Trang chủ > 026. Gia phả họ Đặng (ấp Láng Cát, Tân Phú Trung, Củ Chi, TP.HCM)

026. Gia phả họ Đặng (ấp Láng Cát, Tân Phú Trung, Củ Chi, TP.HCM)

15/08/2022 12:07:48

Gia phả họ Đặng ở ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2006.

LỜI NGỎ

Việc tìm về cội nguồn, việc tri ân tổ tiên và gìn giữ truyền thống tốt đẹp của dòng họ đã trở thành đạo lý của người Việt Nam ta, dẫu ở thời đại nào cũng đáng quý.

Do đó việc truy tìm nguồn gốc tổ tiên, chăm lo giỗ chạp gìn giữ mồ mả ông, bà là những việc làm thiêng liêng không thể thiếu được của mỗi con người Việt Nam.

Dòng họ Đặng chúng ta đã sinh sống lâu đời ở ấp Chợ (nay là ấp Láng Cát), xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Tổ tiên chúng ta đã nhiều đời cần cù lao động, tạo dựng và nuôi dạy đông đúc các thế hệ chúng ta nên người. Công lao đó đáng cho chúng ta tri ân và học tập.

Ba tôi, ông Đặng Văn Út (đời IV chi I) khi còn sanh tiền rất quan tâm tìm hiểu nguồn gốc dòng họ, mối quan hệ giữa họ Đặng của chúng ta với họ Đặng ở Bàu Sim, chăm lo việc phụng thờ tổ tiên và tha thiết muốn lập gia phả cho dòng họ Đặng của chúng ta nhưng chưa có điều kiện thực hiện được.

Thật khó để ba tôi đạt được những mong muốn đó vì họ ta không có phả gốc. Ông bà nội tôi qua đời sớm, khi ba tôi chưa trưởng thành. Trong dòng họ không có tư liệu nào để biết thêm về ông bà tổ của họ ta. Để thể hiện lòng hiếu thảo của mình đối với tổ tiên, ba tôi vận động dòng họ xây lại mồ mả ông tổ đời I, II và ông bà nội tôi, còn việc lập gia phả, ông vẫn chưa thực hiện được.

Tôi được sinh ra và lớn lên trên vùng đất tổ quê hương mình nhưng tôi lại sớm xa gia đình để lo việc mưu sinh và học tập trong thời gian dài. Chiến tranh đã qua lâu rồi trên quê hương, công việc làm ăn của tôi cũng đã ổn định, nay tôi muốn lập bộ gia phả cho dòng họ Đặng của chúng ta để biết được bà con xa gần, nhằm thắt chặt tình cảm của những người trong họ để cùng giúp nhau trong học tập, trong cuộc sống, nhắc nhở nhau về truyền thống tốt đẹp của dòng họ mình để làm hành trang cho cuộc sống. Đồng thời với bộ gia phả này, tôi mong được làm hài lòng ba tôi nơi chín suối.

Muốn dựng bộ gia phả hoàn chỉnh, phải có thời gian và chuyên môn nghiệp vụ. Hiện nay trong dòng họ ta không ai có được điều kiện đó. Nay tôi biết được có Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Thành phố Hồ Chí Minh chuyên làm gia phả cho các dòng họ nên tôi nhờ Trung tâm này dựng bộ gia phả cho dòng họ Đặng chúng ta.

Việc dựng gia phả không có phả gốc, các bậc cao niên đã qua đời là một việc làm rất khó, tôi rất mong bà con dòng họ hãy cùng nhau cung cấp thông tin cho chính xác và nhiệt tình, góp ý bổ sung để bộ gia phả chúng ta được hoàn chỉnh.

Chúng tôi cũng xin chân thành cám ơn Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiệt tình giúp chúng tôi hoàn thành bộ gia phả này. Chúng tôi rất hoan nghênh sự đóng góp của bà con xa gần trong họ tộc trong suốt quá trình dựng phả.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 5 tháng 10 năm 2006

ĐẶNG VĂN THÀNH (cháu đời V)

 

PHẢ KÝ

Hòa bình lập lại sau hơn 30 năm trên đất nước ta, con cháu họ Đặng ở ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, thành phố Hồ chí Minh đã ổn định cuộc sống, đã lo tôn tạo mồ mả tổ tiên song không biết rõ nguồn gốc dòng họ, không biết hết bà con xa gần e lâu ngày tình thân tộc sẽ nhạt phai. Nay việc lập gia phả có điều kiện thực hiện qua đó xác định được nguồn gốc dòng họ mình, kết nối được họ hàng và học tập được những điều tốt đẹp của tổ tiên.

I. NGUỒN GỐC DÒNG HỌ

Việc tìm nguồn gốc dòng họ Đặng ở ấp Láng Cát có khó khăn vì dòng họ này không có phả gốc. Mộ cổ là mộ đất, không có mộ bia, năm 2000, cháu đời 4 xây lại, dựng mộ bia, ghi họ tên còn ngày tháng năm sinh, năm mất trên mộ bia không có. Những người lớn tuổi trong họ đã lần lượt qua đời. Vì vậy, sự hiểu biết về thủy tổ phải dựa vào thông tin của hậu duệ, khảo sát đồng mả, trích lục địa bạ và tìm hiểu mối quan hệ họ Đặng ở Láng Cát và họ Đặng ở Bàu Sim để qua đó nối kết tìm nguồn gốc ông tổ họ Đặng ta.

1. Xác định ông thủy tổ 

Ngày 29/2/2006 tổ thực hành gia phả chúng tôi gặp ông Đặng Văn Thành (hậu duệ đời V) người chủ trương dựng phả này, để tìm hiểu về ông, bà tổ thì được ông Thành cho biết ba ông là ông Đặng Văn Út (đời IV) lúc còn sanh tiền hằng năm có dự đám giỗ họ Đặng vào ngày 9/9 âm lịch tại nhà thờ họ Đặng ở Bàu Sim. Việc này đến nay con cháu vẫn còn duy trì. Ông Thành còn cho biết bà con ông nói dòng họ ông cũng có bà con với ông Đặng Thúc Liêng, thuộc chi phái Bàu Sim, một nhân sĩ lớn ở miền Nam, quê ở Tân Phú Trung.

Để xác định các mối quan hệ này cũng chỉ để tìm nguồn gốc họ Đặng ở ấp Láng Cát nên chúng tôi tiến hành việc lập phả hệ họ Đặng ở Láng Cát rồi đối chiếu với phả hệ của gia phả ở Bàu Sim và phả hệ của gia phả ông Đặng Thúc Liêng. Kết quả chúng tôi chưa thấy có mối liên hệ nào giữa các gia phả này. Nhưng gia phả ở Bàu Sim và gia phả của ông Đặng Thúc Liêng cũng không đầy đủ các chi nên chúng tôi cũng chưa dám khẳng định các họ Đặng này là không có mối quan hệ với nhau. Việc tiếp tục tìm hiểu là việc của các hậu duệ của các họ Đặng trong tương lai.

2. Việc trích lục địa bạ, đất ruộng ở ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung

Qua truyền thống thừa kế đất đai của người Việt Nam, chúng tôi hy vọng sẽ tìm được vị thủy tổ họ Đặng. Do vậy, chúng tôi tìm hiểu sở hữu ruộng đất của con cháu họ Đặng thì được biết phần lớn con cháu họ Đặng ở đây đều thừa kế đất ruộng từ tổ tiên mình. Do đó, chúng tôi xin trích lục địa bạ ở Sở Tài nguyên Môi trường thành phố như sau:

- Qua chứng thư trước bạ số 3086 ngày 3 tháng 11 năm 1902 do ông Đặng Văn Lỏi chuyển nhượng cho ông Đặng Văn Hữu (đời II) với diện tích là 4.320m2 ruộng tại Tân Phú Trung.

- Qua chứng thư trước bạ số 1367 ký ngày 19 tháng 11 năm 1906 diện tích  ruộng là 2.340m2 được chuyển nhượng từ ông Đây. Trong tờ trích lục không có ghi họ của ông Đây. Ngoài ra ông Hữu còn được chuyển nhượng từ ông Đây diện tích vườn thổ cư là 830m2 theo chứng thư trước bạ số 1083 ngày 11/10/1898.

Qua kết quả trích lục đất đai họ Đặng cho thấy số ruộng đất này được chuyển nhượng, không phải thừa kế. Có một người chuyển nhượng đất cho ông Đặng Văn Hữu là ông Đặng Văn Lỏi, chúng tôi xác định qua các hậu duệ họ Đặng và được biết không có liên hệ nào giữa họ ông Lỏi và họ Đặng ở Láng Cát. Như vậy, chúng tôi cũng chưa xác định được ông tổ đời một của họ Đặng.

3. Khảo sát đồng mả họ tộc ở Láng Cát

Khảo sát đồng mả của họ tộc trên đất ông Đặng Văn Khỏe, bên cạnh nhà ông Đặng Văn Khiết (hậu duệ đời V). Hai ông này thừa kế đất của ông nội là ông Đặng Văn Chình (đời III) thì thấy trong đồng mả họ tộc có mộ ông Đặng Văn Có được con cháu thừa nhận là ông cao nhất của họ Đặng, có phân con cháu giỗ hàng năm. Hiện nay, ngày giỗ ông được tổ chức  vào ngày giỗ ông Đặng Văn Chình (đời III). Hậu duệ đời IV đã xây lại mộ này. Như vậy chúng tôi coi ông Đặng Văn Có là ông tổ đời một của họ Đặng ở Láng Cát.

II. PHÁT TÍCH VÀ PHÁT TRIỂN DÒNG HỌ VỀ SỐ LƯỢNG

Qua các cuộc khảo sát trên, cho thấy ông Đặng Văn Có là ông tổ đời I của họ tộc. Ông đến lập nghiệp ở Tân Phú Trung bao giờ? Từ đâu đến? Đi bằng phương tiện gì? Năm sinh, năm mất là năm nào? Con cháu không ai biết , chỉ biết ông từ miền Trung vào.

Nếu căn cứ vào năm sinh của ông Đặng Văn Chình (đời III) là con thứ ba, năm 1887 được ghi rõ trên mộ bia và cứ mỗi thế hệ cách nhau 25 năm, mỗi con cách nhau hai năm thì năm sinh của ông Đặng Văn Hữu (đời II) là năm 1862 và theo cách tính trên thì năm sinh của ông Đặng Văn Có khoảng [(1862 - 25 - 2)] 1835 (năm Minh Mạng [1820 -1840] thứ 15).

Để có thể đi vào Nam được, ít nhất ông Có cũng phải 20 tuổi. Như vậy sự có mặt của ông ở Nam bộ vào khoảng năm 1857 (Tự Đức 16) hậu bán thế kỷ 19. Thời kỳ này con đường Thiên Lý (đường sứ) cũng đã được khai thông từ Huế vào Gia Định nhưng di dân thường đi bằng đường biển, bằng thuyền buồm hoặc ghe bầu, vì đi đường bộ rất hiểm trở.

Di dân đi đường biển có thể đến Đồng Nai, Tân Bình rồi sau đó đi về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hoặc đi thẳng vào cửa Tiểu, cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên rồi định cư trên các giồng cao. Ông tổ họ Đặng ta đi đến Đồng Nai, Tân Bình rồi dừng chân lập nghiệp tại đây. Có thể ông đi từ đợt di dân đầu thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 19 do nhà Nguyễn tổ chức đưa người từ Ngũ Quảng vào do Nguyễn Cư Trinh và Trương Đăng Quế trực tiếp thực hiện.

Dân Ngũ Quảng gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam và Quảng Ngãi, không rõ ông từ tỉnh nào vào Gia Định?

Ông vào đây sống bằng nghề gì thì con cháu không ai biết, nhưng chắc là ông phải khẩn hoang theo chính sách khẩn hoang của triều Tự Đức để sinh sống. 

Bà tổ không rõ họ tên, quê quán, nghề nghiệp ngay cả ngày giỗ là ngày nào, mộ ở đâu hiện nay con cháu cũng không biết, chỉ giỗ bà vào ngày giỗ hội. Ông mất ngày nào không rõ, mộ táng trên đồng mả họ tộc trước nhà ông Đặng Văn Khỏe (hậu duệ đời IV). 

Đến năm 2000 ông Đặng Văn Út (đời IV) tôn tạo lại bằng đá ong, bia bằng xi-măng.

Theo sự phân công trong họ tộc thì ông Đặng Văn Xén giỗ ông. Ông Xén được phân 10 cao đất hương hỏa để lo giỗ. Đến nay con cháu không ai nhớ ngày giỗ ông nên lấy ngày giỗ ông Chình là ngày giỗ  hội (6/11 âm lịch) do ông Đặng Văn Trung (đời V) giỗ. 

Không biết ông bà có bao nhiêu con, hiện nay chỉ biết ông có một con duy nhất là ông Đặng Văn Hữu lập ra một chi duy nhất cho đời II sống tại ấp Chợ, thôn Tân Phú Trung, huyện Bình Long, tỉnh Gia Định (nay là ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi thành phố Hồ Chí Minh). Ông có 5 người con, mất một còn bốn (hai trai hai gái).

Thứ hai : không rõ.

Thứ ba : Đặng Văn Chình.

Thứ tư : Đặng Văn Viễn.

Thứ năm : Đặng Thị Tại.

Thứ sáu : Đặng Thị Lài.

Hai con trai ông lập gia đình tại tổ quán lập ra hai tiểu chi thứ Nhứt và thứ Hai cho đời III.

- Tiểu chi thứ Nhứt: ông Đặng Văn Chình, có 10 con (6 con trai mất 1 còn 5 và 4 gái), tạo ra đời IV. Đến đời thứ V, VI, VII số lượng người của chi này tăng lên đáng kể, hậu duệ đông đúc. Ông Chình là ông nội của ông Đặng Văn Thành (người lập gia phả này).

- Tiểu chi thứ Hai: Ông Đặng Văn Viễn, có 7 người con, có một con trai duy nhất tạo ra đời IV là ông Đặng Văn Xịch, rồi đời V, VI cũng một người. Đời VII được hai con trai, số lượng rất mỏng. 

Con cháu họ Đặng phần lớn sống trên vùng đất tổ và vùng lân cận ở huyện Củ Chi, một số ở thành phố Hồ Chí Minh. Nữ có chồng cũng tại quê nhà, một vài người lấy chồng ở tỉnh khác, có người lập gia đình và định cư ở nước ngoài.

III. QUÁ TRÌNH SINH SỐNG CỦA HỌ ĐẶNG VÀ SỰ ĐÓNG GÓP CỦA DÒNG HỌ CHO QUÊ HƯƠNG

Ấp Láng Cát (ấp Chợ xưa) nay là một trong 11 ấp của xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, thuộc thành phố Hồ Chí Minh, là tổ quán của họ Đặng ta. Từ thành phố Hồ Chí Minh theo quốc lộ 22, qua cầu An Hạ (Cầu Bông) là địa phận của xã Tân Phú Trung, rẽ vào bên phải của chợ Chiều, Tân Phú Trung, là ấp Láng Cát. Ấp có vị trí sau:

- Phía Đông giáp Tân Thạnh Đông, cách một đồng bưng.

- Phía Nam giáp ấp Chợ.

- Phía Tây giáp ấp Chợ

- Phía Bắc giáp ấp Giồng Sao.

Đây là vùng đất được phù sa cổ bồi thành những giồng cao, như giồng Láng Cát, giồng Sao là vùng được bồi đắp cuối cùng của vùng đất Tân Phú Trung. Do bàn tay lao động của nhiều thế hệ, giồng Láng Cát mới thành vùng đất có thể trồng trọt được, Láng Cát vẫn là địa danh của địa phương này cho đến ngày nay. 

Ấp Láng Cát không tách rời sự hình thành và phát triển của xã Tân Phú Trung. Đây là vùng đất do tổ tiên ta nhiều đời khai phá và bảo vệ, thích hợp với kinh tế nông nghiệp và hoa màu lại có truyền thống đấu tranh bất khuất chống áp bức và chống ngoại xâm mạnh mẽ. Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Tân Phú Trung là cái nôi đầu tiên (1947) của toàn bộ hệ thống địa đạo Củ Chi, là công trình sáng tạo của người dân Tân Phú Trung đã tạo nên, góp phần không nhỏ vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc.

Sự có mặt của ông tổ họ Đặng trên vùng đất mới vào hậu bán thế kỷ thứ 19 là lúc thực dân Pháp đã có mặt trên vùng đất Gia Định và chúng đã tiến hành xâm lược Nam Kỳ. Nhân dân vừa phải lao động kiếm sống vừa chống giặc ngoại xâm. Họ Đặng ta cũng là những người đã đóng góp tích cực của giai đoạn lịch sử đó.

Đa số họ Đặng ta (đời I, II, III) sống bằng nghề nông. Ngoại trừ ông tổ đời I chưa tìm thấy sở hữu ruộng đất của ông nhưng đến đời II đã tạo được nhiều ruộng đất như đã nêu ở phần đầu. Đến đời thứ III qua trích lục địa bạ ở Sở Tài nguyên Môi trường thì sở hữu ruộng đất ông Đặng Văn Chình như sau:

- Đặng Văn Chình sở hữu 75.990m2 ruộng và 45.300m2 đồng cỏ được chuyển nhượng từ Phan Văn Tám theo chứng thư trước bạ số 398 ngày 26/2/1924. 

- Ngoài ra ông và vợ là bà Nguyễn Thị Khương cũng được chuyển nhượng từ ông Đây theo chứng thư trước bạ số 689 ngày 5/3/1920, diện tích 5.290m2 ruộng.

Kết quả trích lục cho thấy tổng số đất đai của ông khá nhiều song số con trai của ông cũng đông. Ông chia phần ruộng hương hỏa cho con trai trưởng là ông Đặng Văn Xén 10 cao còn lại chia phần thực cho các con.

Ông Hữu đem đất ruộng tốt mua chức hương bộ hàm cho con trai út là ông Đặng Văn Viễn, nhưng chẳng được bao lâu ông Viễn phát điên. Con cháu hiện nay cho biết là ông bị chích thuốc rồi điên luôn cho đến chết. Công lao động tạo gần 10 mẫu đất đã mất. Các cụ đời I, II, III không thấy ai tham gia chính quyền phong kiến, cũng không tham gia các cuộc khởi nghĩa chống áp bức, chống xâm lược ở địa phương. 

Đời IV, V con cháu phát triển đông đúc, nhất là tiểu chi thứ Nhứt, phải làm nhiều nghề khác nhau để sống. Ngoài làm ruộng rẫy, có người chạy xe lam chở khách, lái xe tải, tráng bánh, nuôi bò sữa, làm công nhân nấu tiệc, thợ may, thợ hồ, giám đốc công ty. Có người đã bỏ ruộng lên thành phố vừa làm công nhân vừa học tập và trở thành người lao động giỏi, quản lý giỏi như ông Đặng Văn Thành (đời V tiểu chi thứ Nhứt). Từ khi có Đảng, đa số con cháu họ Đặng ủng hộ cách mạng, cũng có người thoát ly tham gia cách mạng như ông Đặng Văn Xén (đời IV, tham gia cách mạng từ Thanh niên Tiền phong), Đặng Văn Xởi (đời V) đi bộ đội ở rừng Sác phụ trách quân y. Sau giải phóng con cháu còn tham gia công tác địa phương như trưởng ấp, công an v.v… Cũng có người đứng vào hàng ngũ của Đảng như ông Đặng Văn Thành (đời V), ông Đặng Văn Phước (đời V), Đặng Văn Hùng (đời VI).

Sau giải phóng con cháu có điều kiện học hành tốt hơn. Đời V, VI có số học từ lớp 9 đến 12, có người học đại học.

Sự cần cù sáng tạo trong lao động và tham gia cách mạng của họ Đặng đã góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương.

ĐẶC ĐIỂM CỦA DÒNG HỌ

Qua gần 200 năm, từ ông tổ đời I định cư ở ấp Chợ (nay là Láng Cát) họ Đặng đã truyền nối được đến nay là đời thứ VII. Qua lao động đấu tranh với thiên nhiên và chống áp bức bóc lột để sống, họ Đặng ta đã hình thành được những đặc điểm của dòng họ mình như sau:

- Họ Đặng là những người lao động cần cù, có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Ông tổ đời I lao động cật lực, đến đời II, III tạo được một số đất ruộng cho con cháu. Con cháu noi gương ông bà gắn bó với ruộng đồng của ông bà để lại, lao động gian khổ qua hai cuộc chiến tranh ác liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để duy trì cuộc sống và giữ gìn nếp nhà. Lấy nghề nông làm căn bản và phổ biến là nghề tráng bánh tráng. Đời IV, V, VI con cháu phải làm nhiều nghề khác nhau mới đủ sống. Đời V có người từ nông dân chuyển sang công nhân, kiên trì không ngừng nâng cao trình độ văn hóa và nghiệp vụ để trở thành doanh nhân giỏi như ông Đặng Văn Thành (đời V).

- Một đặc điểm nữa đáng quý của họ Đặng là việc giữ gìn đạo hiếu chăm lo phụng thờ tổ tiên, giỗ chạp nghiêm túc. Từ đời III đã có phân ruộng hương hỏa cho ông Đặng Văn Xén để lo giỗ tổ tiên. Ông tổ đời I mất đã lâu nhưng cho đến nay con cháu vẫn tổ chức giỗ hội. Ngoài ra còn duy trì việc dự giỗ tổ họ Đặng ở Bàu Sim hàng năm. Con cháu còn quan tâm việc tôn tạo mộ cổ, đồng mả gia tộc luôn được con cháu tới lui thăm viếng, thắp nhang thường xuyên và đặc biệt là quan tâm đến việc làm gia phả cho họ tộc.

Dù ở cương vị nào, con cháu vẫn giữ lòng hiếu thảo, lễ phép với ông bà cha mẹ. Đây là bản sắc văn hóa tốt đẹp cần được duy trì.

- Có trình độ học vấn đồng đều ở bậc học phổ thông.

Với gia phả này là cơ sở để con cháu các thế hệ, các chi thắt chặt tình thân tộc, học tập những truyền thống tốt đẹp của dòng họ và có trách nhiệm bổ sung để gia phả hoàn chỉnh và nguyện noi gương tổ tiên, cố gắng học tập, lao động để làm cho dòng họ Đặng ngày càng phát triển.