Trang chủ > 069. Gia phả họ Nguyễn (ấp 3, xã Mỹ Ngãi, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp)

069. Gia phả họ Nguyễn (ấp 3, xã Mỹ Ngãi, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp)

21/08/2022 12:32:51

Gia phả họ Nguyễn ở ấp 3, xã Mỹ Ngãi, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2009. 

LỜI TỰA

Người ta trên cõi đời này ai cũng có cha mẹ. Cha mẹ do ông bà sinh ra. Lòng yêu thương cha mẹ, tôn kính ông bà vừa là lẽ đương nhiên, lòng biết ơn đối với đấng có công sinh thành dưỡng dục ta nên người – chữ hiếu – vừa là đạo lý truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam mấy ngàn năm văn hiến, vừa là bổn phận thiêng liêng của mỗi người cháu, con trong họ tộc.

“Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

 Việt Nam ta có chữ hiếu rất hay vì hoàn toàn mang tính tự giác, không ràng buộc, chế tài bằng luật pháp nhưng lại rất thiêng liêng, mà mỗi con cháu trong gia đình họ tộc không làm không được. Vì ai làm trái đi sẽ bị coi là vi phạm đến đạo đức, luân lý, phẩm giá con người, mất uy tín trong họ tộc và ngoài xã hội, còn nêu tấm gương xấu cho con cháu sau này.

Ở miền Nam nước ta do cuộc chiến tranh vệ quốc đánh Pháp đuổi Mỹ xâm lược kéo dài “ách nước nạn dân” hàng thế kỷ. Cũng như bao họ tộc khác, họ Nguyễn ta ở Mỹ Ngãi chịu bao hy sinh mất mát, tan tác chia lìa. Sau ngày đất nước giải phóng bà con ta mới có điều kiện tìm kiếm gặp lại nhau, chủ yếu qua các ngày giỗ chạp, nhưng vẫn còn thiếu vắng nhiều người.

Tôi nay đã 82 tuổi, thuộc lớp người già nhất trong họ tộc còn sống thọ. Tôi thấy mình là người có trách nhiệm ghi lại Bản Tông chi họ Nguyễn (Mỹ Ngãi) để cho con cháu trong họ biết tên, ngày mất của tổ tiên ông bà, để con cháu biết ngày cúng giỗ, tránh đặt tên trùng tên ông bà nhất là tránh việc gã cưới lẫn lộn người trong dòng họ. Và tôi đã thực hiện từ năm 1994, lúc còn khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn. Nay cháu Nguyễn Công Trường con anh Hai tôi có cậy chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Thành phố Hồ Chí Minh (Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh) đến dựng bộ gia phả họ Nguyễn ta thêm đầy đủ và đúng bài bản hơn. 

Như vậy Ông tổ họ ta là ông NGUYỄN VĂN ĐƯỢC (đời I) bà tổ là bà Phạm Thị Bông đến đất Cao Lãnh này khoảng đầu thế kỷ 19, thời vua Minh Mạng. Ông bà tổ hạ sinh được 9 người con, mất 2 còn 7 (3 nam, 4 nữ). Ba người nam là : Ông Ba Nguyễn Văn Lộc (chi thứ nhất), ông Tư Nguyễn Văn Lễ (chi thứ hai) và ông Năm Nguyễn Văn Thạnh (chi thứ ba) hình thành ba chi, sinh con đẻ cháu nối truyền đến nay đã được bảy đời.  Tôi thuộc chi thứ hai, đời V của tộc họ Nguyễn. Hiện nay tôi mới biết được chi thứ hai, chi trực hệ khá đầy đủ. Chi thứ nhất và chi thứ ba còn thiếu nhiều vì phần lớn ở xa. Rất mong bà con trong họ cố nhớ và chỉ dẫn tìm con cháu của hai chi còn thiếu để giúp các chuyên viên gia phả bổ sung danh tánh vào bộ gia phả này cho đầy đủ hơn.

Bộ gia phả này gồm có mấy phần :

- Lời tựa : giới thiệu sơ nét về lý do, mục đích ý nghĩa việc dựng gia phả, trách nhiệm con cháu trong họ tộc, cách bảo vệ, sử dụng bộ gia phả, ai thực hiện, thời gian hoàn thành.

- Phả ký : phát tích dòng họ, tổ phụ, tổ quán, công lao dựng nghiệp, lịch sử vùng đất, đặc điểm dòng họ, cảm khái người dựng phả, v.v…

- Phả hệ (tộc hệ, tông chi) : ghi đầy đủ họ tên, chính xác, có hệ thống từ tổ tiên, ông bà đến con cháu theo các đời từ lớn đến nhỏ, năm sinh, ngày mất (giỗ), nơi mộ táng theo từng chi, từng đời, ghi cả dâu rể, cháu nội, ngoại.

- Phả đồ : Bản đồ hệ thống các chi, các đời, mối quan hệ thế thứ trong họ (không ghi tên dâu, rể).

- Ngoại phả - Phụ khảo : Tiểu sử những vị có công lao to lớn đối với dòng họ và xã hội, bảo vệ tổ quốc, xây dựng quê hương. Ảnh: chân dung, huân, huy chương, bằng khen, bằng Tổ quốc ghi công (liệt sĩ), phần mộ, mộ chí; bản đồ ấp hoặc xã nơi tổ quán, một số mẫu truyện, truyền thuyết, danh nhân, di tích lịch sử nổi tiếng có liên quan đến dòng họ, tổ quán.

Bộ gia phả là gia bảo rất thiêng liêng của dòng họ vì chứa đựng tên tổ tiên ông bà trong họ ta, phải được đặt để nơi trang trọng trên bàn thờ. Đến ngày kỵ giỗ tổ tiên ông bà cha mẹ, vị trưởng tộc ăn mặc chỉnh tề đọc cho con cháu nghe để biết công lao sự nghiệp của ông bà, ráng mà noi theo gương đoàn kết thương yêu, giúp đỡ nhau trong họ, ăn ở phải đạo với bà con xóm làng. Gia phả là món quà quý giá của con cháu kính dâng lên tổ tiên ông bà. Bộ gia phả này là công trình tập thể của họ tộc ta, có sự góp công của các chuyên viên gia phả.

Nhân đây, tôi xin tỏ lòng cám ơn với cô bác, anh chị, em, con cháu trong họ tộc, nhất là cháu Trường đã đầu tư nhiều công sức, thời gian đi lại nhiều lần, đến nhiều nơi, gặp nhiều người rất tốn kém, thực hiện ướcmuốn của họ tộc quyết tâm hoàn thành bộ gia phả cho dòng họ ta. Tôi cũng có lời cám ơn các chuyên gia gia phả đã cố gắng, kiên trì tìm hiểu, nhất là chịu khó ghi chép khá đầy đủ chi thứ nhất, thứ hai cả ở Cao Lãnh và Thành phố Hồ Chí Minh để in vào bộ gia phả này.

Dầu rất cố gắng nhưng chắc bộ gia phả này còn thiếu danh tánh những người trong họ, sau này tìm biết được, chúng ta sẽ bổ sung vào.

Và cứ 5 năm con cháu sẽ ghi tên số mới sinh tiếp vào; đồng thời ghi vào ngày tháng năm những người đã có tên mà mãn phần.

Cuối cùng, tôi muốn nhắc lại rằng, gia phả là lịch sử dòng họ. Dòng họ có gia phả là dòng họ văn hóa. Nội dung gia phả là ghi lại họ tên, sự nghiệp tổ tiên ông bà; mục đích của gia phả là để cho con cháu nối tiếp và phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, càng yêu kính, tự hào, càng làm rạng rỡ cho họ tộc Nguyễn ta mãi mãi trường tồn, luôn xứng đáng với gia đình và xã hội.

Bộ gia phả này dùng để phổ biến trong họ. Những nhà khoa học cũng có thể tham khảo.

Mỹ Ngãi, Lập thu Kỷ Sửu 2009

Đại diện họ tộc Nguyễn Mỹ Ngãi

(Đời V chi thứ hai)

Nguyễn Văn Trình 

 

PHẢ KÝ

Bất cứ người Việt Nam nào cũng đều vô cùng tự hào với truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc. Đó không phải là lẽ tự nhiên mà có, chính là nhờ nước ta có lịch sử. Sử quốc gia ghi lại công lao sự nghiệp vẽ vang của biết bao vị anh hùng và cả dân tộc này tạo dựng lên.

Nước có sử.

Nước có sử là nước có văn hiến.

Dân tộc là bao gồm nhiều họ tộc mà thành, trong đó có họ tộc Nguyễn ta. Chúng ta đã thuộc lòng quốc sử, còn lịch sử họ tộc ta, ta đã biết đến đâu ?

Nhà có phả.

I. ĐÔI ĐIỀU VỀ GIA ĐÌNH (HỌ TỘC) VÀ GIA PHẢ

Lâu nay con cháu biết được phần nào lịch sử gia đình mình, nhờ có ông bà kể lại. Chẳng may ông bà qua đời, con cháu dựa vào đâu - Nhờ gia phả. Gia phả là cuốn sách ghi đầy đủ, chính xác, có hệ thống lịch sử mỗi gia đình họ tộc. Mỗi chúng ta đều là con của một gia đình, cháu của một chi họ, hậu duệ của một vị tổ đầu tiên. Chúng ta ngày nay đang sống trong một gia đình đầm ấm nề nếp, trên thuận dưới hòa thật hạnh phúc, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, trong họ người người thương yêu đùm bọc lẫn nhau, ra ngoài xã hội được mọi người thương mến nể vì. Quả thật chúng ta đang thừa hưởng tài sản vô giá của gia đình (họ tộc) về cả hai phương diện : vật chất (điền sản) và tinh thần (truyền thống đạo đức) do tổ tiên ông bà ta bao đời dày công tạo dựng giành trọn lại cho con cháu. Trên cõi đời này, chắc không ai là người thọ ơn mà không cần biết đến người thi ơn – Vì sự thờ ơ này là biểu hiện của một sự bội bạc, vong ân.

Người ta thường nói : Gia đình là tế bào của xã hội.

Nhân đây, chúng ta tìm hiểu vai trò quan trọng của gia đình (họ tộc) đối với mọi thành viên trong thiết chế căn bản, nền tảng này đã ảnh hưởng đến mỗi chúng ta như thế nào ?

Trong truyền thống của dân tộc ta, gia đình (họ tộc) có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi thành viên, không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa huyết thống mà còn là sợi dây thiêng liêng (nghe nhắc đến tổ tiên ông bà mình ai cũng xúc động) cố kết mọi thành viên để tồn tại (nghe người trong họ hoạn nạn ai cũng xót xa, muốn giúp đỡ) kiếm sống, vươn lên và ngăn cản các thế lực tác động vào. Bản chất hướng thiện của các gia đình Việt Nam là khuyến khích sự vươn tới như : học tập giỏi giang hơn, làm ăn phát đạt hơn, giữ tròn đạo nhà nghĩa nước tốt hơn, làm việc thiện nhiều hơn để dày phước đức cho con cái – như vậy cũng có nghĩa là đã hạn chế đến mức thấp nhất cái ác (xấu), nếu có thể xảy ra. Nhiều khi con cháu có thể qua mặt được luật pháp vẫn không dám làm điều sái quấy chỉ vì sợ cha mẹ giận, ông bà buồn.

Khi lý tưởng cách mạng xuất hiện trong đời sống dân tộc, thì gia đình (họ tộc) cũng là một tác nhân quan trọng giúp cho ánh sáng lý tưởng được lan tỏa, giúp cho các thành viên gia đình giác ngộ (qua tấm gương từ cha ông) và chiến đấu cho lý tưởng mà cha ông đã lựa chọn. Bằng chứng, nhiều gia đình đã nối tiếp cống hiến cho cách mạng hết thế hệ cha chú đến thế hệ con cháu, hết anh đến em tận tụy đóng góp công sức, trí tuệ, của cải và cả tính mạng cho lý tưởng cao cả : độc lập dân tộc, hạnh phúc nhân dân.

Đó là trách nhiệm công dân bắt nguồn từ nhân cách sống, mà nhân cách là do gia đình tạo ra.

Người ta có nhiều cách báo hiếu tổ tiên ông bà mình, nhưng chung quy mỗi gia đình Việt Nam thường biểu hiện ở ba phương diện có mối liên hệ mật thiết, hỗ tương : tôn tạo mồ mả, trang hoàng nơi thờ cúng (nhà từ đường) và lập bộ gia phả. Việc tôn tạo mồ mả là để bảo vệ an toàn, lâu dài hài cốt tổ tiên ông bà – tài sản quý giá độc nhất vô nhị - mất đi không bao giờ tìm lại được. Việc trang hoàng nơi thờ cúng vì là nơi vong hồn tổ tiên ông bà hiện diện, luôn quấn quýt phù hộ con cháu, che chở cho con cháu tai qua nạn khỏi, nên phải rất nghiêm trang với cả tấm lòng vọng tưởng, thành kính như phụng dưỡng lúc sinh thời. Bộ gia phả là nội dung tinh thần kết nối mồ mả với nhà thờ tự, lý giải thêm sâu sắc ý nghĩa, giá trị của việc tôn tạo và thờ cúng. Khi đến viếng mộ hay đi dự đám giỗ, con cháu chỉ biết ai nằm dưới mộ (đọc mộ bia cũng có thể biết ngày giỗ), thường dự đám giỗ như cuộc họp mặt gia đình hàng năm, có thắp nhang cúng vái, có liên hoan ăn uống rồi chia tay. Gia phả sẽ giúp ta biết rõ người thân mất trong hoàn cảnh nào, do đâu mà chết, chết già khác với chết trẻ : tai nạn, chiến tranh (tình huống bình thường hay đặc biệt), có biến cố gì xảy ra cho gia đình sau khi mất, v.v…đều là bài học kinh nghiệm quý cho con cháu. 

Gia phả cũng giúp ta biết rõ công lao sự nghiệp của vị được cúng giỗ để con cháu tôn vinh, ngưỡng mộ, noi gương. Như vậy lễ giỗ có ý nghĩa hơn nhiều vì sau mỗi lần lễ giỗ là dịp tốt để ôn lại truyền thống gia đình – nếu vị trưởng lão kể thêm một vài truyền thuyết ngoài gia phả thì không khí buổi lễ càng thêm đậm đà, hấp dẫn. Lễ giổ là kỷ niệm ngày từ trần của người thân, ngày “chung thân chi tang” là ngày buồn, thái độ người ăn giỗ cũng vậy. Vì con cháu ở xa và có mời khách nên phải đãi đằng bia rượu, nhưng vẫn không phải là cuộc liên hoan.

Cho nên bộ ba : Mồ mả Từ đường – Gia phả khắn khít như kiềng ba chân tạo thế vững chãi – cái nền, bệ phóng bền vững cho một gia đình họ tộc phát triển ổn định lâu dài, nhất là trong thời đại đất nước ta hội nhập sẽ có nhiều biến động đến tâm hồn, tác động đến thái độ và quan niệm sống của mỗi con người. Bộ ba kiềng ba chân này sẽ là liệu pháp tốt nhất giúp ta có tinh thần ổn định, bình tĩnh, tự tin, mạnh dạn theo đúng định hướng : hòa nhập không hòa tan “có mới không nới cũ”. Đó là điều căn bản, sâu sắc, mang tính quyết định góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn nề nếp lễ giáo, gia phong của mỗi gia đình họ tộc – Vì bản sắc văn hóa dân tộc là bao gồm bản sắc văn hóa truyền thống của mọi gia đình họ tộc trong cả nước mà thành.

II. PHÁT TÍCH DÒNG HỌ

Cây có cội

Nước có nguồn

Người có tổ tông.

Căn cứ vào Bản Tông chi họ Nguyễn Mỹ Ngãi, Cao Lãnh do ông Nguyễn Văn Trình sinh năm 1927 (chi thứ hai, đời V) viết ngày 16 tháng 3 năm 1994 Bính Tuất, và lời kể của các vị trưởng lão trong và ngoài họ tộc ở Mỹ Ngãi, thì vị khởi tổ họ Nguyễn từ Đàng Ngoài vào là NGUYỄN VĂN ĐƯỢC (sau này con cháu tôn ông là ông tổ đời I họ Nguyễn Mỹ Ngãi) sinh vào đầu thế kỷ XIX (1815 – 1820), triều Gia Long (1802 – 1820). Sau khi thống nhất giang sơn, ổn định chính trị, phát triển kinh tế, Vương triều Nguyễn có điều kiện mở rộng kinh tế vùng đất Gia Định, phương Nam (Nam Bộ ngày nay).

° Tìm vùng đất hứa :

Xứ Đàng Trong thuở ấy còn nhiều vùng đất hoang sơ rộng lớn, chưa có dấu chân người, nhất là vùng Đồng Tháp Mười và đầm lầy Cà Mau. Không rõ ông Tổ đi vào phương Nam theo chủ trương của triều đình có tổ chức hay tự đi riêng với số người bà con láng giềng thân thuộc trong và ngoài họ. Đi lập nghiệp ở xứ xa, dù bằng cách nào (triều đình tổ chức hay đi riêng) Đức ông cũng phải ở tuổi trưởng thành từ 20 đến 25 tuổi tức khoảng năm 1835 đến năm 1840, triều vua Minh Mạng (1820 – 1840). Có thể Đức Ông đã trải qua nhiều cuộc thăm dò ở nhiều nơi trước đó : từ Vũng Tàu lên (theo đường thủy) hay từ Tây Ninh, Biên Hòa xuống (theo đường bộ), trước khi quyết định dừng chân hạ trại định cư tại vùng đất ven Đồng Tháp Mười này nơi có khí hậu ôn hòa, quanh năm nước ngọt, sông rạch nhiều tôm cá, rừng hoang có nhiều dã thú, xa nơi giặc giả hay quấy nhiễu, cường hào ức hiếp, đúng chốn dung thân, mới yên tâm khai hoang mở đất lập nghiệp, định cư lâu dài.

° Lập tổ quán :

Ông tổ Nguyễn Văn Được kết duyên với bà Phạm Thị Bông (không rõ bà người cùng quê hay người sở tại). Với chân ướt chân ráo, lúc đầu ông bà cũng như một số người chí cốt ly hương họ thân tình hơn ruột thịt (cùng cảnh ngộ), sống chết có nhau, giúp đỡ nhau trong đời sống và lao động đầu tiên lo cái ăn, chỗ ở để tồn tại. Ăn thì có tôm cá dưới sông, củi trên rừng. Ở thì dựng chòi tạm bằng cây xác lá dừa (có khi lợp mái, dừng vách bằng vỏ cây tràm, đưng, đế), tất cả nguồn vật liệu xây dựng đều có sẵn trong rừng. Nhanh chóng giải quyết xong việc ăn ở, ông bà và nhóm người “cùng chí hướng” bắt tay thực hiện công việc chính lâu dài gian khổ là khai hoang, mở đất. Đất khai hoang được chọn ven sông rạch (đất cao ráo, thuận tiện đi lại bằng xuồng), mỗi người thỏa thuận nhau lãnh một khu (lô) giáp ranh nhau, đầu lô đất gối bờ sông, đuôi chạy miết vô sâu, ai có sức đến đâu làm đến đó, không hạn chế. Sau quy tụ được đông người, xin lập làng lấy tên là Mỹ Ngãi, con cháu chọn Mỹ Ngãi là tổ quán của mình.

° Gian nan buổi đầu dựng nghiệp :

Ông bà vừa lao động cật lực ổn định cuộc sống, vừa phải nuôi con.

Theo Bản Tông chi chúng ta có thể cảm nhận được thuở ấy, ông bà tổ Nguyễn Văn Được – Phạm Thị Bông thật vô cùng vất vả và đã sanh hạ được 9 người con, chết nhỏ 2 người (thứ hai, thứ tám) còn 7 người (3 trai, 4 gái). Ông Ba Nguyễn Văn Lộc, ông Tư Nguyễn Văn Lễ, ông Năm Nguyễn Văn Thạnh, bà Sáu Nguyễn Thị Ngờ, bà Bảy Nguyễn Thị Thọ, bà Chín Nguyễn Thị Tầm và bà Mười Nguyễn Thị Trông (Đời II). Ba người trai hình thành ba chi :

- CHI THỨ NHẤT : NGUYỄN VĂN LỘC

- CHI THỨ HAI : NGUYỄN VĂN LỄ

- CHI THỨ BA : NGUYỄN VĂN THẠNH

Sau vài thế hệ, con cháu đông, số người trai có sức khỏe tách ra để đi làm ăn nơi khác, số người gái theo chồng về quê mới, nên con cháu lần hồi phân tán nhiều nơi. Ngày nay, chi thứ hai (Nguyễn Văn Lễ) phần lớn con cháu sống tại tổ quán, gặp gỡ hàng năm qua các ngày giỗ chạp nên dễ liên hệ thuận tiện ghi vào phả hệ. Hai chi thứ nhất (Nguyễn Văn Lộc) và chi thứ ba (Nguyễn Văn Thạnh) tuy sinh sống ở huyện Cao Lãnh, nhưng dòng họ ít liên lạc nhau, nhất là sau ngày giải phóng đến nay đã 34 năm, con cháu của ba chi chưa có dịp gặp mặt đông đủ trong ngày giỗ tổ.

Về chi thứ nhất (Nguyễn Văn Lộc), ông Nguyễn Văn Trình còn nhớ tên người cháu cố của ông Nguyễn Văn Lộc là “chị Sáu Thàng” trên 80 tuổi cũng ở Mỹ Ngãi. Các chuyên viên gia phả nhờ người dẫn đường tìm đến nơi. Bà Sáu đang nằm bệnh viện, người con trai thứ năm của bà là Cao Văn Kiệu mới mất, con dâu của bà là chị Dương Thị Ngợi và con gái bà là chị Chín Ngọt, cho biết còn đông đảo mấy anh chị con người cậu Hai (Nguyễn Văn Nguồn) ở gần đây. Chúng tôi đến nhà anh Ba Bồng, (trưởng trai ông Hai Nguồn) và gặp các em của anh là anh Sáu Bân, anh Chín Đần và thêm nhiều người nữa.

Anh Ba Bồng, anh Sáu Bân kể ông nội là ông Nguyễn Văn Đuông thứ sáu, còn bà Bảy Đẩu, bà Tám Lư, bà Chín Trương (Đời IV). Ông Cố không nhớ tên, nhưng bà Cố tên Cang (Đời III), mộ bà đang còn trong cụm mộ gia tộc (trước ở đất cô Năm Ái, năm 1953 dời qua lạc mất mộ ông) có mộ bia khắc tên. Đối chiếu lại Bản Tông chi (của ông Nguyễn Văn Trình) ghi rõ “ông Nguyễn Văn Hòa có vợ tên bà Cang”. Như vậy chi thứ nhất đã nối kết được từ ông Nguyễn Văn Lộc (đời II) đến Nguyễn Văn Hòa (đời III), Nguyễn Văn Đuông (đời IV), Nguyễn Văn Nguồn (đời V), Nguyễn Văn Bồng (đời VI) tới lớp con cháu hiện nay là đời VII, đời VIII.

Anh Ba Bồng còn nói, nền nhà ở ba đời từ ông Cố nay tại xưởng cưa của Hoàng Long (cháu nội bà Bảy Đẩu), ruộng mướn 24 công đất của thầy Cai Núi (con Cò mi Lương ở Sài Gòn); ông nội đi câu cua bị cảm nắng có đến nhà ông Hai Huấn coi mạch ra toa đi hốt thuốc bắc ở Cao Lãnh, uống 10 ngày ông không qua khỏi. Ông mất đúng ngày rằm tháng 9 âm lịch, lúc nước nổi, mượn bộ ván ngựa lớn ở chùa tấn bốn phía đắp bờ tát cạn nước mới đào huyệt được. Vùng này người chết mùa nước nổi đều phải dùng cây gỗ, xốc tréo đặt quan tài lên để giữa đồng xa nhà dân, đợi nước rút cạn mới đào huyệt chôn được.

Ngày xưa hàng năm có cúng việc lề (giỗ hội) tại nhà ông Hai Huấn ngày mùng 4 tết, con cháu các chi đến đông đủ. Sau khi ông Hai mất, chú Ba Tăng cúng tiếp, khi chú Ba mất thì không còn tổ chức nữa. Tôi chỉ biết tên một số người con của hai ông (đời III), còn con cháu của bốn bà nữ : bà Sáu, bà Bảy, bà Chín và bà Mười do ở rải rác lại xa cách, ít tới nên không biết được. Các vị (đời III, IV, V) lại qua đời, con cháu bị thất lạc. Họ tộc sẽ cố gắng tìm kết nối kết lại, phải mất nhiều thời gian và công phu, trước mắt chi thứ nhất và chi thứ hai sẽ bàn việc phục hồi lại lễ cúng việc lề hàng năm.

Hiện tại chi thứ hai (Nguyễn Văn Lễ) là khá đầy đủ, nối truyền lien tục từ ông Nguyễn Văn Lễ (đời III) có 6 người con (3 trai, 3 gái). Ông Hai Nguyễn Văn Thuận, bà Ba Nguyễn Thị Hiền, ông Tư Nguyễn Văn Sĩ, ông Năm Nguyễn Văn Kỷ, bà Sáu Nguyễn Thị Trà và ông Bảy (út) Nguyễn Văn Hiển (đời III). Ông trưởng trai Nguyễn Văn Thuận và ba người em trai của ông đều sanh con nối dòng (đời IV). Riêng ông Út Hiển sinh hạ 8 người con (7 nữ, 1 nam) nhưng người con trai duy nhất của ông cũng chết lúc nhỏ.

Nhánh ông Hai Thuận có 7 người con mất người thứ Tư còn sáu (1 gái, 5 trai). Riêng nhánh ông Tư Nguyễn Văn Sĩ có 4 người con (2 nam, 2 nữ) nhưng còn duy nhất một người nam là ông Hai Nguyễn Văn Huấn (đời IV) sinh 6 con (5 nam, 1 nữ) (đời V) đều song toàn sanh con đẻ cháu nối dòng (đời VI) đến nay đã tới đời VII. Một số con cháu của các ông do điều kiện công tác và học tập hiện đang cư ngụ ở Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tiền Giang và đất bạn Campuchia. Phần lớn con cháu các ông sống tại tổ quán đều làm nông, một số là cán bộ nhà nước, bác sĩ, thợ may.

Cũng như các họ tộc khác, họ Nguyễn ở Mỹ Ngãi vốn có truyền thống yêu nước, từ đời IV đã có ông Nguyễn Văn Huấn, cùng em trai Nguyễn Văn Mẫn và người con trai trưởng là Nguyễn Văn Phối tham gia hoạt động cách mạng từ khi Đảng Cộng Sản mới thành lập 1930, bị giặc Pháp bắt đày đi Côn Đảo và ông Mẫn đã hy sinh trong ngục tù Côn Đảo. Riêng ông Hai Phối bị giam ở nhà tù Bà Rá, sau khi tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940. Trước cách mạng Tháng Tám 1945 ông Hai Phối là Huyện ủy viên, rồi Bí thư huyện ủy huyện Cao Lãnh (1947).

Thường vụ tỉnh ủy Sa Đéc (1948), Phó Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh Long – Châu - Sa (1952), rồi Bí thư các tỉnh Sa Đéc, Long An, Kiến Phong (1960) và sau đó là Khu ủy viên khu 8 (miền Trung Nam Bộ) trực tiếp là Phó Tư lệnh chính trị quân khu 8. Ông hy sinh oanh liệt trên đường đi công tác ở cửa biển Cổ Chiên gần vàm Khâu Băng xã Thạnh Phong huyện Thạnh Phú tỉnh Bến Tre (1966).

Ông Nguyễn Văn Phối là người nổi trội trong họ tộc, đã có công lao to lớn cho tỉnh Đồng Tháp nói riêng và cả khu 8 nói chung, đặc biệt việc gầy dựng phong trào và chuẩn bị vũ khí, xây dựng lực lượng võ trang cách mạng trong thời kỳ đen tối nhất, làm rạng danh cho họ tộc và quê hương Cao Lãnh Đồng Tháp anh hùng.

III. LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT

Tổ quán họ Nguyễn ở ấp 3 xã Mỹ Ngãi, huyện Cao Lãnh (nay là Thành phố Cao Lãnh), tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp).

Theo Gia Định thành Thông chí, Mỹ Ngãi là 1/11 thôn của Tổng Phong Thạnh (An Bình, An Long, An Phong, Mỹ Đảo, Mỹ Trà, Nhị Mỹ, Phong Mỹ, Tân An, Tân Phú và Tân Thạnh). Về xa xưa, tổng Phong Thạnh thuộc huyện Kiến Phong, phủ Kiến Tường (tỉnh Gia Định). Tỉnh Gia Định có hai phủ (Kiến An và Kiến Tường), và 4 huyện (Kiến Hưng, Kiến Hòa, Kiến Phong và Kiến Đăng).

Năm 1872, trấn Định Tường được đổi thành tỉnh Mỹ Tho, lập hạt Sa Đéc gồm tổng Phong Thạnh với các thôn : Mỹ Ngãi, Mỹ Trà, Nhị Mỹ,

Phong Mỹ và lập tổng mới là Phong Nẵm thay cho tổng Phong Phú. Hai tổng Phong Thạnh và Phong Nẵm ở vùng Cao Lãnh, Bình Hàng Tây. Hạt Sa Đéc có thời kỳ thuộc khu vực Vĩnh Long, có lúc thuộc khu vực Bassac. Đến năm 1889, hạt Sa Đéc được đổi thành tỉnh Sa Đéc với 3 quận: Châu Thành, Cao Lãnh và Lai Vung.

- Quận Cao Lãnh gồm 3 tổng : Phong Thạnh, An Tịnh và An Thạnh Thượng.

* Phong Thạnh có 7 làng : An Bình, An Thạnh, Mỹ Trà, Nhị Mỹ, Phong Mỹ, Mỹ Ngãi và Tân An. Mỹ Ngãi là Tổ quán của họ Nguyễn ta.

* An Tịnh : 4 làng.

* An Thạnh Thượng : 8 làng.

- Quận Châu Thành có 5 tổng : An Hội (4 làng), An Mỹ (4 làng), An Trung (6 làng), An Thạnh Hạ (6 làng), Phong Nẵm (9 làng).

- Quận Lai Vung có 2 tổng : An Thới (8 làng) và An Phong (7 làng).

Năm 1956, ngụy quyền Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh 143/NV ngày 22/10/1956 thành lập tỉnh Kiến Phong gồm vùng Phong Thạnh, Cao Lãnh (tỉnh Sa Đéc) và Hồng Ngự (tỉnh Châu Đốc) đặt tỉnh lỵ tại Cao Lãnh (huyện lỵ của Sa Đéc cũ), cách Sài Gòn 150km. 

Tỉnh Kiến Phong về địa giới :

- Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Kiến Tường và Vương quốc Campuchia.

- Nam giáp tỉnh Vĩnh Long.

- Bắc giáp tỉnh Định Tường.

- Tây giáp tỉnh An Giang.

Diện tích : 2.615km2, dân số 267.000 (1960).

Tỉnh có 6 quận : Cao Lãnh (tức Châu Thành) có 12 xã, Đồng Tiến (8 xã). Mỹ An (6 xã), Hồng Ngự (12 xã), Kiến Văn (7 xã) và Thanh Bình (7 xã). Xã Mỹ Ngãi vẫn thuộc Cao Lãnh.

Năm 1966, chế độ Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu tái lập tỉnh Sa Đéc, gồm 4 quận : Đức Thành (8 xã), Đức Thịnh (13 xã), Đức Tân (7 xã) và Lấp Vò (8 xã). Thời chiến tranh chính quyền cách mạng sáp nhập và đổi tên Sa Đéc thành Long Châu Sa rồi Long Châu Tiền.

Sau ngày giải phóng miền Nam (1975), nhà nước ta thành lập tỉnh Đồng Tháp (nhập Sa Đéc và Kiến Phong) có 2 thị xã Sa Đéc và Cao Lãnh

 và 4 huyện : Tân Hồng, Hồng Ngự, Thạnh Hưng và Tháp Mười. Diện tích 3.238km2, dân số 1.568.000 người (số liệu năm 2003). Gần đây thị xã Cao Lãnh được nâng lên cấp thành phố Cao Lãnh gồm 4 phường (1, 2, 3, 4 ) và 7 xã : Mỹ Ngãi, Mỹ Tân, Mỹ Trà, Hòa An, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây và Tịnh Thới.

Mảnh đất, con người Mỹ Ngãi, Cao Lãnh ven Đồng Tháp Mười thừa hưởng hào khí của hai danh tướng Thiên Hộ Dương và Đốc binh Kiều trở thành truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm anh dũng nhưng rất hào hiệp. Thống Lãnh binh Nguyễn Văn Linh (Thống Linh) quê xã Mỹ Ngãi, là một trong hai hộ tướng giỏi của Thiên Hộ Dương chẳng may sa vào tay giặc luôn khẳng khái trước mọi sự mua chuộc dụ hàng của địch “… Thà chết vinh hơn sống nhục”. Trước khi bị chém, Ngài còn ngâm hai câu thơ: 

“Rất tiếc thù chung chưa trả đặng.

Sụt sùi chín suối dễ nào nguôi”.

Cụ Trần Bá Lê (xã Hòa An) người nuôi dưỡng, bảo bọc Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Bác Hồ). Cao Lãnh, Sa Đéc là đất tụ nghĩa, giao lưu với các chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, Huỳnh Thúc Kháng, Võ Hoành, Dương Bá Trạc, Đặng Thúc Liêng, Nguyễn An Ninh … Cũng chính mảnh đất này đã sản sinh những chiến sĩ cách mạng tiêu biểu cho lòng yêu nước, đức hy sinh, tài thao lược trong kháng chiến trường kỳ chống Pháp đuổi Mỹ như Phạm Hữu Lầu, Nguyễn Văn Phối, cùng bao tấm gương liệt sĩ anh hùng làm sáng danh quê hương Đồng Tháp.

IV. ĐẶC ĐIỂM DÒNG HỌ 

1. Họ tộc Nguyễn ở Mỹ Ngãi tuy không đông đảo so với nhiều họ tộc khác trong vùng, nhưng thể hiện rõ tinh thần bất khuất, cương trực đậm chất Nam Bộ, trọng nghĩa kinh tài, ăn ngay nói thẳng, nhất là lòng yêu quê hương đất nước tuyệt vời. Người trong họ gốc nông dân, ít có điều kiện đi học trong thời kỳ bị giặc ngoại xâm đô hộ, nhưng vẫn có nhiều người tài giỏi, đảm đương trọng trách ở cấp khu (hoạt động cùng thời với bà Nguyễn Thị Định) và đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam như ông Nguyễn Văn Phối (đời V, chi II) làm rạng rỡ dòng họ và quê hương, là tấm gương sáng ngời đức hy sinh xả thân vì nước của Quân Giải phóng miền Nam thời chống Mỹ xâm lược.

2. Truyền thống gia tộc vẫn được giữ vững dòng họ ngày càng bền chặt. Tinh thần lao động cần cù sáng tạo trong nông nghiệp trước đây hay sản xuất mở rộng các ngành nghề hiện nay, giữ gìn truyền thống đạo nghĩa, quý trọng tổ tiên ông bà, sống chan hòa trong tình làng nghĩa xóm, dù đối với những người thành đạt, khá giả, làm quan chức lớn vẫn giữ vững tình yêu quê hương, Do hoàn cảnh chiến tranh ly tán, do điều kiện công tác chia cắt khi hòa bình xây dựng, dầu ở đâu, các hậu duệ luôn tưởng nhớ tổ tiên ông bà, cô bác trong họ (kể cả những người không còn cha mẹ) vẫn có mặt khá đông đủ trong những ngày giỗ chạp tại quê nhà. Và lớp con cháu, càng xa vắng, mất mát, lòng yêu thương quý trọng họ tộc càng đậm đà sâu sắc.

3. Có trách nhiệm với dòng họ và tương lai con cháu. Việc ông Nguyễn Văn Trình, cán bộ cách mạng lão thành – cũng là trưởng lão của họ tộc – sau khi đất nước thống nhất, dù tuổi cao sức yếu, ông vẫn cố gắng viết Bản Tông chi họ Nguyễn (từ ông tổ đến 4 đời sau), một việc làm hết sức có ý nghĩa và được cả dòng họ mãi nhớ ơn. Chính nhờ từ nguồn tư liệu quý giá này, con cháu mới phát triển thành bộ gia phả họ Nguyễn hôm nay.

V. XÂY DỰNG DÒNG HỌ VĂN HÓA

Xậy dựng dòng họ văn hóa vừa là Quả của quá khứ vừa là Nhân của các thế hệ tương lai.

Ông bà tạo dựng, con cháu giữ gìn. Đó là sự nối truyền, là truyền thống văn hóa của họ tộc cả của dân tộc ta vậy.

Ông bà ta thường nói “Nước mắt chảy xuống”, một triết lý về cuộc sống vừa có ý nghĩa sâu xa vừa rất thực tế, giá trị muôn đời. Ông bà cha mẹ với tình thương vô hạn, hết lòng lo cho con cháu, cả vật chất lẫn tinh thần, như là lẽ đương nhiên một cách vô tư, không đắn đo suy nghĩ hơn cả trách nhiệm và bổn phận (trách nhiệm + tình thương) chỉ với điều kỳ vọng con cháu sau này sẽ hơn mình “con hơn cha nhà có phước”. Lập gia phả để lại cho con cháu là việc làm cực kỳ quan trọng có giá trị lâu dài. Nhưng để đạt được mục tiêu cao cả đó, trước mắt ông bà cha mẹ cần có giai đoạn chuẩn bị cụ thể (giáo dục đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng) để cho ra những “sản phẩm” tốt, “sản phẩm” con người không có phế phẩm – những con người xứng đáng nối truyền tôn thống) dòng họ tiến tới xây dựng dòng họ văn hóa.

Khâu chuẩn bị cụ thể thường có ba việc : khuyến học, khuyến nghiệp, khuyến tài theo chủ trương của nhà nước. Đây là loại đầu tư căn bản nhất, hiệu quả cao nhất : đầu tư con người. Khuyến học, văn hóa là chìa khóa, tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu của con người mới. Nhiều gia đình khó khăn, con nhà nghèo hiếu học nhưng không có tiền. Quỹ khuyến học phải tiếp tay, họ tộc là chỗ dựa nâng bước các cháu bằng cách cho hẵn (bậc tiểu học) hoặc cho mượn (bậc đại học) để giữ vốn giành cho các cháu khác lứa tuổi kế tiếp (như họ Hồ, họ Trương ở Bến Tre, họ Lưu ở Vĩnh Long). Sau mỗi năm học, ban Khuyến học (của Hội đồng gia tộc, nếu có) sẽ theo dõi, tuyển chọn tổ chức lễ tuyên dương và phát thưởng cho các cháu là học sinh giỏi, xuất sắc của họ tộc, vừa để động viên kịp thời tinh thần học tập của con cháu, vừa thể hiện sự quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của họ tộc. Khuyến nghiệp : đối với các cháu ở lứa tuổi trưởng thành, hoặc do gia cảnh mà phải bỏ học giữa chừng. Trách nhiệm ông bà cha mẹ là phải khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ điều kiện cho các cháu học nghề, hay giới thiệu, gởi gấm chỗ làm việc để các cháu tự lập bản thân, ổn định cuộc sống gia đình sau này, là góp phần phát triển dòng họ, ổn định xã hội. Khuyến tài : xưa nay dòng họ nào cũng có gien đột biến, sản sanh những tài năng vượt trội tuy không nhiều. Nhân tài là nguyên khí của quốc gia. Khi có con người xuất sắc như vậy, họ tộc nên có cách chắt chiu ươm mầm để trở thành nhân tài cho đất nước, làm rạng danh quê hương, dòng họ. Danh nhân lịch sử nào cũng được sinh ra từ một gia đình, họ tộc, lịch sử đã chứng minh.

Các gia đình văn hóa tạo thành họ tộc văn hóa. Tất cả các họ tộc văn hóa sẽ tạo thành quốc gia văn hóa, dân tộc văn hiến, văn minh. Bác Hồ đã từng nói : “… Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt”.

Năm nay 2009, nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 cả nước tổ chức lễ kỷ niệm khá trọng thể để khẳng định vai trò, vị trí của gia đình là tế bào xã hội, văn hóa gia đình tức truyền thống gia đình gồm có các chuẩn mực gia lễ, gia giáo, gia phong, nơi tạo ra nhân cách con người; còn là nơi bảo tồn, lưu truyền tốt nhất bản sắc văn hóa dân tộc và thực hiện tốt nhất các chức năng xã hội của mình.