khoe dòng họ mà cái chính là để: giáo dục truyền thống, nghĩa nhân cho con cháu noi theo, ăn ở phải đạo làm người.

Họ Phan ta tính từ đời ông nội tôi là ông Phan Bội Trung(đời I), ông Phan Thái Ngọc (đời II), anh em tôi là đời III, các con tôi là đời IV, lớp các cháu là đời V.... Những thế hệ trên sống trong giai đoạn đất nước bị xâm lược, chiến tranh liên miên. Cũng như các họ khác, họ Phan sống trong cảnh cơ cực, khổ đau luôn bị đế quốc phong kiến bóc lột, đàn áp thậm tệ – Vì giác ngộ cách mạng nghe theo tiếng gọi của Đảng, nên tôi tham gia kháng chiến năm 1945. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ  trường kỳ , nhưng các thế hệ họ Phan ở Lái Viết không một người nào đầu hàng phản bội  theo giặc hoặc gây tổn thất cho cách mạng và đồng bào.

Thế hệ thứ III chúng tôi và thế hệ thứ IV con cháu tôi đều quyết chí theo cách mạng chiến đấu đến ngày thắng lợi (30/04/1975). Họ Phan ta nói riêng và cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung được hưởng tự do, độc lập, lớp các cháu ta mới được học hành tiến bộ, cơm ngon, mặc đẹp  như ngày hôm nay.

Tóm lại, bộ gia phả là gia bảo đối với họ tộc và từng gia đình, từng người. Vì mục đích của gia phả là để kết nối dòng họ, giáo dục truyền thống đoàn kết tốt đẹp của ông bà để con cháu tự hào và noi theo, phấn đấu trở thành người con hiếu thảo trong gia đình, người công dân tốt trong xã hội, người cán bộ tốt của Đảng, Nhà nước, sống có mục tiêu, lý tưởng, có ước mơ hoài bão suốt đời phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, làm điều thiện có ích cho mọi người, tránh làm điều ác, gây tiếng xấu cho bản thân và dòng họ. Được như vậy là con cháu đã làm rạng rỡ dòng họ, là cách thiết thực báo hiếu tổ tiên ông bà cha mẹ vậy.

Gia phả là lịch sử của gia đình, gia tộc rất quý báu và thiêng liêng, phải ghi chép kỹ lưỡng, chính xác để nơi trang trọng trên bàn thờ, phải giữ gìn cẩn thận để con cháu đọc,  nhắc nhở con cháu ghi nhớ ngày kỵ cơm và nhớ về tổ tiên, dòng họ. Trong họ tộc không nên phân biệt, phải đối xử trai gái như nhau, con cháu phải có bổn phận của mình, biết ơn ông bà cha mẹ theo đạo lý dân tộc ta “uống nước nhớ nguồn”.

Nhân đây thay mặt gia tộc, tôi có lời cám ơn các con, các cháu  và bà con thân tộc họ Phan ta đã góp  công sức, tiền của và tấm lòng để tìm hiểu cung cấp tư liệu, tạo điều kiện cho các chuyên viên gia phả thu thập  từ đời I, viết nên bộ phả nầy vẫn chưa đầy đủ từ tên tuổi, địa chỉ, năm sanh , quê quán và xa nhất tổ tiên ta từ đâu đến lập nghiệp ở miền Tây nầy.

Tôi xin thay mặt dòng họ Phan cám ơn các chuyên viên Gia phả đã không quản ngại đường sá xa xôi, nghiên cứu thu thập tài liệu từ nhiều người để hình thành cuốn Gia phả dòng họ Phan hôm nay. Việc truy tìm về cội nguồn còn xa mờ chưa rõ vẫn còn là điều suy nghĩ trăn trở của tôi và gia tộc... Nhưng từ nay về sau bộ Gia phả nầy là cái mốc, điều kiện là cơ sở để các cháu bổ sung lưu truyền đời sau.

Bộ gia phả này mới ghi đến đời V hiện nay. Sau này các thế hệ kế tiếp sẽ tiếp tục ghi thêm lớp mới sanh vào để con cháu họ Phan ta mãi mãi trường tồn.

Lập Thu Đinh Hợi 2007

Thay mặt tộc họ Phan Lái Viết

PHAN HỮU DANH

 

PHẢ KÝ

Nhắc đến câu “Cây có cội”, “Nước có nguồn” thấy lòng dạ bâng khuâng, tưởng vọng, kính thương tổ tiên, ông bà, quý yêu dòng họ muốn tìm hiểu nguồn cội của mình.

Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn,

Nước có nguồn  mới biển rộng sông sâu.

Người ta nguồn gốc từ đâu?

Không có gì đau xót bằng đối với những người trưởng thượng khi con cháu ngày nay cắc cớ hỏi: Tổ tiên ta là ai? Nguồn gốc từ đâu đến? Mà mình không trả lời được!

Có người sẽ đổ lỗi do cuộc chiến tranh kéo dài ba mươi năm hết đế quốc Pháp tới xâm lược Mỹ làm cho cửa nát nhà tan, dòng họ ly tán. Điều đó đúng nhưng chưa đủ.

Giải tỏa lòng kỳ vọng, tìm hiểu cội nguồn thật sự là điều đang bức xúc trong lòng bao thế hệ, con người hiện nay. Cuộc chiến trên đất nước ta đã lùi xa trên 30 năm, nhưng dòng họ ta vẫn tồn tại và phát triển. Chính bây giờ mới là cơ hội tốt nhứt, điều kiện thuận lợi nhứt để chúng ta tập hợp kết nối những người trong họ, truy tìm tông tích nguồn gốc tổ tiên mình.

Người Việt Nam nào lại chẳng tự hào vô hạn với truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc mình. Suốt mấy ngàn năm  dựng nước và giữ nước đã phải đổi bao xương trắng máu đào mới tạo được một dãy non sông gấm vóc như ngày nay. Chúng ta biết được nhờ có lịch sử, còn sự nghiệp vinh quang này của tổ quốc thân yêu có được là của toàn dân, do nhân dân cả nước tạo ra, tức do thành tích của nhiều họ tộc trong nước góp thành, trong đó có họ tộc Phan ta. Chúng ta biết được cũng nhờ có lịch sử gia đình.

Mỗi chúng ta, con của một gia đình, cháu của một họ tộc, hậu duệ của một vị tổ tiên. Chúng ta hiện đang sống trong một gia đình đầm ấm, nề nếp, trên thuận dưới hòa thật hạnh phúc, ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo ngoan hiền, người trong họ tộc thương yêu đùm bọc lẫn nhau, ra ngoài xã hội được mọi người kính trọng. Đó là do tổ tiên ông bà cha mẹ dày công tạo ra, gìn giữ và vun đắp ngày càng tốt đẹp cho con cháu ngày nay và chỉ mong một điều duy nhất là con cháu noi gương giữ gìn thanh danh dòng họ, giữ nếp nhà. Đó là gia phong, gia huấn.

Con cháu biết được nhờ có ông bà kể lại, chẳng may ông bà đã qua đời thì con cháu nhờ vào gia phả họ tộc. Gia phả là quyển sách ghi lịch sử gia đình họ tộc.

Sử ghi sự hưng vong các triều đại của một dân tộc. gia phả ghi sự hình thành phát triển của một gia đình, dòng họ trong cộng đồng lịch sử dân tộc. Gia phả ghi rõ ông bà tổ đầu tiên sanh ra con cháu nối dòng, tức vị nguyên tổ, thủy tổ tại nơi đâu tức tổ quán đến nay được mấy đời, trãi qua các cuộc đấu tranh với thiên nhiên và xã hội, đổ bao mồ hôi nước mắt, có cả máu để tạo dựng cơ ngơi, gia thế cho con cháu. Đúc kết từ kinh nghiệm cuộc sống qua bao thế hệ mới có được gia phong, gia đạo, gia lễ để dạy dỗ con cháu đời sau. Đây là di sản văn hóa phi vật thể vô giá của mỗi họ tộc. Gia phả còn lý giải sở dĩ mỗi họ tộc có bước suy vong, có thời thịnh đạt được như ngày nay. Từ gia phả ta hiểu được ông cha ta cùng một lúc phải làm nhiều việc: vừa kháng chiến chống giặc ngoại xâm và phong kiến địa chủ cường hào ác bá vừa phát triển kinh tế để bảo đảm cuộc sống, chống thiên nhiên khắc nghiệt, để bảo vệ thành quả lao động, lo nề nếp gia phong để trước ổn định gia đình, sau dạy dỗ con cháu, góp phần xây dựng quê hương; chống thù trong giặc ngoài, đặc biệt là đánh đuổi ngoại bang xâm lược để bảo vệ tổ quốc độc lập vững bền, thịnh vượng, trong đó có họ tộc ta cũng được thừa hưởng thành quả chung này của dân tộc

PHÁT TÍCH DÒNG HỌ

Theo lời kể của ông Phan Hữu Danh 90 tuổi (1919), người trưởng lảo duy nhất của họ tộc còn sanh tiền và bản “Tạm ghi tông chi” viết tay của bà Hồ Mỹ Phụng (vợ ông), đề ngày 10 tháng 10 năm 2003 thì ông tổ không rõ họ tên, quê quán đến lập nghiệp trên mảnh đất này vào đời vua nào, cùng đi với ai? Chỉ biết rõ ông nội của ông Danh tên Phan Bội Trung sanh năm 1841(đời vua Triệu Trị) và bà nội  tên LêThị Kế sanh năm 1843. Ông bà sống bằng nghề chài lưới ở vùng Tân Châu sông Tiền, có đi đánh bắt cá trên miệt Biển Hồ Campuchia. Sau đó để tạo cuộc sống ổn định lâu dài, nên ông bà đổi nghề hạ bạc chuyển sang nông nghiệp - chắc có nhiều người đồng hương, đồng nghiệp cùng đi - và quyết định “cắm sào hạ trại” bên bờ con rạch tại mé rừng hoang vu cây cối rậm rạp, có nhiều thú rừng hoang dã. Cuộc khai hoang mở đất lập làng bắt đầu từ đây: con rạch này sau có tên là Lái Viết, làng đầu tiên được hình thành là Ninh Hòa rồi Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, sau là tổ quán họ Phan ta ngày nay.

TÌM VỀ TỔ QUÁN HỌ PHAN

Tàu cao tốc Rạch Mẽo thành phố Rạch Giá đi Ngan Dừa đường thủy này thuận tiện và nhanh hơn, đò chạy 121km chỉ có 2 giờ. Trên chuyến tàu, chúng tôi làm quen với một lão nông trên 80 tuổi quê ở Lái Viết Ngọn, bạn nhà nộng cùng lứa từ nhỏ với các ông Ba Lân, Tư Cận họ Phan ta. Ông còn nhớ một số chuyện về quê hương đất nước con người ở vùng Lái Viết:

...Ngày xưa khi chưa có tên gọi, chưa có người ở, nơi đây là vùng rừng thấp ngập nước, mọc nhiều nhất là cây tràm, gừa, cây dớn  và nhiều loại cây hoang dã; có nhiều khỉ, heo rừng, cọp, rắn, rái cá, cọp hiền chưa thấy bắt ai... Lúc tôi biết còn mấy cụm rừng tràm, còn có những cây tràm cổ thụ. Con rạch chảy qua từ vàm đến ngọn chừng 2 cây số, hồi đầu còn nhỏ, cạn, sau có xáng múc nông lòng rạch rộng ra tới 20 mét ngang nối lên miệt Vĩnh Phú, nước từ Ngã Bảy chảy xuống ngọt tư niên. Tại vàm rạch còn miễu Bà, nghe đồn linh lắm. 

Tên “Lái Viết” là nghe cô bác lớn và ông Năm Danh kể lại: Ngày xưa có ông lái rỗi (chuyên mua tôm cá đem đi chợ bán) tên là ông Viết, nghe đâu người ở miệt Cần Đước, tỉnh Chợ Lớn. Hàng ngày ông đậu ghe rỗi của mình tại Vàm Rạch đón bạn hàng qua lại để mua tôm cá. Vùng đó khi gặp bạn ghe chài lưới hỏi: Đi đâu? Thường được trả lời giống nhau: Đi ra Lái Viết, hoặc đi Lái Viết về. Lâu thành quen, rạch đó được mang tên rạch Lái Viết. Và ở đầu và cuối rạch có 2 ấp, muốn phân biệt người ta mới đặt thêm Lái Viết Vàm, Lái Viết Ngọn để tránh lầm lẫn.

Lúc đầu ít người, bằng các nông cụ thô sơ như rựa, dao, cuốc, cào làm thủ công, mỗi hộ tự do chọn một lõm khai hoang thành ruộng cấy lúa. Ruộng này giáp ruộng kia cũng không cần đắp bờ (ranh), chỉ cắm khúc cây làm ranh là xong. 

Ngược dòng lịch sử đất phương Nam, khi nhà Nguyễn đã thiết lập chánh quyền ở vùng này, cư dân vẫn còn có quyền tự tiện phân chiếm ruộng đất, nhà nước không can thiệp, hạn chế hoặc ràng buộc gì cả. Sách Gia Định Thành thông chí đã chép: “Địa phương Nông Nai (Đồng Nai) – Gia Định, bao gồm cả xứ Nam bộ ngày nay) nguyên xưa có nhiều ao chằm, rừng núi, khi đầu thiết lập ba Dinh mộ dân đến ở. Pháp chế còn khoan dung giản dị, có đất ở hạt Phiên Trấn mà kiến trưng làm đất ở hạt Trấn Biên, hoặc có đất ở hạt Trấn Biên mà kiến trưng làm đất ở hạt Phiên Trấn, như vậy cũng tùy theo dân nguyện không có ràng buộc chi cả, cốt yếu khiến dân mở đất khẩn hoang thành điền, lập làm thôn xã mà thôi”. Và theo Phủ biện tạp lục thì: “Những người di cư ra sức chặt phá cây cối, cắt cỏ rậm và mở mang đất đai thành những vùng đất bằng phẳng, thổ địa phì nhiêu”.

Sau chánh quyền Pháp vẫn cho khai hoang, người ta mới về đông và khai khẩn mở rộng ruộng ra, rồi lập miễu, lập đình thờ Thần phù hộ quốc thái dân an và cũng để xác định chủ quyền của mình. Họ Phan ở đây cũng khai khẩn được nhiều ruộng. Nhà cửa trong ấp hầu hết là cây xác lá dừa, cột tràm lợp lá, vách đất. Chỉ có mấy nhà ngói của nhà giàu như chủ Giỏi, Hội đồng Suông. Nhà chủ Giỏi xây to mới được bốn phía, phải bỏ dỡ vì vay tiền của Chà Và trả không nổi. Dân mỗi năm làm một vụ lúa cũng đủ ăn, chung quanh nhà trồng mấy cây dừa uống nước. Việc chăn nuôi gà vịt cũng ít, chỉ nuôi cho những kỳ giỗ chạp; bữa ăn hàng ngày thì có sẵn tôm cá tự nhiên dưới sông, ao đầm ăn không hết từ đó mới nghĩ ra chuyện làm mắm, làm khô, nuôi nữa làm chi.

Đến lúc ruộng đất tự khai khẩn mênh mông, địa chủ cấu kết với tụi Tây cướp đất của nông dân bằng cách chúng cho tay chân giám sát đồng ruộng lén liệng trụ đá xuống nơi đâu, lính làng cho cắm ranh tại đó. Rồi cũng do bọn Tây cấp giấy Bằng khoán đất do địa chủ đứng tên làm chủ; sau đó cho nông dân ( là chủ cũ) thuê lại bắt nộp thuế lúa ruộng (nộp tô), lúc đầu 1 giạ/công, sau lên 4 giạ/công. Ai không đủ lúa đóng bị chúng bắt đánh đập dã man, bỏ tù lưu đài biệt xứ. Nông dân chỉ biết đấm ngực kêu trời! Cuộc sống nông dân ngày càng lâm cảnh đói khổ lầm than càng căm thù giặc Tây và bọn địa chủ cường hào tay sai cho Pháp ăn hiếp dân lành. Vụ gia đình Mười Chức ở đồng Nọc Nạn đâm chết thằng cò Tây  tên Tournier đến cướp đất là một điển hình ở xứ Bạc Liêu này. Họ Phan cũng bị địa chủ cướp gần 200 công ruộng. Ông Năm Danh nhớ lại: “Lúc 4 - 5 tuổi , tôi có biết ông nội tôi (Phan Bội Trung), người trong làng gọi là ông Bộ Trung. Ông dáng người cao to, khỏe mạnh (cháu Hữu Vinh giống ông cố), ông khai khẩn được ba, bốn trăm công ruộng, sau bị địa chủ giựt hết phân nửa diện tích đất ấy. Ông nội, là người lập làng Ninh Hòa, về sau làng Ninh Hòa được lập ra thêm làng mới - làng Ninh Quới - nên gia đình ở thuộc làng Ninh Quới.

Vấn đề cần tìm hiểu thêm là: “Tên ông nội tôi lót chữ “Bội” (Phan Bội Trung) thường chữ lót của tên đánh dấu riêng của mỗi dòng họ thời bấy giờ, rất quan trọng; phải chăng có liên quan họ hàng với các cụ Phan Bội ở Nghệ An, miền Trung, cũng chưa rõ lắm. Rất tiếc vì không có gia phả hay bản Tông chi, kể cả truyền thuyết truyền lại cho con cháu sau này để có cơ sở tìm về cội nguồn các vị Cao tổ, Viễn tổ tộc Phan”.

Lịch sử di dân gắn liền với các cuộc Nam tiến xuống vùng đất mới phương Nam. Tính từ nhà Trần đến nhà Nguyễn đã có hàng chục đợt: tập thể, do triều đình tổ chức, lẻ tẻ do dòng họ tự đi, thành phần gồm dân nghèo đói, chán ghét chiến tranh, nồi da xáo thịt (lính) hoặc tội đồ, lậu thuế... Nhiều nhất là người ở hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Bước đường di chuyển từ xứ Đàng Ngoài vào Thuận Quãng, xứ Đàng Trong, có số thuận lợi ở lại, có số lại đi luôn vào Gia Định. Trường hợp này có gia đình Phạm Đăng Hưng, quan đại thần triều Gia Long. Theo Đại Nam liệt truyện chính biên: Tổ tiên của ông đã đem toàn bộ gia đình rời khỏi xứ Bắc, sau khi Nguyễn Hoàng thiết lập được quyền bính ở Thuận Hóa. Đầu tiên họ dừng lại ở huyện Vũ Xương (Quảng Trị), sau đó xuống Hương Trà (Thừa Thiên). Sau đó ông cố của ông xuống Quãng Ngãi và cuối cùng ông nội của ông xuống định cư ở xứ Gia Định.

Tổ tiên họ Phan ta chắc cũng từ Đàng Ngoài vào đất mới phương Nam, chắc cũng là một trong những trường hợp trên, nhưng không rõ năm nào và cụ thể từ đâu. Nhưng theo cách tính của ngành gia phả học, thì ông Phan Bội Trung sanh năm Tân Sửu (1841) đời vua Triệu Trị (1841 - 1847). Lúc đó đã hết chiến tranh, đất nước thanh bình, giang sơn thống nhất.

Con cháu họ Phan ở Ninh Quới, Hồng Dân chỉ còn biết tới ông cao nhứt là ông Phan Bội Trung và bà Lê Thị Kế (đời I) là vị có công khai sáng họ Phan nơi đây, và con cháu nối truyền đến nay được 6 đời.

NGƯỜI TẠO LẬP HỌ PHAN Ở NINH QUỚI

Ông Phan Bội Trung, sanh năm Tân Sửu 1841(đời vua Triệu Trị). Ông mất ngày 12 tháng giêng năm Nhâm Tuất 1922, thọ 81 tuổi. Ông Năm Danh kể: “Lúc khiêng quan tài đi an táng, có hai cháu nội trai là Ba Lân, Tư Cận, khoảng 7, 8 tuổi ngồi trên quan tài. Bà con trong xóm đến rất đông. Quan tài khiêng đi dưới lòng Rạch Lái Viết khô rang nức nẻ, đi được vài trăm thước mới lên bờ, đi vô trong gò đất khoảng 100 m là tới huyệt (đất của ông Huỳnh Văn Cống, bạn thân với ông Phan Bội Trung) vì đất của ông Bội Trung bị địa chủ lấy hết nên không còn đất để chôn, phải đi chôn nhờ”. (Ông Huỳnh Văn Cống là cha của ông Ba Xù, ông Sáu Còm ở Lái Viết Vàm).

Ông Phan Bội Trung kết duyên với bà Lê Thị Kế, sanh năm Quý Mão 1843. Bà mất trước ông một năm vào ngày 21 tháng 8 Tân Dậu 1921, thọ 78 tuổi. Mộ Ông Bà ở đất nhà ấp Lái Viết Ngọn,  phía sau nhà anh Chín Phó bây giờ.

Ông bà sanh hạ được 8 người con (đời II), mất 2, còn 6 người (5 gái, 1 trai): 

- Thứ hai    : Phan Thị Hai

- Thứ ba          : Phan Thị Ba

- Thứ tư : Phan Thị Tư (không rõ)

- Thứ bảy : Phan Thị Bảy

- Thứ tám : Phan Thị Xuyến

- Thứ chín : Phan Thái Ngọc

đều có chồng con, và người thứ chín (út) Phan Thái Ngọc, là người trai duy nhứt nối dòng cho con cháu sau này.

Ông Chín Phan Thái Ngọc, sanh năm Quý Tỵ 1893 (mất ngày mùng 8 tháng 1 năm 1955), kết duyên với bà Nguyễn Thị Đạm, sanh năm Tân Mão 1892 (mất ngày 9 tháng 12 năm Kỷ Dậu 1969), mộ táng cạnh ông ở đất nhà Lái Viết Ngọn. Ông bà hạ sanh được 4 người con trai (đời III), sanh 3 lần, lần thứ hai song thai như sau:

- Thứ hai    : Phan Văn Minh

- Thứ ba         : Phan Văn Lân

- Thứ tư : Phan Văn Cận 

- Thứ năm : Phan Hữu Danh

Ông Lân và ông Cận song thai.

Ba người con trai lớn của ông đều sanh sống tại quê nhà, làm ruộng, ông Ba Lân có tham gia kháng chiến. Riêng ông Năm (út) Phan Hữu Danh, cả gia đình đều tham gia cách mạng suốt hai thời kỳ chống Pháp và đánh Mỹ. Sau ngày giải phóng miền nam 1975, cả gia đình đều sống và công tác tại thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang và thành phố Hồ Chí Minh.

Bốn người con trai của ông Phan Thái Ngọc đều có vợ con: ông Phan Văn Minh (Hai Minh) (7 con, Phan văn Thời là cháu nội đích tôn), ông Phan Văn Lân (Ba Lân) (7 con), ông Tư Cận (Phan Văn Cận) (6 con), và ông Phan Hữu Danh (Năm Danh) (6 con). Các con và các cháu (đời IV) đều trưởng thành và thành đạt, nhứt là gia đình ông Năm Danh. Bản thân ông Phan Hữu Danh và bà Hồ Mỹ Phụng là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, sáu người con và dâu rễ đều học hành đỗ đạt, phần lớn phục vụ trong ngành công an. Người con thứ tư là Phan Hữu Vinh hiện là Đại tá, Phó cục trưởng Cục cảnh sát Môi trường Bộ Công An, đặc trách khu vực phía Nam.

Ông Năm Danh là người trưởng lão duy nhứt còn sanh tiền của họ Phan ấp Lái Viết Ngọn là người rất quan tâm đến họ tộc, lo mồ mả ông bà, đời sống và tình đoàn kết trong các con cháu, là người được tất cả con cháu hết sức kính yêu. Ông đứng ra huy động con cháu tập trung mồ mả ông bà cha mẹ về một chỗ và xây dựng nghĩa trang họ Phan tại đất nhà, sau nhà Chín Phó cho con cháu tiện việc chăm nom thăm viếng “Phan Lê chi mộ”. Phần đất của ông được ông bà cha mẹ để lại, ông cũng cho lại cho các cháu sản xuất, làm ăn và giữ gìn lâu dài như là món quà kỷ niệm của họ tộc.

ĐẶC ĐIỂM DÒNG HỌ

1. Họ Phan ở Lái Viết Ngọn, xã Ninh Quới là chi họ có số người trung bình, nhưng mang khá rõ nét đặc thù của nền kinh tế, địa lý nhân văn ở đất phương Nam. Vóc người nói chung là cao lớn, đẹp người (ông tổ Phan Bội Trung, lúc bốc cốt quy tập, xương đùi, xương ống chân dài quá khổ so với người bình thường), tánh tình phóng khoáng, hào hiệp, trọng nghĩa, ghét bất công, chống cường quyền và có tinh thần thượng võ. Theo lời ông Năm Danh, một thời bọn du côn, bọn cướp, cả bọn tề làng ở Ninh Quới nể dòng họ Phan, vì bốn anh em trai đồng lòng và đều có võ nghệ (đã có lần đánh đuổi chúng), lại làm ăn giỏi và đá banh cũng giỏi. Bản thân ông Năm Danh đã từng đánh té nhào tên tầng khạo của địa chủ Võ Kỳ Long, khi hắn đến thu lúa ruộng chửi thề lỗ mảng.

2. Họ Phan là gốc từ nông dân cố cựu ở đây. Với hai bàn tay trắng, các thế hệ ông, cha chịu gian lao, khổ cực, khẩn hoang, lập ấp, lập làng đổ mồ hôi nước mắt của mình tạo ra nên rất quý mảnh đất, thương yêu những người đồng cảnh, ở xóm làng vì cùng đều bị bọn địa chủ cường quyền cướp hết ruộng đất, căm thù bọn giặc ngoại xâm và bè lũ tai sai. Họ tộc Phan yêu nước quyết không theo giặc. Một lòng theo các mạng, theo Đảng (ĐCSVN) mới xóa được kiếp đời bần nông, nộ lệ nên đã quyết bám đất sản xuất làm tốt nghĩa vụ với cách mạng, ông bà con cháu tham gia kháng chiến (như gia đình ông Năm Danh) thì chiến đấu tới cùng đến ngày toàn thắng của cả dân tộc và tiếp tục tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

3. Vốn tư chất thông minh, nhưng các thế hệ trước (đời II, đời III) do bị  đô hộ của bọn đế quốc, bóc lột của tầng lớp địa chủ phong kiến, gia cảnh khó khăn, trường học rất ít và xa nên ít có người được đi học. Từ thế hệ thứ IV về sau, nhờ cách mạng thành công, nền kinh tế phát triển, hầu hết con cháu đều được đi học, nhiều người đỗ đạt cao, thậm chí có người được Nhà Nước ta cử đi học ở nước ngoài, đã có một số đang đảm đương vị trí công tác quan trọng trong chánh quyền cách mạng hiện nay.

4. Đối với họ tộc, nối truyền và phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha, các hậu duệ họ Phan Lái Viết Ngọn ngày nay rất quan tâm đến dòng họ, giữ gìn nề nếp gia phong trong từng gia đình, cụ thể cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền. Hậu duệ họ Phan đã làm tốt các việc hiếu nghĩa: xây dựng khang trang nghĩa trang họ tộc, sắp xếp việc cúng giỗ tổ tiên ông bà và lập gia phả họ Phan. Đó là 3 công việc nền tảng để cho mỗi gia đình và họ tộc ổn định và phát triển vững bền. Nhứt là trong thời kỳ mở cửa, hội nhập của nước ta ngày nay. Những người con cháu họ Phan ta nay đã khá đông, bên cạnh việc lo làm ăn sinh sống, luôn quan tâm và không ngừng vun bồi cho “nền tảng” nói trên ngày thêm vững chắc hơn. Vừa lo cho người đã khuất: tôn tạo mồ mả, cúng giỗ trang trọng có đông đủ con cháu về dự... vừa lo cho người đang sống: thương yêu đùm bọc, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, khó khăn; lo cho lớp con cháu được học hành đàng hoàng, có việc làm ổn định để cho tất cả các con cháu họ Phan đều trở thành người tốt, có ích cho gia đình và xã hội.

Làm được như vậy, là hậu duệ họ Phan ta đã góp phần làm rạng rỡ thêm cho dòng họ, thực hiện được kỳ vọng của tổ tiên ta, tức là đã báo hiếu ông bà ta vậy.

Thật là:

Hữu dư phước âm lưu miêu duệ

Bất tử tinh thần tại tử tôn

(Tổ tiên ông bà đã để lại sự nghiệp cho con cháu,

Có tốt đẹp vẻ vang mãi là do nơi ở cháu con).

LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT

Theo sử sách cũ, theo lời các vị kỳ lão miền Tây Nam Bộ và theo nhà địa phương chí Huỳnh Minh, khoảng thế kỷ 18, Bạc Liêu là một trong bốn huyện của trấn Hà Tiên. Đó là: 1. Long Xuyên, 2.Kiên Giang(Gạch Giá), 3.Trấn Giang (Cần Thơ), và 4.Trấn Di (Bạc Liêu) - khi đó ở đất Phương Thành (Hà Tiên) Mạc Cửu đã quy tụ đông đảo người Việt, Hoa, Khơme lập được 7 làng. Đến đời Mạc Thiên Tích (con Mạc Cửu), đoàn người Trung Hoa lưu vong ấy lần lượt được chuyển đến huyện Trấn Di, tức Bạc Liêu để khai hoang lập nghiệp, nhiều nhất là người Triều Châu (Tiều):

Bạc Liêu là xứ quê mùa

Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu.

Câu ca dao trên nói lên phần nào đặc điểm của Bạc Liêu xưa: xứ vùng sâu hẻo lánh, nhiều lúa, nhiều tôm cá, có nhiều người Hoa.

Đến đầu thế kỷ 19, khi Nam kỳ được chia thành 6 tỉnh (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên), Bạc Liêu vẫn thuộc tỉnh Hà Tiên.

Năm Nhâm Ngọ 1882 (đời vua Tự Đức). Sau khi ổn định bộ máy cai trị, thực dân Pháp bãi bỏ trấn thành lập tỉnh. Tỉnh Bạc Liêu ra đời từ đó do viên chủ tỉnh người Pháp đầu tiên là Lamothe De Carrier nắm quyền cai trị. Tỉnh Bạc Liêu lúc đầu chỉ có 2 quận là Vĩnh Lợi  và Cà Mau, đến năm 1904 được thêm quận Vĩnh Châu, năm 1918 thêm quận nữa là Giá Rai. Năm 1947, quận Phước Long (thuộc tỉnh Rạch Giá) được sáp nhập vào Bạc Liêu - quận Cà Mau thành tỉnh Cà Mau. Bạc Liêu  chỉ còn 4 quận: Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu, Giá Rai và Phước Long.

Tìm hiểu địa danh Bạc Liêu

Trong tiếng Việt “Bạc Liêu” không có nghĩa gì rõ ràng. Nếu đọc theo giọng Triều Châu: Bạc Liêu là “Pô Léo”. Pô: có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề hạ bạc (đánh bắt thủy sản) - Pô: phát âm theo Hán Việt là “Bạc” và Léo là “Liêu”. Người Pháp dịch là Phecherie - Chaume (đánh cá và cỏ tranh).

Dưới chế độ Ngụỵ quyền Ngô Đình Diệm (1955 - 1963) tỉnh Bạc Liêu bị xáo trộn nhiều lần, có lần mất luôn tên:

- Sắc lệnh số 143/NV ký ngày 25/10/1955sáp nhập tỉnh Bạc Liêu với tỉnh Sóc Trăng thành Ba Xuyên, tỉnh lỵ Bạc Liêu thành tỉnh lỵ Vĩnh Lợi, tỉnh Cà Mau thành tỉnh An Xuyên (tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau bị xóa sổ).

- Nghị định số 244/NV ký ngày 24/12/1961 rút quận Phước Long (của Ba Xuyên) nhập vào tỉnh Chương Thiện mới thành lập.

- Sắc lệnh số 245/NV ký ngày 8/9/1964 tỉnh Bạc Liêu được tái lập gồm 4 quận cũ: Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu, Giá Rai và Phước Longvới 5 tổng, 17 xã, 22 ấp.

Vĩnh Lợi: Diện tích: 35.172 ha; dân số: 80.000 người có 1 tổng là Thanh Hòa, 5 xã (Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Long Thạnh, Hưng Hội và Vĩnh Trạch) có 59 ấp. Quận lỵ đặt tại xã Vĩnh Lợi, tức Châu Thành, Bạc Liêu.

Vĩnh Châu: Diện tích:37.000 ha; Dân số: 50.157 người, có 1 tổng là Thạnh Hưng, 5 xã(Vĩnh Châu, Vĩnh Phước, Lai Hòa và Khánh Hòa) có 38 ấp. Quận lỵ đặt tại xãVĩnh Châu.

Giá Rai: Diện tích:109.119 ha; dân số: 86.948 người, có 1 tổng là Long Thủy, 5 xa (Phong Thạnh, vĩnh Mỹ, Long Điền, An Trạch và Vĩnh Hưng) có 94 ấp. Quận lỵ đặt  tại xã Phong Thạnh.

Phước Long: Diện tích: 56.800 ha; dân số: 39.448 người, có 2 tổng là Thanh Bình và Thanh Yên, 4 xã(Phong Thạnh Tây, Ninh Thạnh Lợi, Phước Long và Vĩnh Phú) có 39 ấp. Quận lỵ đặt tại xã Phước Long. Xã Ninh Quới nằm trong huyện Phước Long

Địa hình tỉnh Bạc Liêu là đồng bằng, không có núi đồi, sông rạch kênh đào chằng chịt. Các Quận Vĩnh Lợi và Vĩnh Châu nằm phía Nam giáp biển Đông có nhiều giồng cát dài, đất cao ráo, thích hợp cho các loại cây ăn trái, nhất là nhãn nổi tiếng. Người Chăm và người Khơme quy tụ ở đây. Các huyện Giá Rai, Phước Long đất thấp nhiều đồng lầy, thường chỉ để cấy lúa. Người Việt và người Hoa lập nghiệp đông đảo. Ruộng lúa ở đây bao la, sản xuất nhiều lúa. Có thể coi Bạc Liêu là vựa lúa và kho muối của Nam kỳ lục tỉnh thời bấy giờ. Lúa gạo nhiều, thừa ăn, bán đi khắp nơi. Lê Quý Đôn ghi trong Phủ biên tạp lục: “Ngày trước việc buôn bán với xứ Đàng Trong được lưu thông thì kinh thành Phú Xuân giá gạo một hộc mười thăng giá chỉ có ba tiền đồng, mà có thể đầy đủ cho một người ăn trong một tháng, cho nên người dân ở Thuận Hóa chưa hề phải lưu tâm chú ý đến việc làm nghề nông...”

Trở lại tổ quán họ Phan tại xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu). Do dân số ngày càng đông, quận Phước Long được chia thành 2 quận (huyện): huyện Phước Long ở phía Nam, huyện Hồng Dân ở phía Bắc. Huyện Hồng Dân có 6 xã: Vĩnh Lộc, Lộc Ninh, Ninh Thạnh Lợi, Ninh Hòa, Ninh Quới và Ninh Quới A.

Tổ quán họ Phan ở xã Ninh Quới, ấp Lái Viết Ngọn ngày nay.

Về địa lý, huyện Phước Long xưa (gồm cả Hồng Dân) thuộc vùng đồng lầy Cà Mau mênh mông hằng niên ứ đọng nước, nên người dân ở đây gọi là Láng Biển. Để đối phó với nạn úng thủy ngoài các sông lớn như sông Gành Hàu, sông Bạc Liêu, sông Cổ Cò chảy ra biển Đông và nhiều rạch nhỏ chảy ra hướng Ba Thắc (Bassac), ngày trước chánh quyền và chủ điền đã cho đào thêm nhiều con kinh lớn để thoát nước: Kinh Bạc Liêu - Cà Mau (1915), kinh Quan Lộ - Phụng Hiệp (1915, qua địa phận Bạc Liêu 34km), kinh Bạc Liêu - Ngan Dừa (1925) v.v... Sau ngày giải phóng chánh quyền cách mạng mới đầu tư nạo vét mở rộng các kênh cũ, đào mới thêm nhiều kinh lớn để chủ động tưới tiêu cho sản xuất lúa 2, 3 vụ. Từ đó nền kinh tế phát triển ổn định, đời sống người nông dân khá hơn trước nhiều. 

Nhìn lại trang sử cũ

Để củng cố bộ máy thống trị của chế độ thuộc địa ở Nam kỳ, thực dân Pháp “ưu ái” đưa các địa chủ giàu có ở Tây Nam Bộ, trong đó có Bạc Liêu, vào bộ máy thống trị với các chức vụ như Hội đồng Quản hạt, Đốc phủ sứ, Tri phủ, Tri huyện làm tay sai đắc lực, dùng mọi thủ đoạn thâm độc tàn bạo trắng trợn cướp đất của nông dân nghèo. Chúng cấu kết với các “quan làng” cứ để cho nông dân khai phá đất hoang, chúng lo việc đăng ký khai khẩn. Đến khi đất trở thành đất thuộc, chúng trưng ra “bằng khoán” buộc nông dân (chủ tạo ra đất) phải dời nhà đi nơi khác, hoặc ở lại làm tá điền đóng tô cho chúng.

Hà Tiên, 8 chủ đồn điền người Pháp chiếm gần hết đất ruộng. Ở Bạc Liêu, địa chủ chiếm 70% ruộng đất và 14.000 ha ruộng muối. Riêng Trần Trinh Trạch (Hội Đồng Trạch), đại địa chủ của Bạc Liêu và lớn nhứt Việt Nam thời bấy giờ, có 145.000 ha ruộng lúa và 10.000 ha ruộng muối trong tổng số 14.000 ha ruộng muối của Bạc Liêu, và còn chiếm ruộng đất ở nhiều tỉnh Nam kỳ và cả ở Trung kỳ.

Theo sổ điền bạ thời pháp thuộc, chỉ 4 tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Rạch Giá đã có 996.000 ha đất canh tác bằng 40% ruộng đất Nam kỳ. Nhà kinh tế học người Pháp Paul Bernard nhận xét: “Chính nhờ sự đóng góp của Nam kỳ... Chính phủ pháp có thể đài thọ bộ máy cai trị toàn Đông Dương” (Lê Minh, Đồng bằng sông Cửu Long, NXB TP.HCM). Có áp bức có đấu tranh. Mâu thuẫn đối kháng giữa nhân dân với thực dân Pháp và bọn địa chủ phong kiến tay sai của chúng ngày càng gay gắt, quyết liệt đến bước đường cùng, nông dân thề sống chết với kẻ thù.

Năm 1927, Chủ Chọt (người Hoa lai Khơme) và 40 người cùng làm ruộng thuê cho ông đã chống lại bọn địa chủ người Pháp và Việt Nam dùng cường quyền chiếm đoạt đất đai ở xã Ninh Thạnh Lợi, quận Phước Long, tỉnh Rạch Giá, giết chết 1 tên mã tà và 2 lính, bắn bị thương tên cò Tây Bouchet và một số tên khác. Phía Chủ Chọt hy sinh 14 người, trong đó có Chủ Chọt, con gái và 20 người khác bị thương.

Năm 1928, tại ấp Nọc Nạn, xã Phong Thạnh, quận Giá Rai (Bạc Liêu), gia đình Mười Chức chống lại địa chủ và lính làng cướp đất do 20 gia đình khai khẩn lâu đời (hôm trước cả nhà làm lễ tế sống mẹ là bà Tám Luông), đã đâm chết tên cò Tây Tourier. Phía Mười Chức đổi mạng 4 người: Mười Chức, em gái, trong đó có vợ Mười Chức đang mang thai và 1 người nữa.

Về văn hóa, các danh nhân trên vùng đất mới Tây Nam Bộ cũng đáng lưu tâm. Hội đồng Quản hạt Nguyễn Thần Hiến (1856 - 1914) người Hà Tiên đã thành lập khuyến du học hội, tổ chức ở nhiều tỉnh. Bị Pháp truy nã, ông chạy sang Thượng Hải (Trung Quốc) gặp Phan Bội Châu rồi qua Nhật vận động mua vũ khí gửi về nước đánh Pháp. Ông bị Pháp bắt ở Hồng Kông gửi về giam ở Hỏa Lò(Hà Nội). Ông tuyệt thực để phản đối và hy sinh ngày 21/6/1914.

Tiếp sau vị tiến sĩ đầu tiên và cũng là cuối cùng thời phong kiến Phan Thanh Giản, giải nguyên Bùi Hữu Nghĩa đỗ khoa thi Hương Trường Gia Định, 1835. Rồi Văn Thánh Miếu (Vĩnh Long), Chiêu Anh Các ở Hà Tiên v.v... đã được lịch sử khẳng định.

Thừa hưởng bản sắc văn hóa dân tộc, người Tây Nam Bộ nói chung Bạc Liêu nói riêng đã phát huy trong hoàn cảnh thực tế đấu tranh với thiên nhiên và xã hội đã hình thành đức tính đặc thù của Nam Bộ:

- Yêu nước nồng nàn, kiên cường bất khuất, tính tự chủ, tự lực, tự cường, năng động sáng tạo, thích nghi thực tế.

- Trọng đạo lý làm người, hào hiệp,trọng nghĩa khinh tài, ăn ngay nói thẳng, sẵn sàng xả thân vì  nghĩa cả...

Cùng với các cuộc nổi dậy tự phát của nông dân, các cuộc khởi nghĩa có tổ chức, có binh lực của các sĩ phu, quan lại yêu nước nổi lên chống Pháp liên tục nổ ra của Nguyễn Trung Trực của anh em Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự, của Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, Thống binh Nguyễn Văn Linh, Đốc binh Lê Cẩn, Quản cơ Nguyễn Văn Thành, Quản Hiến, Phan Tôn, Phan Liêm... đã giết chết nhiều tên giặc Pháp và tay sai, gây cho chúng thất điên bát đảo suốt thời gian dài bị động đối phó khắp nơi, khiếp sợ trước tinh thần quật khởi của dân ta. Nhưng cuối cùng cũng bị giặc Pháp dẹp tan. Dân ta vẫn lầm than đói khổ kiếp người nô lệ (theo Tây Nam Bộ 30 năm kháng chiến 1945-1975).

Chỉ sau khi nước ta có Đảng Cộng sản ra đời (1930) tập hợp lực lượng toàn dân tộc thành sức mạnh vô địch, tổ chức khoa học cuộc kháng chiến trường kỳ mới chiến thắng được 2 đế quốc lớn là Pháp và Mỹ, dẹp yên tay sai địa chủ cường hào, trả lại đất cho nông dân, đem lại công bằng cho xã hội, phát triển và tiến bộ.

Trong  hai cuộc kháng chiến thần thánh đó, gia tộc họ Phan đã tham gia tích cực, cống hiến đáng kể vào sự nghiệp chung giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc, và còn đang tiếp tục xây dựng và bảo vệ thành quả của cách mạng, bảo vệ bền vững chế độ xã hội chủ nghĩa vô cùng tốt đẹp mà chúng ta phải đổi bao mồ hôi nước mắt và xương máu của cả dân tộc mới có được như ngày nay. 

- Xã Ninh Quới là xã được công nhận Xã Anh hùng.