Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải phát biểu tại lễ trao tặng gia phả
21/09/2022 20:24:24(Phát biểu của nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải tại lễ trao tặng 11 bộ gia phả mới dựng cho 11 chi họ tại xã nông thôn mới Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM, ngày 18/2/2012)
Kính thưa các đồng chí.
Thưa bà con đại diện 11 dòng họ vừa làm gia phả.
Trước hết, chúng ta rất hoan nghênh Trung tâm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả TP.HCM, các đồng chí đã làm việc rất nhiệt tình, rất có trách nhiệm. Trong thời gian rất ngắn, các đồng chí đã làm 11 bộ gia phả cho các dòng họ đã sinh sống lâu đời trên mảnh đất Tân Thông Hội huyện Củ Chi của chúng ta.
Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải trao gia phả cho đại diện các dòng họ
Nhân đây tôi xin nói thêm là ở Tân Thông Hội hiện có 4 chi họ Nguyễn nên có những khác nhau, các đồng chí phải lưu ý hỏi lại, tránh nhầm lẫn. Các gia phả có thể cũng chưa đầy đủ, cần tiếp tục bổ sung. Đó là điều thứ nhất.
Thứ hai, các đồng chí làm gia phả là để tìm cội nguồn của ông cha chúng ta. Ngay cả họ Phan chúng tôi nguồn gốc ông bà vẫn chưa tìm ra, biết là từ miền Trung vào nhưng người nói Quảng Nam, người nói Thanh Hóa, người nói Hà Tĩnh. Ông cha ta trước đi vào đây, chắc là còn nghèo nên cũng không ghi gia phả, không ghi lại lịch sử dòng họ để cho đời sau chúng ta rất khó khăn trong việc xác định nguồn gốc của mình. Do đó, chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu để biết rõ hơn nguồn gốc, biết rõ hơn tổ tiên của mình.
Ở đây tôi cũng xin lưu ý thêm là khi có gia phả rồi, chúng ta đừng so sánh họ này với họ khác, không nên cho rằng họ của mình là tốt hơn, giỏi hơn, ưu việt hơn các họ khác. Chẳng hạn, vì họ Nguyễn trong xã hội chiếm số lượng lớn, đông hơn các họ khác, nên nhiều người họ Nguyễn làm quan, làm vua, học hành giỏi giang... Như vậy, những người họ Nguyễn không nên cho rằng họ của mình là giỏi hơn những họ khác.
Nên lưu ý rằng chúng ta chỉ có tổ quốc, dân tộc là trên hết. Mà tổ quốc, dân tộc Việt Nam là do cả ngàn họ mới hình thành được, mà cả ngàn họ đó cùng góp phần gìn giữ bờ cõi, mới xây dựng đất nước ta như ngày nay chứ không có một họ nào mà có thể đứng ra làm được. Vì vậy, khi mỗi dòng họ mình đã làm gia phả rồi, đã biết phát huy truyền thống cách mạng của họ mình và cần phải đoàn kết, phải thống nhất cùng góp phần xây dựng đất nước của chúng ta giàu đẹp đi lên chủ nghĩa xã hội. Có như vậy, việc làm gia phả của chúng ta mới có ý nghĩa.
Chúng ta nên khuyến khích việc làm gia phả. Để làm gì?
Thứ nhất là như các đồng chí đã nói, làm gia phả là để con cháu đời sau biết tổ tiên, ông bà của mình.
Thứ hai là trong tình hình hiện nay, xã hội chúng ta có rất nhiều vấn đề tiêu cực, giàu có hơn ngày xưa, nhưng trong xã hội lại có nhiều điểm kém hơn, như việc chạy theo đồng tiền, làm việc bất chính, những tệ nạn xã hội như nghiện xì ke, ma túy, trộm cướp… ảnh hưởng xấu đến con cháu của chúng ta. Vì vậy, khi có gia phả, phải giáo dục truyền thống cách mạng, bảo vệ với xây dựng đất nước, giáo dục để con em chúng ta trở thành người con tốt trong dòng họ, và là người công dân tốt của xã hội. Điều đó cũng góp phần giúp chúng ta chống lại những điều xấu, những điều tiêu cực để xây dựng đất nước ta giàu đẹp, đất nước XHCN như Bác Hồ mong muốn. Nếu chúng ta không góp sức đẩy lùi những tiêu cực, những mặt xấu... trong xã hội ta hiện nay thì chúng ta có thể giàu có nhưng xã hội chúng ta không tốt đẹp, không lành mạnh, không yên bình.
Vì vậy, chúng ta phải phấn đấu để khắc phục vấn đề chưa tốt này.
Vấn đề thứ ba của việc dựng gia phả là để góp phần xây dựng dòng họ mình là dòng họ biết trên, biết dưới, hay nói dễ hiểu là phải là xây dựng dòng họ tốt, giáo dục được lòng hiếu thảo trong gia đình, giáo dục con cháu thảo hiền đối với cha mẹ, phải biết lễ phép với người lớn. Cha mẹ nuôi con cái lớn lên, khi cha mẹ già, con cái phải nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ, đó là điều hiển nhiên của truyền thống dân tộc Việt Nam. Thế nhưng hiện tại vẫn còn hiện tượng con cái ngược đãi cha mẹ, thiếu quan tâm chăm sóc cha mẹ già. Đó là những vấn đề đau lòng vô cùng. Vậy cùng với việc xây dựng gia phả, ta phải xây dựng lại cái tâm, cái đức, lòng hiếu thảo trong gia đình.
Bên cạnh đó phải xây dựng được sự hỗ trợ, đùm bọc trong dòng họ mình khi gặp khó khăn, phải biết giúp đỡ, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn. Hiện nay có nhiều hiện tượng anh em xích mích nhau, dòng họ mất lòng nhau cũng chỉ vì đất đai. Hy vọng là qua việc làm gia phả cho dòng họ, chúng ta còn góp phần xây dựng được tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong họ tộc.
Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải trao gia phả cho đại diện các dòng họ (Ảnh: Thất Sơn)
Vấn đề thứ tư là qua việc lập gia phả, cần phải xây dựng dòng họ, gia đình hiều thảo, khuyến khích trong dòng họ quan tâm nhiều hơn đến việc học hành của thế hệ trẻ. Phải tạo điều kiện cho con cháu được đi học, tránh hiện tượng bỏ học, thất học, bởi vì nếu không có trình độ thì không thể có cuộc sống tốt đẹp hơn. Như vậy, cùng với việc làm gia phả, phải làm sao xây dựng được lòng hiếu học trong dòng họ.
Hiện nay đã thế kỷ XXI mà vẫn có tình trạng cha mẹ bỏ bê con cái, không lo cho các con học hành, chỉ lo nhậu nhẹt, cờ bạc.... Điều đó là không thể chấp nhận được. Như vậy thì chừng nào xã hội mới tiến bộ, mới văn minh, có nguồn lực đồi dào, có tài, có trình độ cao để xây dựng đất nước?
Vấn đề thứ năm, khi chúng ta có gia phả, như các đồng chí nói đúng là rất thiêng liêng. Gia phả giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục con em chúng ta nối tiếp những truyền thống tốt đẹp của cha ông. Chúng ta xây dựng gia phả để biết tổ tiên, dòng họ chúng ta, biết được những hy sinh của người đi trước. Trên mảnh đất Củ Chi có hơn 1 vạn người đã ngã xuống. Họ hy sinh thân mình với hy vọng cuộc sống đời sau tốt đẹp hơn: Cuộc sống của gia đình mình tốt hơn, dòng họ có điều kiện phát triển tốt hơn, làng xóm tốt hơn, được sống được độc lập, tự do, đất nước được thống nhất... Như vậy, khi làm gia phả, chúng ta phải làm cho con cháu mình biết được ý nghĩa của sự hy sinh này, để từ đó cố gắng sống tốt, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của lớp người đi trước.
Điều cần lưu ý là việc giáo dục con cái, giáo dục thế hệ trẻ cần phải dựa vào những người có kinh nghiệm sống, có uy tín trong làng, trong xã. Đó là các cựu chiến binh, những người lớn tuổi, những người hưu trí....
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc thống nhất, một dân tộc anh hùng, có nền văn hóa lâu đời, tổ quốc, dân tộc là trên hết. Còn dòng họ, tôi đồng ý với các đồng chí dùng từ “thiêng liêng”, nhưng dòng họ phải phục vụ cho tổ quốc.
Chúng ta cần quan tâm đến việc xây dựng dòng họ sao cho trở thành một dòng họ tốt. Nếu xã hội có nhiều dòng họ tốt, thì ta mới có được một xã hội tốt, ngược lại, dòng họ chưa tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến toàn xã hội. Dòng họ tốt ở đây, theo tôi, chính là dòng họ văn hóa, như từ mà các đồng chí ở Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM đã sử dụng. Như vậy, có thể nói, việc xây dựng dòng họ văn hóa có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần làm cho xã hội chúng ta tốt đẹp hơn.
Hôm nay, tham dự buổi trao tặng gia phả, tôi có mấy ý như vậy. Hy vọng rằng Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM chúng ta tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm cho các bộ gia phả ngày càng hoàn chỉnh, chính xác hơn.
Phạm Hoàng Nam Huân (ghi)
(GP: 5-3-2012)
Các tin cũ
- » Về vấn đề xây dựng Văn hóa Dòng họ 21/09/2022 20:12:46
- » Lập gia phả cho nhiều nhà lãnh đạo và cách mạng 21/09/2022 19:56:33
- » 20 năm dựng 130 bộ gia phả 21/09/2022 19:47:25
- » Buổi thực hành lớp học ‘Cách dựng bộ gia phả hoàn chỉnh’ 20/09/2022 11:57:44
- » Gia phả học cho mọi gia đình 13/09/2022 20:50:54
- » Khai giảng lớp học 'Cách dựng bộ gia phả hoàn chỉnh' 13/09/2022 09:38:03
- » Người Việt yêu sử Việt: Tri ân công đức tiền nhân 02/09/2022 17:48:03
- » Cháu-chắt-chút-chít và các tên gọi thứ bậc truyền thống trong gia đình người Việt xưa và nay 02/09/2022 17:07:59
- » Miếu Bà và cây di sản (Quảng Ngãi) 01/09/2022 22:06:34