Đình Tân Trạch (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương)
24/08/2022 11:06:27Từ thị trấn Uyên Hưng, qua bến đò Tân Uyên, sau đó theo con đường liên xã đi thẳng khoảng 4,5 km qua 3 ấp Bình Hưng, Điều Hòa và Tân Trạch sẽ đến đình. Hiện đình tọa lạc tại ấp Tân Trạch, xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Cổng đình Tân Trạch
Đình Tân Trạch tọa lạc tại một khu đất tương đối bằng phẳng, diện tích khoảng 2.380m2. Đình nằm hướng Bắc, được xây dựng theo kiểu chữ Đinh, có hai nóc, lợp ngói âm dương. Bên trong đình, toàn bộ khung sườn, từ kèo, cột, xuyên trính đều được làm bằng gỗ.
Trong một lần trùng tu đình, người ta phát hiện trên cây xuyên ở chánh điện của đình có dòng chữ Hán có nội dung:
“Giáp Dần Niên Kiết Ngoặt Lương Thời Lạp Trụ, Trong Thu Trung Hườn Kiết Nhật Thượng Lương Đại Kiết Lợi
Dịch là : “Năm tháng ngày tết dựng cột, mùa thu năm ấy ngày tốt thượng lương đại kiết lợi”.
Theo như nội dung câu chữ Hán trên đây và dựa vào thực tế tồn tại của đình, có thể xác định được năm xây dựng đình là năm Giáp Dần 1854, đến nay đã hơn 150 năm. Đình là nơi ghi dấu tích của một vùng có quá trình phát triển lâu đời.
Đình có diện tích 414,4m2, được xây dựng toàn bằng gỗ tốt ít nơi nào có được.
Cấu trúc của đình lúc mới xây dựng có 54 cột, trong đó, bên ngoài có 22 cây cột và bên trong có 32 cột gỗ đen hoành có đường kính khoảng 1,50m – 1,60m. Các đầu xuyên, trính, kèo được chạm trổ phù điêu rồng, phượng.
Trải qua thời gian, do chiến tranh, nhất là vào năm 1945, Pháp lập đồn đóng quân tại đình nên giàn cột 22 cây phía ngoài đình đã bị hư hỏng nặng. Trong đợt trùng tu năm 1966, những cây cột bị hư này đã được thay thế bằng cột gạch có lan can. Bên cạnh đó, toàn bộ rui mè được thay bằng sắt, mái lợp ngói Tây, nền lót gạch tàu.
Năm 2003, đình được trùng tu lần thứ hai. Trong lần trùng tu này, ngoài gia cố lại hệ thống vỉ, kèo, mái, đình còn được làm lại cổng, được xây hàng rào bao quanh và được trồng thêm các cây sao, dầu trong khuôn viên sân.
Cho đến nay, qua hai lần trùng tu, đình vẫn giữ được kiến trúc ban đầu với nét cổ kính, thâm nghiêm vốn có.
Cổng đình hiện nay được xây dựng dạng tam quan với hai tầng mái. Chính giữa cổng đắp nổi tên đình: ĐÌNH THẦN TÂN TRẠCH. Từ ngoài cổng nhìn vào, ta có thể thấy toàn bộ khuôn viên đình rợp mát bởi bóng cây. Đây là các loại cây mới được trồng từ sau các đợt trùng tu.
Sân đình là một khuôn viên bằng phẳng, ở giữa có cột cờ. Phía trái của sân đình là bàn thờ Sơn Quân (Thần Cọp), được xây bằng gạch. Bên cạnh là miễu thờ Cửu Thiên Huyền Nữ cao khoảng 2,5m, mái lợp ngói, bên trong có bàn thờ khắc hai chữ Hán màu đỏ là Cửu Thiên.
Đối diện bàn thờ Sơn Quân và miễu thờ Cửu Thiên Huyền Nữ là bàn thờ Thần Nông và miếu thờ Ngũ Hành Nương Nương, có kiểu dáng tương tự.
Đối diện với cửa trước của chánh điện là bức bình phong Ông Hổ, xung quanh đình được bao bọc bởi hàng rào kiên cố tạo nên phong cảnh đầy uy nghi khoáng đảng – một không gian khá thuận lợi cho nhân dân trong làng đến hội họp cũng như chiêm bái thần linh.
Phần chánh điện; ở giữa là hương án thờ thần hoàng bổn cảnh với trang thờ, khung được gắn lên tường. Chữ “Thần” được khắc chìm lên tường chữ sơn màu đỏ. Bên dưới bàn thờ được xây bằng gạch, mặt bàn lót gạch men. Trên bàn thờ có bộ lư hương, chân đèn đều làm bằng đồng, trước bàn thờ có cặp hạc đứng trên lưng rùa với chất liệu bằng xi măng.
Hai bên là thờ tả ban, hữu ban rồi tiền hiền hậu hiền. Kế đó là bàn thờ hội đồng nội, sau bàn hội đồng nội là bàn thờ của “ban cúng tế” rồi đến bàn thờ của hội đồng ngoại thờ hữu ban ngoại.
Trước đây, cùng với các đình khác trên cù lao Mỹ Qưới, đình Tân Trạch cũng có sắc phong. Trong thời gian Pháp đóng quân tại đình, sắc được đem gởi sư trụ trì chùa Huê Lâm. Trải qua thời gian, hiện sắc vẫn còn, nhưng đã bị hư hại nặng và không còn nguyên vẹn. Giữa tháng 1/2010 ông Nguyễn (Lê) Hồng Phương ra Hà Nội thỉnh sắc bổn nhì đưa về bảo tàng Đồng Nai. Ban Quý tế xuống bảo tàng thỉnh sắc về đình.
Lễ Kỳ Yên của đình Tân Trạch được cúng vào ngày 15/4 âm lịch. Ngoài lễ Kỳ Yên, hàng năm còn hai dịp đình cúng lớn là cúng thương binh liệt sĩ vào ngày 27/7 dương lịch và cúng khép ấn vào ngày 15/12 âm lịch. Ngoài những dịp cúng lớn, đình Tân Trạch còn những ngày cúng khác như cúng Khai hạ vào ngày 7/1 âm lịch, cúng mồng 5/5, cúng vào những ngày rằm hàng tháng.
Ngày 14 tháng 12 Âm lịch, lễ cúng lệ được tổ chức tại đình Tân Trạch 2 ngày 14 và 15 tháng 12 Âm lịch. Nhân dân đóng góp tiền. Tế thần thì heo sống. Sau khi tế xong, heo sống đem xuống nhà bếp chế biến thức ăn đem lên cúng tiếp. Nghi thức cúng có học trò lễ, trống, nhạc.
Lễ cúng lệ ngày 14/12 âl
Học trò lễ đang cúng
Bà con lần lượt thắp hương. Con cháu họ Nguyễn có người trong Ban Quý tế, phụ nữ thì phụ nhà bếp. Con cháu ở Đồng Nai cũng về cúng đình.
Trong chiến tranh, đình Tân Trạch cũng trải qua nhiều thăng trầm. Khoảng năm 1949 – 1950, Pháp lấy đình làm nơi đóng quân. Tại đây, để đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân, chúng đã bắt bớ, giết hại nhiều người dân làng Mỹ Qưới. Nơi đây có hơn 90 người dân vô tội đã bị chúng cắt cổ thả trôi sông. Sau năm 1954, dân vệ của chính quyền Ngô Đình Diệm lại đến đóng quân tại đình đến năm 1958 mới trả lại cho dân làng. Từ đó, nhân dân trong làng mới có điều kiện khôi phục lại các nghi lễ cúng đình và duy trì cho đến ngày nay.
Đình không chỉ là nơi những người dân làng Mỹ Qưới đến chiêm bái thần linh, cầu xin cuộc sống an lành, bình yên, mà còn là nơi che chở cho những cán bộ cách mạng về hoạt động tại làng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khoảng đầu những năm 1960, các cán bộ cách mạng về hoạt động tại làng đã đến đình đào hầm làm nơi trú ẩn. Bà Sáu Được, là vợ ông Phan Văn Hiền - ông từ giữ đình trong thời điểm đó, đã cùng chồng nấu cơm, nuôi giấu, ủng hộ các cán bộ về hoạt động tại xã. Đình cũng là nơi tiếp tế lương thực, đạn dược thuốc men cho bộ đội.
Cho đến nay, đình Tân Trạch là một thiết chế văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân ấp nói riêng và nhân dân xã Bạch Đằng nói chung. Sự tồn tại của đình qua năm tháng sẽ giúp cho các thế hệ đời sau có thể hiểu rõ hơn về công ơn các bậc tiền hiền và hậu hiền đã từng gian khổ tạo dựng cơ ngơi cho con cháu ngày nay. Vì vậy, đình không chỉ là nơi chiêm bái thần linh, mà còn là nơi để giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn. Hiện nay, trong khuôn viên của đình còn có bia ghi danh các liệt sĩ, là những người con của đất Mỹ Qưới, đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp, Mỹ. Có 3 người con của dòng họ Nguyễn cũng có tên trên bia là ông Nguyễn Văn Dừa (đời 3), ông Nguyễn Thanh Hải (tức ông Nguyễn Văn Đức, đời 4) và bà Lê Thị Tố Nga (đời 4). Đình đã được Ủy Ban Nhân dân tỉnh Bình Dương ra quyết định công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.
Mỗi năm, lễ Kỳ Yên là một dịp để người dân trên đất cù lao này bày tỏ những điều mong muốn của mình với thần linh. Đó cũng là một lễ hội mà mọi người đều mong đợi, được gặp gỡ những người thân quen mà quanh năm, vì mưu sinh, họ ít có dịp gặp nhau.
Họ Nguyễn là một trong những dòng họ sinh sống lâu đời trên cù lao Mỹ Qưới. Đình Tân Trạch, từ lâu, đối với họ là nơi để họ gởi gắm những ước muốn về một cuộc sống bình an, yên lành. Không chỉ vậy, những thành viên trong họ Nguyễn còn có những đóng góp cho việc trùng tu và hoạt động của đình Tân Trạch. Ông Hai Thức, ông Năm Thoại, những bậc cao niên của họ Nguyễn, đã từng tham gia Ban Quý tế của đình những nhiệm kỳ trước.
Ông Ba Phương, cháu đời 4 của họ Nguyễn là mạnh thường quân của đình. Ông thường xuyên đóng góp tiền của cho việc trùng tu, sửa chữa đình. Từ năm 2002, ông đã đóng góp cho việc làm hàng rào bao quanh đình, xây cổng, làm đòn tay, đánh bóng cột kèo, xuyên trính của đình… Mặc dù rất bận rộn với trọng trách của đảng và Nhà nước giao phó, nhưng hàng năm, vào dịp cúng Kỳ Yên của đình, ông thường sắp xếp công việc để về tham dự, hoặc cử người thân thay mặt về dự.
Đó có thể cũng là một công đôi ba việc. Ông vừa về thăm quê cha đất tổ, bày tỏ lòng thành kính, nhớ ơn tổ tiên, vừa là dịp để gặp gỡ, hàn huyên người thân trong dòng tộc, đồng thời cũng để chia sẻ với bà con quê hương mình những vui buồn thể hiện tình làng nghĩa xóm.
Trải qua thời gian, đình Tân Trạch vẫn tồn tại và đồng hành cùng cuộc sống ngày càng sung túc của người dân làng Mỹ Qưới xưa, xã Bạch Đằng ngày nay. Cũng như bất kỳ người con nào đã từng sinh sống trên cù lao này, từng thành viên họ tộc Nguyễn, mỗi khi nhớ về đình, cũng chính là nhớ về những dấu ấn, những kỷ niệm gắn liền với những nhọc nhằn, gian khó của cha ông mình trong những ngày đầu mới đến khai khẩn, sinh cơ lập nghiệp ở nơi đây. Đó cũng là động lực để dân làng luôn phấn đấu học tập, lao động chân chính, để từ chính bàn tay, khối óc của mình, góp phần làm quê hương, đất nước thêm giàu mạnh. Và để dân làng luôn tự hào là người con của mảnh đất cù lao này.
(Trích gia phả họ Nguyễn - ấp Tân Trạch, xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương)
(GP: 15-4-2017)
Các tin cũ
- » Đình Long Thượng (huyện Cần Giuột, tỉnh Long An) 23/08/2022 20:56:42
- » Đình Xóm Huế (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi) 23/08/2022 20:34:02
- » Đình Mỹ An Hưng B (xã Mỹ An Hưng B, Lấp Vò, Đồng Tháp) 23/08/2022 19:01:07
- » Đình Tân Hạnh (xã Tân Hạnh, TP Biên Hòa) 23/08/2022 13:45:55
- » Miễu Ông Thạch (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) 23/08/2022 12:51:06
- » Chùa Long Thạnh (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) 23/08/2022 12:41:38
- » Miếu họ Trương (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) 23/08/2022 12:26:38
- » Chùa Tôn Thạnh (tỉnh Long An) 23/08/2022 12:14:56
- » Đình Long Trì (tỉnh Long An) 21/08/2022 20:28:03