Trang chủ > 035. Gia phả họ Phạm ở ấp 9, Mỹ Lộc, Tam Bình, Vĩnh Long)

035. Gia phả họ Phạm ở ấp 9, Mỹ Lộc, Tam Bình, Vĩnh Long)

18/08/2022 21:07:13

035. Gia phả họ Phạm ở ấp 9, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2008.

LỜI NÓI ĐẦU

“Cây có cội, nước có nguồn”, “Nước có sử, nhà có phả”. Cuộc đời dù trải qua bao thăng trầm dâu bể, trong suy nghĩ của nhiều người, lúc nào cũng muốn tìm hiểu về nguồn cội, gốc gác của mình như một điều thiêng liêng và huyền diệu.

Để ghi lại những chặng đường phát triển, những thăng trầm của quá trình dựng nước, quốc gia nào cũng có sử. Và để ghi lại công lao của những bậc tiền nhân đã dày công xây dựng nên dòng họ, phần lớn dòng họ nào cũng có gia phả. Gia phả còn là một bộ sách ghi lại tên tuổi những bà con nội ngoại của dòng họ mình theo trật tự, thứ thế trên - dưới, trước - sau, ghi lại những hành trạng, việc làm, mồ mả... của tất cả những người trong dòng họ.

Dòng họ Phạm chúng ta được hình thành và phát triển tại ấp 9 xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long tính đến nay khoảng 150 năm. Trải qua nhiều chặng đường lịch sử của đất nước và nhất là trong giai đoạn hai cuộc chiến tranh kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bà con ly tán, một số mồ mả thất lạc... Ngày nay theo sự phát triển của xã hội, một số con cháu phải làm ăn và sinh sống xa quê hương. Để con cháu (nhất là những người xa quê hương) biết được gốc tích ông bà tổ tiên của mình, biết được truyền thống của dòng họ để luôn phấn đấu sống tốt, xứng đáng với tấm gương lao động và đạo đức của tổ tiên. Và nhất là để biết được bà con dòng họ nhằm thắt chặt mối quan hệ tình cảm huyết thống, giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn của cuộc sống. Việc xây dựng cuốn gia phả cho dòng họ Phạm chúng ta là rất cần thiết. 

Vừa qua, với sự giúp đỡ của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thuộc Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM và với sự cộng tác của bà con họ Phạm ở xã Mỹ Lộc cùng một số địa phương khác, cuốn gia phả họ Phạm bước đầu đã được hình thành. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan, những tư liệu liên quan đến dòng họ Phạm hầu như không có, mồ mả của ông bà Tổ nguy  ên không có bia mộ nên những gì biết về ông bà tổ của chúng ta vẫn còn rất hạn chế. Thêm vào đó, ngày nay có một số con cháu chưa thể liên lạc được để có những thông tin chính xác và đầy đủ cho cuốn gia phả này.

Với những thực tế như đã nêu, cuốn gia phả này chắc sẽ còn nhiều thiếu sót, rất mong bà con trong dòng họ chúng ta hãy tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để cuốn gia phả họ Phạm ngày càng hoàn thiện.

Nhân đây, xin chân thành cám ơn Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM, xin cám ơn tất cả bà con họ Phạm trong thời gian qua đã tích cực cộng tác, giúp đỡ để cuốn gia phả họ Phạm bước đầu được hình thành.

TP.HCM, ngày 7 tháng 6 năm 2008

Thay mặt họ Phạm

PHẠM CHÁNH TRỰC 

(Đời VI)

 

SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ DÒNG HỌ PHẠM VIỆT NAM

Họ Phạm Việt Nam, một thành viên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã xuất hiện từ những ngày đầu giữ nước và dựng nước. Cùng với những thăng trầm của lịch sử, những biến động về mọi mặt kinh tế, xã hội, văn hóa và sự pha trộn chủng tộc, họ Phạm cũng như các dòng họ khác ở Việt Nam đều có một lịch sử lâu đời gắn liền với từng giai đoạn lịch sử Việt Nam từ thượng cổ đến nay, đều đã đóng góp công sức vào sự duy trì và phát triển nòi giống, vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước, mở mang bờ cõi, bảo vệ quê hương, khai hoang lập ấp, phát triển kinh tế, bảo tồn và phát triển những tinh hoa văn hóa của dân tộc.

Viết về lịch sử của một dòng họ hay biên soạn tộc phả của một dòng họ không thể tách rời sự nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử của dân tộc, bởi vì lịch sử của một dân tộc là sự tích hợp của lịch sử các dòng họ, lịch sử của các địa phương, của các nhân vật lịch sử trong các dòng họ đã có nhiều cống hiến cho đất nước.

Trong lịch sử Việt Nam, nhân vật lịch sử họ Phạm xuất hiện đầu tiên trong chính sử như trong các bộ Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt sử ký tiền biên… là danh tướng Phạm Tu ở thế kỷ thứ VI sau Công nguyên. Ông là vị Khai quốc công thần nhà Tiền Lý, đã có công giúp Lý Nam Đế đánh quân Lương (năm 542) bình định Chiêm Thành (543), dựng nên Nhà nước Vạn Xuân (544). Vị lão tướng này có quê ở thôn Vực, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Đấy là xét về mặt cứ liệu lịch sử chính thống. Còn theo các bản thần phả, thần tích thì ta thấy có sự xuất hiện các vị họ Phạm sớm hơn như Phạm Hải (Nam Hải Đại vương) xuất hiện vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên, người đã cùng với Tản Viên Sơn thánh giúp vua Hùng thứ 18 đánh Thục. Ông được nhân dân nhiều nơi lập đền thờ như ở Thái Thụy (Thái Bình) và ở một số nơi khác thuộc các vùng duyên hải Bắc, Trung bộ.

Như vị tướng Phạm Gia vào năm 208 trước Công nguyên đã cùng với tướng Trịnh Huân là những vị tướng của An Dương Vương, sau khi bị Triệu Đà đánh thua đã lui quân về vùng Hoài Đức cùng nhân dân khai phá đất đai lập ra trang Cái Chuôm, nay còn di tích ở xã Yên Nghĩa, Hoài Đức, Hà Tây.

Như Phạm Danh Hương, chồng chưa cưới của Võ Thị Thục, sau trở thành Bát Nạn tướng quân, nữ tướng của Hai Bà Trưng, Phạm Danh Hương đã bị Tô Định giết cùng với Vũ Công Chất, bố của Vũ Thị Thục. Vũ Thị Thục đã thoát chạy về vùng Chu Diên và dấy binh tại đây theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa, nay còn thần tích ở đền thờ tại xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, Thái Bình.

Rất tiếc, sử liệu chính thống về 3 vị họ Phạm trước Phạm Tu không có, nên từ bao lâu nay, nhất là từ sau những năm 70 của thế kỷ trước, các nhà sử học và các nhà nghiên cứu văn hóa cũng chỉ mới nói nhiều và chú ý khai thác nhiều về nhân vật Phạm Tu vì ông là nhân vật lịch sử họ Phạm đầu tiên xuất hiện trong chính sử.

Phạm Tu sinh ngày 10 tháng 3 năm Bính Thìn (19/4/476) tại xã Quang Liệt, nay là Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông là vị tướng đứng đầu Ban Võ của triều đình Lý Nam Đế. Năm 544 Nhà nước Vạn Xuân ra đời thì năm 545 nhà Lương lại đem quân sang xâm chiếm nước ta. Trong trận chiến đấu không cân sức tại ngã Ba Sông (sông Hồng và Tô Lịch) để bảo vệ thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay), ông đã tử trận ở tuổi 70. Ông được phong là Đô Hồ Đại vương, được thờ làm thành hoàng tại đền thờ ở quê hương ông, xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội.

Tiếp nối chí cha ông, con Phạm Tu là Phạm Tĩnh đã giúp Lý Phật Tử xây dựng triều chính. Con Phạm Tĩnh là Phạm Hiển đã nổi lên khởi nghĩa chiêu mộ quân chống lại quân nhà Tùy những năm 603 - 605. 

Với truyền thống vì dân vì nước, các triều đại tiếp theo trong lịch sử Việt Nam, họ Phạm nói chung đều có những danh thần, võ tướng cống hiến nhiều công lao cho đất nước.

Thế kỷ thứ X, họ Phạm có Đồng Giáp tướng quân Phạm Chiêm, hậu duệ đời thứ 15 của Phạm Tu đã có công lớn trong việc giúp Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán. Có sứ quân Phạm Phòng Át tức Phạm Bạch Hổ, người đất Đằng Châu (thuộc Hưng Yên ngày nay) đã đem quân về với Đinh Bộ Lĩnh, giúp Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước. Thời Đinh - Lê có hai anh em là Tả tướng Phạm Hạp và Đại tướng Thái úy Phạm Cự Lượng. Người sáng lập ra Vương triều Lý là Lý Công Uẩn có mẹ là người họ Phạm. Bà là Phạm Thị Ngà quê ở Dương Lôi, Bắc Ninh sau này được phong là Lý triều Quốc mẫu. Dưới triều Lý, họ Phạm lại phát nhiều về ban văn, một trong những vị trạng nguyên đầu tiên người họ Phạm là Phạm Công Bình, người Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Ông đỗ trạng nguyên khoa Mậu Thìn (1208) cùng với Phạm Tử Hư. Vào cuối triều Lý, có 3 vị đại thần họ Phạm đã đóng góp nhiều công sức vào việc thành lập triều đại mới của nhà Trần. Đó là Phạm Kính Ân sau được phong Thái úy (1236), Phạm Ứng Thần và Phạm Ứng Mộng làm tới Tể tướng (1254). Đời Trần còn có nhiều văn quan như Phạm Tông Mai và Phạm Tông Ngộ và con của Phạm Tông Ngộ là Phạm Sư Mạnh người quê gốc Kính Chủ, Kính Môn, Hải Dương. Phạm Tông Ngộ còn là võ tướng triều thần cùng với Phạm Cự Trích. Nổi bật nhất là Điện soái Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão quê gốc Phù Ủng, huyện Đường Hào, lộ Khoái Châu nay là huyện Ân Thi, Hưng Yên. Con trai Phạm Ngũ Lão là Phạm Nhữ Dực nhiều lần đánh bại quân Chiêm Thành ở phía Nam, được phong Bình Chiêm Thượng tướng quân tước Dực Nghĩa hầu. Ông cũng là thủy tổ của dòng họ Phạm ở Thanh Hóa mà gốc từ Hưng Yên vào lập nghiệp, cũng là thượng thủy tổ của các dòng họ Phạm ở Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Dưới thời Lê, họ Phạm đã có 2 vị tham gia từ những ngày đầu khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi. Đó là Phạm Văn Xảo được xếp vào hàng Khai quốc công thần, được phong Thái Bảo rồi Thái Phó và Phạm Vấn được phong là Đại tướng quân Bình chương quân quốc trọng sự. Nhân vật võ tướng nổi danh dưới thời Lê Thánh Tông là Phạm Nhữ Tăng, cháu là Phạm Nhữ Dực, cháu 5 đời của Phạm Ngũ Lão. Ông là người cùng với Lê Niệm, dưới cờ của Lê Thánh Tông, đánh bại quân Chiêm Thành, hạ thành Đồ Bàn, bắt sống vua Chiêm là Trà Toàn, tạo điều kiện mở rộng đất đai Đại Việt, thành lập thừa tuyên Quảng Nam, được phong là Bình Chiêm Hưng quốc Quảng Dương hầu. Về văn quan dưới triều Lê, họ Phạm có 4 vị có chân trong Thi xã “Tao Đàn nhị thập bát cú” của Lê Thánh Tông. Đó là Phạm Cổng Trực, Phạm Trí Khiêm, Phạm Đạo Phú và Phạm Nhu Huệ. Trong 1758 có vị đỗ đại khoa dưới triều Lê, có 122 vị họ Phạm, chiếm 7%. Và danh nhân họ phạm thời Lê rất nhiều: đó là trạng nguyên Phạm Đôn Lễ, các danh thần Thượng thư Phạm Khắc Thận, Phạm Du, Phạm Bá Ký, Phạm Công Nghị, Phạm Bá, Phạm Phúc Chiêu, Phạm Hạo, Phạm Gia Mô, Phạm Khiêm Bính…

Dưới vương triều Mạc họ Phạm cũng phát nhiều đường khoa cử: có tới 2 vị trạng nguyên họ Phạm là Phạm Đăng Quyết và Phạm Chất cùng nhiều vị đại khoa khác.

Thời Lê Trung hưng (1533 - 1789), họ Phạm cũng sản sinh ra nhiều danh nhân mà tiêu biểu là nhà sử học Phạm Công Trứ làm tới Thượng thư, Đông các Đại học sĩ , Tể tướng, tước Yên Quận công.

Dưới triều Nguyễn, họ Phạm có Phạm Đăng Hưng (1765 - 1825), Thượng thư bộ Lễ kiêm Tổng tài Quốc sử quán. Ông còn có con gái là Phạm Thị Hằng, thứ phi của thiệu Trị, mẹ đẻ của Tự Đức, nổi tiếng với danh phong Từ Dũ Hoàng Thái hậu. Dưới triều Nguyễn họ Phạm còn có nhiều đại thần như Phạm Thế Hiển (1803 - 1861), Hoàng Giáp Tam Đăng Phạm Đăng Nghị (1805 - 1881), Thượng thư Phạm Phú Thứ (1820 - 1880), Phạm Hữu Nghi ( 1797 - 1862), Phạm Quý Thích (1760 - 1825), Phạm Đình Hổ (1768 -1839), tác giả của Vũ Trung tùy bút và Tang thương ngẫu lục, Phạm Đình Toái (1817 - 1901), tác giả của Đại Nam quốc sử diễn ca v.v… Và dòng họ Phạm Yên Mô đã đóng góp một nhân vật lịch sử cuối thế kỷXIX, đó là Phạm Thận Duật (1825 - 1885), Thượng thư bộ Hình, Thượng thư bộ Hộ, Cơ Mật viện đại thần, Hiệp Biện đại học sĩ, người đã cùng Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị, hạ chiếu Cần Vương chống quân xâm lược. Trong phong trào nổi dậy hưởng ứng chiếu Cần Vương, ở Thanh Hóa có án sát Phạm Bành, lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Ba Đình cùng với Đinh Công Tráng.

Về mặt khoa bảng, trong suốt lịch sử khoa cử thời Hán học ở Việt Nam, cả nước có 2.896 vị đỗ đại khoa thì họ Phạm có 218 vị, chiếm 7,5%. Trong 144 vị đỗ tam khôi, họ Phạm cũng chiếm 13 vị (4 trạng nguyên, 5 bảng nhãn, 4 thám hoa) đứng hàng thứ 3 sau các họ Nguyễn (53 vị), họ Trần (16 vị), và ngang hàng với họ Vũ (13 vị). Trong số 48 trạng nguyên của suốt lịch sử khoa cử thời Nho học, họ Phạm chiếm 4 vị (8,3%) và cũng đứng vào hàng thứ 4 sau các họ Nguyễn (14 vị), họ Trần (5 vị) và họ Vũ (5 vị). Trong tổng số 5.232 cử nhân dưới triều Nguyễn, họ Phạm có 369 vị, chiếm 7,05%.

Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nửa đầu thế kỷ thứ XX và trong công cuộc xây dựng CNXH, họ Phạm cũng tự hào vì đã có nhiều người con hiến dâng cuộc đời cho tổ quốc. Có thể kể đến các liệt sĩ Phạm Hồng Thái (tên thật là Phạm Thành Tích), Phạm Văn Tráng, Phạm Hữu Lầu, các nhà cách mạng lão thành như Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Phạm Như Cương (tức Nguyễn Cơ Thạch), nhà khoa học, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa (tên thật là Phạm Quang Lễ), Giáo sư Viện sĩ Phạm Huy Thông, Giáo sư Bác sĩ Anh hùng lao động Phạm Ngọc Thạch.

Có thể thấy rằng xuyên suốt lịch sử  họ Phạm Việt Nam, tuyệt đại đa số những người con họ Phạm nổi tiếng đều là những bậc trung thần nghĩa sĩ đã đem hết tài năng sức lực phụng sự cho Tổ quốc, cho dân tộc. Và dòng họ Phạm Yên Mô cũng vậy, cũng đã có nhân vật nổi tiếng: ông là Phạm Thận Duật, nhà yêu nước, nhà văn hóa, người góp phần khởi động phong trào Cần Vương chống thực dân xâm lược cuối thế kỷ thứ XIX và ngày nay, con cháu cũng như đồng bào cả nước noi theo.

Trên đây là nói về lịch sử truyền thống của dòng họ Phạm Việt Nam nói chung. Còn lịch sử về sự phát triển các thế hệ dòng họ Phạm Việt Nam cũng như các chi phái họ Phạm trong cả nước như thế nào? Sự chuyển cư của các dòng họ Phạm ra sao và họ Phạm có phải là một dòng họ có cùng huyết thống, nghĩa là họ Phạm có một vị thủy tổ duy nhất như một số họ khác hay không?

Trong các dòng họ Việt Nam hiện nay, có một vài họ công nhận một vị tổ duy nhất của dòng họ mình. Đó là họ Hồ mà nguyên tổ là Hồ Hưng Dật đỗ trạng nguyên vào năm thứ 2 đời vua Hán Ẩn đế (Hậu Hán 947 - 950), vốn người Chiết Giang (Trung Quốc). Ông sang làm Thái thú ở Diễn Châu (Nghệ An), sau sự kiện 12 sứ quân, ông ở lại Việt Nam và đến hương Bào Đột (nay thuộc xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ An) làm trại chủ, sinh cơ lập nghiệp và trở thành vị tổ khai cơ họ Hồ ở đó. Họ Vũ (Võ) cũng công nhận vị thủy tổ duy nhất của dòng họ Vũ là Vũ Hồn (804 - 853), ông là con của Vũ Huy, người Phúc Kiến và mẹ là Nguyễn Thị Đức người Việt. Vũ Hồn được vua Đường Kính Tông cử sang An Nam làm Thứ sử Giao Châu năm 825, sau đó được thăng Kinh lược sứ vào năm 841, rồi phải bỏ chạy thoát thân về Trung Quốc trước sự nổi dậy của dân ta. Năm 843 về hưu, ông tìm về Mộ Trạch, Hải Dương lấy vợ, lập nghiệp sinh sống và trở thành vị tổ họ Vũ ở Mộ Trạch. Tuy nhiên không phải tất cả các chi phái dòng họ Vũ ở các nơi đều công nhận  Vũ Hồn là thủy tổ họ Vũ vì như trên đã nói, vào thế kỷ thứ I sau Công nguyên, ở trang Phượng Lâu, nay là xã Phù Ninh, Phong Châu, Phú Thọ đã có họ Vũ với ông Vũ Công Chất là bố đẻ ra Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục, nữ tướng của Hai Bà Trưng.

Còn họ Phạm Việt Nam thì sao? Họ Phạm có ông tổ duy nhất của dòng họ mình không? Như trên đã nói, nhân vật họ Phạm đầu tiên xuất hiện trong chính sử là Phạm Tu, quê ở Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội. Một vài đời sau hậu duệ của ông cũng có người có tên tuổi được ghi trong sử sách, nhưng sau đó phả hệ của dòng họ Phạm Tu bị đứt đoạn khoảng trên 10 đời và tại quê hương của ông cũng không còn phả, hay nói đúng ra chỉ có phả của những đời gần đây. Theo nhà gia phả học Dã lan Nguyễn Đức Dụ, tác giả của công trình Gia phả - Khảo luận và thực hành thì Phạm Ngũ Lão là hậu duệ đời thứ 24 của Phạm Tu, nhưng cứ liệu không biết từ đâu. Trong khi đó từ thế kỷ thứ X và những thế kỷ tiếp theo đã xuất hiện những nhân vật lịch sử họ Phạm khác như Phạm Phòng Át tức Phạm Bạch Hổ (910 - 962) là sứ quân Đằng Châu, Hưng Yên đã về quy phục Đinh Bộ Lĩnh và đã từng phục vụ cho các triều Ngô, Đinh. Hiện nay vẫn còn đền thờ ông là Đền Mây ở xã Lam Sơn gần thị xã Hưng Yên. Nhiều gia phả của các họ Phạm ở Dị Chế, Thiện Phiến, (Tiên Lữ, Hưng Yên), Hội Phụ (Đông Anh, Hà Nội), Mã Thành (Hà Tĩnh) đều ghi là hậu duệ của Pham Bạch Hổ. Cũng ở Hưng Yên, làng Phù Ủng, Ân Thi là nơi quê gốc của Phạm Ngũ Lão, nhưng hiện nay ở đó hậu duệ Phạm Ngũ Lão không còn ai. Phạm Ngũ Lão có 2 vợ, ông có một người con út, con của bà thiếp họ Nhữ, người Thanh Hóa tên là Phạm Nhữ Dực. Khi cha mất, Phạm Nhữ Dực theo về quê mẹ ở Thanh Hóa, sinh cơ lập nghiệp ở đó và trở thành vị tổ họ Phạm ở Thanh Hóa và sau này dòng họ Phạm này lại có sự chuyển cư ra phía Bắc và vào miền Nam Trung Bộ (Quảng Nam, Quảng Ngãi). Ở Hưng Yên ngày nay còn có dòng họ Phạm của Phạm Kính Ân là quan Thái Úy của hai triều Lý Trần, mà hậu duệ còn có đến ngày nay, cũng có thể là thuộc dòng Phạm Bạch Hổ.

Trong quá trình hoạt động trong Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam, tôi đã được đọc và tiếp xúc với một số gia phả của các dòng họ Phạm từ các nơi gửi về thì thấy nhiều dòng họ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ có nguồn gốc từ Thanh Hóa chuyển ra. Trong Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy nghĩ, Giáo sư Trần Quốc Vượng cũng đưa ra nhận xét: Dưới triều Lê có một trào lưu di dân từ xứ Thanh ra châu thổ Bắc Bộ và vào Thuận Quảng, và tất cả các dòng họ Phạm từ Thanh Hóa ra Bắc đều có lịch sử sau năm 1350.

Trong lịch sử còn xuất hiện nhiều nhân vật, nhiều nhà khoa bảng xuất thân từ dòng họ Phạm ở Kính Chủ (nay là thôn Kính Chủ, xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, Hải Dương). Dòng họ Phạm này còn viễn tổ là Chúc Đức Công, người Phúc Kiến (Trung Quốc) sang Việt Nam định cư ở thôn Dương Nham (Kính Chủ) từ đầu thế kỷ XIII. Chúc Đức Công sinh ra 3 người con đều là danh nhân và sau này được đổi sang họ Phạm là Phạm Tông Mại, Phạm Tông Ngộ (bố Phạm Sư Mạnh) và Phạm Tông Quá. Đây là một dòng họ lớn, có hậu duệ ở nhiều nơi, số lượng gia phả còn lưu lại khá nhiều và dòng họ Phạm này cũng sản sinh ra nhiều nhà khoa bảng, nhiều danh nhân cho đất nước. Ngay cả dòng họ Phạm lớn có trên 20 đời là dòng họ Phạm Phạm Xá, Ý Yên, Nam Định (thủy tổ là Phạm Đạo Soạn) có Phạm Văn Nghị thuộc đời thứ 15 cũng là hậu duệ của Phạm Tông Ngộ, con cháu của dòng họ Phạm Kính Chủ này.

Ngoài ra, có một thực tế lịch sử ghi nhận là sau khi nhà Mạc thất thế, con cháu họ Mạc phải chạy đi lánh nạn khắp nơi, một số chi ngành đổi thành họ Phạm như các chi họ Phạm Văn, Phạm Viết ở các huyện Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Diễn Châu (Nghệ An), như chi họ Phạm ở Bồng Hải, nay là xã Khánh Thiện, Yên Khánh, Ninh Bình có danh nhân Phạm Đăng Quế cũng xuất thân từ họ Mạc v.v…

Còn rất nhiều chi dòng họ Phạm ở khắp nơi như Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Tây, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình v.v… hiện nay trong trào lưu “Vấn tổ tầm tông” đang có những nỗ lực để nối kết dòng họ, tìm ra ông Tổ xa xưa nhất của mình.

Về tổng quát, ta có thể thấy:

1. Họ Phạm ở Việt Nam có thể có nhiều nguồn gốc, nhưng tựu chung có 2 nguồn gốc chính: Một là từ cộng đồng tộc Việt trong Bách Việt của nước Văn Lang, Âu Lạc xưa và là từ nguồn gốc ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc di cư sang và được Việt hóa.

2. Dòng họ Phạm ở Việt Nam không thể là một dòng họ có chung một ông thượng thủy tổ. Chính vì vậy mà Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam chỉ đề nghị suy tôn Phạm Tu làm thủy tổ (chứ không phải là công nhận thực tế như họ Hồ, họ Vũ).

3. Họ Phạm Việt Nam có sự chuyển cư rất mạnh, từ vùng châu thổ Bắc Bộ lan tỏa khắp vùng, rồi vào Ái Châu (Thanh Hóa). Từ Thanh Hóa lại có sự chuyển cư trở lại vùng Sơn Nam Hạ (ngày nay là các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Bình) và vào miền Nam Trung Bộ (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…), mạnh nhất là vào thời kỳ dưới triều Lê.

4. Họ Phạm Yên Mô, thủy tổ Nhàn Ngu không biết từ nơi đâu chuyển tới, nhưng theo truyền ngôn thì từ Thanh Hóa chuyển ra vào đầu hoặc giữa thế kỷ thứ XV trước khi có con đê Hồng Đức năm 1475 chạy qua làng Yên Mô. Khi đó Yên Mô còn là bãi đất bồi bên cửa biển Thần Phù dữ dội và có ngọn núi Dắng (núi Bảng, tên chữ là Vọng Sơn) là ngọn núi mà dân chài đi biển thường lấy làm mục tiêu đưa thuyền về đất liền. Có thể cụ Thủy tổ họ Phạm Yên Mô cũng làm nghề chài lưới từ Thanh Hóa ra định cư tại chân núi Bảng vào những năm sau khi Trần Ngỗi lên ngôi khởi binh chống quân Minh ở vùng này (năm 1407) và trước khi có con đê Hồng Đức (1475).

Trên đây là một số nét cơ bản về lịch sử dòng họ Phạm Việt Nam, về nguồn gốc các dòng họ Phạm, về sự chuyển cư của cư dân họ Phạm và những đóng góp của họ Phạm nói chung vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước trong lịch sử nước nhà.

 

PHẢ KÝ

QUÊ HƯƠNG ĐẤT TỔ

Từ TP.HCM xuôi theo đường quốc lộ I về miền Tây Nam bộ qua khỏi địa phận Long An, Tiền Giang, qua sông Tiền là tiếp đến tỉnh Vĩnh Long. Thị xã Vĩnh Long cách TP.HCM khoảng 135km và cách thành phố Cần Thơ khoảng 33km. Vĩnh Long là tỉnh nằm giữa hai con sông lớn của đồng bằng Nam bộ: Tiền giang và Hậu Giang. Tỉnh Vĩnh Long có địa hình lòng chảo, trũng ở trung tâm, hai con sông Tiền và sông Hậu chảy qua vùng đất Vĩnh Long trước lúc đổ ra biển Đông đã tạo thành nhiều cù lao lớn với phù sa màu mỡ và đây cũng là những vùng đất trồng cây ăn trái có dân cư đông đúc, cuộc sống trù phú. 

Xưa kia, Vĩnh Long là một phần của dinh Long Hồ, bao gồm các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và một phần của Cần Thơ. Năm 1732 chúa Nguyễn thứ bảy Ninh Vương Nguyễn Phúc Tú lập dinh Long Hồ, thuộc châu Định Viễn tức Vĩnh Long ngày nay. Lỵ sở dinh Long Hồ đặt ở thôn An Bình Đông, huyện Kiến Đăng, năm 1757 chuyển đến xứ Tầm Bào thuộc địa phận thôn Long Hồ, nay là thị xã Vĩnh Long. Dinh Long Hồ được xem là thủ phủ phía Nam, nơi đây đã chứng kiến 2 lần đánh tan quân Xiêm của Thủ Khoa Huân (1770) và của quân Tây Sơn (1784). 

Có thể nói dinh Long Hồ là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi đây đã sản sinh những người con ưu tú của đất nước như cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt và Giáo sư Viện sĩ Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa. Dinh Long Hồ cũng là một trong những vùng đất “thiêng” của tài tử cải lương Nam bộ với những nghệ sĩ nổi tiếng như Út Trà Ôn, Lệ Thủy...

Thời kháng chiến chống Pháp, tỉnh Vĩnh Long được nhập với Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Trà, tồn tại từ 1951-1954. Từ 1976-1992 Vĩnh Long lại nhập với Trà Vinh một lần nữa để hình thành tỉnh Cửu Long, nhưng từ năm 1993 tỉnh Cửu Long được tách ra thành Trà Vinh và Vĩnh Long cho đến hôm nay. Hiện nay Vĩnh Long gồm có thị xã Vĩnh Long và và 6 huyện (Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình, Vũng Liêm, Bình Minh và Trà Ôn) với tổng cộng 107 xã, phường.

Huyện Tam Bình, phía Bắc giáp huyện Long Hồ, phía Đông là các huyện Mang Thít và Vũng Liêm, phía Tây là Bình Tân, phía Nam là huyện Trà Ôn. Huyện Tam Bình có huyện lỵ Tam Bình và 16 xã, trong đó có xã Mỹ Lộc.

Trước năm 1942, ba xã Hậu Lộc, Mỹ Hưng và Phú Lộc Cựu thuộc khu vực Cái Ngang, tổng Bình Phú. Năm 1942, Pháp sáp nhập 2 xã Mỹ Hưng và Phú Lộc Cựu thành xã Mỹ Lộc. Đến năm 1994 Mỹ Lộc được tách thành hai xã là Mỹ Lộc và Phú Lộc cho đến nay.

Xã Mỹ Lộc thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, mỗi năm có 2 mùa khô và mưa khá rõ. Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch và mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch của năm sau. Tuy ở vùng đồng bằng sông nước nhưng mưa gió khá thuận hòa, hàng năm ảnh hưởng của bão lụt là không đáng kể.

Từ thị xã Vĩnh Long theo con đường chính về tỉnh Trà Vinh khoảng 10km thì đến ngả ba Tam Bình. Đến ngả ba này, nếu rẽ phải vào con đường nhựa và đi khoảng gần 10km nữa thì đến ngả ba để vào khu di tích Cái Ngang. Theo con đường tráng nhựa nho nhỏ băng qua cánh đồng lúa khoảng 3 km nữa thì đến xã Mỹ Lộc, đây là tổ quán của họ Phạm.

Con đường từ ngả ba Tam Bình vào tổ quán họ Phạm cũng chỉ mới được hình thành từ thời Pháp thuộc. Trước đó khu vực này là đồng ruộng mênh mông, từ thị xã Vĩnh Long đi về xã Mỹ Lộc chỉ có phương tiện duy nhất là ghe thuyền. Trên con đường nhựa nhỏ băng qua khu đồng ruộng hôm nay, sát bên vệ đường chúng ta thấy ngôi mộ của ông Phạm Văn Hưng (đời IV). Con cháu nói rằng ngày xưa ông không chọn huyệt mộ cho mình ở Ngọn Cái Lá mà ra tận ngoài đồng ruộng bởi ông nói rằng: Sau này ở đây sẽ có đường đi, thuận lợi cho đi lại và nó sẽ trở nên gần gũi. Lời “tiên đoán” đó ngày nay đã trở thành sự thật.

TỔ PHỤ VÀ TỔ QUÁN

Tổ quán của họ Phạm được xác định là Ngọn Cái Lá nay thuộc ấp 9, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Nơi đây hiện có 2 ngôi mộ tháp của ông bà tổ đời I. Tên của bà tổ, con cháu không nhớ, còn tên của ông tổ là Phạm Văn Gương. Ông sinh năm nào, từ đâu đến là điều mà con cháu ngày nay vẫn chưa biết rõ.

Ông Phạm Văn Chiêu (đời V) là cháu nội đích tôn của ông Phạm Văn Hóng (đời III) và ông Phạm Văn Hóng là cháu nội đích tôn của ông tổ Phạm Văn Gương (đời I). Ông Phạm Văn Chiêu sinh năm 1886, nếu lấy năm này để ước đoán tuổi của ông tổ họ Phạm và giả sử mỗi đời cách nhau khoảng 20 năm thì từ đời V đến đời I cách nhau 4 đời (80 năm). Như vậy năm sinh của ông tổ là khoảng năm 1806 (1886 - 80 = 1806).

Theo ông Phạm Văn Thại (đời VI) và một vài người khác trong dòng họ, có câu chuyện truyền ngôn nói rằng: Ông tổ người gốc miền ngoài, là người trong đoàn tùy tùng của chánh sứ Phan Thanh Giản vào kinh lược các tỉnh miền Tây, đóng quân tại thành Vĩnh Long, sau khi 3 tỉnh miền Tây thất thủ, Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự vận, ông tổ Phạm Văn Gương cùng vợ con lánh sâu vào phía Nam, đến rạch Cái Lá ẩn cư và lập nghiệp cho đến ngày nay. 

Nếu dựa theo lời truyền ngôn này để suy luận thì chúng ta thấy rằng: Phan Thanh Giản mất năm 1867, còn ông tổ như ước đoán là sinh khoảng 1806, tức lúc Phan Thanh Giản mất, ông tổ (là tùy tùng của Phan Thanh Giản) khoảng 61 tuổi... Tìm trong các sách như Hội điển sử lệ, Quan chức nhà Nguyễn, Tự điển nhân vật lịch sử (của Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Bá Thế, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2006) không thấy tên ông tổ Phạm Văn Gương. Điều này có thể đi đến kết luận có thể ông chỉ là một quan nhỏ hoặc chỉ là lính thường.

Theo nhiều sử liệu hiện nay thì Phan Thanh Giản làm Chánh sứ, đến Sài Gòn điều đình với Pháp và đại diện cho triều đình Huế ký Hòa ước Nhâm Tuất (1862). Theo đó Việt Nam nhượng cho Pháp 3 tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn, Pháp sẽ trả lại tỉnh Vĩnh Long cho triều đình Huế. Nhưng việc không thành, ông bị cách lưu làm Tổng đốc tỉnh Vĩnh Long. Rồi năm 1863 ông làm Chánh sứ một lần nữa để sang Pháp điều đình chuộc lại 3 tỉnh miền Đông nhưng cũng không có kết quả. Tuy vậy ông được phục hồi một số chức như Hiệp biện đại học sĩ, Hộ bộ thượng thư và làm Kinh lược sứ 3 tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên, đồng thời được tha tội cách lưu (1865).

Tháng 8/1867 trước sức mạnh của Pháp đánh vào thành Vĩnh Long ông thấy không chống cự nổi và để bảo toàn sinh mệnh cho quân dân ông đã quyết định giao thành cho Pháp và uống thuốc độc tự vận. Như vậy nếu ông tổ Phạm Văn Gương đi theo Phan Thanh Giản vào Nam là nằm trong khoảng thời gian từ 1862 đến 1867 (thời gian này nằm trong triều đại của vua Tự Đức). 

Cũng có ý kiến cho rằng ông tổ là người miền ngoài và là quan lại của triều Nguyễn, nhưng do những bất mãn với triều đình mà bỏ xứ vào trong Nam, đây cũng chỉ là một truyền ngôn, mà cho đến nay vẫn chưa có căn cứ nào xác đáng để khẳng định. 

Tuy chưa hiểu rõ hành trạng lai lịch của ông bà tổ, nhưng hai mộ tháp của ông bà hiện diện tại ấp 9 xã Mỹ Lộc hiện nay là một chứng tích để con cháu họ Phạm khẳng định rằng ông đã là người định cư và qua đời tại nơi đây và Mỹ Lộc chính là tổ quán của dòng họ Phạm.  

Họ Phạm ở xã Mỹ Lộc cho đến nay vẫn chưa có nhà thờ dòng tộc, nhưng việc cúng giỗ và mồ mả các bậc tiền nhân được quan tâm khá chu đáo. Hằng năm việc cúng giỗ nhớ ơn tổ tiên đều được thực hiện đều đặn. Giỗ ông bà tổ của họ Phạm được cúng vào mùng một tháng 3 âm lịch hàng năm. Ngày này là ngày mà con cháu dòng họ tập trung vừa để tưởng nhớ người tổ phụ đã dày công khai phá và đặt nền tảng phát triển cho dòng họ, vừa là ngày con cháu dòng họ có dịp hàn huyên để sẻ chia những vấn đề khó khăn trong cuộc sống nhằm cùng dìu dắt nhau xây dựng và giữ vững truyền thống tốt đẹp của dòng họ.

Hiện tại có 2 khu mộ ở ấp 9 xã Mỹ Lộc được xem là 2 khu mộ tổ, nơi tập trung các mộ của những vị đời I, đời II và đời III. Cụm mộ thứ nhất gồm mộ tổ phụ Phạm Văn Gương, mộ tổ mẫu và mộ của ông Phạm Văn Hóng (đời III) cùng một số hậu duệ. Cụm mộ thứ hai gồm mộ ông Phạm Văn Biện, Phạm Văn Tính (đời II) và mộ ông Phạm Văn Khánh (đời III) cùng các hậu duệ.

NHỮNG BƯỚC ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN CỦA HỌ PHẠM

Trải qua khoảng 150 năm tồn tại và phát triển tại xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, một tỉnh miền Tây Nam bộ với đặc điểm là không có những địa chủ lớn, người dân ở đây nhìn chung cũng không quá nghèo. Một vùng đất thanh bình và trù phú, đa số người dân đủ ăn, đủ mặc, vui sống thuận hòa, đề cao tình làng nghĩa xóm.

Đời I, ông bà tổ không để lại nhiều ruộng vườn cho con cái, nhưng chắc chắn ông bà đã xây dựng được nền tảng căn bản cho gia đình, để con cái đời II có điều kiện phát triển.

Ông tổ đời I có 6 người con, trong đó có 5 người con trai nhưng chỉ có hai ông Phạm Văn Tính (thứ tư) và Phạm Văn Biện (thứ năm) có con trai nối dõi tông đường.

Ở đời II, ông Phạm Văn Sương (út) vô tự, nhưng có rất nhiều ruộng đất (có đến 290 công = 29 ha), trước khi qua đời đã làm tờ tương phân cho hai người anh trai là Phạm Văn Tính và Phạm Văn Biện mỗi người 100 công. Ông Phạm Văn Trới (đời II) có con gái là Phạm Thị Cội lấy chồng là hương bộ và chồng về ở rễ; ông Phạm Văn Yên (đời II) có con gái là Phạm Thị Đàng lấy chồng là hương cả, có rất nhiều ruộng đất. Nếu theo tục lệ “môn đăng hộ đối” ngày xưa, điều này có thể cho chúng ta suy luận rằng, những người đời II họ Phạm là những người có vai vế hoặc là những người khá giả, con gái mới gả chồng cho hương cả, hương bộ. 

Từ đời I, ông bà tổ với hai bàn tay trắng đến Mỹ Lộc dựng nghiệp, qua đời II đã thấy có những bước phát triển kinh tế đáng lạc quan. Ở đời III cùng với các bà Phạm Thị Cội, Phạm Thị Đàng, các ông Phạm Văn Hóng, Phạm Văn Dự và Phạm Văn Khánh là những người làm ăn cần cù và tích góp được nhiều ruộng đất chia cho con cái. Chính đời III này là thế hệ đã tạo nên được “thế lực” và uy tín của dòng họ đối với cư dân trong vùng và trở thành một dòng họ được nhiều người nể trọng ở xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình.

Nhìn qua các đời, chúng ta thấy sự phát triển về số lượng của dòng họ tiến đều theo thời gian, đời VI có thể nói là giai đoạn phát triển số lượng nhiều nhất, tuy nhiên qua đời VII đa số là những người được sinh ra sau ngày giải phóng nên số lượng hạn chế bởi phần nhiều các gia đình chỉ có 2 con.

Nhìn chung, bà con dòng họ Phạm cũng giống như những người dân khác ở vùng đồng bằng sông nước này, chủ yếu sống bằng nghề ruộng vườn, nương rẫy và đa số đều đủ ăn đủ mặc, nhà cửa khá khang trang không có ai quá khó khăn. Tuy có một số người lên thị xã Vĩnh Long sinh sống hoặc một số đi xa quê hương nhưng số lượng không đáng kể, mà đa số con cháu dòng họ Phạm đều sống quây quần tại quê nhà.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xã Mỹ Lộc là cái nôi cách mạng của huyện Tam Bình và của tỉnh Vĩnh Long. Tại đây dưới sự che chở, đùm bọc của nhân dân xã Mỹ Lộc, huyện và tỉnh đã có những quyết định và kế hoạch quan trọng để đưa phong trào cách mạng từng bước giành những thắng lợi, góp phần vào chiến thắng chung của nhân dân miền Nam và cả nước. Đặc biệt là cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ tại Cái Ngang vào năm 1940. Trong bối cảnh chung đó, con cháu họ Phạm một số người tham gia kháng chiến như ông Phạm Văn Hoạch, Phạm Văn Hoài, Phạm Văn Quân, Phạm Văn Nhơn, Phạm Chánh Trực, Phạm Thị Nguyệt Hồng... Đặc biệt có bà Phạm Thị Khuynh là tấm gương tiêu biểu của phong trào đền ơn đáp nghĩa chăm sóc thương binh thời chống Pháp. Bà đã tự nguyện kết hôn với thương binh (cụt 2 tay) Hoàng Xuân Trắc, bộ đội Nam tiến. Khi có được với nhau 2 con, ông tập kết trở về miền Bắc, bà ở vậy nuôi con cho đến ngày giải phóng.

Nhưng điều đáng nói là con cháu họ Phạm trong hai cuộc kháng chiến không có ai làm việc cho địch, phản bội nhân dân.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng một số con cháu họ Phạm đã được giao các nhiệm vụ quan trọng như ông Phạm Chánh Trực (nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM), bà Phạm Thị Nguyệt Hồng (nguyên Phó giám đốc bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM), bà Phạm Thị Hoa (nguyên Phó Ban tổ chức Thành ủy thành phố Biên Hòa)...

Nhìn chung dòng họ Phạm tại xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử xã hội. Nhưng dù dưới chế độ phong kiến triều Nguyễn, ông Phạm Văn Sương (đời II) có đến 29ha, đất đai cò bay thẳng cánh, nhưng ông cũng không phải là địa chủ mà do sự cần cù làm ăn tích góp mà có. Trong hai cuộc kháng chiến, con cháu họ Phạm một số người trực tiếp tham gia chiến đấu, đa phần còn lại cũng đã góp phần đóng góp cho cách mạng để tạo nên truyền thống của xã Mỹ Lộc anh hùng. 

Con người họ Phạm hiền hòa, nhân hậu, dòng họ có tôn ti trật tự, bà con đùm bọc thương yêu nhau, cởi mở và chân thành như chính mảnh đất trù phú hiền hòa mà thiên nhiên đã ban tặng cho quê hương.

Trải qua chặng đường 150 năm hình thành và phát triển trên đất Vĩnh Long, tổ tiên họ Phạm đã cần cù lao động để tạo dựng tiền đề cho con cháu thế hệ nối tiếp. Dù trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, nhiều binh biến xã hội, nhưng họ Phạm chúng ta vẫn luôn giữ được bản tính chất phát của người nông dân, không có một ai làm điều hại dân hại nước, luôn giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc và giữ được thanh danh cho dòng họ. Con cháu các đời sau đều ra sức học tập, rèn luyện và phấn đấu vươn lên, một số đã được xã hội giao cho những trọng trách, đó là niềm tự hào của dòng họ và cũng là tấm gương để thế hệ hôm nay luôn tâm niệm phải làm những điều tốt để tiếp nối truyền thống của các tiền nhân. Quá khứ đáng tự hào của dòng họ là hành trang quý giá cho thế hệ hôm nay, để con cháu tự tin vững bước trên đường xây dựng quê hương. 

Sự thành đạt của mỗi cá nhân là niềm tự hào chung của dòng họ, hãy tiếp tục viết tiếp những trang sử đầy tự hào mà tổ phụ chúng ta đã bắt đầu tại xã Mỹ Lộc cách đây hơn 150 năm về trước...

Việc xây dựng dòng họ văn hóa xuất phát từ các đặc điểm ưu việt của dòng họ thông qua các thế hệ và diễn ra trên vùng đất Mỹ Lộc anh hùng cùng những nơi sinh sống khác.

Truyền thống lao động bám đất giữ làng, truyền thống hiếu học đối nhân xử thế vẹn toàn của dòng họ, cộng với truyền thống yêu quê hương, yêu nước, kháng chiến chống Pháp - Mỹ, đã là những nét đặc sắc xuyên suốt.

Phát huy những nét đẹp đó trong phương hướng xây dựng dòng họ Phạm văn hóa, chúng ta cần tập trung những trọng tâm sau:

- Thực hiện vệc đoàn kết thống nhất trong họ, tiếp tục đạo thờ cúng tổ tiên, ông bà nghiêm túc trang trọng.

- Chăm lo việc khuyến học, khuyến nghiệp và khuyến tài một cách xuyên suốt trong họ.

- Chăm lo mồ mả tổ tiên, ông bà, phát huy gia phả, lập nhà thờ tổ chu đáo.

- Mỗi gia đình là gia đình văn hóa và dòng họ là dòng họ văn hóa. Chăm lo cho dòng họ mình, còn phải gắn bó chăm lo cho bà con xóm ấp.

- Luôn giữ đúng bổn phận công dân chấp hành nghiêm luật pháp Nhà nước.