025. Gia phả họ Trần (ấp Hòa Thạnh, Bình Ninh, Chợ Gạo, Tiền Giang)
15/08/2022 11:56:03Gia phả họ Trần ở ấp Hòa Thạnh, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2006.
LỜI NÓI ĐẦU
... Sau năm 1975, đã qua rồi thời chiến tranh, máu lửa, toàn dân Việt được hưởng không khí hòa bình của đất nước trong định hướng đi lên xã hội chủ nghĩa nhưng cũng đã trải qua mười năm đóng cửa với đói nghèo trì trệ mới tới được hai mươi năm đổi mới với những thành quả to lớn trên con đường đi tới ấm no, hạnh phúc.
Người họ Trần tại ấp Hòa Thạnh, xã Bình Ninh chúng ta với dòng máu kiên cường, bất khuất, giỏi sức chịu đựng, đã vượt qua mấy cuộc chiến tranh gian khổ, vượt qua buổi nghèo nàn, lạc hậu và chính mình đang được hưởng những thành tựu chung ấy. Dù bận bịu mọi việc, bà con ta vẫn có thời gian nghĩ về việc họ việc hàng, mà bức xúc nhứt là việc dựng lại bộ Gia phả cho tộc họ mình.
“Cây có cội, nước có nguồn”, “Làm người phải biết tổ tiên, ông bà”, đó là những lời hay của tiền nhân truyền lại suốt mấy ngàn năm. Thêm vào đó là câu “Nước có sử, nhà có phả”, nghĩa là nước có quốc sử để ghi lại sự hưng suy của từng triều đại, nhà có gia phả để chép lại việc phù trầm, thăng giáng của mỗi dòng họ. Khi từng trang gia phả được giở ra, lần lượt từng người hiện diện, kể từ bậc cao tằng tổ khảo xuống đến tử tôn tằng huyền không thiếu một ai, ta cứ soi rọi vào đấy để biết cách sống của tiền nhân, từ đó chắc lọc những tinh hoa, chân lý của người xưa để theo cái tốt, phân định những thiếu sót, xấu xa để tránh bỏ, ngõ hầu bồi dưỡng cho cuộc sống bản thân ta hôm nay theo con đường hướng thiện, đoàn kết thương yêu, dạy bảo nhau xóa bỏ tỵ hiềm nhỏ nhen, nhường nhịn quyền lợi riêng tư, chị ngã em nâng, bầu thương lấy bí, bởi giọt máu ông cha vẫn lưu hành trong huyết quản của mỗi người, kẻ dù có sa cơ lầm lỡ cũng phấn đấu vươn lên làm lại cuộc đời.
Gia phả còn giúp ta biết được tên tuổi, huý kỵ, hành trạng, mồ mả của người quá vãng, và biết được trật tự, thế thứ trong quan hệ dòng tộc, để tránh những điều sai lầm, chớ gia phả không được dùng để hãnh diện vì chức cao nghiệp lớn của những người thành đạt, mà chỉ được xem là một báu vật lưu truyền để giáo dục con cháu trong dòng tộc.
*****
Ông Tổ đầu tiên của họ Trần chúng ta hiện diện ở phương Nam tại ấp Hòa Thạnh nầy khá sớm, nối truyền miêu duệ nhiều đời, qua một thời gian khá dài, phái viễn chi phân, việc nhận nhau trong bà con đã bắt đầu thấy khó.
Trước kia, ông bà ta có lập bảng tông chi được giữ kỹ tại nhà từ đường, nhưng việc xem, đọc bị hạn chế, rồi trong chiến tranh, không may nhà thờ bị bom pháo phá hủy; và bảng tổng chi đựng trong hộp gỗ để trên bàn thờ cũng cùng chung số phận. Đó là một mất mát lớn, nay đành phải dựng lại từ đầu.
Công trình mới nầy dựa vào các nguồn sau đây:
- Một số trích lục từ các văn bản dưới các chánh quyền trước có liên quan đến họ tộc may mắn còn giữ được, đây là những tài liệu quý giá soi sáng được nhiều điều.
- Số bia mộ của những người đã khuất, bằng chữ Nho và chữ quốc ngữ, giúp cho việc khôi phục lại năm sanh, năm mất, chức vụ của các vị được dễ dàng.
- Ký ức về các sự kiện xưa nay của những bậc cao niên và nhiều thành viên khác trong và ngoài tộc họ.
- Tài liệu về địa lý, về lịch sử đấu tranh cách mạng của những cấp ủy và chánh quyền địa phương.
Với lòng uống nước nhớ nguồn của lớp con cháu đời VI Đặng Hồng Nhựt (cháu ngoại ông Trần Văn Hoài) và Trần Quang Liêm (con liệt sĩ Trần Quang Cơ), được sự đồng thuận của bậc cô bác còn sanh tiền, các anh chị em trong họ, lại được sự giúp đỡ của một nhóm nhà chuyên môn, bộ Gia phả bắt đầu từ tháng 11-2005 qua nhiều lần điền dã, đến tháng 04-2006 đã cơ bản hoàn thành, tổ chức nghiệm thu và trân trọng công bố trong tộc họ.
PHÁT TÍCH CỦA DÒNG HỌ
Không có tư liệu nào nói về tổ quán họ Trần ta trên đất phương Nam tại xã Bình Ninh hiện nay. Nguồn gốc họ Trần từ đâu, đến nơi đây bằng phương tiện gì, đi một mình hay đông người, vào thời điểm nào… bao câu hỏi ấy hãy còn là ẩn số.
Cuốn “Bình Ninh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ (1930-1975) – Sơ thảo” của Đảng bộ xã Bình Ninh, ấn hành năm 1987, nêu tại trang 7:
“Vào cuối thế kỷ XVII, những người nông dân ở phía Bắc, với tinh thần bất khuất, không cam tâm chịu sự áp bức, bóc lột của giai cấp địa chủ, phong kiến, họ đã di cư dần vào phía Nam, khai khẩn đất hoang để sinh sống. Trong đoàn di cư đó có ông Nguyễn Văn Hàng và một số người gốc Quảng Nam đã đến vùng đất mới nầy. Ông Nguyễn Văn Hàng cùng với hai người con trai là Nguyễn Văn Thu (còn gọi là Tham Thu) và Nguyễn Văn Giác lo khai phá đất hoang, quy tụ nhân dân để lập làng, lập ấp và đặt tên cho vùng đất mới khai khẩn nầy là làng Hòa Bình. Ông Tham Thu đứng ra vận động nhân dân xây chợ, làm đường sá, làm cầu ngang qua kênh rạch để nhân dân tiện việc đi lại, buôn bán (Tưởng nhớ công lao nầy, nhân dân trong làng lấy tên ông Tham Thu đặt tên chợ, cầu và các con lộ trong xã)”.
Ta không đi sâu vào việc người dân không cam chịu bóc lột nên phải bỏ xứ ra đi. Nhưng phong trào Nam tiến là xu thế tất yếu với nhiều thời, nhiều cách để đồng bằng sông Cửu Long được đông đúc như hiện nay, và trường hợp cha con ông Nguyễn Văn Hàng là những người đầu tiên lập nên làng Hòa Bình là điều không thể phủ nhận.
Trong tộc, từ thời các ông Trần Văn Học, Trần Thiện Chánh, Trần Hồng Chung còn lưu lại con cháu một truyền thuyết rằng tại một khu đất hoang vu làng Hòa An (nay là xã An Thạnh Thủy) có một khu mộ cổ gồm năm sáu ngôi mộ, vốn là mộ của ông bà đời trước của họ Trần, con cháu phải lưu ý giữ gìn. Sau đó, khói lửa chiến tranh ập đến, hơn hai mươi năm không có điều kiện chăm sóc nên khu đất trên càng điêu tàn hoang sơ; chỉ khoảng mười năm trở lại đây, công việc tảo mộ tại khu đất ấy mới được xúc tiến; những ngôi mộ đá ong hoàn chỉnh lộ rõ, nhưng không mộ bia nên không thể biết tên tuổi của những người được an táng nơi đây.
Theo chân những người đi tảo mộ vào cuối năm Ất Dậu vừa qua (nhằm tháng 1-2006), người viết ghi nhận như sau:
Ngược đường 877 từ xã Bình Ninh, qua khỏi cầu An Thạnh Thủy tới ấp An Quới (chưa đến trụ sở ủy ban nhân dân xã An Thạnh Thủy), thì rẽ trái theo đường liên ấp An Quới – An Thọ đi tiếp khoảng 200 thước thì tới một gò đất nổi lên giữa đồng ruộng mênh mông, chiều dài gấp chục lần chiều ngang, cây dại mọc kín. Một lúc khá lâu sau khi cả nhóm người ra sức chặt phá phát quang, các ngôi mộ lộ ra. Tất cả bảy ngôi mộ còn nguyên dấu vết nhưng bị lún sụt và sát mé ruộng, dễ có nguy cơ bị sạt lở.
Những người nằm trong khu mộ nầy là ai? Bia không có, lớp người xưa không truyền lại, những người lớn tuổi từ lâu cũng không rõ. Một giả thuyết đưa ra rằng đây có thể là lớp người trên hàng tổ phụ Trần Văn Dụng, với lý giải rằng thuở ban đầu các vị từ miền Trung tới đây, ngược giòng sông cái đến vàm Kỳ Hôn rồi theo ngọn rạch Cầu Ngang và định cư tại đây. Một câu hỏi đối với giả thuyết nầy được đặt ra là tại sao ngược sông cái khi ngang qua ấp Hòa Thạnh, các vị không tấp vào mà phải lên tới Hòa An; và câu trả lời là thời ấy do tại Hòa Thạnh việc bồi lắng của phù sa chưa vững chắc, chưa thành hình, nên các vị chưa thể khai phá đất đai được mà phải vào sâu hơn.
Giả thuyết trên, kể cả lời đáp sau, không mấy thuyết phục. Và có một giả thuyết khác rằng phải chăng nơi đây là vùng được ông Trần Văn Dụng phân cho người em là ông Trần Văn Nghĩa, nơi có mộ của hai bậc sinh thành của hai anh em ông, rồi sau đó cánh ông Nghĩa không còn ai nối dõi.
Ngoài hai tồn nghi đã nêu, chúng ta tạm chấp nhận rằng ông tổ khai canh đời 1 tại thôn Hòa Bình, tổng Hòa Hảo, huyện Kiến Hòa, phủ Kiến An (sau những lần tách ra, nhập vào, nay là ấp Hòa Thạnh, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), có tên là Trần Văn Nhậm tức Dụng. Ông sanh năm Đinh Mùi, mất ngày 17 tháng 9 năm Canh Thân, thọ 73 tuổi; không rõ ông hiện diện tại bản quán từ năm nào, nhưng chắc phải ở tuổi trưởng thành.
Ta cùng điểm lại bối cảnh lịch sử bấy giờ.
Nhiều lần quân Tây Sơn vào Nam để truy kích tôn thất họ Nguyễn sau khi đã sát hại chúa cuối cùng họ Nguyễn là Định vương Nguyễn Phúc Thuần năm 1777, khiến Nguyễn Ánh phải bôn ba xuôi ngược khắp Thổ Chu, Phú Quốc, Côn Lôn, Vọng Các, và đeo bám nhân lực, vật lực địa phương để mưu đồ phục quốc nên chiến tranh xảy ra liên miên không dứt ở phương Nam. Năm 1780, được mười tám tuổi, Nguyễn Ánh xưng vương hiệu; năm 1788 Nguyễn Vương chiếm lại được thủ phủ Sài Gòn và Tây Sơn không vào Nam nữa; quân cựu Nguyễn dần dần tiến lên miền Bắc, cuối cùng năm 1802 Nguyễn Ánh khôi phục kinh đô Phú Xuân, lên ngôi lấy hiệu là Gia Long.
Ông tổ phụ họ Trần chúng ta đã ra sức khai phá vùng đất trũng, hoang vu, sình lầy, còn thưa thớt con người, với cây cối um tùm, dây leo chằng chịt bên cạnh những đám dừa nước mọc theo bờ ông, nơi sinh sống cho các loại, thú dữ như cọp, beo, heo rừng, sấu, và những loại thú khác như khỉ, rái cá, rắn độc, v.v… Ông dần trưởng thành, lập gia đình, sanh con cái với thành quả lao động đáng nể là sở hữu 130 mẫu ruộng dọc theo sông Cửa Tiểu, được ghi trong bản tương phân tài sản lập ngày 15 tháng 4 năm Tự Đức thứ 6 (1853). Nội dung trích yếu như sau:
- Tại làng Hòa Bình, tổng Hòa Hảo, huyện Kiến Hòa, phủ Kiến An, vợ chồng Trần Văn Dụng lập tờ phân chia tài sản nầy, tài sản mà họ có cho tới năm Minh Mạng thứ 7 (tức là năm 1829, lúc ông Dụng đã 39 tuổi).
- Họ ta đã xin khẩn một khu đất ruộng tọa lạc trong làng nầy hơn 130 mẫu;
- Họ ta có bốn người con: Trần Thị Thị, Trần Thị Kiều, Trần Văn Đề và Trần Văn Sách;
- Ngày càng nhiều tuổi, không biết chết ngày nào, và để tránh sự khó khăn cho các con cháu về sau, họ mời các hương chức làng đến lập tờ tương phân nầy, trước nhứt trích một phần 27 mẫu để làm ruộng hương hỏa lo việc thờ cúng ông bà;
- Em trai Trần Văn Nghĩa có nhiều vất vả trong việc khai khẩn, nên cũng trích cho 27 mẫu; số còn lại chia cho những người con như sau:
- Phần hương hỏa 27 mẫu với 2 ngôi nhà ngói, đồ thờ, giường ngủ: giao cho con cả Trần Văn Đề;
- Phần cá nhân Trần Văn Đề: 21 mẫu và 1 đôi trâu;
- Phần cá nhân Trần Văn Sách: 21 mẫu, 1 ngôi nhà và 1 đôi trâu;
- Phần cá nhân Trần Thị Thị: 21 mẫu, 1 ngôi nhà và 1 đôi trâu;
- Phần cá nhân Trần Thị Kiều: 21 mẫu, 1 ngôi nhà và 1 đôi trâu.
- Phần dưỡng lão gồm 1 mẫu đất thổ cư và 10 mẫu ruộng, đây là đất mua, giáp với làng Mỹ Thạnh ở phía bắc.
Ở cuối bản tương phân còn viết: “Lúc sanh tiền họ thọ hưởng đất đai nầy, khi mãn phần họ được chôn cất tại đất đai đó”.
Do vậy, bộ Gia phả nầy của họ Trần tạm ghi ông Tổ khởi nghiệp là Trần Văn Nhậm tự Dụng (các văn bản đều ghi Trần Văn Dụng); bà Tổ mẫu, vợ ông, là Nguyễn Thị Xem, không biết năm sanh năm mất ra sao; ông có người em là Trần Văn Nghĩa, không rõ tông tích. Ông có bốn con: Trần Thị Thị, Trần Thị Kiều, Trần Văn Đề, Trần Văn Sách.
Dưới đây là một số thời điểm quan trọng của đời ông:
- Ông sanh năm Đinh Mùi 1787, trước một năm khi Nguyễn Ánh khôi phục được thành Sài Gòn; trước đó, năm 1780 là năm Nguyễn Ánh xưng vương, năm 1784 là chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút của Nguyễn Huệ; sau đó năm 1788 Nguyễn vương chiếm lại thủ phủ Sài Gòn.
- Ông có thành tựu lớn là việc khẩn hoang khi sở hữu 130 mẫu ruộng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826) lúc ông được 39 tuổi.
- Lúc phân chia tài sản cho các con vào năm Tự Đức thứ 6 (1853), ông đã 66 tuổi.
- Bảy năm sau, Canh Thân (1860) ngày 17 tháng 9, ông mãn phần lúc 73 tuổi; bấy giờ quân viễn chinh Pháp và Tây Ban Nha đã có mặt ở Sài Gòn.
Thời sanh tiền của ông, có cuộc đo dạc với quy mô lớn do vua Minh Mạng ra lịnh tiến hành cho sáu tỉnh Nam Kỳ vào năm 1836, và việc đo đạc trong tỉnh Định Tường kết thúc ngày 3 tháng 6 năm ấy. Nhưng qua nhiều biến cố, tại Cục Lưu trữ Quốc gia Trung ương, đã mất bản lưu của các địa bạ ba thôn Bình Quang, Hòa Bình và Hòa Thạnh của tổng Hòa Hảo (trong đó thôn Hòa Bình là nơi định cư của họ Trần ta). Vì vậy chúng ta không rõ đích thực việc thực canh và diện tích toàn bộ đất đai do ông sở hữu vào lúc cuối đời.
Một điểm nhỏ cũng cần lưu ý là có thể từ “mau” trong 130 mẫu ghi trong văn tự chữ Pháp là mẫu thời Minh Mạng (tức mẫu ta, tương đương 0,4664 héc-ta).
THẾ HỆ THỨ II RA ĐỜI (NAM KỲ TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU THỜI PHÁP THUỘC)
Ông bà Tổ phụ sanh 2 gái 2 trai.
Hai chị lớn Thị Thị, Thị Kiều, không rõ năm sanh, hành trạng, gia đình ra sao. Nhưng hai bà cũng được tương phân tài sản bằng với các em trai.
Người con thứ ba Trần Văn Đề sinh năm Kỷ Sửu (1829), mất năm Bính Thân (1896), như vậy khi ông Đề chào đời thì thân phụ đã 42 tuổi, còn người em út Trần Văn Sách không được biết năm sanh năm mất.
Đời thứ II có hai con nối nghiệp.
- Ông Trần Văn Đề thừa hưởng sự nghiệp cha, lãnh phần hương hỏa. Ông có hai đời vợ; bà thứ nhứt có 2 gái 1 trai, bà thứ 2 có 3 trai 1 gái.
- Ông Trần Văn Sách không rõ năm sanh, có thể trong khoảng từ năm 1830 đến năm 1835.
Các vị đời II sanh ra vào tiền bán thế kỷ XIX. Cuộc sống yên bình của đất nước chỉ hơn 50 năm thì người Pháp đến, người dân lại lầm than, triều đình bất lực chỉ muốn nghị hòa. Sau khi đại đồn Kỳ Hòa thất thủ, quân thứ Định Biên của triều đình rút lui; Quản cơ Trương Định “bất tuân thiên tử chiếu”, lập căn cứ ở Tân Hòa Khổng Tước Nguyên, được dân phong là Bình Tây Đại Nguyên Soái, tổ chức nghĩa quân đánh địch khắp nơi từ Bà Điểm, Hóc Môn, Long Thành, Cần Giờ, cho đến Rạch Kíến, Gò Đen, Cần Giuộc, Chợ Gạo, Mỹ Tho, Gò Công…
Trong cao trào kháng địch đó, tổ phụ Trần Văn Sách nhà ta cùng người con trưởng là Trần Văn Học đã đứng lên ứng nghĩa dưới ngọn cờ cứu quốc của Trương Định, hoạt động tại vùng Gò Công – Chợ Gạo; hành động ấy thể hiện lòng yêu nước sớm nhứt trong họ Trần.
Tháng 8-1964, Trương Định bị tên phản bội Huỳnh Công Tấn đem quân bao vậy tại khu Đám Lá Tối Trời, hy sinh tại Gia Thuận, nghĩa quân bị thiệt hại nặng và dần tan rã; tên tay sai khác của Pháp là Trần Bá Lộc từ Mỹ Tho kéo lính đến truy lùng và diệt các ổ đề kháng của nghĩa quân vùng Chợ Gạo. Hai cha con ông đều bị thương nặng và sau đó từ trần, không biết nơi chôn ở đâu.
Ông Sách sớm lập gia đình và có 4 con (3 trai 1 gái), người con đầu là Trần Văn Học bị sát hại nhưng cũng đã có con nối dõi. Do tình thế, vợ ông Sách là Đoàn Thị Đương tái giá với một người chết vợ, có một con với người chồng sau, nhưng bà vẫn ngụ trong đất của gia tộc họ Trần.
ĐỜI III VÀ IV HỌ TRẦN DƯỚI THỜI NAM KỲ THUỘC PHÁP
Từ giữa thế kỷ XIX về sau, thế hệ thứ 3 ra đời, nhân số chưa đông, ông Đề có 4 trai 3 gái; ông Sách có 3 trái 1 gái. Nếu kể về phái nam thì chỉ có 7 người, người anh vai lớn nhứt là Trần Thiện Chánh sanh năm 1854, người em vai nhỏ nhứt là Trần Hồng Chung sanh năm 1876, nghĩa là trong vòng 22 năm đã tạo dựng thêm một thế hệ.
Tiếp theo, lớp người đời IV xuất hiện, người con trai nhỏ nhứt là ông Trần Văn Ninh (con ông Trần Hồng Chung), sanh năm 1903.
Sang thế kỷ XX, toàn thể Nam Kỳ từ bốn mươi năm trước đã thành thuộc địa của Pháp; số quan chức hành chánh cấp tổng, cấp làng đều là người Việt tại địa phương trong thời gian dài 83 năm, cho đến Cách mạng Tháng Tám 1945.
Trong bối cảnh đó, họ Trần vốn là một tộc họ lâu đời, có chữ nghĩa, có điền sản, có uy tín trong xã hội, nhiều vị ra làm chức việc trong làng, như ông phó tổng Trần Thiện Chánh, ông hương cả Trần Thiện Thi, hương trưởng Trần Hồng Chung, hương chủ Trần Văn Viễn, hương chánh Trần Thiện Ngôn, hương trưởng Trần Văn Hoài, cai tổng Trần Văn Vịnh, v.v…
Các thế hệ kế tục nhau vẫn là “dĩ nông vi bản”, tuy nhiên theo xu thế mới có những vị kiêm việc doanh thương như ông Trần Thiện Thi lập hãng nước mắm Nam Hưng Quang (ngày nay còn từ “bờ hãng”11 Có nghĩa: bờ đi lại hãng nước mắm.), ông Trần Văn Viễn có nhà máy xay lúa dựa bờ sông Cửa Tiểu, với đội ghe thuyền mua lúa về xay xát và chở bán ở Chợ Lớn.
Khởi đầu trong việc lập thân là việc bồi dưỡng cho con cái những tri thức về lễ nghĩa theo đạo lý Khổng-Mạnh, với tam cương ngũ thường, tu tề trị bình, đã sớm gieo sâu vào tâm trí của mọi người, nhờ đó nên sớm có người theo cờ nghĩa của tướng quân Trương Định, nêu cao khí tiết họ Trần.
Các tiền nhân của họ Trần chúng ta, có nhiều vị ra làm làng làm tổng, đó cũng là xu thế tất yếu, mong được yên thân, được người đời trọng nể, có điều kiện cho con cái học hành, sớm lấy bằng Thành Chung, Tú Tài để ra làm thơ ký, tham tá, quan tòa, kỹ sư, bác sĩ, thầy thuốc Đông y, một số người đi du học ở nước ngoài. Quý hồ xuất phát từ cái TÂM của con người đang tiềm ẩn, đến một lúc nào đó thì tinh hoa sẽ phát tiết ra ngoài, bấy giờ sẽ thấy đâu là vàng thau, đâu là ngọc đá.
Mặc dù thực dân Pháp dùng chánh sách ngu dân để cai trị, nhưng ngọn gió văn minh Tây phương vẫn ào ạt thổi, thương cảng Sài Gòn là đầu mối tiếp nhận, lộ Đông Dương thông suốt, đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho hình thành, giây thép giăng giăng, tàu thủy, xe hơi rầm rộ, tiếp theo đó bùng lên ngọn lửa Thiên Địa Hội, phong trào Duy Tân, phong trào Đông Du, hội kín Nguyễn An Ninh, dù thức tỉnh khá đông người nhưng vẫn chưa đủ sức xoay chuyển thời cuộc…
Tiếp theo, từ năm 1928, bí thơ Tỉnh bộ Gò Công của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) là Nguyễn Văn Côn đã đến nhà hương trưởng Hoài tại làng Tân Thuận Bình để xây dựng cơ sở cách mạng và lập ra chi bộ đầu tiên của quận Chợ Gạo, từ đó ông hương trưởng Hoài và người anh chú bác họ là thầy giáo Trần Văn Ưng được giác ngộ chủ nghĩa Mác – Lênin và từ Trần Văn Ưng mà chủ nghĩa Mác-Lê sớm được truyền bá đến Bình Ninh.
Ông Ưng là đảng viên Cộng sản đầu tiên của Bình Ninh được kết nạp từ năm 1930, liên tục có mặt trong những lúc vận nước thăng trầm từ ngày thành lập Đảng, lúc Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, trong Cách mạng Tháng Tám 1945, cho đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, và ông hy sinh vào tháng 5-1965 khi địch xom hầm nơi ông ẩn trú tại nhà mình ở Bình Ninh.
Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, thì các vị hội tề trong họ Trần ta, lớp trước thì đã qua đời, có người thì mãn nhiệm, nếu vị nào còn đương chức thì bị vô hiệu hóa, trở về với đời thường, riêng ông Trần Văn Vịnh khác hẳn. Thời Pháp thuộc, ông là cai tổng Hòa Hảo, được tặng phong chức phủ hàm. Pháp trở lại, ông tiếp tục ra cộng tác với người Pháp một cách đắc lực ở quận nhà, xã nhà, đã mấy lần bị Cách mạng trừng trị nhưng ông đều thoát nạn; sau Hiệp định Genève 1954, ông trở về với cuộc sống dân thường.
Dầu rằng trong số con của ông có người đã từ bỏ cuộc sống đầy đủ về vật chất để theo tiếng gọi của non sông, gia nhập bộ đội Việt Minh, sau đó đi tập kết, cuối cùng trở về Nam chiến đấu chống địch và hy sinh sau Hiệp định Paris 1973), dầu sau nầy quá khứ đã khép lại, tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc được thể hiện rõ đối với cả dân tộc, đối với từng gia đình, nhưng đến nay trong gia đình riêng của ông, nhiều con cháu ông vẫn trĩu nặng mặc cảm vì ông đã đi sai đường.
Đừng thấy ông như vậy mà vội quy kết là do thành phần địa chủ bóc lột, vốn làng xã là ác ôn, mà nên nhìn thấu lòng người trong hành động. Bàn tay có ngón dài ngón vắn, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lại chân lý đó; mặt khác, nếu đem lên cân thì phía tiêu cực nhẹ tênh vì phía ngược lại vẫn nặng trĩu. Bao người của dòng tộc họ Trần vẫn ngẩng cao đầu.
Ông Trần Văn Hoài vốn giàu có, làm hương trưởng nhưng đã hết lòng từ ngày đầu cách mạng và hy sinh trên đường công tác vào năm 1947; con trai duy nhứt của ông là Trần Văn Hiển từng hoạt động cách mạng từ khi du học bên Pháp đến lúc về nước và hy sinh sau ngày Nam Bộ kháng chiến; hai người gái út là Trần Thị Chín và Trần Thị Mười từng vào tù ra khám, suốt đời đi theo con đường cách mạng, và chính bà Trần Thị Mười là người đã giáo dục, dẫn dắt em họ mình là Trần Quang Cơ tham gia kháng chiến chống Pháp (ông Cơ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ).
Không thể không nhắc đến gia đình nhiều liệt sĩ của thầy giáo Trần Văn Ưng, người đảng viên đầu tiên của quận Chợ Gạo từ năm 1930, đã đưa dường dẫn lối cho làng Bình Ninh theo chánh nghĩa, đến cử nhân luật Trần Thiện Dõng tham gia hoạt động từ trước Cách mạng Tháng Tám và sau đó đem kiến thức chuyên môn của mình ra phục vụ đất nước trong kháng chiến chống Pháp, sau khi tập kết ra miền Bắc và lúc trở về Nam sau giải phóng 1975, đến ông Trần Thiện Thành ra phụ trách công tác quân sự làng Bình Ninh năm 1945.
Nhắc lại chuyện xưa, có xảy ra chuyện bất hòa do tranh chấp đất đai giữa một số vị, dẫn đến việc đưa nhau ra tòa từ năm 1927 đến năm 1929, từ Tòa Sơ thẩm Mỹ Tho đến Tòa Thượng thẩm Sài Gòn, cuối cùng dòng họ lại thỏa thuận như trước, cùng đồng lòng đứng tên xin nhà cầm quyền xây lại nhà từ đường.
CÁC THẾ HỆ HỌ TRẦN TRONG HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN
Sau năm 1945, đời IV đã già và lần lượt qua đời, thế hệ thứ V kế tục, nhân dân Bình Ninh hăm hở đứng vào hàng ngũ cứu quốc. Nhưng chưa bao lâu, cuối tháng 10-1945, Pháp trở lại Mỹ Tho, Gò Công và đóng đồn ở quận lỵ Chợ Gạo, đất nước lâm nguy.
Bình Ninh thoạt đầu là căn cứ địa của Chợ Gạo và một số làng của Gò Công, nhưng dần dần bị mất trắng vì đồn bót địch đóng tứ giăng; có lúc gần như bị khủng bố đến kiệt sức, tan rã, người dân phải tản cư đến sống ở thành phố Mỹ Tho hoặc lánh lên Sài Gòn, có những người ra làm thầy giáo dạy học để có cơ hội giúp đỡ kháng chiến.
Tuy vậy, khí thế đấu tranh về chính trị, quân sự không bao giờ dứt; nhiều trận đánh xảy ra. Và từ năm 1953 lực lượng kháng chiến được củng cố và dần dần tiêu diệt các đồn bót địch và mở rộng vùng giải phóng, giữ vững cho đến ngày ký Hiệp định Genève 1954.
Từ cuộc sống ban đầu với ruộng vườn là chính, kèm theo là vốn tri thức Nho học, Khổng-Mạnh làm căn cơ, ra làm tổng làm làng trong hoàn cảnh mới rồi đón nhận nếp sống văn minh, chuyển sang Tây học, đến khi thời thế nhiễu nhương, dòng họ ly tán, có người thoát ly theo kháng chiến trong số đó có người vĩnh viễn nằm xuống cho sự trường tồn của Tổ quốc, có người bị bắt đi quân dịch chỉ mong chờ lành lặn mãn hạn trở về trong khi một ít người trở thành tử sĩ của quân lực Sài Gòn, có người âm thầm sống trong vùng bị chiếm luôn canh cánh mong chờ ngày huy hoàng của đất nước sạch bóng quân thù, cá biệt có người lỡ lầm về sau nghiền ngẫm mà tự vấn lương tâm…
LỚP TRẺ TỪ SAU 1975 ĐẾN NAY
Sau ngày đất nước hòa bình, mọi người lần lượt trở lại quê cũ (thời chống Mỹ, Bình Ninh là vùng oanh kích tự do của địch), cùng với những người từng bám trụ, dựng lại mái nhà, ươm hạt gieo mầm cho nông thôn tươi mát màu xanh, và sau thời đổi mới đường liên thôn thành bờ đê ngăn mặn sông Cửa Tiểu đem lại lúa màu quanh năm ba vụ, vườn dừa tươi xanh trĩu quả, điện sáng khắp nhà.
Việc thông tin liên lạc kịp thời, một số người công tác ở các thành phố xa, một số ngươi ra sinh sống ở nước ngoài, nơi quê nhà người già rảnh rang bàn chuyện đình đám hội hè, lớp nông dân với cây trồng, vật nuôi chuyên canh theo khoa học hứa hẹn những mùa bội thu, lớp trẻ có điều kiện học hành mơ ước tương lai với chức danh kỹ sư, bác sĩ để đem vốn trí thức ra phục vụ cho thời kỳ đổi mới, cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
CÁC ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT CỦA DÒNG TỘC
Khởi nghiệp tại thôn Hòa Bình (nay là xã Bình Ninh) từ cuối thế kỷ XVIII (1787) đến nay đã hơn hai trăm năm, từ ông tổ đầu tiên, với khối óc và đôi tay, qua sức lao động cần cù, đã tạo dựng một cơ ngơi khá lớn 130 mẩu để cuối đời trao quyền thừa hưởng cho các con vừa ruộng vườn, vừa nhà cửa, vừa trâu cày, tương phân bằng nhau không phân biệt nam hay nữ (điều nầy chứng tỏ không có thành kiến nữ sanh ngoại tộc). Ngoài việc phân chia đều cho các con, trước đó đã trích phần hương hỏa và phần dưỡng lão giao cho con trai trưởng quản lý.
Ngày nay, qua đổi thay của chế độ, qua nhiều lần biến động đất đai, điền sản không còn như trước, nhưng từng đơn vị gia đình của mỗi chi hệ họ Trần (có người là họ ngoại) vẫn quây quần với nhau tại các ấp Hòa Thạnh, Hòa Phú, trên khu đất phía trước là nhà ở, phía sau là vườn dừa sát bờ tả ngạn sông Cửa Tiểu, lộ đá liên thôn vừa là đường giao thông vừa là bờ đê có tác dụng ngăn mặn, bên ngoài là ruộng lúa ba vụ trong năm.
Dọc theo các dãy ruộng tại ấp Hòa Thạnh là những khu mộ táng của từng chi được dành sẵn trên đất nhà, luôn được chăm sóc khang trang.
Việc mở mang tri thức luôn được khuyến khích và nếp chăm học cũng sẵn sàng, ngày xưa thì Nho, y là căn bản, sau nầy ở trong nước không thiếu người của tộc họ Trần với danh vị Thành chung, Tú tài, Cử nhơn, Kỹ sư, chức danh thơ ký, tham tá, còn có người du học ở nước ngoài, người cày sâu cuốc bẫm cũng biết đọc biết viết, thậm chí đến hết bậc tiểu học (cấp 1 hiện nay), không ai dốt nát. Việc nầy chứng tỏ sự hiếu học được liên tục và phổ biến. Từng gia đình luôn tôn trọng nếp sống kỷ cương.
Khi yên bình thì ruộng đồng chăm bón, hòa hợp với dân làng, lúc quốc biến thì hiên ngang gươm súng đối địch với kẻ thù, không ngại hy sinh.
Bản tính cá nhân là tỉnh táo, thâm trầm, hoạt bát, khoan dung, tôn trọng lẽ phải, không khuất phục trước bạo lực, không chịu đựng được những điều không vừa ý, việc gì trong nội bộ không dàn xếp được thì sẵn sàng đưa nhau ra chốn tụng đình, khi đã chọn cho mình một lập trường thì kiên quyết theo đuổi đến cùng dù đúng dù sai cũng không muốn thay đổi. Việc học hành được xem là ưu tiên hàng đầu, con cháu được đầu tư nhiều hơn để nâng cao tầm học vấn, công việc đồng áng do lớp lớn tuổi đảm đương, và tận đáy mắt mọi người ánh lên niềm chứa chan hy vọng.
*****
Họ tộc mà không có gia phả, ta cảm thấy như bơ vơ lạc lõng. Họ tộc có gia phả thì khi soi rọi vào đây, ta hiểu đâu là cội nguồn đâu là thế thứ; công tích của tiền nhân hiển hiện rõ ràng, ta chiêm nghiệm mà học theo gương sáng để không làm điều gì sái quấy gây tai tiếng cho họ tộc, mang tội bất hiếu với tổ tiên.
Đối đế dù giấy rách cũng phải giữ lấy lề, đó là lối sống, là đạo lý, cho dù ở vào thời đại nào, chân lý ấy vẫn còn nguyên giá trị.
Bộ Gia phả đã hoàn thành, nhưng chắc chắn vẫn có điều thiếu sót, mong được bà con sớm bổ sung cho hoàn chỉnh hơn.
XÃ BÌNH NINH XƯA VÀ NAY
Từ cuối thế kỷ XVIII, đã thấy xuất hiện họ Trần tại xã Bình Ninh nầy khá sớm, trong khi đất đai hãy còn hoang sơ, chưa có dấu vết con người; tên xóm tên làng đặt ra luôn thay đổi theo thời cuộc; trong bối cảnh đó, tộc họ Trần từng đời, từng đời xuất hiện không ngừng.
Để tiện việc tham khảo, xin ghi lại đây lược sử hình thành tỉnh Tiền Giang – trong đó có xã Bình Ninh – từ đầu đến nay.
Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép:
Nguyên xưa là đất Cù Úc, Mỹ Tho của Thủy Chân Lạp, nơi từ thế kỷ XV, XVI đã có người Việt đến định cư ở vùng đồng bằng Đồng Nai, Cửu Long rồi. Năm Kỷ Sửu (1697) chúa Nguyễn đã cho cựu thần nhà Minh là Dương Ngạn Địch và các sĩ tốt vào mở địa phương Mỹ Tho khai hoang lập ấp để làm ăn, một thời phồn thịnh.
Đến năm Nhâm Tý (1732) chúa sai quan trấn Gia Định (đã hình thành bộ máy phủ huyện vững vàng từ năm 1698) lấy đất Mỹ Tho lập ra châu Định Viễn, với chánh sách cai trị lỏng lẻo, nắm dân theo dạng man, nậu, thuộc, đồng thời lập ra 9 kho để thu thuế gọi là cửu trường biệt nạp, năm 1772 gọi là đạo Trường Đồn. Cho đến năm 1776 bị Tây Sơn vào truy kích diệt chúa Định vương Nguyễn Phúc Thuần và gia quyến, chỉ còn sót lại một hậu duệ là Nguyễn Phúc Ánh mới 16 tuổi, nhờ nhiều danh tướng phụ tá lo việc phục quốc.
Năm 1779 đạo Trường Đồn được cải lại là dinh Trường Đồn, đặt ra huyện Kiến Khương (lỵ sở ở giồng Kiến Định), qua 1781 lại gọi là dinh Trấn Định, bãi bỏ cửu trường biệt nạp, và năm 1780 Nguyễn Phúc Ánh chánh thức xưng vương hiệu rồi cầu viện quân Xiêm, nên xảy ra trận đánh Rạch Gầm – Xoài Mút vang danh vị tướng tài Nguyễn Huệ năm 1784, rồi từ đó Tây Sơn mắc lo mặt phía bắc mà không vào nữa, Nguyễn Vương Phúc Ánh có cơ hội tiến dần ra thu phục Phú Xuân lên ngôi hoàng đế.
Năm Gia Long thứ 5 (1806) đổi huyện Kiến Khương thành Kiến An, đến năm 1808 cải dinh Trấn Định thành trấn Định Tường, huyện Kiến An thăng thành phủ để thống hạt ba huyện Kiến Khương, Kiến Hòa, Kiến Đăng (trước là tổng).
Thời đó huyện Kiến Hòa – địa bàn họ Trần cư ngụ hiện nay – có địa giới rất rộng, coi 2 tổng 151 thôn, phía đông giáp cửa biển Soai Rạp, cửa Đại, cửa Tiểu, cửa Ba Lai; phía tây giáp tổng Kiến Thuận của huyện Kiến Hưng, ranh giới tại sông Bảo Định ra sông Mỹ Tho đến cửa sông Ba Lai; phía nam là trấn Vĩnh Thanh (nay là Bến Tre) lấy sông Tiền ra đến biển làm ranh giới.
Hai tổng của huyện Kiến Hòa là Kiến Thịnh (có 65 thôn) và Hòa Bình (có 86 thôn) là vùng Chợ Gạo, ranh giới phía tây là vàm Kỳ Hôn đến Tra giang; phía đông đến biển; tên thôn thời nầy nay chỉ còn Bình Phục Nhứt của huyện Chợ Gạo và một số thôn nay thuộc hai huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây; thời nầy chưa có tổng Hòa Hảo và xã Bình Ninh.
Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) chia Nam Kỳ thành 6 tỉnh thì phủ Kiến An của trấn Định Tường đổi thành tỉnh Định Tường, chia đất huyện Kiến Hòa đặt thêm huyện Tân Hòa (vùng Gò Công), đều thuộc phủ Kiến An, năm 1838 đặt thêm phủ Kiến Tường thuộc tỉnh Định Tường, đến năm 1841 phần huyện Tân Hòa cải thuộc phủ Tân An của tỉnh Gia Định.
Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), trong lần lập sổ địa bạ cho 6 tỉnh Nam Kỳ do khâm sai Trương Đăng Quế thực hiện và hoàn thành vào tháng 6 năm ấy, ta thấy chính xác tên làng thôn, tên các chủ điền, diện tích đất đai khá hoàn chỉnh.
Tỉnh Định Tường có phủ Kiến An (3 huyện), huyện Kiến Đăng (5 tổng), huyện Kiến Hòa (5 tổng), huyện Kiến Hưng (5 tổng).
Năm tổng của huyện Kiến Hòa là: Hòa Hảo, Hòa Hằng, Hòa Thanh, Thạnh Phong, Thạnh Quang.
Tổng Hòa Hảo có 13 thôn; trong số nầy 10 thôn còn địa bạ là: An Định, Bình Phục Đông, Bình Phục Nhứt, Bình Phương, Bình Thủy, Mỹ Hảo, Tân Hóa (thôn nầy ở xứ Lộc Ninh là nơi đóng huyện lỵ Kiến Hòa), Thuận Hòa, Toàn Thạnh, Vĩnh An; và 3 thôn mất địa bạ là: Bình Quang, Hòa Bình, Hòa Thạnh.
Tại thôn Hòa Bình lúc ấy đã hiện diện ông tổ phụ Trần Văn Dụng và các con nhưng đáng tiếc là tập địa bạ về thôn nầy đã mất, nên không có tư liệu để tra cứu.
Không bao lâu sau, năm 1861, Pháp từ Sài Gòn xuống đánh chiếm Định Tường và với Hòa ước 1862, Triều đình Huế nhượng ba tỉnh miền Đông cho Pháp. Sang năm 1869, sau hai năm chiếm nốt ba tỉnh miền Tây, Pháp chia cắt các phủ huyện, tỉnh Định Tường đổi thành tỉnh Mỹ Tho coi 4 hạt (inspection): Mỹ Tho (huyện Kiến Hưng cũ), Chợ Gạo (huyện Kiến Hòa cũ), Bến Tre (huyện Hoằng Trị cũ, trước thuộc Vĩnh Long), Cai Lậy (huyện Kiến Đăng cũ); riêng hạt Cần Lố (huyện Kiến Phong cũ) chuyển sang tỉnh Vĩnh Long.
Từ năm 1872, toàn Nam Kỳ chia thành 4 khu vực (circonscription): Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Hậu Giang. Khu vực Mỹ Tho quản lý 4 địa hạt: Mỹ Tho, Tân An, Gò Công và Chợ Lớn.
Đến năm 1889, hạt đổi thành tỉnh (province), địa bàn của Định Tường cũ chia thành 5 tỉnh: Mỹ Tho, Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc và Tân An.
Ở phần trước, nói về sổ địa bạ năm 1836, ta thấy tổng Hòa Hảo có 13 thôn, trong đó có thôn dòng tộc họ Trần cư ngụ là thôn Hòa Bình, nhưng sau khi Mỹ Tho bị Pháp chiếm năm 1861 thì có những thay đổi như sau theo cuốn “Bình Ninh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ (1930-1975) – Sơ thảo”:
Vào cuối thế kỷ XVII, những người nông dân ở phía Bắc đã di cư dần vào phía Nam khai khẩn đất hoang để sinh sống. Trong đoàn người đó có ông Nguyễn Văn Hàng và một số người ở Quảng Nam đã đến vùng đất mới nầy, ông Hàng cùng với hai con trai là Nguyễn Văn Thu (Tham Thu) và Nguyễn Văn Giác đã quy dân lập ấp và đặt tên vùng đất mới nầy là thôn Hòa Bình, rồi tiếp tục làm đuờng, bắc cầu, dựng chợ để tiện việc giao thương, đi lại, buôn bán – ngày nay còn lưu danh cầu Tham Thu, chợ Tham Thu là để nhớ công lao ông Nguyễn Văn Thu). Còn lộ Tham Thu xưa kia nằm ngay nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Ninh bây giờ).
Sau khi chiếm thôn Hòa Bình, người Pháp lập ban hội tề để cai trị; vì thấy làng nầy quá rộng nên họ tách một phần lập thêm làng Hòa An (làng nầy nay thuộc xã An Thạnh Thủy), về sau lại tách thêm một phần làng Hòa Bình nhập với làng Mỹ Hảo lập ra làng Hòa Ninh; họ làm lại lộ Tham Thu (đường 877 hiện nay) và các con lộ đất dọc theo các xóm. Đến đầu năm 1932, hai làng Hòa Bình và Hòa Ninh nhập lại thành làng Bình Ninh.
Từ năm 1897, tỉnh Mỹ Tho với 15 tổng có 202 làng; trong đó tổng Hòa Hảo có 15 làng: An Định, Bình Long, Bình Phan, Bình Phục Đông, Bình Phục Tây, Bình Quơn, Bình Thủy, Hòa An, Hòa Bình, Hòa Ninh, Hòa Thạnh, Mỹ Thạnh, Tân Hóa, Thuận Hòa, Bình Trị.
Năm 1939, tỉnh Mỹ Tho có 5 tổng: Châu Thành, Chợ Gạo, Cai Lậy, Cái Bè, An Hóa. Quận Chợ Gạo có 3 tổng: Thạnh Quơn, Thạnh Phong và Hòa Hảo.
- Tổng Thạnh Quơn gồm 7 làng: Trung Hòa, Phú Kiết, Mỹ Tịnh An, Tân Bình Thành, Lương Hòa Lạc, Hòa Tịnh và Thanh Bình.
- Tổng Thạnh Phong gồm 6 làng: Mỹ Phong, Tân Hội Mỹ, Đăng Hưng Phước, Song Bình, Long Bình Điền và Xuân Đông.
- Tổng Hòa Hảo gồm 7 làng: Bình Ninh, An Thạnh Thủy, Hòa Định, Bình Phan, Bình Phục Nhứt, Tân Thuận Bình và Quơn Long.
Từ năm 1955, dưới chính quyền Sài Gòn, tỉnh Định Tường có 1 thị xã Mỹ Tho và 7 quận: Bến Tranh, Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Giáo Đức, Sầm Giang. Quận Chợ Gạo có 11 làng: An Thạnh Thủy, Bình Ninh, Bình Phan, Bình Phục Nhứt, Đăng Hưng Phước, Hòa Định, Long Bình Điền, Quơn Long, Song Bình, Tân Thuận Bình, Xuân Long.
Từ năm 1955 đến năm 1975, tỉnh Định Tường có lúc gồm cả tỉnh Gò Công, có lúc không.
Sau năm 1975, hai tỉnh Định Tường và Gò Công hợp nhất thành tỉnh Tiền Giang, gồm 1 thành phố Mỹ Tho, 1 thị xã Gò Công và 6 huyện (Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây).
Xã Bình Ninh là 1 trong 19 xã của huyện Chợ Gạo. Xã nằm cách huyện lỵ 7 kilômét về hướng đông nam, phía đông giáp xã Vĩnh Hựu của huyện Gò Công Tây, phía tây giáp xã Hòa Định, phía nam là sông Cửa Tiểu, phía bắc giáp xã An Thạnh Thủy và một phần xã Thạnh Nhựt của huyện Gò Công Tây.
Địa hình của xã có hình rẽ quạt kéo dài theo hướng đông tây, nằm cặp theo bờ sông Cửa Tiểu, chiều dài gần 7 kilômét, chiều ngang trên là 1,2 kilômét, chiều ngang dưới là hơn 4 kilômét. Xã có 12 ấp: phía bắc là các ấp Bình Quới Thượng, Bình Quới Hạ, Bình Phú, Hòa Lợi Tiểu, Hòa Lạc, Hòa Quới; phía nam là các ấp Bình Hưng Thượng, Bình Hưng Hạ, Bình Long, Hòa Thạnh, Hòa Phú, Hòa Mỹ; các ấp với tên “Bình” ở trước xưa kia thuộc làng Hòa Bình, các ấp có tên “Hòa” ở trước xưa kia thuộc làng Hòa Ninh, trong đó có ấp Hòa Thạnh là nơi cư ngụ của đa số họ Trần trong bộ gia phả nầy.
Cũng cần biết thêm là ấp Hòa Mỹ, xưa là làng Mỹ Hảo, đã tách ra làm hai, một phần vẫn thuộc ấp nầy, phần kia nhập vào xã Vĩnh Hựu của huyện Gò Công Tây. Trong xã Hòa Ninh còn dấu vết ba ngôi đình ở các ấp Bình Quới Hạ, Hòa Mỹ và Hòa Quới, không rõ xưa kia thuộc thôn nào.
Bình Ninh xưa là một vùng đất trũng hoang vu, nằm cặp theo sông Cửa Tiểu, sình lầy, cây cối mọc um tùm, các loài thảo mộc, dây leo chằng chịt, bên cạnh những đám dừa nước mọc theo bờ sông là nơi sinh sống của các loại thú rừng (như cọp, heo rừng, khỉ), sấu, rái cá,… trong khi dân cư thưa thớt.
Diện tích tự nhiên toàn xã những năm gần đây là 1.880,89 héc-ta, đất thổ cư 26,21 héc-ta, trồng lúa 825,46 héc-ta, vườn cây 653,20 héc-ta, chưa khai thác 374,96 héc-ta. Dân số: 11.823 nhân khẩu. Đất vườn chủ yếu trồng dừa, chuối và các loại cây ăn trái khác; ruộng lúa từ khi có bờ để ngăn mặn từ vàm Kỳ Hôn đến bãi biển Tân Thành (Gò Công Đông) nên từ một vụ chuyển sang hai vụ, kèm theo là luân canh cà chua, dưa leo, các loại hàng bông. Về chăn nuôi có bò, heo, gà vịt…
Hiện nay, tỉnh lộ 877 dài 7,2 kilômét và đường đê đã được nâng cấp (riêng đường đê liên xã Bình Ninh – Hòa Định dài 2,7 kilômét, các đường ngang đều được rải đá, trong xã nhà nhà đều có điện lưới quốc gia, trường học, bịnh xá, hứa hẹn một tương lai tươi sáng xứng tầm với một xã Anh hùng.
Các tin cũ
- » 024. Trần gia thế phả mục lục 15/08/2022 11:34:28
- » 023. Gia phả họ Nguyễn (ấp 1, Phước Vĩnh An, Củ Chi, TP.HCM) 15/08/2022 11:20:04
- » 022. Gia phả họ Tô (xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM) 15/08/2022 10:58:57
- » 021. Gia phả họ Phạm (xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) 15/08/2022 10:44:02
- » 020. Gia phả họ Nguyễn (ấp Bình Tả, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) 14/08/2022 22:49:21
- » 019. Gia phả họ Nguyễn (ấp Bình Lợi, thị trấn Tân Trụ, tỉnh Long An) 14/08/2022 22:32:12
- » 018. Gia phả Họ Lê (xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TP.HCM) 14/08/2022 22:06:20
- » 017. Gia phả họ Huỳnh (phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM) 14/08/2022 21:55:01
- » 016. Gia phả họ Huỳnh (ấp Nhơn Trị, Nhơn Thạnh Trung, Tân An & ấp Rạch Đào, Bình Phong Thạnh, Thủ Thừa, Long An) 14/08/2022 21:37:43