Trang chủ > 039. Gia phả họ Huỳnh (KP2, xã Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM)

039. Gia phả họ Huỳnh (KP2, xã Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM)

19/08/2022 07:44:52

Gia phả họ Huỳnh ở ấp 2, xã Tân Thuận, huyện Nhà Bè, tỉnh Gia Định nay là KP2, xã Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2008.

LỜI TỰA 

Tôi nhớ hồi còn nhỏ, hàng năm cứ vào dịp lễ Thanh Minh, tảo mộ, cha tôi (ông Huỳnh Văn Phương) dậy rất sớm – dù đã chuẩn bị hương đăng hoa quả đầy đủ từ tối hôm qua – đi kêu gọi những ông bà chú bác lớn tuổi tập họp lại lo đi tảo mộ ông bà. Đám nhỏ chúng tôi đứa nào muốn đi theo cũng được người lớn vui vẻ cho đi, mà không bị cấm như những lần đi coi đám ma, cúng đình. 

Nhiều năm như vậy, nhứt là tuổi càng lớn lên tôi nghiệm ra rằng:  việc tảo mộ là rất quan trọng mà còn thiêng liêng nữa. Vì mỗi năm có một lần, là dịp duy nhứt để con cháu tập trung khá đông đủ, trước đến viếng thăm ông bà đã mất, sau lo sửa sang, tu bổ, tôn tạo phần mộ cho sạch đẹp khang trang “sống cái nhà, thác cái mồ” để ông bà vui vẻ hưởng ba ngày Tết cùng con cháu. 

Tôi còn nghĩ thêm rằng, tảo mộ không chỉ vì lo nấm mộ mà chính là vì người nằm dưới mộ: Tổ tiên, ông bà, cha mẹ ta, những người đã tốn biết bao công lao sanh thành nuôi dạy chúng ta, hơn nữa còn tạo dựng cả cơ nghiệp gia tài gia sản để lại cho chúng ta mới có được như ngày hôm nay. Nhưng tảo mộ là biểu hiện một phần của lòng biết ơn ông bà. Muốn lo tròn chữ Hiếu, chúng ta lớp con cháu còn phải lo chu đáo những ngày cúng giỗ hàng năm, nhang khói hàng ngày; chữ Hiếu còn được thể hiện bằng bộ gia phả ghi chép công ơn tổ tiên ông bà. Lo mồ mã đẹp, cúng giỗ linh đình cũng tốt nhưng con cháu chỉ biết qua loa về ông bà vậy thôi. Còn bộ gia phả là cách giáo dục chiều sâu để con cháu biết rõ gốc gác Tổ tiên, càng đọc càng ngấm vào tình cảm vào lòng người, là nền tảng vững chắc của lòng hiếu thảo. 

Việc ghi chép gia phả cho dòng họ, xưa nay thường do những người lớn tuổi, có uy tín, giỏi chữ nghĩa trong dòng họ làm, còn các bà và con gái ít khi nào dám đụng tới. Lần lữa mãi, cha mẹ cô bác đều qua đời. Những người anh em trai trong họ cũng không còn mấy người, lại quá lo cho đời sống hàng ngày mà thiếu phần quan tâm đến dòng họ, ít thấy ai còn nhắc đến ông bà Tổ tiên. 

Tôi là phận gái, nay đã trên 80 tuổi đầu, đã sống qua hai thế kỷ. Rất may là tôi còn minh mẫn, còn nhớ được một số việc trong họ, còn nhớ nhiều người trong họ Huỳnh ta. Mấy năm nay tôi có ý định kể cho con cháu tôi ghi lại, nhưng việc làm còn lúng túng. Nay việc làm nầy đã muộn rồi, nếu để chậm nữa sẽ không còn ai biết. Cũng may, tôi có đứa con rể là Võ Ngọc An đang phụ trách Trung tâm viết gia phả ở TP.HCM. Biết được ý định nầy của tôi, An sẵn sàng bố trí các chuyên viên đến gặp tôi và vui vẻ nhận làm bộ gia phả cho họ Huỳnh ta. 

Tôi còn nhớ, lúc tôi 3-4 tuổi (năm 1927) tôi có biết bà Cố khi vô thăm bà Nội tôi (bà Mai Thị Giáp) chơi; lúc ông Nội tôi (ông Huỳnh Văn Tứ) mất lúc tôi 6 tuổi (1930), lúc đó ông khoảng 50 tuổi. Mồ mả ông Cố bà Cố, ông Nội bà Nội tôi đều an táng ở làng Tân Thuận. Năm 1992, Nhà nước quy hoạch nay là khu chế xuất Tân Thuận, không còn di tích gì. 

Theo con cháu được biết, ông Cố bà Cố (Đời I) sanh hạ 9 người con (Đời II): thứ hai, thứ sáu và thứ tám chết nhỏ, còn lại             6 người: 4 trai (4 chi): thứ ba Huỳnh Văn Điểu, thứ tư Huỳnh Văn Khuê, thứ năm Huỳnh Văn Tứ và thứ mười Huỳnh Văn Đại (vô tự) và hai gái: thứ bảy Huỳnh Thị Phước (vô tự) và thứ chín Huỳnh Thị Thọ. Tới đời III có cô Ba Huỳnh Thị Lan (chi thứ nhứt) ở Phú Mỹ, cha tôi là Huỳnh Văn Phương (tự Phang) thuộc chi thứ hai còn ở Tân Thuận và chú Hai Nguyễn Văn Chánh con bà Chín Thọ ở Giồng Ông Tố. 

Trong khi chưa tìm được bà con kiếng họ Huỳnh ở nơi nào khác cho đầy đủ, bản thân tôi và dì Bảy Nhỏ (Nguyễn Xuân Hoàng) trực tiếp hướng dẫn các chuyên viên gia phả đến ba nơi nói trên để tìm gặp bà con cô bác anh chị em cháu để hỏi chuyện về dòng họ, đến viếng và chụp ảnh các phần mộ của ông bà còn lại, trong đó đáng kể là mộ bà chín Huỳnh Thị Thọ hiện đang nằm lọt trong khu dân cư. Nên bộ gia phả nầy chủ yếu tập trung ghi chép con cháu chi thứ nhứt, chi thứ hai và cánh bà Chín Thọ. Sau nầy con cháu có điều kiện tìm hiểu biết thêm được bà con họ Huỳnh sẽ bổ sung vào. 

Tôi đã lớn tuổi, sức khỏe kém, dù có cố gắng nhớ lại, nhưng chắc còn thiếu sót vì việc đã qua lâu từ bảy, tám mươi năm nay. Nếu có thiếu sót xin bà con thông cảm. Nhân dịp nầy, tôi có lời cảm ơn các anh chị em cháu trong họ đã nhiệt tình giúp đỡ, chỉ đường, kể lại chuyện về ông bà cha mẹ mình cho các chuyên viên gia phả, cám ơn các chuyên viên gia phả đã chịu vất vả nắng mưa đi lại nhiều nơi, nhiều lần đến nhiều gia đình trong họ Huỳnh chúng tôi, lội đến các đồng mã để chụp ảnh sưu tầm nghiên cứu cố gắng hoàn thành bộ gia phả họ Huỳnh nầy.

Bộ Gia phả họ Huỳnh sẽ rất quý giá và sẽ được con cháu họ Huỳnh trân trọng giữ gìn để giáo dục con cháu và lưu truyền đến các đời sau để con cháu biết nguồn gốc Tổ tiên ông bà, con cháu cố gắng học hành, làm ăn cho giỏi, trở thành con cháu hiếu thảo của ông bà, công dân tốt của dân tộc Việt Nam vậy.

Tôi đồng ý cho phổ biến trong họ và ngoài họ cuốn gia phả này. 

Đại diện gia tộc họ Huỳnh 

HUỲNH THỊ NHỜ 

 

PHẢ KÝ 

Mỗi con người sanh ra ở đời đều mang dòng máu của cha mẹ, huyết thống của ông bà, Tổ tiên. Dù có nét đặc thù về dòng họ, nhưng tất cả mọi người đều giống nhau về lòng hiếu thảo với bậc sanh thành, biết ơn và vô cùng kính trọng đối với ông bà, Tổ tiên. Đó là đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Và khi người ta đến tuổi trưởng thành càng muốn tìm hiểu cội nguồn gia tộc, gốc gác tổ phụ, tổ quán của mình, biết công lao dày công dựng nghiệp của bao lớp tiền bối, phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu xương mới có cho chúng ta thụ hưởng ngày hôm nay. Cái cao đẹp, vĩ đại của Tổ tiên ông bà cha mẹ là không hề bao giờ kể công với con cháu “nước mắt chảy xuống” mà, chỉ mong con cháu mình biết đùm bọc thương yêu, giữ gìn truyền thống gia tộc, thanh danh dòng họ và làm sao cuộc sống ngày được khá hơn theo trào lưu  tiến hoá của xã hội .

Đối với lớp con cháu sau này, dù chưa hề biết mặt Tổ tiên ông bà, nhưng khi nhắc đến Tổ tiên tự nhiên trong huyết quản mỗi người trong họ tộc như dâng trào lên một tình cảm thiêng liêng, một tấm lòng ngưỡng mộ yêu kính thiết tha đặc biệt – một sự thôi thúc muốn hiểu biết về cội nguồn của mình. Nhiều người đã tốn bao công sức tìm cả nửa đời người chỉ vì lẽ ấy, nhất là khi đất nước thanh bình gia đình sum họp. 

I. TỔ QUÁN

Như họ Huỳnh ta, theo sự tìm hiểu những người trong dòng họ, và qua mộ chí của ông bà, Tổ tiên họ Huỳnh cùng với họ Trần, họ Nguyễn và một số họ khác đã định cư trên mảnh đất  Tân Thuận này rất sớm, khoảng giữa thế kỷ 19. Không có tông chi ghi lại ông  Tổ ta từ đâu đến, có ai cùng đi hay không. Có người nói: Ông Tổ có thể là gốc người Minh Hương. Cũng có thể ông bà từ các tỉnh miền ngoài vào (vì nơi nầy là vùng đất mới, hoang vu và cùng đi theo con đường duy nhất thuận tiện lúc bấy giờ là bằng đường thuỷ, rồi theo cửa Cần Giờ đi lần vào tìm nơi nào thích hợp thì cắm sào hạ trại :       “Từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp… toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm” (Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục).

Theo bà Huỳnh Thị Nhờ, sanh năm 1924 có đông đảo con cháu còn sống tại Tân Thuận đến nay, kể rằng : lúc bà khoảng 3-4 tuổi bà còn biết bà Cố (Đời I) ở nhà ông Sáu Sửu thỉnh thoảng có vô bà nội (bà Mai Thị Giáp) chơi. Có lần vì yếu chân bà Cố bị vấp té trầy một bên má…… nhưng không ai biết tên bà Cố, ông Cố (ông Cố mất trước). Con cháu trong nhà vì quá kính trọng và có phần sợ nên không ai dám hỏi tên ông bà khi còn sống kể cả khi qua đời. Đặc điểm thứ hai, Nam Bộ là vùng đất mới, dân cư lưu tán từ nhiều nơi đến bằng nhiều cách, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau; có số muốn dấu tông tích (vì lý do chánh trị) nên không ai muốn ghi lại tông chi, càng không có gia phả, sợ lọt ra người ngoài biết. 

Một điều vô cùng hối tiếc là đầu năm 1992, thực hiện chủ trương xây dựng khu chế xuất Tân Thuận – khu chế xuất đầu tiên của cả nước (diện tích trên 300 ha, 404 hộ nông dân) – trong đó có mấy dây ruộng của con cháu họ Huỳnh ta với mồ mã ông bà bị bốc cốt di đời, mộ bia bị thất lạc hết, mất đi nguồn tư liệu chính xác hết sức quý giá cho dòng họ và cho việc dựng gia phả ngày này. Bà Nhờ còn nhớ rõ : đồng mã ở giữa ruộng rộng 900 m2 có trên 50 mộ. Ngôi mộ ông Nội ở giữa gò xây núm cao, có mộ bia xi măng, 2 trụ phía đầu gắn 2 con lân, 2 trụ phía chân gắn 2 con cá bằng sành. Đường đi từ bờ đắp đi vô đường bờ ruộng khoảng 1.000 mét qua 2 cầu: cầu Tắt và cầu Cống.  

Giờ đây, các chuyên viên gia phả chỉ còn bám vào sự kiện duy nhất là tính từ ông Huỳnh Văn Tứ (ông nội bà Huỳnh Thị Nhờ), mất năm 1930 khoảng tuổi 50 lúc bà Nhờ 6 tuổi. Từ đó tính ngược lên ta có thể đoán biết được ông Huỳnh Văn Tứ sanh khoảng năm 1880. Mà ông là con thứ năm trong gia đình. Nếu mỗi người con cách nhau thường 2-3 tuổi (thứ năm cách người con đầu tiên là 6 tuổi) lúc đó thân phụ ông Huỳnh Văn Tứ khoảng 18 đến 20 tuổi, nên có thể đoán cụ ông sanh năm 1856 hoặc 1859, lúc giặc Pháp lăm le chiếm Sài Gòn, cách nay gần 170 năm. Con cháu ngày nay không biết rõ ông bà từ đâu đến, định cư ở đây vào năm nào, cùng đi với ai nữa, nhưng biết có mồ mã ông trong những lần tảo mộ hàng năm trước đây.

Theo ký ức của bà Huỳnh Thị Nhờ thì đến nay con cháu chỉ biết tới đời ông Cố là Huỳnh Văn… được coi là ông Tổ đời I tộc họ Huỳnh ở xứ Tân Thuận này. Ông bà Tổ hạ sanh được 9 người con (đời II). Thứ Hai, thứ Sáu và thứ Tám chết nhỏ, còn lại sáu người : 4 trai (bốn chi) gồm : Thứ Ba Huỳnh Văn Điểu (chi thứ nhứt), Thứ Tư Huỳnh Văn Khuê (chi thứ hai), Thứ Năm Huỳnh Văn Tứ (chi thứ ba), Thứ Mười Huỳnh Văn Đại (vô tự) và 2 gái là Thứ Bảy Huỳnh Thị Phước (vô tự) và Thứ Chín Huỳnh Thị Thọ. Hậu duệ đời II (chi thứ nhất và chi thứ hai) nối truyền con cháu đến nay là đời thứ VII. Con cháu chủ yếu sống tập trung ở tổ quán Tân Thuận, ở nội thành TP.HCM, có số người ở Giồng ông Tố (bà Chín Huỳnh Thị Thọ)           và ở rải rác một số nơi khác.

Chi trưởng Huỳnh Văn Điểu hạ sanh 4 người con (đời III), nhưng chỉ có người con trai thứ 5 là Huỳnh Hữu Trung là có con trai nối dòng là Huỳnh Hữu Hiếu (đời IV) và ông Hiếu có con trai là Huỳnh Hữu Để và Huỳnh Hữu Đức (Đời V). Huỳnh Hữu Để sanh ra Huỳnh Hữu Phúc (đời VI) và Huỳnh Hữu Phúc sanh ra Huỳnh Hữu Hào   (đời VII).

Chi thứ hai Huỳnh Văn Khuê cũng có 4 người con (2 trai, 2 gái, đời III), nhưng chỉ có người con thứ 4 là Huỳnh Văn Nhị có những con: Tram, Ngăn, Muôn, Vạn, Ca Đời; con trai nối dòng là               Huỳnh Văn Hàn (đời IV).

Chi thứ ba Huỳnh Văn Tứ có 4 người con (1 trai, 3 gái, đời III). Người con trai trưởng của ông là Huỳnh Văn Phương có 4 người con gái: Huỳnh Thị Nhờ, Huỳnh Thị Ân, Huỳnh Thị Đền và Huỳnh Thị Ngỡi, Bà Hai Nhờ sanh năm 1924, là một trong số ít người cao tuổi trong dòng họ còn sống cùng con cháu tại Tân Thuận. Bà là người rất quan tâm tới họ hàng thân thuộc, tích cực trong việc nối kết dòng họ, truy tìm mồ mã, Tổ tiên ông bà, còn nhớ nhiều chuyện ngày xưa. Bà Nhờ kể: ông Nội (ông Huỳnh Văn Tứ) tôi ốm người nhỏ con dáng đẹp, tánh tình nhân hậu, nói năng hoạt bát, có chân trong Ban hội tề làng, làm hai ba dây ruộng cả trăm công đất mướn của thầy Bảy Nhẫn, chủ điền lúc đó có nhiều tá điền mướn ruộng của thầy Bảy Nhẫn. Ngoài hai dây ruộng mà ông Nội tôi (ông Huỳnh Văn Tứ) mướn còn có ông Cả Vệ, ông Cả Đệ và ông Tư Sách – còn thêm 2 nơi cho mướn ruộng khác nữa, là 2 chị em bà Ba Triết và bà Tám Dung cho 7 tá điền thuê gồm: ông Bảy Họa, ông Sáu Sửu, bà Năm Nguyệt, bà Năm Sa, bà Năm Dậy, ông Sáu Ký và ông Tư Phi. Ruộng của ông Chín Ân thì cho ông Ba Điểu, ông Ba Đợi, ông Năm Huyền và bà Bảy có thuê. 

Ngày xưa hàng trăm mẫu ruộng ở ấp nầy nằm trong tay các điền chủ nói trên đã cho tá điền mướn gần hết. Con cháu họ Huỳnh không có ruộng, chủ yếu đều mướn ruộng dài hạn để cấy trồng nuôi sống gia đình. 

Khi cách mạng nổ ra, con ông Bảy Nhẫn xin hiến phần lớn ruộng đất để đóng góp cho cách mạng. Đương nhiên những người tá điền của ông Bảy Nhẫn được cách mạng ưu tiên cấp đất làm chủ. Gia đình bà Huỳnh Thị Nhờ được cấp gần 2 ha ruộng, lúc vô tập đoàn, đội du kích xã mượn 8 công sau trả lại. Năm 1992, cũng như hàng trăm hộ nông dân khác sẵn sàng đưa hết ruộng đất của mình – theo lời kêu gọi của Đảng – để san lấp quy hoạch khu chế xuất Tân Thuận với lòng tự hào sự phát triển của đất nước và hy vọng cuộc sống tá điền ngày xưa nay có khá hơn. Nhưng do việc đền bù không thỏa đáng, các nông hộ có đất quy hoạch khu chế xuất, đến nay còn đấu tranh đòi sự công bằng đúng chủ trương của Nhà nước. Hai dây ruộng ông Nội mướn bên này từ lộ Tân Thuận qua kinh Phụ Nữ, Vam Tắt chạy dài tới Sông Cái (Sông Sài Gòn) đi qua 2 con rạch: Sông Kinh và Vàm Tắt có bắc 2 cầu nhỏ. Sau giải phóng, vợ chồng chị Sơn bồng con nhỏ qua cầu không được phải đợi ông Ngoại qua rước vô nhà, nay lấp hết làm khu chế Xuất Tân Thuận. Bà Nhờ kể: về già ông Nội tôi bị bệnh lao (phổi), cạo đầu trọc. Bà Nội tôi nói, đất này xưa là rừng, ai có sức khai khẩn là có đất làm ruộng. Đất miệt Cống Nai, chỗ người Miên ở, cày ruộng còn đụng gốc cây cui. Những chỗ bờ sông Cái lở, lòi gốc cây to, dân chở về làm củi. Những cô gái có chồng xa (bà Ai ở xã Bình Lợi – bây giờ là Quận 2), mỗi lần muốn về thăm cha mẹ phải đi đò chèo theo sông Cái vòng xuống Vàm Tắt qua Bình Lợi rồi lội bộ về. Các đám cưới rước dâu cũng phải đi vất vả xa xôi như vậy.

Vẫn theo bà Nhờ, tới năm 1930, 1931 Tây mới làm Cầu Tân Thuận. Trước đó ở đây muốn ai đi chợ Xóm Chiếu phải đi đò ngang sông. Lúc đó phía Tân Thuận có xóm nhà, phía bên cảng kho 18 còn là bãi đất trống…

Xưa tổ chức cấy ngày (buổi sáng, buổi chiều) tính công ngày, sau này nơi đây tổ chức cấy công, tính giá trị bằng diện tích công đất (625m2) cho phù hợp với thời chiến tranh và cũng kích thích công cấy hoàn thành sớm công việc. Thời gian cấy ngày được qui định từ 6 giờ sáng đến 4-5 giờ chiều. Công cấy được nghỉ vào những giờ ăn: 8 giờ sáng ăn xôi, 12 giờ trưa ăn cơm, mỗi người ăn trầu được cấp 2 trái cau, 7 lá trầu. Chủ ruộng nào không lo chu đáo, như không thừa xôi sau khi ăn, các công cấy truyền nhau câu “cối không xay cối nẫy” (cấy không xôi cấy nổi – nói láy) tức rẽ mạ cấy xuống đất không úm chặt tay, nước lớn ngập sâu sóng đánh lúa nổi lên hết, chủ nhà đó coi như thất bại. Đây là “quyền lực” ngầm của công cấy làm thuê (đối phó với chủ ruộng keo kiệt) mà người chủ ruộng nào cũng phải lo ngại, biết để mà tránh. 

Về nộp tô, sau khi dọ giá trị trường, chủ điền “thị” (quy định) mỗi giạ lúa là 3 cắc 8 (giá trị thường 4 cắc), mỗi công ruộng tá điền phải đóng tô một giạ và 5 kg (tức 20kg + 5kg = 25kg).

Bà Nhờ kể tiếp: Ngoài công việc đồng áng, sau mùa vụ ông Nội còn sắm ghe lớn mua bán tro, trấu. Về sau ông Nội đem trâu về Bình Khánh làm ruộng – Khi lúa chín chở lúa khô về Tân Thuận. Công việc làm ăn phát đạt, ông cất căn nhà rường ba căn hai chái bằng gỗ quý. Chiến tranh nổ ra, bà Nội bán căn nhà này để giặc khỏi dòm ngó gia thế hòng làm tiền. Hàng ngày ba tôi (ông Phương) nghe đài phát thanh, đọc báo theo sát tình hình thời sự. Nhà ông là cơ sở mật, cất giấu tài liệu cách mạng, tích cực đóng góp tiền của cho cách mạng, nuôi ăn cho công an trụ sở I, khuyến khích con cháu tham gia kháng chiến. Bà Nhờ là lao động chính của gia đình, đã hăng hái tham gia hoạt động hợp pháp qua mắt địch và đã làm được nhiều việc: từ việc tiếp tế, nuôi dấu cán bộ, HBM (hầm bí mật) trong nhà ở Tân Thuận. 

Sau giải phóng, bà Nhờ làm bản khai thành tích (1954 – 1982) về việc giúp đỡ cách mạng và tham gia kháng chiến chống Mỹ. Với thành tích trên bà được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng Chiến Hạng Ba (năm 2000). Chồng, con bà đã thoát ly gia đình theo cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đánh Mỹ cho đến ngày giải phóng và còn tiếp tục tham gia xây dựng chánh quyền cách mạng sau 30/4/1975. 

Chồng Bà Huỳnh Thị Nhờ là ông Trần Văn Cứng (Nguyễn Văn Cải) năm 1956 làm Bí thư huyện ủy huyện Nhà Bè. Sau 5 lần bị địch bắt trong đó có 7 năm ở Côn Đảo vẫn kiên cường đấu tranh, nổi bật về hoạt động ngành công an (có tiểu sử ở phần Ngoại phả). 

Được sanh ra trong một gia đình cách mạng, nối tiếp truyền thống của cha mẹ, hai con gái lớn của bà là Trần Thị Kim Sơn và           Trần Thị Lầu tham gia công tác chống Mỹ ngụy ở Sài Gòn, bị địch bắt giam đày đi các nhà lao và cả ở Côn Đảo đến sau khi ký hiệp định Paris 1973 mới được trao trả, ra tù tiếp tục hoạt động cho đến tuổi về hưu. Hai  người con rể của bà (chồng chị Sơn và chị Lầu) là những cán bộ cốt cán của Đảng từ thời chống Mỹ và đang hoạt động tích cực cho sự nghiệp xây dựng đất nước đến ngày hôm nay.

II. LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT

Nhà Bè là huyện ngoại thành tiếp giáp với nội thành Sài Gòn về phía Đông Nam, nối sông Lòng Tàu nằm giữa con đường thủy huyết mạch vào bậc nhứt, kiểm soát toàn bộ tàu bè ra vào cảng Sài Gòn. Nhà Bè có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với sự sống còn của Sài Gòn, nên Nhà Bè được coi vừa là yết hầu vừa là dạ dày của cơ quan đầu não địch, lại là hành lang vận chuyển của lực lượng kháng chiến (nối liền với chiến khu Rừng Sác), Xã Tân Thuận là vị trí tiếp giáp trực tiếp với nội thành. Nhà Bè xưa thuộc tổng Bình Trị Thượng (huyện Bình Dương, Phủ Tân Bình) và Tổng Tân Phong Hạ (huyện Tân Long, Phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định) có các thôn: Tân Quy Đông thôn, Long Thạnh Tây thôn, Long Thới Đông thôn, Nhơn Mỹ thôn, Nhơn Ngãi thôn, Phước Cơ thôn, Phước Thạnh thôn, Tân Phú thôn…. tương ứng với địa bàn các xã Tân Quy, Tân Thuận, Phước Kiểng, Long Thới, Nhơn Đức, Phú Mỹ, Phước Lộc của huyện Nhà Bè ngày nay (theo Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Nhà Bè 1930-1975 – BCH Đảng Bộ Nhà Bè, 1995). 

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, phần lục tỉnh Nam Việt, tập Thượng (Biên Hòa, Gia Định) có mục ghi về Ngưu chữ Hà (Sông Bến Nghé) như sau: “Ở phía bắc huyện Bình Dương 5 dặm, có tên nữa là sông Tân Bình, phát nguyên ở thác lớn Bương Đầm (?) chảy xuống thủ sở Tầm Phong đến sông Băng Bột, sông Bình Đồng thông đến bến đò trước tỉnh rồi chuyển qua hướng bắc chảy xuống hướng đông đến cửa Tam Giang Nhà Bè hiệp với sông Phước Bình, dài 142 dặm rồi chảy ra biển Cần Giờ… Sông rộng lại sâu, ghe thuyền tàu bè của bản quốc cùng ngoại quốc đến đậu liên tiếp đông đảo làm thành chỗ đô hội lớn nhất. 

“Tục truyền sông nầy khi trước nhiều cá sấu đuổi nhau kêu rống như tiếng trâu rống, cho nên gọi tên như thế. Khi đầu trung hưng năm Mậu Thân 1788, (Nguyễn Ánh_NTB) thu phục Gia Định, sông nầy nước trong, đến năm Gia Long thứ 16 (1817) nước lại đục. Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) và năm thứ 6 (1825) nước sông có hai lần trong, người ta cho là điềm thái bình vậy. Năm (Minh Mạng_NTB) thứ 19 (1838) đúc 9 cái đỉnh có đúc tượng hình sông nầy vào Cao Đỉnh (đỉnh để trước miếu Thái Tổ Cao Hoàng Đế ở Thế Miếu). Năm Tự Đức thứ 3 (1850_NTB) liệt vào tự điển”. 

Các địa danh thôn làng của Nhà Bè, trong đó có Tân Thuận đã có từ lâu, trên 300 năm từ khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, đặt bộ máy hành chánh xác định chủ quyền lãnh thổ “lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lập xứ  Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn”. Về hình thể, huyện Nhà Bè (trước khi tách làm 2 huyện Nhà Bè và quận 7) có dạng kéo dài theo hướng Bắc – Nam. Phía Bắc giáp quận Tư và huyện Thủ Đức, phía Đông giáp huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và huyện Cần Giờ (TP.HCM), phía Nam giáp huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) và phía Tây giáp quận Tám và huyện Bình Chánh (TP.HCM). Nhà Bè có gần 7.000 ha đất nông nghiệp và hơn 3.000 ha mặt nước ao hồ sông rạch, lệ thuộc chế độ thủy triều. Lợi dụng địa hình thiên nhiên nầy, nông dân Nhà Bè từ lâu đã khai thác thế mạnh về nuôi trồng thuỷ sản và nuôi vịt đàn chạy đồng phục vụ xuất khẩu có giá trị cao. 

Nhân vật huyền thoại Dương Văn Dương (quê xã Tân Quy, Nhà Bè) trước khi làm binh nghiệp đã từng nuôi vịt đàn hàng ngàn con, tạo cớ hợp pháp để giao du với các tay anh chị, rèn luyện thêm võ nghệ và chiêu mộ binh gia chuẩn bị thành lập lực lượng võ trang chống Pháp. 

Địa danh Nhà Bè xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ 18. Ngược dòng lịch sử, Nhà Bè khi xưa, tên chữ là “Phù Gia” ở khoảng ngã ba con sông: Sông Phước Long (Đồng Nai) ở hướng bắc chảy xuống, sông Tân Bình ở hướng Nam chảy ra. Hai sông hợp lại chảy xuống hướng Đông làm sông Phước Bình vì thế gọi là Tam Giang khẩu (ngã ba sông). Việc giao thông đi lại chủ yếu bằng đường thủy nên thường lệ thuộc con nước, ngọn gió trời thuận nghịch. Khi công cuộc khẩn hoang mở rộng đất Phương Nam được các chúa Nguyễn đẩy mạnh, các đoàn thuyền từ các tỉnh miền ngoài vào Nam lập nghiệp, trên đường qua cửa sông Soài Rạp để vào vàm rạch Bến Nghé, gặp khi nước ngược chèo chống vất vả, họ thường neo thuyền tập trung ở một khúc sông chờ nước xuôi dòng vừa để bảo vệ lẫn nhau vừa tranh thủ lo cơm nước. Nhiều gia đình, nghèo đi thuyền nhỏ, lòng thuyền hẹp việc nấu nướng khó khăn, thường hay xin, mượn nhờ các thuyền bạn. Việc này cứ tái diễn trong thời gian dài. Dân gian kể lại, cũng tại đất này có một phú hộ tên là Võ Thủ Hoằng phát tâm mua hàng trăm cây tre kết thành bè vững chắc neo trên sông, trên bè cất nhà có trữ cả gạo, muối và nước ngọt, giúp làm nơi nấu nướng sinh hoạt cho cả đoàn thuyền. Về sau nhiều người trong vùng bắt chước kết hàng chục chiếc bè làm chỗ buôn bán, trao đổi hàng hóa. Khúc sông này ngày càng trở nên tấp nập đông vui. Và địa danh Nhà Bè cũng có từ độ ấy. 

Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về

Hai câu thơ trên cũng nói lên vị trí cầu nối quan trọng của vùng đất này; đồng thời nói lên tính nghĩa hiệp của con người vùng đất kiên cường đầy sóng gió này. Nơi có hai nhà sư Hồng Ân và        Trí Năng ra tay diệt trừ cọp dữ cứu độ dân vùng Tân Kiểng (1770), và vị sư  Hồng Ân đã phải tử thương (theo Huỳnh Minh, Gia Định  xưa và nay). Nơi có gương anh dũng của chiến sỹ Trần Văn Mỹ (và hai đồng đội khác) lợi dụng xe nhà binh giặc Pháp chở đạn chạy chậm lúc lên cầu Tân Thuận các anh nhảy lên xe vần thùng đạn xuống đường, chấp nhận hy sinh cho cách mạng. Nơi sanh ra nhân vật huyền thoại Dương Văn Dương (Ba Dương), thủ lĩnh giới giang hồ hảo hán đứng lên thành lập lực lượng võ trang “Bình Xuyên” làm chỉ huy trưởng mời thầy nghề võ nổi danh Nguyễn Văn Mạnh (Tám Mạnh) làm tham mưu trưởng, đánh giặc Pháp đặt Tổng hành dinh tại Cầu Rạch Đĩa. Nơi có con “Kinh phụ nữ” nổi tiếng rộng 4m dài 70m toàn bộ phụ nữ xã Tân Thuận đào trong 1 đêm (14/2/1948) để kịp vận chuyển 1000 giạ lúa về căn cứ Rừng Sác khỏi bị địch cướp phá.

Với vị trí địa lý hiểm yếu và vô cùng thuận lợi như vậy, Nhà Bè là nơi duy nhứt có 3 hãng xăng lớn của giặc Pháp xây dựng: Shell, Caltex và Socony liền kề với bến cảng lớn nhứt và duy nhứt ở Nam Bộ là thương cảng Sài Gòn – thời Mỹ xâm lược có thêm quân cảng. Do đó đây cũng là nơi có lực lượng công nhân đông đảo, có phong trào công nhân đấu tranh mạnh mẽ, có công hội, chi Bộ Đảng sớm nhứt lãnh đạo đấu tranh phối hợp công - nông đầu tiên.

Từ năm 1930, công hội các hãng xăng dầu Nhà Bè đã ra tờ báo bí mật “Thùng Dầu” phổ biến rộng rãi có tiếng vang rộng lớn. Đồng chí Nguyễn Thị Thập được cấp trên cử về liên hệ cơ sở Đảng các hãng dầu Nhà Bè, tham gia lao động với công nhân, nắm sát tình hình thực tế để chỉ đạo phong trào (1934).

Đợt tổng tấn công xuân Mậu Thân 1968, rồi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, Nhà Bè luôn là một trong những điểm tập kết quân, địa bàn đứng chân gần nhứt chuẩn bị tiến quân đánh vào Sài Gòn, là nơi có nguồn hậu cần dồi dào, nguồn nhân lực đông đảo hết lòng vì sự nghiệp cách mạng với ý chí quyết chiến quyết thắng. Sau giải phóng trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế nước nhà, Nhà Bè, Tân Thuận cũng được chọn làm nơi xây dựng Khu chế Xuất đầu tiên của cả nước _ Thời Mỹ ngụy cũng đã có Khu chế xuất quy mô nhỏ hơn, chuyên sản xuất hàng may mặc xuất cảng.

III. ĐẶC ĐIỂM DÒNG HỌ

1. Họ Huỳnh là một trong những họ tộc sống lâu đời, đã đóng góp phần công sức đáng kể  ở đất Tân Thuận, Nhà Bè. Vì chưa nối kết được với ông Sơ trở về trên, nên chưa bổ sung các chi bàng hệ khác. Nếu tính từ đời ông Cố trở xuống đến nay là đã có 7 đời con cháu nối truyền. Sau này các hậu duệ có điều kiện hơn sẽ cố gắng truy tìm. Nếu cố công truy tìm thêm được một vài chi nữa thì họ Huỳnh không phải là họ nhỏ và qua đó sẽ biết rõ hơn về công lao sự nghiệp của Tổ tiên họ Huỳnh ta.

Họ Huỳnh có đông đảo con cháu, nhưng trai ít, gái nhiều, từ đời IV trở về sau các bà nữ, các ông con rễ và các lớp cháu ngoại đã thể hiện vai trò, đóng góp tích cực vào việc giữ gìn truyền thống và làm rạng rỡ dòng họ. 

2. Dù trong hoàn cảnh nào, cả trong chiến tranh ác liệt cũng như trong lúc mới hòa bình đất nước còn nhiều khó khăn, con cháu họ Huỳnh vẫn giữ vững lòng yêu nước và tình thương yêu đùm bọc hết lòng những người trong họ hàng gặp khó khăn trong cuộc sống, góp phần thắt chặt mối dây tình thân huyết thống.

3. Họ Huỳnh thực hiện rất sớm việc bình đẳng giới. Ông bà cha mẹ thương yêu con cháu trai, gái như nhau và cũng rất công bằng trong việc phân chia tài sản, càng gắn bó tình thương những người trong gia đình và tộc họ.