Trang chủ > 027. Gia phả họ Mai (ấp 3, Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, TP.HCM)

027. Gia phả họ Mai (ấp 3, Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, TP.HCM)

15/08/2022 12:17:10

Gia phả họ Mai ở ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2007.

LỜI TỰA

Việc tìm về cội nguồn, tổ quán của dòng họ là nhu cầu cần thiết đối với những người con hiếu thảo trong mỗi gia đình Việt Nam. Để tìm cội nguồn thì phải có gia phả. Hầu hết trong Nam đều không có gia phả cho nên từ khi hòa bình lập lại, nhiều người muốn lập gia phả cho dòng họ mình nhưng không biết cách làm. 

Họ Mai ta là một họ tộc có từ lâu đời, và là dòng họ lớn, đông đảo con cháu sống tập trung tại xã Xuân Thới Thượng (xưa kia gọi là làng Tân Thới Thượng, Tổng Bình Thạnh Hạ, Huyện Bình Long, Tỉnh Gia Định). Ông tổ họ Mai ta đã có mặt vào cuối thế kỷ XVIII ở xã Thới Thượng, đã lao động cật lực, đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt và thú dữ để dựng nên tổ quán cho dòng họ ta. Trãi qua nhiều thế hệ, con cháu họ Mai đã noi gương tổ tiên lao động cần cù với đồng ruộng, mảnh vườn và tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, góp phần bảo vệ quê hương.

Cũng do chiến tranh nên hầu hết con cháu họ Mai trong bốn chi đều tham gia cách mạng. Có người thoát ly chiến đấu không mệt mõi ở chiến trường, số còn lại vừa chiến đấu vừa lao động tại quê nhà chưa ai nghĩ đến việc lập gia phả cho dòng họ. Việc phụng thờ tổ tiên, giỗ chạp mỗi chi tự lo liệu.

Nay hòa bình được lập lại đã 30 năm trên đất nước ta, việc cải táng mồ mã tổ tiên đã được con cháu thực hiện, việc ghi lại hồi ký về dòng họ Mai cũng được ông Huỳnh Trí Mười con của bà Mai Thị Cũ (đời 3) thực hiện rất công phu. Nhờ vậy mà con cháu cũng biết thêm một số họ hàng, mồ mã, giỗ chạp của tổ tiên nhưng việc ghi chép của ông chưa khoa học, chưa hệ thống được phả hệ, chưa giúp chúng ta hiểu biết được cội nguồn. Ngoài ông Mười là bậc lão thành hậu duệ phía ngoại họ Mai còn hiểu biết về dòng họ ta, các bậc cha chú khác trong họ Mai đã qua đời hết. Nếu không lập được gia phả cho dòng tộc, lớp hậu duệ sau này lớn lên không biết đâu là bà con họ hàng, đâu là truyền thống của dòng họ ta. Vì vậy việc lập gia phả là việc cần thiết đối với họ Mai ta.

Tôi cũng có ý định lập gia phả từ lâu nhưng do không có thời gian và cũng không biết cách làm cho khoa học. Nay tôi biết được có Trung Tâm Nghiên cứu và Thực hành gia phả Thành phố Hồ Chí Minh chuyên lập gia phả cho các dòng họ, nên tôi nhờ Trung tâm này lập gia phả cho dòng họ ta để con cháu hiểu được lịch sử của dòng họ mình, gắn bó với dòng họ, học tập và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dòng họ để làm vẽ vang cho dòng họ và góp phần xây dựng quê hương. 

Việc lập gia phả cho dòng họ ta có những khó khăn nhất định vì dòng họ ta không có gia phả gốc, mong bà con cung cấp thông tin cho chính xác và chân tình góp ý, bổ sung gia phả họ Mai ta được hoàn chỉnh.

Tôi cũng chân thành cám ơn Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả đã giúp chúng tôi hoàn thành bộ gia phả và hoan nghênh sự hợp tác của bà con trong quá trình dựng phả.  

Ngày 25 tháng 12 năm 2006

Cháu đời thứ 7 họ Mai

MAI VĂN TRÍ

 

PHẢ KÝ

Hòa bình đã lập lại trên quê hương trên 30 năm qua, dòng họ Mai ở ấp 3 xã Xuân Thới Thượng huyện Hóc Môn Thành phố Hồ Chí Minh đã ổn định được cuộc sống. Nhớ lời nhắc nhở của tổ tiên “cây có cội, nước có nguồn” nên việc tôn tạo mồ mả cũng được thực hiện song hậu duệ họ muốn biết rõ nguồn gốc tổ tiên, qui mô dòng họ, quan hệ họ hàng để ứng xử phải phép và cũng muốn biết mồ mả giỗ chạp để con cháu phụng thờ cho tròn chữ hiếu. Nay việc lập phả được thực hiện đáp ứng được phần nào sự mong muốn của con cháu họ Mai.

I. NGUỒN GỐC DÒNG HỌ

Việc tìm nguồn gốc họ Mai ở xã Xuân Thới Thượng có nhiều khó khăn vì họ này không có gia phả cổ. Mộ cổ bằng đá vôi, lâu đời lại mất bia nên họ tên người nằm dưới mộ ngay cả năm sinh năm mất không ai biết. Những người lớn tuổi lần lượt qua đời. Do đó, sự hiểu biết về thủy tổ họ Mai phải dựa vào thông tin của hậu duệ, phải khảo sát đồng mả gia tộc, tìm hiểu mối quan hệ của họ Mai ở Xuân Thới Thượng, Bà Điểm và Tân Thông Hội Củ Chi.

1. Xác định ông thủy tổ 

a. Khảo sát đồng mả gia tộc 

Để lập gia phả này, chúng tôi đến gặp ông Mai Văn Tòng được ông hướng dẫn đến ấp 3 xã Xuân Thới Thượng để gặp ông Mai Văn Đừng, Mai Công Trên, Mai Công Chậm thì được các ông cho biết có một ngôi mộ cổ bằng đá vôi, con cháu quen gọi là “mả vôi” ở trước nhà ông Mai Công Đừng, Mai Công Trên và sau nhà ông Mai Công Chậm. Mộ này lâu ngày bị mòn, bể chỉ còn một nửa, mộ bia bị đổ, lúc đầu con cháu đem cất nhưng lâu ngày thất lạc. Bia bằng chữ Hán chưa ai dịch ra nên con cháu cũng không biết được họ tên người nằm dưới mộ ngay cả năm sinh, năm mất, ngày giỗ cũng không có cơ sở nào xác nhận được. Con cháu họ Mai chỉ biết người nằm dưới mộ là ông sơ cố, ông tổ cao nhất của mình – Chúng tôi cũng được hậu duệ họ Mai cho biết có mộ ông Mai Công Minh cũng ở ấp 3 xã Xuân Thới Thượng với mộ bà chánh thất và kế thất nằm hai bên mộ ông. Cả ba ngôi mộ cùng nằm trên đất thổ mộ trước nhà ông Mai Công Đừng, Mai Công Trên và sau nhà ông Mai Công Châm. Mộ ông Mai Công Minh được táng song hồn với mộ bà kế thất. Bà chánh thất mất trước nên được táng trên đất làng cũng ở ấp 3 xã Xuân Thới Thượng. Ngày 23 tháng 12 Âm lịch năm 2001 nhằm ngày 6 tháng Hai năm 2002 (dương lịch) con cháu họ Mai bốc mộ bà về cải táng nằm phía trái mộ ông. Hiện nay cả ba mộ đều được xây lại theo kiểu tân thời bằng xi măng, ốp gạch men rất đẹp. 

Qua việc phân công giỗ chạp giỗ ông con cháu truyền nối đến nay là hậu duệ đời thứ tư phụ trách, còn năm sinh thì được con cháu tính phỏng từ tuổi thật của hậu duệ, cứ mỗi con cách nhau hai năm mỗi thế hệ cách nhau 25 năm, tính phỏng khoảng năm 1757. Chúng tôi khảo sát thêm tài liệu về hậu duệ của ông thì thấy con cháu ông tiếp nối từ ông đến hậu duệ thứ tám của ông rất rõ ràng.

b. Xác định mối quan hệ giữa họ Mai ở xã Xuân Thới Thượng, Bà Điểm và Tân Thông Hội Củ Chi

Qua khảo sát dòng họ Mai ở xã Xuân Thới Thượng, chúng tôi được biết con cháu họ Mai ở Bà Điểm và họ Mai ở Tân Thông Hội Củ Chi từ lâu có đi dự đám giỗ tổ tiên ở Xuân Thới Thượng nhưng không biết rõ họ hàng ra sao. Chúng tôi cũng liên hệ với họ Mai ở Bà Điểm và Củ Chi cũng được xác định như thế. Qua thông tin của con cháu ông Mai Văn Muôn ở Bà Điểm, Mai Công Lộc ở Tân Thông Hội Củ Chi thì được biết tuổi tác của hai ông cùng thời với ông Mai Công Minh. Phải chăng ông Mai Công Minh – Mai Công Muôn và Mai Công Lợi là anh em và người nằm dưới mộ đá vôi là cha của các ông ? Đó là suy đoán chưa có cơ sở khoa học !

Qua tìm hiểu của tổ làm gia phả, chúng tôi nhận thấy chỉ : có ông Mai Công Minh có mộ và được con cháu nối tiếp nhau chăm sóc, phụng thờ liên tục, rõ ràng đến nay là đời thứ tám và cũng do yêu cầu của hậu duệ họ Mai ở Xuân Thới Thượng là lập gia phả cho dòng họ mình nên gia phả này được dựng bắt đầu từ ông Mai Công Minh là ông tổ đời một cho đến hậu duệ thứ tám của ông và tổ quán họ Mai là xã Xuân Thới Thượng. Việc tiếp tục truy tìm ông tổ cao hơn và việc mở rộng qui mô dòng họ là việc làm của hậu duệ họ Mai trong tương lai.

2. Phân tích và phát triển dòng họ 

Ông Mai Công Minh từ đâu đến xã Xuân Thới Thượng hay được sinh trưởng tại đây thì chưa có cơ sở để xác định. Ông làm nghề gì để sinh sống, con cháu cũng không rõ. Căn cứ vào năm sinh trên mộ bia do con cháu tính phỏng như đã trình bày ở trên là năm 1757. Đây là thời điểm mà hai tập đoàn phong kiến Trịnh – Nguyễn phân tranh trên đất nước ta lấy sông Gianh làm giới hạn. Ở Đàng Trong do sự thống trị của chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765). Kế tiếp là Nguyễn Phúc Thuần (1765 – 1777) Chúa lên ngôi mới 12 tuổi, quyền hành do Trương Phúc Loan (cậu ruột) nắm hết, ra sức vơ vét bóc lột của cải của nhân dân, làm cho nông dân và nhân dân lao động vô cùng thống khổ. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổi lên trong đó có cuộc khởi nghĩa của nông dân Tây Sơn. Ông tổ đời một trưởng thành trong hoàn cảnh lịch sử đó. 

Theo con cháu họ Mai thì ông tổ mình có hai đời vợ. Con cháu không rõ họ tên hai bà cùng quê quán, nghề nghiệp và tuổi tác của hai bà cố mình, chỉ biết bà cố lớn mất sớm – được an táng tại đất làng ở ấp 3 xã Xuân Thới Thượng. Ông tục huyền với bà cố nhỏ. Bà cố nhỏ mất sau được táng bên cạnh mộ ông về phía phải. Về sau con cháu bốc mộ bà cố lớn về táng bên trái mộ ông và cả ba mộ được xây lại trên đất thổ mộ ở ấp 3 xã Xuân Thới Thượng và phân công giỗ quảy rõ ràng nghiêm túc.

Giỗ ông được tổ chức vào 20 tháng Giêng Âm lịch do hậu duệ đời 4 là ông Mai Công Chậm (chi thứ nhất) giỗ. Giỗ bà cố lớn ngày 7 tháng 5 Âm lịch hiện do cháu dâu đời thứ 5 (vợ ông Mai Công Mô) phụ trách.

Giỗ bà cố nhỏ do ông Mai Văn Liêm (hậu duệ đời 5 – chi thứ hai) giỗ.

Ông có 9 người con với cả hai bà được đặt theo thứ tự kế tiếp sau :

* Con ông Minh với bà vợ đời một :

Thứ hai : Mai Thị Mẫn.

Thứ ba : không rõ.

Thứ tư : không rõ.

Thứ năm : không rõ.

Thứ sáu : Mai Công Lợi.

Thứ bảy : Mai Thị Huỳnh.

Thứ tám : Mai Thị Ngàn.

Thứ chín : Mai Thị Hoa.

* Con ông Minh với bà vợ kế :

Thứ mười : Mai Công Trì.

Hai người con trai của ông là ông Mai Công Lợi và Mai Công Trì lập gia đình tạo ra hai chi họ Mai như sau :

- Chi thứ nhất : Ông Mai Công Lợi con thứ sáu của bà vợ đời một ở Xuân Thới Thượng lấy vợ hạ sinh được chín người con trong đó có bốn người con trai là Mai Công Kết, Mai Công Tứ, Mai Công Tường và Mai Công Tơ. Trừ ông Mai Công Tơ, con cháu không rõ hành trạng còn ba ông con trai đầu lấy vợ sinh con truyền nối đến nay là đời thứ tám. Trong đó ông Mai Công Kết là ông nội của ông Mai Văn Trí, người lập gia phả này.

- Chi thứ hai : ông Mai Công Trì (con trai út và là con trai duy nhất của bà vợ kế của ông tổ). Ông lấy vợ có 9 người con, chết nhỏ hai con trai còn 7 cả trai lẫn gái. Bốn con trai ông là Mai Công Lâu, Mai Công Kiễng, Mai Công Ngọt, Mai Công Sử. Các ông này lập gia đình truyền nối đến nay cũng đời thứ tám.

Con cháu họ Mai đa số sống và chiến đấu ở Xuân Thới Thượng, một số ở các xã lân cận như Bình Chánh, Hóc Môn. Một số ở Củ Chi, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh nhưng tất cả đều hướng về quê cha đất tổ, khi giỗ chạp gặp gỡ thăm hỏi nhau.

II. QUÁ TRÌNH SINH SỐNG CỦA HỌ MAI VÀ SỰ ĐÓNG GÓP CỦA DÒNG HỌ QUA HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN 

1. Sơ lược về tổ quán Xuân Thới Thượng xưa và nay 

Xã Xuân Thới Thượng nay (xưa là Tân Thới Thượng) thuộc huyện Hóc Môn Thành phố Hồ Chí Minh là tổ quán của họ Mai. Từ Thành phố Hồ Chí Minh theo quốc lộ 22 đến ngã tư Trung Chánh (địa phận huyện Hóc Môn) rẽ phải theo đường Nguyễn Ảnh Thủ đến Bà Điểm rẽ phải theo đường Phan Công Hớn đi khoảng 2km là địa phận xã Xuân Thới Thượng – xã hiện nay có vị trị sau :

Phía Đông giáp xã Bà Điểm.

Phía Tây giáp xã Mỹ Hạnh Nam.

Phía Nam giáp xã Vĩnh Lộc A, B, C.

Phía Bắc giáp xã Xuân Thới Đông và Xuân Thới Sơn.

Đây là vùng đất do phù sa cổ sông Vàm Cỏ bồi đắp thành những giồng đất cao như giồng Bằng Lăng mênh mông màu mỡ phù hợp với đất nông nghiệp và hoa màu.

Sự hình thành của xã Xuân Thới Thượng không tách rời sự hình thành của vùng đất Hóc Môn từ đầu thế kỷ 17. 

Theo địa bạ Minh Mạng năm 1836 thì xã Xuân Thới Thượng xưa là thôn Tân Thới thượng có vị trí như sau :

Tân Thới Thượng thuộc xứ Hóc Môn.

Phía Đông giáp địa phận Tân Thới Nhất.

Phía Tây giáp thôn Xuân Thới Tây.

Phía Nam giáp rạch nước nhỏ.

Phía Bắc giáp địa phận thôn Mỹ Toàn, Thôn Xuân Thới Đông, thôn Tân Thới Trung.

Thực canh điền tô : điền 11 - 0 - 0 (gồm 1 chủ : 7, 5, 0,0, và BTĐC 3.6.0.0)

Đất gò đồi, trong đó có nhà cửa dân cư 1 khoảnh. 

Rừng già 1 khoảnh.

Đất trồng trầu của 4 người nay bỏ hoang, chủ đã mất.

* Thực canh điền tô điền :

Bản thôn đồng canh : 3.6.0.0

Nguyễn Văn Đệ phân canh : 7.5.0.0

Trưởng thôn : Trần Văn Đoạt (ấn ký)

Dịch mục : Đỗ Văn Tại (điềm chỉ).

Phạm Văn Chôm (điềm chỉ).

Năm 1862 tỉnh Gia Định có ba phủ : phủ Tân Bình, phủ Tây Ninh và phủ Tân An. Phủ Tây Ninh có huyện Tây Ninh và huyện Bình Long. Thôn Tân Thới Thượng thuộc phủ Tây Ninh tổng Bình Thạnh Hạ, huyện Bình Long tỉnh Gia Định.

Năm 1867 lập thêm thôn Xuân Thới Tây cũng thuộc tổng Bình Thạnh Hạ, huyện Bình Long tỉnh Gia Định. Từ năm 1872 – 1940 đổi thôn thành xã, tỉnh Gia Định có 4 Quận : quận Hóc Môn, quận Thủ Đức, quận Gò Vấp, quận Nhà Bè. Xã Xuân Thới Tây được nhập vào Tân Thới Thượng lấy tên là làng Xuân Thới Thượng cho đến ngày nay.

Từ năm 1954 đến năm 1975 xã Xuân Thới Thượng thuộc Quận Gò Vấp tỉnh Gia Định nhưng sau giải phóng 30/4/1975 thì xã lại thuộc huyện Hóc Môn Thành phố Hồ Chí Minh.

Vùng đất Xuân Thới Thượng do bàn tay lao động cần cù của những người nông dân và nhân dân lao động nghèo khổ từ nhiều nơi tụ họp về đây đã đấu tranh với thiên nhiên, với thú dữ để xây dựng cuộc sống, biến vùng đất hoang vu thành vùng đất màu mỡ, đồng ruộng phì nhiêu, cảnh quang xinh đẹp. Nhưng chiến tranh xảy ra liên miên trên vùng đất này. Đầu thế kỷ 18 nhiều phong trào nông dân nổi lên mạnh mẽ nhất là phong trào nông dân Tây Sơn và cho đến thế kỷ 19 đã diễn ra hai cuộc chiến tranh khốc liệt nhất là hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Lịch sử đấu tranh chống áp bức bóc lột và chống ngoại xâm của nhân dân xã Xuân Thới Thượng cùng với nhân dân Hóc Môn - Bà Điểm đã góp phần làm nên những trang sử hào hùng của 18 thôn Vườn Trầu nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung. Từ cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp và tay sai của Nguyễn Anh Thủ (1871) đến khởi nghĩa 18 thôn Vườn Trầu do Phan Công Hớn và Nguyễn Văn Quá lãnh đạo giết tên thực dân tay sai là Trần Tử Ca gian ác (1885) rồi đến Nam Kỳ khởi nghĩa do Xứ ủy Nam Kỳ lãnh đạo (1940) đã làm cho thực dân Pháp và tay sai phải tăng cường đàn áp vùng đất có truyền thống đấu tranh chống áp bức và chống xâm lược này.

Trong thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Xuân Thới Thượng có địa đạo, có bưng Xuân Thới Tây và Giồng Bằng Lăng mênh mông là những căn cứ chống giặc lợi hại. Sau Nam Kỳ khởi nghĩa thất bại (23/11/1940) thực dân Pháp tăng cường đàn áp, khủng bố khốc liệt phong trào cách mạng. Ngã Ba Giồng ở Xuân Thới Thượng là một trong ba trường bắn đã ghi lại tội ác tày trời của giặc Pháp và bọn tay sai đối với nhân dân Hóc Môn.

Nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và nhiều đồng chí của Trung ương Đảng và xứ ủy viên Nam Kỳ như Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai cùng nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh ủy Sài Gòn – Chợ Lớn đã ngã xuống trước họng súng của kẻ thù tại Ngã Ba Giồng, nhưng sự tàn bạo đó không uy hiếp được tinh thần cách mạng của nhân dân Hóc Môn nói chung và Xuân Thới Thượng nói riêng, trái lại sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ, liệt sĩ cộng sản đã nung nấu ngọn lửa yêu nước của nhân dân ngày càng mãnh liệt.

Trong mọi tình huống khó khăn ác liệt và phức tạp của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đảng viên và Đảng bộ xã Xuân Thới Thượng luôn luôn đoàn kết xây dựng lẫn nhau. Đồng chí này hy sinh được đồng chí khác nối tiếp liên kết chặt chẽ với quần chúng nhân dân tạo nên sức mạnh tổng hợp giữa Đảng bộ, lực lượng vũ trang và các đoàn thể đã góp phần làm cho cách mạng Tháng Tám 1945 thành công và sau đó góp phần làm thất bại âm mưu phá hoại hiệp định Genève năm 1954. Rồi đế quốc Mỹ thay thế thực dân Pháp tiếp tục thống trị miền Nam.

Bọn đế quốc Mỹ và bọn tay sai thực hiện quốc sách ấp chiến lược, dùng thuốc khai quang, dùng máy ủi đất để tìm diệt cán bộ cách mạng, dùng vũ khí tối tân, dùng nhục hình tra tấn tàn bạo những Đảng viên, cán bộ cách mạng như chặt đầu đồng chí Hai Bắp, Ba Già, đồng chí Mười Hồng, Chín Ghìm, mổ bụng moi gan đồng chí Bảy Tê.

Nhưng sự tàn bạo của giặc cũng không làm nhụt chí đấu tranh của nhân dân Xuân Thới Thượng mà trái lại ngọn lửa đấu tranh vẫn bùng lên mạnh mẽ, người dân Xuân Thới Thượng vừa tin Đảng vừa cảm phục tinh thần cách mạng của Đảng viên nên tích cực tham gia cách mạng bằng mọi cách hình thức như nuôi giấu cán bộ Đảng viên kể cả hy sinh tính mệnh, tài sản của mình để cứu cán bộ Đảng viên thoát khỏi cuộc khủng bố truy lùng của địch tiêu biểu ông Huỳnh Văn Ca bị giặc bắn chết, cướp sạch tài sản, bỏ tù con cháu chỉ vì ông cứu đồng chí Ba Phương. Và Bà Võ Thị Sâu chỉ vì đào hầm nuôi đồng chí Nguyễn Thị Rở và Út Hoa khi có kẻ điềm chỉ, địch khui hầm mà bà bị giặc bắt cầm tù, bị tra tấn dã man.

Trẻ con như Mai Công Ích mới 14 tuổi đã có ý thức bảo vệ cán bộ Đảng viên, đã kịp đậy nắp hầm, đánh lạc hướng kẻ thù cứu đồng chí Bảy Mười và đồng chí Phương.

Nhân dân xã Xuân Thới Thượng cũng tự nguyện tham gia du kích chiến đấu tại địa phương, hay tình nguyện tòng quân vào đơn vị chủ lực chiến đấu với kẻ thù. Phụ nữ xã Xuân Thới Thượng là những người nông dân chân lấm tay bùn nghèo khó nhưng chiến đấu táo bạo, gan dạ, dũng cảm như chị Nguyễn Thị Hai, Hà Thị Bươi, Hà Thị Xơi Nguyễn Thị Bé, chị Nguyễn Thị Phạt (Năm Reo) chị Nguyễn Thị Trơn, Hà Thị Liên … đã bám trụ hoạt động đến cùng và dũng cảm tự sát không để giặc bắt. Với tinh thần chiến đấu như vậy liên tục cho đến ngày 30/4/1975 đất nước được giải phóng và ngày 6/11/1978 xã Xuân Thới Thượng trở thành một xã anh hùng với 458 liệt sĩ, 32 bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Từ khi hòa bình lập lại nhân dân xã Xuân Thới Thượng đã nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh để xây dựng quê hương mình.

Xã Xuân Thới Thượng hiện nay có diện tích chung là 1157,17 hecta trong đó đất nông nghiệp là 1556,56 hecta đất thổ cư 296,57 hecta. Xã có hai đình : một đình ở ấp 3 xã Xuân Thới Thượng và một ở ấp 4. Xã cũng có một miếu bà ở ấp 3 và ba thánh thất Cao Đài, có hai chùa là chùa Long Quang ở ấp 3 trụ trì là sư Yết Ma Thông (Đảng viên) và chùa Quan Thọ ở ấp 5.

Kinh tế chính của xã là nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nhẹ như tráng bánh nhưng nông nghiệp là chính. Nhân dân phần lớn theo đạo Phật và thờ cúng ông bà. Một số khác theo đạo Cao Đài không có đạo Thiên chúa. Hiện nay xã Xuân Thới Thượng đang phấn đấu xây dựng quê hương mình giàu đẹp. 

2. Đời sống họ Mai 

Qua tìm hiểu tộc họ Mai ở ấp 3 xã Xuân Thới Thượng thì được biết họ Mai sống bằng nhiều nghề khác nhau. Trừ ông tổ đời 1 và 2 con cháu không rõ hành trạng của các ông nên không biết các ông sinh sống ra sao. Bắt đầu từ đời 3, 4, 5, 6, 7 con cháu họ Mai sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau nhưng nghề chính vẫn là nông nghiệp.

Ngoài ra, còn có một số đan giỏ tre, làm thợ hồ, thợ mộc, chạy xe lam, buôn bán nhỏ – nuôi bò sữa … làm công an, cảnh sát giao thông. Thế hệ 6, 7 và 8 con cháu học hành trình độ được nâng cao – có người là kỹ sư, quản đốc, giám đốc, tổng giám đốc công ty. Có người làm công tác chính quyền ở xã, huyện mình. Tất cả đều có công ăn việc làm, không người nào làm nghề gì có phương hại đến gia đình và xã hội.

3. Sự đóng góp của họ Mai qua hai cuộc kháng chiến 

Sự có mặt của các ông tổ đời 1, 2, 3, 4 ở xã Xuân Thới Thượng huyện Hóc Môn tỉnh Gia Định vào đầu thế kỷ 19 là lúc nước ta xảy ra cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn. Xã hội Đàng Trong lúc bấy giờ dưới sự thống trị của Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765) rồi đến Nguyễn Phúc Thuần (1765 – 1777) vô cùng suy yếu. Khởi nghĩa nông dân Tây Sơn bùng nổ rồi chiến tranh giữa Tây Sơn – Nguyễn Anh. Sau đó các triều đại nhà Nguyễn để nước ta rơi vào tay thực dân Pháp (1858).

Các ông tổ họ Mai – từ đời 1, 2, 3, 4 là những nhân chứng của lịch sử. Không có tư liệu hay thông tin nào cho biết các ông tham gia vào các giai đoạn lịch sử trên.

Từ khi có Đảng, con cháu họ Mai đời 4, 5, 6, 7 đã tham gia cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Do ảnh hưởng đất nước và con người của vùng đất Hóc Môn nên con cháu họ Mai sớm giác ngộ cách mạng, cả hai chi : chi 1 và 2 đều có đông đảo người tham gia cách mạng ngay từ buổi đầu mới thành lập Đảng.

Ông Mai Công Lư (đời 4) tham gia cách mạng từ năm 1930 sau khi thành lập Đảng. Năm 1936 – 1939 ông là thành viên của Ủy ban hành động quận Gò Vấp trong phong trào Đông Dương đại hội và hy sinh năm 1950 tại Tân Phú Trung được phong liệt sĩ. Các con cháu ông đều tham gia suốt hai thời kỳ kháng chiến.

Ông Mai Văn Ướt tham gia cách mạng từ cách mạng Tháng Tám 1945 rồi tiếp tục kháng chiến toàn quốc năm 1946 thì bị địch bắt, bị tra tấn dã man không thu được kết quả, chúng đem bắn ông rồi mổ bụng moi gan phơi thây ở Ngã Ba Chùa Xuân Thới Thượng, ông được phong liệt sĩ.

Ông Mai Công Dẫn (đời 4 chi 2) làm hương giáo sau đó tham gia cách mạng, hậu duệ của ông cũng theo ông, cũng đóng góp đáng kể vào hai cuộc kháng chiến. 

Phải chăng sự tàn sát dã man của kẻ thù đối với ông cha mình, bà con trên quê hương mình làm tăng lòng căm thù giặc nên đông đảo con cháu họ Mai đời 5 và 6 hăng hái tình nguyện tham gia cách mạng với tình thần “quyết tử vì tổ quốc quyết sinh”, ông Mai Văn Tòng (con ông Mai Văn Ướt) sau khi cha ông bị kẻ thù sát hại, ông tình nguyện vào bộ đội, làm trinh sát hoạt động ở biệt động thành, không ngại vào sinh ra tử, bị địch bắt đày ra Côn Đảo, vẫn đấu tranh, được trao trả tiếp tục công tác ở đơn vị cũ.

Ông Mai Văn Tựu xung vào bộ đội thuộc Trung đoàn Gia Định, đánh giặc rất giỏi, giữ chức Tiểu đoàn phó. Ông Mai Công Hồ mới 14 tuổi đã là bộ đội thuộc chi đội 12. Ông Mai Công Ích, Mai Công Ẽm ... vào bộ đội tích cực xông pha nơi chiến trường suốt hai thời kỳ kháng chiến. Ông Trần Văn Kịp con của bà Mai Thị Dợm bí danh Đồng Đen thuộc biệt động thành Saigòn, làm trinh sát phục vụ pháo binh đánh tốt. Ông đánh rất “ngọt” rất “lỳ”, tung hoành trong các trận đánh làm cho giặc phải khiếp sợ.

Ngoài việc tham gia đơn vị biệt động, hầu hết gia đình con cháu họ Mai còn là cơ sở và hậu cần vững chắc cho cách mạng. Tiêu biểu như gia đình bà Mai Thị Ao, Mai Thị Đúng, Mai Công Đãi… Mai Thị Đính. Riêng bà Mai Thị Đính làm rất nhiều công tác cho cách mạng như giao liên, chuyển quân, hậu cần. Nhà bà và mảnh vườn sau nhà là nơi bà nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Nhà bà còn là nơi hội họp quan trọng của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, ông Phan Văn Khỏe – Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ.

Bà cùng chồng ủng hộ cách mạng hết lòng, lo hết khả năng. Năm Mậu Thân 1968, bà Đính đóng góp cho cách mạng một con trâu, 5 giạ lúa và 50.000đ. Đó là một đóng góp lớn đối với vật giá thời bấy giờ. Con cháu họ Mai còn là những dân quân du kích giỏi như Mai Thị Oi, Mai Văn Đực, Mai Văn Tám gài mìn đánh xe tăng. Mai Thị Liên đã tham gia du kích trên quê hương tuổi còn rất trẻ và anh dũng hy sinh tuổi còn độc thân như Mai Văn Đực, Mai Văn Hề … Đóng góp trong ngành y có ông Mai Văn Cu. 

Vai trò phụ nữ họ Mai rất quan trọng trong hai cuộc kháng chiến. Ngoài việc làm hậu cần, làm giao liên các bà còn nuôi dạy con cháu đi theo con đường cách mạng. Bà Mai Thị Củ mẹ ông Huỳnh Trí Mười, bà Mai Thị Dợm mẹ của Đồng Đen. Bà Mai Thị Đính cô của liệt sĩ Mai Văn Hề, các bà đã nuôi dạy con cháu mình trở thành những cán bộ, chiến sĩ cộng sản tốt phục vụ cho cách mạng. Ngoài ra còn có các bà đã lập gia đình nhưng cùng chồng thoát ly làm cách mạng như bà Mai Thị Rành, Mai Thị Bộn, Mai Thị Đúng. 

Nhìn chung, trong hai cuộc kháng chiến họ Mai đã có 11 liệt sĩ, 1 anh hùng và từ khi hòa bình lập lại con cháu họ Mai đã học tập tốt, nâng cao trình độ. Nhiều người có bằng đại học như ông Mai Văn Trí – ông làm gia phả này đã có ba bằng đại học. Tất cả đều lao động tốt góp phần nâng cao cuộc sống và xây dựng quê hương, đất nước.

III. NHỮNG PHẨM CHẤT TỐT ĐẸP CỦA HỌ MAI 

Qua khoảng 250 năm từ khi ông tổ đời một ra đời và định cư lập nghiệp ở làng Tân Thới Thượng, tổng Bình Thạnh Hạ, huyện Bình Long tỉnh Gia Định, nay là ấp 3 xã Xuân Thời Thượng huyện Hóc Môn Thành phố Hồ Chí Minh, họ Mai đã truyền tử lưu tôn đến nay là đời thứ 8. trong quá trình lao động chiến đấu để tồn tại và phát triển họ Mai đã có được những phẩm chất tốt đẹp của dòng họ mình để lại cho con cháu như sau :

… Trừ ông tổ đời 1, 2, 3 con cháu hiện nay không rõ hành trạng của tổ tiên mình, song đời 4, 5, 6 hầu hết là những nông dân cần cù, lao động, cuộc sống giản dị bình dân chân thật, vẫn giữ được tình thân tộc, tình làng nghĩa xóm. Đó là đặc điểm đáng quí cần tiếp tục duy trì.

… Điểm đáng quý của họ Mai là tinh thần cách mạng triệt để. Từ khi có Đảng, hậu duệ đời 4, 5, 6 của cả hai chi đều đông đảo tham gia cách mạng. Hết lòng vì sự nghiệp cách mạng, hy sinh anh dũng để giữ khí tiết của người Cộng sản. Gan dạ, dũng cảm và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ như Mai Công Tựu, Mai Văn Hề, Mai Văn Cu … mưu trí, sáng tạo làm cho kẻ thù phải thất điên bát đảo như Đồng Đen (Trần Văn Kịp) con bà Mai Thị Dợm. Con cháu họ Mai nên tự hào học tập và phát huy tinh thần yêu nước của dòng họ Mình để xây dựng đất nước.

… Một đặc điểm nữa của họ Mai là việc phụng thờ tổ tiên, giữ gìn đạo hiếu. Dù ở hoàn cảnh nào, con cháu họ Mai cũng quan tâm đến việc giỗ chạp cho tổ tiên. Việc cúng giỗ đã có phân công rõ ràng, từ thế hệ này sang thế hệ khác, việc tôn tạo mồ mả được hậu duệ chăm sóc, cải táng và xây lại khang trang, việc phụng thờ tổ tiên nghiêm túc qui tụ được con cháu xa gần và nay lập được gia phả cho dòng họ giúp dòng họ hiểu biết nhau hơn, tình thân tộc được thắt chặt hơn.

Đây là những phẩm chất tốt đẹp của họ Mai, con cháu có quyền tự hào, học tập để xây dựng dòng họ mình tốt hơn. Với gia phả này mong giúp dòng họ đoàn kết nhau hơn, khuyến khích nhau trong học tập, trong cuộc sống, trong đối nhân xử thế để góp phần làm vẽ vang cho dòng họ và phục vụ cho đất nước.

Hiện nay việc truy tìm, nối kết dòng họ Mai chưa có cơ sở để hoàn chỉnh. Rất mong hậu duệ họ Mai tiếp tục thực hiện.