Trang chủ > Đình Mỹ An Hưng B (xã Mỹ An Hưng B, Lấp Vò, Đồng Tháp)

Đình Mỹ An Hưng B (xã Mỹ An Hưng B, Lấp Vò, Đồng Tháp)

23/08/2022 19:01:07

Thôn Mỹ Hưng có vị trí sâu trong đồng, nay thuộc ấp An Quới trên nền cũ ngày xưa của Mỹ Hưng đã dựng nên ngôi đình mới: đình Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp...

Bình phong ông Hổ và toàn cảnh mặt tiền đình Mỹ An Hưng B

Xã Mỹ An Hưng được tách ra làm hai: A và B từ năm 1989. Mà xưa kia thời Pháp thuộc, khi chia Nam kỳ thành 20 tỉnh năm 1889 thì làng Mỹ An Hưng  được sát nhập từ ba thôn Tòng Sơn, Mỹ An, Mỹ Hưng thành Mỹ An Hưng, thuộc tổng An Thạnh Thượng, quận Châu Thành tỉnh Sa Đéc.

Ba ngôi đình để thờ Thành hoàng bổn cảnh của ba thôn Tòng Sơn, Mỹ An, Mỹ Hưng cùng đồng thời được xây dựng từ thời nhà Nguyễn đang trị vì, tất nhiên trước khi được sắc phong “Tự Đức ngũ niên” (1852).

Khi mà ba thôn nhập lại, đương nhiên ban Tế tự của đình cũng phải thành một và người ta cũng phải luôn phiên làm lễ kỳ yên liên tục ở ba đình cho đến Cách mạng tháng 8 mới tạm ngưng.

Ngày nay, địa phận Tòng Sơn thuộc xã Mỹ An Hưng A nên đình Tòng Sơn nghiễm nhiên là đình Mỹ An Hưng A là hợp lý. Thôn Mỹ An tọa lạc gần đường tỉnh lộ nơi chợ Đất Sét, đình được triệt hạ theo lệnh tiêu thổ kháng chiến thời chống Pháp (1946).

Thôn Mỹ Hưng có vị trí sâu trong đồng, nay thuộc ấp An Quới trên nền cũ ngày xưa của Mỹ Hưng đã dựng nên ngôi đình mới: đình Mỹ An Hưng B mà xã Mỹ An Hưng B cũng là nơi phát tích họ Võ viết trong bộ gia phả này.

Xin ghi lại quá trình phế hưng của đình Mỹ An Hưng và dấu tích ông cha họ Võ có tham gia gầy dựng đình làng.

 

Phủ quy

 

Bảng vàng lạc quyên trùng tu đình (1939). Bảng danh sách viên quan, hương chức có ghi tên ông Võ Văn Sử và ông Võ Văn Sùng

 

Bức hoành phi  (1): “Phong hòa vũ thuận” (lễ Kỳ Yên năm Ất Dậu 2005)

 

Bức hoành phi (2): “Quốc thái dân an”

 

Khám thờ hữu ban

Không biết chính xác đình làng được dựng từ năm nào nhưng theo các vị kỳ lão thì đã có từ hơn trăm năm nay, nhưng chắc chắn là phải có trước ngày được cấp sắc phong thời Tự Đức ngũ niên (1852).

Tuy ba thôn nhập một, nhưng lệ cúng Kỳ Yên vẫn phải tiến hành ở ba đình, nên người ta đã thỏa thuận ngày 15, 16 tháng 4 âm lịch cúng ở đình Mỹ An, ngày 17, 18 cúng ở đình Tòng Sơn và ngày 19, 20 cúng ở đình Mỹ Hưng. Những ngày lễ hội này thực hiện đều đặn cho đến Cách mạng tháng 8 năm 1945 và người ta còn nhớ đình Mỹ An đến năm 1939 đã được tu bổ lần thứ ba.

Cách mạng tháng 8 thành công, chánh quyền dân chủ còn non trẻ, thì giặc Pháp lại tái chiếm, nên cuộc kháng chiến Nam bộ lại nổ ra; quân dân miền Nam rút ra bưng biền tổ chức kháng chiến. Đình Mỹ An thực hiện lệnh tiêu thổ nên nhanh chóng được hạ xuống đề phòng giặc lợi dụng đóng đồn; ban hội đình đã sáng suốt đưa những vật trang trí bên trong như bàn ghế, khám thờ, bao lam, liễn đối, bài vị sang gởi ở chùa Cao Đài cùng làng, nên tránh bị hư hại.

Riêng đình Mỹ Hưng, nhanh chóng trở thành trụ sở của mặt trận Việt Minh xã và các đòan thể cứu quốc, nơi mở lớp đào tạo cán bộ, nơi dừng chân đóng quân của lực lượng võ trang Khu 8, nơi mở tòa án để xét xử bọn giáp điệp phản bội quốc gia, cũng là điểm thu dung sau một trận đánh để khâm liệm và an táng tử thi.

Nơi đây, thời gian đầu kháng chiến, là nơi dừng chân thường xuyên của ông Võ Văn Phát trong lúc giữ nhiệm vụ bí thư xã Mỹ An Hưng và thị ủy Sa Đéc.

Sự chịu đựng đốt phá của cuộc chiến chống pháp chưa dứt, thì đối đầu với Mỹ càng ác liệt hơn, hằng ngày trọng pháo, máy bay, bộ binh giặc chà đi xát lại, nên ngôi đình vốn dĩ xiêu vẹo đã phải chịu cảnh đổ nát hoang tàn. Tuy vậy, nó vẫn là địa điểm thể hiện niềm tin ươm mầm hứa hẹn cho cuộc chiến thắng ngày mai, vì luôn luôn có sự hiện diện lá cờ xanh, đỏ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.

Qua cơn bĩ cực, đến hồi thới lai, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã mang lại thắng lợi trọn vẹn từ năm 1975. Đất nước đã độc lập thống nhất, hòa bình và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Mấy năm đầu sau giải phóng, các cơ sở tín ngưỡng đình miếu đều bị xem là tàn dư của phong kiến, mê tín đều đã biến thành trụ sở, nhà kho, sân phơi của hợp tác xã, nơi sản xuất của tiểu thủ công nghiệp, hoặc thành nhà trẻ, trạm y tế… Riêng đình Mỹ An xưa đã mọc lên  nhà văn hóa xã và đất đình Mỹ Hưng đã được phân cho số hộ gia đình nghèo xây nhà ở và trồng trọt.

 

Khám thờ tả ban

Đốm lửa hy vọng của nhân dân về việc phục hồi cho Mỹ An Hưng B một ngôi đình thờ Thành hoàng bổn cảnh cũng tiêu tan vì điều kiện cần là đình phải  có đất riêng, nhưng đất thì đã “sở hữu tư nhân” cả rồi.

Nhưng lòng thành trời chẳng phụ, trong địa phương có một người Việt xa quê trở về thăm cố hương biết được nỗi bức xúc của bà con, nên sẵn lòng hào hiệp vì công việc thiêng liêng, nên bỏ túi ra cho bà con xã nhà thương lượng với người đang ngụ để mua lại mãnh đất ngày xưa, rồi mọi việc cũng suông sẻ.Vị mạnh thường quân lại vận động thêm ở bạn bè cộng với sự chung góp của nhân dân, việc xây dựng bắt đầu từ giữa năm 2001 cho đến lần Kỳ Yên năm 2003 thì tổ chức khánh thành. Từ nay xã Mỹ An Hưng B có một ngôi đình duy nhất không còn phân biệt Mỹ An, Mỹ Hưng nữa.

Toàn bộ khuôn viên đất hình chữ nhật bằng phẳng được xây dựng tường rào song sắt bốn phía, mặt tiền là cửa tam quan, bước vào là một sân rộng, giữa sân là bình phong ông Hổ, bàn thờ thần Nông, sát tường hai bên là miếu thờ Thổ thần, Sơn quân; Bạch mã khải giám.

Nửa phần sau của khu đất là nơi tọa lạc của ngôi đình với diện tích chiều ngang 12 mét, chiều sâu 48 mét, tường xây gạch, cửa sắt, nền gạch tàu, mái lộp fibro. Cấu trúc theo dạng trùng thềm điệp ốc với bốn nóc liền nhau.

- Nóc thứ nhất là tiền điện tức nhà võ ca, sân khấu quay về trong để làm nơi biểu diễn các tuồng hát bội.

- Nóc thứ nhì là trung điện hay nhà võ qui, nơi bày bàn chánh hiến, Đông hiến, Tây hiến, bàn thờ công đồng, nơi để trống mõ và là nơi xuất phát các lễ hiến tế.

- Nóc thứ ba là phần chánh điện, nơi trang nghiêm nhất. Ở gian giữa là khám  thờ thần Thành hòang bổn cảnh với linh vị chỉ một chữ đại tự THẦN. Hai gian bên là khám thờ tả ban và hữu ban, hai đội bảo vệ cho thần.

- Hai bên tường đối diện nhau có các bàn thờ thần Tiền hiền, Hậu hiền, Tiền vãng, Viên quan hương chức, Chiến sĩ trận vong và Quan thánh Đế quân.

Ba nóc nhà này với kết cấu tứ trụ, kèo quyết, kèo đâm tạo thành một gian giữa và hai gian hai bên có lòng căn đều nhau khiến cho có một không gian rộng rãi thông thoáng.

- Nóc thứ tư tiếp liền theo, xây theo kiểu nhà đâm trính gọi là hậu điện hoặc nhà khói hay nhà đãi, tức là nhà bếp nơi nấu nướng khi có lễ hội và cũng dùng chứa củi, chén bát, vật dụng của đình. Đặc biệt ở hậu điện có khám thờ Tiên sư.

Phần trang trí bên trong, là do các đồ vật đượcgửi cất giữ năm xưa nay đưa về sửa chữa tân trang lại, nghiễm nhiên thấy đúng là phong cách của ngôi đình xưa tuy vừa mới được xây dựng.

Nhìn vào những bao lam, hoành phi, câu đối, khám thờ, đồ thờ còn nguyên vẹn, sớm chiều nghi ngút khói hương. Mọi người đều mừng vui và thầm cảm ơn và trân trọng sự thành tựu này.

 

Khám thờ thần hoàng bổn cảnh

Về lễ hội hàng năm thì có lễ Kỳ Yên (tức Cầu An) vào hai ngày 19, 20 tháng 4 âm lịch, lễ Thượng điền ngày 19, 20 tháng 11.

Xin lượt ghi về trình tự các nghi thức trong lễ Kỳ Yên (Xem “Đình Mỹ An Hưng”- NXB Văn Hóa Sài Gòn - 2006 - tác giả Võ Văn Sổ).

- Lễ thỉnh sắc:

7 giờ sáng ngày 19 tháng 4, các viên chức được phân công khăn áo tề chỉnh cùng với học trò lễ. Trống chiêng với kiệu long đình xuất phát từ đình để đến nơi giữ sắc thần (nhà ông Nguyễn Văn Diệu ở ấp An Thạnh), là nhà hai đời lập bàn thờ vọng để thờ thần, tạm thay đình Mỹ An làm lễ và rước sắc về đình. Trước chánh điện dở ra cho mọi người xem gọi là Lễ khám sắc rồi cuộn lại như cũ rồi để lên chỗ cao nhất trên bàn thờ gọi là An vị thần, sau khi bế mạc lễ Kỳ Yên lại tổ chức lễ đưa sắc (hay huờn sắc) trở về nơi cất giữ cũ.

Nguyên văn bản sắc thần: xem hình ở trang 169.

Phiên âm:

Sắc: Bổn cảnh Thành hoàng chi thần, nguyên tặng Quảng Hậu Chánh Trực Hựu Thiện chi thần, hộ quốc tý dân nhẫm trứ linh ứng, tứ kim phi ưng cảnh mạng miễn niệm thần hưu, Khả gia tặng Quảng Hậu Chánh Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng chi thần, nhưng chuẩn Vĩnh An huyện Mỹ An thôn y cựu phụng sự, thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân - Khâm tai!

Tự Đức ngũ niên, thập nhứt nguyệt, nhị thập cửu nhật (ấn) sắc mạng chi bửu.

Dịch nghĩa: Sắc phong cho thần Thành Hoàng bổn cảnh, nguyên trước kia đã được phong tặng mỹ tự là thần Quảng Hậu - Chánh Trực - Hựu Thiện, giúp nước che dân từ lâu đã thấy có linh ứng. Nay ta ít đức lại đang lãnh sứ mạng lớn, luôn luôn lo nghĩ đến sự tốt đẹp của thần, nên nay tặng thêm là thần Quảng Hậu - Chánh trực - Hựu Thiện - Đôn Ngưng, chuẩn cho thôn Mỹ An huyện Vĩnh An lo phụng sự y như cũ, còn phần thần thì có nhiệm vụ bảo vệ dân đen của ta. Kính đấy!

Ngày 29 tháng 11 Tự Đức thứ 5 (tức 1852)

Đóng ấn sắc mạng chi bửu.

(Đây là bản sắc phong cho đình Mỹ An, không rõ tại sao đình Mỹ Hưng không có sắc, hay đã bị mục nát? Có điều của Mỹ An hay Mỹ Hưng cũng là một mà thôi).

9giờ lễ cúng thần Nông. Lễ vật bằng xôi, bánh, hoa quả nơi bệ thờ ở giữa sân.

18 giờ lễ thỉnh sanh, đem nguyên con heo sống đã tắm rửa sạch sẽvào trước chánh điện, có nhạc, lễ sanh để làm lễ và thọc huyết tại chỗ. Sau đó đem ra sau cạo lông sạch sẽ, để nguyên con.

19 giờ tiến hành lễ túc yết, tức lễ tiên thường. Để tất cả các vị chức sắc và nhân dân túc trực ra mắt thần.

Túc là đêm, là túc trực ( lưu túc quá dạ).

Yết là yết kiến, xin ra mắt.

Có đủ các tiết mục: trống, mõ, chiên, nhạc, lễ sanh xướng đào thái, qua ba đợt sơ hiến, á hiến, chung hiến lễ, vật cúng là con heo mới vừa làm, để nguyên con trên mâm và các phần vật khác…

Xong phần này là sắp đến nửa đêm, qua ngày 20 tháng 4 thì tiến hành lễ xây chầu trước khi tuồng hát bội diễn xuất xuất đầu tiên.

Lễ xây chầu do người của đình thực hiện nhưng phải là người có đức độ, có uy tín và am hiểu luật lệ xây chầu. Phải trao đổi với bầu gánh hát để thực hiện cho ăn khớp với sự trình diễn Đại Bội và khai tràng đi vào xuất hát chính.

Màn hát bội khi vãn thì đã 24 giờ đêm, nhưng là cuộc vui mang đậm chất  văn hóa nên khán giả vẫn xem cho đến hết mới ra về rạng sáng hôm sau. Còn ban tổ chức phải lo lễ chánh tế khi bước qua giờ Tý, qua ngày 20 tháng 4.

Lễ chánh tế (hay Đàn cả)

Đây là chánh lễ trong lễ Kỳ Yên (chưa ai giải thích cặn kẽ chữ Đàn cả) cũng gần giống như lễ Túc Yết nhưng long trọng hơn, vì có thêm phần đọc chúc, phần chúc và ẩm phước, thọ tộ.

Khi lễ trát thì tổ chức lễ cúng tiền, hậu hiền, nghi thức ngắn gọn hơn. Lễ này là mục đích để nhớ đến công đức của các vị tiền hiền khai khẩn quy dân lập làng, hậu hiền khai cơ dựng trường học, lập chợ búa, mở mang đường xá, và viên quan hương chức các đời. Nếu trong đình có thờ Tiên sư thì vẫn phải cúng vì đây là những vị đã dạy dỗ, giáo huấn cho những người ra đảm đương việc làng xã.

Ngày nay, không ai biết vị Tiền hiền là ai, chỉ biết Hậu hiền là ông Nguyễn Trung Quân nay không còn con cháu và người hiến đất xây đình thuở xưa là ông Võ Văn Đạt ((1) Tiền hiền khai khẩn (có công quy dân, lập ấp ... hình thành cộng đồng làng xã). Hậu hiền khai cơ (có công mở đường, lập chợ, dựng trường, đào sông... giúp ích dân làng).1).

Ngày 20 tháng 4 là ngày cuối cùng của lễ Kỳ Yên, trong hai buổi là để đòan hát diễn tiếp hai xuất hát nữa là bế mạc, để làm thủ tục cuối cùng là hồi sắc, đưa sắc thần về nơi cất giữ cũ.

Các tuồng hát bội được chọn là Phàn Lê Huê phá hồng thủy trận. Lưu Kim Đính giải giá thọ châu, hoặc Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, nhưng ở xuất chót phải có nghi thức tôn vương, hồi chầu, kép hát bội ra lễ tạ thần mới hợp lệ.

* Đình và những việc có liên quan đến họ Võ:

Vào khoảng những năm đầu của thế kỷ XX, trong bối cảnh của thiết chế làng thôn thời bấy giờ, các vị họ Võ nhà ta đã có một vị trí nhất định trong xã hội được mọi người nể trọng. Người ta còn lưu truyền những huyền thoại:

- Ông Võ Văn Sự tuy đã qua đời từ lâu, nhưng khi cúng đình, tên ông vẫn phải kiêng cử không được đọc đến, như là khi học trò lễ xướng câu “Chấp sự giả các tư kỳ sự” phải xướng trệch đi là “Chấp SẠ giả các tư kỳ sạ”.

- Ông Đại Hương cả Võ Văn Vàng, lúc sanh tiền là vị chánh bái trong hội đình, ông cũng là người tổ chức việc xây chầu. Đại bội trong các Lệ Kỳ yên, đến tiết mục Đúng Cái, một kép và bốn đào ra múa hát để chúc cho quốc gia thủy thổ được quốc thái dân an. Khi đến lượt cô đào hát câu:

“Âu vàng vững đặt báu ngôi,

Trên vua khai rạng dưới tôi trung thần...”

Vì kiêng cử tên ông Cả Vàng, nên đào phải hát là “Âu tràng vững đặt báu ngôi, v.v….” hai trường hợp trên đủ thấy sự nể trọng trên được chăm chút khá tỷ mỷ.

Dấu vết họ Võ ở đình còn có việc năm 1939 lạc quyên trong dân làng để trùng tu đình, có tên các ông họ Võ nhà ta.

Bảng vàng lạc quyên ghi bằng chữ Nho nay còn lưu giữ, viết làm hai bản, một bản là danh sách nhân dân ở các ấp, một bản là tên các viên quan hương chức và số người Hoa, xin ghi một số người họ Võ:

- Ông Phó bái Võ Văn Sử góp 10 đồng.

- Ông Hương Trưởng Võ Văn Sùng góp 30 đồng.

Và các người họ Võ khác ở cùng làng mà chúng ta chưa biết như: Phó hương chánh Võ Văn Trượng, Võ Tri Chỉ, Võ Văn Lập.

Cai tuần Võ Văn Hưởng ở ấp An Thạnh, Hương quản nhì Võ Văn Tú ở ấp An Hòa, Hương nhì Võ Văn Ngàn ở ấp An Ninh, Phó Hương sư Võ Văn Năng ở ấp An Thái.

Được biết thêm đương thời ông Cả Vàng còn đương chức, ngoài việc là viên Chánh Bái đình Mỹ An cũ,  nhà ông (khi còn ở bên bờ sông Tiền) là nơi cất giữ bản sắc phong thần của đình, cũng chính gia đình ông đóng chiếc Kiệu Long đình có bánh xe đẩy để mỗi lệ Kỳ Yên, đám rước đi đến nhà ông để thỉnh sắc và hồi sắc, chiếc Long Đình ấy cũng bị hủy họai cùng lúc với đình.

Sắc được thờ trên lầu nhà ông Cả, nơi này người trong nhà không được phép tới lui.

 

Sắc phong thần

Các vị bô lão ngày nay còn nói: Đa số liễn đối, hoành phi, trong đình hiện nay bằng chữ Nho là do bàn tay tài hoa của ông thầy thuốc Bắc kiêm Nho sĩ Võ Văn Thuật, người trong họ Võ ta chấp bút.

Đình Mỹ An Hưng B tuy xây dựng khá muộn, trải qua cuộc tang thương dâu biển, nên đành chịu sự phế hưng, nhưng không thể chối cãi bề dày lịch sử của nó, ngày nay được phục chế lại cũng gần giống với dấu xưa, thỏa mãn được nguyện vọng của mọi người là niềm hạnh phúc. Đình đã có ban quản lý để lo ghi chép mọi việc, quản lý tiền nong chặt chẽ, chịu trách nhiệm với chánh quyền địa phương trong việc điều hành. Có ban quý tế với hương văn, tri lễ, chánh bái, bồi bái, lễ sanh, nhạc lễ để lo việc tế tự trong đình.

Mong rằng trong việc cúng đình là để tỏ sự biết ơn, nhớ ơn với sự thành tâm, bởi “hữu thành tất hữu thần” và “tế như tại, tế thần như thần tại”. Vua ở xa, nên phong cho thần làng đại diện để thay vua mà “bảo ngã thay dân”. Đây cũng là thể hiện truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, vì cho dù người Pháp đã đặt ra xứ Đông Dương hay Đông Pháp, nhưng khi ta cúng đình vẫn gọi là Đại Nam Quốc, giở sắc phong ra vẫn thấy Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… hay hát xướng thì vẫn tung hô “Ngô hoàng vạn vạn tuế”, không có điểm nào ca tụng chính quyền thuộc địa.

Để thay lời kết xin nêu lên mấy đặc tính xuất phát từ đình:

- Kính lão trọng hiền.

Khi có lễ hội, người ta xem trọng việc phân ngôi thứ theo đẳng cấp các vị bô lão, các viên quan hương chức, các vị trong Ban hội đình, các vị chấp sự trong ngày lễ, sau cùng là tất cả nhân dân. Đi đôi với ngôi thứ là việc kiếng xôi thịt, cũng được xem là việc kính trọng vì người được kiếng sẽ được nhận lộc của thần ban, có người nhiều hơn, có người ít hơn.

Từ đó sẽ vô hình trung tập cho hương thôn có một kỷ cương, một trật tự, một cuộc sống có nề nếp trong mọi nhà, mọi người.

- Phép vua thua lệ làng.

Chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị khó thể đi sâu vào lòng dân, vào hang cùng ngõ hẻm, việc huy động tập họp nhân dân luôn không đầy đủ. Làm sao cho mọi việc được dân tuân theo?

Ta thấy trước mắt lễ Kỳ Yên thì nhân dân có đủ, họ đến không phải chỉ ham vui, xem hát mà còn để dâng hương, chiêm bái để định tâm, tịnh tâm, để hiểu về nguồn cội, để kính trọng công ơn người xưa và thể hiện hành vi văn hóa ứng xử của mình.

- Những công việc của lễ Kỳ Yên thể hiện dày đặc triết lý Chu Dịch và văn hóa Khổng Mạnh, nói gọn là nó bao trùm đặc tính văn hóa, vì đình là tiêu biểu  cho nền văn hóa Lạc Hồng, văn hóa tổ tiên, xây dựng trên cơ sở thái cực, lưỡng nghi, ngũ hành, bát quái và sanh ra vạn vật.

Đình là trung tâm giữ gìn và nhắc nhở dĩ vãng, chứng minh cho hiện tại, giáo dục cho tương lai, lưu truyền và kế thừa về cội nguồn nhờ những di tích còn để lại.

Đình là trường học để dạy cho mọi người về truyền thống, về lễ nghĩa, về đạo lý ở đời một cách sinh động nhất.

(Trích gia phả họ Võ - xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp)

(GP: 25-3-2017)