Trang chủ > 036. Gia phả họ Lê (ấp Hành Chánh, thị trấn Phước Long, tỉnh Bạc Liêu)

036. Gia phả họ Lê (ấp Hành Chánh, thị trấn Phước Long, tỉnh Bạc Liêu)

19/08/2022 06:30:37

Gia phả họ Lê ở ấp Hành Chánh, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2008.

LỜI TỰA

Sau 80 năm thực dân Pháp đô hộ, dân tộc ta sống trong đêm dài nô lệ. Rồi 30 năm trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ ác liệt đánh Pháp đuổi Mỹ, nhân dân ta chịu bao đau thương mất mát, hy sinh, gia đình ly tán. 

Sau ngày giải phóng miền Nam (30-04-1975), Tổ quốc thống nhất, gia đình sum họp, họ tộc lần lượt tìm đến nhau.

Từ đó những người trong họ tộc có nhu cầu bức thiết là muốn biết nguồn cội tổ tiên ông bà mình, những vị có công sáng lập ra dòng họ mình tại vùng đất phương Nam để tỏ lòng tri ân, trên cơ sở đó nối kết dòng họ đang còn ở rải rác nhiều nơi.

Họ Lê ta cũng có nguyện vọng như vậy. Tôi là Lê Văn Hoành nay đã hơn 90 tuổi, là người trưởng lão còn sanh tiền của dòng họ, hiện còn minh mẫn. Tôi muốn lập gia phả họ Lê mình để lưu truyền cho con cháu sau này. 

Tôi là con Thứ Hai của ông Thứ Sáu Lê Văn Hớn (Chi 2). 

Ông nội tôi tên là Lê Văn Giác sanh 8 người con: 5 nữ, 3 nam đã qua đời hết. Tôi còn nhớ cô thứ Ba tên là Lê Thị Nữ và cô thứ Chín là Lê Thị Chín. Còn 3 người trai là bác Năm Lê Thành Đô (Chi 1) ở Sóc Trăng, ba tôi thứ Sáu Lê Văn Hớn và chú Bảy Lê Văn Tài (Chi 3) đều ở Phước Long, Bạc Liêu. Sau do gia đình sống quá khó khăn tôi mới đổi xuống Vĩnh Thuận, Rạch Giá lập nghiệp đến ngày nay.

Tôi biết ông nội tôi Lê Văn Giác mất khoảng 70 tuổi, lúc đó tôi 6 tuổi. Ông nội kể, trước ở Vĩnh Tường, sau qua Phước Long. Mồ mả ông bà hiện còn ở Phước Long. Con cháu họ Lê ta (Chi 3 chú Bảy) còn đầy đủ tại Phước Long nơi ông bà sống lâu đời và con cháu ở đông đảo nhứt, nên Phước Long coi là Tổ quán của họ Lê mình. Tôi về Vĩnh Thuận-Rạch Giá vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với bà con bên Phước Long, ngày giỗ chạp con cháu đều có mặt. Nay cần tìm đến chi bác Năm Đô ở Sóc Trăng và về Vĩnh Tường để tìm hỏi đầy đủ những người trong dòng họ ghi vào Gia phả.

Gia phả này ghi lại 6 đời từ ông Nội tôi đến cháu cố của tôi. Sau này con cháu sẽ ghi tiếp vào. Lập Gia phả là nguyện vọng thiêng liêng của họ tộc ta. Vừa qua có dịp may, cháu Lê Tấn Tảo, cháu nội của tôi có quen biết với Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP. Hồ Chí Minh, sau khi được sự đồng ý của chú Út Lê Hồng Anh, cháu Tảo mới hợp đồng với Trung tâm Gia phả và tiến hành lập GIA PHẢ HỌ LÊ từ đầu năm 2008. Con cháu trong họ tộc đã rất nhiệt tình giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi: đưa đón, chỉ dẫn và kể lại chuyện dòng họ mình để các chuyên viên gia phả ghi chép, chụp ảnh… ở nhiều nơi, gặp nhiều người, ra thăm đồng mả, Phủ thờ…

Thay mặt họ tộc, tôi cám ơn tất cả bà con trong họ, cám ơn các chuyên viên gia phả thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp tốt, làm việc tích cực để hoàn thành bộ gia phả đúng như dự định. Bộ gia phả là công trình tập thể giữa gia đình và các chuyên viên gia phả.

Khi hoàn thành, bộ Gia phả là gia bảo của dòng họ ta, rất thiêng liêng vì đã có đủ họ tên, năm sanh, ngày mất (giỗ), nơi mộ táng, cả Tổ quán và nhà thờ họ. Bộ gia phả là một trong ba yếu tố quan trọng cấu thành của mỗi gia đình văn hóa Việt Nam: Gia phả, đồng mả và từ đường. Bộ gia phả là cơ sở quan trọng để kết chặt dòng họ với nhau, thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống; biết công đức của Tổ tiên để hết lòng kính yêu, tôn thờ, cúng giỗ. Tự hào về Tổ tiên, ông bà mình, con cháu trong họ càng hết sức giữ gìn truyền thống tốt đẹp đó, không làm điều gì sái quấy làm ảnh hưởng đến thanh danh dòng họ. Bộ gia phả phải được cất giữ nơi tôn nghiêm trong nhà thờ chi họ. Hàng năm đến ngày giỗ ông bà, người đại diện họ tộc trân trọng đọc lại công đức của ông bà để giáo dục truyền thống của họ tộc cho con cháu.

Làm được như vậy là con cháu chúng ta đã thiết thực báo hiếu Tổ tiên ông bà vì đã làm đúng sở nguyện của Tổ tiên ông bà ta vậy

Bộ gia phả này chủ yếu phổ biến trong dòng họ, các nhà khoa học cũng có thể tham khảo.                                                  

Rạch Giá, đầu Xuân Mậu Tý 2008

Đại diện họ tộc Lê

LÊ VĂN HOÀNH

 

PHẢ KÝ

Yêu nước thương nòi là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Thời chiến tranh mọi người dồn mọi sức lực, trí tuệ cho việc nước, ít quan tâm đến việc nhà. Nhưng khi đất nước thanh bình, người ta mới có điều kiện lo cho gia đình về kinh tế, nhứt là về văn hóa đạo đức truyền thống, khôi phục lại nề nếp gia phong, kỷ cương cho gia đình dòng họ.

Nước có sử, nhà có phả. Quốc sử chép sự hưng vong qua các triều đại, thịnh suy của đất nước; gia phả ghi sự thăng trầm, tồn tại và phát triển của một họ tộc, với bao công lao sáng lập của Tổ tiên ông bà tạo dựng cơ nghiệp cho con cháu ngày nay, qua từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Trong thực tế hiện nay có một điều khá phổ biến là hầu như toàn dân- thông qua nhà trường- ai cũng thuộc lịch sử đất nước, nhưng lịch sử gia đình (Gia phả họ tộc) thì không phải ai cũng hiểu rõ cặn kẽ tận tường. Khi có ai hỏi về ông bà thì rất đông người chỉ biết tên ông nội (ít biết tên bà nội); hỏi về tổ quán xa xưa thì được trả lời chung chung là ông bà ngoài Trung, ngoài Bắc… vào (không biết năm nào, gốc gác ở đâu). Nói như vậy không sai nhưng xét cho thấu tình đạt lý là còn thiếu xót.

Trước hết do điều kiện khách quan bao trùm là đất phương Nam, nay là Nam bộ, là vùng đất mới có tuổi đời trên 300 năm, nguyên là vùng đất bãi bồi hoang sơ, ít có dấu chân người. Người dân định cư, lập nghiệp ở đây, chủ yếu từ Đàng Ngoài vào theo nhiều nguồn, bằng nhiều cách. Có những đợt di dân quy mô do chế độ phong kiến tổ chức, trong đó có không ít những người chống lại triều đình, tội đồ trốn thuế, trốn sâu; những binh lính chán ghét chiến tranh tương tàn cốt nhục “đào ngũ” ở lại… Trong hoàn cảnh như vậy, họ phải giấu biệt tông tích, có khi phải thay tên đổi họ để tránh sự truy lùng của chánh quyền đương thời, thì làm sao dám ghi lại gia phả. Họ chỉ thận trọng truyền miệng đôi điều cho con cháu biết và dặn phải giữ kín trong dòng họ, không được nói rộng ra bên ngoài.

Có thể nói suốt thời gian dài, Nam kỳ không có Gia phả và cũng không có thói quen viết gia phả, ngoại trừ những vị quan lại, nhà nho hay họ tộc danh giá như Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu, Trương Vĩnh Ký…còn đại đa số nông dân, nhứt là bần nông, thì vì phải quần quật đêm ngày đầu tắt mặt tối để kiếm sống ít có quan tâm và vì không có điều kiện học hành biết chữ để tự viết gia phả cho họ tộc mình. Đây là một sự khó khăn rất lớn hiện nay cho những người tìm hiểu nghiên cứu gia phả ở Nam bộ và các họ tộc muốn lập gia phả cho dòng họ mình, trong đó có họ Lê ta.

PHÁT TÍCH DÒNG HỌ VÀ TỔ QUÁN

Theo lời kể của ông Lê Văn Hoành, sanh năm 1912, người lớn tuổi nhất của họ tộc Lê ở Phước Long hiện nay, là: nghe ông bà truyền lại thì ông Tổ họ Lê là ông LÊ VĂN GIÁC quê gốc từ miền Trung đưa vợ con vào Nam, trú ngụ đầu tiên ở vùng Bến Đáy – Ba Động thuộc tỉnh Trà Vinh. Bà Tổ tên là NGUYỄN THỊ LAN cùng theo chồng con vào Bến Đáy sanh sống tại đây, chắc cũng làm nghề nông hay gia đình đóng đáy, được khoảng 30 năm. Độ chừng năm 1905, ông bà và con cháu sang đất Vĩnh Tường, Vị Thanh sanh sống (Vĩnh Tường nay thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang)

Lúc tôi (Lê Văn Hoành) được 2-3 tuổi, tức năm 1915, ông bà lại dắt con cháu qua miệt Phước Long (nay thuộc tỉnh Bạc Liêu) lập nghiệp lâu dài. Lúc đó Phước Long đất rộng người thưa, rừng tràm U Minh bao la, năm nầy người Pháp cho đào kinh Phụng Hiệp nhằm khai thông đường thủy nên dân cư các nơi tụ tập về. Ông và các con ra công khai khẩn tạo dựng được chừng 300 công ruộng.

(Ông Lê Văn Hoành nhớ tên ông nội mình là LÊ VĂN NÚI - đời I, nhưng sau đó ông Lê Văn Hoành thống nhứt với cánh bên ông Lê Văn Đặng – Chi 3- tên ông nội là LÊ VĂN GIÁC bà tên NGUYỄN THỊ LAN (HUỆ). Ông bà sanh hạ được 8 người con (đời II), gồm 5 gái, 3 trai. Bà thứ Hai chết nhỏ, bà thứ Ba Lê Thị Nữ, vợ ông Trưởng Phụng; bà thứ Tư Lê Thị Trang, ông thứ Năm Lê Thành Đô ở Sóc Trăng có con trai là Hai Quảng có tới thăm, ông thứ Sáu Lê Văn Hớn (thân phụ ông Lê Văn Hoành), ông thứ Bảy Lê Văn Tài (Sừng) ở Phước Long, bà thứ Tám chết nhỏ, bà thứ Chín Lê Thị Chín, vợ ông xã Luận có con là Tư Dư.

Ba người trai tạo thành 3 chi là ông Năm Lê Thành Đô (Chi 1), ông Sáu Lê Văn Hớn (Chi 2) và ông Bảy Lê Văn Tài (Chi 3). Mỗi ông sanh ra 9-10 người con (Đời III), đông các cháu (Đời IV), chắt (Đời V), nay đã tới đời VII, ở Kiên Giang, Sóc Trăng và TP.HCM.

Nếu tính tuổi theo gia phả học, mỗi thế hệ (đời) cách  nhau khoảng từ 20 đến 25 năm, thì ông Lê Văn Hớn là con thứ Sáu của ông Lê Văn Giác sanh năm 1879, nhỏ hơn người chị thứ Hai của ông khoảng 10-12 tuổi và nhỏ hơn thân phụ ông khoảng từ 30 đến 35 tuổi. như vậy có thể đoán biết ông Tổ Lê Văn Giác sanh khoảng năm 1870 đến 1873, tức vào thời vua Tự Đức (1847-1883). Từ đó suy ra ông từ Đàng Ngoài phải ở tuổi trưởng thành lúc 20-25 tuổi vào đất phương Nam lập nghiệp khoảng năm 1890-1893, khi giặc Pháp xâm chiếm Lục tỉnh Nam kỳ.

Ở làng xã chánh quyền Pháp ra sức tập hợp số địa chủ nhiều ruộng đất đưa vào bộ máy chánh quyền, tạo thế lực làm công cụ đàn áp, bóc lột nông dân, chủ yếu là cướp đất, cướp lúa của tá điền. Họ Lê đều là tá điền. Ông Lê Văn Hoành là tá điền của Thầy cai Ký ở Phước Long. Ở đây ruộng đất hẹp lại chỉ độc canh cây lúa, cuộc sống gia đình chật vật, khốn khó lắm. Theo lời gợi ý của người cô thứ Chín, ông xuống Vĩnh Thuận làm ăn vì ở đó đất rộng lại có nhiều cá, rau; có đủ thực phẩm nuôi sống hàng ngày. Về Vĩnh Thuận với hai bàn tay trắng, ông phải ở đợ làm mướn ba năm để dành dụm vốn, vừa chuẩn bị tạo dựng cơ sở của mình. Ban ngày làm thuê cho địa chủ, ban đêm lựa những chỗ trảng trống dọn đất trồng cây, cấy lúa. Đây là vùng nước sâu thường ngập tới bụng, khum cấy nước đụng lỗ mũi, lúa cắm xuống hụt đọt.

Ông Hai Hoành còn nhớ, lúc 3-4 tuổi, mỗi lần ngồi xuồng theo cha về thăm ông nội của ông, cha ông phải bơi xuồng từ sáng sớm đến 9-10 giờ trưa mới tới nơi. Ông nội bịnh, ông đứng quạt cho ông nội. sau đó ông nội yếu dần rồi chết từ từ êm ái ở tuổi 70. Bà nội mất sau ông nội gần chục ngoài năm. Ông Hai Hoành còn nhắc lại lời ông nội của ông nói: “Còn có một người anh của ông Nội thất lạc”. Lâu nay ông Hai Hoành có tìm hiểu, hỏi thăm nhưng không biết tên gì và ở vùng nào, nên chưa có cách nào tìm được. Họ Lê thì ở tỉnh nào cũng có. Ông Hai Hoành tha thiết: Nếu cụ Tổ còn con cháu, hy vọng qua bộ gia phả này, con cháu họ Lê hai bên sẽ cố công tìm nhận dòng họ lại nhau!

Về 3 chi, sau chuyến đi điền dã ở Sóc Trăng do thân nhân họ Lê hướng dẫn, các chuyên viên gia phả được biết ông Năm Lê Thành Đô 

(Chi thứ nhứt) kết duyên cùng bà Dương Thị Vàng, quê quán xã Gia Hòa (nay là Gia Hòa 1) huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Bà Dương Thị Vàng theo chồng về Vĩnh Tường sanh sống. Ông bà sanh được một người con trai là Lê Văn Quảng vào năm 1900.

Không rõ năm sanh của ông Năm Lê Thành Đô, nhưng theo cách tính của gia phả học, ông sanh khoảng năm 1877 (vì người em kế của ông là ông Sáu Lê Văn Hớn sanh năm 1879) chỉ biết ông mất ngày 24-4-1903 vì bịnh, được bạn bè chôn cất trong rừng, trong lúc đi làm ăn xa tận vùng rừng hoang Đồng Tháp Mười, không biết nơi chôn cụ thể, thuộc Long An ngày nay. Sau ngày mãn tang chồng, bà Dương Thị Vàng bồng con là Lê Văn Quảng về quê mình là Gia Hòa, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng nuôi con khôn lớn. Bà mất tại đây, con cháu không nhớ ngày giỗ của bà.

Tìm hiểu gốc tích, biết được hoàn cảnh xã hội của đất nước thuộc địa, phong kiến, đời sống dân ta vô cùng đói khổ, cực nhục. Ách nước, nạn dân. Ông Năm Lê Thành Đô là con trai trưởng phải tách riêng ra khỏi cha mẹ, cùng với bạn bè đi làm ăn xa để có tiền lo cho vợ con. Nhưng ông chết vì bệnh dịch (tả), gởi xác nơi quê người. Ngay ông Sáu Lê Văn Hớn sanh ra 9 người con, dẫu có chổ ở ổn định, nhưng sự nghèo đói và thiếu thuốc men, đành phải để chết 3 người con (thứ 4, 5 và 10) khi còn tuổi ấu thơ!

Ông Lê Văn Quảng sanh năm 1900 là người con duy nhất của ông Lê Thành Đô, là cháu nội đích tôn của ông Tổ Lê Văn Giác. Ông Hai Quảng sánh duyên với bà Lê Thị Trước, sanh năm 1908, ông bà có 10 người con (4 nữ, 6 nam). Trước đây có một người con của ông Hai Quảng đến thăm ông Hai Hoành. Hiện đã liên lạc được với ông Lê Văn Luyến con của ông Hai Quảng cư ngụ quận 8 thành phố Hồ Chí Minh và 2 người con của ông Lê Ngọc Nên, tức cháu nội ông Hai Quảng, là Lê Hồng Công (Nguyễn Hồng Công) ở Quận 8 thành phố Hồ Chí Minh và Lê Hồng Cảnh ở Sóc Trăng

Chi thứ hai: Ông Lê Văn Hớn là chi rất đông đảo con cháu chắt và có nhiều người thành đạt, thậm chí có người nổi trội nhứt trong họ tộc. Ông Lê Văn Hớn sanh năm 1879 (Kỷ Mảo), kết duyên với bà Ngô Thị Đính, sanh năm 1882 Nhâm Ngọ. Ông bà sanh hạ được 9 người con, chết nhỏ 3 người (thứ tư, thứ năm và thứ mười), còn lại 6 người (2 nam, 4 nữ). 

Ông Hai Lê Văn Hoành sanh năm 1912 là con trưởng kết duyên với bà Ngô Thị Đẹp sanh năm 1914. Ông bà có 11 người con (4 gái, 7 trai), những người con của ông bà ổn định cuộc sống, nhiều người làm ăn khá giả, riêng người thứ mười Lê Hồng Anh, hiện đang giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy Chánh phủ ta, là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công An.

Chi thứ ba: Ông Lê Văn Tài (Bảy Sừng) sanh năm 1881 Tân Tỵ, kết duyên với bà Trần Thị Huệ sanh năm 18… Ông bà hạ sanh 6 người con, chết nhỏ 3 người (thứ tư, thứ năm và thứ sáu), còn lại 3 người nam là: 2. Lê Văn Phát, 3. Lê Văn Thời và 7. Lê Văn Hơn đều làm ăn sanh sống trên đất ông bà ở Phước Long. Mảnh đất này gắn bó nhiều kỷ niệm của dòng họ nơi ông bà con cháu định cư lâu dài nhứt, nơi có mộ phần ông bà và có Phủ thờ họ Lê. Được biết thời gian sắp tới, hậu duệ họ Lê sẽ có kế hoạch tôn tạo lại mồ mả ông bà, giành phần đất rộng rãi để xây lại Phủ thờ cho tương xứng với quy mô dòng họ trên khu đất mà ông bà từng sanh sống và qua đời tại đây. Cả ấp, nhà nhà liền nhau, nhà nào cũng xây cất khang trang, có sân vườn rộng rãi, có hoa kiểng cây trái tốt tươi, trên lộ dưới sông thuận lợi cho công việc làm ăn giao lưu hàng hóa.

Nơi đây được họ tộc Lê chọn làm Tổ quán của mình.

LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT

Tổ quán họ Lê ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Theo sử sách cũ, vào thế kỷ thứ 18, Bạc Liêu là một trong bốn huyện của trấn Hà Tiên – Hà Tiên sau là một tỉnh thuộc lục tỉnh Nam kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên). Bốn huyện đó là Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Di (Bạc Liêu) và Trấn Giang (Cần Thơ). Thời đó ở đất Phương Thành (Hà Tiên ngày nay), tướng Mạc Cửu (thuộc nhà Nguyễn) đã quy tụ đông đảo người Việt, người Hoa, Khmer lập được 7 làng. Sau họ Mạc đưa người đến đất Trấn Di, tức Bạc Liêu để khai hoang, lập nghiệp.

Năm Nhâm Ngọ 1882 (đời vua Tự Đức) chánh quyền Pháp bãi bỏ trấn thành lập tỉnh. Tỉnh Bạc Liêu ra đời từ đó, đầu tiên do viên chủ tỉnh người Pháp là La Mothe De Carrier nắm quyền cai trị. Tỉnh Bạc Liêu lúc đầu chỉ có 2 quận là Vĩnh Lợi và Cà Mau, đến năm 1904 được thêm quận Vĩnh Châu, năm 1918 lại thêm quận Giá Rai. Năm 1947, quận Phước Long (thuộc tỉnh Rạch Giá) được sát nhập vào tỉnh Bạc Liêu-quận Cà Mau thành tỉnh Cà Mau. Bấy giờ tỉnh Bạc Liêu chỉ còn 4 quận: Vĩnh Lợi,Vĩnh Châu, Giá Rai và Phước Long.

Dưới chế độ Sài Gòn (1955-1965), tỉnh Bạc Liêu bị xáo trộn nhiều lần, có lần bị mất luôn tên: Sắc lệnh số 143/NV ký ngày 25-10-1955 sát nhập tỉnh Bạc Liêu với tỉnh Sóc Trăng thành tỉnh Ba Xuyên, tỉnh lỵ Bạc Liêu thành huyện lỵ Vĩnh Lợi. Tỉnh Cà Mau thành tỉnh An Xuyên. Tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu bị xóa tên.

Nghị định số 244/NV ký ngày 24-12-1961 rút quận Phước Long (của tỉnh Ba Xuyên) nhập vào tỉnh Chương Thiện mới thành lập.

Sắc lệnh số 245/NV ký ngày 8-9-1964, tỉnh Bạc Liêu được tái lập gồm 4 quận cũ: Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu, Giá Rai và Phước Long với 5 tổng, 17 xã, 22 ấp.

Quận Phước Long là quận có diện tích trung bình: 56.800 ha (Giá Rai: 109.119 ha, Vĩnh Châu: 37.060 ha, Vĩnh Lợi nhỏ nhất: 35.172 ha), dân số 39.448 người, có 2 tổng là Thanh Bình và Thanh Yên, 4 xã là Phong Thạnh Tây, Ninh Thạnh Lợi,Phước Long và Vĩnh Phú, có 39 ấp. Quận lỵ đặt tại xã Phước Long nay là thị trấn Phước Long (huyện Phước Long), tổ quán của họ Lê ta.

Về địa lý, quận Phước Long xưa (gồm cả quận Hồng Dân mới tách sau) thuộc vùng đồng lầy Cà Mau quanh năm ngập nước nên dân ở đây gọi là Láng Biển, trong đó có huyện Giá Rai và Phước Long, đất chỉ để cấy lúa. Tuy nhiên nhờ có các sông Gành Hào, sông Bạc Liêu, sông Cổ Cò; sau còn có nhiều kinh đào thoát nước úng thủy ra biển Đông, nhất là sau ngày giải phóng, bằng các công trình thủy lợi, đất được cải tạo tăng năng suất, tăng vụ gấp 2-3 lần so với trước đây.

Từ xưa Bạc Liêu nổi tiếng là vựa lúa và kho muối của Nam kỳ, lúa gạo dư ăn tại chỗ mà còn bán ra cả nước. Sách Phủ Biên Tạp lục của Lê Quý Đôn có ghi: “Ngày trước việc buôn bán với Đàng Trong được lưu thông, thì kinh thành Phú Xuân (Huế) giá gạo môt hộc mười thăng chỉ có 3 tiền đồng, mà có thể đầy đủ cho một người ăn trong một tháng, cho nên người dân ở Thuận Hóa chưa hề phải lưu tâm chú ý đến việc nghề nông”

Lúa gạo là nhiều như vậy, nhưng chủ yếu nằm trong tay bọn quan lại, cường hào, địa chủ. Riêng địa chủ Trần Trinh Trạch (Hội đồng Trạch) có 145.000 ha ruộng lúa (70% diện tích ruộng lúa toàn tỉnh) và 10.000/ 14.000 ha ruộng muối của Bạc Liêu. Chỉ tính 4 tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá và Bạc Liêu đã có 996.000 ha đất cấy lúa, bằng 40% ruộng đất cả Nam kỳ (sổ Điền bạ thời Pháp ghi). Chính ông Paul Bernard, nhà kinh tế học người Pháp đã nói: “Chính nhờ sự đóng góp của Nam kỳ, Chánh phủ Pháp có thể đài thọ bộ máy cai trị toàn Đông Dương” (Lê Minh- Đồng bằng sông Cửu Long, NXB Thành phố Hồ Chí Minh)

Ông Lê Văn Sung (con ông Lê Văn Hoành) kể: “Ông nội tôi (Lê Văn Hớn) chết  lúc đó tôi biết mộ chôn ở liếp đất cao rộng 5 công đất, cách nhà 1.500 mét. Khu đất nầy sau chôn thêm: Chú Bảy, cô Chín, dượng Chín, dượng Sáu, ông Tám …

Lúc đầu 50 công đất lung nước sâu chỉ cấy được 17 công. Đất nầy ở kế đất ông Năm Cúc và ông sáu Lé ở khuThổ Họ,kêu là Xóm Miên có Sóc người Khơ-me ở. Sau nhà có kinh thủy lợi, nước rút cạn dần, cấy được 35 công mà vẫn bị địa chủ chiếm.

Những người nông dân, tá điền khốn khổ là những nạn nhân của bọn đế quốc và tay sai. Tức nước vỡ bờ. Thời gian này liên tiếp nhiều cuộc đấu tranh tự phát của nông dân nổ ra, tuy thất bại nhưng cũng đã thể hiện ý chí bất khuất chống bạo quyền. Vụ Chủ Chọt xã Ninh Thạnh Lợi, quận Phước Long chống lại bọn địa chủ người Pháp giết chết cò Tây Bouchet (1927). Vụ gia đình Mười Chức ở ấp Nọc Nạn, xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai đâm chết tên cò Tây Tourier (1928)… đã nói lên tinh thần vùng dậy của tầng lớp nông dân chân đất, đầu trần, lam lũ làm ăn, khi bị chiếm đoạt quyền lợi, đe dọa cuộc sống gia đình thì họ quyết sống chết với kẻ thù.

Tinh thần bất khuất nầy đã truyền lại cho nông dân Bạc Liêu và Nam Bộ suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ đến ngày giành được độc lập, thống nhứt , kiến thiết đất nước.

ĐẶC ĐIỂM DÒNG HỌ 

Họ tộc nào cũng có nét đặc trưng của dòng họ mình, một đặc điểm tiềm ẩn trong huyết thống – cái gien di truyền- mà người khác họ khó có được, nó được hun đúc từ truyền thống đạo đức, tính cách thể hiện qua những công việc hàng ngày. Họ Lê ta không là ngoại lệ.

Có thể nêu mấy đặc điểm tiêu biểu: 

1. Tính mạnh dạn, sáng tạo, không chịu bó tay trước mọi nghịch cảnh của cuộc đời. Từ ông Tổ Lê Văn Giác phải 3 lần thay đổi nơi làm ăn sanh sống. Ông Năm Lê Thành Đô (Đời II) đến khai hoang vùng Đồng Tháp Mười, dù đã tốn bao mồ hôi công sức, quyết định tìm vùng đất mới thuận lợi hơn để cuộc sống gia đình khấm khá hơn. “Đất lành” Phước Long là nơi đáp ứng yêu cầu đó. 

Đến đời III, ông Lê Văn Hoành, khi dòng họ đã đông người, mảnh đất Phước Long trở nên nhỏ hẹp lại độc canh cây lúa, chỉ đủ nuôi sống, không phát triển nhiều được; ông là con trai trưởng  của chi 2, đã mạnh dạn đổi đời, quyết định về vùng đất sâu Vĩnh Thuận, chấp nhận lúc ban đầu làm ăn khó khăn, nhưng ở đây là đất rộng, nơi có nhiều cá (cá lóc lớn 1 con 2 ký) có thể sống được, nên ra sức cải tạo 50 công đất lung trở thành đất hữu ích.

2. Tình đoàn kết, trọng nghĩa khinh tài, chung thủy với bạn bè: Từ lúc mới đến Vĩnh Thuận, ông Hai Hoành đã kết thân với ông Sáu Do (Nguyễn Văn Do), hai nhà cất cạnh nhau, nương tựa giúp đỡ nhau khi tối lửa tắt đèn, trong việc làm ăn sản xuất như hai anh em ruột (ông Sáu Do lớn tuổi hơn làm anh), người ở xứ đó không ai biết là anh em bạn! Ngày nay con cháu của hai ông vẫn đối xử với nhau thân mật như anh em trong gia đình.

3. Thừa hưởng truyền thống tốt đẹp của ông cha, lớp hậu duệ họ Lê (đời IV, đời V), những con cháu của tá điền nghèo khổ bị bóc lột trước đây lại được Đảng giáo dục rèn luyện, đã hết lòng đi theo cách mạng chống giặc cứu nước, giải phóng dân tộc, gia đình đã đóng góp to lớn sức người, sức của cho cách mạng, đã có nhiều người là liệt sĩ, ông Lê Văn Hoành là đảng viên, từng vào tù ra khám ở các nhà tù đế quốc, đặc biệt con trai ông là đồng chí Lê Hồng Anh hiện là Đại tướng-Bộ trưởng Công An, làm rạng danh dòng họ Lê ta.

4. Phát huy truyền thống và tinh thần triệt để cách mạng của dòng họ, họ tộc Lê quyết tâm xây dựng gia đình, dòng họ văn hóa, thể hiện bằng những việc làm cụ thể: thờ cúng Tổ tiên tôn nghiêm, hết lòng trân trọng kính yêu ông bà cha mẹ còn sanh tiền, chăm lo mồ mã nhà thờ, xây dựng lịch sử dòng họ (Gia phả) nghiêm túc; chú ý việc khuyến học, khuyến tài, khuyến nghiệp cho con cháu trong họ, mỗi người làm tròn bổn  phận với gia đình, ý thức trách nhiệm công dân; đồng thời quan tâm đến gia đình, dòng họ khác ngoài xã hội. Đó là đạo đức cách mạng, tình nghĩa thủy chung, truyền thống bao đời của dân tộc ta luôn được trân trọng giữ gìn.

Nguyện vọng của hậu duệ họ Lê trong tương lai sẽ xây dựng lại Phủ thờ tại Tổ quán Phước Long khang trang to đẹp hơn để xứng tầm với quy mô dòng họ lớn, thành đạt mà tổ tiên đã là một trong những vị tiền hiền có công khai khẩn mảnh đất nầy từ hoang vu đến tốt đẹp thịnh vượng như ngày nay và nối truyền mãi mãi.