Trang chủ > Đình Tân Thông (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi)

Đình Tân Thông (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi)

24/08/2022 11:06:30

Đình của xã Tân Thông Hội được gọi là đình Tân Thông (tọa lạc tại ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM). Hiện không ai xác định đình Tân Thông được lập từ năm nào, nhưng chắc rằng thời gian thành lập đình gắn liền với quá trình những lưu dân người Việt đến định cư, sinh sống ở vùng đất này.

Có thể nói, hầu hết làng xã nào trên đất nước Việt Nam đều có một ngôi đình. Tại ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh cũng không ngoại lệ. Đình của xã Tân Thông Hội được gọi là đình Tân Thông. Hiện không ai xác định đình Tân Thông được lập từ năm nào, nhưng chắc rằng thời gian thành lập đình gắn liền với quá trình những lưu dân người Việt đến định cư, sinh sống ở vùng đất này.

 

Cổng đình Tân Thông

Dưới thời chúa Thái Tông Nguyễn Phước Tần (1648 - 1687), sau hai cuộc hành binh giúp đỡ Quốc vương Chân Lạp giải quyết những tranh chấp nội bộ, chúa Nguyễn đã sai tướng vào Sài Gòn xây cất đồn dinh, nha thự và cho dân đến lập làng xóm, phố chợ. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược Cao Miên, lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn… Khi ấy, đất đai đã rộng hơn ngàn dặm, dân số đã hơn bốn vạn hộ, tức là dân số người Việt đã rất đông đúc .

Hầu hết những lớp lưu dân người Việt đầu tiên vào khai phá vùng đất Nam bộ, tuy hành trang vật chất họ mang đi thật đơn sơ, ít ỏi nhưng hành trang tinh thần lại vô cùng phong phú và thấm đẫm tình yêu quê hương xứ sở: Nỗi nhớ sâu nặng về mái đình uy nghiêm, về ngôi chùa làng cổ kính, về lũy tre làng chất chứa bao tình cảm thân tộc... Thế nhưng, những gian truân, thử thách của buổi đầu khai phá vùng đất mới đã khiến cho họ chỉ biết nén chặt những tình cảm, những hình ảnh biểu trưng của thứ “tôn giáo - tín ngưỡng” cội nguồn nơi quê cha đất tổ trong tâm thức của mình.

Đến khoảng cuối thế kỷ XVII, khi công việc khai khẩn đất đai đã được xem là tạm ổn, các xã thôn đã thành hình, cuộc sống đã khấm khá thì những ký ức về văn hóa, phong tục tập quán nơi quê cũ đã thôi thúc những lưu dân người Việt tiến hành việc dựng đình, chùa, miếu để hương khói như ở quê nhà.

Theo sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức viết trong thời gian ông giữ chức Hiệp Trấn (1805 - 1812), Hiệp Tổng Trấn (1816 - 1819) và quyền Tổng Trấn (1819 - 1820) ở Gia Định Thành, thì: “Tế xã: Mỗi làng có dựng một ngôi đình, kỳ tế phải trước lựa ngày tốt, đến buổi chiều ngày ấy lớn nhỏ đều nhóm tại đình, suốt đêm ấy gọi là túc yết, sáng sớm ngày mai áo mão trống chiêng làm lễ chính tế, ngày sau nữa làm lễ dịch tế, gọi là đại đoàn, lễ xong là lui về”. Như vậy, ta có thể thấy trễ lắm là đến năm 1820, mỗi thôn làng ở Sài Gòn - Gia Định và Nam bộ đã có một ngôi đình tương đối hoàn chỉnh, có tế lễ đàng hoàng .

LƯỢC SỬ ĐÌNH TÂN THÔNG

 

Đình Tân Thông xưa

Mặc dù không biết chính xác đình Tân Thông được xây từ năm nào, nhưng theo dự đoán, có thể đình được xây dựng vào khoảng năm 1840 - 1850. Ban đầu đình có tên gọi là đình Mật Cật, xung quanh đình đầy cây mật cật lấy lá chằm nón, được xây dựng ở vùng gò cao cuối làng, mặt tiền hướng ra cách đồng rộng thuộc thôn Tân Thông, tổng Dương Hòa Trung (ấp Thượng hiện nay).

Năm 1910, Cai tổng Long Tuy Hạ lúc bấy giờ là ông Phạm Quang Tượng cho dời đình về vị trí trung tâm của thôn để tiện cho việc cúng bái Thần đình của toàn dân trong thôn. Khi dân làng khiêng bàn hương án từ đình Mật Cật đưa về ấp Tiền để xây dựng đình làng mới, sau khi nghỉ chân ở khu vực đất của ông Mai Văn Đường, mọi người không thể khiêng đi tiếp vì bàn hương án bỗng quá nặng. Nhận thấy nơi đây là vị trí giữa làng, rộng rãi, là khu vực đất gò, cây cao bóng mát, gió lộng tứ bề, phía trước có bến nước xuôi xuống cánh đồng bưng rộng lớn, ông Nguyễn Văn Trò, con ông Mai Văn Đường đã xin hiến đất xây dựng đình. Đa số người dân đồng tình hưởng ứng, trình bày với ông cai tổng. Ông Phạm Quang Tượng thấy đây có lẽ là ý trời nên đồng ý và tiến hành việc xây cất đình làng Tân Thông tại địa điểm này .

Những ngày đầu tiên đó, đình được xây dựng bằng vách ván, bàn ghế thô sơ. Với sự đóng góp của dân làng, đình được tu bổ dần dần, mái lợp ngói âm dương, sắm sửa bàn thờ Thần, Tả ban, Hữu ban và các đồ thờ cúng khác. Ngôi đình mới này có một vị thế oai nghiêm, phù hợp Đông hiến Tây hiến, cửa hướng ra đồng ruộng có cây đa bến nước, phía sau là rừng cây cao lớn.

Năm 1949, trong đợt càn quét tiêu diệt lực lượng cách mạng ở làng, giặc Pháp đã chiếm đình, làm đình hư hỏng hoàn toàn. Không thể để đình như vậy, năm 1950, các vị bô lão gồm các ông Phan Văn Ngoan, Mai Văn Đậy, Lê Văn Nhồng, Võ Văn Gạo, Mai Văn Chức, Mai Văn Chí, Nguyễn Văn Lợn, Mai Văn Phản, Mai Văn Tím, Nguyễn Văn Bắp, Mai Văn Oanh, Đinh Văn Chùm... đã đứng ra đại tu đình. Đây là lần tu sửa đầu tiên và gần như xây mới hoàn toàn. Ngôi đình mới có mái lợp ngói âm dương, tường gạch, tứ trụ bằng gỗ. Sau lần tu sửa đầu tiên đó, đình Tân Thông lại bị tàn phá do chiến tranh. Cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, đình chỉ còn lại điện thờ chính, mái ngói bị hư hại nặng.

Từ năm 1976 - 1979, đình được tu bổ 2 lần, lợp lại mái ngói âm dương. Đến năm 1980, đình kiêm thêm chức năng là Nhà Truyền thống của xã và Đài tưởng niệm Liệt sĩ của xã được xây dựng trong khuôn viên đình trong thời gian này. Liên tục sau đó, đình nhiều lần được tu sửa, mở rộng, tráng nền, xây cổng, thay cửa, thực hiện các họa tiết trang trí trên mái và các cột đình, hàng rào cùng các công trình phụ, trồng cây, đào ao....

Năm 2009, với sự hỗ trợ của nguyên thủ tướng Phan Văn Khải - một người con của Tân Thông, và các nhà công đức, đình được xây mới hoàn toàn để có được dáng dấp như hiện nay. Đình mới được khánh thành long trọng trong dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27 tháng 7 năm 2010.

VỊ TRÍ VÀ CẤU TRÚC CỦA ĐÌNH

Từ thị trấn Củ Chi, theo quốc lộ 22 (dường Xuyên Á) hướng về nội thành, đến địa phận xã Tân Thông Hội, rẽ phải vào đường 36 ấp Thượng, đi khoảng 1km, gặp ngã ba đường Lê Minh Nhật, rẽ trái, đi khoảng 500m, rồi rẽ phải vào đường 53 ấp Trung, đi tiếp khoảng 700m sẽ đến đình Tân Thông.

Đình Tân Thông hiện nay ở ngay trên nền đình cũ, quay về hướng Tây Nam. Đình tọa lạc trên khu đất hình chữ nhật có diện tích 4844,5m2, xung quanh bao bọc bởi tường gạch cao khoảng 2m, bên trên có hàng rào sắt. Trong khuôn viên đình có nhiều loại cây quý như dầu, sao, sến, si , đa, giá tị, ván hương..., đặc biệt trong số đó, có cây sến cổ thụ có độ tuổi trên 80 năm.

Bước vào cổng tam quan, ta sẽ thấy bức bình phong bằng xi măng, mặt trước là bức tranh Bạch Hổ ngắm trăng, mặt sau là 4 câu thơ nói lên niềm tự hào của người dân Tân Thông về truyền thống yêu nước, đấu tranh anh dũng của quê hương mình:

“Hào khí miền Đông nuôi nhân cách

Đất thép thành đồng rạng núi sông

Tân Thông truyền thống còn ghi mãi

Công đức ơn sâu nặng nghĩa tình”.

Từ bức bình phong đến chánh điện là khoảng sân rộng khoảng 500m2, phía bên phải là con đường dài khoảng 100m dẫn ra hồ nước có nhà thủy tạ và nhiều cây cao bao quanh. Nhìn từ cổng đình, bên phải sân là bia thờ Thần Nông xây bằng gạch có chạm khắc hình cây trái tượng trưng cho mùa màng tươi tốt. Bên cạnh bia Thần Nông là Miếu Thủy Thần, cạnh miếu là con đường nhỏ dẫn đến Đài Tổ quốc ghi công, cùng với danh sách các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các cán bộ tiền khởi nghĩa, các liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến của nhân dân ấp Chánh, Miếu thờ đồng bào vì chiến tranh tử nạn. Bên trái sân đình là Miếu Sơn Thần với kiểu dáng như Miếu Thủy Thần.

Chánh điện của đình là một tòa nhà 3 gian cao 11,9m, với kiến trúc đặc biệt sử dụng toàn bằng gỗ quý. Chánh điện có hai tầng mái, lợp ngói âm dương, bên trên trang trí hình tượng lưỡng long chầu nguyệt bằng xi măng. Bước lên 5 bậc thềm là đến hành lang bao bọc quanh Chánh điện của đình. Tính cả hành lang xung quanh, đình Tân Thông có tổng cộng 36 cột gỗ, trong đó, 4 cột chính bên trong Chánh điện là lớn và cao nhất. Trên 4 cột này có 4 tấm liễn bằng gỗ, khắc chữ đồng các câu đối chữ Hán - Việt:

“Văn thái hào hùng Tân Thông Hội

Khải thông anh kiệt Củ Chi tình”.

“Đất thép thành đồng gương Nam bộ

Lòng son dạ sắt nếp Tân Thông”.

Ngoài ra, ở các cột khác trong Chánh điện còn có các câu đối chữ Hán - Việt ca ngợi vẻ đẹp của làng xã, ca ngợi công đức tiền nhân:

Hai cột phía sau bàn thờ Thần là hai câu đối:

“Tân Thông Hội, bể bạc rừng vàng xây Văn miếu địa

Thành đồng đất thép Củ Chi nhân dựng Khải hoàn môn”.

Trên hai cột ở cửa chính:

“Tân phong Kỷ Sửu xinh thôn xóm

Thông lệ Canh Dần đẹp hiến chương”.

Phía bên phải:

“Tổ công tông đức thiên niên thịnh

Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh”

Phía bên trái:

"Hào khí miền Đông thơm bốn biển

Thần phong cõi Việt vững ngàn thu”.

Bên trong Chánh điện, ngay chính giữa là bàn thờ Tổ quốc với hai hàng lỗ bộ bằng gỗ ở hai bên. Phía sau bàn thờ Tổ quốc là bàn thờ Thần, bên trước đặt một bàn dài để bày lễ vật cúng Thần. Hai bên bàn thờ Thần là tượng Bạch Mã Thái Giám và Hồng Mã Thái Giám bằng đồng, cạnh đó là đôi hạc đứng trên lưng rùa cùng hai độc bình tráng men. Ngang với bàn thờ Thần, ở bên trái là Bàn Thờ Tả Ban, bên phải là Bàn thờ Hữu Ban.

Từ bàn thờ Tả Ban và Bàn thờ Hữu Ban tiến ra phía cửa, là Bàn thờ Tiền Hiền và Bàn thờ Hậu Hiền đối diện nhau. Bàn thờ Tiền Hiền có bài vị những người có công khai phá lập làng, xây thôn xóm, có công tạo dựng đình như ông Trần Văn Lem, Trần Văn Hương, Phạm Quang Tượng, Phan Văn Ngoan, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Văn Bài, Mai Văn Thoi. Bàn thờ Hậu Hiền có bài vị những người có công trong việc khôi phục, tái thiết, tu bổ, giữ gìn đình từ sau ngày đất nước hòa bình như ông Nguyễn Văn Tược, Khưu Xểnh, Lê Văn Ê, Mai Văn Tành, Nguyễn Văn Khởi, Mai Văn Nết, bà Phan Thị Mung....

Các bàn thờ trong Chánh điện đều được làm bằng gỗ căm xe, chạm khắc tinh vi, cùng những hình tượng minh họa mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Tất cả tạo cho không gian Chánh điện vừa rực rỡ, thoáng đãng, vừa toát lên vẻ thâm nghiêm, trang trọng.

Năm Tự Đức thứ 5 (1852), cùng với các đình khác thuộc các làng xã ở Lục tỉnh Nam bộ, đình Tân Thông cũng được nhà vua ban sắc phong Thần. Đây là sắc phong cho Thần Thành Hoàng, vị thần bảo hộ cho làng, bảo vệ sự bình yên thôn xóm, cầu cho phong điều vũ thuận, quốc thái dân an. Nhưng vì chiến tranh, sắc phong của đình đã bị hủy hoại cùng với ngôi đình cũ.

Năm 2010, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã giúp phục chế bản sắc phong của các làng xã vùng Nam bộ. Sắc phong của đình Tân Thông cũng đã được phục dựng trong đợt này cùng với ấn Thần. Hiện nay, sắc phong và ấn Thần được đặt trang trọng nơi bàn thờ Thần.

Sắc phong của đình có nội dung như sau:

Phiên âm:

Sắc bản cảnh thành hoàng chi thần, nguyên tặng Quảng Hậu Chánh Trực Hựu Thiện chi Thần, hộ quốc 1y dân nẫm trứ linh ứngtỉ kim phi ưng cánh mệnhmiễn niệm thần khả gia tặng Quảng Hậu Chánh Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng chi Thần. Chuẩn Gia Định tỉnh Tân Bình phủ Bình Long huyện Dương Hòa tổng Tân Thông thôn y cựu phụng sự thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai.

Tự Đức ngũ niên thập nhất nguyệt nhị thập cửu nhật.

Dịch:

Sắc cho Thần Bổn Cảnh Thành Hoàng, nguyên đã được tặng (tước hiệu là) Quảng Hậu Chánh Trực Hựu Thiện, Thần đã giúp nước che chở nhân dân, nhiều năm linh ứng. Trẫm từ khi lên ngôi đến nay vẫn luôn nhớ đến công ơn của Thần, nay gia tặng thêm cho Thần (cho tước hiệu là) Quảng Hậu Chánh Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng. Chuẩn cho nhơn dân làng Tân Thông, tổng Dương Hòa Trung, huyện Bình Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định noi theo lệ cũ để phụng thờ, để Thần bảo hộ cho con dân của ta. Hãy kính theo lệ này.

Ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (tức năm 1852).

LỄ LƯỢC CÚNG BÁI

Hàng năm, lễ Kỳ Yên đình Tân Thông cúng vào các ngày 13, 14, 15 tháng 2 Âm lịch. Đó là dịp để người dân xã Tân Thông Hội và các khu vực lân cận bày tỏ những điều mong muốn của mình với thần linh, gởi gắm những ước muốn về một cuộc sống bình an, yên lành. Đó cũng là một lễ hội mà mọi người đều mong đợi, được gặp gỡ những người thân quen mà quanh năm, vì mưu sinh, họ ít có dịp gặp nhau.

Ngoài lễ Kỳ Yên, đình còn những ngày cúng khác trong năm như: Cúng họp đầu năm vào mùng 2 Tết Nguyên Đán, cúng Khai hạ vào mùng 7 tháng Giêng âm lịch, cúng Tam nguyên vào 3 ngày rằm lớn 15/1 âm lịch (Thượng nguyên), 15/7 (Trung nguyên), 15/10 (Hạ nguyên), lễ giỗ các anh hùng liệt sĩ vào ngày 27 tháng 7 dương lịch.

Trong những ngày lễ này bà con trong xã phân công chuẩn bị đồ cúng, nấu nướng và các nghi thức cúng. Trong đóbà con họ Phạm cũng đóng góp, thắp hương và làm theo sự phân công của Ban quý tế đình. Sau khi cúng bà con các họ trong xã cùng nhau ăn uống bàn chuyện thăm hỏi xây dựng tình làng nghĩa xóm. Bà Phạm Thị Rui (Nguyễn Thị Rui) hệu duệ đời V họ Phạm hiện là thành viên của Ban Quý tế đình Tân Thông.

Hiện nay, đình được quản lý với một Ban Quý tế gồm 20 người, là những người cao tuổi, cựu chiến binh, viên chức nghỉ hưu. Ban Quý tế cử ra Ban Thường trực của đình gồm 7 vị, chịu trách nhiệm chăm lo việc đối nội, đối ngoại của đình và phụ trách việc cúng tế hàng năm. Ban Thường trực gồm có:

Ông Nguyễn Văn Khỏe    -    Hội trưởng

Ông Nguyễn Văn Ngăn    -    Hội phó phụ trách tổ chức, nghi lễ

Ông Phạm Văn Tài        -    Hội phó phụ trách ngoại vụ

Bà Phạm Thị Rui        -    Hội phó phụ trách hậu cần

Ông Nguyễn Văn Dũng    -    Thư ký

Ông Nguyễn Văn Hưng    -    Thủ từ

Bà Nguyễn Thị Lệ Hằng    -    Thủ quỹ

Ý NGHĨA XÃ HỘI, NGHỆ THUẬT

Cho đến nay, sự tồn tại thăng trầm của đình qua những năm tháng chiến tranh và trong những ngày hòa bình sẽ giúp cho các thế hệ đời sau có thể hiểu rõ hơn về công ơn các bậc tiền hiền và hậu hiền đã từng gian khổ tạo dựng cơ ngơi cho con cháu ngày nay. Đặc biệt, các dòng họ cố cựu ở xã Tân Thông Hội đã không ngừng đóng góp công sức, tiền của trong việc tu sửa, phục dựng để có được ngôi đình uy nghi nhưng không kém phần thâm nghiêm như ngày nay. Vì vậy, đình không chỉ là nơi chiêm bái thần linh, mà còn là nơi để giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ người dân sinh sống ở xã Tân Thông Hội. Nên chăng, nơi đây nên thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt, những buổi nói chuyện về lịch sử phát triển, lịch sử các họ tộc, về những anh hùng liệt sĩ... của Tân Thông cho người dân trong xã, đặc biệt là thế hệ trẻ, để mọi người hiểu rõ hơn và tự hào hơn  về quê hương của mình.

 

Nhà thờ Chánh điện đình Tân Thông

Ngày nay, đến với đình, chúng ta còn có dịp chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc… của những nghệ nhân khéo léo, tài ba qua các hương án, hoành phi, liễn đối, bao lam.... của đình. Các họa tiết trang trí sinh động, phong phú không chỉ mang đầy tính nghệ thuật mà còn truyền tải nội dung sâu sắc, ý nghĩa, mang tính giáo dục cao, giúp chúng ta phần nào hiểu được đời sống tinh thần phong phú của cha ông. Đình cũng là nơi còn bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam, thông qua các nghi thức tế lễ trang trọng, qua nghệ thuật diễn tuồng… trong các dịp lễ Kỳ Yên, qua đường nét kiến trúc và nội dung các hoa văn trang trí trong đình.

 

Đình Tân Thông toàn cảnh nhìn từ ngoài vào

Hàng trăm năm qua, đình Tân Thông đã cùng đồng hành với cuộc sống ngày càng sung túc của người dân xã Tân Thông Hội và là một thiết chế văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân trong xã nông thôn mới. Bất kỳ người con nào đã từng sinh sống trên vùng đất này, dù học tập, làm việc ở đâu, dù đảm nhận những công việc, trọng trách khác nhau, vẫn luôn nhớ về ngôi đình làng của mình. Đó cũng chính là nhớ về những dấu ấn gắn liền với những nhọc nhằn, gian khó của cha ông mình trong những ngày đầu mới đến khai khẩn, sinh cơ lập nghiệp ở nơi đây, là nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu nơi chôn nhau cắt rốn. Đó cũng là động lực để họ luôn phấn đấu học tập, lao động chân chính, góp phần làm quê hương, đất nước thêm giàu mạnh bằng chính bàn tay và khối óc của mình.

(Trích gia phả họ Phạm - xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM)

(GP: 15-4-2017)