Trang chủ > Bài học kinh nghiệm từ việc nghiên cứu, biên tập Gia phả họ Tăng

Bài học kinh nghiệm từ việc nghiên cứu, biên tập Gia phả họ Tăng

13/10/2024 20:19:00

Tháng 12/2023, theo yêu cầu của anh Tăng Siêu Cẩm, Tông trưởng họ Tăng tại TP Hồ Chí Minh, tức là Trưởng Ban Trị sự của Tam Tỉnh Đường TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 7 (2023-2027), Trung tâm Dịch thuật Hán - Nôm Gia phả đã nhận phiên dịch 1 cuốn “Vũ Thành Tăng thị trùng tu tộc phả của tứ đại phòng Bính - Hòe - Cơ - Quyền”.

Cuốn gia phả bằng chữ Hán chép tay, gồm 173 trang và 3 trang rời, quyển tộc phả này do Hội Tông thân họ Tăng ở Hoa Đô, Quảng Đông Trung Quốc tặng cho anh Cẩm trong chuyến du lịch về nguồn năm 2017; chúng tôi đã hoàn thành việc dịch thuật này trong thời gian 3 tháng, trong đó có 1 tuần nghỉ Tết.

Cuối tháng 5/2024, anh Cẩm có mời chúng tôi đến Tam Tỉnh Đường, nhà thờ của họ Tăng tại TP. Hồ Chí Minh để xem bộ “Vũ Thành Tăng thị trùng tu tộc phả -  Quảng Phủ Tuyền công duệ, Cẩm Lý phòng hệ” tổng cộng 14 quyển, 3692 trang. Đây là bộ tộc phả họ Tăng đầy đủ và chính thống nhất được phát hành tại Trung Quốc. Sau đó anh Cẩm nhờ chúng tôi tham khảo toàn bộ nội dung của các bộ tộc phả này và các thông tin, tài liệu do các gia đình trong gia tộc cung cấp để biên tập thành 1 quyển gia phả cho gia đình. May mắn là từ bộ tộc phả họ Tăng 14 quyển, cuốn tộc phả chép tay, và các thông tin, tài liệu của gia đình và bà con họ Tăng bên Trung Quốc cung cấp, mà chúng tôi đã liên kết được từ thủy tổ đời thứ nhất Tăng Sâm đến đời con của anh Siêu Cẩm là 74 đời liên tục, và hoàn thành việc biên tập gia phả này vào cuối tháng 8/2024, thời gian hoàn thành việc biên tập cuốn gia phả này cũng hơn 3 tháng.

Tham khảo các Tộc phả họ Tăng đã có, chúng tôi đã biên tập thành cuốn “Võ Thành Tăng thị tộc phả - Tư Quốc phòng hệ” theo cách trình bày của 1 cuốn Gia phả Việt Nam, với 6 nội dung như sau:

Phần 1: Lời nói đầu

Phần 2: Phả ký

Phần 3: Nguồn gốc họ Tăng

Phần 4: Phả hệ họ Tăng

Phần 5: Ngoại phả

Phần 6: Lời bạt

Tổng số trang biên tập được là 104 trang. Nội dung chi tiết của từng phần có thể tham khảo ở phần Mục lục tại 2 trang đầu.

Qua nghiên cứu về bộ tộc phả họ Tăng và vài tộc phả các dòng họ khác của Trung Quốc, chúng tôi có vài nhận xét sau đây:

Phần 1: Lời nói đầu

Trong các bộ gia phả, tộc phả của Trung Quốc, đều có Lời mở đầu (tiếng Hán là Tiền ngôn 前 言) hay Lời tựa/Tự 序 /叙, phả tự 谱 序, riêng trong bộ Vũ Thành Tăng thị trùng tu tộc phả 武 城 曾 氏 重 修 族 谱14 quyển, phần này đã có tất cả 16 bài tựa do nhiều cá nhân và đơn đơn viết, tổng cộng 48 trang (từ trang 17 đến trang 64 của quyển 1). Nhưng chúng tôi đúc kết lại bằng tiếng Việt chỉ còn 1 trang A4. Dĩ nhiên, sẽ không khái quát hết tất cả những ý kiến của các bài tựa này.

Phần 2: Phả ký

Qua nghiên cứu, chúng tôi chưa tìm thấy cuốn gia phả, tộc phả nào của Trung Quốc có phần nội dung riêng về Phả ký, nhưng khi xem kỹ thì trong các bài tựa hay lời nói đầu của họ cũng đã có nói qua về quá trình xây dựng hoặc trùng tu (sửa đôi, bổ sung) gia phả, tộc phả, nghĩa là gộp chung nội dung của phần Phả ký vào phần Lời nói đầu, mà không cần tách riêng ra. Xin tham khảo thêm về Lời nói đầu trong bài Tìm hiểu về gia phả của Trung Quốc.

Phần 3: Nguồn gốc họ Tăng

Bất kỳ dòng họ nào cũng đều phải tìm hiểu về nguồn gốc của dòng họ (姓氏源流), phải xác định được thủy tổ của dòng họ mình là ai? Họ Tăng cũng không ngoại lệ. 

3.1. Họ Tăng do đâu mà có?

Trong bộ “Vũ Thành Tăng thị trùng tu tộc phả” 14 quyển, trang 275 quyển 1 đã trình bày nguồn gốc của tộc phả họ Tăng (曾 氏 谱 源).

Qua bộ tộc phả này, chúng ta biết được họ Tăng ban đầu là họ Tự (姒 氏) từ thời vua Vũ của nhà Hạ, cho đến Khúc Liệt, do đã lấy ý dĩ (薏 苡, tức bo bo) làm vật tổ, Thị 氏 và tính 姓 cũng có nghĩa là họ. 

Sau khi họ Tăng được phân chia theo tông phái, Tăng Sâm được vua Văn Tông nhà Nguyên truy phong là Tông thánh, Thế Tông nhà Minh cho hưởng bổng lộc và chế độ thế tập giống như 3 họ Khổng, Mạnh, Nhan, và trở thành ông tổ khai phái của phái Vũ Thành, tức là thủy tổ của họ Tăng, còn gọi là phái thứ 1. Đa số các phái hệ họ Tăng đều công nhận Tăng Sâm là thủy tổ, mặc dù ban đầu có một số phái hệ vẫn xem Tăng Vu là thủy tổ, vì ông Vu là người đầu tiên đổi họ Tăng 鄫 thành họ Tăng 曾.

3.2. Các lần trùng tu tộc phả họ Tăng

Tộc phả họ Tăng đã được trùng tu (sửa đổi, bổ sung) tất cả 5 lần tính từ thủy tổ Tăng Sâm, trải qua 2 triều đại Minh, Thanh. Riêng vào thời nhà Thanh, vua Càn Long đã có "Lập phả cục" để quản lý gia phả của các dòng họ.

Vua Thế Tông Hiến Hoàng đế của nhà Thanh còn ban cho họ Tăng 1 con dấu với 4 chữ “Tỉnh thân niệm tổ” để đóng dấu vào các gia phả, tộc phả của các quan lại và người dân nhằm phân biệt thật, giả. 

Ngoài ra, các đường hiệu 堂 號 của họ Tăng ở các địa phương, vẫn còn tiếp tục sửa đổi, bổ sung phả hệ trong tộc phả của tông phái mình. 

Nội dung tiếp theo, là phần khái quát về lịch sử mà các đời tổ tiên của họ Tăng đã trải qua, chủ yếu là căn cứ vào sử liệu của Trung Quốc (như Trung Quốc Thông sử…), gồm có:

3.3 Từ thời Hoàng Đế đến Đế Trữ

3.4 Từ Khúc Liệt đến Tăng Điểm 

Trong đó, đáng chú ý là tính từ Hiên Viên Hoàng Đế:

- Đời thứ 10 là Tự Khúc Liệt 姒 曲 烈, được phong làm Tử Tước ở nước Tăng 鄫. 

- Đến đời 54, khi nước Tăng 鄫 bị diệt vong, Thái tử Vu巫mới đổi họ Tăng 鄫 thành họ Tăng 曾. 

- Đời 57, Tăng Điểm là con của Thời Thái, là học trò của Khổng Tử, được phong làm Lai Vu Hầu, là cha của Tăng Sâm, được gọi là ông tổ của Tiền phái.

- Đời 58 là Tăng Sâm, được gọi là ông tổ của Khai phái, được tính lại là Phái 1 của họ Tăng để tính cho các con cháu đời sau.

Phần 4: Phả hệ họ Tăng

4.1. Phái hàng và tự bối

Qua tộc phả họ Tăng, chúng ta hiểu được Phái hàng 派 行, Phái hệ 派 系, Danh phái 名 派 名, Phái 派, Tự phái 字 派, Phòng phái 房 派, để phân biệt theo vai vế trong dòng tộc; Phái ngữ 派 语, Tự bối 字 辈 (phân biệt đời trước với đời sau qua Tự bối phả 字 辈 谱 hay tự bối thi 字 辈 诗). 

Năm Khang Hy thứ 61 (1722), vua Nhân Tông nhà Thanh đã đưa ra 15 chữ dùng làm danh phái thống nhất chung cho cả 4 họ Khổng, Mạnh, Tăng, Nhan, bắt đầu từ đời 63 trở đi: 

Tổng cộng là 55 chữ danh phái, tự bối. Tuy nhiên, do 4 họ vận dụng khác nhau và có sửa đổi các tự bối này, nhất là nhiều địa phương ở xa do nhiều lý do mà không tuân theo đúng 55 tự bối đã được vua ban, trong đó riêng Cẩm Lý phòng hệ của họ Tăng cũng sử dụng phái ngữ riêng từ đời 59 đến đời 75, từ đời 76 trở đi mới áp dụng đúng theo phái ngữ cũ. 10 tự bối từ đời 88 đến đời 97 (Đỉnh Tân Khai Quốc Vận, Khắc, Phục, Chấn, Gia, Thanh) thì Đông tông họ Tăng không sử dụng, Nam tông thì có sử dụng, bên dòng họ Khổng cũng không sử dụng…

4.2. Phả hệ họ Tăng

Trong các gia phả, tộc phả của Trung Quốc, người ta không dùng từ Phả hệ, mà dùng từ “Thế hệ biểu 世 系 表” (bảng thế hệ), nhưng nội dung cũng chính là Phả hệ mà Việt Nam chúng ta đã dùng, cũng là nêu các nội dung, thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, ngày tháng năm mất, nơi chôn cất, trình độ học vấn, nơi ở và đã di cư đến các nơi nào, làm chức quan hay nghề gì, ở đâu, người hôn phối là ai, có bao nhiêu người con (chủ yếu chỉ nêu con trai), tóm tắt sự nghiệp, công trạng và cuộc đời của người đó... 

Trong gia phả, tộc phả, người ta có thể ghi hết tất cả các tên gọi khác nhau, gồm có: tên (danh 名), tự 字, hiệu 號, biệt hiệu 別 號, tên thụy 謚, tên húy 諱 (tránh kỵ húy 忌 諱), tên phả 譜 名 (phả danh)…

Trong các bộ tộc phả của họ Tăng, cứ 5 đời được gọi là 1 phòng hệ 房 系, lấy tên người thừa tự đời thứ 5, 10, 15, 20… đặt tên cho phòng hệ tiếp theo.

Ví dụ: Tăng Sâm là đời thứ 1, đến đời thứ 5 là Tăng Đắc, thì phòng hệ tiếp theo là Đắc công phòng hệ; đời thứ 5 là Tăng Phương, thì phòng hệ kế tiếp là Phương công phòng hệ… 

Việc chia 5 đời thành 1 phòng hệ cũng rất tốt cho việc trình bày phả đồ của nhiều thế hệ, có thể lên đến hàng trăm đời, nhất là con cháu nếu biết được tên phòng hệ trên mình là ai thì sẽ dễ tìm kiếm, xác nhận tổ tiên. 

Trước khi trình bày nội dung chi tiết phả hệ của 1 phòng hệ, chúng tôi đã trình bày phả đồ của phòng hệ trước, giống như bộ tộc phả họ Tăng đã làm, nhưng khác về hình thức. Trung quốc trình bày phả đồ theo kiểu châu thòng 垂 珠 体 hay sơ đồ tơ thòng 垂 丝 图 của ông Tô Tuân:

Còn chúng tôi trình bày các phả đồ của các phòng hệ theo kiểu bảo tháp 宝 塔, tên từng người được đóng trong 1 khung hình chữ nhật, liên kết trên dưới và ngang dọc bằng các đường thẳng, cuối đường thẳng có thể có hoặc không có mũi tên. Ví dụ: Phả đồ của Văn Uân phòng hệ (Văn Uân là đời 45) như sau:

Qua tộc phả họ Tăng của gia đình Tăng Siêu Cẩm, nhờ có được thông tin của các đời từ 66 đến 70, do người thân ở Trung Quốc cung cấp, mà các tộc phả họ Tăng đã phát hành của một số phòng hệ chỉ nêu đến đời thứ 65, nên chúng tôi mới liên kết được toàn bộ phả hệ từ đời 1 (Tăng Sâm) đến đời 74 (con trai của Siêu Cẩm), liên tục không bị gián đoạn trong một quãng thời gian hơn 2.500 năm, không chắc rằng tất cả bà con họ Tăng khác đều có được may mắn này, tức là phải có được đầy đủ thông tin của 5 đời gần nhất, tính từ ông cố.

Độ dài của mục 4.2 này chiếm nhiều nhất (46 trang/104 trang).

Một điều cần chú ý là khi trong các gia đình có nhiều anh em, mỗi anh em lại có nhiều con thì tách phả đồ và phả hệ của từng anh em ra cho đơn giản hơn. 

Ví dụ: Phả đồ phòng 4 Tăng Kỷ Lôi 曾 纪 雷 (con thứ 4 của Tư Quốc) như sau:

4.3. Hoa Huyện phòng

Họ Tăng từ xuất xứ ban đầu ở Sơn Đông đã dần dần di cư, di chuyển đến nhiều tỉnh, thành khác của Trung Quốc, trong đó có tổ tiên đã đến Hoa Huyện phát triển, nhất là trước khi di dân sang Việt Nam, ông Tăng Tư Quốc, ông cố của Tăng Siêu Cẩm đã sinh sống tại Hoa Đô (tên cũ Hoa Huyện), nên chúng tôi có nhắc đến địa phương này.

4.4. Liên lạc với người thân họ Tăng của Cẩm Lý phòng hệ

Mặc dù các người thân ở Cẩm Lý phòng không liên quan đến gia đình Tăng Siêu Cẩm, nhưng vì đây là kết quả tìm kiếm, liên lạc, kết nối với người thân họ Tăng ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận của Ban Biên tập “Vũ Thành Tăng thị trùng tu tộc phả - Quảng Phủ Tuyền công duệ Cẩm Lý phòng hệ” khi đến TP HCM tham dự lễ nhậm chức và tiệc liên hoan của Ban Trị Sự Tam Tỉnh Đường nhiệm kỳ 6 vào năm 2019, nên cũng được trình bày vắn tắt.

4.5. Các nơi họ Tăng phát triển

Từ nơi phát mạch đầu tiên là Vũ Thành thuộc tỉnh Sơn Đông, được gọi là Đông tông, vào đời thứ 15 Tăng Cứ vì không muốn làm quan cho Vương Mãng, khi Mãng soán ngôi nhà Hán lập ra nước Tân, nên đã dắt theo hơn 2000 người trong làng chạy xuống Lư Lăng (nay là Nam Xương) thuộc tỉnh Giang Tây ở phía nam, mở ra Nam tông của họ Tăng, và từ đây phát triển ra các phái hệ họ Tăng ở khắp nơi, không đâu không phải là con cháu của phái Vũ Thành. 

Phần 5: Ngoại phả

5.1. Những chuyến đi về nguồn và giao lưu với các tổ chức tông thân họ Tăng tại Việt Nam và nước ngoài.

Từ năm 2017 đến năm 2023, Ban Trị Sự Tam Tỉnh Đường TP Hồ Chí Minh các nhiệm kỳ cũng đã tổ chức nhiều chuyến giao lưu với các tổ chức tông thân họ Tăng tại Việt Nam (gồm các tỉnh miền Trung, miền Tây, Miền Bắc), và ở nước ngoài, như: các huyện thị thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc có nhà thờ họ Tăng và các ngôi mộ của tổ tiên họ Tăng, và các Hội tông thân họ Tăng ở Đài Loan. Bên cạnh đó, Ban Trị Sự cũng đã tổ chức tiếp đón các đoàn tông thân trong và ngoài nước tại Tam Tỉnh Đường TP Hồ Chí Minh.

5.2. Tam Tỉnh Đường TP Hồ Chí Minh.

Ở mục này chúng tôi đã giới thiệu sơ qua về lịch sử hình thành và phát triển, thông tin và hình ảnh hoạt động của Tam Tỉnh Đường TP Hồ Chí Minh. 

5.3. Tăng Quốc Phàm (Phiên)

Trong cuốn Tộc phả chép tay của “Vũ Thành Tăng thị trùng tu tộc phả - Bình - Hòa - Cơ - Quyền tứ đại phòng”, gồm 173 trang thì phần giới thiệu về lịch sử của Tăng Quốc Phàm đã chiếm hết 18 trang, bằng 10% nội dung của cuốn tộc phả này. Nay chúng tôi chỉ tóm tắt tiểu sử trong 1 trang A4.

5.4. Chi gia phả của Tăng Quốc Phàm (Phiên)

Phần này có ghi thêm phả đồ và phả hệ của Tăng Quốc Phàm (Phiên), để các tông thân họ Tăng có liên quan tham khảo. 

5.5. Giới thiệu về các ngôi mộ nổi tiếng của họ Tăng

Gồm có:

5.5.1. Mộ của ông tổ Tăng Tuyền – Kim Chung Đường

5.5.2. Mộ của Hoàng thị Thái bà

5.5.3. Mộ của ông tổ Tăng Mỹ

Các thành viên trong Ban Trị Sự TP. HCM cũng đã có dịp ghé thăm 2 ngôi mộ của Tăng Tuyền và Hoàng thị Thái bà. 

5.5.4. Thập Triều

Do trên bia mộ của ông tổ Tăng Mỹ có ghi chữ “Thập Triều” nên chúng tôi phải nêu ra 2 giả thuyết về Thập Triều.

5.6. Vương Mãng và chính sách kinh tế

Phần này có giới thiệu sơ về Vương Mãng, ông vua duy nhất của nhà Tân chỉ tồn tại trong 14 năm, vì đã đưa ra một số chính sách kinh tế và xã hội không phù hợp nên đã bị giết.

5.7. Cẩm Lý phòng

Do Cẩm Lý (nay là Tiểu Dũng) là 1 thôn của huyện Thuận Đức, tỉnh Quảng Đông mà Ban Trị Sự Tam Tỉnh Đường TP.HCM đã có ghé thăm trong chuyến đi Về nguồn năm 2019, và được tông trưởng Tăng Cẩm Vinh tặng 1 bộ tộc phả họ Tăng 14 quyển, bộ tộc phả này đã cung cấp được nhiều thông tin quan trọng, và đáng tin cậy mà chúng tôi đã sử dụng để biên tập thành cuốn gia phả cho Tư Quốc phòng hệ, nên đã giới thiệu sơ bộ về Cẩm Lý phòng.

Phần 6: Lời bạt

Lời bạt/bạt ngữ 跋 語, gọi tắt là bạt 跋: là 1 bài văn viết ở phần cuối của 1 quyển sách hay gia phả, nên còn gọi là Bạt Hậu ký 跋 后 记. Nội dung viết trong lời bạt thường là những nhận xét, đánh giá 评 价 mang tính khảo cứu 考 据 hay giám định 鑑 定, cũng có khi là 1 câu chúc tụng, từ 4 đến 8 chữ hoặc dài hơn, được gọi là đề bạt 題 跋. Trong quyển 1 của bộ Vũ Thành Tăng thị trùng tu tộc phả có 6 quan chức, thành viên Ban Trị Sự đã ghi đề bạt, trang đề bạt đầu tiên của 1 quan chức Hành chính họ Tăng, có 4 chữ: 

Tố nguyên trạch hậu: truy tìm nguồn gốc tổ tiên, tạo phước cho đời sau

Ngoài ra còn có 2 bài Bạt: 1 bài dài 3 trang, và 1 bài dài 6 trang. Lời bạt của chúng tôi cũng đã lấy ý và trích dịch từ bài bạt 6 trang này.

HOÀNG ĐÌNH MINH