Trang chủ > Việc 'họ' (dòng họ)

Việc 'họ' (dòng họ)

03/10/2024 16:11:26

Tham luận của Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bền viết cho Tọa đàm khoa học với chủ đề “Việc họ” do Viện Lịch sử Dòng họ tổ chức ngày 28/6/2024, tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM (5 Nam Quốc Cang, Q.1).

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bền, tác giả bài viết

1. Luận bàn việc “Họ”

Thường trong buổi trà dư tửu hậu, các ông trưởng thượng trong xóm, ấp, khu phố, cùng những cán bộ về hưu khi có đứa cháu nào đỗ đạc, được giải thưởng cao; hoặc cán bộ cỡ bự của Đảng, Nhà nước vướng tội tham ô lại bị cách chức, nghỉ việc… thường các cụ hay bàn đến gia đình, dòng họ của những người vinh quang hay xấu xa đó.

Dòng họ anh này, chị kia xưa nay tốt, có uy tín trong bà con, chòm xóm. Dòng họ ông bà kia nghe nói đến ai cũng lắc đầu.

Nhân dân rất công bằng, trung thực. Nhận định của họ là qua kinh nghiệm thực tế và bộ lọc của thời gian. Còn một điều đúng nữa là qua cội nguồn huyết thống. Ai cũng biết gia đình là cái nôi tạo nên nhân cách ban đầu của con người. Nhiều gia đình có cùng ông Tổ hợp thành dòng họ. Không chỉ những người trong gia đình mà những người trong dòng họ còn có nét giống nhau về tướng mạo, tính cách, cử chỉ, giọng nói… Bởi dòng họ nào cũng có: gia huấn, gia lễ, gia đạo… không thành văn để truyền dạy con cháu nên người. Truyền thống tốt đẹp này bắt nguồn từ chữ Hiếu Việt Nam, truyền đời này qua đời khác và phát triển thành bản sắc văn hóa dân tộc. Luật bất thành văn.

Luật tự giác. Ai vi phạm, dù cố giữ chưa bị lộ thì trước mắt tòa án lương tâm phán xét nghiêm khắc. Nên khi ai khen dòng họ, cả họ vẻ vang nở mày nở mặt. Ngược lại khi nghe chê dòng họ, cả họ đau lòng. Nó nặng nề, sâu thẳm đụng tới chốn thiêng liêng. 

Điển hình trong lịch sử Việt Nam, theo giáo sư Mạc Đường kể, khi Vương triều Mạc chấm dứt vì lý do chính trị, để tồn tại những người họ Mạc phải đổi ra gần 50 họ khác. Đó là điều bất khả kháng. Vì ai cũng biết khi người ta đổi họ khác tức là từ bỏ dòng họ, Tổ tiên mình. Đau lòng lắm - Đồng chí Phan Đăng Lưu (gốc họ Mạc). Đó là sự kiện hệ trọng của lịch sử phải do lịch sử phán xét công minh. Nhờ có công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt có sự hợp tác nhiệt thành của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam qua bao nhiêu cuộc hội thảo khoa học căng thẳng sôi nổi dưới nhãn quan khoa học, biện chứng, thực tế, khách quan. Cuối cùng Vương triều Mạc được minh oan, được viết lại lịch sử trung thực triều Mạc, được đặt tên đường một số vị công thần triều Mạc ở Hà Nội và Hải Phòng, phục hồi nơi thờ cúng.

2. Việc họ quan trọng

Tại sao Việc “họ” - Dòng họ cực kỳ quan trọng như vậy? Vì “họ” là một hiện tượng lịch sử, xã hội mang ý nghĩa khoa học và nhân văn, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của xã hội loài người từ giai đoạn mông muội, bầy đàn tiến lên một bước dài văn minh; từ chế độ mẫu hệ lên chế độ phụ hệ, vợ chồng cặp đôi, con lấy họ cha, có gia đình vợ chồng con cái. Nhờ lấy họ cha mới biết những gia đình cùng huyết thống, mới hợp những gia đình này thành họ, nhiều họ thành dòng họ.

Tính huyết thống như một sợi dây tinh thần, tâm linh, thiêng liêng xuyên suốt thời gian và không gian, gắn chặt mọi thành viên trong họ theo tôn ty trật tự nghiêm minh. Mỗi họ có một tên riêng, lấy họ ông Tổ sáng lập, có một địa bàn cư trú khi phát tích. Qua thời gian, mỗi họ ngày càng sanh con đẻ cháu nối dòng và đông đảo, mở rộng nơi cư trú ban đầu sang những vùng khác, xứ khác vì mưu sinh, vì biến thiên lịch sử, nhưng lòng vẫn nhớ và hướng về Tổ tiên, dòng họ mình.

Sau khi đất nước hòa bình, độc lập thống nhứt, nhiều họ bằng mọi cách đi tìm nhau, nhận họ. Như cánh họ Nguyễn ở thị xã Tân An (tỉnh Long An) nhờ đọc tin trên báo Tuổi Trẻ TP.HCM mới biết gia phả họ Nguyễn ở huyện Tân Trụ (Long An) có tên ông Tổ của mình. Biết được việc may này, Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành gia phả đứng ra tổ chức cuộc gặp mặt hai bên để tổ chức Lễ nhận họ, rất cảm động.

Có nhiều trường hợp khác, nhờ có gia phả, nhiều người trong họ tổ chức đi tìm kiếm người thân sau cuộc chiến tranh ác liệt dài 30 năm, dòng họ ly tán khắp nơi. Có vài trường hợp, nhờ có gia phả xác minh lại lý lịch những người có công với cách mạng bị hàm oan được phục hồi. Nhờ có gia phả họ Trần ở miền Ngoài mới phát hiện được ông T. có tham gia thanh niên xung phong thời chống Mỹ sau về nghỉ, bị chết đuối báo là liệt sĩ, không đúng. Gia phả còn giúp giải tỏa thắc mắc khi chia tài sản cho con đẻ, con nuôi theo luật định và đạo lý ở đời… góp phần ổn định hòa thuận trong gia đình, dòng họ, tức ổn định xã hội.

Huyết thống dòng họ với cái “gen” rất mạnh, đáng tự hào, như trường hợp GS-TS Đỗ Tất Lợi, tác giả sách Nam dược nổi tiếng đã khẳng định “Làm gì có ai sống không vì mình, nhưng cái mình của ta là nhà mình, tức gia tộc Mai Lĩnh. Nếu không là con cháu nhà họ Mai Lĩnh, có khi ta đã an tâm là một người khác, một thợ cày chẳng hạn”.

Kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn, cháu kêu GS-TS Đỗ Tất Lợi là cậu, có bổ sung thêm: “Gia tộc Mai Lĩnh là một nhánh của dòng họ Đỗ ở Đông Anh Hà Nội, lên lập nghiệp ở Phúc Yến đầu thế kỷ XX, cụ Đỗ Văn Phong, ông Nội của Đỗ Tất Lợi, một thầy lang, tham gia vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội, bị Pháp bắt đày chung thân khổ sai ra đảo Guam, tổ chức vượt ngục, đổi tên người Hoa về ở Bạc Liêu (Nam Bộ - NTB); dần dà sanh 7 người con, chủ trương lập ấp Mai lĩnh”… (SGGP, 27.01.2007).

3. Tìm được tổng số dòng họ Việt Nam gần đủ ở TP Hồ Chí Minh 

Nhớ lại thời điểm Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành gia phả, hồi ký TP.HCM (sau đây gọi tắt là Trung tâm Gia phả) thành lập gần 15 năm (9/1992 - 9/2007), giám đốc là nhà nghiên cứu Võ Ngọc An - người sáng lập, là Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin TP.HCM; có hai Phó giám đốc là nhà Hán - Nôm học Võ Văn Sổ và nhà báo Nguyễn Thanh Bền cùng các thành viên: Văn Công Chí, Hải Đường …

Đối tượng làm gia phả là gia đình, dòng họ. Nhưng Trung tâm gia phả chưa được biết tổng số dòng họ Việt Nam là bao nhiêu. Tìm hiểu các tài liệu sách báo thì được biết: sách “Họ và tên người Việt Nam” của nhà nghiên cứu Lê Trung Hoa (Viện Khoa học xã hội TP.HCM) thì có 964 dòng họ, trong đó người Kinh có 165 dòng họ, người Hoa có 161 dòng họ, hai dân tộc này có 125 dòng họ trùng nhau, có 10 dân tộc họ Lý, 8 dân tộc có họ Lê, Trần, 7 dân tộc có họ Nguyễn. Theo ông Vũ Mạnh Hà (câu lạc bộ UNESCO), dòng họ có 191 họ trong đó 30 họ từ Trung Quốc “nhập” vào đã Việt hóa. Theo nhà gia phả học Dã lan Nguyễn Đức Dụ thì có 300 họ…

Với nhiều nguồn số liệu về số dòng họ kể trên, Trung tâm gia phả chưa được yên tâm, quyết lòng sưu tầm tìm kiếm cho được. Khổ nhất là khi các chuyên viên gia phả đi tác nghiệp, nhiều gia đình dòng họ hỏi: miền Nam có bao nhiêu họ? là bửu bối của mình, cả Ban giám đốc các chuyên viên gia phả cười trừ, và xin hẹn trả lời sau. Sau đó, Giám đốc Võ Ngọc An cho biết, hỏi ngoài Tổng cục Thống kê Hà Nội: Muốn có số liệu đó phải tính tiền tỷ đồng! Chúng tôi không nản lòng, tìm tiếp.

Nhờ chỗ quen biết thời làm báo trước đó, chờ sau đợt Tổng điều tra dân số gần nhứt tôi đến xin làm việc với Cục trưởng, Quyền Cục Thống kê Lê Thị Thanh Loan đề nghị Q. Cục trưởng cung cấp số liệu các dòng họ ở TP.HCM cho Trung tâm gia phả (Sở Văn hóa, Thông tin) vì rất cần trong thực hành nghiệp vụ, và được trả lời: Đây là việc mới, Cục thống kê tổng điều tra dân số chủ yếu ghi nhận: dân số, nam nữ, tuổi tác, nghề nghiệp, đời sống… để tôi bàn với các bộ phận có tách ra làm được không. Lần thứ ba trở lại tôi rất mừng nhận được bảng “Danh sách “Họ” trên địa bàn TP.HCM” do cục trưởng ký tên, đóng dấu đỏ, ngày 17 tháng 3 năm 2011.

Bảng danh sách này có 8 trang rưỡi, mỗi trang chia làm 8 cột: 1. Số thứ tự (1-355); 2. Họ [10 họ đông người nhất: Nguyễn: 2.256.900, Trần: 781.827, Lê: 620.855, Phạm: 412.242, Huỳnh: 272.931, Võ: 226.341, Phan: 186.998, Trương: 153.444, Bùi; 147.560, Đặng: 136.741]; từ số thứ tự: số 11 (Ngô: 120.792 người) đến số thứ tự: số 355 (Vụ: 101 người).

Bảng danh sách này được nhà nghiên cứu, Giám đốc trung tâm gia phả Võ Ngọc An và nhà nghiên cứu Vũ Hiệp giữ. Ông Vũ Hiệp nhận xét: “Bảng thống kê 355 họ của cư dân TP.HCM này do Cục Thống kê Phòng dân số - xã hội cung cấp là tư liệu quý, lần đầu tiên được công bố cho tổ chức UNESCO nghiên cứu văn hóa dòng họ Việt Nam tại thành phố này được sử dụng làm tư liệu nghiên cứu. Rất trân trọng và cảm ơn!”

Thật ra, Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành gia phả có tuổi đời trên 30 năm, dựng gia phả tức là làm cho Dòng họ (như họ Nguyễn, Trần, Lê, Phan, v.v…). Đặc điểm của mỗi gia đình hợp thành đặc điểm chung của dòng họ thì mới vững bền, phát triển. Chính dòng họ mới định hướng cho tương lai của mỗi gia đình. Dòng họ văn hóa cũng từ mỗi gia đình văn hóa. Dòng họ có vai trò quan trọng như vậy.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bền