Trang chủ > Gia phả cổ nhất Việt Nam

Gia phả cổ nhất Việt Nam

16/04/2023 20:32:04

Họ Nghiêm ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh không chỉ nổi danh với “Thập đại liên đăng quan triều” (10 đời liên tiếp làm đại quan) mà còn giữ được nhiều tư liệu lịch sử quý.Trong đó có cuốn gia phả “Nghiêm tính gia kê" là cuốn gia phả cổ nhất Việt Nam

Theo các tài liệu nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Mùi, nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hiện nay cuốn “Nghiêm tính gia kê” được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Về hình thức, bìa sách bằng giấy xi- măng quét sơn ta màu hồng nhạt. Chữ viết trong sách dùng chữ Hán, viết chân phương theo hàng dọc từ trên xuống, từ phải qua trái. TS Nguyễn Hữu Mùi nhận định: “Cuốn gia phả này rất quý bởi nó còn khá nguyên bản, mặc dù được sao lại ở thời Tự Đức. Và theo nghiên cứu của chúng tôi, gia phả ở Việt Nam biên soạn vào thời Lê Sơ là rất hiếm. Theo tôi đây là nguồn tư liệu quý”.

Nhà thờ dòng họ Nhhiêm ở làng Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, nơi còn lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử quý.

Theo các nguồn sử liệu, cuốn “Nghiêm tính gia kê” có 3 phần, phần đầu là bài tựa được Hoàng giáp Nghiêm Ích Khiêm soạn vào năm 1498, phần thứ 2 là phần ghi chép truyện về các đời và phần 3 là ghi chép về các câu đối, văn tế của dòng họ. TS Phạm Thị Thúy Hằng, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: “Nghiêm Ích Khiêm sinh năm Kỷ Mão niên hiệu Thiên Hưng đời vua Lê Nghi Dân (tức năm 1459), mất năm Kỷ Mùi (1499), đỗ Hoàng Giáp khoa thi năm Canh Tuất (1490), giữ chức đến Đô chỉ huy sứ, Trực kim quang điện, là người đã soạn và để lại cho dòng họ Nghiêm cuốn “Nghiêm tính gia kê”, soạn năm 1498, hiện được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Mặc dù cuốn này được sao chép lại vào thời vua Tự Đức nhưng được khẳng định đây là một trong những cuốn gia phả có niên đại sớm nhất của Việt Nam”.

Lời tựa của cuốn gia phả "Nghiêm tính gia kê" do Hoàng giáp Nghiêm Ích Khiêm biên soạn năm 1498. Ảnh do Viện Nghiên cứu Hán Nôm cung cấp.

Về phương pháp biên soạn, ngoài phần liệt kê các thế hệ của dòng họ Nghiêm, điểm đặc biệt của cuốn gia phả này, theo TS Nguyễn Hữu Mùi, chính là mỗi đời được ghi thành một “truyện”. Tức là mỗi “truyện” đại diện cho một đời, giúp người đọc không bị gò bó bởi lối biên soạn gia phả theo trật tự, cũng qua đó có thêm nhiều thông tin phong phú về mỗi nhân vật. Dòng họ Nghiêm được biết đến là dòng họ có 10 đời liên tiếp làm đại quan trong triều đình. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nguồn tư liệu ghi chép về các danh nhân họ Nghiêm khá ít ỏi. Ví dụ về danh nhân TS Hoàng giáp Nghiêm Phụ, người khai khoa dòng họ Nghiêm, trong sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục” chỉ có ghi rằng Nghiêm Phụ đảm nhận chức quan Thừa chánh sứ. Thế nhưng, Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hoá - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, người có một số nghiên cứu về dòng họ Nghiêm cho rằng, cũng may mắn, từ cuốn gia phả “Nghiêm tính gia kê” đã giúp các nhà nghiên cứu tìm thấy nhiều thông tin giá trị: “Ví dụ những ghi chép về Nghiêm Ích Khiêm từ nguồn sử liệu chính thống rất nghèo nàn. Nhưng may mắn là chúng ta có thể khai thác tài liệu từ nguồn ghi chép của các gia phả, tộc phả hoặc trong các kho sách của con cháu trong dòng họ. Dòng họ Nghiêm còn lưu giữ được nhiều tài liệu quý ghi chép về lịch sử dòng họ như Nghiêm thị thế phả, Nghiêm thị gia kê, Lịch đại sự tích, Gia phả lược biên… và cuốn Nghiêm tính gia kê do Nghiêm Ích Khiêm biên soạn, viết lời tựa”.

Không chỉ được coi là cuốn gia phả có niên đại sớm nhất trong lịch sử gia phả Việt Nam, “Nghiêm tính gia kê” còn chứa đựng nguồn tư liệu có giá trị trong việc tìm hiểu dòng họ Nghiêm danh giá. TS Lê Viết Nga, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh nhận định “Nghiêm tính gia kê” là cuốn tư liệu quý có thể dùng để đối chiếu và làm phong phú thêm nguồn sử liệu: “Cuốn “Nghiêm tính gia kê’ là tư liệu lịch sử từ thời Lê là tương đối hiếm. Thứ 2, những tư liệu từ cuốn này làm sáng tỏ thêm một số mối quan hệ với các dòng họ khoa bảng khác. Ví dụ như với dòng họ Đàm bên Hương Mạc (của danh nhân Đàm Thuận Huy), thì ngay cả gia phả của dòng họ Đàm cũng không ghi được tên húy của em gái cụ Nghiêm Ích Khiêm là phu nhân của cụ Đàm Thuận Huy, nhưng ở “Nghiêm tính gia kê” thì ghi rất rõ ràng. Như vậy tư liệu của họ Nghiêm có thể dùng để đối chiếu và làm sáng tỏ thêm một số những nhân vật liên quan, nó làm phong phú thêm nguồn tư liệu lịch sử.

"Nghiêm tính gia phả" - Một cuốn gia phả khác của dòng họ Nghiêm. Ảnh do BLL họ Nghiêm Quan Độ cung cấp

Ngoài mối quan hệ với dòng họ Đàm của danh nhân Đàm Thuận Huy, thông qua cuốn gia phả này cho thấy, bắt đầu thủy tổ ở thời Lý, trải 21 đời, trong đó có 10 đời liên tiếp làm đại quan trong triều, họ Nghiêm Quan Độ có bề dày hàng nghìn năm. TS Nguyễn Hữu Mùi còn cho biết, trong “Nghiêm tính gia kê” còn ghi rõ, ở đời thứ 3, đời cụ Triệu Xương công có kết duyên với Quận phu nhân họ Lý, tên hiệu là Từ Tiên, vốn là dòng dõi vua nhà Lý. “Hiện trong kho thư tịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm có trên 300 cuốn gia phả của các dòng họ, đại bộ phận trong số đó được biên soạn dưới triều Nguyễn, chỉ một số ít được biên soạn dưới triều Lê. Cuốn gia phả họ Nghiêm được biên soạn vào năm 1498, mặc dù sau đó con cháu họ Nghiêm tiếp tục tục biên nhưng đây vẫn là cuốn gia phả có niên đại sớm. Do vậy Nghiêm tính gia kê thuộc loại quý hiếm trong kho tàng gia phả ở nước ta hiện nay” - TS Nguyễn Hữu Mùi chia sẻ.

Ngoài tính chất tư liệu riêng của dòng họ Nghiêm, “Nghiêm tính gia kê” còn cung cấp thông tin trong việc nghiên cứu gia phả ở nước ta. Qua cuốn “Nghiêm tính gia kê” giúp chúng ta hiểu sâu hơn về cách thức biên soạn gia phả cũng như cung cấp rất nhiều thông tin về các hoạt động giáo dục khoa cử, phong tục tập quán của nước ta trong suốt chiều dài cả nghìn năm mà các thu tịch tài liệu khác vốn không đề cập.

Theo vov2.vov.vn