Trang chủ > 068. Gia phả họ Mai (ấp 3, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM)

068. Gia phả họ Mai (ấp 3, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM)

21/08/2022 12:21:18

Gia phả họ Mai ở ấp 3, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2012. 

LỜI MỞ ĐẦU 

Ông bà đã dạy:

“Làm người phải biết tổ tông

Như cây có cội như sông có nguồn”

Đó là những lời nhắc nhở ta phải tìm và nhớ đến cội nguồn.

Muốn tìm về cội nguồn thì phải nhờ vào gia phả. Tổ tiên họ Mai là lưu dân Việt từ miền Ngoài vào vùng đất Nam Bộ để lập nghiệp. Nam Bộ là vùng đất mới, nơi quần cư của lưu dân Việt khắp mọi miền đất nước. Họ đã hội tụ về đây để xây dựng quê hương mới, cuộc sống mới. Họ là những người đã phản kháng lại chế độ cai trị hà khắt của tập đoàn phong kiến Đàng Ngoài, là những người bị bắt đi làm lính cho cuộc nội chiến triền miên gần 200 năm của hai tập đoàn phong kiến họ Trịnh Đàng Ngoài và họ Nguyễn Đàng Trong. Họ cũng là những người không chịu nổi sưu cao thuế nặng, là những người tù binh sau những lần đánh nhau của hai tập đoàn phong kiến này. Họ cũng là những người đã “bỏ cha, bỏ mẹ xuống đò theo anh” vì nghe đến sự trù phú của xứ Đồng Nai… cho nên lưu dân Nam Bộ hầu hết không có gia phả. Họ Mai ta cũng không ngoài trường hợp trên nên không có gia phả và trong quá trình sinh sống nơi quê hương mới, họ cũng không lập gia phả… là để bảo tồn tính mệnh cho con cháu sau này.

Rồi chiến tranh xảy ra liên miên trên vùng đất mới, khốc liệt nhất là hai cuộc chiến tranh đánh thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Con cháu họ Mai trên quê hương Bình Lý (nay là Bình Mỹ) phải lao vào hai cuộc chiến tranh này để giải phóng quê hương, đất nước; một số ở lại quê hương vừa sản xuất dưới mưa bom lửa đạn của kẻ thù để tồn tại vừa chiến đấu, ủng hộ cách mạng, một số lao vào hai cuộc chiến đấu để giành lại quê hương. Tất cả đều không có thời gian để nghĩ đến việc lập gia phả cho dòng họ. Thế nhưng không lập gia phả cho dòng họ không hẳn con cháu quên đi tổ tiên, ông bà. Khi hòa bình lập lại, đất nước được thống nhất, non sông liền một dãy thì con cháu họ Mai mua đất lo di dời, cải táng mồ mả tổ tiên, giúp chùa Vạn Linh ở Bình Lý (Bình Mỹ) xây nơi để hủ cốt tổ tiên, những mộ bị ngập nước, bị giải tỏa và mới đây năm 2009 khi cuộc sống đã ổn định chúng tôi đã xây Mai (Lê) gia trang trong đó có xây nhà thờ tổ tiên họ Mai rộng rãi khang trang để cho vong linh tổ tiên, ông bà được ấm áp và nay (năm 2012), tôi biết được có Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thành phố Hồ Chí Minh chuyên lập gia phả cho các dòng họ nên chúng tôi nhờ tổ chức này lập gia phả cho họ tộc ta để con cháu họ Mai ta biết được cội nguồn, biết được họ hàng xa gần để xưng hô cho phải phép, biết được những truyền thống quý báu của tổ tiên để tự hào, để gìn giữ và phát huy để quyển gia phả này dày thêm những điều vẻ vang cho dòng họ.

Bộ gia phả gồm cấu trúc sau:

- Lời mở đầu: nêu lý do dựng gia phả

- Phần chính phả gồm:

* Phả ký: ghi lại lai lịch ông bà tổ và công lao của ông bà đối với dòng họ, ghi lịch sử tổ quán, những đóng góp của dòng họ cho quê hương đất nước và những truyền thống của dòng họ.

* Phả hệ: ghi tên tuổi, hành trạng từng cá nhân của từng thế hệ, ghi mồ mả, giỗ chạp của những người đã qua đời.

* Phần ngoại phả: giúp con cháu biết được việc thờ cúng tổ tiên, nhà thờ họ và tiểu sử một số người nổi trội trong dòng họ.

* Phần phụ khảo: đưa những tư liệu của dòng họ làm rõ việc nghiên cứu.

Có được gia phả này là nhờ hồng phúc của tổ tiên, hồn thiêng sông núi của quê hương giúp con cháu để “chim có tổ, người có tông”.

Chúng tôi rất trân trọng và hoan nghênh sự nhiệt tình cung cấp tư liệu của bà con và cám ơn sự tận tình hướng dẫn của ông Bảy Thép đến từng gia đình trên quê hương để lấy thông tin. Đặc biệt chúng tôi cũng cám ơn Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thành phố Hồ Chí Minh đã rất nhiệt tình, không quản ngại khó khăn, vất vả giúp dòng họ phục dựng lại lịch sử của họ tộc ta. Dẫu có nhiều cố gắng song sẽ không tránh khỏi thiếu sót. Mong bà con tiếp tục bổ sung để gia phả được hoàn chỉnh.

Bình Tân, ngày ….. tháng …. năm 2012

Hậu duệ đời V chi I phụng lập

Mai (Lê) Văn Phải 

 

PHẢ KÝ

I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH XÃ BÌNH MỸ, HUYỆN CỦ CHI - TỔ QUÁN HỌ MAI

Ấp 3 xã Bình Mỹ huyện Củ Chi thành phố Hồ Chí Minh là tổ quán họ Mai.

Xã Bình Mỹ nay xưa là thôn Bình Lý, có lúc phải gọi là Bình Lái vì kỵ húy ông cai tổng Lý.

Năm 1832, sách Đại Nam Nhất Thống Chí viết về Gia Định như sau: “Năm 1832, thành Gia Định được đổi tên là thành Phiên An, cắt ra hai huyện: huyện Thuận An và Phước Lộc lập ra phủ Tân An, cắt hai huyện Bình Dương và Tân Long thuộc phủ Tân Bình. Sau năm 1835, thành Phiên An được đổi ra thành Gia Định”.

Năm 1836, Khâm sai Trương Đăng Quế vâng lệnh vua Minh Mạng vào Nam đo đạc, lập sổ địa bạ, thì tỉnh Gia Định có hai phủ Tân Bình và Tân An. Phủ Tân An có hai huyện Bình Dương và Tân Long. Huyện Bình Dương có hai tổng, khi đo đạc chia thành 6 tổng: Bình Trị Thượng, Bình Trị Trung, Bình Trị Hạ, Dương Hòa Hạ, Dương Hòa Trung và Dương Hòa Thượng.

Thôn Bình Lý thuộc tổng Bình Trị Hạ, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định được hình thành rất sớm. Địa bạ Minh Mạng (1836) ghi thôn Bình Lý có vị trí, diện tích cụ thể như sau:

“Bình Lý thuộc xứ Rạch Tra

• Đông giáp rạch nhỏ, thôn Bình Nhâm, lại giáp thôn lớn

• Tây giáp địa phận thôn Tân Mỹ Đông

• Nam giáp địa phận thôn Tân Đông

• Bắc giáp rạch nhỏ và địa phận thôn Bình Lý Đông.

Thực canh ruộng đất: 26.5.0.0 chia ra

- Điền tô điền: 17.2.9.0 (26 sổ trong đó có 1 sổ BTĐC 0.2.12.0)

- Đất vườn cau: 6.8.4.5 (26 sổ)

- Gia cư thổ: 2.4.1.5 (nguyên từ ruộng cải biến thành (12 sổ)

- Đất gò, đồi trong đó có nhà cửa 1 khoảnh

- Đất hoang nhàn 1 khoảnh”. Trong địa bạ có ghi tên thôn trưởng và dịch mục và danh sách chủ ruộng.

Như vậy năm 1836 thôn Bình lý đã là 1 đơn vị hành chánh có vị trí, giới hạn, có các loại đất, ruộng. Điều này chứng tỏ vùng đất Bình Lý đã được khẩn hoang rất sớm. Ông Tổ họ Mai và các họ khác đã phải lao động cật lực, ra sức khẩn hoang, cuốc đất đắp bờ, biến vùng đất hoang vu thành xóm làng, nông nghiệp với đồng ruộng phì nhiêu, vườn tược có cây lành trái ngọt. Họ đã xây dựng tình làng nghĩa xóm, gian khổ có nhau, quyết tâm bảo vệ thành quả lao động mà mình đã dày công vun đắp. 

Từ năm 1862, hòa ước Nhâm Tuất được ký giữa triều đình Huế và thực dân Pháp thì 3 tỉnh Miền Đông Nam Kỳ: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường đã thuộc quyền cai trị của thực dân Pháp. Đến năm 1867 3 tỉnh miền Tây bị mất thì Nam kỳ lục tỉnh đã dưới sự trực trị của thực dân Pháp, Bình Lý vẫn thuộc tổng Bình Trị Hạ, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Năm 1910, Bình Lý thuộc tổng Bình Thạnh Trung.

Năm 1957 chính quyền Sài Gòn sắp xếp lại đơn vị hành chánh của tỉnh Gia Định, lập ra quận Củ Chi, thuộc tỉnh Bình Dương thì Bình Lý thuộc huyện Phú Hòa, tỉnh Bình Dương. 

Sau ngày 30/4/1975 đất nước được thống nhất, Bình Lý và Tân Mỹ được xáp nhập thành xã Bình Mỹ thuộc huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.

Trong kháng chiến, Củ Chi là chỗ đệm nối liền giữa Trung ương Cục và thành phố Sài Gòn nên ta và địch quyết giành quyền làm chủ trên mảnh đất này. Địch tìm cách hủy diệt cho được lực lượng cách mạng, còn ta cũng quyết tâm bằng mọi giá quyết giữ Củ Chi. Do vậy mà trong hai cuộc kháng chiến mà huyện Củ Chi trong đó có Bình Lý là một trong những nơi tranh chấp gay go quyết liệt giữa ta và địch.

Trong hai cuộc kháng chiến, Bình Lý có vị trí hết sức quan trọng:

Thời chống Pháp, Bình Lý là căn cứ của Tỉnh ủy tỉnh Gia Định và là căn cứ địa của lực lượng giải phóng cả Nam Bộ. Tại đây có công binh xưởng sản xuất vũ khí tự tạo trang bị cho du kích chiến đấu, chặn đứng các cuộc hành quân của địch đồng thời xây dựng ấp, xã chiến đấu rất hợp với việc đào giao thông hào, tiến tới đào địa đạo.

Chi bộ xã cũng ra đời rất sớm tại làng Bình Lý và hoạt động mạnh mẽ tại vùng này. Ngay khi Đảng mới được thành lập ngày 3/2/1930 thì tháng 10/1930 đã có cuộc biểu tình ở Tân Mỹ và Bình Lý ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tỉnh. Năm 1932 có cuộc biểu tình đòi giảm thuế rồi năm 1940 Nam Kỳ khởi nghĩa bùng nổ mạnh mẽ ở vùng này. Đến năm 1946 – Bình Lý được chọn làm căn cứ kháng chiến lâu dài của huyện và tỉnh Gia Định.

Vốn mang trong người dòng máu bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc, lưu dân vùng đất Củ Chi trong đó có nhân dân Bình Lý quyết tâm bảo vệ quê hương mà họ đã dày công vun đắp. Năm 1859, quân xâm lược Pháp từ Đà Nẳng kéo vào Gia Định lên 18 Thôn Vườn Trầu, nhân dân Hóc Môn, Củ Chi đã theo các cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Trương Quyền, án sát Đặng Văn Duy, Võ Văn Nhâm ở xã Phước Vĩnh An đánh Tây. Rồi khởi nghĩa của Nguyễn Ảnh Thủ, Phan Công Hớn, Thiên địa Hội của Phan Xích Long, hội kín của Nguyễn An Ninh. Từ khi có Đảng, nhân dân Bình Lý đánh Pháp đuổi Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy hết khả năng của mình trong chiến tranh du kích tạo nên huyền thoại tay không bắt giặc và sức mạnh thần kỳ của người dân chân đất, dám đương đầu với những thế lực hùng mạnh, đối diện với những chiến thuật chiến tranh hiện đại, vũ khí tối tân tạo thành vành đai thép mà quân thù không thể chọc thủng, không thể hủy diệt tạo nên địa danh đất thép thành đồng và địa đạo lừng danh thế giới.

Bình Lý và Tân Mỹ là địa bàn quan trọng trong hai cuộc kháng chiến có nhân dân kiên cường bất khuất đã góp phần thắng lợi trong công cuộc đánh Pháp đuổi Mỹ trên vùng đất Củ Chi.

Qua hai cuộc kháng chiến Bình Mỹ được danh hiệu là xã anh hùng có 500 liệt sĩ và thương binh, 32 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hiện nay xã Bình Mỹ nằm trong dự án xã nông thôn mới của thành phố Hồ Chí Minh.

Ấp 3 là 1 trong 7 ấp của xã Bình Mỹ là nơi chôn nhau cắt rốn của họ Mai. Hiện nay ấp có vị trí sau:

- Phía Đông giáp ấp 1, 2

- Phía Tây giáp ấp 4B

- Phía Nam giáp xã Hòa Phú

- Phía Bắc giáp thị xã Bình Dương.

Kinh tế chính hiện nay của ấp là chăn nuôi cùng dịch vụ. Hướng tới ấp 3 nằm trong dự án xây khu công nghiệp cao của xã. Qua hai cuộc kháng chiến ấp 3 có 25 liệt sĩ, 6 thương binh, 6 người có công cách mạng, 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ấp đạt danh hiệu là ấp tiên tiến nhiều năm liền. Hiện nay hậu duệ họ Mai chi II cùng bà con trong ấp quyết tâm xây dựng ấp đạt danh hiệu là ấp văn hóa góp phần xây dựng xã nông thôn mới theo dự án của thành phố Hồ Chí Minh.

II. NGUỒN GỐC DÒNG HỌ

Tổ tiên họ Mai vốn là lưu dân từ Đàng Ngoài vào nên không mang theo gia phả. Trong quá trình sinh sống trên vùng đất mới cũng không lập gia phả. Trong dòng họ hiện nay không có di chúc hay các loại giấy tờ tương phân ruộng đất để có thể xác định được ông tổ họ Mai trên làng Bình Mỹ.

Tìm hiểu người cao tuổi nhất của họ Mai trên vùng đất Nam Bộ chỉ phải dựa vào ký ức của con cháu trong họ tộc.

Theo lời kể của ông Mai (Lê) Văn Phải (hậu duệ đời V) là người đã đứng ra lập gia phả này thì ông tổ họ Mai từ miền Ngoài vào Nam lập nghiệp. Không rõ ông đi tự do hay theo chính sách khẩn hoang của triều đình, không rõ đi vào thời điểm nào nhưng đi bằng ghe bầu. Ông dừng chân tại làng Long Kiểng, huyện Nhà Bè, tỉnh Gia Định để khẩn đất cất nhà ở đây. Không lâu sau đó, ông đi lần lên Tân Thạnh Đông rồi lên thôn Bình Lý, tổng Bình Trị Hạ, tỉnh Gia Định (nay là xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh). Ông khẩn đất và lập nghiệp ở đó. Sau đó ông về Long Kiểng rồi không thấy ông về Bình Lý nữa. Lúc đó chiến tranh diễn ra ác liệt, không rõ ông sống chết ra sao, mồ mả ở đâu, ngày giỗ là ngày nào, mãi cho đến hôm nay con cháu không ai biết được.

Theo lời giới thiệu của ông Phải, chúng tôi - tổ làm gia phả, ngày 21/9/2012 lên Bình Mỹ gặp ông Lê Văn Phép thường gọi là Bảy Thép (con bà Mai Thị Chuộng, hậu duệ đời III), cháu ngoại đời IV. Năm nay ông hơn 70 tuổi hiểu biết nhiều về ông bà tổ họ Mai vì khi còn sinh tiền mẹ ông thường kể về ông bà cố ngoại cho ông nghe. Ông Bảy Thép cho biết thêm là họ Mai gốc gác từ Mai Hắc Đế, còn ông cố ngoại của ông từ Miền Bắc đi vào Nam gồm 4 anh em, giỏi võ, là thầy thuốc Nam. Bốn ông đi bằng nghe bầu, dừng chân tại thôn Long Kiểng, Nhà Bè, khẩn hoang cất nhà cửa định cư tại đây. Ông cũng không biết ông cố ông tên gì, là thứ mấy trong bốn anh em. Cũng như thông tin của ông Phải, ông Bảy Thép cũng cho biết ông cố ông không ở Long Kiểng mà lên Bình Lý khẩn hoang rồi định cư luôn ở đó. Năm 1930 ông có về Long Kiểng rồi bặt tin luôn cho đến nay (2012).

Nghĩ rằng trong bốn anh em ông tổ họ Mai chỉ có một ông đi lập nghiệp ở Bình Lý. Vậy là mồ mả tổ tiên và hậu duệ họ Mai vẫn còn ở Long Kiểng (nay là Phước Kiển) nên ngày 25/2 năm 2012 chúng tôi đến gặp chính quyền địa phương và các bậc lão thành của xã để tìm hậu duệ và tình hình mồ mả tổ tiên họ Mai.

Đến địa phận xã Phước Kiển chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Bon thường gọi là ông Bảy Bon – người giữ đình Phước Kiển. Ông Bảy Bon năm nay hơn 70 tuổi cho biết tình hình dân trong xã cũng như mồ mả bị giải tỏa đi nơi khác, chỉ có ông Mai Tấn Vinh nhưng không phải là người cố cựu ở đây và chỉ chúng tôi đến Ủy ban Nhân dân xã Phước Kiển để hỏi thêm. Đến Ủy ban Nhân dân xã Phước Kiển chúng tôi trình bày mục đích của mình, chúng tôi được bà Đoàn Ái Hữu Phó Chủ tịch xã, bà Nguyễn Thị Lan Chủ tịch Hội người cao tuổi của xã và bà Trần Thị Hồng Sen, Đảng ủy xã vui vẻ tiếp chúng tôi rất nhiệt tình cung cấp thông tin cho chúng tôi nhưng các chị cũng cho biết phần lớn dân ở xã đã được giải tỏa còn ông Mai Tấn Vinh là rể của xã chứ không phải là hậu duệ của họ Mai của xã. Mộ cổ thì không có mộ họ Mai. Các mộ giải tỏa đều có chủ. Các chị hứa sẽ tìm thêm thông tin cho chúng tôi nhưng kết quả không có gì hơn.

Chúng tôi chuyển sang hỏi thăm một số cán bộ làm công tác giải tỏa đền bù của Công ty Cổ phần Nam Sài Gòn. Thật là vui, chúng tôi được giới thiệu một hậu duệ họ Mai có đất ở huyện Nhà Bè bị giải tỏa được tái định cư tại số 198 đường số 9 phường Tân Phú quận 7. Tên ông là Mai Văn Lựa. Tiếp chúng tôi, ông Lựa cho biết ông Sơ ông là Mai Văn Thịnh cùng anh cả là Mai Văn Tính và hai em là Mai Văn Tài và người em út (ông Lựa không biết tên ông). Tất cả bốn người từ Miền Ngoài vào Nam lập nghiệp bằng ghe bầu. Các ông là những thầy thuốc Nam giỏi và rất giỏi võ. Bốn anh em ông Sơ ông Lựa dừng chân tại Nhà Bè, không rõ xã nào. Các ông khẩn hoang, cất nhà và định cư. Một thời gian sau, người em út đi nơi khác lập nghiệp. Ông Lựa không biết ông Út đi nơi nào nhưng sau đó ông có về Tân Quy (Long Kiểng xưa thuộc Tân Quy) nhưng không có ghé thăm nhà, anh em cũng không ai tìm ông mãi cho đến nay (2012), vẫn không biết đích xác tin tức về ông; cũng không có liên lạc được với hậu duệ ông.

Thông tin ông Mai Văn Lựa cũng không giúp tìm được tên và mộ ông tổ họ Mai ở Bình Mỹ cũng như nguyên nhân mất tích của ông. Nhưng thông tin ông Lựa và ông Bảy Thép có điểm giống nhau:

• Ông Sơ hai ông vào Nam có 4 anh em.

• Bốn ông Sơ của hai ông đều là thầy thuốc Nam và rất giỏi võ

Phải chăng người em út của bốn anh em ông Sơ ông Lựa là ông tổ của họ Mai ở Bình Mỹ - là ông cố ngoại của ông Bảy Thép, là ông Sơ của ông Mai (Lê) Văn Phải

Cần phải có cuộc gặp gỡ giữa ông Mai (Lê) Văn Phải và ông Mai Văn Lựa để tìm hiểu thêm các mối quan hệ của hai bên mới có cơ sở kết luận ông Mai Văn Lựa, Mai (Lê) Văn Phải là họ hàng nhau.

Qua thông tin ông Mai (Lê) Văn Phải và ông Bảy Thép thì người cao tuổi nhất của con cháu họ Mai gốc ở Bình Mỹ là 1 trong 4 anh em ở Đàng Ngoài vào Nam lập nghiệp. Từ Long Kiểng ông lên Bình Mỹ khẩn hoang tạo dựng cơ nghiệp sinh con đẻ cái, tạo ra dòng họ Mai trên quê hương này nên tạm gọi ông là ông tổ đời một. Vì không biết tên ông nên ghi ông “khuyết danh” còn thông tin họ Mai gốc Mai Hắc Đế nhưng không có tư liệu nào để xác định nên không có cơ sở để chấp nhận.

Về tuổi tác và thời điểm ông Tổ vào Nam cũng không có tư liệu nào cho biết. Nhưng nếu tính theo cách tính của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thì cứ mỗi thế hệ cách nhau 25 năm, mỗi con cách nhau 2 tuổi và căn cứ vào năm sinh của bà Mai Thị Chuộng (đời III) là con thứ tư, sinh năm 1907 thì năm sinh của ông Mai Văn Giao (đời II), cha bà Mai Thị Chuộng khoảng 1907 – (4 + 25) = 1853 (Tự Đức 5). Vậy năm sinh ông Tổ ít nhất phải 1853 – 25 = 1828. Để được vào Nam ít nhất ông phải 20 tuổi, khoảng năm 1828 + 20 = 1848 (Tự Đức thứ nhất).

Nước ta còn chủ quyền nhưng vua Tự Đức vẫn theo chính sách của các vì vua trước: vẫn cấm dân theo đạo Thiên chúa, giết giáo sĩ phương Tây và “bế môn tỏa cảng” không giao thiệp với các nước phương Tây, là nguyên nhân dẫn đến Pháp và Tây Ban Nha bắn vào cửa bể Đà Nẳng vào năm 1858 mở đầu cho Pháp xâm lược Việt Nam. Thời điểm này ông ở Long Kiểng với các anh nhưng không rõ ông lên Bình Lý khoảng năm nào? chắc phải sau năm 1848 vài năm. Thời điểm này thôn Bình Lý vẫn còn hoang vu. Ông ra sức khẩn hoang lập vườn tược, cải tạo ruộng, cất nhà cửa, lập gia đình và sinh sống bằng nghề nông và trồng cây ăn quả: chôm chôm, măng cụt, trà huế… Cuộc sống rất vững vàng. Ông còn bốc thuốc xem mạch cho dân ở đây.

Bà tổ quê ở làng Tân Thạnh Đông, không rõ bà họ gì con cháu chỉ biết bà tên Chi. Bà lo nội trợ trong gia đình, phụ ông vườn tược. Ông bà còn chứa cờ bạc trong nhà. Việc này đã ảnh hưởng đến một số con cháu của ông bà. Năm 1930 ông về Long Kiểng thăm anh rồi không bao giờ về Bình Lý với vợ con nữa! Bà tổ tiếp tục việc làm ăn và quản lý con cái cho đến lúc bà mãn phần. Con cháu họ Mai hiện nay không biết mộ ông và ngày giỗ của ông bà nên cúng chung vào ngày giỗ của con trai ông là Mai Văn Giao là 17/2 Âl và tết Nguyên Đán. Mộ bà được chôn trên đất nhà đã chia cho các con và đã bán cho người cùng xóm nhưng con cháu vẫn chăm sóc chu đáo. Sau này ông Mai (Lê) Văn Phải cùng vợ (đời V) lấy cốt, thiêu gởi vào chùa Vạn Linh ở đường tỉnh lộ 9 thuộc ấp 4B, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi.

Ông bà hạ sinh được 7 người con:

- Thứ hai : Mai Văn Giao

- Thứ ba : không rõ

- Thứ tư : Không rõ

- Thứ năm : Mai Văn Quý

- Thứ sáu : Không rõ

- Thứ bảy : Mai Thị Nầy

- Thứ tám : Mai Văn Văn.

Người con gái thứ bảy: Mai Thị Nầy qua đời còn độc thân. Nối dòng cho họ Mai có ba người con trai: ông Mai Văn Giao, Mai Văn Quý và Mai Văn Văn. Ông Văn qua đời còn độc thân. Chỉ còn ông Mai Văn Giao và Mai Văn Quý lập gia đình tạo ra hai chi truyền tử lưu tôn đến ngày nay, có gia đình nối được đến đời thứ VII.

III. QUAN HỆ HÔN NHÂN VÀ SỰ PHÁT TRIỂN DÒNG HỌ

1. Quan hệ hôn nhân

Quan hệ hôn nhân tạo ra gia đình là nơi con người được sinh ra và lớn lên tiếp tục kết hôn với các họ khác để tạo ra dòng họ. Họ Mai gốc nông dân và nhân dân lao động nên việc kết hôn không khắt khe như gia đình phong kiến nệ cổ, đòi hỏi phải môn đăng hộ đối.

Ngoại trừ ông tổ đời I, con cháu không biết bà tổ họ nào? Ông bà quen nhau được anh cưới hay tự kết hôn con cháu không ai biết. Bắt đầu từ đời II, III việc hôn nhân do quen biết nhau trong quan hệ láng giềng hay cùng chung lao động trên đồng ruộng, rồi thông qua mai mối, được cha mẹ đồng ý và tổ chức cưới hỏi để nên vợ nên chồng. Cũng có vài trường hợp quan hệ hôn nhân thiếu sự chọn lựa, vội vàng nên dễ bỏ nhau như trường hợp ông Mai Văn Quý (đời II) có hai đời vợ, Mai Tấn Xuân (đời III) có ba vợ, Mai Văn Bực (đời IV) có 3 vợ. Do vậy mà có nhiều dòng con; làm khổ con cái.

Đời IV, V, VI trưởng thành sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nam, nữ đã được học tập tư tưởng tiến bộ về bình đẳng giới, lại có điều kiện gặp gỡ nhau trong hoạt động cách mạng, trong sinh hoạt đoàn thể hoặc làm chung cơ quan hay học chung nên quan hệ hôn nhân họ Mai được xây dựng trên cơ sở tình yêu chân chính, các bậc sinh thành cũng hiểu biết nên không khắt khe khi chọn dâu kén rể. Đặc biệt đời VI, trình độ học vấn được nâng cao nên con cháu biết chọn lựa bạn đời tương xứng, biết tổ chức gia đình xây dựng gia đình hạnh phúc vừa phù hợp với sự tiến bộ của xã hội vừa giữ được nét đẹp văn hóa dân tộc.

Bắt đầu đời II phần lớn quan hệ hôn nhân họ Mai với nhiều nhất là họ Nguyễn rồi đến họ Trần kế đến họ Hồ, Huỳnh, Châu, Văn, Bùi… là những họ có phẩm chất đạo đức tốt, cần cù lao động, yêu nước, có tinh thần cách mạng. Những cô dâu họ Mai là những cô thôn nữ cùng trong tổ quán Bình Mỹ và các xã lân cận. Có người làm cách mạng nên lấy vợ và sinh sống nơi công tác, tạo ra hậu duệ xa tổ quán như trường hợp ông Mai (Lê) Văn Cho (đời III) lập gia đình ở Long An – có trường hợp lấy vợ ở Tây Ninh (ông Mai Tấn Xuân). Cũng có người sống thành phố Hồ Chí Minh. Đến đời VI con cháu đi học nước ngoài lập gia đình định cư tại Newzealand. Dẫu ở nơi nào, hậu duệ họ Mai cũng nhớ đến tổ quán của mình.

Hôn nhân tốt thì dòng họ phát triển bền vững. Qua hôn nhân của các thế hệ họ Mai đã tạo ra cộng đồng cùng huyết thống nối dòng cho họ Mai phát triển.

Hai con trai của ông bà tổ nối dòng cho họ Mai ở Bình Mỹ là ông Mai Văn Giao và Mai Văn Quý. Hai ông lập gia đình và tạo ra hai chi:

• Chi thứ nhất: Trưởng chi là ông Mai Văn Giao - ông cố ông Mai (Lê) Văn Phải – người lập gia phả này. Ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Ngọc tạo ra đời III gồm 6 con: chết nhỏ 1 còn 2 trai 3 gái. Ba người con gái ông gả cho con gia đình nông dân theo cách mạng các con rể ông đều làm cách mạng. Riêng con gái út là liệt sĩ. Hai người con trai nối dòng cho chi I là ông Mai Tấn Xuân và Mai (Lê) Văn Cho. Ông Mai Tấn Xuân có đến ba đời vợ có 1 con trai và 1 con gái thuộc hai dòng con khác mẹ. Ông thôi vợ, bắt con là Mai Văn Bực nhưng không nuôi được phải gởi mẹ ông nuôi. Khi bà nội qua đời, ông Bực làm nhiều nghề, sống nhiều nơi, rất vất vả, có nhiều vợ, có con trai và gái, có cháu nhưng hiện nay dòng họ không liên lạc được nên cũng không biết được cụ thể ông và hậu duệ của ông. Nối dòng và làm phát triển chi này là ông Mai (Lê) Văn Cho. Bản thân ông Cho và vợ đều tham gia cách mạng. Ông có 4 con: 2 trai và 2 gái, con gái út qua đời lúc 18 tuổi chưa lập gia đình, còn con gái lớn và 2 con trai đều tham gia cách mạng. Ông Mai (Lê) Văn Minh (đời IV) thoát ly gia đình hoạt động cách mạng sôi nổi, đã hy sinh khi còn độc thân. Riêng ông Mai (Lê) Văn Thế hy sinh khi đã có ba con. Hai con ông Thế đều là đảng viên, là cán bộ nhà nước tốt làm kinh tế giỏi. Đời thứ 6 – các cháu đều đã tốt nghiệp đại học và đang tiếp tục học lên ở nước ngoài.

Toàn chi I có tất cả là 23 người, chết nhỏ 1 còn lại 13 trai và 9 gái. Đã qua đời hết 10 người. Hiện chi này còn sinh tiền là 12 người (5 trai và 7 gái) không tính con cháu ông Mai Văn Bực.

• Chi thứ hai: Đứng đầu chi là ông Mai Văn Quý. Ông có hai đời vợ. Đời vợ thứ nhất con cháu không rõ họ tên bà, do quen biết nhau được cha mẹ cưới bà cho ông Quý. Ít lâu sau ông bà bỏ nhau. Đời vợ thứ hai là bà Nguyễn Thị Nhỏ. Con cháu họ Mai không rõ gốc gác của bà. Ông bà có 5 con tạo ra đời III, chết nhỏ 2 còn lại 3 gồm: Mai (Lê) Văn Tấn (thứ 2), Mai Thị Dấm (thứ 5), Mai Văn Sáu (thứ 6). Ông Mai Văn Quý qua đời sớm, vợ ông tái giá. Hai con bà là Mai Thị Dấm và Mai Văn Sáu. Bà Dấm làm vợ lẻ ông Ngàn có 2 con, chuyển họ khác. Bà qua đời được an táng ở tỉnh Bình Dương. Riêng ông Mai Văn Sáu, con cháu không rõ hành trạng, mất trong chiến tranh, còn độc thân. Riêng người con đầu là Mai (Lê) Văn Tấn lập gia đình với bà Nguyễn Thị Chơi, có ba con tạo ra đời IV gồm có Mai (Lê) Văn Hưng (thứ hai), Mai (Lê) Thị Gấm (thứ ba) và Mai (Lê) Văn Cu (thứ tư) chết nhỏ. Ông Tấn tham gia cách mạng rồi hy sinh. Vợ ông cũng tái giá với ông Huỳnh Văn Đường. Ông Tấn sống cơ cực với mẹ và cha dượng. Sau đó ông Tấn lên Sài Gòn làm công ở hãng nước đá để tránh giặc Nhật. Ông gặp bà Trần Thị Thôi, con gia đình lao động thành phố. Thông cảm cùng ông nên bà lấy ông làm chồng. Ông bà vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, hạ sinh được ba con, tạo ra đời V, chết nhỏ 1 còn 1 trai là Mai (Lê) Văn Lợi, 1 gái có chồng chuyển sang họ khác. Ông Lợi lấy vợ ở cùng quê thuộc Củ Chi, sinh 2 con: Mai (Lê) Yến Nhi. Riêng Mai (Lê) Minh Hiếu (đời VI) là con trai duy nhất nối dòng cho chi II.

Toàn chi II có 14 người, chết nhỏ 5, còn 9 người trong đó có 5 con trai và 4 con gái. Đã qua đời hết 4 người. Hiện còn sinh tiền là 5 người gồm 2 gái và 3 trai.

Toàn bộ họ Mai gốc xã Bình Mỹ cả hai chi, có tất cả là 40 người, chết nhỏ 6 người còn 34 người. Đã qua đời hết 17 người. Số người còn sinh tiền là 17 (gồn 10 trai và 7 gái).

Qui mô dòng họ như vậy là quá mỏng vì các cặp vợ chồng ít con lại chết nhỏ nhiều, đặc biệt số con trai độc thân đã hy sinh và bệnh qua đời cũng nhiều. Tuy nhiên chi nào cũng có con trai nối dòng, có dâu hiền rể thảo.

Hầu hết các cô dâu chú rể họ Mai có nguồn gốc từ nông dân, nhân dân lao động thuộc gia đình cách mạng, biết lo việc nhà, việc ruộng nương, biết nuôi dạy con tử tế, biết phụng thờ tổ tiên nhà chồng, chồng qua đời sớm biết thủ tiết thờ chồng nuôi con, tiêu biểu là bà Hồ Thị Đậu vợ liệt sĩ Mai (Lê) Văn Cho. Bà Đậu lập gia đình với ông Cho rồi về làm dâu nhà chồng ở Bình Mỹ. Ở đó bà cùng chồng hoạt động cách mạng. Năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, vợ chồng bà về Cần Đước – Long An vừa lao động nuôi con vừa hoạt động cách mạng. Năm 1947 chồng hy sinh, một mình bà một nách ba con vừa nuôi con vừa làm liên lạc cho Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh. Bà vẫn ở vậy thờ chồng nuôi con, và tích cực hoạt động cách mạng. Biết bao gian lao nguy hiểm, bà vẫn lạc quan vượt qua, và dạy con nối tiếp chí hướng của cha mẹ. Mãi cho đến ngày 18/10 âm lịch, năm Canh Thìn (2000) bà mới mãn phần. Suốt 65 năm trời vừa nuôi con, vừa làm cách mạng, vừa phụng sự tổ tiên nhà chồng. Bà đã để lại tấm gương yêu nước và hiếu thảo cho con cháu noi theo.

Bà Huỳnh Thị Ngân vợ liệt sĩ Mai (Lê) Văn Thế, con gia đình trí thức nông dân theo cách mạng ở Long Sơn, Long An. Bà lập gia đình năm 17 tuổi, về làm dâu nhà mẹ chồng. Năm 1962 chồng hy sinh đúng ngày bà sinh người con trai út. Năm đó bà mới 22 tuổi. Bà ở vậy nuôi con ăn học, thành đạt, dựng vợ gả chồng cho con mãi cho đến nay các con bà đã thành đạt. Năm mươi năm trời thủ tiết thờ chồng, làm dâu mẹ chồng 6 năm, rồi tình hình Long An khó khăn, bà phải 1 nách 3 con lên Sài Gòn tá túc nhà mẹ ruột, tảo tần, buôn gánh bán bưng được mẹ chồng, mẹ ruột, anh chị em đùm bọc, nuôi con ăn học. Nay các con bà đã thành đạt nên hết lòng phụng dưỡng bà. Bà đúng là vợ hiền, dâu thảo.

Bà Châu Thị Kim Xoàn, vợ ông Mai (Lê) Văn Phải (đời V) là con gia đình nông dân theo cách mạng chí cốt. Bản thân bà đã làm cách mạng từ nhỏ, được cha mẹ giáo dục biết hiếu thảo, kính trên nhường dưới, biết thương người. Trải qua quá trình công tác học tập và rèn luyện để trở thành một cán bộ y tế liêm khiết, một đoàn viên thanh niên luôn hướng tới lý tưởng cộng sản, luôn tích cực trong công tác. Đối với gia đình bà luôn lo cho chồng con, đối xử tốt với bà nội và mẹ chồng và bà con bên chồng. Hiện nay bà là trung tâm đoàn kết của dòng họ.

Chi II có bà Trần Thị Thôi vợ ông Mai (Lê) Văn Hưng (đời IV), một đời bà vất vả, cực khổ cùng ông xây dựng gia đình mình, nuôi dạy con cái. Hiện con trai và cháu nội của bà là hậu duệ duy nhất nối dòng cho chi II. 

Hầu hết rể của họ Mai cũng là rể thảo, biết lo cho gia đình và tham gia cách mạng. Họ Mai có được dâu, rể tốt như vậy là nhờ biết chọn dâu kén rể trong những gia đình tốt, dòng họ tốt. Một điều rất quan trọng là được sống và làm việc trong môi trường cách mạng.

IV. NHỮNG TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP CỦA HỌ MAI

Gần 200 năm kể từ khi ông tổ đời I từ Long Kiểng Nhà Bè chuyển lên làng Bình Lý (nay là xã Bình Mỹ) và dừng chân lập nghiệp trên vùng đất này, đã truyền tử lưu tôn đến nay là đời thứ VII, đã tạo ra quy mô tuy nhỏ song đã để lại những truyền thống tốt đẹp cho con cháu tự hào và noi theo.

1. Truyền thống cần cù lao động

Ông tổ đời I từ Long Kiểng đến Bình Lý vào khoảng năm 1878 thì vùng đất này còn hoang vu, dân cư thưa thớt. Thấy nơi đây thích hợp nên ông ra sức khẩn hoang lấy đất xây nhà cửa, lập vườn tược; trồng cây ăn quả; cải tạo ruộng đồng để cày cấy. Hành trang ông mang theo là nghề xem mạch, bốc thuốc và nghề võ để phòng thân.

Ông bà sống bằng nghề xem mạch bốc thuốc chữa bệnh, nghề ruộng vườn. Quanh năm lao động cần cù, dạy con, cháu nghề này. Hiện nay đất đai ông khẩn, con cháu vẫn còn thừa kế ở Bình Mỹ.

Noi gương ông, con cháu đời II, III: ông Mai Văn Giao (đời II), ông Mai Tấn Xuân (đời III) vẫn cần mẩn siêng năng với nghề ruộng, vườn trồng chôm chôm, măng cụt, trà huế và xem mạch bốc thuốc. Người làm cách mạng thì làm đủ nghề để tiện công tác và tuyên truyền như ông Mai (Lê) Văn Cho (đời III), Mai (Lê) Văn Minh (đời IV).

Đời IV, V một số còn ở Bình Mỹ thì vẫn sống với nghề ruộng nương vườn tược, nữ thì làm thợ may, buôn bán nhỏ. Có người trốn quân dịch phải chạy xuống Sài Gòn làm công nhân hãng nước đá. Sau khi hòa bình thì trở về quê trồng thuốc lá, trồng cây ăn trái, lao động từ sáng đến tối quanh năm [ông Mai (Lê) Văn Hưng và vợ].

Một số có trình độ học lực cao thì làm cán bộ Nhà nước. Ông Mai (Lê) Văn Phải, Mai (Lê) Văn Tư nhưng cũng có người làm thợ hồ… Ngoài vài người bán đất của cha mẹ để sống, là nạn nhân của việc chứa cờ bạc trong nhà của ông bà tổ, không phải lười biếng (Mai Thị Nầy, Mai Văn Văn) còn hầu hết đều phải lao động để sống. Tiêu biểu cho sự thành đạt trong lao động là ông Mai (Lê) Văn Phải (đời V). Ông vốn cần mẫn siêng năng từ nhỏ, lớn lên theo dõi sự phát triển kinh tế của đất nước, ông chuyển từ làm cán bộ nhà nước sang làm kinh tế tư nhân. Với sự tự tin, ông vượt qua chính mình để làm nghề xây dựng, đầu tư vào giáo dục, lập trường dân lập, tư thục… và đã trở thành doanh nhân giỏi, thành đạt làm giàu chính đáng, giúp được họ hàng có công ăn việc làm, con cái được du học nước ngoài, mở rộng kiến thức và có việc làm ở Newzealand. Dù ở địa vị nào, hậu duệ họ Mai vẫn giữ được lối sống bình dân, giản dị, vẫn giữ được sự thân thương của những người trong họ tộc, vẫn thương người, vì nghĩa rất đáng quý.

2. Truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng triệt để

Sự có mặt của ông tổ đời I và sự trưởng thành của đời II, III (1875 – 1930), nước ta ở vào quá trình suy yếu của các triều đại phong kiến triều Nguyễn. Do chính sách kinh tế lỗi thời, chính sách ngoại giao thiển cận bế môn tỏa cảng, không giao thiệp với các nước phương Tây, chính sách cấm đạo, giết giáo sĩ phương Tây, làm cho nhân dân điêu đứng. Các nước phương Tây căm tức.

Vốn đã muốn xâm lược Việt Nam từ lâu, nhân cơ hội nước ta suy yếu nên năm 1858 liên quân Pháp và Tây Ban Nha bắn vào cửa bể Đà Nẳng mở đầu cho cuộc xâm lược Việt Nam. Năm 1859 thực dân Pháp từ Đà Nẳng kéo vào Gia Định, rồi đến 18 Thôn Vườn Trầu; nhân dân Hóc Môn – Củ Chi, trong đó có Bình Lý, Tân Mỹ - quê hương họ Mai đã đứng vào hàng ngũ của nghĩa quân Trương Định, Trương Quyền, Án sát Đặng Văn Duy, Võ Văn Nhâm để đánh Tây. Tiếp sau đó là khởi nghĩa của Nguyễn Ảnh Thủ, Phan Công Hớn, Thiên địa hội của Phan Xích Long, hội kín của Nguyễn An Ninh, đánh thực dân Pháp.

Ông Mai Văn Giao trưởng chi I (đời II) đã theo tổ chức Thiên địa hội đánh Pháp. Khi tổ chức này thất bại, ông giáo dục con lòng yêu nước, căm thù giặc tiếp tục đánh Tây cho đến khi có Đảng, con cháu ông đã tiếp tục tham gia đánh Pháp đuổi Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trước tiên là ông Mai (Lê) Văn Cho (đời III), tham gia cách mạng tại địa phương (Bình Lý) bị địch bắt bỏ tù.

Gia đình ông phải bán bớt đất chạy lo cho ông ra tù. Khi ra tù, ông Cho lại tìm cách móc nối với tổ chức cách mạng để được tiếp tục công tác. Ông lấy vợ và cùng vợ về Long An hoạt động. Năm 1947 ông hy sinh được công nhận liệt sĩ. Vợ ông là cơ sở cách mạng đáng tin cậy cho Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh. Bà được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương độc lập hạng Ba và danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Em gái ông Mai (Lê) Văn Cho là bà Mai (Lê) Thị Ai (đời III, chi I) cùng chồng hoạt động cách mạng tại xã Hưng Định, tỉnh Bình Dương. Chồng bà làm kinh tài, bà Ai làm giao liên thời kháng Pháp. Hai vợ chồng hy sinh cùng năm 1957. Cả hai được công nhận liệt sĩ.

Bà Mai Thị Vững [chị ông Mai (Lê) Văn Cho] cùng chồng là Hai Thuấn cũng theo cách mạng. Ông Thuấn hy sinh rồi hai con ông cũng hy sinh được tổ quốc ghi công. Bà Mai Thị Chuộng [chị ông Mai (Lê) Văn Cho] cùng chồng là ông Lê Văn Khâu và con Lê Văn Phép đã làm cách mạng qua hai thời kỳ kháng chiến.

Chi thứ II có ông Mai (Lê) Văn Tấn (đời III) tham gia cách mạng tại địa phương (Bình Lý) từ nhỏ. Ông hy sinh trong khi đang công tác. Hiện không có người chứng nhận để làm giấy tờ nên ông không được công nhận liệt sĩ.

Phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng của cha ông, thế hệ thứ tư đã đem hết sức mình cống hiến cho sự đấu tranh giành độc lập. Ngoại trừ bà Mai (Lê) Thị Tuôi chết nhỏ, Mai Thị Bé có chồng về Tây Ninh – khu vực đạo Cao Đài, còn lại số người trong thế hệ thứ IV đều tham gia cách mạng. Trước hết là bà Mai (Lê) Thị Bề, làm giao liên cho Thành Đoàn thời chống Mỹ. Kế tiếp là ông Mai (Lê) Văn Thế đi bộ đội, là Xã đội trưởng xã Long Sơn, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, đã chiến đấu dũng cảm, một mình chống trả với đối phương để bảo vệ đồng đội, rồi nhảy xuống sông Vàm Cỏ để thoát thân, không may trúng đạn và đã hy sinh.

Đó là năm 1962, được tổ quốc ghi công. Riêng ông Mai (Lê) Văn Minh suốt đời xả thân vì cách mạng. Ông đã tham gia cách mạng từ ghế nhà trường Quốc gia Thương mại Sài Gòn, thuộc đơn vị Thành Đoàn. Năm 1962 ông bị bắt. Không khai thác được gì nên năm 1963 chúng thả tự do. Lần này ông thoát ly vào chiến khu công tác. Năm 1967 ông bị bắt lần thứ hai, bị đày ra Côn Đảo. Trong tù ông tiếp tục đấu tranh. Ông bị địch tra khảo dã man, đến bại liệt, rồi chúng đưa ông đến nhà giam ở Biên Hòa, để chữa bệnh. Tại đây ông vượt ngục và lần xuống Bến Tre hoạt động.

Năm 1970, địch phát hiện căn hầm ông trú ẩn, chúng bao vây căn hầm, nhiều lần kêu gọi, dụ dỗ ông đầu hàng nhưng ông cương quyết không đầu hàng, chiến đấu đến hết đạn. Ông bị thương vẫn cố thủ trong hầm. Cuối cùng chúng liệng lựu đạn xuống hầm, ông hy sinh tại xã Giao Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, được công nhận liệt sĩ. Trong quá trình công tác, ông được khen Huân chương kháng chiến hạng Nhất. Ông hy sinh khi mới 28 tuổi, được bạn bè thương tiếc và kính phục.

Con cháu họ Mai hôm nay có quyền tự hào là cha ông mình đã có đóng góp vào hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và hãy phát huy tinh thần yêu nước của ông cha mình vào việc xây dựng dòng họ, xây dựng đất nước.

3. Việc phụng thờ tổ tiên

Con cháu họ Mai luôn coi trọng việc phụng thờ tổ tiên. Dù nghèo hay giàu nhà nào cũng có bàn thờ gia tiên để thờ ông bà mình. Không đất thừa tự song việc phân công giỗ được thực hiện nghiêm túc, được coi như nghĩa vụ thiêng liêng của người con hiếu thảo. Việc chăm sóc mồ mả, nơi yên nghỉ của tổ tiên, ông bà được coi trọng, cụ thể như: việc xây mộ bà nội Hồ Thị Đậu, chú Mai (Lê) Văn Minh, cha Mai (Lê) Văn Thế, cô Mai (Lê) Thị Tuôi, ông Phải và vợ còn quan tâm đến việc bốc mộ, hỏa thiêu cốt lấy tro bỏ hủ đưa lên chùa Vạn Linh để thờ như bốc mộ bà tổ đời I vì ngập nước, mộ ông Mai Văn Giao và vợ là bà Nguyễn Thị Ngọc do nằm trên vùng đất bị giải tỏa, mộ bà Mai Thị Này và ông Mai Văn Văn cũng bị giải tỏa. Chùa nghèo nên ông bà Mai (Lê) Văn Phải đã đóng góp để xây Tam Bảo, xây chỗ để hủ cốt và bài vị tổ tiên họ Mai. Riêng mộ ông Tổ đời I, con cháu không biết ở đâu để chăm sóc. Đó là nổi đau của hậu duệ ông.

Đó là việc làm trong thời kỳ còn hàn vi – Thế nhưng sau những năm tháng lao động miệt mài bươn chải cho cuộc sống, việc kinh doanh tạm coi là thành đạt việc việc xây nhà từ đường thật khang trang đã được ông Phải và vợ ấp ủ từ lâu, đã được thực hiện vào đầu năm 2010. Đó là việc xây dựng gia trang Mai (Lê) tại số 116 đường tỉnh lộ 16, ấp 1, xã Long Sơn, huyện Cần Đước, tỉnh Long An – quê của bà Hồ Thị Đậu – bà nội ông Phải.

Gia trang Mai (Lê) là một công trình kiến trúc độc đáo chạm trổ tinh vi với chất liệu bằng đá và gỗ quý (đá Non Nước, gỗ Lim, gỗ Căm xe) do đội ngủ gồm 45 thợ mộc và 30 thợ chạm đều là những nghệ nhân truyền thống của tỉnh Thừa Thiên – Huế làm việc liên tục trong ba năm (từ tháng 1/2010 – 30/12/2012).

Toàn khu có ba khối công trình: nhà thờ Phật, nhà từ đường và nhà ở).

Riêng nhà từ đường tọa lạc trong khuôn viên gia trang, hướng Tây Nam, có ba gian hai chái, chiếm diện tích khoảng 1.885m2. Mái ngói hình vảy cá. Trên mái có hình tượng lưỡng long chầu nguyệt; 4 đầu đao của hai mái là hình tượng hoa lá cách điệu bằng đá Non Nước. Toàn bộ 48 cột bằng gỗ Lim và Căm xe. Các cửa được chạm trỗ long, lân, quy, phụng và mai, lan, cúc, trúc rất khéo, tinh xảo. Bên trong nhà thờ và bài vị cũng được chạm khắc theo đề tài khác nhau, rất có ý nghĩa.

Gian giữa nhà từ đường được đặt 5 bàn thờ. Chính điện là thờ cửu huyền thất tổ. Bên phải và bên trái bàn thờ cửu huyền là bàn thờ ông bà đời II, III và những người đã quá vãng của họ Mai (Lê).

Nhà từ đường được lập nên là nơi tập trung con cháu các thế hệ trong những ngày giỗ để nhớ cội nguồn và công lao của tổ tiên, qua đó họ hàng được gặp nhau thăm hỏi việc làm ăn, việc học hành của các cháu, càng thắt chặt tính thân tộc.

Việc phụng thờ tổ tiên con cháu họ Mai là nét đẹp của văn hóa dân tộc, cần được trân trọng và gìn giữ. 

4. Giúp nhau trong họ tộc và thương người vì nghĩa

Đây là nét văn hóa quý báu của họ Mai. Vợ chồng ông Mai (Lê) Văn Phải là trung tâm đoàn kết và giúp nhau trong họ tộc. Nhà ông bà là nơi để bà con họ tộc ở quê đến hỏi thăm thuốc men lúc ốm đau hoặc là nơi tạm trú để chữa bệnh từ khi ông bà còn hàn vi. Bà Xoàn vợ ông Phải luôn sẵn sàng giúp đỡ họ hàng, Khi làm ăn khá lên thì dang rộng tay lo sắp xếp công ăn việc làm cho các con cháu, thậm chí thay mẹ chúng đứng ra cưới vợ gả chồng cho con cháu như trường hợp con bà Mai Thị Bé ở Tây Ninh. Việc thăm hỏi ốm đau trong họ tộc, cũng kịp thời. Hy vọng sau khi có được gia phả, việc giúp nhau trong họ sẽ rộng hơn.

Con cháu họ Mai cũng rất thương người, vì nghĩa. Ông Mai Văn Giao và Mai Tấn Xuân là thầy thuốc Nam rất giỏi. Ngoài việc hành nghề để sống, các ông còn quan tâm đến chữa bệnh cho người nghèo. Có những bệnh nhân bệnh nặng, ông Xuân cho nằm tại nhà. Ông bốc thuốc, xem mạch chữa lành bệnh rồi về không lấy chi phí nào. Ông thường nói để phước cho con, còn hơn để của. Ông Mai (Lê) Văn Phải và vợ từ năm 1992 đến nay (2012) đã góp hơn 700 phần quà mỗi năm cho gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ ở xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, đã đóng góp vào quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây nhà tình nghĩa, tình thương, quỹ khuyến học ở Quận 6 và Quận Bình Tân và thường chia sẻ những khó khăn của bà con ở quê hương, giúp sinh viên nghèo hiếu học. Họ Mai không đông người nhưng trong quá trình lao động để mưu sinh và chiến đấu đã có được những truyền thống quý báu đáng được con cháu trân trọng gìn giữ và phát huy.

IV. PHƯƠNG HƯỚNG XÂY DỰNG DÒNG HỌ VĂN HÓA

Xin thành kính dâng lên tổ tiên họ Mai quyển gia phả này như món quà mọn thể hiện lòng biết ơn của con cháu và xin tiếp tục bổ sung những điều con cháu chưa làm được cụ thể như sau:

1. Mở rộng nối kết dòng họ

* Đối với chi I: tiếp tục tìm mộ và con cháu ông Mai Văn Bực – con trai ông Mai Tấn Xuân (đời III) – một thầy thuốc giỏi của dòng họ để kết nối họ hàng, mở rộng số lượng chi I để cùng chung nhau xây dựng dòng họ.

* Đối với chi II: Ông Mai (Lê) Văn Hưng với con trai và cháu nội là hậu duệ duy nhất nối dòng cho chi II chưa biết hết bà con chi I và nhà thờ họ tộc. Hai chi sẽ liên lạc nhau để biết nhau, cùng nhau thắt chặt tình thân tộc, cùng giúp nhau để tiến bộ.

* Tiếp tục liên lạc với ông Mai Văn Lựa ở phường Tân Phú, Quận 7 để mở rộng nối kết họ hàng có thể từ buổi đầu vào Nam lập nghiệp.

2. Xây dựng dòng họ văn hóa

- Việc phụng thờ tổ tiên, con cháu họ Mai đã thực hiện quá tốt. Riêng mộ ông tổ đời I chưa tìm được, hiện nay là nổi đau của con cháu. Nên chăng xây mộ gió cho ông ở quê hương Bình Mỹ để con cháu có nơi hương khói, chăm sóc ngõ hầu tưởng nhớ đến công lao ông đã gầy dựng cho dòng họ.

- Xây dựng đoàn kết họ tộc, gây dựng phúc đức lâu bền, chăm lo hiếu thảo.

- Hôn nhân là việc hệ trọng, con cháu họ Mai quyết tâm định hướng cho con cái trong việc dựng vợ gả chồng sao cho xây dựng được gia đình hạnh phúc để dòng họ phát triển bền vững.

- Con cháu họ Mai sẽ quan tâm hơn việc liên lạc với tổ quán họ Mai (xã Bình Mỹ) để xây dựng tình làng nghĩa xóm, góp phần xây dựng tổ quán họ Mai.

- Tiếp tục việc xây dựng khuyến học, khuyến tài, khuyến nghiệp trong họ tộc để làm vang danh dòng họ và góp phần xây dựng đất nước.

- Tất cả đều tôn trọng pháp luật nhà nước.

Xin tổ tiên phù hộ con cháu họ Mai gốc Bình Mỹ thực hiện được những điều chưa làm được và hứa sẽ sống xứng đáng với công lao tổ tiên đã gầy dựng.