Trang chủ > 067. Gia phả họ Trà (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM)

067. Gia phả họ Trà (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM)

21/08/2022 11:46:40

Gia phả họ Trà ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2012. 

LỜI TỰA

Ông bà ta từng nói:

Nước có Sử - Nhà có Phả.

Sử là sự ghi chép thành văn quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc; sự hưng thịnh, thăng trầm của các triều đại, ghi chép về các dân tộc trong cộng đồng nước Việt và về cương thổ từ thời lập quốc cho đến nay đã thay đổi ra sao?

Phả là sự ghi chép lịch sử dòng họ, chép từng Đời, từng Chi khác với lời kể truyền từ các đời trên cho con cháu. 

Dựng Phả là công việc khoa học, vì phải nghiên cứu và gắn lịch sử họ tộc với lịch sử các vùng đất mà họ tộc ta sinh sống. 

Dựng Phả là công việc thiêng liêng vì là tâm niệm của con cháu, là sự thể hiện hình ảnh ông bà tổ tiên và đời sống họ tộc, trải qua hàng trăm năm, lúc sum vầy, khi ly tán.

Theo tư liệu lịch sử, họ Trà chúng ta có nguồn gốc xa xưa từ vùng đất miền Trung nước Việt, là châu Ô và châu Rí thuộc xứ sở Champa. Từ thế kỷ thứ 13, tổ tiên họ Trà đã di dân vào Nam Trung bộ, nhiều thế kỷ sau nữa, lại tiếp tục đi vào phương Nam. 

Theo ký ức các ông bà đời trên và nghe kể về lịch sử hình thành Xóm Huế, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi; có thể xác định tổ tiên họ Trà tại xã Thái Mỹ ngày nay, trước kia từng sinh sống tại Xóm Huế, là nơi đến đầu tiên của một số lưu dân các họ Trà, Lê, Lưu … từ miền ngoài vào đất phương Nam. 

Không biết vào thời gian nào, các ông bà họ Trà tìm đến làng Mỹ Khánh, nay là xã Thái Mỹ, sinh sống và tạo nghiệp cho đến nay. Người họ Trà cao tuổi nhứt ở đây được biết là ông Sơ của chúng ta tên là Trà Văn Phán, ước sinh vào khoảng năm 1830, triều Nguyễn vua Minh Mạng trị vì.

Cùng với ông Trà Văn Phán, họ Trà ở Thái Mỹ còn có các bậc tiền hiền không rõ tên tuổi, đời kế tiếp là ông Trà Văn Vồ, ông Trà Văn Tài lập nghiệp, tạo thành hai Nhánh họ Trà ở Thái Mỹ, trong đó có một Chi lên lập nghiệp ở xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

Việc dựng Gia phả họ tộc Trà được khởi xướng từ con cháu Đời Thứ Năm họ tộc Trà xã Thái Mỹ, và được bà con họ tộc hoan nghênh, đồng tình vì đáp ứng được sự mong mỏi của mọi người hướng về ông bà, tổ tiên.

Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thuộc Hội Khoa học Lịch sử TP. Hồ Chí Minh là đơn vị hỗ trợ họ tộc phục dựng Gia phả họ Trà một cách đầy đủ.. 

Với tư liệu lịch sử và qua tiếp xúc họ tộc, tìm hiểu, ghi chép; các chuyên viên dựng phả đã hoàn thành Gia phả họ tộc Trà sau gần một năm nghiên cứu, biên soạn.

Gia phả họ Trà xã Thái Mỹ ghi chép các Nhánh họ Trà, từ Đời Thứ Nhứt đến Đời Thứ Sáu, chia ra các phần như sau:

- Lời tựa

- Phả Ký

- Phả hệ

- Ngoại phả

Gia phả họ tộc là sản phẩm mang tính văn hóa. Sự ghi chép có thể dài, có thể ngắn nhưng đã phản ảnh rõ nét cuộc sống của các ông bà tổ tiên họ Trà, trải qua từng giai đoạn mở đất, lập làng; hy sinh mất mát trong các cuộc kháng chiến cứu nước và giữ nước.

Thay mặt họ tộc Trà, chúng tôi trân trọng cám ơn sự đóng góp của các chuyên viên dựng phả trong việc nghiên cứu và biên soạn gia phả họ Trà. Sự thiếu sót và các vấn đề còn tồn nghi, nếu có, là điều không tránh khỏi, mong sẽ được hiệu chỉnh, bổ khuyết. 

Với con cháu họ tộc, cần tiếp tục ghi chép về các đời sau một cách đầy đủ, không được bỏ dở.

Gia phả họ Trà có thể để các nhà nghiên cứu khoa học tham khảo/

Thay mặt họ tộc Trà xã Thái Mỹ

Hậu duệ Đời Năm

TRÀ VĂN QUÝNH - TRÀ THỊ KIM AN

 

PHẢ KÝ

Dựng gia phả là công việc vừa mang tính khoa học, vừa rất thiêng liêng. Gia phả là sử của họ tộc, nên khi dựng gia phả cần tìm hiểu nguồn gốc họ tộc và xác định tổ quán là nơi ông bà tổ tiên ta sinh sống lâu đời.

Họ tộc Trà có nguồn gốc từ miền ngoài, nên cần tìm hiểu vì sao và lúc nào tổ tiên họ Trà thiên cư vào Nam, tìm hiểu sự phát triển của họ tộc gắn với các vùng đất được khai khẩn, lập làng, ổn định cuộc sống cho đến  sau nầy. 

LỊCH SỬ VÀ NGUỒN GỐC HỌ TRÀ

Theo tư liệu lịch sử, họ Trà nguyên là một họ của dân tộc Champ, cư trú lâu đời tại vùng đất miền Trung nước Việt, thời xa xưa thuộc nước Champa, tức nước Chiêm Thành. Vùng đất có nhiều cư dân họ Trà sinh sống nhất, thuộc châu Rí của Chiêm Thành, nay là xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. 

Ngược dòng lịch sử…

Năm Tân Sửu (1301), Thượng Hoàng Trân Nhân Tôn đi sang Chiêm Thành xem phong cảnh, có ước gả Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm là Chế Mân. Được ít lâu Chế Mân cho người đưa vàng bạc và các sản vật sang cống và xin cưới. Triều thần có nhiều người không thuận. Chế Mân lại xin dâng Châu Ô và Châu Rí để làm lễ cưới, bấy giờ vua Trần Anh Tôn mới thuận gả. Đến tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), cho  công chúa Huyền Trân về Chiêm Thành.

Sang năm sau, Vua Nhân Tôn thu nhận hai châu Ô và châu Rí, đổi tên Thuận Châu và Hóa Châu, rồi sai quan là Đoàn Nhữ Hài vào kinh lý và đặt quan cai trị.

(Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim)

Châu Ô đổi tên thành Thuận Châu là phần đất hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị; châu Rí đổi thành Hóa Châu là đất hai huyện Phú Lộc, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế và hai huyện Diên Phước, Hòa Vang của tỉnh Quảng Nam ngày nay.

Lưu dân miền Nghệ An, Hà Tĩnh được triều đình khuyến khích đã vào các vùng đất mới lập nghiệp. Cùng lúc là các đợt di dân của người Champ lui về phương Nam. Người Champ ở lại chịu sự đồng hóa với dân Nghệ An, Hà Tĩnh vào lập nghiệp, trở thành dân xứ Quảng ngày nay.

Các cuộc chiến tranh Nam tiến, xâm chiếm đất Chiêm Thành bùng nổ do nhiều nguyên nhân, song tất cả đều xuất phát từ nhu cầu di dân, mở mang bờ cõi của nước Đại Việt và từ tham vọng của các vua Chiêm Thành lúc đó thế và lực tỏ ra hùng mạnh.

Thời vua Trần Phế Đế (1377-1388), quân Chiêm 3 lần đánh Nghệ An, rồi kéo vào Thăng Long cướp phá, gây cảnh chết chóc, điêu tàn. Năm 1390, tướng nhà Trần là Trần Khát Chân phục binh đánh thủy quân Chiêm, giết chết Chế Bồng Nga, quân Chiêm thất trận mới chịu rút về.

Chiêm Thành thần phục Đại Việt đến năm 1470, triều vua Lê Thánh Tôn, vua nước Chiêm Thành là Trà Toàn một mặt cầu viện quân Minh, một mặt đem quân đánh phá Hóa Châu gây cảnh chết chóc cho cả hai dân tộc..

Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII) chép:

Tháng giêng năm thứ 2 niên hiệu Hồng Đức (năm Tân Mão, 1471) vua Lê Thánh Tôn truyền lệnh cho quân ở trấn Thuận Hóa phải ra biển thử tập thủy quân tham chiến. Tháng 2 năm này, Ngài ra lệnh đánh phá thành Đồ Bàn của Chiêm Thành. 

Quân Thuận Hóa bắt sống được Trà Toàn. Tướng Chiêm Thành là Bô Trì Trì chạy tới đất Phiên Lung(Phan Rang ngày nay), chiếm cứ đất ấy xưng vương. 

Bô Trì Trì chỉ chiếm được một phần năm đất đai so với đất nước Chiêm Thành trước đây, nhưng lại sai người vào dâng lễ cống hiến vua ta, nên Ngài phong cho hắn làm vua nước Chiêm Thành.

Tương truyền rằng vua Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, mở đất đến biên giới hai tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa ngày nay, sai đục đá ở đỉnh núi cao nhất để dựng bia phân định địa giới của ta và đất của Chiêm, núi ấy sau gọi là núi Thạch Bi. 

Suốt hai trăm năm sau đó, quân Chiêm nhiều lần đưa quân đánh phá, giành lại đất đai đã mất khiến quân Việt phải nhọc công đánh dẹp. Đến thế kỷ thứ 16, ranh giới của nước Đại Việt được xác lập bởi phủ Phú Yên, gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa.

Lịch sử Nam tiến của người Việt từ thế kỷ thứ 16 đến thế kỷ thứ 18 đồng thời cũng là lịch sử của quốc gia Chiêm Thành diệt vong. Trong hai trăm năm đó, dân tộc Champ lần hồi đã đồng hóa với dân tộc Việt, hai nền văn hóa của hai dân tộc đã pha trộn và tạo thành nếp sống riêng biệt với những phong tục tập quán còn lưu lại đến hôm nay.

Các cuộc di dân của tổ tiên họ Trà vào Nam, khoảng thời gian nào, con cháu không được rõ. Theo ký ức các ông bà đời trên và qua tìm hiểu sự hình thành Xóm Huế, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi; được biết thời gian khoảng năm 1700- 1710, lưu dân họ tộc Trà từ miền ngoài xuôi Nam bằng đường biển vào đất Gò Công, rồi từ Gò Công, theo đường sông nước lên lập nghiệp tại vùng đất phía bắc Gia Định.

Dân miền ngoài vào đây, người địa phương gọi là dân Huế, khai phá rừng hoang, trồng trọt và hội tụ thành xóm nhà sung túc, gọi là xóm Huế, nay thuộc xã Tân An Hội, huyện Củ Chi. 

Những người họ Trà lập gia đình với người Việt, qua nhiều thế hệ sinh sống trên vùng đất mới, đã dần mất đi những nét riêng về huyết thống và văn hóa của dân tộc Champ. Các đời sau, con cháu họ Trà đã thuần Việt.

Thời điểm lưu dân họ Trà đến Xóm Huế, cũng là thời điểm Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược đất phương Nam. 

Vào đến phương Nam, Nguyễn Hữu Cảnh thấy nơi đây đất đã “mở mang ngàn dặm, dân có trên 4 vạn hộ", liền “… lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên trấn” 

(Gia Định Thành thông chí- Trịnh Hoài Đức) 

Từ xóm Huế, do nhu cầu khẩn đất trồng trọt và do có sự mở mang đường xá (đường Thiên lý tây mở vào năm 1815 từ Bến Nghé lên Quang Hóa, tức Trảng Bàng ngày nay), nên con cháu họ Trà các đời sau tiếp tục đi khẩn hoang các vùng đất khác, như vượt đồng bưng qua Đức Hòa, Đức Huệ (nay thuộc tỉnh Long An) và theo đường Thiên lý tây (nay là Quốc lộ 22- Đường Xuyên Á) ngược lên hướng bắc, khẩn đất, định cư tại các làng Mỹ Khánh, Thái Bình Thượng, Thái Bình Hạ … tức xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi ngày nay. 

Người họ Trà đầu tiên đến làng Mỹ Khánh lập nghiệp là ai, con cháu không rõ; chỉ biết bậc tổ cao nhứt là ông Trà Văn Phán, con cháu gọi là ông Sơ (năm sinh ước hoảng 1830), và các Tổ họ Trà khác không rõ tên tuổi, biết đời kế tiếp là ông Trà Văn Tài và Trà Văn Vồ, đã lập nghiệp, sinh con đẻ cháu, lập thêm các Nhánh họ Trà khác tại Thái Mỹ.

Do đó, có thể xác định xã Thái Mỹ chính là Tổ quán họ Trà.

LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT THÁI MỸ

Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, chép vào năm Gia Long thứ 7 (1808), huyện Tân Bình phía bắc Gia Định, được nâng lên thành phủ Tân Bình; tổng Bình Dương nâng lên thành huyện Bình Dương với hai tổng là Bình Trị và Dương Hòa. 

Để ổn định về mặt chính trị và cai quản tốt vùng đất phía Nam, vào triều Minh Mạng, đất Gia Định được chia thành 6 tỉnh (gọi là Nam kỳ lục tỉnh), trong đó thành Phiên An đổi thành tỉnh Phiên An, sau lại đổi thành tỉnh Gia Định. 

Làng xóm nhiều hơn, dân số tăng nên huyện Bình Dương (phủ Tân Bình) vốn có 2 tổng, nay được chia làm 6 tổng : Bình Trị Thượng, Bình Trị Trung, Bình Trị Hạ, Dương Hòa Thượng, Dương Hòa Trung, Dương Hòa Hạ. 

Thời vua Thiệu Trị trị vì (1841-1847), một số thôn thuộc ba tổng Bình Trị Trung, Bình Trị Hạ và Dương Hòa Thượng được tách ra để lập huyện mới Bình Long, là địa phận Hóc Môn-Củ Chi ngày nay.

Các xã phía bắc huyện Bình Long là đất mới khai phá, còn nhiều rừng, thú dữ. Cư dân lâu đời là người dân tộc Khmer, sống trong các phum sóc nơi Gò Tháp. Cư dân các nơi đến lập nghiệp, phần lớn là di dân miền ngoài vào đất Bến Nghé, theo đường Thiên lý tây mà lên; cũng có không ít lưu dân là con cháu họ tộc Lê Văn (Tả quân Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt), vì tránh họa Lê Văn Khôi làm phản chống lại triều đình, mà trốn lên đây, đổi sang họ Nguyễn, giấu biệt nguồn gốc.

Năm 1859, đất Gia Định bị thực dân Pháp đánh chiếm, đặt ách cai trị; các đơn vị hành chính cũ không còn phù hợp, có sự thay đổi lớn. 

Tỉnh Gia Định được chia thành 4 quận là Hóc Môn, Gò Vấp, Thủ Đức và Nhà Bè. 

Quận Hóc Môn có 5 tổng là Long Tuy Thượng, Long Tuy Hạ, Long Tuy Trung, Bình Thạnh Hạ và Bình Thạnh Trung.

 Tổng Long Tuy Hạ gồm 11 xã, trong đó 3 xã Mỹ Khánh, Thái Bình Thượng, Thái Bình Hạ, vào năm 1944 được sát nhập thành xã Thái Mỹ với 3 ấp Mỹ Khánh, Bình Thượng, Bình Hạ và ấp Tháp được tách ra từ một phần đất của ấp Mỹ Khánh.                 

Năm 1954, xã Thái Mỹ thuộc quận Hóc Môn, dân số khoảng 5 ngàn người; năm 1958, Hóc Môn chia làm hai huyện, Thái Mỹ thuộc về huyện Củ Chi. 

Thời chiến tranh, dân số Thái Mỹ giảm mạnh vì bom pháo huy hiếp xóm làng, quân đội chế độ Sài Gòn ruồng bố gom dân vào các ấp chiến lược, một số dân tản cư đi nơi khác. 

Sau ngày chiến tranh kết thúc, người dân Thái Mỹ trở về làng xóm cũ, san lắp hố bom, cất nhà, làm ruộng; làm cho vùng đất Thái Mỹ dần lấy lại màu xanh. 

Do dân số phát triển, năm 1977, ấp Mỹ Khánh được chia làm 2 ấp là ấp Mỹ Khánh A, ấp Mỹ Khánh B; năm 1992 ấp Bình Hạ chia làm 2 ấp là ấp Bình Hạ Đông, ấp Bình Hạ Tây; năm 1994, ấp Bình Thượng chia làm 2 ấp là ấp Bình Thượng 1 và Bình Thượng 2.

Xã Thái Mỹ hiện có 7 ấp. Tất cả các ấp đều đạt danh hiệu ấp Văn hóa. Dân số xã Thái Mỹ hiện có trên 11 ngàn người (tháng 11 năm 2008)” với các chi họ Lê, Nguyễn, Vương, Dương, Cao, Trà… sinh sống.

SỰ PHÁT TÍCH DÒNG HỌ TRÀ

Ông Sơ họ Trà xã Thái Mỹ là ông Trà Văn Phán sinh khoảng năm 1830, không rõ sinh quán là xóm Huế hay làng Mỹ Khánh, tổng Long Tuy Hạ là xã Thái Mỹ ngày nay. Con cháu không biết bà Sơ, cũng không biết năm sinh, năm mất của bà.

Theo ông Út Trọi, hậu duệ Đời Thứ Năm họ Trà cho biết, mộ ông Sơ Trà Văn Phán ở Cây Quéo, làng Mỹ Khánh (ấp Mỹ Khánh, xã Thái Mỹ) là mộ đất, không có bia; năm 1972 bị xe tăng Mỹ ủi mất dấu vết.  

Ông Trà Văn Phán sống ở làng Mỹ Khánh với các anh em ruột, nhưng do thời gian quá lâu nên con cháu sau nầy chỉ còn nhớ vài người. Bà Trà Thị Hồng là em ông Trà Văn Phán, mộ ở ấp Mỹ Khánh A, bia ghi là Bà Cố Sơ. 

Ông Trà Văn Thêm, bà Trà Thị Điệp là anh em ruột với ông Trà Văn Phán, nhưng không rõ thứ tự trước sau. 

Anh em chú bác với ông Trà Văn Phán là các ông Trà Văn Ngao, Trà Văn Thiệp, Trà Văn Đoàn (Chúc), Trà Văn Vái và Trà Văn Duyên… sinh sống tại làng Mỹ Khánh, qua đời đã lâu, hiện còn mộ ở xã Thái Mỹ. 

Như vậy có thể hiểu được các ông bà đời trên của ông Trà Văn Phán, cha hoặc ông nội, mới là người đầu tiên từ Xóm Huế, đưa con cháu họ Trà đến làng Mỹ Khánh. Thời gian đó là năm nào không ai biết rõ.

Ông Sơ Trà Văn Phán có nhiều con, nhưng chỉ biết hai người con trai là ông Trà Văn Giang và ông Trà Văn Nhượm, là Đời Thứ Hai lập thành hai Chi. Không biết chính xác năm sinh của ông Trà Văn Giang và ông Trà Văn Nhượm, nhưng ước tính hai ông sinh vào khoảng từ năm 1850 đến năm 1860 thời vua Tự Đức trị vì và ngay lúc Gia Định rơi vào tay thực dân Pháp xâm lược. 

Hai ông Trà Văn Giang và Trà Văn Nhượm trưởng thành trong thời kỳ đất đai làng xóm Mỹ Khánh đã thành hình, người dân trồng lúa, các loại hoa màu trên đất mới, dưới rọc, ngoài bưng. Nơi nào trúng mùa, năng suất được khoảng 90 giạ một mẫu. Mỗi gia đình canh tác năm bảy công ruộng, lúa đủ ăn quanh năm. Ngoài làm ruộng vùng triền, vùng gần mương, rạch, suối… dân nghèo Mỹ Khánh còn lấn ra vùng bưng biền, làm ruộng diện tích nhỏ, gọi là cấy lúa ma.

Vùng gò cao như gò Gió, gò Tháp, gò Ngãi… dân chúng trồng tre trúc, tầm vông nên đường làng rợp mát. Tre, trúc, tầm vông là nguồn nguyên liệu dồi dào giúp cho nghề đương đát rỗ, rá, giỏ, xịa … phát triển mạnh, sản phẩm bán tận Hóc Môn, Chợ Lớn.

Nghề đương đát rất cực. Con gái lấy chồng về các xóm làm nghề đương đát, cám cảnh qua mấy câu thơ dưới đây:

Lấy chồng gò Gió

Cực như con chó

Dọn mâm cơm, để đó…

Thắp đèn chai đương cho xong cái rỗ, cái rá…

Mới được ăn!

Các con của ông Trà Văn Giang, Trà Văn Nhượm với truyền thống lao động của ông bà đời trên, đều giữ nghề nông: làm ruộng, trồng hàng bông, đương đát, cuộc sống hiền hòa. Hai ông có nhiều con, có trai có gái, nhưng chỉ biết ông Trà Văn Giang có 4 người con trai; ông Trà Văn Nhượm có 7 người con gồm 4 trai, 3 gái. 

Các con của ông Trà Văn Giang lập gia đình, làm ruộng của cha mẹ để lại. Ông Trà Văn Xong, con thứ chín, sang Đức Huệ khai phá đất đai, lập nghiệp tại Mỹ Quý Tây. Hiện con cháu còn sinh sống tại đây, thường về Thái Mỹ giỗ kỵ ông bà. 

Ông Trà Văn Nhượm có nhiều ruộng đất, giàu có nhất làng, ruộng đất chia cho các con, chia đến đời cháu cũng còn. 

Những năm đầu thế kỷ 19, các làng Mỹ Khánh, Thái Bình Thượng, Thái Bình Hạ thuộc tổng Long Tuy Hạ có phần cách biệt với vùng thị tứ bên ngoài, nơi có đường Thiên lý, còn được gọi là lộ Đông Dương, đi qua. Dân cư sống rải rác, nhà cửa thưa thớt, xa xa một xóm nhà cất dọc bờ ruộng, nép mình bên hàng tre trúc

Để ra vùng thị tứ, người dân Thái Mỹ thường đi bộ, ít khi có được chuyến đi nhàn nhã bằng xe bò, xe ngựa.

Một cản ngại khác là đồng bưng, các khu đất gò ở phía tây, phía nam và các khu rừng hoang, rừng cao su phía tây-phía bắc ngăn cách Thái Mỹ với bên ngoài. Đường làng 7, sau là tỉnh lộ 7, là con lộ đất duy nhứt nối Suối Cụt với trung tâm làng Mỹ Khánh, đi qua gò Gió, xuôi xuống Đức Hòa. 

Giao thông cách trở, nhà nghèo quá nên chuyện học hành của con cháu nông dân xã Thái Mỹ là mơ ước xa xôi. Con nhà nghèo học “trường” trong xóm, từng nhóm nhỏ vài ba đứa. Nhờ vậy mà biết ráp vần, biết đọc chữ. Cũng có khi, cha biết chữ Quốc ngữ, dạy cho con tại nhà mà con biết chữ. Nhưng cuộc sống cực nhọc buộc phải cầm cày, rồi cầm súng… nên chữ nghĩa quên dần.

Chế độ cai trị của thực dân Pháp là nắm ban hội tề các làng, một số địa chủ giàu có để cai trị và thu thuế dân chúng, ít khi thấy quan Pháp, lính Pháp vào kiểm soát, hạch sách dân nghèo. Cho đến năm 1944, làng Mỹ Khánh, Thái Bình Thượng, Thái Bình Hạ sát nhập thành làng Thái Mỹ thì người Pháp đặt nhà làng tại ấp Mỹ Khánh, trực tiếp cai trị dân chúng, phòng ngừa “cộng sản dậy” như năm 1940.

Đời Thứ Tư họ tộc Trà ở xã Thái Mỹ trưởng thành trong giai đoạn nầy, thấy và hiểu được hai thế lực đè đầu, cỡi cổ nhân dân là thực dân Pháp và bọn tay sai tề làng câu kết với địa chủ. Người dân nghèo, khổ vì mất mùa, thiếu ăn, vay lúa rồi mắc nợ; thiếu thuế ruộng, thuế thân phải cầm cố ruộng đất cho người giàu có, bản thân trở thành tá điền.

Do đó khi có người tuyên truyền chính trị, vận động các phong trào đấu tranh vì dân nghèo, phong trào Việt Minh tiến lên Tổng khởi nghĩa; thì không ít hậu duệ Đời Thứ Tư họ tộc Trà hưởng ứng. Tiêu biểu có ông Trà Văn Phụ (con ông Trà Văn Thùa, cháu nội ông Trà Văn Giang) tham gia tuyên truyền và xây dựng tổ chức Việt Minh, vận động nhân dân tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 tại Thái Mỹ. Ông Hai Phụ được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh xã. 

Con ông Hai Phụ là Trà Văn Phước (Trà Minh Tiếp) tham gia kháng chiến năm 1949, về công tác ở Tỉnh đội Tây Ninh, giữ nhiệm vụ Tỉnh đội phó phụ trách hậu cần.

Các người em của ông Hai Phụ như Trà Văn Ơn, Trà Văn Giáo, Trà Văn Đại, Trà Văn Khanh, Trà Văn Ngộ từ truyền thống lao động, với tình yêu quê hương làng xóm; đã chuyển thành lòng yêu nước tích cực bám đất giữ lấy ruộng vườn và có nhiều đóng góp với địa phương trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. 

Hậu duệ họ tộc Trà các Đời Thứ Ba, Thứ Tư là con cháu ông Trà Văn Giang, ông Trà Văn Nhượm có nhiều người cầm súng đánh giặc trên mãnh đất quê nhà, hy sinh, được công nhận liệt sĩ. 

Lúc chiến tranh lan rộng, làng xóm bị tàn phá; một phần con cháu họ Trà chịu cảnh ly tán, xa quê hoặc lập gia đình về sinh sống ở các vùng đất bình yên trên đất Tây Ninh, bên đất Long An là quê vợ, quê chồng. 

Chiến tranh kết thúc. 

Trong gần hai mươi năm, xóm làng Thái Mỹ đã gánh chịu hậu quả chiến tranh hết sức khốc liệt: dân chết, nhà cháy, đồng ruộng bị tàn phá. Không ít người họ Trà chết trong chiến tranh do “tên bay, đạn lạc”, mìn trái văng đầy.

XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TRONG HỌ TỘC

Đất nước thanh bình. Con cháu họ tộc Trà và các họ khác đã chung tay, góp sức cùng nhau khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, xây dựng lại cuộc sống trên quê hương Thái Mỹ.

Trong cuộc sống lao động, học tập, xây dựng đời sống mới; con cháu họ Trà đã sớm thích nghi và phát huy truyền thống lao động, truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của tổ tiên, bằng sự học hành tiến bộ, xây dựng nếp sống văn minh thể hiện rõ tình đoàn kết trong họ tộc, trong xóm ấp và với cộng đồng.

Theo đà phát triển của toàn xã hội, với những nỗ lực của địa phương, cuộc sống người dân Thái Mỹ ngày càng khá hơn, thoát được cảnh nghèo, nhà tranh tre thay thế bằng nhà xây, mái ngói; nếp sống văn hóa mới hình thành, tình làng nghĩa xóm được coi trọng. 

Năm 2008, Thái Mỹ là xã đầu tiên được thành phố công nhận là xã Văn hóa, với 7/ 7 ấp là ấp Văn hóa. 

Năm 2012, Thái Mỹ được Thành phố chọn làm xã điểm xây dựng xã Nông thôn mới.

Từ những ông bà họ Trà người Champ có nền văn hóa riêng biệt, bao gồm nếp sống, tiếng nói, tập quán, y phục, nghề nghiệp…, con cháu họ Trà nay đã hòa nhập vào cộng đồng người Việt trong thời gian dài, trên những vùng đất khác nhau. Việc học tập nâng cao trình độ văn hóa được hậu duệ họ Trà ngày nay chú trọng. 

Đời Thứ Năm, Thứ Sáu không ít người tốt nghiệp phô thông trung học và Đại học. Ông Trà Văn Quýnh là một điển hình về học tập, dù bận rộn công tác với chức vụ Bí thư Huyện ủy Củ Chi, vẫn nỗ lực học tập và thi lấy được bằng Thạc sĩ Kinh tế. 

Trong việc dựng vợ gả chồng, họ tộc Trà đều theo phong tục tập quán người Việt; những năm sau nầy, trong việc cưới gả đều theo nếp sống văn hóa nông thôn mới. Mối quan hệ hôn nhân của con cháu các đời sau mở rộng ra các địa phương khác như Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Long An…

Họ Trà kết hôn với các họ: 

Họ Nguyễn 100 cuộc

Họ Lê 30 cuộc

Họ Trần 23 cuộc

Họ Phạm 15 cuộc

Họ Hồ 15 cuộc

Các họ như Phan, Võ, Huỳnh, Dương, Trương, Vương, Lâm, Lưu, Thái… có từ 5 đến 8 lần cưới, gả với con cháu họ Trà. Trong việc kết hôn, thường cha mẹ định hướng cho con cái và phát huy hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, đúng luật pháp. Hôn nhân và di truyền là hai quy luật tất yếu để phát triển dòng họ. Hôn nhân tạo hạnh phúc lứa đôi, tạo gia đình bền vững; di truyền giữ gìn, nhân bản sự thông minh, tạng người và lưu giữ phần nào cái gen của ông bà, biểu hiện qua hình dáng bên ngoài.

Người mang họ Trà từ lâu đã là người Việt, đã cùng cam cộng khổ và chịu nhiều hy sinh mất mát với người Việt, người Hoa, người Khmer trong hai cuộc kháng chiến vừa qua. Những gì còn lưu lại về huyết thống, dòng tộc Champ của người họ Trà, phải chăng được biểu hiện qua nước da ngâm đen, đôi mắt sâu, mi mắt đen nhánh phảng phất nỗi buồn ly hương từ các đời trên …

Về việc tìm kiếm mối liên hệ giữa họ tộc Trà xã Thái Mỹ với tổ tiên tại Tổ quán xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; hậu duệ Đời Thứ Năm họ tộc Trà đã có chuyến về nguồn tham dự Đại Lễ Giỗ Tổ tộc Trà liên tỉnh Bắc-Nam ngày 10-04-2011 tổ chức tại Quảng Nam.

Tại xã Thái Mỹ, con cháu họ tộc Trà với ông Tổ Đời Thứ Nhứt là Trần Văn Phán, luôn giữ mối quan hệ anh em với con cháu của hai ông Trà Văn Vồ và Trà Văn Tài là hai ông cao đời nhất của hai nhánh nầy, về thế thứ thì đời trên của ông Trà Văn Vồ vai anh của ông Trà Văn Phán và đời trên của ông Trà văn tài là vai em.

Ông Trà Văn Tài lập nghiệp tại Thái Mỹ từ lúc nào con cháu không rõ, mộ ông bà tại đồng mả Học. Hai người con của ông Trà Văn Tài là Trà Văn Gióng và Trà Văn Thấy, khi qua đời đều được chôn tại đồng mả Học. Hiện con cháu của ông sinh sống đông đúc tại xã Thái Mỹ. 

Ông Trà Văn Vồ có hai người con trai là ông Trà Văn Ốc và Trà Văn Me. 

Ông Trà Văn Ốc có hai con là Trà Văn Rãnh, Trà Văn Cò đều sống ở ấp Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ. Các cháu đời kế của hai ông là Trà Văn Rè, Trà Văn Xiếp, Trà Văn Phơi,  Trà Văn Rây, Trà Văn Chứa.

Các ông Út Rè, Mười Chứa biết mình với con cháu ông Trà Văn Phán là anh em; nhưng chưa biết chính xác vai vế anh em được xác lập vào vị trí nào của các đời trên.

Ông Trà Văn Me lập nghiệp ở xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh lập thành Nhánh họ Trà ở Cẩm Giang, truyền tới nay được bảy đời. Trong các ngày giỗ tộc, hậu duệ họ Trà ở Cẩm Giang đều có về dự đám, nhận nhau là bà con họ hàng.

Với lòng tri ân và tưởng nhớ tổ tiên, cội nguồn; các bậc ông bà cha mẹ thường nhắc nhỡ con cháu mình về nguồn gốc họ Trà, giáo dục lòng tôn kính ông bà, tình đoàn kết trong họ tộc thể hiện qua các ngày giỗ tộc 20 tháng giêng, góp tay trùng tu Miễu họ tộc và xây dựng Nhà Từ đường, phục dựng Gia phả họ Trà trong năm 2012.

Nhà Từ đường họ tộc là nơi con cháu họ Trà đến bái viếng tổ tiên.

Gia phả họ tộc Trà xã Thái Mỹ là quyển sử ghi lại lịch sử dòng họ.

Hai công trình nầy đã thể hiện trọn vẹn tấm lòng con cháu đối với tổ tiên họ Trà, có nguồn cội từ hai châu Ô, Rí xa xôi …