Trang chủ > Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyện

Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyện

03/10/2024 17:35:49

Tham luận của ông Lâm Hoài Phường (thành viên Viện Lịch sử Dòng họ, Trung tâm Dịch thuật Hán - Nôm) viết cho Tọa đàm khoa học với chủ đề “Việc họ” do Viện Lịch sử Dòng họ tổ chức ngày 28/6/2024, tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM (5 Nam Quốc Cang, Q.1).

Lời tựa 

Ngọc phả là gì ? Ngọc phả được định nghĩa là quyển sách ghi sự nghiệp của người được tôn thờ. Ngọc phả không phải là lịch sử, song trong ngọc phả có bóng dáng của lịch sử. Chính ngọc phả thời đại Hùng vương cũng đã được các nhà làm sử như Lê Văn Hưu (thời Trần), Ngô Sĩ Liên (thời Lê) tham cứu khi soạn Đại Việt sử ký và Đại Việt sử ký toàn thư. Tuy Đại Việt sử ký toàn thư xếp những trang viết về thời kỳ Hùng Vương vào phần “ngoại kỷ” nhưng điều đó thể hiện những thông tin của về thời kỳ Hùng Vương đã được coi là chính sử của Quốc gia.

Về con số 18 đời Hùng Vương, chúng ta có thể hiểu theo một số nhà nghiên cứu hiện nay đó là 18 dòng vua, hay 18 ngành họ, hơn là 18 đời vua . Mỗi một đời Hùng Vương là một triều đại kéo dài. Mỗi triều đại mang cùng một tên hiệu có thể có 1 hoặc nhiều vị vua. 

Hôm nay chúng tôi xin giới thiệu toàn văn Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyện mà chúng tôi đã dịch, với mong muốn đem đến cho người đọc 1 tư liệu về “ngọc phả” . Đây là tài liệu mà Viễn Đông bác cổ Học Viện sưu tầm và lưu trử bằng micro film số 752 ngày 14/08/1956. Truyện không ghi năm xuất bản, tên tác giả chưa rõ, được xếp vào loại  tín ngưỡng tôn giáo. Viết bằng chử Hán vào thời kỳ nhà Nguyễn - tác giả gọi là Nguyễn Trung Hưng - với hơn 5.500 từ. 

Dịch Truyện

HÙNG VƯƠNG SỰ TÍCH NGỌC PHẢ CỔ TRUYỆN - KINH DƯƠNG VƯƠNG 

Xưa cháu ba đời của Viêm Đế là Đế Minh sinh ra Đế Nghi. Đế Minh  đi tuần về phương Nam đến vùng núi Ngũ Lĩnh (khu vực động Bạch Hồ, Vân Nam nay là quận Giao Chỉ) gặp nàng tiên họ Vụ  sinh ra Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương thông minh xuất chúng hơn cả Đế Nghi. Đế Nghi muốn vua cha phong cho Kinh Dương Vương cai trị muôn nước, Dương Vương từ chối đề nghị của anh. Lúc ấy Đế Minh bèn cho Đế Nghi cai trị phương Bắc, Dương Vương cai trị phương Nam lấy hiệu nước là Xích Qủy. Dương Vương vâng lệnh vua đi về phương Nam vượt qua Hoan Châu (nay là huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, Nghệ An ) nơi có dãy núi dài bất tận, để xem xét hình thế lập đô ấp  kinh thành.

Quan sát hình dáng thấy có nơi ở tốt, tên Hùng Bảo thứu lĩnh sơn, nguyên là chín mươi chín dãy núi từ biển kéo dài vô tận, họp lại thành cửa ải. Sông nước uốn cong, địa thế hiểm trở đan xen nhau, bèn lập thành đô. Lúc ấy khắp nơi đến triều cống, thời tiết dung hòa, cảnh sắc tươi tốt. Dương Vương vốn thích ngao du sơn thủy, tuần du bên ngoài xem xét địa đồ. Tình cờ thuyền đi vào hồ Động Đình, vua cho ngừng thuyền lại khi chợt thấy một cô gái dệt vải có hình dáng và dung nhan rất đẹp từ trong nước bước ra, vua cho rằng từ xưa đến nay cuộc gặp gỡ này rất đặc biệt, lệnh chèo thuyền đến và hỏi: “Lành thay! tiên nữ đâu đến?”, nàng trả lời: “Thiếp là con của Thần Long hồ Động Đình sống trong cung ngọc, từ lâu đã chờ anh hùng, nay trời cho gặp mặt nguyện xin theo hầu khăn lược”.

Vua vui vẻ nhận lời, dắt nhau vào thuyền cùng về kinh đô lập thần (mất 8 chữ). Ngày hôm sau, vua lại đi tuần xuyên qua nhiều vùng núi phía Tây, thì thấy xuất hiện một vùng sông núi rất đặc biệt đẹp kỳ lạ, vua liền đi tìm mạch đất và nhận thấy giống Côn Lôn. Trên thì khí tràn xuống bao trùm cửa ải, suối đổ ra từ nhiều mạch trải dài ra xa đến các dãy núi tận Tuyên Quang, thu châu ngọc biến thành vạn kim. Giống như vậy, mạch  nước chảy đến phủ Lâm Thao, mùa hè sóng xanh rực rỡ bao quanh núi tây đến tận sông Bạch Mi chùa Long Bút ở thôn Việt Trì thì dửng lại. Bên trái từ núi Lôi Hà  trải dài  đến huyện Gia Lập là núi Tam Đảo. Phía trái cung tiên là thanh long từ Hải Dương Đông Triều xứ Kinh Bắc kéo xuống biển làm thành đầu rồng án ngữ tại tám xã của huyện Kim Sơn. Bên phải từ sông Hán, Nhĩ hà, sông Lô, Sông Thao mạch núi theo sông đến tận Tuyên quang, Hưng Hóa mười Châu, nước nguồn sông Đà chảy đến Gia Lập núi Tản Viên. Phía phải cung tiên là bạch hổ trải dài đến Sơn Nam, Ái Châu. Cửa biển Thần Phù là cửa chánh đổ ra biền, Sơn Trà là đầu hổ án ngữ. Lấy sông Bạch Hạc làm nội minh đường, huyện Nam Xương làm trung minh đường, Nam Hải gia sơn làm ngoại minh đường, muôn núi cùng vạn sông đều quay về núi tổ Nghĩa Lĩnh làm nên hình thế. Vương lấy Hoan Châu cũ thành  lập chánh điện ở núi Nghĩa Lĩnh. Lúc bấy giờ Vua thường ngự bên ngoài , lập đô ở Phong Châu (nay là thành Cựu Đô, thôn Thành Trì  xã Bạch Hạc, huyện Bạch Hạc). Lúc đầu ở núi Thứu lĩnh, sau ở Nghĩa Lĩnh, nay lấy Nghĩa Lĩnh, thành Việt Thường làm đô ấp.

LẠC LONG QUÂN - HÙNG HIỀN VƯƠNG

Khi vua đi tuần về, nàng Thần Long có thai vừa sinh ra Long quân. Lúc ấy khắp nơi được bao trùm ánh sáng đỏ, tỏa hương thơm ngát. Long quân tư chất thông minh phi thường, có khí tượng đế vương, vua bèn lập Long Quân làm thái tử. Vào thời ấy, con gái của Đế Lai tên là Ẩu Cơ về nơi nhà mẹ ở Đông Lăng Sương .Đi đến châu Trường Sa. Long Quân thấy nàng đẹp nên quyết định lập làm hoàng phi .Sau đó Kinh Dương Vương sai Lạc Long Quân ra Nghĩa Lĩnh ở thành  Phong Châu cai quản việc nước. Dương Vương ở ngôi 205 năm thọ 216 tuổi.

- Con là Lạc Long Quân kế ngôi, lấy hiệu Hùng Hiền Vương. Lúc Ẩu Cơ có thai 3 năm 30 ngày, trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh xuất hiện mây ngũ sắc sáng ngời, Âu Cơ sanh hạ được một bọc trăm trứng, nở ra 100 chàng trai có tư chất đều là anh hùng quán thế. Khi trưởng thành vua thiết lập các quan bảo vệ biên giới, chia nước thành 15 bộ: Sơn Tây, Sơn Nam, Hải Dương, Kinh Bắc, Ái Châu, Hoan Châu, Bố Cải, Điểu Châu, Ai Lao, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Cao Bình, Lạng Sơn, Quảng Tây, Quảng Đông. Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, hai loài về phương diện không giống nhau do đó phải xa nhau, chia 50 con theo cha xuống biển làm thủy tinh (氺 晶 - glass), 50 con theo mẹ lên non làm sơn tinh (山 精 - fine)”.

Lúc ấy các vị vua trước đây đứng đầu biển, núi đều là thần tử của vua được phong là Lạc hầu, các tướng gọi là lạc tướng, con trai vua gọi là quan lang, con gái vua gọi là mị nương, người có chức quan gọi là bạc chánh. Quan trên thì ngay thẳng được lòng dân, quan dưới thì coi sóc dân chúng theo lệnh vua, bố trí đúng người được đề nghị, tất cả đếu hòa hợp vậy. Khi Vua cấp cho áo, dân hòa thuận chắp tay cung kính nhận. Dân đào giếng làm ruộng, khắp nơi vui vẻ, không một ai có cuộc sống khó khăn, bất an. Thành công trong việc định dân xong, ngoảnh lại vua cảm thấy cũng chưa đạt bằng sự xuất chúng của các vị vua trước. Vua ở vị vương lâu dài trên 400 năm cha truyền con nối, thống nhất sơn hà. Hiền Vương được gọi là thủy tổ Bách Việt.

ĐỜI VUA HÙNG THỨ 3, 4, 5

Sau đó con là Hùng Quốc Vương kế tục sự nghiệp, khuyến khích dân lo việc đồng ruộng. Để không còn ai phải lo sợ đói kém nữa, quốc gia trữ lương thực cho dân. Cả nước an bình, dân không gian dối. Họ Hồng Bàng lúc đó mở mang các cánh đồng hoang dã như tập tục đã làm, nguyện trị nước hưng thịnh, tăng thêm lợi ích so với  các đời trước, đáng gọi là hiền vương. Lúc đó Vương nghĩ đến các thánh tổ đời trước, phân vùng để lập các bộ sơn tinh, thủy tinh làm trăm vương. Đổi họ, phân chia đầu núi góc biển chiếm giữ một phương: 50 con trấn giữ đầu núi gọi là “phiên thần phụ đạo”,  50 con trấn giữ góc biển gọi là: “thủy thượng linh thần”, sai bảo hộ dân sinh trợ giúp làng xã. Vua trị nước được 221 năm .

-  Sau khi mất thái tử Hùng Diệp Vương lên ngôi chánh thống. Vương trị nước lấy công đức to lớn của tiền nhân mà giáo hóa khuyến khích các quan dùng nhân nghĩa cho dân hiểu việc tu sửa xây miếu điện tế tự các thần linh, soi sáng  muôn dân, làm sao mà của cải không nhiều cho được? Trong hòa khí đó, trời đất đều thái bình từ nhà tại cuộc sống này cũng như cuộc sống của các đời trước .

- Vua trị nước được 300 năm rồi lập thái tử Hủng Hy Vương lên kế tục. Lên ngôi xong vua vỗ về an dân khắp nơi, quyết ý làm cho nước mạnh mẽ bình an. Trong thì rèn luyện văn đức để dân phục, ngoài thì rèn võ công thị uy các nước, đất nước yên bình, biên cương im ắng. Từ đó, Vương trèo non vượt biển, không ai không xưng thần, biến những vùng đất xa xôi hẻo lánh thành mầu mở, coi sóc việc nước uy nghi to lớn  không hổ thẹn với các vương trước, Vương cũng là một hiền vương vậy. 

HÙNG HUY VƯƠNG - PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG

Vương hưởng 114 năm, sau đó lập thái tử Hùng Huy Vương lên ngôi. Huy Vương theo quy tắc của các tiên vương mà thi hành, trị nước bằng cách dưỡng dân. Nhân lúc yên bình, khơi thông hào, ao hồ, do vậy tự nhiên an lành không còn ưu lo nữa. Lúc ấy Vương được báo cho biết có 1 bà đồng tinh thông địa lý, thiên văn, biết rõ thần cơ mật pháp. Vương cho là tiên nhân, đem vào trong cung, để khi có việc nước thì hỏi ý. Ngày sau, đình thần tấu rằng: ”Bà đồng này rất  mơ hồ, chỉ là một phụ nữ hoang đường nói là biết việc trên trời dưới đất để mong bệ hạ nghe và tin bà ta, chúng thần cho rằng bà ta mê hoặc bệ hạ". 

Vương đồng ý, giam bà ta vào trong cung, rồi sai giả làm một đàn voi trắng không ngà, voi đen 3 ngà, ngựa đỏ 5 chân, cầu trời, nói với các quan: “Trẫm dùng kế này để xem bà ta là giả hay thật”. Sắp xếp xong lễ vật xong, Hoàng Thiên ở trên cao, nhìn thấy sắp xếp một đàn lễ như vậy, tuy tai nghe không rõ, để cảnh báo vua không có đức độ, nguyện sẽ không ứng hiện hàng phục tai ương.

Lúc đầu vương chỉ muốn nghiệm xem đạo trời có báo ứng ngay trước mắt không, sai dẫn bà ta đến nói: ”Bà có khả năng nhìn biết việc thiên cơ, nay nước nhà có sự không rõ, gọi bà đến, xem bà có thể bay lên trời, hỏi xem do đâu mà ra? Rồi báo lại cho trẩm biết”.Bà đồng nhận lệnh ra đi, canh ba tối đen như mực, bay thẳng đến cửa ngọc hoàng, quỳ xuống tâu rằng: “Bầy tôi  thừa lệnh nước, đến tấu thiên đình, nay trần thế có việc, là do đâu mà ra vậy?”. Ngọc Hoàng phán: ”Ngươi nên xuống ngay dưới trần báo lại với Vương, lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà không thoát, trần thế thì tất bật, đã nguyện thì phải hết lòng, lúc vua bất chính, tự kiêu căng dâng những lễ ấy cho thiên đạo, họa sẽ ứng báo, không chỉ hàng phục tai ương, sau ba năm sẽ có đại giặc”.

Phán xong bà đồng tỉnh lại báo cho Vương biết. Vương rất lo sợ, ráng giữ bà ở lại trong cung để xem lời nói có ứng nghiệm hay không? Vương sai quan thiết lập đàn ở ngay giữa kinh đô, dùng voi, ngựa vàng bạc đem đến tận trong cung, bày trí đồ vật, Vương đích thân thự hành nghi lễ, chú rằng: “Ít tài vật nhiều lầm lỗi xin lễ hoàng thiên, sự việc trước mắt không biết rõ, xin thượng đế chuyển tai ương thành vận tốt, mong chờ đức lớn của người”. Vương vừa chú xong, đột nhiên mây gió nổi lên cuồn cuộn, màu trời âm u, trên đàn khói hương khói như vân nhiều màu, vua bàng hoàng sợ hãi bái tạ, lên xe về cung, lại gọi bà đồng lên trời tấu với Ngọc hoàng mong mang phúc lành cho nước. 

Bà đồng quay về báo với vương: ”Người, vua đã biết hối lỗi, trời đã đoái hoài, tuy nhiên năm mà có giặc đến xâm phạm, trời sẽ sinh người tài để giúp Vương, không  nên lo lắng nhiều”. Vương rất tin, cho đến 3 năm sau, bỗng nhiên có thư từ biên giới báo gấp giặc Ân, Thạch linh thần, sẽ khởi binh xâm lăng từ hướng Bắc, binh sĩ rất đông ngàn cờ liên tiếp giống như Bà Đồng từng nói. Vương lại lập đàn trai giới, hương khói cầu xin, tất cả quần thần hội nghị trong 3 ngày. Sau đó mưa to gió lớn, bỗng nhiên xuất hiện 1 lão ông cao hơn 9 trượng (1,7mx9), tóc mi bạc phớt, ngồi giữa đường vừa nói cười vừa nhảy múa, mọi người đều cho là kỳ nhân, về báo với Vương. Vương đích thân đến trước đàn hỏi: ”Nay có giặc đến xâm chiếm, gánh vác như thế nào? xin cho lão nhân được một quẻ tốt lành“, Quẻ nói cho Vương rằng: “Nếu cầu được người, bọn giặc này không đáng kể nhĩ”. Nói xong, ông lão bay lên trời.

Vương biết là do Lạc Long Quân chỉ dạy. Lúc ấy ở hương Phù lý, có ông nhà giàu sinh 1 trai đã được 3 tuổi tên còn có tên khác là Thiết xung Thần vương, ăn uống rất nhiều, không biết nói, không biết khóc, bà mẹ nghe sứ giả đến bèn nói vui rằng: ”Xin cho con tôi theo chỉ ăn uống, không biết đánh giặc, mong báo đền ơn nước, báo ơn cha mẹ".  Nghe mẹ nói, đột nhiên cậu bé lên tiếng: “Mẹ gọi sứ giả đến” Thần vương bảo sứ rằng mau về bảo Vương, đúc con ngựa sắt cao mười xích (3,3m), đao dài 10 xích. Còn việc sau đó giao cho ta, không phải lo chi cả.

Sứ giả nghe rõ lời về báo cho Vương, Vương rất vui lệnh tìm 50 cân (25kg) sắt luyện thành đao. Tướng trở lại, thần vương nhảy lên ngựa, hô lên: “Ta là tướng trời“ phóng ngựa chạy như bay, trực chỉ chân núi Võ Ninh,  An Việt, đánh Thạch Linh Thần Tướng, bắt giết hết dư đảng của quân Ân ở biên giới, không tên giặc nào thoát khỏi đao Việt. Thần Vương tảo thanh giặc đến từng bụi chuối ngọn lúa, thẳng đến núi Sóc Sơn, xã Vệ linh, huyện Kim Hoa cởi áo bỏ ngựa mà bay lên trời. Nay còn dấu ngựa ở Nham Thượng Yên. Hùng Huy Vương nghĩ đến công lao giúp nước to lớn, nhưng chưa từng gặp mặt, không biết làm sao báo đáp cho tròn, nên tôn là Phù Đổng Thiên Vương lập đền thờ tại quê hương của ông tại xã Phù Đổng, huyện Tiên Du và tại xã Vệ Linh, huyện Kim Hoa. Vương cấp 100 điền hạng nhất để phụng tự cho hậu thế của Vương, lập lại 9 loại tiêu điện ở Nghĩa lĩnh sơn dùng làm linh điện kính thiên, nơi Vương thường đến chú.  

HÙNG CHIÊU VƯƠNG - THIÊN LINH ẤN KIẾM - CẦU THÊ

Trải qua 37 vương, hơn 640 năm quốc gia không tăng thêm binh lính. Vương cai trị 81 năm thì mất, hoàng tử Hùng Chiêu Vương lên ngôi. Chiêu Vương lúc ban đầu: khuyến khích dùng chánh trị, kế thừa thanh thế lực lượng lớn mạnh, không cần dùng binh mà chỉ cần an dưỡng dân, tu sửa theo đường chánh đạo. Kế tiếp là dùng xe đi trước, giúp lễ cẩn thận quan sát đề phòng thiên tai lũ lụt, giặc ở biên giới thường xâm hại.

Theo đạo trời nhân thời bình chuyển 6 lại thành một, kính trọng việc cúng tế quỷ thần, để các âm mưu của sơn hải đều có linh từ chiếu truyền. Văn võ bá quan xây dựng miếu điện, vẽ tranh đắp tượng cho việc cúng tế. Vương cũng lên kính thiên điện, thiết lập đài bằng ngọc, đắp vẽ tường vách, trang hoàng miếu tự, bày trí uy nghi oai vệ, rất là trang nghiêm. Đến ngày cúng dụng cụ cúng tế đều vẽ mây, vẽ rồng, vẽ ngày, vẽ đêm hương khói liên tục. Ngày mùng 1 và 15 Vương thường  giữ trai giới, ngự triều ở bên trái của điện. Có một điện của thượng thánh đại bảo đời trước, người tu luyện thân tâm, vô cùng linh diệu, đạt pháp thành tiên, ban ngày bay lên trời, còn để lại dấu tích tại nơi thờ tự. Bộ hạ bay xuống thế gian giúp đỡ sơn hà, chuông mõ linh thiêng cây cỏ dị thường, các hạng tinh tú, tứ đại thiên vương, bát bộ kim cương, nhị thập bát tú, bách thần đều hội lại phòng vệ.

Sơn tinh thủy tinh, sông biển, trăm thú đều quy về 1 mối, xưa là Chùa Tang Long  ở Từ Sơn, nay là chùa Thiên Quang Thần. Vua  lại đến nơi ấy, truyền các quan tu sửa chùa, vẽ tranh trên 4 vách cây cối hoa lá phong cảnh vùng đất xung quanh, màu sắc đẹp đẽ rực rỡ.  Xong rồi ra hịch các châu huyện  nào có tăng ni, đạo sĩ, đến hội nơi ấy thi tuyển, các sở quan phát áo mũ, hội giảng kinh, mở rộng đạo, dâng hương hoa, bốn mùa thơm phức.

Vương khuyến quần thần cử hành trai lễ vào những ngày sóc vọng, dâng lễ ban thờ văn võ hai bên, hầu hạ trang nghiêm. Vương còn cẩn trọng dâng quả cho trời, tuy rằng hương khói xa xôi nhưng nhờ lòng từ của mây cũng dễ xuyên thấu, một lòng thành tâm sắm sửa, nên ơn trên sẽ cảm động có thể thông suốt trời đất, sẽ cho Vương nguyện cầu điều chi tất được toại.

Do tâm nguyện, bỗng nhiên vua thấy một ông lão thân sắc vàng, đằng vân giá vũ đến chỗ Vương ngự, Vương nghênh tiếp mời vào trong chùa , lão ông nói: ”Ta là thần ở tây vực, từ lâu sống ở Giác Hải, tiêu dao nơi mẹ Bát Nhã, không tin tâm người trần rửa sạch đường Niết Bàn, nay nghe trống chuông đều hưởng về kinh kệ nên ta đến đây”. Vương rất vui trong lòng nghĩ: ”Người mà thanh tịnh nhất định trời sẽ hiểu ý ngay”. Rồi từ trong tay áo ông lão phóng ra một móng rồng quý nhất của trời, tức thời Vương chợt thấy một đám mây ngũ sắc trải dài khắp không gian, sau đó ông lão thăng thiên. Vương biết là Phật hiện đến, liền vọng bái.

Ngày sau, lại sai bá quan trai giới thanh tịnh, lập đàn nơi chùa dâng trà, triệu chư thần hội trên núi linh khấn rằng: ’Ngày trước may mắn gặp ông lão cho một vật báo, không biết đó là vật quý báu, thần linh anh minh như có cảm nhận, xin ứng cho lời khấn này". Khấn xong, từ không trung xuất hiện đám mây sáng rực, Tứ Đại Thiên Vương  trong đàn hiện ra thân dài 7 xích (2,1m), dáng vẻ huy hoàng, râu tóc tốt như Vương. Vương sửa áo mão cho chỉnh tề nghênh tiếp Tứ Đại Thiên Vương  vào trong điện.

Trong chốc lát Tứ Đại Thiên Vương nói với vua: ”Vật trước kia mà lão ông cho Vương là vật rất quý của hoàng thiên, thích hợp để chế thành quốc bảo: một làm tiêu kiếm, một làm tỷ phù“. Nói xong, theo mây mà bay lên trời. Vương đứng ở đầu núi vọng bái, nhân đó tạc tượng thánh trong điện để khi Vương đến thì cúng tế. Sai quan lấy móng rồng tạo thành ấn và chuôi kiếm và nói: ”Thiên linh ấn kiếm là thiên linh kiếm, từ nay xã tắc không còn phải lo lắng, triều đình an tỉnh“. Vương nghiệm ra  rằng trời  rất là huyền vi, càng ngày càng dốc lòng kính trọng tổ tiên.

Vào lúc trời xanh yên ắng, vạn cảnh như xuân, công việc viên mãn, quần thần đều dâng tấu: Vùng Tam Đảo nhiều núi lại có tiên đến hội, Vương vốn xem trọng việc cúng kiến quỷ thần liền đại giá đến xứ đó xem phong cảnh. Vui vì thấy núi non đẹp đẽ, trùng trùng điệp điệp, khe suối nước trong, sóng nước yên tĩnh, phong cảnh tranh đẹp, hoa cỏ đua nhau khoe sắc, trên ngọn núi nhỏ có một ngôi chùa, Vương bèn thiết lập đàn tràng  chuẩn bị lễ trai đàng hoàng, sai quần thần dâng lễ hầu .

Vương cúi lạy, khai một tràng công đức trong điện cầu phúc. Sau 7 ngày 7 đêm, mây kéo đến khắp bầu trời, mọi người cùng vui vẻ ngắm nhìn. Tuy là ở chỗ núi rừng, chim cá đều đến nghe đọc kinh giảng kệ. Công đức xong Vương trở lại đá núi ngắm cảnh tiên, bỗng thấy trong nắng chiều điện trở nên nguy nga ánh sáng như long vân, bốn vách tựa như đài của sứ thiên trúc giống cảnh bồng lai. Vương trở vào tự, lập vọng sơn đàn đầy đủ trang nghiêm, kín đáo cầu hoàng thiên . Vương yết lễ khấn: “Xin trời cho thần tiên xuống trần, nếu may mắn gặp để trả nợ duyên". Khấn xong, Vương bái tạ.

Qua 3 ngày không thấy dấu vết tiên, Vương lo lắng cho rằng không thể như thế được, liền trở về đầu rồng lập đàn tiên độ tâm kín đáo cầu khẩn, đêm thấy thần linh bảo: “Người Tây đại Sơn, trên không thấy dưới, sẽ gặp người nhà quan ở lộ đông, sống trên khẩu vượng”. Vương dược thần cho bốn câu trên, lệnh xuống núi quay về. Trên đường gặp một mỹ nhân dung mạo rất đẹp, cốt cách thanh tao, lập miếu kế bên điện, mong quan ngự giá. Vương rất thích vẻ đẹp của nàng, bèn cưới. Về cung Vương hỏi: “Nhà nàng ở đâu?”. Nàng trả lời: ”Thiếp là tiên nhân, trời giáng xuống sống ở lộ đông, làm con ông trưởng giả, mấy năm sống trong nhà tranh vịnh sử ngâm kinh, che dấu tung tích, chờ tay anh hùng, trong lúc trộm nghe bệ hạ đi tây thiên thiết lập đàn trai mong cầu người tiên, thiếp nghe xong không lâu sau đó gặp lại Vương, may là duyên trời đã định trước không hẹn mà  gặp quân vương, xin hầu hạ trong trướng không phụ nợ duyên đã ước thệ". Vương nghe xong, thầm biết trời sui thần tiên ủy thác cho mình. Vậy là Vương sai quần thần chuẩn bị sính lễ, nhanh chóng đi về nhà trưởng giả ở lộ đông, dâng lễ theo phong tục. 

CÁC ĐỜI HÙNG VƯƠNG TỪ THỨ 8 ĐẾN 16

Khi trở về phong nàng làm hoàng phi chánh thất, chưa đầy năm hoàng phi có thai, sanh hoàng nam, tư chất thông minh, anh tài như ông cha. Vương lập làm hoàng tử, trị quốc lấy hiệu Hùng Vĩ Vương. Sau đó Vương và hoàng phi học đạo tiên hưởng quốc 200 năm, sống thọ như Kiều Bành. Vĩ Vương nhận tất cả vật quý của cha ông, trước là cải tạo vương đường cho đẹp đẽ dễ nhìn, để ấn kiếm cho quần thần thấy và nói: ”Trẫm có môt linh bảo, cớ gì phải lo việc không trị được thiên hạ?”. Do đó thần uy tăng thêm, thanh thế tăng thêm, khắp nơi không nước nào dám dòm ngó. Đất nước thái hòa, biên cương vô sự, thiên hạ gọi là hiền vương, hưởng quốc 100 năm thì mất. Gom lại Định Vương tại vị 80 năm, Uy Vương tại vị 90 năm, Trinh Vương tại vị 107 năm, Vũ Vương  tại vị 96 năm, Việt Vương tại vị 105 năm, Anh Vương tại vị 99 năm, Triêu Vương tại vị 94 năm, Tạo Vương tại vị 92 năm, trải qua 16 đại hiệu. 

HÙNG NGHỊ VƯƠNG - THỤC ĐÁNH AI LAO

Tiếp nối 10 đời vua. Hùng Nghị Vương trị nước trong an bình, nên đam mê tửu sắc, vui thú rong chơi, không chỉnh đốn quân đội. Thục Vương từ xa đã nghe trong nước thường không dụng võ, muốn chiếm đất đai, nhưng lo sợ phương nam có thần kiếm, do dự cho tới lần này. Lúc ấy phó bộ chủ Ai Lao, có tài thao lược, cũng là một tông phái của Hùng Vương. Thục Vương nghe vậy, liền đem binh tấn công Ai Lao chiếm đất. Phó bộ chủ Ai Lao không kháng nổi sai sứ sang cầu cứu. Hùng Nghị Vương liền đem 10 vạn tinh binh trực chỉ dưới thành Ai Lao để cứu. Thục Vương nghe tin liền viết thư cho Nghị Vương: ”Thục Vương từ phía Tây đến nguyên là muốn đoạt tướng nước này để truyền đại bảo, đâu dám nghĩ mệnh kiến càng dám chống lại 10 vạn xa". Nghị Vương thấy thư đến, dẫn binh về. Thục Vương cùng Phó bộ chủ Ai Lao về nước Thục, dồng thời gả công chúa Toại Tốn, và sai sứ đến nhận lỗi với Nghị Vương, nguyện xem Nam triều là anh, Bắc triều là em, hai nước cùng nhau ký hòa ước, Nghị Vương hứa cho bãi binh phía tây nam . 

HÙNG DUỆ VƯƠNG -  CẦU NGƯỜI NỐI DÕI - SƠN TINH THỦY TINH

Nghị Vương tại vị 160 năm, lập thái tử Hùng Duệ Vương kế nghiệp. Duệ Vương tư chất thông minh, tài trí anh hùng, kế nghiệp tổ triệu tôn bồi 17 đời. Bên trong tu sửa võ lược, bên ngoài phòng bị biên cương, hết lòng lo việc bình định trong nước. Lại còn theo gương xưa tôn sùng thiên đạo, kính trọng việc cúng tế quỷ thần, mong sự ban ơn của người trên. Do vậy, càng tăng thêm sự sùng bái kính trọng đặt niềm tin vào thần nhân. Truyền hịch cho thiên hạ, tăng thêm việc sửa miếu chùa, vẽ họa bên trong  cung điện, cờ xí trang nghiêm đúng cách, ngày ngày cúng hương hoa. Cùng lúc bắt các châu huyện nào có quan nhậm sở, mỗi tháng 2 lần, hầu cúng kín đáo cầu xin bách thần cho mạch nước nhà được thọ. Vương còn đích thân đến núi Nghĩa Lĩnh bái phỏng chư tổ tông, dâng cúng lễ vật cho miếu điện các vị khai quốc, điện của các danh tướng tất cả đều mở hội lớn kinh mõ tu tập kéo dài vạn trượng. 

Số lượng điện đài, bốn vách rực sáng, thiên nhiên cuộn đất thành 1 cái nậm dùng lập đàn yết lễ. Sai quan văn võ tề chỉnh áo mũ một màu lập đàn tế. Sau đó thăm cung tiên ở Tản Viên núi Tam Đảo, nhìn xem hình thế, nơi nào có cảnh núi đẹp đều lập miếu điện, xin cầu cho có con nối dõi hòng kéo dài niên đại của đời cuối nhà Hùng. Vương thấy rõ một con rắn độc, sau đó sinh 2 gái, đều có đức độ trung trinh hiền thục, tướng mạo đẹp đẽ, nữ nhi nhà Tống nếu so ra chỉ là bậc tầm thường.

Vương tử tiên nương sanh đôi hai gái. Một người tên Mỵ Châu Tiên Dung Công Chúa, một người tên Mỵ Châu Ngọc Hoa Công Chúa. Vương rất yêu Tiên Dung, gả cho thanh niên con ông họ Chử (Chử công đồng tử) người xã Đa Hòa, huyện Đông An, phủ Khoái Châu, xứ Sơn Nam. Công Chúa còn lại, vương âm thầm cầu anh kiệt, lại lập lầu ở Việt Trỉ, trước cổng treo biển cầu hiền. Sai công chúa thứ hai đến ở trong lầu, phát hịch khắp nơi, văn nhân tài tử nào đến kinh thành có tài đức sẽ gả công chúa. Do vậy hào kiệt khắp nơi không ai không vui mừng rộn ràng về kinh. Lúc ấy Vương ở trong thành, nào là thiên kinh vạn quyển sách khổng mạnh chỉ nhìn sơ đã rõ, nào tứ khóa tam truyện không thua sách lược của tôn ngô, hiền tài trong thiên hạ tập trung về kinh để thi thố, mong thắng đám người tầm thường kia lưu danh là người giỏi nhất của thời đại. 

Chỉ có 2 người có nhiều phép thông thiên là Sơn Tinh ở núi Tản Viên, và Thủy Tinh ở Động Đình là chưa đăng ký ứng thí. Hai ngày sau bắt đầu đến kinh thành xin gặp vua thưa rằng: “Chúng thần vốn khả năng tầm thường kém cỏi, lỡ sinh vào nước này, trộm nghe thánh thượng mở khoa kén rể, thần đến đây xin ứng thí, nếu may không ai ngoài chúng thần sẽ được chọn”. Vương rất vui mừng, nhanh chóng đi đến sông Bạch Đằng xem thi. Sơn tinh ở đầu sông, Thủy tinh chiếm cuối sông. Trong tích tắc, đột nhiên từ đáy sông nổi lên, mây mưa gió bụi, trên trời mây che kín tiếng sấm chớp. Thuồng luồng, cá, rùa, vô số chủng loài, các loài cá to như côn, sấu, nghê chen nhau lượn quanh sóng nước, trong chốc lát, vạn ao hồ có sóng to trở nên u tối nhìn thấy là hồn phiêu phách lạc.

Sơn tinh tay trái cầm sách, tay phải cầm gậy, miệng ngậm thần chú chỉ vào các thứ ấy. Làm xong là hằng ngàn loại tụ lại nơi đầu trượng, là do diệu thần cơ diệu pháp quét sạch từng biến hóa, khử sạch không còn phải lo lắng nữa. Vương thấy cả hai có phép thuật như nhau, không biết gả cho người nào, đi về cung gọi 2 người đến bảo: ”Trẩm chỉ có một gái cành vàng lá ngọc, mà cả hai đều là anh hùng, ta vui nhưng Sở... Hán dựa vào đó chưa thẩm định được, hay là như vầy, ai mang sính lễ đến trước ta sẽ gả cho". Như thế Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng giao ước: “Chúng tôi cùng quay về chuẩn bị lễ vật, xem ai đến trước”. Thủy Tinh quay về cung Động Đình tìm vật lạ, còn Sơn Tinh xuống ngay dưới lầu, lấy gậy trúc chỉ lên trời xin sính lễ, bỗng nhiên xuất hiện voi trắng chín ngà, châu ngọc lạ thường  từ trên trời rơi xuống. Sơn Tinh giữ ở đấn chờ tối mang đến điện rồng. Vương liền gọi công chúa đến, gả cho Sơn Tinh tiếp nhận về sơn động ở Tản Viên. Đến giờ Mão vua thấy Thủy Tinh đem lễ vật đến, vương bảo: "Sơn Tinh đem lễ đến trước rồi". Thủy tinh tiếc rẻ quay về thủy cung.

NỎ THẦN - THÀNH CỔ LOA - NHƯỜNG NƯỚC CHO THỤC

Duệ Vương cai trị gần 119 năm, tự ý chuyển quyền cho Sơn Tinh ở Tản Viên. Sơn Tinh từ chối không nhận, Duệ Vương nói: “Cơ đồ triều Hùng đã hết, có thể là đến đời con đấy”. Sơn Tinh do dự chưa quyết. Thục Vương -  là phó đạo chủ nước Ai Lao cũng là một tông phái của Hùng Vương nghe tin Duệ Vương nhường ngôi vị cho Tản Viên, liền đem binh  về hướng nam tấn công Duệ Vương để chiếm đất. Thục Vương luôn bại trận vì binh tướng mạnh của Duệ Vương. Duệ Vương nói với Thục Vương: ”Ta có thần lực, Thục không sợ sao?” rồi không chỉnh đốn, bỏ bê quân đội, vui thú đam mê tửu sắc.

Khi Thục quân áp sát, do say chưa tỉnh , binh lính bỏ khí giới qua hàng Thục. Thời ấy, thành Việt thường xây rộng ngàn trượng, hình dáng như cái loa nên có tên “thành loa ban đầu là xây thành vòng xây vòng lỡ". Có người thấy một con rùa vàng nổi lên từ hướng đông sông bơi đến xưng là người của vua sông lưng đầy vàng, người ta hỏi thành lỡ do đâu, rùa vàng trả  lời là do quỷ hại, trừ xong tinh khí này, thành ắt xây xong. Vương đem rùa vàng để ở quán kế bên núi Thất Diệu giả là khách trọ bình thường. Đêm đến, từ bên ngoài nghe quỷ, tinh đến kêu mở cửa, kim quy quát lên, quỷ không vào được. Gần sáng lũ quỹ tẩu tán, kim quy thỉnh Vương đuổi theo đến núi Thất Diệu, tinh khí còn tàng ẩn trên núi làm nguy hại đến vương. 

Vương sau đó ra  lệnh dân đào quật núi, tìm được hài cốt và nhạc khí xưa, sai đem đốt và rải tro trên sông, yêu khí không còn nữa, từ đấy thành trúc xây xong trong vòng nửa tháng. Rùa vàng từ biệt quay về tháo móng ra tặng cho Vương rồi dặn: ”Quốc gia an nguy cũng là do số trời, dân chúng cũng nên phòng bị, khi có giặc đến dùng móng linh thiêng này làm nỏ bắn, cũng không phải lo nữa”. Vương sai quan Cao Lỗ dùng móng rùa tạo ra thần nỏ gọi là “linh quang kim trảo thần nỏ”. 

Hùng Duệ Vương sau khi được nỏ thần, sai tập hợp dân binh lại, gửi thư cho Tản Viên nói: ”Nay quân Thục chiếm thành đô của ta, con nên mau chóng dùng binh tướng xa mã đã có ở Tản Viên đến thẳng loa thành, cùng ta thiết lập trận đồ, nêu cao thanh thế”. Một thời gian sau Thánh núi Tản Viên giải thích cho Duệ Vương: ”Cơ ngơi vua Hùng không thể trường tồn mãi. Ý là lòng trời có hạn, nên mới sai Thục Vương đến gây hấn chiếm Trung Hoa. Rõ ràng Thục vốn là bộ chủ Ai Lao cũng là cùng tôn phái của các hoàng đế trước. Thế nước thường thuận theo tiền định, Vương không nên vì yêu thương cảnh phương nam mà cải ý trời, đối địch còn làm hại thêm sanh linh, vã lại bệ hạ và thần đã có phép thuật thần tiên. Ít ra cũng lãng du chốn bồng lai lãng uyển, tiêu diêu bất lão nơi ấy, lầu rồng gác phụng  còn hơn đối địch  kiếp hồng trần nhơ bẩn. Hoàng kim đại báu, một cọng lông kỳ quái, ngọc nữ tiên đồng thích thú nhìn xem, những thứ ấy là bậc đại trí  vậy".

Vương nghe xong tự làm di thư đồng ý nhượng nước cho Thục Vương. Thục Vương sai sứ đến cảm ơn, Vương nhân đó ban choThục nỏ thần rồi về núi Nghĩa Lỉnh cùng Thánh Tản Viên hóa sanh bất diệt. Sau khi Thục An Vương có được nước, cảm kích Duệ Vương nhượng thiên hạ, liền đến núi Nghĩa Lỉnh lập đài ngọc để quốc gia phụng tự, giữa núi lập 2 trụ đá nghênh thiên khấn rằng: "Trời cao rộng lớn xem xét cho miếu Duệ Vương nơi đây được mãi tồn tại, nếu các vương kế tiếp ngưng thực hiện lời thề này xin cho người đáng kính không hiều biết mà làm sai trái gặp nạn búa rìu".

Khấn xong, vương cúi lạy về Phong đô, sau đó gọi tất cả dòng dõi của Duệ Vương đến ban cho “trung nghĩa hương trưởng”. Cấp 500 mẫu ruộng tại quê hương Nghĩa Cương cho dân đen, 200 mẫu ruộng cho dân đen xã Vi Cương, lại cấp ruộng, giảm thuế từ trên Tuyên Quang, Hưng Hóa, xướng đến Việt Trì. Dân các xã miễn nạp tô thuế mãi mãi không ngưng để làm hương hỏa, phụng sự 18 đời vua Hùng, từ thánh tổ cao hoàng đế, kế tiếp các vương. An Dương trị nước được 60 năm . 

TRIỆU ĐÀ - TRỌNG THỦY, MỴ CHÂU

Khổ nỗi thời ấy sao mà lắm đạo, trốn tránh người mất, cầm người bán rễ làm lính. Sứ quân Hiệu úy Đồ Thư đem thuyền tạo kênh ngòi chở lương thực thâm nhập Lĩnh Nam trụ tại rừng Nam Hải. Tượng quận là Nhậm Hiêu (còn gọi là Nhâm Ngao), cho Nam Hải Úy Triệu Đà làm Long Xuyên lệnh, treo bảng mở kho lấy vật  cứu người viết câu đối (mất 10 chữ) thâu lúa gạo thành Việt, sai đem một khối đá to đi ngược sông đặt ở Nghĩa Lĩnh đê giải bày cơ đồ họ Hồng, mở rộng biên cương nhiều dặm núi xanh rưới ân huệ mà thành đô hội .

Sau đó Triệu Đà thừa cơ gây hấn, chỉ huy xua binh đánh với An Dương ở  núi Tiên Du Hóa Giang. An Dương lấy nỏ ra bắn, Triệu Đà bại trận rút chạy. Đà biết Thục có nỏ thần, không thể đánh lại, sai con là Trọng Thủy làm lính hầu cận cầu hôn công chúa, Mỵ Châu đồng ý. Trọng Thủy dụ Mỵ Châu lén phá hủy chốt bắn nỏ đổi cái khác, quay về báo cho Triệu Đà. Đà bèn phát binh tấn công An Dương, An Dương đứng dưới cờ cười bảo: "Đà không sợ nỏ thần của ta sao?”. Lính của Triệu Đà áp sát, An Dương giương nỏ lên, nỏ bị gãy, phải tìm đường chạy. Từ đó cơ đồ nhà Hùng bị diệt. Kể từ Triệu Võ Vương cho tới Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn trung hưng đến nay, đều cho phép để nguyên cung điện, miếu, cùng các xã lớn nhỏ trung nghĩa, cùng miễn thuế, cùng sưu dịch mọi thứ đều giống như tiền nhân mà làm, để mạch nước khắp nơi trường tồn vạn thế. 

Trên đây từ Kinh Dương Vương cho đến Duệ Vương có trên 2.663 năm. Tóm lại, 18 đời Hùng đồ truyền tỉ phù cho 180 đời đế vương nhường ngôi nhau trị nước, thống nhất sơn hà, xây 122 thành điện một thành tích hiếm có trong kỷ nguyên. 18 đời thánh vương trị nước duy trì con thánh cháu thần. Triều đại đế vương cùng hưởng quốc 2.655 năm sinh 986 chi hoàng tử công chúa, sinh con cháu hậu duệ 14.370 người sống khắp cả đầu núi góc biển trường tồn mãi mãi không dứt.

Hùng Vương ngày tốt tháng Giêng năm 32 . 

Phần nhận xét

Vì là truyện nên mang nhiều chi tiết có tánh cách thần thoại hoang đường. Đọc qua truyện ta thấy các vị vua Hùng rất tin vào việc cúng vái cầu khấn, cầu thê, cầu tự... mang hơi hám mê tín, nhưng đồng thời cũng lo cho dân cơm no áo mặc, làm thủy lợi mở mang đất nước. 

Qua đây ta gặp 1 số danh từ từ lâu đã bị nhầm lẫn:

- Ẩu Cơ 嫗 姬: Không phải là danh từ riêng mà là tiếng gọi chung con gái quý phái. Thí dụ: Triệu Ẩu. Ẩu 嫗:  tiếng gọi chung của các bà già, con gái. Cơ 姬: tiếng gọi đàn bà quý phái.

- Chử đồng tử: người thanh niên chưa kết hôn họ Chử, không phải tên; Chử 楮: họ Chử, đồng 童: chưa kết hôn, tử 子: người con.

- Sơn tinh và Thủy tinh, chữ  tinh  không phải là yêu tinh. Sơn tinh 山 精: chữ tinh có nghĩa tinh túy (fine, pure); thủy tinh 水 晶 chữ tinh có nghĩa óng ánh, trong suốt (glass).

Trong truyện có chi tiết không như ta biết xưa nay là :

- Nước Âu Lạc xưa bao gồm 1 phần xứ Ai Lao ( Lào), và vua xứ Ai Lao cũng là dòng dõi Hùng Vương (50 con lên núi ?).

- Đời Hùng Vương thứ 17, Hùng Nghị Vương, nước Thục đã đánh Ai Lao, nhưng nhờ có viện quân từ Âu Lạc nên quânThục thua và phó chủ bộ Ai Lao trở thành vua nước Thục.

- Hùng Vương thứ 18 là Hùng Duệ Vương vì không có con trai nối dõi nên định truyền ngôi cho Sơn Tinh nhưng Sơn Tinh không nhận. Khi Thục chiếm đánh Âu Lạc thì Sơn Tinh, rể của Hùng Duệ Vương, khuyên giao nước cho Thục, dầu sao cũng là cùng một gốc . 

TƯ LIỆU THAM KHẢO 

1, Micro film số 752  của Viễn Đông bác cổ Học Viện  ngày 14/08/1956.

2. Việt sử Đại Toàn - Mai Đăng Đệ - NXB Việt Nam Minh Trị Thư Xã 1926.

3. Khảo cổ học - Phan huy Thông - Viện khảo cổ học 1970.

Lâm Hoài Phương
(Trung tâm Dịch thuật Hán - Nôm
Viện Lịch sử Dòng họ)