Trang chủ > 024. Trần gia thế phả mục lục

024. Trần gia thế phả mục lục

15/08/2022 11:34:28

Trần gia thế phả mục lục được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2004.

LỜI DẪN NHẬP

Tập gia phả có nhan đề “Trần tôn thế thứ trưởng ký phả” nguyên văn chữ Hán do một vị tổ phụ đời thứ XI nhà ta là ông Trần Quang Anh viết và cho khắc in từ tháng 9 năm Nhâm Thìn (1892) thời Thành Thái thứ tư, bắt đầu từ đời I, kết thúc vào đời X và được lưu truyền trong tộc họ từ đó đến nay.

Ông nội chúng tôi, cụ Trần Trọng Hách thừa kế di sản nầy, xem đây là vật bất ly thân suốt đời cụ từ khi còn ở quê nhà đến lúc lên chiến khu kháng chiến, sau đó theo cụ ngược Bắc xuôi Nam cho đến lúc đất nước thanh bình, độc lập cụ vẫn mang bên mình.

Trước khi qua đời, cụ truyền di vật nầy lại cho cha tôi với lời trối trăn “kế chí thuật sư”, theo đây mà viết tiếp

Thân phụ tôi, Trần Trọng Biền với tư cách là thừa trọng tôn, cũng vừa nghỉ hưu, đã nối chí người xưa chấp bút thêm các đời hiện nay, đồng thời mày mò phiên dịch bản phả gốc  ra Việt ngữ.

Công việc còn đang dang dở thì ông cũng mệt mõi vì tuổi đời chồng chất, đành ký thác gánh nặng cho chú Trọng Hoãn, người em của mình, nhưng chú cũng còn đa mang việc nước, chỉ bổ sung được một ít nhưng vẫn chưa được coi là công việc đã thật sự hoàn thành.

Mẹ tôi luôn trăn trở vì công việc thiêng liêng bên họ nhà chồng, nên cũng ngày đêm lo toan bức xúc mà cũng không làm được gì hơn.

May nhờ một số nhà chuyên môn thuộc Chi hội Khoa học Lịch sử Gia phả -Hồi ký TPHCM giúp sức nên bộ gia phả rồi cũng hoàn thành.

Nguyên văn bản gia phả gốc chỉ ghi đến 10 đời và kết thúc năm 1892, phần kế tiếp cũng được người sau lần lược cập nhựt, nhưng do hoàn cảnh nên việc ghi chép còn mang tính sơ lược.

Lần dựng mới nầy, vẫn tôn trọng và giữ nguyên phần phả các hệ từ đời I đến đời X tuy vậy ta thấy 7 đời đầu đã bị khiếm khuyết về niên đại của các ông bà, bước qua đời VIII mới có ghi năm sanh, năm mất. Dù sao biết được danh tánh của vị tổ phụ khai canh là hạnh phúc cho đám hậu duệ chúng ta lắm rồi!

Sự sơ lược từ đời XI về sau nầy thì đây là lần cố gắng bổ sung cho thật đầy đủ.

Nguyên bản không có phần mở đầu và phần phụ khảo nên nay có thêm phần mới và toàn tập bộ gia phả sẽ co: Lời dẫn nhập, phả ký, phả hệ, phả đồvà ngoại phả. 

Phần phả ký để ghi tổng quát về sự phát triển dòng họ từ xưa đến nay, xuất hiện từ thời kỳ nào trong lịch sử, những công nghiệp và thành tích cũng như sự hoà nhập trong cộng đồng dân cư kể cả nỗi thăng trầm trong họ tộc.

Phần phả hệ ghi tên từng người, theo đời, theo thế thứ từ trên xuống dưới, có kỷ sự, hành trạng mỗi người.

Phần phả đồ tức là cây phả hệ, hoặc là sơ đồ tổ chức của họ tộc mình.

Phần phụ khảo (hay ngoại phả) để ghi thêm những sự kiện đặc biệt mà các phần trên chưa nói đến nh: Việc cúng giỗ, khu nghĩa trang họ tộc, quê hương đất nước con người, lịch sử địa lý từng thời kỳ, quá trình hình thành làng xóm, công cuộc di dân từ ngàn xưa v.v…

Do bản gốc được mô tả theo phương pháp ngang nghĩa là viết hết thế hệ nầy xong mới viết đến thế hệ kế tiếp. Viết theo phương pháp nầy được ưu điểm là dễ thấy mối quan hệ kết cấu một dòng họ từ xưa đến nay mà không theo phương pháp dọc là viết theo chi, từ ông nội xuống cha, đến mình rồi con cháu, cách nầy mỗi chi sẽ dễ nhìn ra con cháu cũa mình hoặc khi cần thì tách riêng phần mình ra để xem xét bổ sung thuận lợi hơ, tuy vậy thể hiện được sự tôn ty trật tự trong việc sắp xếp thế thứ; nên nay phần tiếp theo cũng phải theo phương pháp đã dựng.

Là kẻ hậu bối, nhưng được thừa hưởng và tiếp thu trọn vẹn nền nếp gia phong, xin thỉnh thị ý kiến và được phép các cô các chú trong tộc để hoàn thành tâm nguyện của cha ông.

Với tấc lòng uống nước nhớ nguồn, công việc vấn tổ tầm tông là việc trọng đại trong họ tộc, không phải chỉ một người hay một ngày mà xong được, nhưng cháu xin đứng ra đảm nhiệm công việc đầy trong trách nầy.

Và cũng mong được chú bác, anh em chỉ giáo cho những điều còn thiếu sót.

Tp.Hồ Chí Minh, ngày    tháng   năm 2004.

Cháu đời thứ mười bốn họ Trần,

TRẦN TRỌNG ĐỨC 

 

PHẢ KÝ

Gia phả là tài liệu gốc của một tộc họ, cũng là một báu vật trong một gia đình để cho thế hệ chúng ta hôm nay soi rọi vào đấy mà biết tên tuổi, huý kỵ, phần mộ, hành trạng và lẽ sống của tiền nhân, đồng thời cũng là một cương lĩnh để chúng ta chiêm nghiệm và học tập theo gương xưa hầu trau giồi bản thân chúng ta trong cuộc sống.

Thừa hưởng hồng phúc cũa tổ tiên, nên tập “Trần tông thế thứ trưởng ký phả” của tộc họ ta ấn hành từ năm 1892  đã được giữ gìn cẩn thận, đã từng được mang lên chiến khu rồi ngược Bắc xuôi Nam đến nay vẫn còn nguyên vẹn và tồn tại được hơn trăm năm qua.

Bộ gia phả đã liệt kê được từ ông tổ đầu tiên vào khai cơ dựng nghiệp tại vùng đất huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong xưa cho đến đời thứ mười là lúc kết thúc. Bộ gia phả đã có khoảng thời gian gần 300 năm.

DÕI TÌM TÔNG TÍCH NGƯỜI XƯA

Xu thế Nam tiến là quy luật phát triển tất yếu của giống nòi Lạc Việt, thoạt tiên từ đồng bằng sông Hồng rồi bằng nhiều cách, người ta tiến dần xuống phía Nam, thời kỳ nào cũng có, để cuối cùng non sông liền một dãy từ Ải Nam Quan cho đến mũi Cà Mau.

Từ ông Thượng cao cao tổ họ Trần chúng ta có húy danh là Trần Văn Bồng đến định cư nơi vùng đất mà về sau có địa danh là Quảng Trị nầy đến nay đã được 14, 15 đời.

Gia phả gốc không ghi được năm sanh, năm mất từ đời một đến đời bảy, cho đến đời tám mới biết ông tổ phụ Trần Quang Lý sanh năm Mậu Thân tức là năm 1788 dương lịch, chứng tỏ người chấp bút đầu tiên cũng hoàn toàn không biết thời điểm cụ thể nầy. Vì vậy buộc lòng ta phải dùng phép ước tính khoãn cách giữa mỗi thế hệ là 25 năm để tính ngược lên đời một là ông Trần Văn Bồng là ước vào khoảng năm 1603 dương lịch, ở Đàng Ngoài vua Lê Kính Tông (1599-1619) bên cạnh là chúa Bình An Vương Trịnh Tùng (1570-1623) đang cầm quyền và bên trong dãy Hoành Sơn đã xuất hiện một lực lượng chánh trị mới, lãnh đạo bởi Chúa Tiên Đoan quận công Nguyễn Hoàng (1558-1613) bản doanh đầu tiên đặt ở xã Ái Tử huyện Đăng Xương trên đất Quảng Trị ngày nay. (tuy nhiên việc ước tính thời điểm 1603 cũng có thể sai biệt trước sau 20 năm).

Ta nói ông tổ đầu tiên vào ở tại phường Trung An, huyện Do Linh cũng đúng, vì hiện nay nơi Núi Tiên (Cồn Tiên) còn di tích mộ ông thủy tổ ở đó, nhưng nên hiểu cho chính xác thì từ thời Lê, nơi đây là huyện Vũ Xương thuộc phủ Triệu Phong, thời chúa Nguyễn đổi Vũ Xương thành Đăng Xương, sau đó cắt đất Đăng Xương và Minh Linh đặt thêm huyện Địa Linh, đến năm 1886 mới đổi thành Do Linh (nay viết là Gio Linh).

Vậy ông tổ họ ta có nguyên quán từ đâu, đến đây trong thời kỳ và hoàn cảnh nào? Hiện chưa có giải đáp thỏa đáng!

Có truyền thuyết nói ông là người từ miền Thanh Hóa vào, cũng có người phán đoán theo cách phát âm mà cho rằng từ vùng Hương Sơn, Hương Khê (Hà Tĩnh) do đời sống nơi bản địa quá cơ cực mà theo đường bộ thiên cư vào miền Nam trù phú hơn với đôi tay trắng và một nghị lực phi thường, còn việc đi cùng nhóm họ hay đơn thân một mình thì không nghe nói tới.

Đọc sử Việt ta thấy: Năm 1069 vua Lý Thánh Tông (1054-1072) vào đánh Chiêm Thành, vua Chiêm thua phải cắt nhượng 3 châu Địa Ly, Ma Linh, Bố Chính (nay là vùng Quảng Bình). Đến năm 1308 vua Trần Anh Tông (1293-1314) gả công chúa Huyền Trân mà tiếp nhận 2 châu Ô, Lý (Rí), nay là Quảng Trị - Thừa Thiên, đó là thời điểm mà nhân dân Thanh, Nghệ hai lần vào mở đất nhưng hãy còn quá sớm đối với họ ta.

Lần nữa, năm 1471 vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đánh vào thủ đô Trà Kiệu, chiếm đất cũa Chiêm Thành đặt ra phủ Hoài Nhơn và đưa đám tội nhân bị lưu đài vào khai phá, đồng thời còn xuống chiếu di dân vào mở mang châu Bố Chính, sử chép đợt di dân nầy là theo từng nhóm họ, nên đã xuất hiện những tên làng lấy theo họ của mình nơi huyện Khang Lộc như: Cái Xá, Mai Xá, Chu Xá, Lỗ Xá, Phạm Xá, Bùi Xá, Cao Xá, Trương Xá, Thượng Xá, Hoàng Xá, Phan Xá, Lại Xá, Quất Xá, Thái Xá, Ngô Xá, Đặng Xá trong 72 làng xã nơi huyện Khang Lộc và ở châu Minh Linh cũng có 65 làng xã như vậy, thêm những tên mới như : Hồ Xá, Nguyễn Xá, Vũ Xá, Mai Xá v.v… Và bao nhiêu quan quân thời Hồng Đức đi đánh Chiêm Thành được phép ở lại. Nhưng thời kỳ khởi nghiệp của ông tổ họ ta bên trong dãy Hoành Sơn dường như gần gũi với thời kỳ Nguyễn Hoàng nhứt.

Thời kỳ Nguyễn Hoàng, sử chép : Ông không phải đi một mình mà có nhiều người cùng đi, trong số đó chắc chắn là đi để tìm một tương lai sáng lạn chớ không đơn thuần là đi tỵ nạn như ông và nhất định trong đoàn tùy tùng đó có những phần tử ưu tú như Lê Duy Trì (em vua Lê Kính Tông) trốn vào Đông Sơn rồi chuyển vào ở Quảng Nam. Trong số 22 vị quan nhất phẩm của họ Nguyễn đã có 19 người xuất thân từ Tống Sơn như Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Cửu Kiều, Trương Phước Phan, Nguyễn Hữu Tiến, Đào Duy Từ và họ hàng 5 bà hoàng hậu của các chúa .

Các bộ gia phả ở vùng Thừa Thiên còn nói : Họ Đoàn từ Thanh Hóa, Nghệ An vào ở Quảng Bình lập nên làng Chuồn (gọi là Chuồn gốc) rồi đi tiếp vào Thừa Thiên có tên làng Chuồn ngọn.

Gia đình Phạm Đăng Hưng sau khi Nguyễn Hoàng vào Nam đã từ miền Bắc vào định cư ở huyện Vũ Xương, sau đó chuyển vào Hương Trà, đến thời ông cố lại chuyển vào tận Gò Công.

Dòng dõi Lê Duy Lương sau khi nổi dậy bị dẹp tan được Minh Mạng đưa vào an trí ở Quảng Ngãi, Bình Định mà hậu duệ sau nầy là nhà ngữ học Lê Ngọc Trụ. 

Anh em nhà Tây Sơn, nguyên là họ Hồ ở Hưng Nguyên (Nghệ An) do lần chúa Nguyễn đánh ra Nghệ An năm 1655, khi rút quân đã cưỡng ép số đông dân Đàng Ngoài cho vào ở An Khê qua 4 thế hệ là đến ba anh em Nhạc, Huệ, Lữ.

Ta biết rằng các họ trên đây khi vào Nam đều có mang theo gia phả. Nhưng chưa thấy có trường hợp nào  nói về họ Trần ?

Chỉ có một lần : Vào năm 1572 tướng nhà Mạc là Lập Bạo đi đường biển vào đánh chúa Nguyễn Hoàng, bị quân Nam giết chết ở Hồ Xá, số quân đầu hàng trên 60 chiếc thuyền được bố trí ở lại định cư nơi vùng Núi Tiên và họ lập ra 36 phường ở đấy.

Do đó, vụ việc quân Lập Bạo là có nhiều điểm gần gũi với việc phát tích dòng họ ta cã về thời gian, địa điểm và hoàn cảnh, sự ngẫu nhiên trùng hợp nầy cũng chỉ là ước đoán không thực sự tin cậy, nhưng cũng xin ghi ra đây để rộng đường tham khảo.

Từ thế kỷ XVII, đồng bằng sông Hồng không còn là trung tâm duy nhất của văn minh VN. Ngoài Thăng Long văn vật, một trung tâm mới là Trị Thiên-Huế đã hình thành và đang phát triển với một bối cảnh văn hóa khác mà khối dân cư mới ấy cũng hoạt động trong hoàn cảnh hoàn toàn khác và mang tên là Đàng Trong, đối lập với Đàng Ngoài.

VỀ NHỮNG CHỮ “BIỆT PHẢ” TRONG NGUYÊN BẢN

- Ông Trần Văn Bồng, đời I sanh 5 người con trai, thì người con trưởng Trần Văn Thuyền được ghi vào gia phả, 4 người còn lại thì 2 người nuôi con nuôi nên không được ghi, 2 người lập phả riêng gọi là “biệt phả”.

- Ông Trần Văn Thuyền đời II sanh 9 người con, trong phả chỉ ghi người thứ tư là Trần Công Lễ, 1 ngừơi sanh con gái, 1 người vô tự, 6 người lập phả riêng. Và ông Lễ là vị tổ phụ duy nhứt lót chữ đệm là “Công”.

- Ông Trần Công Lễ đời III sanh 4 người con, thì người con trưởng Trần Quang Tuyển được ghi, 1 con trai lập phả riêng, 2 con gái không tính.

- Ông Trần Quang Tuyển đời IV, người bắt đầu dùng chữ “Quang” chỉ sanh 1 gái và 1 trai thì người con trai Trần Quang Diên được ghi vào phả.

- Ông Trần Quang Diên đời V là con trai duy nhất, sanh ra 3 trai 1 gái thì 2 trai vô tự, con gái không tính, kể như người con thứ 3 Trần Quang Niên có con nối dòng, nên ghi vào gia phả.

- Ông Trần Quang Niên đời VI sanh đông con, nhưng 3 trai vô tự, 2 gái không tính, số còn lại 3 người trai đều được triển khai viết đủ, là Trần Quang Nguyên gọi là chi 2, Trần Quang Biểu là chi 3, Trần Quang Đạt là chi 6.

Như vậy, từ đời II có 2 người lập phả riêng, đời III có 6 người, đời IV có 1 người, thế là trong 3 thế hệ có 9 bộ gia phả tiểu chi, cọng với bộ Trần tông thế thứ trưởng ký phả, ta thấy trong họ có 10 bộ gia phả, riêng phả chi họ ta được thể hiện như sau :

1/-Trần Văn Bồng-2/-Trần Văn Thuyền-3/-Trần Công Lễ-4/-Trần Quang Tuyển-5/-Trần Quang Diên-6/-Trần Quang Niên-7/-Chi 2 Trần Quang Nguyên - Chi 3 Trần Quang Biểu - Chi 6 Trần Quang Đạt. Và từ 3 ông nầy trở về sau được ghi đủ cho đến đời X và bổ sung cho đến hiện nay.

Về chữ “biệt phả” ta có thể hiểu đã có sự phân công từ xưa theo lệ tộc, mỗi chi tự viết riêng cho chi mình mà về sau không có điều kiện tập họp lại thành bộ gia phả đại tộc nên ngày nay trong gia tộc cho biết là chưa thấy bộ phã nào ngoài bộ “Trần tôn thế thứ trưởng ký phả” cã.

Ta biết rằng : Thời gian đó, trong 45 năm có 7 lần hai bên Trịnh, Nguyễn đánh nhau, nhưng chiến tranh chỉ xảy ra từ Nam Bố Chính cho tới nam sông Lam, Quảng Trị quê ta chỉ phải cống hiến nhân lực và vật lực cho cuộc chiến, nếu có người phải tòng quân thì phải đứng về phe nào ? Câu hỏi chưa có lời giải đá, nếu thực sự chi họ ta có người khó thể viết ra?

THỜI ĐIỂM BIẾT RÕ NIÊN ĐẠI CỦA ÔNG BÀ

Cho đến đời VIII nguyên bản mới ghi được tổ phụ Trần Quang Lý sanh năm Mậu Thân tức 1788 dương lịch là lúc chúa Nguyễn cuối cùng Định Vương Phúc Thuần đã bị diệt, đại quân Tây Sơn đã ra Bắc thắng quân Thanh, vào Nam truy kích Nguyễn Phúc Ánh.

Khi ông Trần Quang Khiêm đời IX hiện diện là đến năm Tân Mùi (1811) vua Gia Long đã ở ngai vàng được 10 năm.Trên đường hoạn lộ, ông Khiêm có giữ chức Thông Lại nơi huyện Thành Hóa (Thông Lại, như chức Thư ký ngày nay, không cần thi cử, có nhiệm vụ soạn thảo giấy tờ, công văn, thư trát ở huyện, N.D.)

Đời X ông Trần Quang Tề sanh năm Mậu Thân (1848) là năm đầu Tự Đức, ông là người có công vận động 40 hộ dân trong và ngoài tộc từ phường Trung An quê cũ ở huyện Do Linh lên vùng đất đỏ Cam Lộ lập nơi ở mới, đặt tên là phường Tân Mỹ. Ông là người có chữ nghĩa nên được mời ra làm Thư lại cho Nha Sơn Phòng nơi thượng du Cam Lộ, rồi chuyễn sang làm Lại Mục Thí Sai huyện Hướng Hóa (Thư Lại : Chức việc lo về văn thư ở phủ, huyện, nha-Lại Mục: Hàm chánh cửu phẩm, chức vụ giúp việc cho Tri Huyện. Thí Sai: Là chế độ thực tập cho người mới tạm tuyển trong vòng 3 năm, qua sát hạch mới được bổ chánh thức. N. D)

Đến đời XI, con ông Trần Quang Tề là Trần Quang Tấn (sanh năm Canh Ngọ 1870) mới từ làng Tân Mỹ lại chuyển về phường An Hưng cùng huyện, nơi đất đai trù phú hơn.

Và để đánh dấu việc chuyển nơi ở của cánh mình, ông Trần Quang Tấn bèn đổi chữ đệm thành Trần Trọng Tấn, nên chữ Trọng từ đây về sau đã thành chữ lót cho hệ nầy. Phường An Hưng nay là xã Cam Thành, huyện Cam Lộ.

Ông Trần Trọng Tấn là người chỉ thi đổ 2 khóa tú tài (nhị trường) theo lệ thi cử cũ (Phép thi hương được sửa đổi từ năm 1851 gọi là thi tứ trường, đổ trường nhất mới qua trường nhì, đổ trường nhì mới thi trường ba, qua được trường tư là đổ Cử nhân, nếu chỉ đổ ba trường cũng đều là tú tài, nên có danh xưng tú mền, tú kép, tú đụp N. D.)  Ông Anh chỉ qua nhị trường nên chưa được bổ dụng, chỉ được ưu đãi là miễn sưu dịch, từ đó ông ngồi nhà dạy học có nhiều học trò đổ đạt, đồng thời chăm nom dạy dỗ con cái mình.

Đến đời thứ XI là đã ở vào hậu bán thế kỷ XIX mà lớp ông bà hiện diện là :

- Con ông Trần Quang Tề : Thị Trâm, Quang Anh, Quang Tấn, Quang Thân.

- Con ông Trần Quang Chỉnh là Quang Duệ.

- Con ông Trần Quang Thỉnh là Quang Hoa, Quang Lộc.

- Con ông Trần Quang Khải là Quang Quỳnh, Quang Cư, Quang Hổ, Quang Hoàng.

- Con ông Trần Quang Long là Quang Hành.

- Con ông Trần Quang Sự là Quang Hàm, Quang Điều, Quang Nhận.

Theo sự sắp xếp trong nguyên bản thì kể từ đời VII quy định hệ ông Trần Quang Nguyên là Chi 2, ông Trần Quang Biểu là Chi 3, ông Trần Quang Đạt là Chi 6, xuống đời VIII sẽ gọi là Phái, dù cho phái nào cũng sẽ thuộc vào 3 chi kể trên.

Đời thứ XII ông Trần Trọng Hách sanh năm 1901 là năm đầu cũa thế kỷ XX, nghiệp học chữ Nho, khoa bảng không còn trọng dụng, năm 1918 bải bỏ khoa thi Hương qua 1919 khoa thi Hội cũng cáo chung và bắt đầu phổ biến việc học quốc ngữ A, B, C... ông cũng sớm thích nghi và tinh thông hai kiểu chữ cũ và mới nên được làng, tổng cử ra làm Lý trưởng thôn Tân Mỹ rồi được dịp đối đầu với bọn tham quan ô lại, một sản phẩm của thực dân phong kiến, mới thấy sự ức hiếp dân lành, mới thấy sự bất công đầy rẫy trong xã hội, đều do cái nhục mất nước mà ra.

Viên Tri Huyện Cam Lộ thời đó là Trần Mạnh Đàn (người Quảng Bình) là tên chó săn khét tiếng đả thẳng tay đàn áp phong trào Văn thân được quan thầy tin cậy, khi về trấn nhậm nơi đây đã thường hay bắt bớ, đánh đập, tra tấn và đóng trăn đám dân nghèo không tiền đóng thuế thân.

Vốn lòng bất bình sẵn có, ông mạnh dạn đứng ra binh vực cho họ một cách khéo léo, thậm chí còn sẵn sàng chịu đóng trăn thế, vì vậy nên bị làng tổng nghi ngờ ông có đầu óc Cộng sản, nên cho nghỉ việc.

Đó là vào khoảng năm 1930, lúc mà miền Trung đang sôi sục phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, tuy phong trào bị đàn áp nặng nề nhưng ảnh hưởng của nó vang xa từ Nam chí Bắc, trong dịp đó ông nhanh chóng tiếp xúc với một số cán bộ cách mạng đang bí mật hoạt động tại địa phương như Hồ Chơn Nhơn, Hồ Xuân Lưu (tức Trần Quốc Thảo) và ông đứng ra tổ chức Hội Cứu Tế Đỏ để tuyên truyền, vận động quần chúng cho đến ngày cách mạng tháng Tám thành công, từ đó gia đình ông và bà con thân thuộc đều trực tiếp đứng vào hàng ngũ kháng chiến cứu nước.

Một vùng Đông Hà - Cam Lộ - Gio Linh của Quảng Trị là nơi đầu sóng ngọn gió trong hai cuộc kháng chiến, với dãy đất hẹp nơi eo thắt nhất của Tổ quốc, nhưng Quảng Trị là nơi hội tụ đủ các yếu tố địa hình phức tạp như đồi núi, đồng bằng, cồn cát, bờ biển, hải đảo; trong lịch sử được coi là trọng trấn, là trấn biên, là phên dậu phía Nam của Đại Việt, là thủ phủ Ái Tử nơi buổi đầu xây dựng vương triều Nguyễn, là ranh giới của mấy cuộc chia cắt phân ly, là căn cứ Tân Sở của nhà vua yêu nước Hàm Nghi, là trụ sở của chánh phủ cách mạng lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam, bởi vậy nó còn là bề dày lịch sử văn hóa vững bền mà dù khắc nghiệt của thiên nhiên, hoặc phong ba của xã hội cũng không gì lay chuyển nổi.

Trong hai cuộc kháng chiến vừa qua có biết bao tên núi, tên sông, tên làng tên đất, của Quảng Trị đã đi vào lịch sử như : Đường 9 Khe Sanh, Ái Tử, La Vang, Cổ Thành, Cửa Việt, Đông Hà, Hiền Lương, Bến Hải, Dốc Miếu, Cồn Tiên, đó là lịch sử, là vốn liếng, gia tài của nhân dân Quảng Trị nói chung và của dòng họ ta nói riêng; thử thách cam go, hun đúc giũa rèn một cốt cách bất khuất, một truyền thống cần cù chịu thương, chịu khó, lạc qua yêu đời và hướng niềm tự tin vào tương lai tươi sáng.

Và miền đất truyền thống ấy có thể gọi là “địa linh nhân kiệt” đã sản sinh biết bao thiên tài, nhà quân sự, khoa học kỹ thuật, toán học thiên văn, nhà chánh trị kiệt xuất,nhà văn hóa nổi tiếng, dù đang ở đâu, ở cương vị nào họ cũng một lòng một dạ phục vụ cho tổ quốc, phục vụ cho nhân dân và phục vụ cho địa phương.

Những điều đó báo hiệu cho một sự tốt đẹp ở tương lai, khi Quảng Trị đang đứng trước một thời cơ và vận hội của kỷ nguyên dựng xây và đổi mới. (Trích theo ý trong sách “Dòng chảy văn hóa và người Quảng trị- Nhà xuất bản Chính trị Quốc Gia 2002).

QUY CÁCH ĐẶT TÊN VÀ CHỮ ĐỆM TRONG HỌ TA

Kể từ ông tổ đầu tiên, hầu hết họ ta cũng như một số họ bình dân khác trong vùng đều lấy chữ “Văn” làm chữ đệm như: Trần Văn Bồng, Trần Văn Thuyền v.v… mà không dùng kiểu hai chữ – họ và tên –phổ biến như đa số ở miền Trung.

Đến đời III ông tổ trực hệ chi chúng ta là người đứng hàng thứ tư trong 9 anh em đã lấy chữ “Công” làm đệm, đó là ông Trần Công Lễ, người duy nhất trong họ dùng chữ Công, các người khác vẫn dùng chữ Văn.

Các con ông Lễ (đời IV) có 2 trai, 2 gái thì 2 người trai lại dùng chữ  “Quang” tức là ông Trần Quang Tuyển và Trần Quang Mưu, từ đó về sau tất cả mọi người trong họ đều sử dụng chữ Quang cho đến đời thứ XI (tất nhiên người đàn bà đều dùng chữ Thị) ông Trần Quang Tấn (con ông Trần Quang Tề) khi chuyển về ở làng An Hưng mới đổi thành Trần Trọng Tấn. Từ đó đến nay lớp con cháu ngành ông Tấn đều dùng chữ Trọng, còn các ngành khác vẫn giữ chữ Quang.

ĐẶT TÊN THEO BỘ THỦ

Theo nguyên bản, các đời đầu tiên tuy tên luôn đặt bằng “Chữ” tốt đẹp, không ai dùng chữ Nôm, nhưng gặp đâu đặt đó không theo một quy tắc nào, qua đến đời VIII có thể đã có một quy định chung trong họ tộc nên ta thấy: Cánh ông Trần Quang Nhượng và các con được dùng bộ “Ngôn”      , cánh con ông Trần Quang Chánh đặt theo bộ “Thủy”      . Cánh ông Trần Quang Khiêm cũng dùng bộ “Ngôn”       , cánh ông Trần Quang Bái các con dùng bộ “Thủ”       , cánh con ông Trần Quang Tề dùng bộ “Mịch”         cho con trai và bộ “Trúc”        cho con gái và loạt tên 4 người con là Trâm-Anh-Tấn-Thân là cụm từ mang ý nghĩa “cân đai trâm hốt” biểu tượng của con nhà gia giáo, có học thức thuộc hàng quan gia tử đệ. Các con ông Trần Quang Anh đều dùng bộ “Ngọc”         , con ông Trần Quang Tấn dùng bộ “Hỏa”          , con ông Trần Trọng Hách thời cận đại dùng bộ “Mộc”         , đến hiện nay thì không còn dùng theo bộ Thủ của chữ Hán nữa.

VIỆC XẾP THẾ THỨ VÀ QUAN NIỆM NAM NỮ

Bản gốc gia phả kết thúc vào năm 1892 cũng gọi là khá cổ trong bối cảnh nền học vấn kiểu từ chương đã suy tàn nhưng tâm thức nền xưa nếp cũ hãy còn mạnh mẽ trong mọi người nên quan niệm trọng nam khinh nữ xem ra còn khá nặng nề.

Trong gia phả vẫn  liệt kê đầy đủ tên họ, ngày kỵ của các bà nhưng không viết gì về người chồng cùng các con, cũng không thấy kể là hàng thứ mấy trong gia đình.

Đơn cử một ví dụ :

Ông Trần Quang Khiêm cùng tồn tại với 3 bà vợ, sanh ra 8 trai 4 gái là :

- Trần Thị Lượng sanh năm 1840

- Trần Quang Đàm  - 1844, là con trai thứ 1.

- Trần Quang Thức  - 1848, là con trai thứ 3.

- Trần Quang Thỉnh, không ghi năm sanh, là con trai thứ 8.

(4 người nầy là con bà 1)

- Trần Quang Luận, sanh năm 1844 là con trai thứ 2.

- Trần Quang Tề  - 1848  là con trai thứ 4.

- Trần Quang Lệ - 1853.là con trai thứ 6.

- Trần Quang Chỉnh  - 1854 là con trai thứ 7.

(4 người nầy là con bà 2)

- Trần Quang Đô, sanh năm 1849 là con trai thứ 5.

- Trần Thị Cận - 1861.

- Trần Thị Đạo, không ghi năm sanh.

- Trần Thị Lộc - 1861.

(4 người nầy là con bà 3).

Như vậy rõ ràng ta thấy người phụ nữ không được tính vào hàng thế thứ (cũng có thể do câu “Nữ sanh ngoại tộc” và người đàn ông cho dù bà lớn hay bà kế sanh ra hễ ai sanh trước là anh, ai sanh sau là em.

Do đó, người con trai có con nối dòng hay vô tự cũng đều ghi thành thứ tự chi phái. Cho đến về sau nầy, từ đời XI trở về sau đã thấy thoáng hơn là có ghi thêm người con gái ấy được gả chồng là ai? Về đâu, con cái tên gì?

Ngày nay, với quan niệm nam nữ bình đẳng nên việc viết cho đầy đủ cả nam lẫn nữ là điều cần thiết và ta nên làm như vậy!

PHÚC ẤM LƯU TRUYỀN, MIÊU DUỆ NOI THEO

Theo phả gốc, việc nối dõi 10 đời phải qua 300 năm, rồi từ đời XI đến nay đã hơn thế kỷ, tuy lịch sử họ tộc không được ghi rõ trong thời kỳ đầu, nhưng công lao gây dựng chắc chắn lắm phần gian khổ bởi từ đôi bàn tay trắng di chuyển qua trăm núi nghìn sông, sơn lam chướng khí, binh lửa lan tràn, theo một đòi hỏi cấp bách trong cuộc sống mà phải xuôi Nam để tìm miền đất trù phú hơn và qua bao mồ hôi, sức lực nên Do Linh, Cam Lộ thành quê hương mới cho thế hệ ngày nay.

Bất kể là Thanh Nghệ Hoài Hoan hay Hương Sơn Hà Tĩnh, bất kể là thành phần binh sĩ hay thường dân, cùng đoàn đông hay đơn thương độc mã nhưng ý đồ then chốt vẫn là tìm cho ra một tương lai tươi sáng cho thế hệ mai sau.

Và rồi cuộc chiến tranh tương tàn Trịnh Nguyễn thật sự chỉ xảy ra trong vòng 50 năm nhưng ngay trong vòng ảnh hưởng mà ông bà ta ít nhất có hai thế hệ phải gánh chịu đủ thấy sự kiên gan chịu đựng xiết bao là gian khổ, nhưng cuối cùng vẫn được yên lành.

Khi đã an cư phải lo lạc nghiệp, trên vùng đất tuy gọi là thiên nhiên ưu đãi giàu tiềm năng về thổ nhưỡng, sản vật nhưng nếu không đầu tư sức lao động thì làm sao được ấm thân?

Thời gian khó khăn rồi cũng dần qua, với cuộc sống căn cơ, phải mất hai trăm năm mới được thoát nghèo, vừa khai phá vừa mua sắm thêm đất đai vườn tược.

Xin ghi lại một số văn tự cũ mà gia đình còn lưu giữ :

- Năm Tự Đức thứ 18 (1865), ông tú tài Nguyễn Đạt có thế chấp cho ông Trần Quang Tề để nhận số tiền là 160 quan. (không thấy ghi tọa lạc tại đâu?)

- Năm Thành Thái thứ 8 (1896) bà Thị Huệ và 2 con gái ở phường Tân Mỹ tổng Cam Vũ có bán cho ông Tú Tấn 1 sở đất giá 30 quan.

- Năm Duy Tân thứ 5 (1911) bà Toàn và em là Lê Quýnh ở phường Ba Thung cầm cố đất cho ông Tú Tấn để nhận 20 đồng.

- Năm Khải Định 10 (1925), ông Tú Chuyên ở phường Ba Thung bán 2 khoãnh đất 8 sào, mổi khoảnh 25 đồng cho con gái là Nguyễn Thị Lăng và chồng. (Bà Nguyễn Thị Lăng là hiền nội của cụ Trần Trọng Hách).

- Năm Bảo Đại nguyên niên (1925) bà Phan Thị Hiên ở phường Bạch Câu tổng An Mỹ huyện Do Linh bán 2 sào đất ở phường An Hưng cho ông Lý Trưởng Trần Trọng Hách ở phường Tân Mỹ giá 20 đồng.

- Năm Bảo Đại thứ 12 (1936) bà Nguyễn Thị Thiệp và con là Phan Văn Thông ở thôn Thượng Nguyên xã Nghĩa An tổng An Lạc huyện Cam Lộ bán nhà và đất ở phường Tân Mỹ giá 58 đồng cho ông Trần Trọng Hách.

- Năm Bảo Đại thứ 12 (1936) lại bà Thiệp và con là Thông cắt bớt đất nhà đang ở bán tiếp cho ông Hách giá 30 đồng.

- Năm Bảo Đại 15 (1939) ông đại hào mục Phan Văn Trinh ở phường Hòa Thành tổng Cam Vũ bán 1 sào đất ở phường An Hưng cho Lý Trưởng Hách người ở phường Tân Mỹ giá 15 đồng. (Xin xem các bản sao văn khế đất đai ở phần ngoại phả).

Nhìn vào số bất động sản mà các đời trước mua sắm cũng không nhiều, chứng tỏ chỉ là một giai tầng bậc trung trong xã hội, chỉ có đất mà không có ruộng, với ý đồ dùng để tương phân cho con cháu mai sau chớ không nghĩ đến việc giàu sang phú quý, ăn trắng mặc trơn.

Ngược lại, ta thấy điều được quan tâm nhứt trong tộc họ là cuộc sống tinh thần, chú trọng giáo dục con cái có cái “Tâm” trong sáng, nên việc học hành (cả thời cũ lẫn mới) được  đặc biệt chăm sóc và mọi người trong tộc đã đi đúng vào quỷ đạo ấy.

Khi đã tạo được chút sản nghiệp cọng với vốn tri thức sẵn có thì không tránh được sự mời mọc (hoặc bắt buộc) của nhà cầm quyền ra làm công việc công văn tờ trát ở hạng công chức cấp thấp, các vị phải miễn cưỡng ra phục vụ một thời gian rồi kiếm cớ xin về.

Tỉnh nhà Quảng Trị là tỉnh giáp ranh với kinh đô Phú Xuân của vương triều Nguyễn, đang bị sự khống chế cũa tòa Khâm sứ Trung Kỳ, ảnh hưởng cai trị theo chế độ thực dân thuộc địa đang khắp cả Bắc Trung Nam, lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam thời nào cũng có, nhưng các cuộc nổi dậy của lớp Văn Thân, Cần Vương dễ dàng bị đập tan nên không xoay chuyển nổi cơ đồ.

Phải đến lúc tổ chức Đảng Cộng sản ra đời, nhóm lên ánh sáng của cách mạng mới làm thức tỉnh mọi tầng lớp dân Việt và ánh sáng ấy  đã cháy lên ngọn lửa Xô Viết Nghệ Tĩnh, sau đó hàng loạt tổ chức dưới danh nghĩa Mặt Trận Dân Chủ Đông Dương ra đời hoạt động khắp nước cho đến lúc đệ nhị thế chiến chấm dứt cũng là lúc cách mạng tháng Tám do Đảng Cộng sản lảnh đạo đã thành công, lập nên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, chấm dứt hơn 80 năm dài nô lệ.

Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác – Lênin đã thành công và thực sự đã cuốn hút tộc họ ta trên con đường đấu tranh giành độc lập, từ bí mật đến công khai, mọi người đều hâm hở tham gia các tổ chức hợp pháp hoặc bất hợp pháp để tuyên truyền, vận động quần chúng chuẩn bị sẵn sàng đứng vào hàng ngũ Mặt trận Việt Minh.

Nhưng bọn Pháp đến chết cái nết không chừa, đã ngoi lên, nhờ quân Anh - Ấn ở miền Nam, nhờ quân Quốc Dân Đảng Trung Hoa ở phía Bắc nên trở lại VN trong khi nhà nước non trẻ của ta chưa kịp làm gì cho quốc kế dân sinh, khi vừa thoát qua nạn đói khủng khiếp ở miền Bắc, tình thế như ngàn cân treo sợi tóc, rồi tiếp theo là tổ chức toàn quốc kháng chiến quyết tâm đuổi sạch bóng quân thù.

Nhân dân Bình Trị Thiên đã hát vang: “Đây Cự Nẫm kia Câu Nhi, đây Ba Lòng kia Khe Sanh, ta đứng lên sông núi đang chờ…” từ đó con người họ Trần ta đã xếp bút nghiên, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến cùng cả gia đình lên chiến khu tham gia suốt 9 năm dài rồi tạm sang bên kia giới tuyến với thời hạn 2 năm trở về trong cảnh thanh bình.

Nhưng rồi đế quốc Mỹ thay chân quân Pháp tiến hành thêm 20 năm chiến tranh nữa, lần nầy càng khốc liệt hơn trên khắp chiều dài đất nước với tất cả sức mạnh của vũ khí hủy diệt…

Cuộc chiến càng gay go, ý chí càng trui rèn, đường lối đấu tranh cách mạng càng bền vững và cuối cùng tên đầu sỏ cờng quốc thế giới phải cuốn cờ hấp tấp rời khỏi VN trong ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Thế hệ hôm nay, sau 30 năm hòa bình, người trở về quê hương Quảng Trị xây dựng lại quê hương, người còn bận công tác nơi đất Bắc, người đang mang nhiệm vụ ở miền Nam. Nhung cho dù ở đâu thì trong bối cảnh nước nhà độc lập, hòa bình trong thời kỳ đổi mới, ngưới người có điều kiện làm giàu, thế hệ trẻ được học hành chu đáo để tiếp bước cha anh trên con đường xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT TRONG HỌ TỘC

Con người ta sanh ra trên đời ai cũng phải xuất thân từ một giai cấp nào đó như nhà giàu phú hộ, quan lại triều đình, nhà buôn ngược xuôi sông nước, nhưng họ ta vẫn “dĩ nông vi bản” thuộc lớp nông dân với nghiệp mưu sinh tự túc tự cấp, cuộc sống vào hạng trung bình, đủ ăn đủ mặc mà không mưu cầu phú quý giàu sang và cuộc sống cứ thế dần trôi từ đời nầy qua đời khác.

Cái thanh bạch truyền gia ấy đương nhiên phải có trong nếp nhà cửa Khổng sân Trình với nền gia phong, gia giáo được đặt lên hàng đầu, dạy dỗ con cái những điều lễ, nghĩa, liêm, sĩ, tu, tề, trị, bình, đối nhân xử thế tức là cái đạo làm người biết sống theo lẽ sống vậy.

Nếu có người ra lãnh một chức vụ gì đó thì cũng chỉ là ở cấp thấp, để có vị trí nhứt định trong làng xã cho tiếng nói có trọng lượng để binh vực cho lẽ phải, cho dân lành.

Con người họ Trần ta qua bao thế hệ bị dồn nén không lối thoát, bỗng được soi sáng tâm hồn, bỗng được giác ngộ theo một học thuyết siêu việt, từ đó đã toàn tâm toàn ý bước theo tiếng gọi của non sông bằng con đường XHCN. Và thực sự lớp người hôm nay được sự truyền đạt của lãnh đạo cấp trên, được đào tạo nơi các trường học XHCN ở nước ngoài công với trí tuệ bẫm sinh tuyệt vời sẵn có kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội khoa học với tư tưởng Hồ Chí Minh đem áp dụng vào đường lối cách mạng VN để đưa công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đến bờ thắng lợi.

E rằng còn quá sớm để tuyên dương sự thành công của người trong họ tộc, xin hãy tạm bằng lòng với những việc đã làm được và khẳng định rằng : Nhờ ở tố chất thông minh vượt trội sẵn có nên hoàn thành sứ mạng mà Nhà nước giao phó, mong sao lớp hậu sinh càng tiến xa hơn nữa bởi “con hơn cha là nhà có phúc”.

KẾT LUẬN

Gio Linh - Cam Lộ là trung tâm điểm củaviệc ghi chép lịch sử họ tộc, nếu đứng từ góc độ TPHCM mà nhìn e rằng sẽ bị phiến diện ghi chép thiếu sót, nhưng nghĩ rằng “Mộc bổn thủy nguyên, nhơn sanh hồ tổ” cho dù ở đâu khi đã có cái TÂM thì sẽ làm được, hơn nữa ta chỉ dựa vào bản di cão của tiền nhân rồi bổ sung thêm chắc rằng không khó, mục đích là để cho lớp hậu duệ biết tên tuổi, húy kỵ, mồ mả của ông bà, biết đâu là quan hệ thế thứ, công trạng cũa tiền nhân…

Làm gia phả không phải để khoe khoan thành tích, để ỷ thế công thần mà là để khẳng định nguồn gốc ông bà, sự phấn đấu vươn lên, để con cháu chúng ta tự hào, noi gương công nghiệp của ông bà phấn đấu đi lên, theo điều hay tránh điều dở, không làm việc gì sái quấy để tủi hỗ vong linh người quá cố hầu làm tròn nghĩa vụ người con hiếu thảo trong gia đình và người công dân tốt ngoài xã hội.

Thật là chưa hoàn chỉnh, nếu ta còn chưa biết được 9 chi họ Trần có “biệt phả”, mong rằng sau nầy có điều kiện, mọi người hãy quyết tâm sưu tầm cho đầy đủ, ấy mới gọi là “báo bổn tư nguyên và vĩnh truyền tôn thống vậy!

“Cây có gốc mới nở cành xanh lá,

Nước có nguồn mới biển cả sông sâu.

Người ta nguồn gốc từ đâu?

Gốc từ tiên tổ, rồi sau có mình”

(Ca dao)

Thành phố Hồ Chí Minh,

những ngày cuối Đông năm Giáp Thân (2004)