Trang chủ > 030. Họ Trương (ấp Tân Thạnh, Thạnh Đông, Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang)

030. Họ Trương (ấp Tân Thạnh, Thạnh Đông, Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang)

18/08/2022 19:41:42

Gia phả họ Trương ở ấp Tân Thạnh, xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2008.

LỜI TỰA

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đến nay đã hơn 30 năm, gần nửa đời người. Thời gian khá dài như vậy, nhưng tính ra 10 năm đầu lo vật lộn với cái đói, lo việc ổn định an ninh trật trự xã hội; 10 năm kế lo khắc phục khó khăn ổn định cuộc sống. Chỉ 10 năm trở lại đây khi nền kinh tế đất nước phát triển, cuộc sống gia đình khá lên và tôi về hưu mới có điều kiện nghĩ nhiều đến tổ tiên ông bà dòng họ... thì cũng là lúc tuổi già sức yếu, tôi lâm bệnh nặng không đi lại đươc. Nghĩ mình suốt cuộc đời cống hiến cho dân cho nước, chưa lo được cho gia đình dòng họ điều gì - ngay việc tìm lại tổ tiên cội nguồn nối kết dòng họ mà tôi là người trai trưởng cao tuổi nhất của họ Trương còn sống sót đến ngày nay. Áp lực của tuổi tác, bệnh tật, trách nhiệm với tổ tiên dòng họ khiến lòng tôi ưu tư day dứt hoài. Hiểu được nỗi lo lắng gần như “khổ tâm của tôi”, Trương Phú Sĩ, con trai tôi, tự nguyện thay tôi  đứng ra lo chuyện này, bàn bạc với   bà con, anh em trong dòng họ dựng bộ gia phả họ Trương ta ở xã Thạnh Đông để  lưu truyền cho con cháu mai sau. So với các họ Nguyễn, Trần, Lê, Phan, v.v... họ Trương ta không phải là họ lớn, nhưng con cháu biết được sẽ rất tự hào về tổ tiên ông bà mình đã sống trọn nghĩa với xóm làng, tận trung với dân với nước bất khuất trước kẻ thù, các thế lực cường hào ác bá quen thói ức hiếp dân nghèo. Dựng gia phả không phải để khoe khoang dòng họ mà cái chính là để giáo dục truyền thống nghĩa nhân cho con cháu noi theo, ăn ở phải đạo làm người.

Nếu tính từ ông nội tôi là ông Trương Văn Minh (đời I) ở Thốt Nốt, Cần Thơ đến cha tôi là ông Trương Văn Nhờ (đời II) anh em tôi là đời III, các con tôi là đời IV, lớp các cháu là đời V. Ba thế hệ trên sống trong giai đoạn đất nước bị xâm lược, chiến tranh liên miên. Cũng như các họ khác, họ Trương ta sống trong cảnh cơ cực, khổ đau, luôn bị bọn đế quốc, phong kiến bóc lột, đàn áp dã man. Vì dám chống thế lực cường quyền, nên phải bỏ xứ Thốt Nốt chạy sang vùng đất mới hoang vu đầm lầy Tân Hiệp nầy sanh sống.

Nhờ có cách mạng, thế hệ thứ ba chúng tôi và thế hệ thứ tư con cháu tôi đều quyết chí theo cách mạng chiến đấu cho đến ngày thắng lợi, họ Trương ta mới được mở mặt mở mày, lớp các cháu ta mới được học hành tiến bộ như ngày nay. 

Con hơn cha là nhà có phước. Con cháu ngày nay làm được việc có ích cho gia đình và xã hội, bên cạnh sự nỗ lực bản thân còn có sự đóng góp công sức, mồ hôi, nước mắt và cả máu của bao thế hệ ông cha mới có được. Gia phả là lịch sử gia đình dòng họ sẽ ghi chép lại những điều nầy.

Nay tôi đã già yếu lắm rồi, không còn làm được việc gì. Nhờ các con cháu thương tôi, tưởng nhớ ông bà tổ tiên đã làm được những việc hiếu nghĩa thật đáng mừng, đáng khen. Mấy năm trước các con cháu đã quy tập hài cốt ông bà về tập trung ở khu mộ họ Trương, bên cạnh nhà từ đường hàng năm thờ cúng ông bà trên phần đất do ông bà khai khẩn ngày xưa, khiến người sống và người chết đều vui lòng hả dạ. Năm nay con cháu lại dựng gia phả họ Trương, một việc làm thật ý nghĩa to lớn, lưu truyền lâu dài.

Nhân đây thay mặt gia tộc, tôi xin cám ơn tất cả con cháu, hậu duệ họ Trương đã nhiệt tình góp công sức, tiền của và có tấm lòng mới làm được.

Bộ gia phả rất quý giá và thiêng liêng. Quý giá vì kết tinh công sức của bao người, mơ ước của họ tộc từ lâu nay mới có được. Thiêng liêng vì gia phả chứa đựng đầy đủ tên tuổi, công đức tổ tiên ông bà, năm sanh, ngày mất (giỗ) trong đó. Vì vậy con cháu phải trân trọng giữ gìn cẩn thận trên bàn thờ. Đến ngày giỗ, chạp người trưởng tộc ăn mặc chỉnh tề đem gia phả ra đọc để nhắc nhở về công lao sự nghiệp của ông bà, quan hệ thế thứ những người trong dòng họ cho con cháu biết. Làm được như vậy, những ngày cúng giỗ mới có nội dung và đầy đủ ý nghĩa.

Bộ gia phả nầy mới ghi chép tới đời V, sau này con cháu sẽ tiếp tục ghi thêm mãi các đời nối tiếp.

Mùa thu Đinh Hợi 2007

TM họ Trương - Thạnh Đông

TRƯƠNG HỒNG HOẢNH

 

PHẢ KÝ

Tục ngữ có câu: cây có cội, nước có nguồn, người có tổ tông. Lại có câu: uống nước nhớ nguồn. Cách nói nhẹ nhàng mà sâu sắc nầy có ý nhắc nhở chúng ta - những người thừa hưởng thành quả ấy - phải luôn tỏ lòng biết ơn các bậc tiền hiền đã dày công dựng nước và giữ nước để cho lớp lớp đời sau có được cuộc sống tốt đẹp ngày nay. Cho nên chúng ta không bao giờ được quên lãng, vì như vậy là vong ân bội nghĩa. Đó là đạo lý, đạo đức truyền thống ngàn đời vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta.

Đối với các bậc tiền hiền là vậy; còn đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ ta, những người đã có công sanh thành dưỡng dục cho ta nên vóc nên hình, trưởng thành làm người có ích cho xã hội, thì chúng ta đã làm gì để báo bổ một phần công ơn biển trời ấy? Tổ tiên ông bà là lớp người quá cố. Chúng ta không còn có dịp báo hiếu như cha mẹ còn sanh tiền (có nhiều người cha mẹ cũng qua đời). Chúng ta chỉ có thể làm một việc duy nhất để tỏ lòng kính yêu quý trọng đối với các đấng bề trên là: tôn tạo mồ mả, sửa sang nhà từ đường và nhứt là tìm lại cội nguồn tức dựng bộ gia phả cho họ tộc. Gia phả là một văn tự thành văn để ghi chép công đức tổ phụ, tổ quán tổ nghiệp có thể lưu truyền cho con cháu sau nầy. Gia phả là di sản có giá trị lịch sử cả về vật chất lẫn tinh thần của họ tộc.

Như họ Trương ta, tuy chưa phải là họ lớn, nhưng đã để lại một quá khứ đầy đau thương và anh dũng, mà con cháu nếu biết sẽ vô cùng tự hào.

PHÁT TÍCH DÒNG HỌ

Theo ông Trương Hồng Hoảnh (1916) nhớ lại lời kể của cha mình là ông Trương Văn Nhờ (1892 - 1969) chỉ biết tới ông nội là ông Trương Văn Minh đến khai khẩn vùng đất Thốt Nốt , An Giang (nay là Cần Thơ) vào khoảng nửa cuối thế kỷ 19, tức khoảng năm 1866 đến 1861.

(Cách tính của ngành gia phả học: ông hai Trương Văn Tỏ con trưởng sanh năm 1866, lúc đó thân phụ ông phải lớn hơn khoảng  20 đến 25 tuổi).

Ông Trương Văn Minh, ngày nay con cháu không rõ ông từ đâu đến, cùng đi với ai, đã có dừng chân ở những nơi nào, trước khi ông chọn Thốt Nốt làm nơi lập nghiệp. Mặc dù con cháu có quan tâm truy tìm lên trên, nhưng trong địa bạ triều Nguyễn (1836) giấy tờ tương phân ruộng đất và sổ bộ đời cũng không thấy có ông Trương Văn Minh, nên con cháu trong họ Trương chấp nhận tôn ông là ông Tổ đời I tạo lập ra họ Trương quê quán Thốt Nốt (An Giang) và Tân Hiệp, Rạch Giá.

Con cháu cũng không biết tên bà, bà sanh mất năm nào, quê quán ở đâu (cùng đến với ông hay là bà là người tại chỗ) chỉ biết ông bà hạ sanh được 5 người con (đời II) mất 2 người (thứ ba và thứ năm). Còn lại 3 người (2 trai, 1 gái):

Ông Hai : TRƯƠNG VĂN TỎ (1886 - 1962)

Ông Tư : TRƯƠNG VĂN NHỜ (1892 - 1969)

Bà Sáu : TRƯƠNG THỊ THƠM (1895 - 1980)

Ông Hai, ông Tư, bà Sáu cùng sanh sống với cha mẹ ở Thốt Nốt thời gian khá lâu, cũng là tá điền lam lũ làm ăn mà chẳng đủ no. Những năm thất mùa bị địa chủ vét hết lúa, đành phải vay lại với lãi suất cao để tạm sống và trả nợ vào mùa lúa tới. Nợ cứ chồng chất nợ, oán hận cứ chất chồng oán hận với bọn địa chủ và lũ tai sai gian ác của chúng.

Rồi chuyện sẽ đến phải đến.

Một biến cố lớn của gia đình xảy ra. Số là nhà địa chủ Giảng mỗi khi có đám tiệc là bắt tá điền đến xay lúa, giã gạo công không cho hắn. Có lần tầng khạo (gia nhân của địa chủ) đến kêu ông Trương Văn Nhờ, tá điền, đến hai lần ông vẫn nằm ngủ không chịu đi, hắn mới lôi chân ông lọt xuống đất. Không kềm chế được cơn tức giận, ông rút cây đòn xóc (loại công cụ bằng gỗ vót nhọn hai đầu để gánh mạ, gánh lúa), đâm lủng bụng tên tầng khạo rồi bỏ xứ chạy trốn về Tân Hiệp định cư tới nay. Bọn chúng trả thù, không bắt được ông, bọn lính làng bắt vợ ông về nhà việc đóng trăn.

Và rồi cả gia đình phải bỏ xứ Thốt Nốt thân yêu bồng chống đi tìm đất khác xuống hướng Nam dừng chân ở vùng Thạnh Hòa, Giồng Riềng trước khi lên chọn đất sình lầy để làm nơi sanh cơ lập nghiệp đất này sau có tên là xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang lập quê mới đến ngày nay. Thạnh Đông được coi là tổ quán của họ Trương ta, nơi định cư vĩnh viễn, nơi sanh con đẻ cháu nối dòng, và phát triển bền vững trên vùng đất hứa nầy, khoảng gần 100 năm nay từ đầu thế kỷ 20.

Về gia cảnh, việc trốn ra đi với hai bàn tay trắng tới vùng đất mới xa lạ, cuộc sống của ba anh em ông gặp nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng họ rất yêu thương nhau. Ông Tư làm ăn giỏi giang có vợ trước rồi dành dụm tiền của mấy anh em để tính chuyện cưới vợ cho ông Hai (lúc bấy giờ cha mẹ đã mãn phần, nên các ông phải tự lo liệu việc hệ trọng cả đời người, thông thường thời đó là do cha mẹ định đôi bạn cho con.

Ông Hai có vợ, lúc đầu gia đình cũng hòa thuận, sống chung thời gian chưa có con. Vì có chuyện bất đồng giữa ông và bà nên bà quyết định ra đi. Sau nầy các em ông có ý định tìm người vợ khác cho ông. Nhưng ông dứt khoát không chịu, và vui vẻ sống độc thân với các em để nuôi cháu cho đến tuổi già.

Nhìn lại ba thế hệ trước, thế hệ thứ nhứt kể từ ông Tổ Trương Văn Minh (khoảng năm 1866), thế hệ thứ hai ông Trương Văn Tỏ (1886) đến thế hệ thứ ba ông Trương Hồng Hoảnh (1916) suốt gần nửa thế kỷ (cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20), đúng vào lúc đế quốc Pháp vừa chiếm lục tỉnh Nam Kỳ khẩn trương đặt bộ máy cai trị. Số địa chủ nhanh chóng trở thành tay sai đắc lực cho giặc, tha hồ ức hiếp, cướp bóc nông dân tá điền, nhứt là lớp bần nông như các thế hệ họ Trương ta hết sức khổ nhục vì chúng. Việc bỏ xứ Thốt Nốt (An Giang) chấp nhận trả giá cho hành động “dám” phản kháng với thế lực cường quyền địa chủ câu kết với đế quốc - cũng giống như sự phản kháng tự phát của nhiều gia đình bần nông khác ở Bạc Liêu và ở nhiều tỉnh của miền Tây Nam Bộ thời bấy giờ.

Phản kháng nhưng bế tắc. Chỉ khi có Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), đặc biệt sau cuộc cách mạng tháng Tám 1945 do Đảng lãnh đạo nổ ra long trời lở đất ở Nam Bộ và cả nước chặt xích phá xiềng bọn đế quốc phong kiến và địa chủ, cùng với lớp thanh niên trong xã, huyện, những người con trai thế hệ thứ ba của họ Trương hăng hái xung phong vào đội quân cách mạng để trả thù nhà đền nợ nước.

Bắt đầu từ người con trai trưởng Trương Hồng Hoảnh rồi lần lượt hai người em là Trương Văn Hiển và Trương Minh Hiền, lúc đó mới 15 tuổi cũng hăng hái tham gia làm nhiệm vụ thiêng liêng: giành chánh quyền về tay nhân dân trong cao trào cách mạng tháng Tám. Sau đó mỗi người một nhiệm vụ, ở địa bàn hoạt động khác nhau. Ông Ba Hoảnh ở Giồng Riềng, ông Bảy Hiển, ông Tám Hiền bám trụ vùng Tân Hiệp. Một lòng kiên trung với Đảng, thái độ dứt khoát với kẻ thù, ông Ba Hoảnh, ông Tám Hiền đã gắn bó với ngành an ninh gần suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Cả ba anh em ông đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp diệt thù cứu nước, bất chấp gian khổ hiểm nguy bất chấp lao tù khắc nghiệt của địch. Riêng ông Tám Hiền đã vượt ngục từ Ban Mê Thuột (1954) quyết trở về quê hương cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu. Ông là thương bịnh binh nặng vẫn vượt qua đau đớn bản thân hoàn thành mọi nhiệm vụ của Đảng. Đầu năm 1971, thời kỳ ác liệt nhứt, ông là Phó Bí thư huyện ủy phụ trách công tác an ninh huyện Tân Hiệp. Ngày 30/4/1975 lịch sử ông Tám Hiền, Phó bí thư huyện ủy kiêm Chủ tịch huyện Tân Hiệp cùng đồng đội về tiếp quản thị trấn Tân Hiệp. Cả ba ông đều được Đảng, Nhà nước ghi nhận công lao và tặng thưởng nhiều huân chương cao quý.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của gia đình, các con và các cháu của các ông, thế hệ thứ tư (cả cháu nội và cháu ngoại, cả trai gái, dâu rễ họ Trương có nhiều liệt sĩ và nhiều đảng viên) có điều kiện học tốt tham gia kháng chiến và xây dựng đất nước đông đảo hơn trước, ở một số cương vị cao hơn lớp cha chú. Con hơn cha là nhà có phước, như Trương Phú Sĩ (con ông Ba Hoảnh) là thượng tá công an, gia đình ông Bảy Hiển là “gia đình đảng viên”, các người con trai đều tham gia cách mạng: Trương Văn Kiệt, Trương Văn Thống, Trương Quốc Thiều, riêng Trương Hoàng Nhi hiện là Phó bí thư thường trực Đảng bộ xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp, gia đình ông Ba Hoảnh, ông Tám Hiền có con là liệt sĩ. Những người con lớn của ông, cả trai và gái đều theo cách mạng. Chị Trương Thị Mỹ Em có chồng là Bùi Ngọc Sương, anh Bảy Sương là Phó Bí Thư tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang. Ông Tám Hiền là người trai út trong gia đình nên ngôi nhà ông là “phủ thờ” của gia đình, hàng năm cúng giỗ ông bà, nơi tập trung đông đảo con cháu họ tộc, nhứt là những ngày giỗ ngày Tết. Người con trai thứ bảy của ông là Trương Thanh Hòa hiện là Bí thư xã Thạnh Đông (Tân Hiệp) sau nhiều năm làm trưởng công an, chủ tịch xã, là người có năng lực, có uy tín, có triển vọng đã đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy đời sống kinh tế văn hóa của xã phát triển. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, anh cùng tập thể và nhân dân xây dựng quê hương Thạnh Đông - căn cứ địa cách mạng - nhanh chóng trở nên giàu đẹp xứng đáng với danh hiệu Thạnh Đông anh hùng.

LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT

Theo Đại Nam Nhất thống chí phần Lục tỉnh Nam Việt, tập hạ, trang 48, 49, 50 có ghi: “Đời Thế Tông Hiếu Vũ Hoàng Đế, năm Đinh Sửu (1757) ở Cao Man có quốc loạn, Nặc Tôn chạy qua Hà Tiên, Thiên Tứ xin  vua cho hộ tống về nước, Nặc Tôn cảm đức đó bèn cắt cho đất 5 phủ: Châu Sam, Sài Mạt, Lình Quỳnh, Cần Bột, Hương Úc. Thiên Tứ đem dâng quốc triều, vua cho qui vào Hà Tiên quản hạt, rồi lập đạo Kiên Giang ở Rạch Giá, đạo Long Xuyên ở đất Cà Mau, đều đặt quan lại cai trị... Năm Gia Long thứ 7 (1808) mới đặt 2 huyện Kiên Giang và Long Xuyên do đạo quản hạt. Năm thứ 9 (1810) cải thuộc về Hà Tiên...Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) phân hạt gọi là Hà Tiên tỉnh... Niên hiệu Thiệu Trị bỏ phủ Quãng Biên, lấy 1 phủ Tịnh Biên và 2 huyện cải thuộc hạt An Giang. Nay là Hà Tiên hiện lãnh 1 phủ (phủ An Biên), 3 huyện (huyện Hà Châu, huyện Kiên Giang và huyện Long Xuyên).

Thời đó Kiên Giang là một trong 3 huyện thuộc phủ An Biên, còn hoang sơ ít cư dân nên chưa có tên huyện, xã như bây giờ. Trên bản đồ tỉnh Kiên Giang, xã Thạnh Đông B nằm ở phía Đông của huyện Tân Hiệp, bờ Nam kinh Cái Sắn, có quốc lộ 80 đi qua 15 km, cách thành phố Rạch Giá 20 km, rộng 20 ngàn ha, hơn 20 ngàn dân, trong đó có 13 ngàn đồng bào miền Bắc di cư, có 2 ngàn bà con Khơ-me sanh sống. Theo sách sử truyền thống địa chí Kiên Giang (xưa) và những bậc trưởng lão trong vùng kể lại, thời xa xưa Tân Hiệp thuộc vùng U Minh Thượng quanh năm ngập lụt úng thủy mọc toàn cây hoang dại như tràm, choại, dớn, mớp, lau, sậy... còn có nhiều lung, trấp như lung Bảy Chục (còn gọi là ngọn sông Cái Bé) dân gian hay gọi là “Lung Trời Sanh”. Trước đây, khi chưa đào kinh, việc vận chuyển đá từ Núi Sập phải đi qua lung Bảy Chục. Trên đường lung giáp Tân Hội có một đoạn rộng hàng trăm mét, mùa khô thục sình người dân đặt tên là Sình Đen. Từ Sình Đen có đường lung đi ngang phía trên, sau này là kinh Dê-Rô (số không) đi xuống phía dưới đến rọc lá Bờ Ke, chạy ngang qua Đá Nổi (nay thuộc xã Thạnh Đông B) đến trấp Trà Vinh, tiền thân của một khúc sông bị bồi lấp, phía trên mặt còn phập phều, qua Cây Quéo đổ ra sông Cái Bé. Đặc điểm thiên nhiên như vậy vùng rừng này có rất nhiều heo rừng, nai, chồn, cáo, ít có cọp, beo.

Năm 1912, thực dân Pháp cho xáng múc mở rộng khúc Tân Hội sau gọi là kinh xáng Tân Hội, người dân ở nhiều nơi lần lượt đến cất chòi ở dài theo dãy đất cao cặp đường lung, cách Sình Đen đi mất vài canh giờ (tức 3-4 giờ - tiếng nói dân gian ở địa phương). Thời Pháp vẫn áp dụng lệ xin lập làng của lưu dân khẩn hoang triều Nguyễn, điều kiện dễ dàng để khuyến khích dân chúng đến ở. Ai qui tụ được hơn vài chục dân đinh trở lên chịu đóng thuế hàng năm thì được lập thôn, và được cử làm thôn trưởng. Lúc đó một người cao niên có học là Cả Danh nêu ra hai chữ và giải nghĩa: Tân (mới) Hiệp (hợp lại) để đặt tên làng mới nầy. Làng Tân Hiệp có tên từ đó, thuộc tổng Kiên Tường, huyện Châu Thành. Nhiều dấu tích, sự tích còn lưu lại như: nền đình Tân Hiệp xưa, nay là trụ sở xã Tân Hiệp B; nền nhà chủ Tâm xưa, nay là cơ quan huyện đội Tân Hiệp bây giờ. Hai ông Phan Văn Quyên và Nguyễn Văn Đủ lập ấp Thạnh Đông (nay là xã Thạnh Đông) ở bờ Nam kinh Cái Sắn. Đất làm ăn được cư dân đến ngày càng đông, huyện Tân Hiệp ra đời sau đó. Đá Nổi là một trong nhiều di tích văn hóa cổ Phù Nam ở Kiên Giang đã tìm thấy (Huỳnh Ngọc Trảng).

Đối với vùng đất úng thủy nầy, muốn quy tụ cư dân về khai hoang sản suất nộp nhiều tô tức cách tốt nhứt là đào kinh xả phèn ráo đất. Tiếp theo kinh Cái Sắn nối Rạch Giá - Long Xuyên (1923-1933), đến kinh Cò Tuất, còn gọi kinh Trâm Bầu nối Ba Vàm xuống Chắc Khe - Tràm Chẹt hoàn thành, dân sống trong các chòm, xóm trong rừng (như chòm cây của ông Bảy Ky, ông Ba Dương, hai bên lung Bảy Chục...) ra bờ xáng dựng chòi, cất nhà ở. Thực dân Pháp dán yết thị cho biết: đất từ bờ kinh vô đồng một ngàn mét là sở hữu của Nhà nước, mỗi hộ dân được khai khẩn 100 công đất đo “trăm ngang ngàn dọc” (tương đương 10 ha) từ vị trí Ngàn hai Ngàn ba trở vô, phần còn lại là tự do khai khẩn sau đó Sở Quản thủ Địa bộ sẽ hội xét  cấp bằng khoáng. Ở Thạnh Đông có số địa chủ như Hội đồng Thạnh, Chủ Tâm, Tấn Định... Mỗi mùa lúa, hội đồng Thạnh thu tô của nông dân hàng chục ngàn giạ lúa chứa đầy hai lẫm lúa ở Đá Nổi và ở cổng số 2. Còn những điền chủ nhỏ gọi là điền manh, tức những người có tiền bỏ ra mướn nhân công khai khẩn hoặc mua đất rẻ của những người nghèo để kinh doanh. Thủ đoạn cuớp đất của địa chủ là cứ để cho dân khai hoang thành đất thuộc kể cả đất của những điền manh, thì mướn Sở họa đồ đến đo đạt phóng bông tiêu cắm cột trụ ranh đất, lo tiền cho chủ tỉnh, đóng thuế, chạy giấy tờ lên Sài Gòn làm bằng khoán “được quyền khai khẩn” và trở thành chủ sở hữu.

Một số tề làng hàng năm biết trong làng có bao nhiêu nông dân khẩn hoang mà không có tiền đóng thuế, chúng đi đóng thuế “giùm” rồi lấy biên lai, đợi đến kỳ chánh quyền Pháp cho thuận mãi (người khai khẩn được mua lại của Nhà nước và làm bằng khoán). Nông dân nghèo không có biên lai đành cam chịu mất đất, trắng tay, làm kiếp tá điền cho chúng, phải vay lúa nợ để ăn, để làm lúa giống cứ 10 giạ đến mùa trả 20 giạ. Cuộc sống bần nông vốn đói nghèo càng thêm cơ cực. Thời Ngô Đình Diệm có đào thêm nhiều con kinh khi đưa đồng bào miền Bắc di cư đến ở, lúa cấy vẫn chủ yếu mỗi năm một vụ, năng suất thấp thường bị thiên tai thất mùa. Chỉ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhứt đất nước, ngành thủy lợi mới đào kinh xáng Đòn Dong, khoảng giữa kinh Cái Sắn và kinh Trâm Bầu, là trục kinh chính quan trọng với hàng loạt kinh xương cá nội đồng đã cải tạo đất một vùng rộng lớn 15.000 ha đất ngập nước trở thành đất 2 vụ lúa, năng suất cao bình quân 8 tấn/ ha đưa lương thực đầu người lên 1.600 kg/năm người dân mới thừa lúa ăn, cuộc sống đổi thay, phấn khởi tham gia làm hàng trăm cây số đường giao thông nông thôn, tráng nhựa, rải đá, xây hàng trăm cầu bê tông, kéo đường điện thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn.

Vài nét về xã Thạnh Đông Tổ quán

Xã Thạnh Đông thuộc huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang ở phía bờ Nam Kinh Cái Sắn, cách thành phố Rạch Giá hơn 20 km, có quốc lộ 80 đi qua, khoảng 15km. Phía Bắc giáp hai xã Tân Hiệp A và tân Hiệp B, phía Nam giáp hai xã Bàn Tân Định và Thạnh Hòa (huyện Giồng Riềng), phía Tây giáp xã Mong Thọ (huyện Châu Thành, Kiên Giang), phía Tây giáp xã Thạnh Thắng (huyện Châu Thành, thành phố Cần Thơ). Thạnh Đông thuộc đồng bằng, diện tích tự nhiên gần 20 ngàn ha, dân số hơn 20 ngàn người, trong đó có 13 ngàn đồng bào miền Bắc di cư theo đạo Thiên Chúa, có số dân theo đạo Tin Lành, Cao Đài, có khoảng 2000 đồng bào Khơme. Xã có 9 ấp: Đông Lộc (sau nhập thị trấn Tam Hiệp), Kinh 9A, Kinh 9 B, Đá Nổi A, Đá Nổi B, Thạnh Tây, Thạnh Lộc, Tân Hưng và Tân Thạnh. Ấp Tân Thạnh là Tổ quán họ Trương cặp Kinh xáng Trâm Bầu. Nơi đây còn đông đảo con cháu họ Trương, có khai mộ và Phủ thờ họ Trương. Đặc điểm ranh giới xã Thạnh Đông được giới hạn bằng những con kinh thẳng tắp.

Trong xu thế phát triển chung của quê hương, các hậu duệ họ Trương ta phần lớn cũng phát đạt, xây nhà cửa khang trang, lớp trẻ được học hành thành đạt.

ĐẶC ĐIỂM VÀ PHƯƠNG HƯỚNG XÂY DỰNG DÒNG HỌVĂN HÓA

Đặc điểm vùng đất cộng với truyền thống họ tộc đã tạo nên đặc điểm dòng họ. Họ Trương ta cũng không là ngoại lệ. Qua công tác sưu tầm, tìm hiểu nghiên cứu, phân tích, họ Trương có những điểm nổi trội như sau:

1. Lòng yêu nước, căm thù giặc bắt nguồn từ bản thân, gia đình dòng họ bần cùng, nên rất kiên định lập trường, vững vàng vượt qua mọi gian khổ hiểm nguy quyết đạt cho đến mục đích cuối cùng: xóa kiếp đời bần nông.

 2. Yêu nước luôn đi đôi với thương dân, những người cùng khổ như mình. Tình yêu và tình thương cao cả nầy được các thế hệ nối tiếp của họ Trương - gần như bản chất - đã chọn những công tác đầy gay go, thử thách trui rèn thêm ý chí bất khuất để làm lợi nhiều nhứt cho Đảng cho dân. Trong chiến tranh cũng như trong hòa bình ngành an ninh, nơi thể hiện đầy đủ bản lĩnh, phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng. Ông Trương Hồng Hoảnh từng là trưởng công an các xã Thạnh Lợi (1946) xã Tân Hiệp (1950), cán bộ an ninh huyện Giồng Riềng, cán bộ chấp pháp tỉnh Rạch Giá (1963-1972), rồi Ủy viên Ban An ninh tỉnh Kiên Giang, Trưởng phòng chấp pháp.

Ông Trương Minh Hiền, em ruột ông từng là Trưởng công an huyện Tân Hiệp (1971) kiêm Phó bí thư huyện Tân Hiệp, Trưởng Công an kiêm Bí thư thị trấn Tân Hiệp. Lớp con các ông cũng nối tiếp. Ông Trương Văn Phước (con ông Ba Hoảnh) đã từng làm công tác an ninh huyện Giồng Riềng. Ông Trương Phú Sĩ (con ông Ba Hoảnh) từng là phân đội trưởng bảo vệ trại giam của Ban an ninh tỉnh Kiên Giang (1964), Đội trưởng đội xét hỏi phòng chấp pháp Ban an ninh tỉnh (1978), Trưởng phòng chấp pháp công an tỉnh (1981), tham mưu trưởng Ban an ninh tỉnh Kiên Giang (1984), Chánh thanh tra công an tỉnh Kiên Giang (1988) cho đến nghỉ hưu 2002, cấp hàm thượng tá.

Vợ ông Sĩ là bà Phan Kim Tiến cũng công tác trong ngành công an, cấp hàm trung tá, trưởng phòng hồ sơ công an tỉnh Kiên Giang. Con ông Tám Hiền có Trương Thanh Hòa, cũng trưởng thành từ ngành công an, đã từng học khóa chuyên khoa chống phản động và trinh sát an ninh, là thượng úy công an, trưởng công an xã Thạnh Đông, trước khi làm bí thư xã Thạnh Đông hiện nay. Lớp cháu sau nầy của các ông cũng có một số tham gia ngành công an. Người dân ở đây nói: họ Trương là công an nòi!

3. Thông minh và hiếu học cũng thể hiện rõ trong họ Trương. Trong gia đình bần nông “nòi”, các ông Ba Hoảnh, Bảy Hiển, Tám Hiền không có điều kiện đi học nhiều. Nhưng với số vốn chữ nghĩa trung bình với tư chất thông minh, hiếu học, học ở lãnh đạo, học ở nhân dân, đồng đội, học ngay trong công việc, vừa học vừa làm... từ thấp đến cao dù ở vị trí công tác nào các ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

Anh Trương Phú Sĩ (con ông Ba Hoảnh) cũng có hoàn cảnh tương tự như vậy. Lúc tham gia cách mạng với trình độ văn hóa lớp 3, nhưng với sức phấn đấu mạnh mẽ, miệt mài học tập với lòng yêu nghề, anh Sĩ đã hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ rất quan trọng: Trưởng phòng chấp pháp rồi Chánh thanh tra Công an tỉnh Kiên Giang. 

Toàn dân ta biết ơn cánh mạng đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi  ngoại xâm, giành độc lập cho đất nước, đem hạnh phúc cho dân tộc. Riêng đối với họ tộc Trương ta còn khắc ghi ơn sâu nghĩa nặng với cách mạng đã thật sự làm một cuộc đổi đời vĩ đại, biến lớp người bần nông nô lệ cùng khổ thành những người tự do, làm chủ quê hương, cuộc sống khá giả, con cháu học hành đỗ đạt mở mặt mở mày với đời: “Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà đi!” (Tố Hữu).

Càng yêu kính tự hào tổ tiên ông bà, càng quý trọng thành quả cách mạng đem lại, hy vọng lớp con cháu sau này của họ tộc Trương phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha ra sức học tập giỏi, công tác tốt để đáp đền tình dân nghĩa nước. Phát huy truyền thống cách mạng triệt để của họ tộc - một họ tộc hai vai gánh nặng nợ nước tình nhà đều phải đền đáp. Đối với nước có ý thức trách nhiệm công dân, sống chan hòa thân ái với những họ tộc khác trong tình làng nghĩa xóm. Đối với nhà cố gắng xây dựng gia đình văn hóa tiến tới dòng họ văn hóa thể hiện các mặt: Tôn tạo chăm nom mồ mả ông bà một cách trang trọng thường xuyên, thờ cúng tổ tiên ông bà tôn nghiêm có nội dung giáo dục, trân trọng giữ gìn và bổ sung vào bộ gia phả là lịch sử dòng họ. Đó là nhóm công việc thứ nhứt, còn nhóm công việc thứ hai cũng không kém phần quan trọng là lo tương lai cho con cháu. Cụ thể là họ tộc nên thực hiện: khuyến học, khuyến tài, khuyến nghiệp cho con cháu trong họ có học thức, có công việc làm ổn định cuộc sống cũng là tạo nền tảng vững bền cho gia tộc.

Làm được như vậy là ta đã làm rạng rỡ họ tộc, là cách thiết thực báo hiếu Tổ tiên vậy.