Trang chủ > Chuyện người phụ nữ đả hổ tại chợ Bến Thành

Chuyện người phụ nữ đả hổ tại chợ Bến Thành

06/09/2023 17:11:12

Tham luận của Hồ Nguyễn Tuấn Kiệt (Cử nhân, huấn luyện viên môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà) viết cho hội thảo “Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc” tổ chức lúc 8h30 sáng 28/4/2023 tại hội trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.

Tóm tắt

Lịch sử môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà ở Bình Dương và nội dung bài viết “Quyền sư ở Nam Bộ: Ông Ất” của tác giả Vũ Thuật đăng trên Việt Nam Giáo khoa tập san phát hành tại Sài Gòn, cho biết rằng ông Ất rất giỏi võ, nổi tiếng với nhiều chiến công đả hổ, xuất thân từ làng võ Tân Khánh - Bà Trà thuộc tỉnh Thủ Dầu Một xưa, nay là tỉnh Bình Dương, có người con gái là Võ Thị Vuông, tục gọi là bà Năm Vuông. Bà này cũng giỏi võ, từng đánh cướp tại một khúc rừng để nơi đây có tên gọi là “truông bà Năm Vuông”. Chiến công lừng lẫy của bà Năm Vuông là chiến thắng được con hổ dữ ngay trong lễ khai thị chợ Bến Thành vào năm 1914. Qua đó để thấy bà Năm Vuông xứng đáng là con cháu của Quốc mẫu Âu Cơ, chiến thắng vẻ vang ác thú làm cho những người Pháp vừa xâm chiếm Việt Nam thời đó phải thán phục phụ nữ nước Nam.

Từ khóa: Người phụ nữ đả hổ, Chợ Bến Thành, Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà

1. Mở đầu

Vùng đất Nam Bộ, từ thuở người Việt từ Trung Bộ vào khai hoang, đã nổi tiếng có nhiều thú dữ, qua câu ca dao nổi tiếng của vùng đất này từng cảnh giác rằng: “Đến đây xứ sở lạ lùng, Xuống sông sấu bắt, lên rừng cọp um”. Thật vậy, hầu như ở mảnh đất nào của Nam Bộ đều có những câu chuyện con người về đả hổ, để mang lại sự bình yên cho xón làng. Chẳng hạn như ở U Minh, mảnh đất cuối trời của tổ quốc, người ta kể về các ông thầy đả hổ như sau: 

“Tại hồi đó, có nhiều ông thầy giỏi võ ở Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên lưu lạc vào đây, gặp cọp thì giết, gặp sấu thì bắt. Võ nghệ các thầy cao cường đến nỗi cọp thấy bóng từ xa đã cụp đuôi bỏ chạy. Mà các thầy nào có tha, xông lên rượt cho bằng được, có thầy nhảy xổm lên lưng nó, tung ra mấy cú đấm khiến cọp dữ đến đâu cũng phải xiểng liểng” (Trương Phúc Trinh, 2008).

Hầu hết các câu chuyện kể về việc đả hổ đều là thành tích của giới mày râu, như chuyện hai anh em Bảy Giao, Chín Quỳ hạ cọp dữ ở cồn Tàu (Bến Tre), hay chuyện hai nhà sư Hồng Ân và Trí Năng trừ các hổ ở Tân Kiểng (Chợ Lớn) trong những ngày tết năm 1771. (Trí Quang, 2010). 

Thế nhưng lại có một bài viết của tác giả Vũ Thuật đăng trên Việt Nam Giáo khoa tập san, bộ mới, số 1, phát hành ngày 01 tháng 02 năm 1953, phát hành tại Sài Gòn, ở các trang 12, 13 và 24, kể về một người phụ nữ giỏi võ của làng võ Tân Khánh ở miền Đông Nam Bộ đã giao đấu với hổ và giết được hổ ngay trong lễ khai thị chợ Bến Thành ! (Vũ Thuật, 1953).

2. Lai lịch của người phụ nữ đả hổ

Bài viết của tác giả Vũ Thuật đã mở đầu câu chuyện  bằng cách giới thiệu ông Ất và ông Giá của vùng đất Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương) từng được nhiều người biết tiếng với bao phen đánh cọp ở vùng rừng rậm Đông Nam kỳ, với danh hiệu “Cọp Bàu Lòng, Võ Tòng Tân Khánh” vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ông Ất cùng với người em trai là ông Ba Giá vốn là hai bậc giỏi võ của hai làng võ là Tân Khánh và Bà Trà (nay là phường Tân Phước Khánh, thành phố Tân Uyên và phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An thuộc tỉnh Bình Dương), được nhiều người ái mộ tài nghệ đến xin thọ giáo, trong đó có “ông bác” của tác giả bài viết. 

Từ lúc đến Sài Gòn, nhiều người Pháp đã nghe nói nhiều về tài nghệ đánh cọp của ông Ất, ông Giá, nhưng bán tín bán nghi nên chính quyền Pháp ở Sài Gòn lúc ấy đã gởi thư mời ông Ất, ông Giá trổ tài đánh cọp trong dịp lễ khai thị chợ Bến Thành mới vào cuối tháng 3 năm 1914. Đây là con cọp vừa bẫy được trong cuộc khai hoang lập đồn điền trồng cao su ở miệt rừng rậm phía bắc tỉnh Thủ Dầu Một (nay thuộc tỉnh Bình Phước). 

Lịch sử môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà cho biết rằng, lúc bấy giờ, ông Ất lúc bấy giờ đã bước vào tuổi lục tuần (tức 60 tuổi), nhưng vẫn còn rất tráng kiện. Tuy nhiên, ông đã quyết định không tham dự cuộc đấu tranh với con cọp dữ, mà nhường lại cho người con gái rượu duy nhất của ông. Con gái của ông Ất được giao nhiệm vụ đánh cọp thay cha có tên là Võ Thị Vuông, thường gọi là Năm Vuông (Từ Thiện, Hồ Tường, 1989, tr. 75, 76). 

Cô Năm Vuông, trước đó được nhiều người biết đến sau trận đánh tan một lũ cướp cạn trong một khúc rừng rậm gọi là truông (Huỳnh Tịnh Paulus Của, 1896, tr. 502) gần làng Tân Khánh chỉ với một cây đòn gánh trong tay. Nơi đó ngày nay vẫn còn được gọi là “Truông Bà Năm Vuông” như để nhắc lại một trong chiến công lẫy lừng của người con gái xứ võ. Có người lo hỏi con gái của ông có đánh cọp được không, ông Ất lắc đầu và mỉm cười bảo rằng ông biết bản lĩnh của con gái ông sẽ làm cho người Pháp phải kính nể người Việt. Để mọi người an tâm, ông đã nói thêm nếu có điều bất trắc thì ông sẽ nhảy vào liền, quyết không để cho con bị hại… 

3. Người phụ nữ Việt hạ cọp dữ trong lễ khai thị chợ Bến Thành

Chợ Bến Thành ai cũng biết là ngôi chợ lớn giữa thành phố Sài Gòn, nay là trung tâm quận 1 của thành phố Hồ Chí Minh. Ngôi chợ này do một hãng thầu của Pháp mang tên Bross Arc et Maupin xây dựng vừa tạo điều kiện mua bán thuận lợi vừa tạo một biểu tượng cho một khu vực trung tâm của vùng đất mà người Pháp gọi là Đông Pháp. Khi ngôi chợ hoàn tất, các thương gia người Hoa, người Ấn... nghe thông tin đã thi nhau đổ xô tới giành mua sạp ở chợ Bến Thành mới để bán thuốc lá, tơ lụa, thực phẩm...

Chính quyền đương thời đã đã thông báo khắp lục tỉnh Nam kỳ về việc tổ chức lễ khánh thành chợ gọi là lễ khai thị chợ Bến Thành mới, mà báo chí thời đó gọi là “Tân Vương Hội”, gồm các hoạt động vui chơi kéo dài ba ngày đêm 28, 29 và 30-3-1914. Ngày khai thị, lễ hội tổ chức rầm rộ với nhiều hoạt động vô cùng đặc sắc. Sáng hôm khai mạc có múa lân, thao diễn võ thuật, nhạc bát âm và có cả ban nhạc của nhà binh Pháp tới hòa nhạc giúp vui.

Chợ Bến Thành năm 1914 - nơi diễn ra cuộc đả hổ của bà Năm Vuông. Ảnh tư liệu

Còn về khách đến dự, có hơn 100.000 người ở Sài Gòn và các tỉnh từ miền Đông Nam kỳ tới miền Tây Nam kỳ đã nô nức đổ về mua sắm và thăm cảnh chợ Bến Thành mới. Dân lục tỉnh vui vẻ bảo nhau: "Xem được lễ khai thị một lần chết cũng sướng". Tối khai trương có pháo bông, xe bông, đèn xanh đỏ giăng xung quanh chợ sáng trưng, người đi lại đông hơn ngày tết. Lễ khai thị có cả hát bội không lấy tiền giàn, không bán ghế gọi là hát thưởng để cho công chúng coi chơi giải trí… (Trần Hưng, 2022).

Trong quyển sách “Secret fightings of the world”, nguyên tác tiếng Anh của John F. Gilbey, bản dịch tiếng Việt: “Những môn võ bí truyền trên thế giới” của hai tác giả Lạc Hà và Phạm Xuân Thảo, do nguyệt san Võ Thuật xuất bản tại Sài Gòn năm 1970, đã đăng lại câu chuyện một cô gái giỏi võ Việt đã đánh hạ một con cọp dữ tại lễ khai thị chợ Bến Thành năm 1914 của tác giả Vũ Thuật đã đăng trên Việt Nam Giáo khoa tập san số 1 ngày 01/02/1953. Bài viết không ghi tên cô gái mà chỉ cho biết rằng đây là người con gái duy nhất của ông Ất, thường gọi là ông Hai Ất (John F. Gilbey, 1970, tr.159, 160, 161). 

Câu chuyện của tác giả Vũ Thuật đã viết về tiết mục độc đáo nhất lễ khai thị: con gái đấu với cọp. Hàng ngàn bà con Sài Gòn lẫn dân Nam kỳ lục tỉnh dự lễ khai thị chợ Bến Thành đã tận mắt coi trận đấu có lẽ chưa từng có trên thế giới ngay lễ khai thị chợ Bến Thành tháng 3-1914: một cô gái giỏi võ Việt vờn nhau với một con cọp đang gầm rú liên hồi. Cuộc đấu giữa một cô gái với cọp khởi từ ban mai mãi đến giờ ngọ mới chấm dứt. Con gái của ông Ất nai nịt gọn ghẽ, đầu vấn tóc, đôi tay sử dụng một ngọn lao dài đầu bịt sắt bén nhọn mạnh mẽ bước vào khu vực thi đấu với ác thú.

Con cọp trông thấy, gầm to dữ dằn rồi nhảy xổ tới, với hai chân trước chụp phủ xuống đầu đối thủ…Con gái ông Ất nhanh nhẹn nhảy sang một bên để tránh nanh vuốt của cọp. Cọp vồ hụt, gầm lên những tiếng rợn người, đập đuôi và tiếp tục nhảy tới tấn công bằng những đòn vuốt tát liên tiếp vào người cô gái. Người con gái giỏi võ Việt nhanh hơn thú dữ khi nhảy qua, nhảy lại, tấn tấn, thối thối biến hóa khôn lường, khiến con cọp vồ chụp, tát trái, tát phải đều hụt. Ác thú gầm thét liên hồi. Sức gái không thể hạ cọp trong giây lát mà phải đánh giằng dai để tiêu hao sức cọp. Cô gái đã xoay xở rất nhanh, khi thọc ngược ngọn lao để tránh cọp phủ, thoạt tả, thoạt hữu, thoạt trước, thoạt sau, luôn luôn nhanh nhẹn để tránh nanh vuốt cọp dữ (Vũ Thuật, 1953). 

Qua mấy giờ đối đầu giữa người và ác thú, con cọp bị trúng những ngọn lao của cô gái đâm vào người ra máu nhiều kiệt sức, xoay trở chậm chạp. Đúng lúc này, người con gái của ông Ất đã sử dụng ngọn lao thật tài tình, nhắm ngay yết hầu cọp đâm suốt. Cuộc đấu kết thúc đúng ngọ - 12 giờ trưa (Hồ Tường, 2016). 

Một thế đánh lao của môn phái Tân Khánh Bà Trà - ngọn lao tương tự ngọn lao cô gái đánh cọp ngày khai thị Bến Thành - Ảnh: Hồ Tường

Kết luận

Câu chuyện kể trên về người con gái của ông Ất đả hổ trong lễ khai thị ở chợ Bến Thành chúng tôi đã tập hợp từ bài viết của tác giả Vũ Thuật đăng trên Việt Nam Giáo khoa tập san từ ngày 01 tháng 02 năm 1953 và chuyện kể của lịch sử môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà để cho thấy một người phụ nữ Việt Nam đã làm nên một chiến tích không phải đấng mày râu nào cũng làm được.

Là người con có quê cha đất tổ là làng Tân Khánh, lại được thừa hưởng tinh hoa của môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà, chúng tôi quá đỗi tôn kính bao thành tích đả hổ lừng lẫy của các bậc tiền nhân, đặc biệt là chiến công đả hổ của bà Năm Vuông. Nhân dịp hội thảo này, chúng tôi xin được trân trọng giới thiệu đến quý vị đại biểu thành tích một người con gái Việt Nam, thuộc dòng dõi của Quốc mẫu Âu Cơ, đã từng hạ ác hổ ngay giữa chợ Bến Thành trước bao nhiêu con mắt thán phục của người Pháp đang xâm lược nước ta thời bấy giờ.

Xin được nói thêm, ngày nay, môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà, mà bà Năm Vuông từng tập luyện, đã phát triển ra khỏi phạm vi hai làng Tân Khánh và Bà Trà xưa, lan tỏa và phát triển mạnh mẽ tại nhiều tỉnh thành như: Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Tiền Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp. Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh… với gần 70 điểm tập luyện và khoảng 5000 người tập luyện. Môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà đã được Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào ngày 3 tháng 2 năm 2021.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Huỳnh Tịnh Paulus Của (1896), Đại Nam quấc âm tự vị, quyển 2, Rey Curiol & Cie  ấn hành, Sài Gòn, trang 502.

2. Trần Hưng (2022), Nguồn gốc tên gọi chợ Bến Thành

3. John F. Gilbey (1970), Những môn võ bí truyền trên thế giới, bản dịch: Lạc Hà, Phạm Xuân Thảo, Nhà xuất bản Võ Thuật, Sài Gòn, trang: 159, 160, 161.

4. Trí Quang (2010), Cọp trong tâm thức người dân Nam Bộ

5. Từ Thiện, Hồ Tường (1989), “Cô Năm Vuông, con gái ông Ất”, đăng trong sách Võ thuật phái Tân Khánh, Nhà xuất bản Sông Bé, Thủ Dầu Một, trang 75, 76.

6. Trương Phúc Trinh (2008), Huyền thoại cọp dữ U Minh

7. Hồ Tường (2016), Một cô gái đánh cọp ngay lễ mở chợ Bến Thành 1914

8. Hồ Tường (2022), Người Bình Dương đánh cọp

9. Vũ Thuật (1953), Quyền sư ở Nam Bộ: ông Ất, đăng trong Việt Nam Giáo khoa Tập san, bộ mới, số 1, ngày 01/02/1953, Sài Gòn, trang: 12, 13, 24. 

HỒ NGUYỄN TUẤN KIỆT