Trang chủ > 028. Họ Phạm Duy (thôn Đại Hào, Triệu Đại, Triệu Phong, Quảng Trị)

028. Họ Phạm Duy (thôn Đại Hào, Triệu Đại, Triệu Phong, Quảng Trị)

18/08/2022 18:20:53

Họ Phạm Duy ở thôn Đại Hào, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2008.

LỜI MỞ ĐẦU 

Dòng họ Phạm Duy ta là dòng họ sống rất lâu đời ở thôn Đại Hào thuộc xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Các bậc cao niên trong làng đã kể lại là họ tộc Phạm Duy ta đến làng Đại Hào rất sớm. Ông Thủy tổ đã nỗ lực khai phá đất đai, chống lại thú dữ, sơn lam chướng khí; cuốc đất đắp bờ, chăm lo đồng ruộng và khéo răn dạy con cái biết thương yêu nhau, kính trên nhường dưới, biết đối nhân xử thế. Đến đời thứ tư, Phạm Duy Tý thì ruộng đất, của cải dư thừa; con cái ngày càng đông đúc hơn lên. 

Rồi chiến tranh bùng nổ, dòng họ ta cũng sớm tham gia đánh Pháp, đuổi Mỹ, đóng góp đáng kể cho quê hương đất nước. Người đóng góp công lao, của cải; người đóng góp máu xương cho hai cuộc kháng chiến; có người chiến đấu bảo vệ làng thôn, có người gian lao chốn chiến trường, cũng có người bị tù đày nhiều lần vẫn một lòng vì cách mạng, vì nhân dân … Công lao của các thế hệ đi trước đã tạo dựng cho dòng họ, bảo vệ và xây dựng quê hương đáng được con cháu tự hào, học tập và tri ơn. 

Cùng với việc lập nhà Từ đường, việc tôn tạo mồ mả; việc lập gia phả cũng là việc làm nhằm tri ơn tổ tiên đồng thời qua gia phả con cháu mới biết được cội nguồn dòng họ mình, những truyền thống tốt đẹp của tổ tiên mình, biết được danh tánh, thứ thế; biết được đâu mồ mả để chăm sóc, biết ngày tháng năm sinh năm mất để giỗ chạp cho đúng. 

Họ ta đã xây được Nhà thờ họ, đã hoàn thành việc cải táng mồ mả tổ tiên, còn gia phả cho họ Phạm Duy ta thì chưa có. Nhiều lần về lại Đại Hào tảo mộ ông bà, viếng nhà thờ họ, thăm bà con, hỏi chuyện xóm giềng… tôi có chút ưu tư. Dòng họ Phạm Duy là họ lớn cùng với họ Nguyễn khai mở đất đai, truyền qua nhiều đời trên đất Đại Hào, nhưng việc lập gia phả chưa được Hoàn thành.  

Cụ Nguyễn Ngọc Duệ là người họ ngoại đã có công lập “Gia Phổ” cho họ ta song vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ. Cụ giao trách nhiệm cho tôi bổ sung. 

Chiến tranh đã qua hơn 30 năm, nay con cháu các đời đi khắp nơi trên đất nước để lao động cải tạo cuộc sống, để học tập nên tôi chưa có được bộ gia phả hoàn chỉnh cho dòng họ mình. Càng nhớ đến lời nhắc nhở của ông bà ta “Cây có cội, nước có nguồn” tôi càng thấy trăn trở. May thay tôi biết được có Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia Phả thành phố Hồ Chí Minh chuyên làm gia phả cho các dòng họ nên tôi nhờ tổ chức này lập gia phả cho dòng họ ta. Các chuyên viên đã ra tận Đại Hào làm rõ nguồn gốc dòng họ, Tổ quán ta. 

Tập Gia phả họ Phạm Duy - Đại Hào, Triệu Phong, Quảng Trị gồm lời mở đầu, phả ký, phả hệ và ngoại phả. Tôi với tư cách là hậu duệ Đời 7 của dòng họ Phạm Duy xin trân trọng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm của các chuyên viên Gia phả và cám ơn bà con dòng họ đã cung cấp thông tin chính xác và tạo điều kiện cho các chuyên viên Hoàn thành bộ gia phả này. 

Tôi cũng cám ơn cụ Nguyễn Ngọc Duệ đã cung cấp tập “Gia Phổ họ Phạm Duy” để làm cơ sở cho việc biên soạn tập gia phả họ ta. Dẫu có nhiều cố gắng song không tránh khỏi thiếu sót. Mong bà con tiếp tục phát hiện và bổ sung cho tập gia phả được Hoàn chỉnh nhằm giúp dòng họ ta hiểu biết về cội nguồn, quy mô dòng họ và những truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, đoàn kết nhau ra sức lao động, học tập; giúp nhau trong cuộc sống để làm rạng danh thêm cho dòng họ. 

Bộ gia phả này có thể phổ biến rộng rải.  

 Viết tại Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 5 năm 2008 

Hậu duệ Đời thứ 7
PHẠM KHƯ 
HẠM BẰNG TOÀN 

  

PHẢ KÝ 

 Hàng năm vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, nhân dân nước ta hướng về Đền Hùng, hướng về các vua Hùng là những vị vua đầu tiên dựng lên nhà nước Văn Lang; lại nhớ lời dặn dò của Bác Hồ khi đến nói chuyện với Đại Đoàn Quân Tiên phong tại Đền Hạ thuộc Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ ngày 18 tháng 9 năm 1954 :  

Các vua Hùng đã có công dựng nước, 

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. 

Suy ngẫm lời nói của Bác Hồ, đọc lại lịch sử nước nhà để thấy rằng các vua Hùng đã dựng lên đất nước gấm hoa, trải qua các thời kỳ thăng trầm của lịch sử, tiếp nối nhiều thế hệ con cháu Vua Hùng đã đổ máu xương để giữ nước, mở rộng bờ cõi, đưa đất nước Việt Nam tiến lên cường thịnh.  

Sách xưa chép: “Quốc hữu Quốc sử - Tộc hữu Tộc phả” tức là “Nước có sử, dòng họ có phả” 

Sử ghi chép về các đời vua chúa, các triều đại; về từng thời kỳ chống ngoại xâm, giành độc lập của dân tộc; Phả ghi chép từ ông Tổ dòng họ đến con, cháu, chắt sau này; ghi nhiều đời, nhiều chi phái, ghi từng người trong họ tộc; ghi chuyện hay chuyện dở, chuyện học hành, làm ăn; chuyện di chúc, thờ cúng, chuyện tình làng nghĩa xóm gắn liền với đất đai tổ quán v.v… 

Đọc lịch sử hiểu được những bước thăng trầm của đất nước, đọc gia phả hiểu rõ “lịch sử dòng họ”, hiểu ông bà tổ tiên đã có công khai khẩn đất đai, sanh con đẻ cái phát triển dòng họ, tạo lập kỷ cương, lưu giữ truyền thống và truyền lại cháu con … như thế nào !  

Như họ Phạm Duy của chúng ta từ Thanh Hóa vào đất Thuận Hóa, đến vùng An Cư, rồi sang Đại Hào - Triệu Phong, đổ mồ hôi khai khẩn đất đai, trồng trọt, dựng xây làng xóm; trong hai cuộc chiến tranh khốc liệt đã đóng góp máu xương, nhà cửa tiêu tan … mãi đến ngày Hoà bình mới an cư lạc nghiệp cho đến ngày nay; thì “lịch sử dòng họ Phạm Duy” đã gắn liền với sự thăng trầm, hưng thịnh của Đại Hào,Triệu Phong, Quảng Trị.  

 LỊCH SỬ MỘT VÙNG ĐẤT 

Năm 1558, Nguyễn Hoàng vâng mệnh vua Lê Anh Tông vào làm trấn thủ đất Thuận Hóa (bao gồm phủ Tân Bình và phủ Triệu Phong), cùng đi có hàng ngàn binh lính và họ hàng ở Tống Sơn, Nghĩa Dũng thuộc đất Thanh Hóa; đông đảo nhất là 4 họ Lê, 

Nguyễn, Trần, Trương. Thuở đầu, Nguyễn Hoàng dựng dinh trại ở Ái Tử huyện Đăng Xương (nay là huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), vỗ về quân dân, thu dụng hào kiệt, khai hoang lập ấp, tiếp tục đón nhận di dân từ Đàng Ngoài vào mà phần đông là dân nghèo các làng thôn ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.  

Năm 1801, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Gia Long, lập dinh Quảng Trị bao gồm đất đai các huyện Hải Lăng, Đăng Xương (tên cũ là Vũ Xương), Minh Linh và đạo Cam Lộ (mới lập).  

Tên Quảng Trị có từ lúc Nguyễn Ánh lên ngôi. 

Thời Pháp thuộc, Toàn quyền Đông Dương Jules Georges Piquet đã ra Nghị định hợp nhất tỉnh Quảng Trị với tỉnh Quảng 

Bình thành tỉnh Bình Trị vào năm 1890. Sáu năm sau, Toàn quyền Paul Armand Rosseau lại ra Nghị định tách Quảng Trị ra khỏi địa hạt thuộc quyền công sứ Đồng Hới, hợp cùng với Thừa Thiên đặt dưới quyền Khâm sứ Trung kỳ.  

Trong thời kháng chiến chống thực dân Pháp, Quảng Trị - Triệu Phong là vùng đất có các phong trào đấu tranh mạnh mẽ, tổ chức võ trang đều khắp, đội ngũ đảng viên và cán bộ trung kiên. Sau Hiệp định Genève năm 1954, đất nước Việt Nam bị chia cắt bởi sông Bến Hải thì tỉnh Quảng Trị trở thành địa đầu giới tuyến với hai huyện Gio Linh, Vĩnh Linh là những vùng đất chịu nhiều tang thương chết chóc do chiến tranh gây ra. Mùa hè  năm 1972, thị xã Quảng Trị trải qua 81 ngày đêm đạn bom với mức hủy diệt khốc liệt chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh VIệt Nam. 

Tháng 5 năm 1976, sau khi ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên thì thị xã Quảng Trị trở thành huyện lỵ của huyện Triệu Phong.  

Tháng 1 năm 1977, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định thành lập thị trấn Triệu Phong. Tiếp đó, hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng hợp nhất thành huyện Triệu Hải thì thị trấn Triệu Phong được đổi thành thị trấn Triệu Hải. 

Sau khi tỉnh Quảng Trị được lập lại vào ngày 1 tháng 7 năm 1989 với thị xã Đông Hà là tỉnh lỵ; ngày 23 tháng 3 năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết Định số 91/HĐBT chia huyện Triệu Hải thành hai huyện lấy tên là huyện Triệu Phong và huyện Hải Lăng. 

Địa giới huyện Triệu Phong phía Đông giáp biển Đông; phía Tây giáp thị xã Đông Hà, huyện Hướng Hóa và tỉnh Thừa Thiên - Huế; phía Nam giáp thị xã Quảng Trị và huyện Hải Lăng; phía Bắc giáp thị xã Đông Hà và huyện Gio Linh. Triệu Phong là huyện đồng bằng ven biển, với một ít gò đồi thấp thuộc các xã Triệu Thượng và Triệu Ái ở phía Tây, địa hình phía Đông huyện là cồn cát, đụn cát trắng. Đoạn cuối của sông Thạch Hãn chảy ra Cửa Việt nằm trên địa bàn huyện.  

Huyện Triệu Phong gồm 21 xã: Triệu Thượng, Triệu Ái, Triệu Giang, Triệu Thành, Triệu Long, Triệu Đại, Triệu Thuận, Triệu Đô, Triệu Hòa, Triệu Đông, Triệu Trung, Triệu Sơn, Triệu Tài, Triệu Trạch, Triệu Phước, Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng, Triệu Nguyên, Ba Lòng và Hải Phúc.  

Diện tích tự nhiên của huyện Triệu Phong là 354,9 km2 với 91.412 nhân khẩu. 

TỔ QUÁN HỌ PHẠM DUY 

Theo những ghi chép trong Tập Gia Phổ họ Phạm Duy của cụ giáo Nguyễn Ngọc Duệ người làng Đại Hào, thì các bậc tiền hiền họ Phạm Duy có nguồn gốc xa xôi từ Hưng Yên phương Bắc vô lập làng ở đất Thanh Hóa đã lâu, không rõ từ năm nào. Sau vì muốn tìm nơi đất mới mà cụ Thủy tổ họ Phạm Duy đã rời Thanh Hóa di dân vào An Cư rồi sang Đại Hào trong khoảng thời gian từ năm 1802 đến năm 1810, triều đại nhà Nguyễn – vua Gia Long lập quốc cho đến nay.  

Họ Phạm Duy sinh sống tại thôn Đại Hào trên 200 năm đã trải qua nhiều bước thăng trầm, mất mát hy sinh; tạo dựng cơ nghiệp và truyền đến đời thứ 9. Do vậy, thôn Đại Hào (xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong ngày nay) chính là Tổ quán của họ tộc Phạm Duy. 

Thôn Đại Hào rộng khoảng 50 km², vào năm 2002 có 465 hộ dân với số nhân khẩu là 2485. Đại Hào có vị trí thuận lợi về giao thông và là khu vực trung tâm của phía Đông huyện Triệu Phong. 

Tỉnh lộ 64 dẫn từ thành cổ Quảng Trị vào ngang qua cầu Đại Hào đi thẳng ra Cửa Việt. 

Cầu Đại Hào còn là ngã tư dẫn đến các làng thôn trong vùng.  

Nếu lấy ngã tư cầu Đại Hào làm trung tâm, thì phía Tây đi về hướng Quảng Trị có các làng Vệ Nghĩa và Duy Hòa; phía Nam đi thôn Vân Hòa có đất họ Phạm trước đây rất rộng nay có Nhà thờ họ Phạm cách ngã tư vài mươi mét; phía Bắc đi chợ Thuận, đình làng Đại Hào, Ủy ban xã Triệu Đại; phía Đông đi Cồn Dưới (có lẽ là 

Cồn Dứa đọc trại ra vì ở đây có nhiều lùm dứa gai, ngày xưa Cồn Dưới có nhiều cây cổ thụ lớn, có đá xanh vuông vức trên cồn là di tích dân tộc Chăm thời Chế Mân dâng hai châu Ô, Rí), đi xuống nữa là Quảng Lượng, bên phải là Cồn Chứa, Mỹ Lộc. 

Thôn Đại Hào có các cánh đồng lúa nhìn mút tầm mắt. Cư dân bao đời an cư lạc nghiệp tại Đại Hào có cái ăn, cái mặc đều nhờ hạt lúa, củ khoai. Ruộng đồng đất, ruộng triền cao đều xanh tươi nhờ nước trời và nước từ sông, suối, rạch.  

Ruộng triền dốc nước không chảy lên được nên để trồng lúa, người dân Đại Hào đã sử dụng “máy đạp nước” bằng gỗ do các tay thợ mộc giỏi nghề làm ra. “Máy đạp nước” là một hệ thống bơm nước thủ công đưa nước lên cao bằng cách đạp trục quay vòng tròn như đạp xe đạp, kéo xích, đưa nước lên theo đường máng. Người có sáng kiến chế ra máy đạp nước là ông Phạm Duy Dực (hậu duệ đời 5 họ Phạm Duy), nhà ở giáp ranh Vân Hòa. 

Nghề mộc ở Đại Hào phát triển nhờ “máy đạp nước” và nổi tiếng hơn nữa là nghề làm cối xay lúa với các loại cối gỗ bền, chắc; nhiều kích cỡ được người làm cối Đại Hào chở đi bán khắp nơi. Thợ giỏi trong làng Đại Hào có ông Hãn, ông Oanh. 

Sông rạch chảy ngang qua xóm làng tạo thêm nghề đẩy cá sông hồ cho cư dân Đại Hào, An Cư. Sau mùa lúa (khoảng tháng 8 - 9 âm lịch), các con sông và ao hồ cạn nước dần nên ở các bãi sông, ven hồ xuất hiện những nhóm người đi nhủi cá. Hàng chục người đi thành hàng cầm cây nhủi (có nơi gọi là cây dũi căng lưới ở giữa) đẩy dọc theo bãi bùn. Cá mắc cạn bị động, bơi phóng ngược dòng nước cạn đều sa vào lưới nhủi. Cá bắt được, được đưa lên bờ đem bán các chợ làng quê. 

Chợ làng quê vùng Triệu Phong được tiếng sầm uất chỉ có chợ Thuận ở thôn Đại Hào. Chợ Thuận là một ngôi chợ nhà quê có vị trí trung tâm (gần ngã tư đường bộ, điểm giao nhau của các nhánh sông) có từ thời Chămpa, sau đám cưới của công chúa Huyền Trân (1306), cùng với Thuận Châu, chợ Thuận thuộc về người Việt. 

“Chợ Thuận ở địa phận hai huyện Vũ Xương và Hải Lăng, có một  nhánh sông con từ nhánh sông Cái phía Tây - Nam chảy vào, trên sông bắc một nhịp cầu dài, phía Nam cầu la liệt những hàng quán, nào huyện nào thành đối nhau hai phía, đi thủy đi bộ cùng tới một nơi. Đây chính là nơi đông đúc của Thuận châu vậy" (Dương Văn An, Ô Châu cận lục, Bộ Giáo Dục Sài Gòn xuất bản năm 1960-trang 66) 

Chợ Thuận nằm liền kề bên thành Thuận Châu có địa hình sông nước thuận lợi cho việc vận chuyển mua bán hàng hóa với các nơi bằng đường thủy như ra sông Thạch Hãn, ngược lên sông Hiếu (Cam Lộ), xuôi Nam theo sông Vĩnh Định về Huế… “Chợ Thuận như một bức tranh quê rõ nét của nông thôn miền Trung… Từ những nông sản gạo, ngô, khoai, lạc… cho đến các thực phẩm rau quả, gà, vịt, cá…ở đây đều được chu chuyển theo quy luật cung cầu của thị trường.”… 

Ngày nay ở khu vực chợ Thuận vẫn còn tồn tại nhiều dấu tích về văn hóa Chăm, đặc biệt là 3 giếng nước Chăm được người dân nơi đây sử dụng (Nguyễn Cường-Bảo Tàng Quảng Trị) 

Theo các cụ lớn tuổi kể lại thì thanh niên nam nữ đi chợ Thuận thường tìm nhau trên cầu, đứng hóng gió, nói chuyện. Chợ Thuận có 2 chiếc cầu gỗ, một từ làng Vệ Nghĩa qua chợ Thuận và một từ làng Võ Thuận bắc sang chợ Thuận đã hội tụ cảnh “trên bến dưới thuyền” với hàng hóa, người đi đò dọc tấp nập đông vui. Chợ đông đảo nhất nhằm mùa hội lễ cúng Đình làng Đại Hào, kẻ xuôi, người ngược mua sắm, dạo chơi… 

oOo 

 Làng Đại Hào (Triệu Đại) và làng An Cư (nay thuộc xã Triệu Phước) cùng được khai khẩn bởi một bậc tiền hiền mang họ 

Nguyễn cách nay trên 300 năm. Mộ ông Tổ họ Nguyễn – ông Thần Hoàng của hai làng - được nhân dân An Cư và Đại Hào xây dựng và tu bổ qua nhiều thời kỳ, tọa lạc trên cánh đồng Cồn Giữa, trước mộ là con đường đất đỏ nối Quốc lộ 64 với một ngã ba dẫn về phía Vân Hòa  

Miếu Tiền hiền họ Nguyễn nằm bên con đường từ ngã tư Đại Hào đi Vân Hòa được xây dựng lại năm 1977 trên khuôn viên rộng khoảng 2000m2, nhìn ra cánh đồng, có nhiều cây cổ thụ cao lớn. 

Họ Nguyễn an cư lạc nghiệp trên đất Đại Hào truyền đến nay là 15 đời, có 8 phái, đông đảo nhất là phái Nguyễn Ngọc.  

Họ Phạm Duy về thôn Đại Hào sau họ Nguyễn, là họ lớn thứ hai tại đây. Giữa hai họ có mối liên hệ mật thiết vừa là xóm giềng, vừa kết  thông gia. Cụ Phạm Duy Thái đời thứ 3, không rõ tên tuổi cụ Chính phối, chỉ biết ông có rất đông cháu ngoại là Nguyễn Ngọc Uẩn, Nguyễn Ngọc Ái, Nguyễn Ngọc Chánh… mà không rõ do ông bà nào sinh hạ.  

Làng Đại Hào là vùng đất có phong trào cách mạng phát triển rất sớm. Ngay từ năm 1930 các tổ chức đảng Cộng sản Đông Dương đã được thành lập tại Đại Hào, nhiều cán bộ hoạt động bí mật, xây dựng căn cứ cách mạng. 

Ngày 21 / 4 / 1930, Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Trị thành lập ở nhà ông Nguyễn Phu thuộc làng Đại Hào, xã Triệu Đại, phủ Triệu Phong do đồng chí Lê Thế Tiết làm bí thư. Trên cơ sở lớn mạnh và chỉ đạo của Tỉnh ủy mà cuối tháng 7 năm 1930, Phủ Ủy Triệu Phong được thành lập, có 3 đảng viên do ông Đoàn Thí làm bí thư. 

Ông Phạm Khắc Khuông, hậu duệ đời 6 họ Phạm Duy gia nhập đảng CSĐD vào năm 1936 do ông Hoàng Hữu Chấp (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị) giới thiệu tổ chức kết nạp. Sau đó ông Phạm Khắc Khuông về Đại Hào thành lập chi bộ và làm bí thư chi bộ lâm thời làng Đại Hào. 

Năm 1939, sau Hội nghị Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị, tình hình chung ở địa phương rất khó khăn. Tháng 10 năm 1939, giặc Pháp mở cuộc càn quét mạnh mẽ và khủng bố lớn nhất Quảng Trị bắt một số cán bộ đảng viên và gần 100 người là cơ sở cách mạng. Các đảng viên chủ chốt như Nguyễn Vức, Dương Đậu, Phạm Khắc Khuông đều bị giặc bắt.  

Tháng 9 năm 1940, Tỉnh ủy chỉ đạo củng cố cơ sở đảng. Phủ ủy Triệu Phong lập lại với 5 cán bộ đảng viên, toàn phủ có 37 chi bộ trong đó chi bộ Đại Hào do ông Phạm Khắc Khuông, vừa được giặc thả ra, làm bí thư chi bộ.  

Phong trào cách mạng tại Triệu Đại bao gồm Đại Hào, Vân Hòa… vừa lên thì ông Phạm Khắc Khuông lại bị giặc bắt và giam tại nhà lao Quảng Trị. 

Ngày 9 - 3 - 1945 Nhật đảo chánh Pháp.  

Tù chính trị nổi dậy phá nhà lao Quảng trị. Ông Phạm Khắc Khuông về lại Đại Hào làm bí thư chi bộ và được bầu làm Phó chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh Tổng An Cư (Ông Nguyễn Quang Xá người thôn Long Quang là chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh). Lúc này các xã dọc Quốc lộ 64 đi Cửa Việt (Đại Hào) trở thành căn cứ cách mạng với trung tâm là làng Mỹ Lộc, nơi đóng Phủ ủy Triệu Phong và cũng từ đây Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức họp đề ra chủ trương Tổng khởi nghĩa. Thời điểm này, khí thế quần chúng lên rất cao, phong trào nhân dân võ trang rầm rộ. Tại Cồn Dứa các lò rèn ngày đêm đỏ lửa rèn dao, mác, giáo cho nghĩa quân. 

Đại Hào có đến 4 điểm tập hợp nghĩa quân tập luyện quân sự :  

- Miếu Thần hoàng (người khai khẩn đất đai hai thôn An Cư, Đại Hào). 

- Nhà ông Phạm Duy Khởi (bố ông Phạm Khắc Khuông). 

- Trường học Đại Hào. 

- Đình làng Đại Hào gần chợ Thuận.  

Bộ Chỉ huy khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh đóng ở căn nhà lớn họ tộc Phạm Duy lúc này do ông Phạm Duy Khởi là người trưởng tộc. Chiều 12/8/1945, tại chợ Thuận, hàng ngàn người tham gia cuộc mít tinh lớn phát động và kêu gọi nhân dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. 17g ngày 22/8/1945; nhân dân các làng, xã trong vùng võ trang dao, mác, gậy gộc, cờ đỏ sao vàng kéo theo tỉnh lộ 64 tiến về Phủ Triệu Phong, vừa đi vừa hô to khẩu hiệu: “Đánh đổ Chính phủ bù nhìn Bảo Đại - TrầnTrọng Kim” - Ủng hộ Mặt trận Việt Minh” - “Thành lập chính quyền nhân dân cách mạng”… Đêm 22 rạng 23/8/1945 chính quyền Phủ Triệu Phong về tay nhân dân. 

oOo 

Đại Hào là cái nôi của cách mạng và phong trào Việt Minh với các cán bộ Việt Minh xuất thân từ giai cấp nông dân nghèo, được tầng lớp phú nông ủng hộ, đóng góp tiền của, cho con em mình thoát ly theo cách mạng. Họ Phạm Duy - tiêu biểu là gia đình các ông Phạm Duy Khởi, Phạm Duy Tôn - là một trong những họ tộc tại Đại Hào có người thân giác ngộ cách mạng từ những năm 1929 - 1930 lúc Đảng mới thành lập, một lòng đi theo Đảng; và số đông biết thương mến giúp đở dân nghèo, ủng hộ cách mạng…  

Năm 1946, nhà thờ họ Phạm được chính quyền cách mạng chọn làm điểm bầu cử Quốc hội nước Việt Nam khóa đầu tiên ngày 6 tháng 1 năm 1946. Ông Phạm Khắc Khuông, là người chủ trì buổi bầu cử, sai biểu con cháu giúp dân viết phiếu bầu. Nhân dân bầu chọn 3 ứng cử viên : Trần Mạnh Quý (Hải Lăng) Lê Thế Hiếu (Triệu Phong) và Đặng Thí (Triệu Phong). 

Sau bầu cử quốc hội, ông Phạm Khắc Khuông được chuyển công tác về huyện Triệu Phong (lúc này thành lập huyện) được bầu huyện ủy viên, phụ trách chính trị viên huyện đội Triệu Phong. Ông Phạm Khắc Trì (Đời 6, em thứ tư của ông Khuông) làm trung đội trưởng Bộ đội địa phương. 

Năm 1947, Mặt trận Bình – Trị - Thiên bị Pháp phá vở đã có một trận đánh lớn diễn ra tại Đại Hào giữa lực lượng võ trang cách mạng và quân Pháp. Dân chúng tản cư sang các làng bên cạnh.  

Pháp chiếm Đại Hào bắt bớ, bắn giết người vô tội. Một trung đội lính Pháp lấy nhà thờ họ Phạm Duy làm bót đóng quân, đào giao thông hào, xếp bao cát, đào hầm, ụ chiến đấu. Khi im tiếng súng, đồng bào trở về thì thấy nhiều xác chết quăng bên đường. Có nhiều cán bộ Cộng sản bị giặc bêu đầu trên những cọc tre. 

Năm 1948, lực lượng võ trang tỉnh tổ chức đánh phục kích giặc Pháp nhiều trận trên quốc lộ 64 trong đó có trận phục kích tiểu đoàn 15, trung đoàn 95 Pháp tại Đại Hào gây nhiều thiệt hại cho địch. 

Sau đó, Phạm Khắc Trì chỉ huy một trung đội bộ đội địa phương đánh 2 trận tập kích giặc Pháp trên quốc lộ 64 và tổ chức tước khí giới lính làng ở Dương Lộc và Đại Lộc, xã Triệu Thuận.  

Chính trị viên trung đội là ông Hàn, người làng Đại Hào.

oOo 

Trong kháng chiến chống Pháp, Đại Hào chịu nhiều bom đạn, nhà cửa hư hại, đình làng, trường học bị phá hủy. Nhà thờ họ tộc Phạm Duy cũng bị đạn bom làm hư hại Hoàn toàn. 

Sau Hiệp định Genève, đất nước chia cắt từ sông Bến Hải (thuộc huyện Gio Linh - Tỉnh Quảng Trị), Đại Hào cùng các làng thôn chung quanh, cùng với Triệu Đại, Triệu Thuận, Triệu Vân … trở thành vùng chiến sự, thành “địa đầu giới tuyến”. Mùa hè năm 1972, vùng đất Quảng Trị là chiến trường ác liệt, bom cày, đạn xới liên tục 81 ngày đêm … thì hầu như làng xóm Triệu Đại, Triệu Vân, Triệu Phước … không còn nguyên vẹn, người chết, người bị thương và số đông phải bỏ làng tản cư chạy vào Thừa Thiên, Huế; chạy ra Vĩnh Linh, Đồng Hới … hoặc đứng về phía đội quân Cách mạng cầm súng trực tiếp chiến đấu. 

Mặc dù một số huyện, xã của tỉnh Quảng Trị đã được giải phóng từ năm 1973 nhưng đến năm 1975 khi chiến tranh thật sự kết thúc; người dân Quảng Trị - trong đó có người họ Phạm Duy - từ các nơi trở về làng xóm cũ khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.   

Cái nghèo đeo đẵng người dân Đại Hào trong nhiều năm. 

Mãi cho đến tháng 2 năm 1996, ông Phạm Bằng Toàn hậu duệ đời thứ 7 họ tộc Phạm Duy, cùng gia đình từ thành phố Hồ chí Minh về lại Tổ quán dự đám giỗ tổ tiên. Khi nhìn thấy nơi thờ tự Tổ tiên ông bà là cái am nhỏ bé, cây cối um tùm che khuất, đã xúc động và đưa ra ý kiến kêu gọi con cháu họ tộc góp công sức, tiền bạc xây dựng lại nhà thờ họ tộc.  

Tháng 6 năm 1997, nhà thờ họ Phạm Duy xây dựng xong với chi phí 17 triệu đồng. Theo quyết định của bà con trong họ tộc, ông Phạm Duy Sô hậu duệ đời thứ VI được giao đất cất nhà phía sau nhà thờ họ và lãnh việc trông coi nhà thờ họ chu đáo. 

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG HỌ GẮN VỚI QUÊ HƯƠNG, TỔ QUÁN 

Con cháu các đời sau này không ai rõ tên tuổi của cụ Thủy Tổ 

Phạm Duy huý Công - người cao niên nhất dẫn dắt cháu con họ Phạm Duy từ Thanh Hóa đến thôn Đại Hào lập nghiệp.  

Trong tập Gia Phổ của cụ giáo Nguyễn Ngọc Duệ cũng không nói rõ cụ Tổ đến Đại Hào năm nào, có bao nhiêu người trong gia đình, khai khẩn được bao nhiêu đất đai, chỉ ghi tiếp trong phần Phả hệ là cụ Tổ có một người con trai (Đời 2) là Phạm Duy An huý công tên tộc Phạm Duy Ninh. 

Theo qui ước của Trung tâm Thực hành Gia phả mỗi thế hệ cách nhau 25 năm, mỗi con cách nhau 2 tuổi. Vậy căn cứ vào năm sinh của ông Phạm Duy Phù (đời 6, con thứ 4) là 1917 để tính lên tuổi ông tổ thì năm sinh của ông tổ khoảng 1785. Để có mặt tại Đại Hào ít nhất ông tổ phải 20 tuổi. Như vậy ông có mặt ở Đại Hào khoảng năm 1805 là lúc Gia Long lên ngôi năm thứ ba, đất nước được thống nhất.  

Trong quảng thời gian dài trên một trăm năm, các ông bà họ tộc Phạm Duy ở Đại Hào đã khai phá đất đai, cùng các họ tộc khác hình thành làng xóm, phát triển dòng họ. Mồ hôi họ đổ trên các cánh đồng, trên từng con đường làng trơn trợt; đàn ông đàn bà cùng nhau xới đất đắp bờ, khai mương mở nước, đánh đuổi thú hoang, nỗ lực trồng trọt làm cho cuộc sống làng thôn dần tươi tắn, ruộng đồng mãi xanh.   

Đến đời thứ 3, vào khoảng năm 1840 - 1845, họ tộc Phạm Duy có 2 người con trai là ông Phạm Duy Thạnh và ông Phạm Duy Thái. Đây là thời kỳ vua Thiệu Trị trị vì, triều đình Huế với sự bảo hộ của thực dân Pháp, do Khâm sứ người Pháp đứng đầu. Con cháu họ tộc Phạm Duy dốc sức làm lụng, tích cốc phòng cơ, mua thêm ruộng, sắm thêm trâu bò …  

Trong họ tộc cũng như trong gia phổ họ Phạm Duy chưa nêu rõ về ông Phạm Duy Thái (Đời 3) là con thứ 2 của ông Phạm Duy An huý công. 

Ông Phạm Duy Môn tức Phạm Duy Tý (Đời 4) là con trai của ông Phạm Duy Thạnh, họ tộc Phạm Duy trở nên giàu có. Theo trí nhớ và lời kể của các bậc lão niên thôn Đại Hào thì ông Phạm Duy Môn được thừa tự của ông bà cha mẹ nên có nhiều đất đai – nhiều lắm, không rõ bao nhiêu - nhà 5 gian bằng gỗ quý, tường gạch, nền gạch tàu; lại có nhiều vàng bạc…  

Khi ông Toàn lên 5 tuổi thường đến bên giường ông Cố (ông Tý). Vì ông Toàn là cháu đích tôn nên ông Cố thường ôm vào lòng và cho nhiều tiền đồng. Ông Cố mất ông Toàn khoảng 5 hay 6 tuổi. Ông Toàn sinh năm Quý Dậu 1933.  

Ông mất lúc 92 tuổi ngày 2 tháng 2 âm lịch. Bà mất ngày 18 tháng 5 âm lịch. Thọ 82 tuổi. 

Không ai rõ năm sinh, năm mất của ông Phạm Duy Môn, nhưng tính theo tuổi tác của hậu duệ các đời lần lên thì có thể ông sinh năm Nhâm Tý (1852); chính phối là bà Phạm Phúc Thị Nhị quán xuyến việc nhà, trông coi người giúp việc, có lòng thương người, quý yêu con cháu.  

Ông Phạm Duy Môn có 7 người con, 3 người con trai tên Phạm Duy Khởi, Phạm Duy Tôn, Phạm Duy Ôn và 4 người con gái, sau có 2 người gả cho họ Nguyễn Ngọc. Ba người con trai lập gia đình, thừa tự đất đai của cha mẹ, sinh sống ở quê nhà.  

Người dân trong vùng gọi ông Phạm Duy Môn một cách tôn kính là ông Cửu Môn, tức chức vị thư lại Cửu phẩm của ông. Tự điển Quan chức Việt Nam (NxbThanh Niên-2006) trang 568 đã định nghĩa về Cửu phẩm như sau :  

- Chánh cửu phẩm - Văn : Cửu phẩm thư lại các nha, Hàn lâm viện cung phụng, Thái y viện y sinh, Chiêm hậu sinh, Tự thừa, Lại lục Thượng y phó, Chánh cửu phẩm hành nhân. 

- Chánh cửu phẩm - Võ : Tượng chính các cục, Cửu phẩm tượng mục, Chánh cửu phẩm Bá hộ. 

Như vậy ông Phạm Duy Môn là bá hộ trong vùng và giữ một chức quan nhỏ ở địa phương. Ông mất ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch (không rõ năm nào), thọ 92 tuổi. 

Ông Phạm Duy Môn hay Phạm Duy Tý có một người em trai tên Phạm Duy Sửu, có nêu trong gia phổ nhưng không thấy ghi tiếp phần hậu duệ của ông, chỉ ghi ông còn người con gái tên Phạm Thị Thân, sau gả cho Nguyễn Ngọc Nậy; các con của người này là Yển,Thạc, Cửu, Bát,Tú. 

Các đời của họ tộc Phạm Duy từ lúc đến Đại Hào cho tới đời ông Phạm Duy Môn đã luôn lao động cật lực, từ khai phá đất rừng thành ruộng nương chuyển dần sang mướn thêm ruộng làm, mua thêm ruộng đất, tậu trâu bò; tích trữ lúa gạo, trở thành người giàu có trong vùng. Đặc điểm của  họ tộc Phạm Duy là cần cù lao động, con cháu chăm chỉ học hành, nhiều người biết chữ Nho, chữ Pháp tham gia làm việc cho làng xã.  

 Con trai trưởng của ông Phạm Duy Môn là ông Phạm Duy Khởi, người thừa tự và trực tiếp cai quản ruộng đất của ông bà, đã thừa hưởng của cha mẹ tình yêu thương dân nghèo, thường hay phân phát gạo thóc cho các hộ dân gặp khó khăn khi mùa màng thất bát, nước lớn tràn về gây lũ lụt. Hơn thế nữa, từ lúc phong trào cách mạng nổi lên cho đến lúc tập hợp lực lượng quần chúng nổi dậy giành chánh quyền năm 1945, gia đình ông Phạm Duy Khởi luôn đóng góp, ủng hộ gạo thóc, tiền bạc cho cách mạng; trực tiếp nấu cơm cho quân Xích Vệ (tự vệ Đỏ), giành nhà cho Ủy ban Khởi nghĩa và bộ chỉ huy Việt Minh đóng trước ngày nổ ra cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945.  

Giàu có, có chức vị nhưng vẫn gần gũi dân nghèo, thường hay giúp họ lúc hoạn nạn khó khăn, khi mất mùa giúp gạo thóc, cho áo quần, đồ đạt …, đó là cái tâm của họ Phạm Duy.  

Cùng với tấm lòng thương yêu dân nghèo, hậu duệ Phạm Duy sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào cách mạng năm 1930 - 1931 và trở thành đảng viên Cộng sản, làm nòng cốt trong các phong trào đấu tranh của quần chúng yêu nước như Phạm Duy Tôn, ông Phạm Khắc Khuông, Phạm Khắc Trì, Phạm Duy Khắc, Phạm Duy Vẩn…  

Ông Phạm Khắc Khuông là bí thư chi bộ làng Đại Hào, nhiều lần bị giặc bắt bỏ tù. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Phạm Khắc Khuông được chuyển về huyện là thường vụ huyện ủy Triệu Phong, ủy viên Mặt trận Việt Minh, chính trị viên huyện đội Triệu Phong, Phó Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Trị.  

Ông Phạm Khắc Trì là con trai út của ông Phạm Duy Khởi – em ông Phạm Khắc Khuông - tham gia kháng chiến chống Pháp, chức vụ trung đội trưởng huyện đội Triệu Phong. Ông hy sinh ngày 9 tháng 2 năm 1949 tại đường Vĩnh Thụy, xã Triệu Ái và được công nhận liệt sĩ. 

Ông Phạm Duy Tôn là con của ông Phạm Duy Môn, em kế ông Phạm Duy Khởi tham gia cách mạng, làm đến chủ tịch Mặt trận Việt Minh xã Phong Quang. Ngày 29 tháng 4 năm 1948, ông đi họp ở làng Phương Ngạn về đến Mả Đứng thì trời tối. Đêm đó ông ngủ hầm, bị bọn Việt gian bao vây giết chết cùng nhiều cán bộ khác. 

Người con trai thứ tư của ông Phạm Duy Tôn là Phạm Duy Khắc, huyện ủy viên, bí thư chi bộ Đại Hào thời chống Mỹ. Trên đường đi công tác về, ngủ lại trên Đùng, sáng ra lính làng bao vây, đuổi bắt. Ông Phạm Duy Khắc tự đâm chết quyết không sa vào tay giặc. 

Người con thứ sáu của ông Phạm Duy Tôn là ông Phạm Duy Vẩn, trung đội trưởng dân quân xã Triệu Đại hy sinh anh dũng vì Tổ quốc, được nhà nước công nhận là liệt sĩ.  

Bà Nguyễn Thị Điệp là vợ ông Phạm Duy Tôn, mẹ của hai ông Phạm Duy Khắc, Phạm Duy Vẩn được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng. 

Năm 1972 lúc chiến tranh xảy ra ác liệt, tất cả họ tộc Phạm Duy đều tản cư khỏi Đại Hào, chạy ra Vĩnh Linh tham gia dân quân, hoặc vào Huế lánh xa vùng bom đạn, cho đến khi ngày giải phóng mới trở lại góp công sức xây dựng lại làng quê, tiếp tục canh tác, tạo lập cuộc sống mới … 

Nhiều thanh niên trai trẻ trong dòng họ, sau khi lập gia đình đã tham gia lao động sản xuất, khai mở các vùng kinh tế mới ở Khe Sanh, vào Nam khẩn đất Đồng Nai, Sông Bé … 

Các gia đình họ Phạm Duy tập kết ra miền Bắc, tham gia công tác, con cái lớn lên được học hành; sau ngày hòa bình trở về Nam được bố trí công tác ở thành phố Hồ Chí Minh lúc nào cũng nhớ quê hương Tổ quán. 

Một điểm đặc biệt của họ tộc Phạm Duy – có lẽ do hoàn cảnh chiến tranh hay đời sống có nhiều mất mát - mà nhiều cụ Tổ các đời trước, cho đến các đời sau này; luôn có người lập gia thất 2 hay 3 lần, sinh con nhiều, gái trai đều có và cũng khó bề chăm sóc, dạy dỗ. Nhiều vợ, đông con nên công việc làm ăn có phần hạn chế dẫn đến cảnh nghèo, sống thiếu thốn quanh năm ... 

Các đời con cháu họ Phạm Duy sau này (từ đời 6 trở xuống) phần lớn được thừa hưởng công đức cha ông, tiếp nối truyền thống cách mạng, đi theo con đường đã vạch; người đi xa khai khẩn đất hoang lập nên làng xóm (hậu duệ họ Phạm Duy ở Đồng Nai, Bình Phước); người nỗ lực học hành chú tâm nghiên cứu đạt nhiều tiến bộ, có học vị cao, có địa vị trong xã hội; như các con của ông Phạm Bằng Toàn là Phạm Xuân Mai, Tiến sĩ Chủ nhiệm khoa Nga trường 

Đại học Sư phạm TP.HCM; Phạm Hải Long, Thạc sĩ Kinh tế; Phạm 

Hải Vân, Thạc sĩ dầu khí được đào tạo tại Mạc Tư Khoa (Maskva - Liên Xô cũ), hiện công tác trong ngành Dầu khí… Con ông Phạm Duy Nam là kỹ sư Phạm Trung Đông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Tư vấn Công nghiệp Điện Quảng Trị. Phạm Cao Thông là lớp trẻ (sinh năm 1974) cũng có học vị cao: Thạc sĩ Kinh tế và là Trợ lý Giám đốc Công ty Điện tử Sony Việt Nam … 

Công đức cha ông, truyền thống gia đình kết hợp với nỗ lực của bản thân, hậu duệ các đời sau của họ tộc Phạm Duy ai cũng yêu lao động, thích làm việc, chịu học hỏi và nhất là luôn thương yêu, đùm bọc bà con họ hàng, tuy xa nhưng rất là gần gũi.  

Hằng năm vào ngày 16 tháng giêng âm lịch, con cháu họ Phạm Duy đều tổ chức cúng tổ tiên ông bà. Ở Đại Hào thì cúng tại nhà thờ họ tộc. Con cháu đi làm ăn xa thì tự tổ chức cúng và hướng lòng về Tổ quán.  

Việc lập gia phả cho dòng họ Phạm Duy là một việc làm có ý nghĩa. Trước hết là để bà con biết nhau, đoàn kết thắt chặt tình cảm trong họ tộc vì hiện nay phần lớn bà con sống xa tổ quán không biết được thông tin của nhau. Kế đó, qua gia phả này giúp bà con ta hiểu được nguồn gốc dòng họ, truyền thống tốt đẹp của ông bà để học tập kịp thời phát huy những tấm gương hiếu học, gương lao động tốt trong họ tộc, có hình thức khuyến học, có phương hướng hỗ trợ nhau trong công ăn việc làm để dòng họ ta ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.