Chuyện người phụ nữ trung hậu đảm đang trong cuộc trường chinh 30 năm
07/09/2023 09:35:46Tham luận của Nghiên cứu sinh Đoàn Hoàng Hải viết cho hội thảo “Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc” tổ chức lúc 8h30 sáng 28/4/2023 tại hội trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.
Nghiên cứu sinh Đoàn Hoàng Hải - tác giả bài tham luận
Đặt vấn đề
Người phụ nữ làng quê Nam bộ, từ một cô gái về làm dâu nhà chồng, lo toan mọi mặt, với gia đình chồng anh em lên đến hơn chục người, chi dâu cả làm thêm vai trò người mẹ chăm lo cho số em nhỏ tuổi; rồi khi tuổi trung niên làm mẹ 4 đứa con của mình. Tình cảnh làng quê thời kháng chiến chống Mỹ thêm khó khăn nhiều lần khi phải ứng phó với kẻ thù, phải góp phần trong sự nghiệp cứu nước, giành độc lập…
Thành tích lao khổ tù đài lại gắn liền với nhiều phụ nữ kháng chiến. Cuộc đời làm dâu, làm mẹ, làm bà suốt 57 năm (sau khi về nhà chồng năm 17 tuổi) thật xứng danh hiệu “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” như Bác Hồ biểu dương. Tham luận dưới đây minh định khí khái người phụ nữ thời cận đại. kháng chiến “trung hậu, đảm đang” ở làng quê Bến Tre anh hùng.
Nội dung
1. Vài nét về gia cảnh
Bà Nguyễn Thị Hè, sinh năm 1915 (Ất mão), tại làng An Ngãi Tây, huyện Ba Tri tỉnh Bến Tre trong một gia đình Nho giáo có bốn chị em, bà là người con thứ hai. 17 tuổi bà được gả cho ông Đoàn Văn Nam(1) sinh năm 1913 (Quý Sửu).
Ông Nam được 12 anh em, sau người thứ 10 là 10 lớn, 10 nhỏ, rồi Út. Là chị dâu cả ở gia đình 11 em trai gái, phải chăm lo săn sóc dạy bảo các em thành người có ích cho xã hội. Làm dâu nhà quyền thế, nhiều lo toan. Khi sinh con, Bà được gia đình bên chồng cho ở riêng, nhà vừa cất xong bị giặt tây đốt, lần này đến lần khác, ba lần bị đốt, bộ ván gỗ ba lần bị cháy xém qua các thời kỳ chống Tây, chống Mỹ, ngày giải phóng vẫn còn hiện vật này.
Ông bà tham gia kháng chiến, ông Nam được học lý luận "Đường Cách mạng" và được vào Đảng Cộng sản. Năm 1945 tham gia Cách mạng tháng 8 và là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh Tân Hưng. 9 năm kháng chiến ông bà vào xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, xa quê hương con hoạt động công tác. Hòa Bình 1954 không tập kết mà ông bà trở về hoạt động bí mật tại xã Tân Hưng, làng quê của mình với cái tên là ông Bộ Nam. Với luật 10 năm 1959, bọn Ngô đình Diệm lê máy chém khắp nơi, đang .... cơ sở cách mạng, ông không qua khỏi.... gián điệp của Diệm. Ông bị bắt năm 1959 trong lúc bà mới sinh con gái út, chừng đầy tháng. Ông bị tù đày, từ khám Lá Bến Tre đến trại lao Gò Công, trại lao Phú Lợi.
2. Đồng khởi Bến Tre
Bến Tre đồng khởi ngày 17-1-1960, khắp nơi tiếng trống, tiếng mõ vang rền, bộ đội của ta về mặc áo xanh, súng trường cũng được mặc áo, lúc đó có ít súng thật, nhiều súng giả (súng mặc áo thì thị uy như nhau), lựu đạn đeo giáp mình. Mưu kế thành công, giải phóng được quê nhà. Trong lực lượng này có người em chồng (10 Lớn), trong trận đánh gọn Đội Trình khét tiếng ác ôn ở Ba Tri và ông đã hi sinh. Trong nhà lao, ông Nam người anh cả vô cùng đau đớn đứt từng khúc ruột khi người em thương yêu của mình hi sinh.
Bà tiếp tục hoạt động là hội trưởng phụ nữ xã Tân Hưng, chồng ở tù, bà lăn lộn nuôi bốn người con và tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương.
Năm 1963 ông được trả về sau bao nhiêu năm tù đày, bị tra tấn dã man vì không lấy được tin tức kháng chiến. Bọn địch đóng đồn bót trở lại nên ông không thể gặp vợ con mà phải qua xã Thanh Phong huyện Thanh Phú vùng giải phóng(2). Căn cứ địch đánh phá ác liệt, bà phải lặn lội đi thăm chồng bằng ghe máy trên sông Hàm Luông, bà bị tàu hải quân ngụy bắt tra hỏi: “đi đâu?”, “làm gì?”, rồi bị áp dẫn lên tàu khu trục, chúng khai thác không lấy được tin gì đành phải thả, giữa cửa sông Hàm Luông gần cửa biển sóng to, gió lớn; tình thế ngàn cân treo sợi tóc, địch lại cho nổ súng vang trời, nhưng may mắn vượt qua vào đến cồn của xã Thạnh Phong (Thạnh Hải) ẩn nấp an toàn.
2. Chiến đấu trong lòng địch
Căm thù giặc tột độ, thăm chồng về bà quyết định tham gia chiến đấu, đối diện với sự hi sinh mất mát. Làng xã địch đóng đồn bót khắp nơi, tối đến cán bộ, du kích mới vào được nhưng bị địch luôn phục kích ngăn chặn; cán bộ ta rất khó khăn bám trụ, nhiều đồng chí phải đào hầm bí mật trong xóm ấp để ẩn náu ban ngày.
Ý nguyện của bà cũng được thực hiện, tối hôm tháng 7 năm 1963 các chú, các anh du kích và có người em thứ 8 của bà hướng dẫn đặt mìn, đánh ngay trong lòng địch, cho địch hoang mang hạn chế bố ráp truy lùng cán bộ. Các chú đặt trái mìn cách nhà 50 m, cái nền được đào đánh giữa lộ, phía về nhà có một cây keo to. Bà được hướng dẫn, khi địch đi về giựt mìn lúc khoảng giữa đội hình: “Giật mìn nổ bằng một đầu dây rút và dấu nó ở bụi chuối hột gần nhà. Thường khi chúng đi lên đường bộ rồi về, mình quan sát đầy đủ.
Hôm đó khoảng 3 giờ chiều, lúc lên chúng đi đường khác khi về đường lộ, tôi ra lộ thấy địch trên đi xuống như vậy không như ý định; tôi hô lính trên xuống, không quay vào nhà được tôi chạm mặt các tên lính và đi thẳng đến nhà kế bên nhìn theo bọn chúng, cùng đứa con gái út 4 tuổi, nhà kế bên xa hơn 100 m chỗ mìn nổ. Một tiếng nổ long trời, một cụm lửa cao trên 10 m, súng nổ vang trời.
Bọn địch hò hét lục lọi các nơi xung quanh nhà, bọn chúng ra sau vườn thấy một anh đang đứng. Anh này bị tâm thần và chúng cho là anh đánh trái và bắn chết sau nhà. Trận đánh này cảnh sát tên Bàn và đại diện tên Lữ bị thương, hố mìn sâu gần 2 m, đường kính 4 m, một hố sâu cắt đường lộ. Hôm đó tôi không ở chung với mẹ, nếu ở chung thì chuyện nguy hiểm nữa xảy ra”. Liền sau đó chúng cho chặt cây hết và gom vào sát đồn để ngã nghiêng làm hàng rào che chắn lực lượng ta tấn công.
Tại sao đánh mìn địch chỉ bị thương mà không chết. Vì chôn quả mìn sâu hơi nhiều..... chung quanh ít.
Qua trận đánh này bọn giặc vô cùng hoang mang không còn bố ráp như trước. Thừa thắng xông lên các chú rút kinh nghiệm đánh tiếp. Kỳ này là các chú trực tiếp đánh sát đồn. Mìn chôn cạn, đổ đá miểng chai nhiều để sát thương cao; có súng tấn công địch. Trận đánh này diệt được tên cảnh sát Bàn và đại diện Lữ. Bọn địch không thể bảo vệ đồn bót được, đành rút lui và xã Tân Hưng được giải phóng.
3. Trước và sau trân Mậu Thân năm 1968
Sống trong vùng giải phóng Bà tiếp tục tham gia làm Hội trưởng hội Phụ nữ, chuẩn bị hậu cần cho đợt tổng tấn công nổi dậy năm 1968; là vùng giải phóng bom đạn cày xé, là hậu phương phải lo cho tiền tuyến tất cả mọi việc hậu cần: ăn uống, chăm sóc thương binh liệt sĩ, kể cả việc vận động đấu tranh chính trị khi người dân bị súng hay pháo địch bắn chết. Trên lĩnh vực nào bà cũng tham gia đầy đủ.
Sau đợt Mậu Thân địch lấn chiếm ra vùng giải phóng, ngày càng ác liệt, sau đó địch đóng đồn bót trở lại. Bà ở lại nhà người con gái lớn và con gái út 9 tuổi; còn hai người con gái thứ ba, trai thứ tư thoát ly tham gia bộ đội và dân y tỉnh; chồng bà phải qua vùng giải phóng để hoạt động.
Vừa lo kinh tế, vừa lo thăm chồng thăm con dù phải vượt sông, dù bom đạn Bà vẫn đến với con mình bất chấp kẻ địch theo dõi.
Ngày 23-9-1969 Bà và gia đình nhận tin sét đánh ngang tai, chồng Bà hi sinh trong một trận biệt kích, ông bị địch bắn bị thương, ông vùi tài liệu xuống bùn, ông chửi bọn địch, sau đó chúng bắn ông, ông trút hơi thở cuối cùng và 14 giờ 30 ngày 23-9-1969.
Bà nhận được tin đau buồn vô tận, cùng với gia đình nhận xác ông về mai táng tại đất hương hoả nhà. Lúc mai táng Bà để lá cờ Tổ quốc vào thi hài của ông. Hai người con của Bà đi bộ đội 20 ngày sau mới được tin cha mất.
Sống trong vùng bị địch tạm chiếm, tình báo, gián điệp, tề xã luôn theo dõi vì là gia đình “Việt cộng”, bất chấp mọi hiểm nguy khi có người móc nối rước Bà đi thăm con, từ Ba Tri qua tận Mỏ Cày, Tây Ninh, Bà Rịa…
Cuộc sống không được dễ dàng yên ổn, sống trong lòng địch, bị theo dõi rập rình hàng giờ hàng ngày. Trong những năm tháng khó khăn ác liệt có những người không chịu nổi phải đầu hàng, chiêu hồi trong đó có xã đội trưởng xây dựng lực lượng và đặt mìn cho Bà đánh trận năm 1963. Chúng nó khai báo đầy đủ chi tiết của trận đánh, thiệt hại của địch và lệnh bắt bà việc đánh mìn thực hiện, chúng bắt đưa lên khám lá Bến Tre tra tấn dã man, tuổi cao sức yếu gần 60 tuổi phải chịu những đòn roi của kẻ thù. Sau trận đánh mìn gần 10 năm sau chúng bắt Bà. Dù khó khăn, các cô các chú nhờ nhiều luật sư can thiệp, sau 3 năm trong tù bà được thả tự do.
4. Sau 30-4-1975
Sau những năm đầu sau Giải phóng, gia đình và địa phương cũng chưa kịp làm chính sách thương binh cho Bà. Đến năm 1989 Sở Lao động Thương binh xã hội mới làm xong. Trước lâm chung hai ngày trên giường bệnh bà nghe con báo tin "Má ơi! Nhà nước đã công nhận thương binh 2/4 cho má rồi nè", không trả lời được nhưng nước mắt Bà trào ra! Chứng kiến, chúng tôi cũng không cầm được nước mắt.
Dù có muộn, Đảng và Nhà nước ghi nhận những thành tích của Bà trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược. Bà bệnh do thương tật tra tấn trong lúc bị địch giam cầm. Dù được y bác sĩ các bệnh viện tận tâm cứu chữa nhưng không qua khỏi. Bà trút hơi thở cuối cùng vào lúc 23 giờ 45 ngày 23-9-1989 đúng vào ngày cách 20 năm chồng bà đã hi sinh. Công ơn của người mẹ dành cho con cái hẳn có bút mực nào ghi cho đủ, bởi tình yêu của mẹ là vô điều kiện.
Tạm kết
Sinh ra lớn lên trong gia đình Nho giáo ở làng quê, lấy chồng gia đình khá giã có lòng yêu nước, căm thù chống giặc ngoại xâm, Bà cùng chồng hun đúc tinh thần cách mạng, dù khó khăn gian khổ nguy hiểm hy sinh đều vượt qua; với bản lĩnh, ngoan cường dũng cảm đánh địch, dù bị tra tấn không khai báo, trung thành với Đảng với cách mạng không khuất phục trước kẻ thù, hết lòng thương yêu chồng con, thương dân yêu nước.
Đối với bên chồng trọn nghĩa trọn tình chăm lo các em từ tuổi ấu thơ, lớn lên bốn em chồng tham gia cách mạng, hai em chồng và chồng hy sinh vì sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc. Mẹ chồng bà Nguyễn Thị Đông được phong tặng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Bản thân Bà được tặng huân chương kháng chiến hạng 2 và được hưởng chính sách thương binh 2/4.
***
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có rất nhiều bà mẹ như mẹ tôi, trung thành, dũng cảm, trung hậu đảm đang, yêu nước thương dân, yêu chồng thương con bất chấp những hiểm nguy gian khổ đóng góp sức mình cho độc lập tự do hạnh phúc cho mọi người. Lịch sử sẽ mãi mãi ghi ơn những người mẹ, những người chị, người em đã âm thầm hy sinh để đất nước được nở hoa tự do hạnh phúc cho ngày hôm nay.
CHÚ THÍCH:
(1): Ông Đoàn Văn Nam là con ông Đoàn Văn Truyền (ông cả Truyền, một gia đình khá giả ở làng Tân Hưng thuộc huyện Ba Tri), thường gọi là ông cả Hương, ông cả nhưng không hách dịch, rất thương dân, giải quyết tốt những vấn đề dân sinh tại thôn ấp làng xã, được người dân trong làng quý mến. Ông cả Hương sớm giác ngộ cách mạng và giáo dục con trai gái đi theo cách mạng, người con thứ hai, thứ sáu, thứ tám, thứ 10 lớn, 10 nhỏ đều tham gia cách mạng ở tỉnh huyện và địa phương. Những năm tháng chóng giặc Tây nhà ông nhiều lần bị giặc đốt cháy, các con thoát ly tham gia kháng chiến.
(2): Nơi tàu không số chở vũ khí từ miền Bắc vào Bến Tre.
NCS ĐOÀN HOÀNG HẢI
Các tin cũ
- » Chuyện người phụ nữ đả hổ tại chợ Bến Thành 06/09/2023 17:11:12
- » Bà Trà - Từ một phụ nữ khai hoang trở thành tổ sư của một phái võ Việt Nam ở Nam Bộ 06/09/2023 16:34:39
- » Giải oan chuyện 'tư thông' giữa Công chúa Huyền Trân & Trần Khắc Chung 06/09/2023 11:55:09
- » Những nữ lưu tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam 05/09/2023 17:59:37
- » Hiểu thêm về tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ Mẫu ở Nghệ An 05/09/2023 17:23:35
- » Tín ngưỡng thờ Bạch Ngọc Thánh Mẫu trên đất Hà Tĩnh 05/09/2023 16:43:50
- » Đền Thiên Nhiên Cảnh - Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ tại TP.HCM 05/09/2023 15:03:42
- » Tín ngưỡng thờ nữ thần ở Nam Bộ 31/08/2023 21:19:37
- » Tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt 31/08/2023 21:10:46