Trang chủ > Tết Thanh minh tính theo Âm lịch hay Dương lịch?

Tết Thanh minh tính theo Âm lịch hay Dương lịch?

19/10/2024 10:19:56

Rất nhiều người biết đến 2 câu thơ trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du:

“Thanh minh trong tiết tháng Ba

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”.

Chính câu “Thanh minh trong tiết tháng Ba” này, cộng với ngày giỗ, ngày tảo mộ của người Việt thường là tính theo ngày Âm lịch, nên rất nhiều người cứ nghĩ rằng tết Thanh minh là tính theo ngày Âm lịch. Tuy nhiên đó là một sự nhầm lẫn.

Hiện nay nhiều người cho rằng “tiết Thanh minh” hay “tết Thanh minh” là đồng nghĩa nhau, gọi thế nào cũng được. Đó cũng là một nhầm lẫn nữa...

Tiết Thanh minh, Tết Thanh minh

Lịch Trung Hoa cổ đại, nhiều người lầm tưởng là Âm lịch thuần túy, nên họ cho rằng nó được tính theo chu kỳ của Mặt trăng chuyển động chung quanh Trái đất. Trên thực tế, lịch Trung Hoa cổ đại là loại Âm - Dương lịch, nó cũng tính theo vị trí của Trái đất trong chu kỳ chuyển động quanh Mặt trời.

Theo lịch Trung Hoa cổ đại thì mỗi năm có 24 tiết khí. Mỗi tiết khí ứng với một kiểu thời tiết cụ thể của 4 mùa trong năm. Trên vòng tròn (thật ra là hình elip) quỹ đạo Trái đất quay quanh Mặt trời, điểm bắt đầu của tiết khí này đến điểm bắt đầu của tiết khí liền kề cách nhau 15 độ. Khoảng cách thời gian giữa hai tiết khí liền kề là từ 14 đến 16 ngày.

Mỗi mùa xuân, hạ, thu, đông sẽ có 6 tiết khí. Tiết khí của mùa xuân gồm: Lập xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân, Thanh minh và Cốc vũ. Như vậy, tiết Thanh minh là tiết khí thứ 5 của mùa xuân, sau các tiết: Lập xuân, Vũ thủy, Kinh trập và Xuân phân.

Nếu tính từ điểm Xuân phân là gốc, kinh độ Mặt trời bằng 0o (không độ), thì thời điểm bắt đầu tiết Thanh minh, kinh độ Mặt trời là bằng 15o (mười lăm độ). Vì vậy, thực tế tiết Thanh minh được tính theo cách tính của Dương lịch.

Tiết Thanh minh kéo dài 15-16 ngày, ngày bắt đầu của tiết Thanh minh thì gọi là Tết Thanh minh. Ngày này cách thời điểm kết thúc tiết Lập xuân 45 ngày và thời điểm kết thúc tiết Đông chí 105 ngày.

Tết Thanh minh cố định vào ngày 4 hoặc 5/4 Dương lịch

Như trên đã nói, tiết Thanh minh được tính theo cách tính của Dương lịch và ngày bắt đầu tiết Thanh Minh gọi là Tết Thanh minh. Tết Thanh minh cố định vào ngày 4 hoặc 5/4 Dương lịch hàng năm (ngày 4/4 rơi vào năm nhuận - năm mà tháng 2 có 29 ngày - và năm kế tiếp năm nhuận; còn ngày 5/4 rơi vào các năm còn lại của chu kỳ 4 năm có 1 năm nhuận). Ngày 4 hoặc 5/4 Dương lịch hàng năm có khi rơi vào tháng 3 Âm lịch (không cố định ngày), nhưng cũng có khi rơi vào tháng 2 Âm lịch.

Nhìn bảng thống kê 10 năm kể từ năm 2015 đến năm 2024 ở trên, chúng ta thấy ngày Tết Thanh minh không phải lúc nào cũng “Thanh minh trong tiết tháng Ba” như cụ Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều mà có đến 6 năm (2015, 2016, 2018, 2021, 2023 và 2023) là Tết Thanh minh rơi vào tháng 2 Âm lịch.

*****

Ở Việt Nam chúng ta, nhân ngày tết Thanh minh, nhân dân ta có tục tảo mộ. Vào ngày này, con cháu ở xa thường về quê nhà để cùng bà con ở quê đi tảo mộ tổ tiên, ông bà. Đây được xem là truyền thống, là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam trong việc nhớ ơn tổ tiên, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Ngày tảo mộ Tết Thanh minh còn là dịp để các bậc bô lão nhắc nhở, giáo dục cho con cháu không những chăm sóc mồ mả tổ tiên mà còn biết chăm sóc ông bà, cha mẹ khi họ còn trên dương thế để thể hiện đạo hiếu của người con, cháu đối với ông bà, cha mẹ.

HỮU TRỊNH