Trang chủ > Đã tìm được tổ tiên mình

Đã tìm được tổ tiên mình

10/08/2022 13:34:57

Bộ gia phả nguyên văn chữ Hán, có tên “Trương gia Từ đường Thế phả toàn tập”, do người trong họ Trương Minh viết vào năm 1886. Nhà thờ Trương Gia Từ ở số 82/5, đường Lý Thường Kiệt, phường 7, quận Gò Vấp, trước đây có giữ một bộ, song đã để thất lạc từ năm 1945.

 

(Hình mang tích chất minh họa)

Duyên may, Nhóm Ngiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM vừa sưu tầm được một bộ và nhanh chóng dịch ra tiếng Việt, trao tặng cho hội đồng gia tộc họ Trương Minh và được hội đồng gia tộc này tiếp nhận một cách trang trọng. Giở những trang gia phả, chắc hẳn con cháu trong dòng họ rất xúc động nhận ra các tổ phụ mẫu từng đời: nguyên tổ gốc Quảng Bình, thủy tổ ở Bình Định; ông tổ đời một (1725-1778) tức người đầu tiên khai mở họ tộc vào khai canh tại Hạnh Thông xã vào đầu xuân Mậu Dần cách nay đã gần ba trăn năm. Với bút pháp của bậc Nho học sinh trác, nắm vững phương pháp gia phả cổ truyền, người chấp bút đã sắp xếp khoa học, khắc họa rõ nét lai lịch cả dòng tộc họ Trương! Cụ thể như sau:

- Trương Minh Giảng(1792-1814) đời ba, là danh tướng nhà Nguyễn, con của Thượng thư Trương Minh Thành, trải qua nhiều chức như: Trấn Tây tướng quân Bình Thành Bá, Đông Các học sĩ, Tổng đốc An Giang, Tổng tài sử quán v.v...

- Trương Minh Lý(1855 - 1900) đời năm, là nhà giáo, nhà nghiên cứu đã có nhiều tác phẩm văn học đóng góp cho nền văn học chữ Quốc ngữ ở cuối thế kỷ thứ 19.

Bộ gia phả còn ghi đầy đủ những chức quan, nghề nghiệp, địa danh xưa, tên tộc, tư liệu, dâu rể kể cả ngày tháng sinh tử theo niên hiệu triều vua v.v...Đọc lại gia phả dòng họ tộc Trương Minh ở Gò Vấp mới thấy dòng họ này phát triển theo nhiều đời, qua nhiều thời kỳ, tính từ năm 1886 là năm gia phả ghi người chót và có một thời gian bẵng đi 113 năm. Trong thời gian này, ít nhất đã có thêm 5 hoặc 6 thế hệ ra đời. Sự phân ly thất lạc, thậm chí đứt liên lạc hoàn toàn trong dòng họ đã khiến cho con cháu nội - ngoại càng đông, càng khó nhận biết nhau. Nguyên nhân chính là không nắm giữ được bộ gia phả họ tộc mình! Thế mà, một trang di cảo của ông Trương Minh Ký viết như đoán trước: “Nghĩ trong họ đông người, e kẻ sau đặt tên con cái trùng tên ông bà, cô bác là không nên, vậy phải in tên người lớp trước cho con cháu kiêng nể, còn mỗi vị, sanh tử, ngày giờ, năm tháng, mồ mả tại đâu thì có bổn phận chánh nơi nhà thờ. Lời dặn: Đời thứ năm, thứ sáu, thứ bảy hiện tại, bây giờ đây phải tiếp biên con cái mình, sanh tử, ngày giờ, năm tháng, nơi sanh.

Mẹ đẻ cha nuôi mới sống mà.

Phải thương, phải tưởng đến ông bà

Làm người hiếu nghĩa suy nguồn cội.

Có mẹ, có cha mới có ta.

Gia Định, mồng 10 tháng giêng năm Đinh Dậu 1897, Thế Tải Trương Minh Ký bái lục”.

Ngày nay, nhà thờ Trương gia từluôn được con cháu chăm sóc, phụng sự ấm áp khói hương. Bản gia phả đã tìm lại được. Hội đồng gia tộc cũng đã kiện toàn. Có bộ gia phả, nhìn lên thấy rõ được hành trạng ông cha vào Nam mở cõi mà vẫn biết rõ nguyên quán hai nơi xa xưa là:

+ Thứ nhất: Xã Trường Dục, tổng Hoành Phổ, huyện Khang Lộc, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, nơi nguyên tổ Trương Đạt từng trú ngụ, khớp thời Trịnh - Nguyễn phân tranh.

+ Thứ hai: tại thôn Nhơn Thuận, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn, phủ Qui Nhơn, tỉnh Bình Định, nơi thủy tổ Trương Văn Đốc lập nghiệp, cũng là nơi ông tiễn con trai mình là cụ Trương Văn Mít vào Gia Định...

 

(Hình mang tích chất minh họa)

Thừa hưởng di sản của tiền nhân, lớp hậu duệ nay của dòng tộc Trương Minh đang hòa nhập vào xã hội mới, đã có nhiều người đóng góp công sức cho sự nghiệp cách mạng, như cụ Trương Minh Đạt, tức cố Hòa thượng Thích Thiện Hào, nguyên là thành viên tiêu biểu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN; như các ông Trương Minh Ba, một chiến sĩ cách mạng tiêu biểu khi tập kết ra miền Bắc được yết kiến Bác Hồ; như Trương Minh Huệ, cán bộ Ban tổ chức Thành ủy! Nhiều giáo sư, bác sĩ, kỹ sư... mà danh tánh của họ sẽ được tiếp tục ghi chép nối vào bộ thế phả của dòng tộc Trương Minh.

Nhóm nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM và Hội đồng gia tộc Trương Minh đã có sự cam kết: sẽ tiếp tục dựng tiếp bộ gia phả Trương gia Từ đường thế phả này, phần từ năm 1886 đến nay. Đây là việc làm đòi hỏi có nghiệp vụ, cần sự hợp tác, đóng góp công sức của người trong họ. Ông Trương Minh Ba sẽ là đầu mối liên hệ người trong họ với nhóm Gia Phả TP.HCM (địa chỉ của ông Ba: 63/11A đường Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh, ĐT: 8416648).

VÕ VĂN SỔ

Nhóm nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM.

(Theo tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Sở VH-TT TP.HCM, ngày 20/6/2002)

(GP: 7-9-2009)