Trang chủ > 031.Gia phả họ Ngô (xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An)

031.Gia phả họ Ngô (xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An)

18/08/2022 19:57:16

Gia phả họ Ngô ở xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2008.

LỜI TỰA

“Chim có tổ người có tông 

Cây có cội nước có nguồn”

Là ý tưởng của tiền nhân từ xưa đến nay, có một ý nghĩa sâu sắc, nghiêm trang, có ảnh hưởng lớn lao trong mọi tập quán, truyền thống của người Việt chúng ta. Để nhớ ơn đến tổ tông, tưởng nhớ đến ông bà, chúng ta cần phải nghĩ đến vấn đề cốt yếu là lập gia phả tộc họ.

Thưa cùng bà con gia tộc họ Ngô có tổ quán ấp Bà Nghiệm xã Mỹ Lạc huyện Thủ Thừa tỉnh Long An, chúng ta thường nghe nói: “Nước có sử, nhà có phả”. Phả ghi lại lịch sử của họ tộc để con cháu hậu thế biết về tổ tiên mình trong quá trình dựng nghiệp, biết về quan hệ thế thứ của những người cùng dòng họ, biết về những thành tựu và cả những điều chưa thực hiện được của các bậc tiền nhân để các thế hệ nối tiếp của tộc họ tiếp tục phấn đấu nhằm xây dựng gia đình và gia tộc phát triển một cách bền vững trong giai đoạn mới của xã hội hiện nay.

Tuy ngày nay ở nhiều nơi, nhất là ở các thành phố lớn, mọi người bị cuốn vào nhịp sống cấp tập của thời đại công nghiệp và ánh sáng “văn hóa mới” đã làm phần nào “văn hóa gia tộc” bị nhạt phai theo thời gian, thì dòng họ Ngô chúng ta ở ấp Bà Nghiệm, một vùng đất ven sông Vàm Cỏ Tây nước chảy hiền hòa, xa các đô thị sầm uất vẫn giữ được những tập quán tốt đẹp về thân tộc vốn có của một dòng họ làng quê. Tuy vậy, để con cháu biết và hiểu rõ về cội nguồn của mình cũng là điều không phải dễ, bởi tộc họ chúng ta không có gia phả để con cháu có điều kiện tìm hiểu một cách toàn diện và thấu đáo. Cũng từ đó mối quan hệ thân tộc có nguy cơ phai nhạt dần, nhất là với những người con đã rời quê hương tổ quán đến làm việc và sinh sống ở những vùng miền khác của đất nước hoặc ở nước ngoài.

Mỗi cánh trong họ Ngô chúng ta đều có bảng tông chi, nhưng đó chỉ là những bảng ghi khá sơ lược và tản mạn, cánh nào biết cánh đó. Các bậc cao niên rồi cũng sẽ qua đời theo quy luật sinh - lão - bệnh - tử và một số điều về lịch sử gia tộc trong trí nhớ của các cụ cũng sẽ cùng họ đi về nơi chín suối. Ngày nay con cháu ngày càng đông, không ai có thể nhớ hết được tất cả mọi người, mọi chuyện một cách chính xác, vì vậy việc dựng bộ gia phả hoàn chỉnh cho tộc họ chúng ta là điều hết sức cần thiết.

Với ý thức trách nhiệm và quan tâm đến việc đoàn tụ, duy trì kỷ cương lễ giáo, đặt nền tảng đạo lý cho gia đình mình, chúng ta kiểm điểm lại sự còn mất, sự phát triển của tộc họ, mà cố gắng chấn chỉnh lại nếp ăn ở của mọi người trong tông môn, đồng thời đặt nền móng việc thờ phụng tổ tiên cho được quy cũ hơn, với mục đích cùng nhau uống nước nhớ nguồn. Trên tinh thần đó, ngày 05 tháng 11 năm 2006, đại diện các cánh trong tộc họ Ngô đã nhóm họp tại nhà ông Ngô Văn Mão cùng sự có mặt của đại diện Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP. Hồ Chí Minh để bàn việc dựng bộ gia phả họ Ngô có tổ quán ở ấp Bà Nghiệm. Điều đáng mừng là đại diện của tất cả các cánh của dòng họ đều nhất trí cao việc làm này và cháu Ngô An Hạ (đời VIII), con ông Ngô Văn Vũ (đời VII), là người trực tiếp đứng ra để cùng nhóm thực hiện gia phả xúc tiến công việc.

Sau hơn một năm tiến hành, nhóm thực hiện gia phả đã được sự giúp đỡ cộng tác tích cực của bà con quê nhà và một số địa phương khác. Nay bộ gia phả đã được hình thành, mặc dù rất cố gắng nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, chắc chắn bộ gia phả này sẽ còn nhiều khiếm khuyết. Rất mong toàn thể bà con trong tộc họ với tinh thần xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu và bổ sung để gia phả tộc họ chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn.

Qua đây, đại diện cho gia tộc họ Ngô, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả - Hội Khoa học Lịch sử TP. Hồ Chí Minh đã hợp tác cùng dòng họ để dựng nên bộ gia phả này.

Trân trọng chào thân ái.

Bà Nghiệm, ngày 30  tháng 6 năm 2008

Đại diện họ Ngô

Ông NGÔ VĂN VŨ                

(Đời VII)

 

PHẢ KÝ

QUÊ HƯƠNG ĐẤT TỔ

Từ TP.HCM theo đường quốc lộ 1 xuôi về miền Tây khoảng 45km thì đến thị xã Tân An của tỉnh Long An. Đài liệt sĩ tỉnh Long An nằm ven quốc lộ cách thị xã Tân An khoảng 1 km, tại đây có con đường khá lớn tạo thành ngã ba phía đài liệt sĩ. Xuôi theo con đường này khoảng 5 km thì đến Cầu Dây kênh Vàm Thủ. Qua Cầu Dây là bắt đầu con đường liên xã, con đường này chạy dài lên đến Trà Cú. Xuôi theo con đường liên xã này khoảng 5 km nữa là đến địa phận của ấp Bà Nghiệm, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An - nơi dừng chân của ông tổ họ Ngô ấp Bà Nghiệm (ông Ngô Văn Sách) trong hành trình di cư từ miền Bắc vào cách đây khoảng 2 thế kỷ. 

Huyện Thủ Thừa có diện tích tự nhiên là 29.901 ha, được chia làm hai vùng: vùng phía Nam (giáp thị xã Tân An) và vùng phía Bắc (giáp huyện Đức Huệ). Vùng phía Bắc gồm 7 xã trong đó có xã Mỹ Lạc. Mỹ Lạc là vùng đất nằm sát sông Vàm Cỏ Tây, thuộc vùng Đồng Tháp Mười và nằm trong vùng lũ (hàng năm từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch). 

Huyện Thủ Thừa thuộc vùng Đồng Tháp Mười, thời Gia Long (1802) Thủ Thừa và Tân Trụ thuộc huyện Thuận An của phủ Tân Bình. Năm 1932 huyện Thuận An đổi thành phủ Tân An. Con sông nối Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây còn gọi là sông Thủ Đoản ngày nay gọi là kênh Vàm Thủ, chảy ngang huyện lỵ Thủ Thừa. Từ năm 1790 chúa Nguyễn cho đắp con đường Thiên lý chạy song song với kênh Vàm Thủ. Thời kỳ này ở Thủ Thừa trên ngựa dưới thuyền thật sầm uất. Nhưng đến thời Pháp thuộc con đường quốc lộ 1 hình thành và trở thành con đường giao thông huyết mạch thì Thủ Thừa mất đi vị thế vốn có trước đây. Từ năm 1910, tỉnh Tân An có 10 tổng, trong đó tổng An Ninh Thượng có những làng như Mỹ Hòa, Hòa Lạc, Long Thạnh Đông, Long Thạnh Tây... mà không thấy có làng Mỹ Lạc, phải chăng Mỹ Lạc là do Mỹ Hòa và Hòa Lạc sáp nhập lại? Thời Ngô Đình Diệm Thủ Thừa có xã Mỹ Lạc Thạnh, sau này tách thành 2 xã Mỹ Lạc và Mỹ Thạnh mà Mỹ Lạc là nơi có ấp Bà Nghiệm - tổ quán của họ Ngô.

Con đường ngày nay gọi là đường liên xã, bắt đầu từ kinh Vàm Thủ lên đến tận Trà Cú, xưa kia chỉ là con đường đất nhỏ xuyên cánh đồng trũng ngang qua ấp Bà Nghiệm, dân nơi đây, xưa nay chủ yếu sống bằng nghề nông.

TỔ PHỤ VÀ TỔ QUÁN

Đối với họ Ngô ở ấp Bà Nghiệm, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, tuy dòng họ cũng nằm trong tình hình chung của nhiều dòng họ nơi đây là không có nhà thờ họ, không có gia phả. Nhưng con cháu các chi của họ Ngô ngày nay đều có ghi lại bảng tông chi. Và điều quan trọng hơn là con cháu còn lưu lại được tên họ của ông bà tổ, biết được tên họ năm sinh của người con trai ông bà, cùng ngày giỗ của những vị này nên vấn đề xác định tổ phụ, tổ quán của dòng họ Ngô không quá phức tạp. Đó cũng là điều khá thuận lợi so với nhiều gia phả khác khi tiến hành dựng bộ gia phả họ Ngô này. Tuy nhiên, một số vị cao niên trong dòng họ chúng ta có nguyện vọng nuốn biết được ông tổ của mình có quê quán cụ thể là tỉnh nào ở miền Bắc. Đó cũng là điều khó khăn chung mà nhiều dòng họ ở đất phương Nam chưa thể thực hiện được.

Theo lời của các vị cao niên trong dòng họ hiện còn sống, ông tổ họ Ngô của ấp Bà Nghiệm là Ngô Văn Sách, từ miền Bắc di cư vào và dừng chân nơi đây. Khu đất ngày xưa ông bà tổ định cư nằm trên cánh đồng của ấp Bà Nghiệm, nếu xuôi theo con đường liên xã theo hướng Vàm Thủ - Trà Cú, đến đồng Bà Nghiệm rẽ trái vào con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo giữa cánh đồng, đi khoảng 2 km thì đến nhà của ông Ngô Văn Sử (đời VI) con của ông Ngô Văn Hối, đây chính là khu đất mà ông tổ họ Ngô chúng ta làm nhà ở lúc sinh thời - đó là tổ quán của họ Ngô.

Ngày nay, con cháu chỉ biết ông tổ từ miền Bắc vào mà không biết ở tỉnh nào cụ thể. Câu chuyện truyền khẩu trong bà con dòng họ nói rằng, trong một lần ông về thăm quê hương ở miền Bắc rồi bệnh nặng nên qua đời  ngoài đó. Và ông được bà con an táng trên chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Vợ của ông tổ là bà ... Thị Lịch (không nhớ là họ gì), tiếp tục ở Bà Nghiệm làm lụng nuôi con. Cũng không rõ ông bà có bao nhiêu người con, nhưng ngày nay con cháu chỉ biết có người con trai Ngô Văn Dửng (đời II) sinh con nối nghiệp ông tổ tạo nên họ Ngô đông đúc như hiện nay.

Ông tổ Ngô Văn Sách sinh năm nào? Thời điểm ông đặt chân đến nơi đây là năm nào? Ông bà là đôi vợ chồng từ miền Bắc vào hay ông vào đất Bà Nghiệm rồi mới lập gia thất? v.v... Tất cả những điều đó hiện nay cũng chưa có một câu trả lời chính xác. Tuy nhiên dựa vào năm sinh của ông Ngô Văn Dửng, con của ông tổ Ngô Văn Sách, thì ông Ngô Văn Dửng sinh năm 1826. Nếu theo tập quán xưa, tuổi lập gia đình của người đàn ông thông thường trong khoảng từ 18-25 tuổi. Và giả sử nếu ông Ngô Văn Dửng là người con đầu của tổ phụ Ngô Văn Sách thì năm sinh của ông Ngô Văn Sách ước đoán trong khoảng từ 1801 đến 1808. Và cũng có thể dự đoán thời gian ông đặt chân đến ấp Bà Nghiệm là vào khoảng những năm từ 1819 đến 1826 tức những năm bắt đầu cho tuổi trưởng thành.

Thời điểm này tương ứng với năm gần cuối của triều vua Gia Long (1802-1820) và những năm đầu của triều vua Minh Mạng. Giai đoạn đầu thế kỷ 19 này cũng là giai đoạn cuối của những đợt di dân của những người xứ Ngũ Quảng (tức Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam và Quảng Ngãi) vào những vùng đất phía Nam của tổ quốc. Ấp Bà Nghiệm, xã Mỹ Lạc - tổ quán của họ Ngô - nằm sát sông Vàm Cỏ Tây điều này cũng khá dễ hiểu bởi ngày xưa đường bộ chưa được khai thông và phương tiện đường bộ cũng chưa thông dụng, nên đi ghe thuyền trên sông là phương tiện phổ biến, nhất là với vùng đất Nam bộ chằng chịt sông rạch. Ông tổ họ Ngô cũng giống như phần lớn ông tổ các dòng họ khác ở vùng sông nước Nam bộ, nơi dừng chân định cư của họ thường là vùng đất ven sông.

Như đã nói trên, ông mất tại nơi chôn nhau cắt rốn ở miền Bắc và mộ ông ở ngoài đó, nên trên đất tổ hiện nay chỉ có mộ của bà tổ ... Thị Lịch. Ngôi mộ bà tổ cũng nằm trên cánh đồng ấp Bà Nghiệm, ở khu mộ này có..... ngôi mộ trong đó có mộ người con trai của bà là ông Ngô Văn Dửng. Mộ bà tổ trước đây được xây bằng đá ong có hình dạng như chiếc mu rùa nên con cháu quen gọi là mả mu rùa. Năm 2000, ông Ngô Văn Thuật (Xinh) (đời VI), con của ông Ngô Văn Thinh đã vận động và xin phép họ tộc đứng ra tôn tạo lại ngôi mộ của bà tổ và mộ của ông Ngô Văn Dửng (đời II). Những ngôi mộ này được xây bằng xi-măng và có hình dạng như hiện nay.

Trước đây ngày giỗ của ông tổ là 30 tháng Chạp còn giỗ bà tổ là 30 tháng 7 âm lịch. Nhưng ngày nay ngày giỗ của ông bà tổ được cúng cùng ngày 23 tháng Giêng, việc cúng giỗ được tổ chức tại nhà ông chín Ngô Văn Phận. Còn ngày dẫy mả là 25 tháng Chạp hàng năm. Con cháu đi dẫy mả và sau đó tập trung để cúng giỗ tổ tại nhà ông Ngô Văn Sử, con ông Ngô Văn Hối, người thừa kế đất hương hỏa của ông bà tổ hoặc nhà của ông Ngô Văn Mão.

HỌ NGÔ TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG

1. Sự phát triển của họ Ngô qua các thời kỳ

Ông tổ Ngô Văn Sách (đời I) đặt chân đến ấp Bà Nghiệm cũng giống như tất cả những người dân Ngũ Quảng di cư vào vùng đất hứa miền Nam, đó là khởi đầu với hai bàn tay trắng để gầy dựng cơ nghiệp. Với đời sống nông dân, có thể nói ruộng đất là thước đo cho sự giàu có, sự thành đạt của mỗi người. Qua tìm hiểu bà con trong dòng họ, ông tổ Ngô Văn Sách không có nhiều đất đai lắm, chỉ đủ để canh tác nuôi sống gia đình, nhưng đó cũng là một nỗ lực lớn khi ông là người từ miền ngoài vào khai phá đất đai, dựng nhà cửa trên miền đất hoang vu này. Qua đến đời người con Ngô Văn Dửng (đời II), cuộc sống bắt đầu ổn định và khấm khá. Nhưng phải đến đời III và nhất là đời IV truyền thống cần cù lao động và chí thú làm ăn, lo nghĩ phòng xa của người dân miền Trung vốn sinh ra trên mảnh đất khô cằn và khí hậu khắc nghiệt mới được phát huy. Miền Nam mưa thuận gió hòa, thổ nhưỡng phì nhiêu và là nơi đất rộng người thưa. Đó là những điều kiện khá lý tưởng cho những người có chí làm ăn. 

Đời II hiện nay con cháu chỉ biết có một người con trai duy nhất là ông Ngô Văn Dửng sinh năm 1826. Ông Dửng có 5 người con nhưng trong đó chỉ có một con trai nối dõi là ông ba Ngô Văn Chữ (còn lại, một người chết nhỏ và ba người con gái là: bà hai Ngô Thị Liễn, bà tư Ngô Thị Nho và bà sáu Ngô Thị Của). Ông Ngô Văn Chữ (đời III) có 10 người con, trong đó có 4 con trai là: thứ ba Ngô Văn Đổng, thứ năm Ngô Văn Chưởng, thứ tám Ngô Văn Giai và thứ mười Ngô Văn Hứ. Ông Ngô Văn Hứ (đời IV) là ông nội của ông Ngô Văn Sử (đời VI), người đang ở tại phần đất hương hỏa của ông bà tổ, là người lo hương khói cho tổ tiên.

Bốn người con trai của đời IV họ Ngô chính là 4 nhánh lớn của dòng họ Ngô hiện tại ở ấp Bà Nghiệm. Từ đời IV, dòng họ Ngô bắt đầu phát triển đông đúc bởi có đến 4 người con trai nối dõi. Đó cũng là lực lượng lao động chính khá vững chắc của một gia đình, chính những người ở đời IV này đã khai phá thêm đất hoang, làm ăn tích góp mua thêm ruộng đất, nên người nào cũng có rất nhiều đất đai để lại cho con cháu. Ví dụ ông Ngô Văn Đổng  có đến 60 mẫu đất. Ông Ngô văn Hứ không biết chính xác có bao nhiêu đất, nhưng theo lời kể của ông Ngô Văn Ri và ông Ngô Văn Sử (đời VI), thì ông Ngô Văn Hứ đã cho 9 người con trưởng thành của mình (8 trai, 1 gái) mỗi người 9 mẫu (con trai) hoặc 4 mẫu (con gái).

Sang đến đời V dòng họ Ngô có 18 người con trai và cũng chính từ đây số lượng con cháu dòng họ tăng nhanh và nhiều theo cấp số nhân, cho đến nay họ Ngô đã hiện diện đời thứ X. Có thể nói kể từ đời IV là giai đoạn đánh dấu sự phát triển của dòng họ Ngô ở ấp Bà Nghiệm: đông đúc con cháu, ruộng đất bề thế và trở thành một tộc họ lớn ở xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa. 

2. Đóng góp của họ Ngô trong quá trình phát triển của vùng đất Thủ Thừa

Ngày vị tổ phụ đặt chân đến ấp Bà Nghiệm, ở đầu thế kỷ 19, (cách đây khoảng 200 năm), Bà Nghiệm vẫn còn là vùng đất khá hoang sơ. Theo lời của cư dân địa phương, trước khi con đường liên xã hình thành, nhân dân ấp Bà Nghiệm nói riêng và một số xã ở huyện Thủ Thừa nói chung, chủ yếu đi lại bằng ghe thuyền trên sông Vàm Cỏ và hệ thống kênh rạch đan xen chằng chịt trong các thôn xóm, còn đường bộ liên thông giữa các xã thì không có. Trên bộ chỉ phải đi trên những bờ ruộng, bờ mương. Đến năm 1957, ông Ngô Văn Phương (đời V) con ông Ngô Văn Hứ (một trong 4 cánh lớn hiện nay của họ Ngô), đương thời làm chức đại diện xã Mỹ Lạc Thạnh dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm. Ông đã nghĩ đến sự thuận tiện cho bà con trong việc đi lại và nhất là để tạo sự liên thông trong giao lưu của nhân dân các xã, nên đã tự lên phương án thiết lập một con đường làm huyết mạch giao thông cho 2 xã Mỹ Lạc Thạnh và Long Ngãi Thuận (cũ), mà ngày nay là các xã Mỹ Lạc, Mỹ Thạnh, Long Thạnh và Long Thuận. Ông vận động bà con xã Mỹ Lạc Thạnh dùng sức người, sức của của chính mình để đắp con đường đất từ Vàm Thủ lên giáp ranh xã Long Ngãi Thuận, con đường nằm trên địa phận 20 km mà ông Ngô Văn Phương làm chức đại diện xã. Sau đó, nhìn thấy tác dụng của con đường vô cùng lớn lao, nên nhân dân xã Long Ngãi Thuận đắp tiếp con đường chạy qua xã nhà nối tiếp lên đến Trà Cú để hình thành con đường liên xã có chiều dài khoảng 20 km như hiện nay. Dù đây chỉ là con đường đất nhỏ, nhưng sự ra đời của nó được xem là một cuộc “cách mạng” đánh dấu bước ngoặc thay đổi lớn trong giao thông tại những xã ven sông Vàm Cỏ này. Và đó cũng là công lao mà người con họ Ngô chúng ta đã góp phần trong việc phát triển kinh tế xã hội của huyện Thủ Thừa ở thập niên 50 của thế kỷ trước. Tuy vậy con đường liên xã từ Vàm Thủ đến Trà Cú vẫn chỉ là con đường giải quyết sự đi lại chủ yếu vào mùa khô. Mùa mưa lũ có khi nó vẫn bị chìm ngập trong nước. Mãi cho đến năm 2000 con đường này mới được mở rộng và đắp cao bằng đất đỏ như hiện nay. 

Tại ấp Vàm Kinh thuộc xã Bình An, huyện Thủ Thừa, bên trái Cầu Dây (con sông nhỏ nối liền hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây) có một thánh thất Cao Đài mang tên Hội Thánh Chơn Lý Bình An, đây là nơi sinh hoạt của một bộ phận dân cư theo đạo Cao Đài ở xã Bình An. Người thành lập nên thánh thất này cũng là một người con của dòng họ Ngô: ông Ngô Văn Thinh (đời V), con của ông Ngô Văn Hứ. Thánh thất này có nguồn gốc từ phái Cao Đài ở Tiền Giang, thánh thất do ông Ngô Văn Thinh xây dựng vào năm 1962, tọa lạc trên diện tích 1.200m2. Ban đầu nó cũng chỉ là một thánh thất nhỏ, đơn sơ, nhưng trải qua nhiều biến cố và nhiều đợt tôn tạo với sự đầu tư công sức tiền bạc của vợ chồng ông Ngô Văn Thinh, thánh thất mới có diện mạo khang trang như ngày nay. Đó cũng là công lao đóng góp của một người con khác của họ Ngô vào lĩnh vực tinh thần cho một bộ phận cư dân trên mảnh đất Thủ Thừa này.

3. Đặc điểm của họ Ngô

- Cho đến ngày nay dù có một số con cháu ở TP.HCM, hoặc một số địa phương khác và cả ở nước ngoài. Nhưng nhìn chung đại đa số con cháu họ Ngô là ở tại quê nhà Bà Nghiệm hoặc các vùng lân cận. Lịch sử của họ Ngô tại ấp Bà Nghiệm đã trải qua nhiều giai đoạn xã hội: phong kiến, thời đất nước chia cắt và sau ngày đất nước thống nhất. Dẫu ở giai đoạn xã hội nào nhìn chung dòng họ vẫn mang bản chất của người nông dân: chất phát, cần cù chịu khó làm ăn và có chí tiến thủ.

- Thời phong kiến không có ai làm quan lớn, mà chủ yếu là làm ruộng vườn. Trước và sau năm 1945, một số người ở đời IV và đời V tuy có nhiều đất đai ruộng vườn, nhưng đó là do công sức lao động, làm ăn tích góp, chứ không phải những địa chủ, phú nông, không bóc lột, chèn ép ai.

- Giai đoạn đất nước chia cắt, do hoàn cảnh khách quan, một số người gia nhập quân đội, chính quyền Sài Gòn nhưng cũng có một số người giác ngộ lý tưởng cách mạng gia nhập quân giải phóng hoặc tập kết ra Bắc. Một số con cháu họ Ngô sau ngày giải phóng trở về tham gia vào chính quyền tỉnh Long An, đặc biệt có ông Dương Quốc Xuân (đời VII) (sinh năm 1954) là cháu cố bà Ngô Thị Ân (đời IV) hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Long An.

- Sau ngày giải phóng con cái một số gia đình cũng đã ra sức phấn đấu học tập. Mộ số người tốt nghiệp đại học, thạc sĩ và trở thành những kỹ sư, bác sĩ... Đặc biệt gia đình ông Ngô Văn Thuật (đời VI) có đến 6 người con tốt nghiệp đại học. Hoặc gia đình ông Ngô Văn Vũ (đời VII), tuy ở quê nhà Bà Nghiệm nhưng trong 4 người con thì có 3 người có trình độ đại học (người con út đang học cấp 3), ông Ngô Văn Chánh có 3 người con thì cả 3 đều có trình độ đại học... Nói như vậy để thấy rằng, thế hệ hôm nay của họ Ngô có rất nhiều người có năng lực và đang vươn ra khỏi làng quê bé nhỏ để hòa vào dòng chảy của xã hội, tiếp nhận những tri thức mới để tạo cho mình một địa vị xã hội như những thanh niên đang sống ở thị thành.

Nhìn lại chặng đường phát triển của dòng họ trong khoảng 200 năm qua, chúng ta tự hào về tổ tiên của mình, những người đã khởi nghiệp trong điều kiện vô cùng gian nan. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng các bậc tiền nhân chúng ta luôn giữ được phẩm chất tốt đẹp, nêu cao nhân nghĩa, không có những việc làm trái với đạo nghĩa truyền thống của dân tộc, luôn nêu cao tinh thần tự lực, cần cù lao động để xây dựng cuộc sống gia đình và họ tộc ngày càng tốt đẹp và có những đóng góp thiết thực cho vùng đất mà tổ phụ chúng ta đã chọn làm quê hương. Đó cũng là điều mà con cháu chúng ta hôm nay - những hậu duệ của dòng họ Ngô - luôn tâm niệm để tiếp tục truyền thống tốt đẹp của tổ tiên nhằm xây dựng gia đình họ tộc ngày càng tốt đẹp, góp phần vào việc xây dựng xã hội văn minh, hiện đại của dân tộc.