Trang chủ > Ngày Bác đến trường Dục Thanh

Ngày Bác đến trường Dục Thanh

29/08/2022 21:08:48

Qua gia phả của một gia đình họ Võ ở tỉnh Bình Thuận, đã cho chúng ta biết thêm một chi tiết mới về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ (một hậu duệ của gia đình họ Võ này là ông Võ Huy Quang - thành viên Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM). Như vậy, ngoài việc lưu giữ "lịch sử" gia tộc, gia phả còn có thể có cung cấp thêm những thông tin lịch sử khá quan trọng mà chính ngành lịch sử nước nhà chưa đề cập đến. Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM đăng tải lại bài viết của phóng viên Phan Tùng Sơn, báo Quân đội Nhân dân để mọi người cùng ghi nhớ sự kiện này.

Nhân dịp kỷ niệm 121 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 100 năm ngày Người ra đi tìm đường cứu nước, gia tộc cụ Võ Văn Trang ở Phan Thiết đã hiến tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận một số hiện vật quý. Lễ hiến tặng và đón nhận được Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Phan Thiết tổ chức vào ngày 19-5-2011.

Bút tích để lại

Cháu nội của cụ Võ Văn Trang là ông Võ Huy Quang, thay mặt gia tộc đã quyết định hiến tặng bảo tàng một tài liệu được thực hiện dưới dạng bút tích, do cụ Võ Văn Trang để lại trong gia phả của dòng họ. Nội dung tài liệu đã được Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận đề cập trong một hội thảo khoa học và được cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an giám định chữ viết.

Trước ngày diễn ra lễ hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã tìm gặp ông Quang và được ông cho xem toàn bộ tư liệu của gia phả dòng họ để lại. Ông Quang cẩn thận lật giở từng trang cuốn gia phả dày cộp, trong đó có những trang viết dạng như nhật ký, bút tích, ghi lại những kỷ niệm của cụ Võ Văn Trang với Thầy giáo Nguyễn Tất Thành, được thể hiện bằng chữ Quốc ngữ. Có những tư liệu được cụ Võ Văn Trang viết từ những năm đầu của thế kỷ 20, có những tài liệu viết từ những năm 60, thế kỷ 20. Giấy viết đã ố vàng qua năm tháng nhưng màu mực vẫn còn tươi, sáng. Theo những gì có trong gia phả tộc họ và ông Võ Huy Quang nghe ông nội trực tiếp kể lại thì cụ Võ Văn Trang chính là người đã đánh xe ngựa chở Nguyễn Tất Thành từ chùa Phước An, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) về làm thầy giáo dạy học ở Trường Dục Thanh, Phan Thiết, trước ngày Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn chuẩn bị ra đi tìm đường cứu nước.

Sử sách ghi lại rằng, trong hành trình từ Huế vào Sài Gòn trước khi ra đi tìm đường cứu nước, năm 1909, Nguyễn Tất Thành đã đến Bình Khê, Bình Định thăm thân phụ là cụ Nguyễn Sinh Sắc. Thông qua các mối quan hệ bằng hữu, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã nhờ cụ Trương Gia Mô (Nghè Mô) đưa Nguyễn Tất Thành vào Nam. Mùa thu năm 1910, Nguyễn Tất Thành đến trú tại chùa Phước An, được Hòa thượng Bửu Hiền trụ trì chùa chăm sóc. Nguyễn Tất Thành được cụ Nghè Mô giới thiệu với cụ Hồ Tá Bang để vào dạy học tại Trường Dục Thanh ở Phan Thiết.

Trường Dục Thanh, còn gọi là Dục Thanh Học Hiệu (chữ viết tắt của Giáo Dục Thanh Thiếu Niên) là một ngôi trường do các sĩ phu yêu nước ở Phan Thiết sáng lập vào năm 1907 để hưởng ứng phong trào Duy Tân do cụ Phan Chu Trinh khởi xướng tại Trung Kỳ. Những sáng lập viên của Trường Dục Thanh gồm: Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ Chất, Ngô Văn Nhượng. Cụ Hồ Tá Bang là một trong các thành viên chủ chốt của Hội đồng quản trị Thương quán Liên Thành, nơi bảo đảm kinh phí cho Trường Dục Thanh hoạt động.

Trong gia phả để lại cho con cháu và những gì ông Quang được ông nội mình kể lại, thì sau khi được cụ Nghè Mô giới thiệu một thầy giáo trẻ, là con trai của cụ Nguyễn Sinh Sắc, cụ Hồ Tá Bang đã rất vui mừng. Cụ nóng lòng được đón Thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Vào ngày 19-8-1910, cụ Hồ Tá Bang và một số người trong nhóm sáng lập Trường Dục Thanh đã nhờ Võ Văn Trang (lúc bấy giờ cụ Trang là một thanh niên rất cường tráng) đánh xe ngựa từ Phan Thiết ra chùa Phước An ở xứ Duồng chở Thầy giáo Nguyễn Tất Thành về Trường Dục Thanh với quãng đường đi khoảng 80km.

Thành phố Phan Thiết lúc bấy giờ chỉ có một cây cầu, gọi là cầu Quan. Khi Võ Văn Trang đưa Nguyễn Tất Thành qua cầu, một người bạn của cụ Trang đã chụp được một bức ảnh. Sau khi qua sông, Thầy giáo Nguyễn Tất Thành và Võ Văn Trang xuống xe đứng bên bến sông. Hình ảnh này cũng được người bạn của cụ Trang chụp lại. Cả hai bức ảnh ấy đang được lưu giữ trong gia phả của dòng họ Võ ở Phan Thiết mà ông Quang là người đại diện cho gia tộc đang quản lý.

Trong trang gia phả đề ngày viết là 19-8-1910, cụ Võ Văn Trang đã viết lại sự kiện này như sau (tác giả trích nguyên văn): “Sáng ngày 19-8-1910. Tôi được chú Nguyễn Trọng Lợi, chú Nguyễn Hiệt Chi và chú Hồ Tá Bang trong Hội đồng quản trị của Thương quán Liên Thành, những người sáng lập ra Hội giáo dục Thanh niên thể dục thể thao, gọi là Dục Thanh, cơ sở kinh tế Hội quán Liên Thành. Đưa xe ngựa đến chùa Phước An ở xứ Duồng, Gành Son gặp cụ Nghè Mô và Sư thầy tạ thủ Bùi Hữu Hiền để đưa một thầy giáo về dạy học ở Trường Dục Thanh, Phan Thiết”. Bình Thuận ngày 19-8-1910. Ký tên Võ Văn Trang”.

Trang gia phả có bút tích của cụ Võ Văn Trang

Vào Trường Dục Thanh, Thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã nhận dạy Quốc Văn, Hán Văn và kiêm nhiệm môn thể dục. Ngoài ra, thầy còn nhận dạy tiếng Pháp khi giáo viên Pháp văn vắng mặt.

Sau khi phát hiện trong gia phả tộc họ có bút tích này cùng một số tài liệu, hiện vật khác về Bác Hồ do cụ Võ Văn Trang để lại, nhiều năm qua ông Võ Huy Quang đã bảo quản hết sức cẩn thận và coi đó như vật gia bảo truyền đời của dòng họ. Ông Quang tâm sự:

- Ban đầu tôi có ý định giữ gìn những hiện vật ấy cho riêng dòng họ, nhưng sau khi suy nghĩ, tôi quyết định hiến tặng một hiện vật cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ, những gì liên quan đến Bác Hồ kính yêu đều là tài sản tinh thần vô giá, nguồn động viên to lớn của toàn Đảng, toàn dân, không nên giữ lại cho riêng mình.

Năm ngoái, ông Võ Huy Quang đã báo cho Bảo tàng Hồ Chí Minh biết việc này và ngỏ ý sẽ hiến tặng cho Bảo tàng hiện vật quý. Tháng 5-2010, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh và 100 năm ngày Bác Hồ dừng chân dạy học ở Trường Dục Thanh, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận đã tổ chức hội thảo khoa học về sự nghiệp của Người trong quãng thời gian dừng chân ở Dục Thanh - Phan Thiết. Cuộc hội thảo đã thu hút hàng trăm đại biểu là các nhà sử học, nhà nghiên cứu. Tham luận của các nhà chuyên môn đã nghiêng về quãng thời gian Bác đến Phan Thiết là từ cuối tháng 8, đầu tháng 9-1910 nhưng không xác định được ngày cụ thể. Sau khi được ông Võ Huy Quang cung cấp tài liệu trong gia phả, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo, sau đó chuyển tài liệu cho cơ quan chức năng của Bộ Công an giám định. Kết quả giám định đã xác định trang bút tích (ảnh đăng kèm bài báo này) trong gia phả chính là chữ viết của cụ Võ Văn Trang.

Kỷ vật của gia tộc cụ Võ Văn Trang đã góp thêm bằng chứng giúp các nhà nghiên cứu lịch sử xác định chính xác thời điểm cụ thể Bác Hồ đến Phan Thiết, qua đó làm phong phú thêm tư liệu về con người, tầm nhìn, sự nghiệp của Người trong thời gian ở Phan Thiết.

Vài nét về gia tộc Võ Văn Trang

Cụ Võ Văn Trang còn có các bí danh là Võ Quang Trang, Võ Văn Miệng. Thời kỳ Bác Hồ đặt chân đến Phan Thiết, cụ Võ Văn Trang là thành viên cổ đông của Thương quán Liên Thành, một địa chỉ thương gia nổi tiếng ở Phan Thiết trong suốt thời kỳ Pháp thuộc. Cụ Trang còn là chủ của cửa hiệu Hữu Cung, chuyên kinh doanh vàng bạc. Theo ông Võ Huy Quang, cụ Trang là một thợ bạc có tiếng nhưng không truyền nghề lại cho hậu thế. Trong gia phả để lại, cụ có ghi rằng làm nghề thợ bạc, đòi hỏi cao nhất là phải có cái tâm minh bạch. Thiếu chữ tâm, nghề này sẽ thất đức. Con cháu về sau nếu ai muốn theo nghề thì phải tu tâm dưỡng tánh, tự học lấy nghề chứ cụ không truyền nghề cho bất cứ ai.

 

Ông Võ Huy Quang giới thiệu các hiện vật trong gia phả tộc họ

Sau khi đón Thầy giáo Nguyễn Tất Thành về Trường Dục Thanh, Võ Văn Trang đã kết nghĩa huynh đệ với Nguyễn Tất Thành (cụ Võ Quang Trang cùng năm sinh với Bác Hồ) và gọi Nguyễn Tất Thành theo cách kính trọng là Thầy Thành. Võ Văn Trang lấy tên cửa hiệu là “Hữu Cung” cũng là để ghi nhớ kỷ niệm về tình huynh đệ (“Huynh tất hữu, Đệ tất cung”, nghĩa là anh đã nói thì em nhất định phải nghe).

Năm 1969, sau khi nghe tin Bác Hồ mất, cụ Võ Văn Trang và người em kết nghĩa Nguyễn Thế Truyền (là thành viên của nhóm “Ngũ Long” gồm: Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền, cùng ký bút hiệu Nguyễn Ái Quốc trên “Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam”) đã tiếc nhớ nên nhịn ăn cho đến lúc chết. Cụ Nguyễn Thế Truyền qua đời ngày 19-9-1969. Cụ Võ Văn Trang mất ngày 21-9-1969.

Cụ Võ Văn Trang có 10 người con (5 trai, 5 gái), trong đó có 9 người tham gia kháng chiến, có công với nước, 3 người con của cụ Trang là liệt sĩ, gồm: Võ Khánh Tuyết, Võ Khánh Tấn, Võ Khánh Liêm. Cụ bà Tống Thị Hóa (phu nhân của cụ Trang) là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ông Võ Huy Quang là con trai trưởng của cụ Võ Khánh Di. Cụ Võ Khánh Di là con thứ của cụ Võ Văn Trang.

Ông Quang tham gia cách mạng từ khi còn nhỏ, từng bị chính quyền Ngô Đình Diệm kết án tử hình theo Luật 10/59 và bị đày ra Côn Đảo giam cầm 14 năm.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay, ông Võ Huy Quang sống cùng anh em, họ hàng ở quê hương Phan Thiết. Ông dành tâm sức sưu tầm các hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ và tham gia lập hồ sơ về cựu tù Côn Đảo.

Bài và ảnh PHAN TÙNG SƠN (theo Quân đội Nhân dân)

(GP: 30-5-2011)