023. Gia phả họ Nguyễn (ấp 1, Phước Vĩnh An, Củ Chi, TP.HCM)
15/08/2022 11:20:04Gia phả họ Nguyễn ở ấp 1, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TP.HCM được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2007.
DẪN NHẬP
Thời thạnh trị lo tục biên quốc sử để ghi chép luật phế hưng. Lúc thanh bình tu chỉnh lại gia phả để biên niên sự thăng giáng của họ tộc.
Sau năm 1975, cùng với nhân dân cả nước hân hoan trong không khí hòa bình, độc lập, thống nhất, bà con ta xa quê đã lần lượt trở về tái thiết lại quê hương Bà Giã, nay gọi là ấp 1, xã Phước Vĩnh An.
Ngày nay tuy phải còn lo toan cái ăn, cái mặc, nhưng bà con chúng ta cũng đã có điều kiện để nghĩ đến việc họ hàng, nguồn cội. Mồ mả tiền nhân lần lượt được vun bồi, mộ bia được dựng lại, và truyền thống tốt đẹp là ngày “giỗ hội” được tái lập. Đó là ngày truyền thống kỷ niệm thời vị tổ phụ đầu tiên vào khai cơ dựng nghiệp, sanh con đẻ cháu trên quê hương này.
Việc cúng giỗ đại tộc để ở nhà này hoặc nhà khác xem ra có điều bất ổn, nên đến năm 1993, ngôi nhà thờ tộc họ Nguyễn có tên Nguyễn Tông Đường được khiêm tốn dựng lên nơi phần đất của tổ phụ Nguyễn Văn Út, vốn xưa kia là nơi cư ngụ của ông thủy tổ họ Nguyễn chúng ta, điểm phát tích của dòng họ Nguyễn ở xóm Bà Giã. Từ đó hương khói liên miên, tâm linh con cháu được thỏa nguyện.
“Cây có gốc mới nảy cành, xanh lá,
Nước có nguồn mới biển cả, sông sâu...”
Tiếp theo đó, các ông Nguyễn Văn Chính, Nguyễn Văn Khóa, Nguyễn Văn Dảm, Nguyễn Văn Phưng phân công nhau đi sưu tầm tư liệu để lập nên bản gia phả cho tộc họ mình, nhưng lực bất tòng tâm, các vị đều lần lượt qua đời, công trình đành dang dở.
Lớp già lần lượt vãng đi, đội ngũ trẻ cũng đã trưởng thành, cộng với điều kiện kinh tế đã khá hơn xưa, nên vào cuối Thu năm Bính Tuất, hội đồng gia tộc họ Nguyễn được triệu tập và quyết định 2 việc lớn:
1. Tái trùng tu ngôi nhà từ đường Nguyễn tộc.
2. Dựng lại hoàn chỉnh bộ gia phả của họ tộc mình.
Hai việc trên đều cần nhiều công sức và tiền bạc nhưng toàn thể họ tộc đều hạ quyết tâm thực hiện. Việc xây cất nhà thờ giao cho Nguyễn Minh Dũng trông nom và quản lý dự án. Việc dựng gia phả thì nhờ sự giúp đỡ của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả trực thuộc hội Khoa học Lịch sử TP.HCM. Hai việc trên đây cùng song song tiến hành.
Việc dựng gia phả bắt đầu từ cuối tháng 8/2006, khởi công đi điền dã, phỏng vấn, hỏi han nhiều gia đình trên nhiều địa phương, đến cuối tháng 12/ 2006 đã cơ bản hoàn thành, chuyển cho hội đồng gia tộc nghiệm thu, sửa chữa, hoàn tất và chánh thức công bố.
Nay bản gia phả cơ bản đã được hoàn thành, tuy nhiên với quy mô của dòng họ khá lớn và với thời gian hạn hẹp, chắc chắc bản gia phả đầu tiên này sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong được toàn thể họ tộc tìm hiểu và bổ sung để gia phả của chúng ta ngày càng hoàn chỉnh.
Bà Giã, những ngày cuối Đông năm Bính Tuất 2006
Đại diện Hội đồng gia tộc:
Ông NGUYỄN VĂN CHẨN
Ông NGUYỄN MINH THẮNG
PHẢ KÝ
“Tầm căn vấn tổ, báo bổn tư nguyên” đó là đạo lý mà lớp hậu bối chúng ta có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện.
Là con người, ai cũng phải có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, do đó việc thờ phụng ông bà, hiếu kỉnh với cha mẹ, đạo lý ấy muôn đời không thay đổi.
Con cháu ngày càng đông đảo, không ai có thể dung nạp hết lịch sử của dòng họ qua bao thăng trầm của lịch sử, nên chỉ có gia phả là giải quyết được vấn đề này. Gia phả thay chúng ta để ghi lại đầy đủ nguồn gốc dòng họ, quan hệ thế thứ, hành trạng của những thành viên, mồ mả giỗ chạp của những người đã khuất. Gia phả còn ghi lại những tấm gương cao đẹp của tiền nhân, để con cháu rọi soi vào đó mà học tập điều hay, tránh bỏ điều dở, không làm điều sai quấy tủi hổ vong linh ông bà. Gia phả còn giúp mọi người trong dòng tộc biết rằng chúng ta là những người cùng chung một giọt máu đào, là cây một gốc, là suối một nguồn, để thương yêu đùm bọc giúp đỡ nhau cùng nhau vượt qua những hoạn nạn, khó khăn của cuộc sống.
Tự hào nhìn về quá khứ để thấy rằng bà con họ ta vốn tương đối nghèo, dĩ nông vi bản, sống chốn quê mùa, thiếu học, nhưng cần cù lao động. Thời bình sống đời yên phận, nhưng khi quốc loạn thì hăng hái vùng lên, vì chính nghĩa, xả thân không nao núng sờn lòng.
Nhưng theo quy luật tự nhiên, tre tàn măng mọc, đời trước qua đi đời sau tiếp nối, phái viễn chi phân, nên lấy gia phả làm cơ sở tập họp, đoàn kết họ tộc, để giúp cho con cháu nội, ngoại chúng ta hiểu biết cặn kẽ cội nguồn và lấy nó làm kim chỉ nam trong cuộc sống.
PHÁT TÍCH DÒNG HỌ
Câu hỏi họ Nguyễn chúng ta có nguyên quán từ đâu, hiện vẫn còn bỏ ngõ! Không có một tư liệu nào nói rõ, chỉ có truyền khẩu là từ miền Trung vào, trong trào lưu di dân mở cõi về phương Nam thời nhà Nguyễn. Cứ cho là như vậy, nhưng ông bà ta đi bằng phương tiện gì, thời điểm nào, cùng đoàn đông hay đơn lẻ... những nghi vấn này vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng. Đó cũng là đặc điểm chung của phần đông các họ tộc từ miền ngoài đã đặt chân đến vùng đất Nam bộ này.
Sách Gia Định thành thông chí viết: “Vùng đất Nam bộ thời xa xưa là nước Phù Nam, từ thế kỷ thứ XI gọi là Thủy Chân Lạp, đến thế kỷ XV, XVI đã có dấu chân người việt đến cư ngụ nơi vùng địa đầu là Mô Xoài, Bà Rịa, lần qua Cần Giờ, Gò Công, Bến Tre theo vùng ven biển...”.
Đầu năm 1698, Khâm sai Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam hợp thức hóa vùng đất Đồng Nai, Sài Gòn, đặt ra phủ Gia Định, coi 2 huyện Phước Long và Tân Bình và đưa dân Ngũ Quảng vào mở mang khai thác. Nơi vùng phì nhiêu đất rộng người thưa này, địa giới của phủ Gia Định lúc đó chỉ đến bờ Bắc sông Vàm Cỏ (tương ứng với miền Đông Nam nộ ngày nay) đã có 4 vạn hộ dân cư ngụ và tên thôn xã đã dần dần xuất hiện.
Năm 1808, phủ Gia Định gọi là Gia Định thành, quản lý 5 trấn, dinh Phiên trấn đổi thành trấn Phiên An, nâng huyện Tân Bình thành phủ coi 4 huyện Bình Dương, Tân Long, Thuận An, Phước Lộc.
Huyện Bình Dương đặt ra 2 tổng mới là tổng Bình Trị có 76 xã, thôn; tổng Dương Hòa có 74 xã thôn, là một vùng rộng lớn từ biển Cần Giờ lên đến miền thượng núi Bà Đen tiếp giáp Sơn Man. Trong 74 xã thôn của tổng Dương Hòa đã có tên thôn Phước An, là tên đầu tiên của xóm Bà Giã, tổ quán của dòng họ Nguyễn chúng ta.
Năm 1834, Minh Mạng bãi bỏ tổng trấn Gia Định, đặt ra Lục tỉnh Nam kỳ trực thuộc triều đình, thì vùng ta thuộc tỉnh Gia Định.
Năm 1836, vua phái Trương Đăng Quế vào Nam đo đạc ruộng đất lập sổ địa bạ cho 6 tỉnh Nam kỳ, đã thấy rõ ràng tên làng tổng mới và tên các vị thôn trưởng, dịch mục, tên các chủ sở hữu điền thổ. Cụ thể như sau:
Tổng Dương Hòa trước kia, nay chia làm 3 tổng là Dương Hòa Thượng, Dương Hòa Trung và Dương Hòa Hạ. Về phần tổng Dương Hòa Trung có 1 xã, 20 thôn (xã và thôn tương đương nhau), trong đó thôn Phước An (hoặc Yên) được ghi rõ: Phước An thôn ở xứ Thị Giã.
Ba phía Đông, Tây, Nam đều giáp thôn Tân Phú Trung, phía Bắc giáp thôn Vĩnh An (tên cũ của Vĩnh Cư) và chỉ có một sở hữu chủ là ông Võ Văn Hay được phân canh ruộng mới khẩn đo được 2 mẫu 8 sào 12 thước. Bảng phân canh ruộng đất có các vị chức việc lập tờ khai: Thôn trưởng Võ Văn Hay ấn ký. Dịch mục Huỳnh Văn Bích điểm chỉ. Võ Văn Phụng điểm chỉ.
Điều làm ta suy gẫm là năm 1836 (năm Minh Mạng thứ 17), đã có tên một chủ đất kiêm thôn trưởng là ông Võ Văn Hay chỉ mới khẩn được vài mẫu đất, mà chưa thấy người họ Nguyễn nào?
SO SÁNH VÀ ƯỚC TÍNH THỜI KỲ CỦA ÔNG TỔ PHỤ ĐẦU TIÊN
Bút tích của ông Võ Văn Tín
Vị tổ phụ cao nhứt họ Nguyễn chúng ta là Nguyễn Văn Tào, (có mộ nhưng mới biết được tên do di cảo của ông Võ Văn Tín, là cháu nội của bà Nguyễn Thị Hớn ghi lại), sanh ra 2 người con, người anh tách ra về ở xóm Bàu Sim, người em là Nguyễn Văn Trị định cư tại xóm Bà Giã. Hiện nay không có tư liệu nào nói về thời gian ra đời của các vị ở đời I và đời II này.
Mãi đến đời III, mới biết được ông chín Nguyễn Văn Nương có năm sanh là 1844, mà trước ông còn 7 anh chị nữa. Nếu mỗi anh em sanh cách nhau 2 năm thì ta phỏng chừng người con trưởng của ông Nguyễn Văn Trị ra đời vào năm 1830. Và nếu mỗi đời cách nhau khoảng 20 năm thì ông Trị (đời II) sẽ có năm sinh vào khoảng 1810, cùng xấp xỉ thời gian với ông Võ Văn Nhâm, Võ Văn Ngoan, đời II họ Võ.
Vậy thì ông cao tổ Nguyễn Văn Tào (đời I) ra đời vào khoảng năm 1790, lúc mà Nguyễn Vương Phúc Ánh rời miền Nam, mang đại quân ra miền ngoài dần dần chiếm lại ngai vàng vào năm 1801, suýt soát với tổ phụ họ Võ - ông Võ Văn Hay.
Tuổi tác thì là vậy, nhưng ông từ miền ngoài vào là từ đâu, đến trong thời gian nào, lúc được bao nhiêu tuổi, đi bằng phương tiện gì, đã có gia đình chưa, có ai cùng đi và mục đích gì? v.v... Bao nhiêu câu hỏi vẫn còn là một ẩn số! Có điều chắc chắn là họ đi khi cuộc chiến tranh giữa tân Nguyễn và cựu Nguyễn đã chấm dứt, việc đi lại đã được dễ dàng.
Ở đây ta không phân tích họ nào đến trước, họ nào đến sau, mà chỉ biết rằng vào năm 1836, ông Võ Văn Hay đã là vị thôn trưởng của làng và đất kê khai chỉ là đất mới khẩn, thời điểm đó nếu đúng thì ông Hay cũng phải trên 40 tuổi, và ông Tào cũng bằng trạc tuổi ấy nhưng chưa kịp khai thác hoàn chỉnh để đăng ký khai báo hợp lệ nên chưa có tên trong danh sách chăng?
Trên đường xuôi về Nam, ít nhiều giữa hai họ vẫn có sự liên lạc với nhau, bởi không phải ngẫu nhiên mà khu đất định cư của họ Nguyễn chúng ta liền ranh với đất họ Võ, khái niệm “tối lửa tắt đèn” và “bà con xa không bằng láng giềng gần” đã sớm được thể hiện, rồi sau này qua những cuộc hôn nhân giữa 2 họ càng làm cho tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó hơn.
Như trên, ta thấy hai ông tổ của hai họ Võ, Nguyễn là những người đã đến đây là sớm nhứt. Nếu có trước sau cũng không bao lâu, họ là những người quy dân lập ấp để trở thành là tiền hiền khai khẩn và đắp lộ cất trường để thành bậc hậu hiền khai cơ. Qua 3 thế hệ thì người Pháp đến, đồng thời đã xuất hiện thêm một cánh họ Nguyễn nữa từ miệt Gò Vấp lên, hình thành thêm một dòng họ mới ở đây.
Kết luận ông tổ Nguyễn Văn Tào, người đầu tiên khai canh ở Bà Giã, sanh tại nguyên quán khoảng năm 1790, vào Nam khoảng cuối đời Gia Long năm 1820, không biết được năm mất, còn có mộ trên đất nhà, cạnh bên nhà thờ tộc ngày nay. Ông vào đây cùng thời với cánh họ Võ, có hai người con trai nối dõi, ngày nay hậu duệ hai họ cùng chung sống nơi ấp 1, xã Phước Vĩnh An.
CẢNH QUANG BUỔI BAN ĐẦU
Các nhà địa chất gọi thổ nhưỡng nơi đây là vùng cuối của đất gò phù sa cổ Đông Nam bộ, gò cao đất sét pha sỏi khô cằn, rừng tán thấp đan xen theo trảng, khá hoang vu, có một số người dân tộc cư trú. Nhưng bù lại xung quanh xóm Bà Giã này cũng được thiên nhiên chiếu cố. Về phía Bắc có bưng Láng The dài lên Cây Bài; phía Tây có eo ruộng Bàu Dài, suối Lội; phía Nam có Bàu Dầu, Bàu Sim; về phía Đông thì ruộng ăn thông ra Cây Da, Giồng Sao thích hợp cho vùng chuyên canh lúa nước một vụ, kể ra ông bà ta cũng khéo chọn. Về mặt lưu thông phải kể đến “con đường sứ phía Tây” đi xuyên qua làng Tân Phú Trung, Tân An Hội lên Củ Chi là gần xóm ta.
Sách Gia Định thành thông chí viết: “Tháng 10 năm Ất Hợi 1815, vua Gia Long sai quan trấn Gia Định, đo từ cửa Đoài Duyệt phía Tây thành Phiên An qua cầu Tham Lương, đi bến đò Thị Sưu qua chằm Lão Nhông giáp ngã ba Khe Răng đến đất Cao Miên gặp sông lớn, đường dài 439 dặm, gặp sông bắt cầu, chỗ bùn lầy thì bồi đắp, gặp rừng thì đốn cây, mở đường bề ngang rộng 6 tầm, qua nhiều nơi hẻo lánh không có người, đó là đường Thiên Lý lưu thông giữa Việt Nam và Cao Miên”.
Qua năm1880, người Pháp dựa trên cơ sở đường cũ ấy trải đá xanh, tráng nhựa thành đường thuộc địa số 1 (route Colonial no1) và tiếp tục mở thêm hương lộ 2 từ Tân Phú Trung đi Trung Lập, tỉnh lộ 8 từ Củ Chi đi Thủ Dầu Một.
Đầu thế kỷ XIX, một cánh họ Nguyễn nữa gia nhập vào cộng đồng dân cư Bà Giã, với thế lực mạnh là cai tổng, phủ huyện, nên vào năm 1925 dân chúng được huy động đi thu gom sỏi đỏ về đắp thêm con đường từ đường số 2 vào đến nhà ông, từ đó trong vùng đã có được 1 cây số đường cấp phối, còn lại là những con đường đất liên ấp cho xe bò lưu thông.
Trong công cuộc mở rộng đất đai, khi các họ đã có nhiều con cháu thì đã thấy họ Võ từ trung tâm mở rộng về phía Đông giáp với Tân Phú Trung, về phía Bắc, xưa gọi là ấp Phước Thạnh và qua ấp 2, xưa gọi là ấp Phước Yên. Riêng về họ Nguyễn đã theo hướng Đông của trung tâm về ngụ cư nơi ấp Phước Thới, tên dân gian gọi là Xóm Bến (xem bản đồ) cho đến ngày nay.
NHỮNG CUỘC ĐỔI THAY
Đời II, họ Nguyễn có 2 anh em. Người anh chưa được biết tên, rời cha mẹ đi về hướng Nam, thuộc xóm Bàu Sim, Tân Phú Trung, địa bàn cư trú ngày nay là dọc theo hương lộ 2, lần lên phía ấp Hậu, xã Tân Thông Hội. Tuy vậy khi qua đời vẫn đưa về an táng chung với cha mẹ và người em ở Bà Giã và nghiễm nhiên tách biệt thành một phái, nay vẫn còn giữ mối liên lạc với nhau.
Người em là ông Nguyễn Văn Trị cùng con cháu mình ở lại Bà Giã tạo thành một phái họ Nguyễn đông đúc ở đây. Qua đến đời III khi người Pháp đến và đặt bộ máy cai trị tới tận làng thôn bằng bộ máy hương chức hội tề. Địa danh từ làng Phước Ninh, tổng Long Tuy Thượng, huyện Bình Long đã thành làng Phước Vĩnh Ninh, tổng Long Tuy Thượng, quận Hóc Môn.
Thế chân vạc ba họ Võ - Nguyễn - Nguyễn thoạt đầu tưởng như sẽ tạo thành một xã hội nông thôn khép kín, mỗi họ hùng cứ một vùng và thật sự cũng đã xảy ra vài sự kỳ thị đáng tiếc, nhưng rồi do đất lề, quê thói, do lòng vị tha rộng mở của con người Việt Nam, rồi do các cuộc kết hợp hôn nhơn với nhau qua nhiều thế hệ đã biến từ xa lạ thành thân quen, gọi nhau là nội, ngoại, khiến cho mọi tỵ hiềm, ganh ghét biến mất, thay vào đó là tình nghĩa bà con, tình làng nghĩa xóm, nhất là qua 2 cuộc kháng chiến, tình đồng chí, nghĩa đồng đội họ càng gắn bó nhau hơn.
Tiếng là dân Ngũ Quảng, hành phương Nam tìm miền đất hứa, họ đã mang theo tâm linh tín ngưỡng và xây dựng đình, miếu, thờ cúng ông bà. Với tập quán chuyên canh lúa nước, họ mạnh dạn cải tạo tập quán cày đỏi thành cày mên, dùng gàu giai bỏ gàu sòng và phá bỏ lối sống nông thôn khép kín với lũy tre, hào sâu quanh một cổng làng.
Sau khi đại đồn tan vỡ, Đặng Văn Duy người Bàu Sim theo gót Trương Định về chuyên biện huyện Tân Ninh, Quang Hóa, diệt đồn Tây Thới rồi tỵ địa về làm Án sát Bình Thuận cho đến cuối đời.
Ở Bà Giã, nghĩa sĩ Võ Văn Nhâm, con của thôn trưởng Võ Văn Hay mở rộng vùng kháng chiến ở Tha La, Bà Sự, Núi Cậu, Dầu Tiếng, cuối cùng bị vây khốn ở vùng “vòng thành Long Xuyên”, (nay mộ ông ở đồng mả Xóm Bến) rồi đến trận “Thập bát phù viên” vợ chồng Trần Tử Ca phải đền tội, để rồi tiếp đó làng thôn bị đắm chìm trong nô lệ.
Nhưng rồi người dân nghèo ít học đã thức tỉnh bởi làn gió dân sinh, dân chủ thổi tới từ những năm 30 của thế kỷ 20. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đóng ở Bà Điểm, đã đưa tinh thần của Đông Dương đại hội lan đến Tân Phú Trung, Phước Vĩnh Ninh và nổ ra cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23/11/1940 mà họ tộc ta cũng đã đóng góp nhiều công sức, xương máu, tuy cuộc khởi nghĩa bị thất bại và Bến Đò, Bà Giã bị đàn áp đẫm máu.
Thế hệ thứ tư họ Nguyễn sống trọn trong thời bị trị cũng lần lượt quy tiên nhường chỗ cho lớp người thứ năm đã bắt đầu hấp thụ tư duy mới và niềm tin mới. Họ tộc ta có người đã ngã xuống nơi dinh quận Hóc môn, có người gởi xương nơi địa ngục Côn Đảo cũng có người qua ác liệt chiến tranh ngày nay vẫn còn hiện hữu như Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lánh đã hơn 90 tuổi.
XÓM BÀ GIÃ VÀ HỌ NGUYỄN TRONG KHÁNG CHIẾN 9 NĂM
Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã chấm dứt 80 năm nô lệ và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng cuộc vui vừa tròn tháng thì người Pháp dựa vào quân Anh, Ấn để tái chiếm Sài Gòn, chúng lấn ra Hóc Môn, Củ Chi làm cho nhân dân ta có súng dùng súng, có gươm dùng gươm, không súng gươm thì dùng gậy gộc, đứng lên làm Việt Minh, quyết không đội trời chung với giặc.
Từ khi chánh quyền về tay nhân dân, ta giải tán tổng làng, đốt bỏ và đoạn tuyệt với tàn tích cũ, gia nhập các đoàn thể cứu quốc chung quanh Mặt trận Việt Minh, gia nhập dân quân, vào Vệ quốc đoàn đánh giặc giữ nước.
Trong ủy ban kháng chiến hành chánh xã, thoạt đầu là Phước Vĩnh Ninh với ba làng Phước Ninh, Vĩnh Cư, Vĩnh Phước nhập lại, nay có thêm ấp Vĩnh An (Cây Sộp) của Tân An hội nhập về nên có tên mới là xã Phước Vĩnh An, dưới có 10 ấp là: 1. Phước Yên; 2. Phước Thành; 3. Phước Lợi; 4. Phước Thới; 5. Phước Thạnh (tức xóm Bà Giã, làng Phước Ninh cũ, nay là ấp 1 và ấp 2); 6. Vĩnh Phước (tức xóm Bàu Hóc, làng Vĩnh Phước cũ, nay là ấp 3); 7. Vĩnh Hòa; 8. Vĩnh Lợi; 9. Vĩnh Tân (tức Cây Bài, Trùm Tri, làng Vĩnh Cư cũ, nay là ấp 4, 5, 6); 10. Vĩnh An (tức Cây Sộp nay trả về cho xã Tân An Hội) và tên Phước Vĩnh An là do chánh quyền kháng chiến đặt ra, nay vẫn sử dụng.
Viện binh từ chánh quốc được tiếp viện, chúng đưa lực lượng thiện chiến Lê Dương từ Âu châu sang đóng căn cứ từ Hóc Môn lên Củ Chi, Suối Cục, Bến Cỏ, Tân Thạnh Đông mỗi nơi một đại đội tinh nhuệ để dần dần bóp nghẹt khu vực tự do Bà Giã, Cây Da, nơi đã từng có lúc lãnh đạo quận Hóc Môn và thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn từ vùng Tân Mỹ, Bình Lý về dừng chân ở đây, phải một lần nữa chuyển lên An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng.
Quốc lộ 1 là đường giao thông huyết mạch chạy suốt xã Tân Phú Trung được xe tuần tiểu và hệ thống tháp canh bảo vệ triệt để, riêng các tỉnh lộ 8, hương lộ 1, hương lộ 2 bị ta phá, giặc không sử dụng được, nên độ 5, 3 tháng giặc tập trung càn quét lớn một lần. Chỉ có số cán bộ là tránh né, còn phần đông dân chúng đều bị tập trung để “bao bố” nhìn mặt, và có một số bị bắt, bị bắn...
Cuộc chiến ngày càng tăng, vùng tự do ngày càng thu hẹp, xe bọc sắt chạy tuần tiểu suốt ngày, đi ruồng bố bất kể ngày đêm, sự thiệt hại về nhân mạng và tài sản ngày càng nặng nề hơn.
Không chịu đầu hàng số phận, trong cái khó ló cái khôn, nhất là do sự sáng tạo tuyệt vời của người nông dân Việt Nam, hòa với kinh nghiệm máu xương năm 1940, với phương châm đánh không được thì trốn! Nhưng trốn ở đâu? Chạy ra bưng: làm mồi cho phục kích, bay lên trời: không có cánh (thực tế cũng có người ẩn thân trên những cây cổ thụ khá an toàn, nhưng có lúc không kịp trèo đã bị bắn đổ ruột), đành phải dùng cách chui xuống đất, thế là hầm bí mật ra đời. Đó là sự sáng tạo tuyệt vời của người nông dân không có điều kiện học hỏi ở đâu và ở ai cả.
Đồng thời lúc ấy tổ chức dân quân được thành lập từ Nam bộ xuống tỉnh, huyện, xã, dưới xã là các đại đội dân quân ấp để kết hợp 3 thứ quân chủ lực, địa phương và dân quân du kích hầu thực hiện tổng phản công trên cả nước.
Từ đó ở Bà Giã và Cây Da, hầm bí mật cá nhân hoặc cho cả gia đình đã có tác dụng tích cực, nhưng không dừng lại ở đó mà phát triển thành địa đạo ngũ gia, rồi ăn thông liên xã Phước Vĩnh An, Tân Phú Trung, thêm vào đó là rào xã chiến đấu, đào hầm chông, lựu đạn gài, và địa đạo dài ở mỗi xã là 10km, từ chỗ trốn giặc đã thành là nơi chống giặc có hiệu quả.
Trong lúc nhân dân đang tràn ngập niềm tin thắng lợi thì bất ngờ tai họa thiên nhiên giáng xuống, trận bão lụt Nhâm Thìn năm 1952 xảy ra, nước ngập trắng đồng, nguy cơ đói kém đến với dân, với bộ đội lâm le diễn ra trước mắt, giặc lại hành quân đánh phá địa đạo liên tiếp nhiều ngày, dở nhà gom dân vào ấp chiến lược, đóng bót Cây Da, ngày tang thương ấy nhân dân gọi là ngày “mất xã”.
Do đó, cấp trên chủ trương cho một số chiến sĩ tạm thời chôn giấu vũ khí, tìm cách về thành sống hợp pháp chờ thời cơ, số người già, đàn bà, trẻ con vào ở trong ấp chiến lược để làm vốn dự trữ sau này. Số người về thành bất đắc dĩ này vừa lo chuyện đời sống, vừa lo tránh né bọn chỉ điểm, không bao lâu thì Hiệp định Genève năm 1954 đem lại đình chiến và đất nước tạm chia đôi, và công trình địa đạo thời 9 năm của Phước Vĩnh An, Tân Phú Trung như đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của nó.
Tưởng chừng như hòa bình đã đến, mọi người hăm hở tiễn người ra đi, hứa hẹn 2 năm sau tái ngộ. Những người xa quê nhanh chóng trở về mảnh vườn xưa đã vắng bóng một số người thân yêu. Hiệp định bị phản bội, Mỹ thay Pháp đưa kẻ thân tín về lập lên chế độ Việt Nam Cộng hòa ở Sài Gòn âm mưu chia đôi đất nước vĩnh viễn. Địch lại hành quân bắt lính, tố cộng dời nhà, gây ra bao cảnh tang tóc đau thương, và nhân dân lại bước vào một cuộc chiến đấu mới đầy cam go.
Khi Mỹ trực tiếp đổ quân vào Việt Nam. Ở quê ta, chúng dựng lên căn cứ Đồng Dù, một khu liên hợp quân sự mạnh để đè bẹp đất thép Củ Chi. Thời gian này, Bà Giã không còn một mái nhà, một gốc cây, một ngọn cỏ. Xe tăng, xe ủi đã san bằng tất cả, kể cả mả mồ thiêng liêng của họ tộc. Thuở ấy, đứng từ đường số 1 ở Tân Phú Trung có thể nhìn suốt xóm Bà Giã, thấy căn cứ Đồng Dù, tưởng chừng như một vùng đất chết. Nhưng địa đạo năm xưa đã được bí mật sửa sang và sẵn sàng chiến đấu với giặc.
Những người đời V sanh ra và trưởng thành trong thời thuộc địa đã dần dần qua đời trong chiến tranh, thế hệ thứ VI đã cùng nhân dân cả nước tham gia công cuộc đánh Mỹ cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong 21 năm chiến đấu gian khổ này, họ tộc chúng ta đã đóng góp một phần không nhỏ. Con cháu họ Nguyễn nhiều người đã trở thành liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng là minh chứng rõ ràng nhất cho sự đóng góp, hy sinh này.
NHỮNG NĂM SAU 1975
Người dân Phước Vĩnh An, Tân Phú Trung đã chứng kiến cảnh tháo chạy của Sư đoàn 25 bộ binh ở căn cứ Đồng Dù, biết người con gái họ Nguyễn - bà Bảy Lánh - hiên ngang cắm cờ giải phóng nơi dinh quận Củ Chi và hân hoan nhìn đoàn quân dài oai hùng tiến về giải phóng Sài Gòn. Hòa bình trở lại trên quê hương, người người hăm hở trở về dọn sạch bom mìn, dựng lại mái nhà xưa, chờ đón người thân đi tập kết, đi kháng chiến trở về và bắt tay xây dựng lại ruộng vườn hoang phế, lo cho cái ăn cái mặc của gia đình.
Vượt qua giai đoạn bao cấp khó khăn, ngày nay đất nước đã mở cửa, đổi mới, nền kinh tế nước nhà đã khởi sắc, quê hương ấp 1 rợp bóng cây xanh, đường tráng nhựa thay cho đường đất tận hang cùng ngõ hẽm, công ty xí nghiệp mọc lên san sát, nhà cửa nhân dân tường xây ngói đỏ, ô tô xe máy dập dìu, công nghệ thông tin phủ khắp với một triển vọng dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh...
Ba mươi năm một chặng đường mới, một thế hệ trưởng thành, một thế hệ nữa tiếp theo, trong hoàn cảnh sản xuất nông nghiệp thiếu phần hấp dẫn, số trai gái làng đều có xu hướng chuyển qua làm công nhân xí nghiệp để được nâng cao tri thức, làm chủ quỹ thời gian và thu nhập ổn định, giã từ cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Lớp trẻ ngày nay, đã thấy xuất hiện kỹ sư, bác sĩ, có người tham gia bộ máy lãnh đạo cấp thành phố là đáng mừng nhưng mong rằng con cháu ta nên chú tâm việc học và học cao lên mới có điều kiện chen chân vào thời hội nhập, do vậy chủ trương khuyến học là điều cần thiết.
Niềm vui đầy ắp, nhưng thoáng chút buồn lo, lướt qua đầu làng cuối xóm bỗng thấy những dinh thự kín cổng cao tường mọc lên, vài khoảnh đất rào kẽm gai để đó, hỏi ra thì đất đã sang nhượng cho các người giàu có, về đây tránh nhịp sống ồn ào phố thị. Đất đai ông bà sang tay người khác, bỗng thấy ngậm ngùi cho công lao tạo dựng của tiền nhân. Cá biệt, có trường hợp giá đất làm cho mờ mắt, để đạo lý bị xem thường, nghĩa tình bị xem nhẹ, tình thân bị sứt mẻ.
Cũng nên khuyến khích nếu bán đất để lấy tiền mở mang trang trại, xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh. Đằng này tiền bán đất là để xây nhà đẹp, mua sắm xe máy tivi, điện thoại di động mà con cái vẫn rách rưới thất học là điều đáng để mọi người suy gẫm.
ĐÔI ĐIỀU CÒN ĐỌNG LẠI
Khỏi phải bàn cãi, họ ta là tộc họ đã đến định cư khá sớm trên đất Bà Giã này, nhưng hành trang mang theo chỉ là đôi bàn tay trắng và với sự cần cù lao động đấu tranh với thiên nhiên, với rừng rậm thú dữ, với khí hậu khắc nghiệt để làm ra chén cơm manh áo, một nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống.
Cũng thật khó hiểu, tại sao đời II lại phải có người tách ra đi về phía Bàu Sim, mảnh đất khô cằn, không màu mỡ bằng xứ Bà Giã hiện vẫn thưa người? Để rồi mạnh ai nấy lo sinh kế không ai có đủ khả năng để giúp đỡ cho nhau.
Cuộc sống cứ thế mà tiếp diễn, cũng không biết từ lúc nào mà phái Bàu Sim có người làm nghề thấy pháp, lên đồng để trị bịnh cho người theo kiểu tín ngưỡng thánh thần, ma quỷ. Nhìn chung về mặt đời sống vẫn thuộc lớp dân nghèo, phải chăng vì thế mà có nhiều người đồng cảm với cách mạng vô sản, đi theo con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trái với ông về Bàu Sim chỉ có một con trai, thì ông ở lại tại Bà Giã lại khá đông con, 9 người vừa trai vừa gái. Trong đó có 3 người con trai trưởng thành và phát triển gần như trọn vẹn ấp Phước Thới xưa với thế đất “thượng thổ hạ điền” sớm mang lại thành quả về mặt kinh tế để có một vị trí nhất định trong xã hội, được cử làm hương chức hội tề như ông Tám Son, ông Ba Trừu, ông Bảy Vấp, có ông còn kiêm nghề xem mạch hốt thuốc, coi ngày và họ là số ít người xây được nhà “phông tô”, bởi số còn lại hầu hết đều đầu tắt mặt tối quanh năm, làm đủ thứ nghề hoặc phiêu lưu xa xứ...
Đã nghèo nhưng sanh đẻ đông con, rồi chết nhỏ cũng không ít, sự chết chóc làm suy sụp tinh thần của nhiều người, họ cầu thầy làm phép “việc trùng, việc vớt”.
Đói nghèo bệnh tật, cuộc đời phiêu bạt nhiều vợ, nhiều chồng, gia đình không êm ấm rồi cũng quên đi để cuối cùng còn lại một phần thưởng vô giá là con, dâu nhà họ Nguyễn được tổ quốc ghi công, được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng đời đời được lưu danh trong nhà truyền thống, trong đình miếu, trong bia đá sử vàng. Hiện diện với chúng ta hôm nay còn có bà bảy Nguyễn Thị Lánh, ông chín Nguyễn Văn Chẩn và bà mười Nguyễn Thị Ẩn, mong sao ông bà luôn khang kiện.
Những tấm gương của người còn sống và cả những người đã khuất luôn thể hiện sự cần cù lao động, siêng năng chăm chỉ, chịu khó chịu thương, giàu không kiêu căng, nghèo không nản chí, thời bình thì tay cày tay cuốc, thời chiến thì đeo súng mang gươm... Còn những người phụ nữ chân yếu tay mềm thì luồn lách qua vòng vây của địch để tiếp tế từng lon gạo, từng lon muối cho chiến sĩ, cán bộ đang nằm hấm được no lòng đánh giặc không kể công lao. Thế hệ hôm nay không còn vướngbận nỗi lo, nhà nhà phong quang khởi sắc, có điều kiện tổ chức cuộc sống gia đình, khuyến khích con cái ăn học, chung tay xây dựng xóm làng, đề phòng tệ nạn xã hội không dung thứ.
Và rồi để gọi là không làm điều gì sai quấy, để tủi hỗ đến vong linh ông bà, bổn phận chúng ta phải: Chấp hành tốt chủ trương chính sách của Nhà nước. Xây dựng đời sống mới ở khu dân cư. Đối với họ tộc phải trên thuận dưới hòa, huynh hữu đệ cung, đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau, khuyên răng, dạy dỗ khi mắc lỗi lầm. Chăm sóc mồ mả ông bà, lo toan việc giỗ chạp. Quan tâm hương khói nhà thờ và tìm hiểu gia phả họ tộc. Đối với họ tộc khác cùng sống trên địa bàn, phải bình đẳng và tôn trọng, bởi “bà con xa không bằng láng giềng gần”.
Ngày nay có người còn công vụ buộc ràng, có người đi làm ăn xa, cũng có người đi tản cư trong thời chiến tranh nay không về, lại có người buộc lòng phải thay tên đổi họ, có người sinh sống ở nước ngoài, nay danh sách đã được lưu vào gia phả, xin hãy tự hào mình còn mang nguyên dòng máu họ tộc. Hãy xem nơi đây là nơi chúng ta chung gốc chung nguồn và chung dòng máu cha ông.
Bà Giã những ngày cuối Đông năm Bính Tuất 2006
Các tin cũ
- » 022. Gia phả họ Tô (xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM) 15/08/2022 10:58:57
- » 021. Gia phả họ Phạm (xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) 15/08/2022 10:44:02
- » 020. Gia phả họ Nguyễn (ấp Bình Tả, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) 14/08/2022 22:49:21
- » 019. Gia phả họ Nguyễn (ấp Bình Lợi, thị trấn Tân Trụ, tỉnh Long An) 14/08/2022 22:32:12
- » 018. Gia phả Họ Lê (xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TP.HCM) 14/08/2022 22:06:20
- » 017. Gia phả họ Huỳnh (phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM) 14/08/2022 21:55:01
- » 016. Gia phả họ Huỳnh (ấp Nhơn Trị, Nhơn Thạnh Trung, Tân An & ấp Rạch Đào, Bình Phong Thạnh, Thủ Thừa, Long An) 14/08/2022 21:37:43
- » 015. Gia phả họ Võ (xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) 14/08/2022 21:30:17
- » 014. Gia phả họ Trương (ấp Giồng Dứa, Mỹ Hạnh Nam, Đức Hòa, Long An) 14/08/2022 21:10:54