Trang chủ > Đình Xóm Huế (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi)

Đình Xóm Huế (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi)

23/08/2022 20:34:02

Đình Tân An Hội mà nhân dân ở vùng đất này thường gọi là Đình Xóm Huế, theo ý kiến của nhiều người, sở dĩ có tên là Xóm Huế, bởi đây là nơi mà rất nhiều người Huế đi di cư đến để lập nghiệp.

Mặt tiền Đình Xóm Huế

Ngôi đình trong tâm thức người dân làng quê Việt Nam được xem là nơi thiêng liêng, nơi có các vị thần mà họ thường cúng tế để cầu xin cho sự an lành của đời sống, cho mưa thuận gió hòa để mùa màng nông nghiệp thu lại nhiều lợi tức.

Những người lưu dân từ miền Trung, miền Bắc hoặc xứ Ngũ Quảng vào lập nghiệp tại vùng đất phương Nam, họ mang theo cả truyền thống văn hóa tâm linh làng xã đến vùng đất mới. Khi đã an cư, bên cạnh việc phấn đấu cho một cuộc sống lạc nghiệp, họ không quên những tín ngưỡng thờ cúng. Việc lập đình làng có lẽ là điều đầu tiên mà những người lưu dân sống quần cư ở vùng đất mới nghĩ đến.

Xã Tân An Hội ngày nay thuộc huyện Củ Chi, nhưng thuở xa xưa, khi mà đường sá giao thông còn trắc trở. Những người lưu dân vào thủ phủ Phiên An, nếu ngược về hướng Tây, phải mất một ngày đường mới đến được Tân An Hội. Đình Tân An Hội mà nhân dân ở vùng đất này thường gọi là Đình Xóm Huế, theo ý kiến của nhiều người, sở dĩ có tên là Xóm Huế, bởi đây là nơi mà rất nhiều người Huế đi di cư đến để lập nghiệp. Đình tọa lạc ngay trên địa danh Xóm Huế - một cái xóm của người Huế, sau này trở thành ấp.

Tháng 11 năm 2006 Đình Xóm Huế vinh dự đón bằng công nhận là Di trúc kiến trúc nghệ thuật của TP.HCM.

I. LƯỢC SỬ

Cho đến nay dù đã có công trình Lịch sử Đình Xóm Huế do Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM thực hiện nhưng đình ra đời từ năm nào cũng chưa được xác định. Chỉ biết rằng, Đình Xóm Huế hiện nay là ngôi đình được xây lần thứ hai, trước đó nó ở một địa điểm khác cũng gần đó.

Chứng tích của ngôi đình cũ đó là bản khắc gỗ chữ “Thần”. Về chữ “Thần” này, lạc khoản có ghi “Bính Tuất trọng Xuân” tức là năm 1886. Bản gỗ này do ông Phủ Tượng (cháu nội của ông Huyện Lệnh, dòng họ Phạm có 3 đời làm Cai tổng Long Tuy Hạ) tặng cho đình.

Còn ngôi đình như hiện nay thì được xây dựng vào năm 1900, điều này được xác định bởi hàng chữ Nho khắc trên cây xuyên tâm sát đòn dong của ngôi đình với nội dung: “Canh Tý niên, quý Đông, trọng Xuân tạo”. Có nghĩa là đình được tạo dựng vào cuối Đông - đầu Xuân năm Canh Tý - tức là năm 1900.

Người đứng ra lo việc xây dựng đình là ông Hương cả Lê Văn Trượng, thợ mộc gốc Huế là các ông: Hương cả Trần Văn Trinh, ông Trần Văn Hổ và ông Tu.

Cho đến nay ngôi đình xây dựng lần thứ hai của nhân dân Tân An Hội, tức Đình Xóm Huế hiện nay đã tồn tại 111 năm.

Trải qua hơn một thế kỷ, đình cũng có những đợt tôn tạo đáng chú ý. Năm 1900 khi mới xây dựng, đình gồm phần chánh điện và nhà hậu đình, tất cả là nền đất, tường bằng ván, mái lợp ngói âm dương.

Năm 1962 chính quyền quận Củ Chi thuộc chế độ Sài Gòn cũ cấp ngân sách sửa chữa, tường được xây bằng gạch, mái phải lợp tôn, vì kẻ xấu đã lợi dụng trong khi tu sửa đình thí dở ngói đem bán. Đợt này đình cũng bị mất 1 bộ ván tế, cây trước sân bị cưa trộm.

Năm 1990 nhân dân đóng góp kinh phí để xây thêm nhà tiền điện làm nơi tiếp khách, sửa chữa phần hậu đình, đắp nổi các cột hình rồng, mặt dựng “lưỡng long triều nguyệt” kèm cuốn thư, xây them 3 bàn thờ xi măng cẩn sánh sứ.

II. VỊ TRÍ ĐÌNH VÀ BÀI TRÍ THỜ TỰ

Nếu đi trên Quốc lộ 22 (đường Xuyên Á) theo hướng từ TP.HCM lên Tây ninh, đi qua khỏi địa phận xã Tân Phú Trung, qua khỏi UBND xã Tân Thông Hội chừng 1km rẽ trái vào con đường nhựa liên xã khoảng 1km nữa thì đến Đình Xóm Huế.

Đình tọa lạc trên một khu đất khá rộng: chiều dọc Đông - Tây khoảng 96m; chiều ngang Nam - Bắc một cạnh 43m và một cạnh 48m. Phía trước đình hiện nay chỉ là một con đường đất rất nhỏ, như một đường mòn. Tuy nhiên ngày xưa đó là một trong những con đường đi lại chính của nhân dân ấp Xóm Huế. Đình quay mặt ra con đường này. Nhưng vào năm 1952, khi chính quyền cũ mở một con đường mới để lập ấp chiến lược, con đường này chạy ngang qua phía sau của đình và trở thành con đường chính. Vì vậy mà ngày nay đi trên con đường chính để vào đình lại là vào mặt hậu. Và phía mặt hậu này lại có cổng tam quan của đình.

Từ ngoài cửa bước vào là nhà tiền điện, có 3 bàn thờ xây bằng xi-măng, cần sành sứ ngang hàng nhau: bàn nằm giữa là bàn Chánh hiến, hai bên là bàn Đông hiến và Tây hiến. Theo sự phân công xưa nay, trong lễ Kỳ yên, bàn Chánh hiến do nhân dân ấp Xóm Chùa và ấp Chợ lo việc trưng bày vật cúng và phụ trách Chánh bái. Bàn bên trái do nhân dân ấp Xóm Huế phụ trách và kiêm Bồi bái. Bàn bên phải do nhân dân ấp Mũi Lớn phụ trách, kiêm Bồi bái.

Bên trong bàn Chánh hiến là bàn thờ Công đồng, có đặt một khung kiếng có 4 chữ Nho “Sơn Hà Xã Tắc”. Bìa sau bàn thờ là bản gỗ khắc chữ “Thần”.

Ngang bàn Công đồng sát hai bên vách tường, phía trái là bàn thờ Chiến sĩ  với hàng chữ Nho trong khung kiến: Vị Quốc Vong Thân -Anh Hùng - Liệt Sĩ”. Bên phải là bàn thờ Mẹ Việt Nam anh hùng, kèm hàng chữ: “Anh Hùng - Bất Khuất - Trung Hậu - Đảm Đang”.

Sát bên trong vách, ở giữa là chánh điện bàn thờ Thần với đôi câu đối kèm hai bên:

“Đế Đức Thường Cao Bắc Khuyết

Thần Ân Phổ Chiếu Nam Thiên”

Trước bàn thờ có cặp hạc chầu, đồ lổ bộp, bên trái có con ngựa xi-măng.

 

Bàn thờ Hữu ban

 

Bàn thờ Tả ban

Ngang hàng với bàn thờ Thần, bên trái là bàn thờ Tả ban, bên phải là bàn thờ Hữu ban, bài trí đầy đủ bộ tam sự.

Nơi nhà sau, sát vách chánh điện là bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền.

Ngoài hang ba trước đình, hai bên vách đối diện nhau, một bên là bàn thờ Thủy Long Thần Nữ, một bên là bàn thờ Mộc Trụ thọ thần.

Trước sân đình là bình phong ông hổ xây bằng xi-măng. Phía trước đắp đắp nổi hình ông hổ, phía sau bình phong là nơi thờ Thần Nông, đắp chữ Nho.

Ngoài rìa sân đình phía trước là nhà Võ ca quay mặt vào đình, bên phải có Đài liệt sĩ. Cùng phía với Đài liệt sĩ nhưng lùi vào trong nằm ngang hang với nhà đình có một cây đa cổ thụ, dưới gốc đa là một miếu nhỏ thờ tướng thần, nhạc thần và các vị thần tướng khác.

 

Bàn thờ Tổ quốc ghi công phía trước (bên phải) sân đình

 

Miếu thờ dưới gốc cây đa bên trái đình

 

Bảng xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật

III. LỄ KỲ YÊN

Mỗi năm tại đình diễn ra một lễ lớn được xem là ngày hội của hầu hết nhân dân các ấp thuộc xã Tân An Hội, đó là Lễ Kỳ yên. Cũng như Lễ Kỳ Yên của nhiều ngôi đình khác ở vùng đất Nam bộ, đây là lễ cúng bái các thần để cầu mong cho sự an lành, cho mùa màng bội thu của nhân dân trong vùng. Lễ Kỳ yên được tiến hành trong 3 ngày: Rằm, 16 và 17 tháng Hai Âm lịch như sau.

Ngày Rằm tháng Hai

Sáng sớm, đại diện nhân dân các ấp Xóm Huế, Xóm Chùa, Mũi Lớn… tề tự để dựng rạp, trang trí cờ phướn.

15 giờ khai chánh môn và thượng quốc kỳ.

16 giờ làm lễ cúng tại Đài liệt sĩ trong khuôn viên đình.

17 giờ là việc tiếp rước cỗ bàn của 3 ấp (nếu là lễ cúng lớn vào các năm lẻ Dương lịch. Tiếp đó là cử hành lễ Túc yết (có lễ sinh và nhạc lễ).

Bàn thờ Chánh hiến có một chánh bái và hai bồi bái do dân ấp Xóm Chùa, ấp Chợ đảm nhiệm. Bàn thờ Đông hiến có một bồi bái của người ấp Xóm Huế. Bàn thờ Tây hiến có một bồi bái người ấp Mũi Lớn.

Lễ sinh có 3 cặp: 1 cặp xướng, 1 cặp đăng và 1 cặp đài. Sauk hi dâng hương liền tiến hành sơ hiến lễ, á hiến lễ, chung hiến lễ, 3 tuần rượu, 1 tuần trà là lễ tất.

Ngày 16 tháng Hai

5 giờ sáng làm lễ Tĩnh sanh, nếu nhằm năm lễ lớn thì có lễ sinh và nhạc lễ, năm bình thường thì không có.

Heo sống đã tắm rửa sạch sẽ được đặt lên bàn thờ thần vái cúng rồi đem xuống làm thịt. Sau khi cạo long sạch sẽ, khiêng nguyên con cùng bộ đồ long, huyết lên bàn thờ chánh điện để cúng. Sau đó heo được xả thịt để cúng ở các bàn thờ Tả ban, Hữu ban, Tiền hiền, Hậu hiền, Thần nông…

7 giờ sáng là Lễ Đàn cả (tức Lễ Kỳ yên). Các vật cúng gồm thịt, long, huiye61t, dao thớt, các mâm xôi… được bày lên. Chiêng trống cùng nhạc lễ nhạc sinh nổi lên, các Chánh bái, Bồi bái, Chấp sự viên tiến hành nghi thức cúng bái, qua 3 tuần rượu 1 tuần trà là lễ tất, các vị lui ra để cho nhân dân vào chime bái trọn ngày.

Nếu là năm đại lễ có tổ chức hát bội thì trước đó có Lễ Xây chầu do một vị cao tuổi có uy tín đảm trách. Lễ Xây chầu như sau:

Lúc 12 giờ, người đảm trách vào trước bàn thờ khấn vái để xin phép rồi lên nhà thờ Võ ca khấn vái trước bàn thờ Tổ hát bội. Trên sân khấu có đặt 1 trống chầu phủ vải đỏ, người xây chầu đến đở vải đỏ ra xây mặt trống về hướng Đông (hướng đại lời) đọc bài thiệu xây chầu, lau chùi trống rồi điểm 9 tiếng trống trên tam giác mặt trống, sau đó là 9 tiếng khác trên mặt nhựt nguyệt giữa trống, tiếp theo là 3 hồi “tiền bần hậu phú”, 30 dùi tam tài, 40 dùi tứ quý, 50 dùi ngũ phúc. Rồi lại dùi: Thiên hạ thái bình, làng xóm an ninh, mời nhạc công đoàn hát bội hòa tấu điệu Nghinh thiên tiếp giá.

Sau đó người xây chầu xướng “đuôi trống chầu, đầu trống chiến” 9 tiếng và hô nhạc công khai tràng đại bội rồi gọi 2 người khiêng trống chầu xuống dưới sân khấu và trên sân khấu bắt đầu vở diễn. Bên dưới người cầm chầu theo dõi buổi diễn với những tiếng trống chầu khen, chê.

Khi lớp diễn cuối cùng, đến đoạn Tôn vương thì kết thúc bằng 12 tiếng trống chầu với đoạn diễn xướng Đắc thành chí nguyện: Thượng thấu hoàng thiên, ca xướng nhứt diên, hồi chầu viên mãn. Cuối cùng là cẩm dùi trống quăng lên sân khấu.

Ngày 17 tháng Hai

7 giờ sáng cúng Tiền hiền, Hậu hiền.

Vẫn phải có Lễ sinh và nhạc lễ giống như nghi Túc yết, nhưng không có phần Ẩm phước.

Nếu là năm Kỳ yên thường thì 15 giờ là tống khách. Nếu có hát bội thì sau Tôn vương là tống khách, tiễn đưa khách mời và bà con ra về, hoàn thành lễ Kỳ yên.

 

Nhà hát trước sân đình, nơi biểu diễn hát bội mỗi khi Lễ Kỳ yên tổ chức lớn

(Trích gia phả họ Nguyễn - KP 2, thị trấn Củ Chi)

(GP: 28-3-2017)