Trang chủ > 040. Gia phả họ Đỗ (xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre)

040. Gia phả họ Đỗ (xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre)

19/08/2022 10:01:37

Gia phả họ Đỗ ở xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2009.

LỜI NGỎ 

Quốc hữu quốc sử, tộc hữu tộc phả

“Nước có sử, tộc có  phả"

Gia phả họ tộc hay Tộc phả là quyển sách vàng ghi chép cội nguồn dòng họ. Những điều gia phả ghi lại, cho đời sau tỏ tường công tích, đức độ của ông bà đã tạo dựng và phát triển họ tộc; cho con cháu các thế hệ biết mối quan hệ họ hàng, những thành đạt, hoặc thất bại của chi họ. Từ hiểu rõ quá khứ, truyền thống tốt đẹp của dòng họ các thế hệ nối tiếp phấn đấu giữ gìn và rèn luyện để ngày càng làm rạng danh cho bản thân, gia đình và họ tộc.

Mộc bản thủy nguyên thiên cổ niệm

“Chim có tổ người có tông”, “Cây có cội, nước có nguồn”

Những câu tục ngữ nói lên quan niệm đạo lý bất biến của người Việt Nam lưu truyền bao đời nay dẫu cho xã hội có nhiều biến động, thay đổi. Vì vậy, việc truy tìm nguồn gốc tổ tiên, chăm lo mồ mả ông bà, là những điều thiêng liêng của mỗi con người Việt Nam. 

Dòng họ ĐỖ đến lập nghiệp tại xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre hơn 150 năm nay. Các bậc tiền bối đã cần cù lao động với mong muốn gầy dựng cho con cháu đời sau một tương lai ngày càng xán lạn. Điều đáng nói, là đất nước trải qua chiến tranh, các bậc tiền nhân và con cháu họ Đỗ chúng ta cùng góp phần đánh đuổi ngoại xâm. Tất cả điều đó là những tấm gương sáng để con cháu học tập, tiếp tục truyền thống của dòng họ phấn đấu xây dựng một cuộc sống ấm no hạnh phúc cho gia đình mình và góp phần xây dựng cộng đồng xã hội.

Khi bắt đầu dựng nghiệp đến nay, tổ tiên họ Đỗ hết sức khó khăn trong cuộc sống; rồi chiến tranh, họ hàng quyến thuộc phân tán nên chưa dựng bộ gia phả; là mối quan hệ tình nghĩa tình cảm giữa bà con ruột thịt, để có thể cùng nhau chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, cũng như nhắc nhở con cháu về truyền thống dòng họ. Gia phả cũng là hiện vật quí giá, là niềm tự hào và sức mạnh tinh thần trong hành trang của mỗi thành viên dòng họ trên con đường lập nghiệp.

Trong thân tộc có truyền thống báo hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ qua việc giỗ chạp chăm sóc mộ phần. Chi nào cũng lập bàn thờ, duy trì việc cúng giổ từ đời ông sơ, ông nội, đến đời cha do con trai trưởng hoặc con trai út được phân công đảm nhiệm. Tháng sáu năm 2008 họ tộc ta dựng nhà thờ Họ để cúng tế cửu huyền thất tổ,  hương khói tổ tiên, tổ chức ngày giỗ Họ, và là nơi tập hợp con cháu các thế hệ.

Trong dòng họ có ông Đỗ Hữu Tỵ cất công ghi chép Phả ý họ tộc từ  Cao Hiền Tổ Đỗ Văn Việt (Đời I), Cao Tằng Tổ  Đỗ Văn Vận (Đời II) Cố Tổ Đỗ Duy Hinh (Đời III), Đỗ Duy Thinh, Đỗ Duy Phuông, Đỗ Duy Sương (Đời IV) cùng con cháu Đời V. Đến đây, quyển sổ ghi chép dừng lại, rồi ông qua đời. Các đời sau chưa tiếp tục viết thêm. Trong tộc họ bấy lâu nay vẫn luôn trăn trở về cội nguồn, Tổ Tiên chúng ta từ đâu đến, nguyên cớ gì phải dừng chân nơi đây; nhất là những bậc Hiền Tổ đến vùng đất Ba Tri lập nghiệp nhưng chưa có điều kiện liên hệ, là điều ray rứt trong họ tộc.

Thời gian trôi qua, những ông bà, anh chị biết về cội nguồn lần lượt già yếu rồi qua đời, chuyện cũ, tích xưa lần lãng quên. Nay, tôi, Đỗ Hoàng Hải, tức Đỗ Duy Phót (Đời V) là con ông Đỗ Duy Phuông (Đời IV), tiếp nối ý nguyện của cha, có điều kiện đã tiến hành lập phả họ Đỗ. Tuy nhiên, muốn xây dựng một bộ gia phả hoàn chỉnh cần phải có thời gian, nhân lực và những chuyên môn nghiệp vụ nhất định. Vì thế, với sự đồng ý của bà con thân tộc, Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Tp.HCM, là tổ chức giúp đỡ dựng phả họ tộc ta.

Ngày 17/2/2009, Trung tâm cử nhóm chuyên viên cùng những người đại diện dòng họ có buổi tiếp xúc đầu tiên tại xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre để tìm hiểu, ghi chép về bà con thân tộc và nhất là tìm hiểu vị thủy tổ của dòng họ mình. Trải qua nhiều đợt điền dã ở xã Bình Hòa, tỉnh Bến Tre, thành phố Hồ Chí Minh và một số nơi khác. Đến nay, gia phả đã cơ bản hoàn thành xin giới thiệu đến bà con dòng họ để chúng ta cùng tham khảo:

- Trước khi tìm được gốc gác xa hơn, ông Đỗ Văn Việt là thế hệ thứ nhứt khai sáng tộc Đỗ tại xã Bình Hòa cũng là tổ quán của nhánh họ Đỗ, nhưng ông Đỗ Văn Vận, Đỗ Duy Hinh là người khai khẫn đất hoang, sinh cơ lập nghiệp và phát triển dòng họ đến nay đời thứ bảy, nơi đông đảo hậu duệ của họ Đỗ sinh sống.

- Ông Đỗ Văn Vận thế hệ thứ hai sinh 4 người con (1 trai, 3 gái). Người con trai là ông Đỗ Văn Hinh thế hệ thứ ba, sinh ra 7 người con (3 trai, 4 gái). Ba người con trai: Đỗ Duy Thinh, Đỗ Duy Phuông, Đỗ Duy Sương thế hệ thứ tư lập nên 3 chi thế hệ thứ năm:

Chi thứ nhất : Ông Đỗ Duy Thinh.

Chi thứ hai : Ông Đỗ Duy Phuông.

Chi thứ ba : Ông Đỗ Duy Sương.

Đến nay, thân tộc họ Đỗ ở xã Bình Hòa đã phát triển tiếp nối các đời: Đời V, Đời VI, Đời VII.

- Bộ Gia phả họ Đỗ được dựng theo bố cục như sau:

Phần thứ nhứt :   Phả ký.

Phần thứ hai  :   Phả hệ.

Phần thứ ba  :   Phả đồ.

Phần thứ tư :   Ngoại phả.

Việc xây dựng gia phả, cội nguồn và công lao khó nhọc của tổ tiên chỉ  qua chuyện kể. Vì vậy, bước đầu tập hợp chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, rất mong bà con thân tộc, thông cảm. Dựng gia phả lại là công việc cần được tiến hành thường xuyên và liên tục, mong rằng toàn thể bà con dòng họ Đỗ chúng ta gồm cả tộc họ Đỗ, rể dâu, các thế hệ con cháu mang các họ khác như: họ Nguyễn, họ Bùi, họ Phạm… hãy cùng nhau tiếp tục góp sức, bổ sung để gia phả của chúng ta ngày càng hoàn chỉnh.

Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Tp.HCM và Tổ Thực hiện đã giúp chúng tôi hoàn thành bộ gia phả này. Xin hoan nghênh sự hợp tác của rất nhiều bà con chúng ta trong quá trình hoàn thành gia phả tộc Đỗ.

Tháng 2 năm Kỷ Sửu 2009

Con cháu đời V họ Đỗ:

ĐỖ DUY PHÓT (ĐỖ HOÀNG HẢI) 

 

PHẢ KÝ

Họ Đỗ Việt Nam, theo các ngọc phả và chứng tích lưu giữ là cộng đồng người Việt sống trên quê hương đất tổ từ rất xa xưa, trước thuở lập nước đầu tiên mang quốc hiệu Văn Lang, trước cả thời kỳ xác lập các vua Hùng đời thứ nhất. Hiện nay, hầu hết các làng xã ở trung du, đồng bằng từ Bắc vào Nam đều có  tộc Đỗ định cư từ nhiều đời. Điều rất đáng quý là những người họ Đỗ lập nghiệp ở phương xa, xuôi biển ngược rừng vào Nam ra Bắc, cả người ở nước ngoài; từng người hay cả cộng đồng gia tộc định cư nơi ở mới xa nguồn gốc tổ tiên nguyên thủy của mình vẫn luôn hướng tới cội nguồn, luôn cố gắng giữ mối liên hệ gia tộc quê hương, huyết thống dòng họ, tìm hiểu cội nguồn Tổ tiên ông bà, chắp nối hệ tộc, dựng lại phả hệ, viết gia phả, tu sửa nhà thờ tổ. Từ sau năm 1975, khi nước nhà độc lập, thống nhất, một số hậu duệ họ Đỗ ở nhiều địa phương đã gặp nhau cử ra Ban Liên lạc, tổ chức gặp gỡ nhiều đại diện họ Đỗ và tập hợp tư liệu xuất bản cuốn sách lưu hành trong nội bộ dòng họ: HỌ ĐỖ VIỆT NAM tập một (năm 2001) và tập hai (năm 2004), đồng thời phát hành thông tin VIỆC HỌ ĐỖ VIỆT NAM (Số 1 năm 2001). Những quyển sách nói trên đã tập hợp nhiều tư liệu quý trong tộc họ Đỗ.

Dòng họ Đỗ tại Bình Hòa, tuy chưa có thông tin trong sách Tộc Đỗ Việt Nam, nhưng có lưu danh, trong mục Đ: Các vị họ Đỗ là Đại biểu Quốc Hội, thành viên các Ủy ban Quốc Hội và Chính phủ từ Khóa 1 đến nay. Trong đó, danh sách thứ 69, Quốc Hội Khóa 9 có Đại biểu: Đỗ Hoàng Hải (Năm Khoa) sinh ngày 9 tháng 1 năm 1941 tại xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre. Đại biểu Quốc Hội Khóa 9 thành phố Hồ Chí Minh, Kỹ sư Kinh tế, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Thành ủy viên, Trưởng Ban Kinh tế Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc công ty Ngoại thương và Phát triển đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, kiêm nhiệm Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SaTra).

Nghiên cứu quá trình phát tích, phát triển Tộc Đỗ tại Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, trong dòng họ được biết: 

Qua lời truyền khẩu của các bậc trưởng lão, dòng họ Đỗ trước khi đến vùng đất Bình Hòa lập nghiệp đã sinh sống tại Ba Tri, cũng thuộc tỉnh Bến Tre. Tộc Đỗ chúng ta được các đời truyền nhau rằng từ miền Trung vào, chưa biết chính xác nơi nào, nhưng chắc đã xảy ra biến cố lớn, nên có một người cô dẫn 4 cháu vào Nam và dừng chân trên đất Ba Tri. Trong đó, có một người cháu trai là Đỗ Văn Việt còn có tên là Đỗ Văn Vạc, lập gia thất với bà Võ Thị Vạc đến lập nghiệp tại Bình Hòa. Nếu tính từ Đời I, ông Đỗ Văn Việt sanh năm 1802 đến năm Kỷ Sữu 2009, con cháu tộc Đỗ đã phát triển đến đời thứ VIII, có khoảng thời gian trên dưới 150 năm.

Tộc Đỗ nơi đây không đông, sinh sống và cật lực khai thác trên 50 ha đất tập trung quanh vùng Bình Hòa. Trong họ phần lớn lam lủ sinh sống bằng nghề nông. Một nắng, hai sương, chân lấm, tay bùn con cháu các đời không có dịp đi tìm dòng họ, nhưng nghe ông bà, cha mẹ kể rằng: Ông Đỗ Văn Việt còn có ba người em gái, người kế ông Đỗ Văn Việt chưa biết tên là dâu họ Phạm, người em gái nhỏ là dâu họ Nguyễn và người em út tên Đỗ Thị Thị là dâu họ Võ, chồng là ông Võ Văn Điều.

Những dịp họp mặt đều nhắc đến, nhưng không có điều kiện qua lại, sớm hôm thăm viếng. Tuy nhiên, tình huyết thống thiêng liêng trong dòng tộc, không chỉ những bà con họ hàng nơi Bình Hòa mà thân tộc còn hướng về bà con những vùng xung quanh. Bà con trong họ tổng kết trong vùng nầy định cư gồm các tộc họ Nguyễn, Phạm, Võ, Đỗ. Trong đó, tộc Đỗ sinh sống tập trung trong khu đất hơn 50 ha do công lao của cha ông khai khẩn đất hoang.

Việc truy tìm dòng họ trước đây trong thân tộc cũng có người tận tường, tuy nhiên, không để lại bút tích và các bậc hiểu rõ cội nguồn lần lượt qua đời. Tiếp đó, chiến tranh, bà con ly tán. Vì vậy,  gom góp ký ức và truyền khẩu của tiền nhân, chúng ta hệ thống những sự kiện liên quan đến xác định tổ quán, phát tích dòng họ, xác lập mối quan hệ giữa các nhóm họ Đỗ có quan hệ thân tộc, chủ yếu sinh sống nhiều đời trên đất Bình Hòa và các địa phương khác.

Phần phả ký này chủ yếu đề cập đến các vấn đề sau:

- Xác định tổ quán và thủy tổ tộc Đỗ.

- Quá trình hình thành, phát triển của dòng họ.

- Những đặc điểm của dòng họ và mối quan hệ của dòng họ đối với xã hội.

TỔ QUÁN TỘC ĐỖ: XÃ BÌNH HÒA, HUYỆN GIỒNG TRÔM, TỈNH BẾN TRE

Ngày 11/2/2009, nhằm ngày 17 tháng Giêng năm Kỷ Sửu, tổ thực hiện gia phả họ Đỗ của Nhóm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả Tp.HCM đã cùng đại diện dòng họ gồm con cháu và dâu rể họ Đỗ: ông bà Đỗ Hoàng Hải và ông bà Đỗ Thị Phiêu về dự giỗ ông Đỗ Duy Hinh (Đời III) tại xã Bình Hòa, đoàn đã gặp bà con ở đây để tìm hiểu thông tin về tổ quán và vị thủy tổ của dòng họ.

Đoàn còn gặp một số bà con họ Hồ, họ Nguyễn thuộc thông gia họ Đỗ. Từ những tư liệu điền dã và một số tư liệu khảo cứu chúng ta có thể ghi nhận các sự việc như sau:

Ông Đỗ Văn Việt (Vạc) sinh năm 1802, theo bà cô đến đất Ba Tri và khi lập gia thất về Bình Hòa. Nếu lập luận ông cưới vợ năm 18 tuổi, thì ông bà đặt chân đến nơi đây sớm nhất là năm 1820 (lấy 1802 + 18 = 1820). Như vậy, vị thủy tổ của họ Đỗ đến Bình Hòa trong khoảng thời gian của niên đại vua Minh Mạng (1820 - 1840) triều nhà Nguyễn. Từ đó, cũng có thể biết được ông theo người cô vào Nam lúc còn rất nhỏ, nếu tính cả giả thuyết vì chạy nạn nhà Nguyễn, do thân nhà Tây Sơn, lúc bấy giờ phải cùng thời năm 1802, khi Nguyễn Ánh lên ngôi. 

Như chúng ta đã biết, từ đầu thế kỷ 19, con đường thiên lý từ Huế vào Gia Định đã được khai thông. Nhưng đường đi còn lắm hiểm trở, với nhiều thú dữ, rừng thiêng nước độc và nhất là quân cướp dọc đường. Vì vậy, lưu dân thường chọn phương án an toàn là đi đường biển bằng ghe bầu. Những người đi đường biển để đến Bến Tre thường bằng hai con đường: Con đường thứ nhất là đến Đồng Nai, Bến Nghé, Tân Bình rồi sau đó đi tiếp về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Bến Tre. Con đường thứ hai là đi thẳng vào cửa Tiểu, cửa Đại, cửa sông Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên rồi ngược dòng vào sâu trong đất liền định cư trên những giồng, gò cao. Trong những cửa sông đó thì cửa Đại, cửa sông Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên là thuộc địa phận tỉnh Bến Tre và Ba Tri là điểm thân tộc chọn đến là điều hợp lý. 

Con cháu trong dòng họ đều nghe nói rằng tổ tiên mình đã từ ngoài Trung vào bằng ghe bầu. Điều đó phù hợp hoàn toàn với thời điểm và phương cách mà người miền Trung chuyển cư đến lập nghiệp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long như lịch sử đã ghi nhận.

Ngày nay, con cháu không biết rõ ông bà quê quán ở tỉnh nào trước khi lưu dân vào đây. Theo Địa chí Bến Tre, trong thế kỷ thứ 18 và nửa đầu thế kỷ 19: “Nhìn chung các đợt chuyển cư từ miền ngoài, chủ yếu là dân vùng Ngũ Quảng”. Nơi trang 82 ghi rằng: Đất Ba Tri có Thái Hữu Xưa, người phủ Tư Nghĩa (thuộc tỉnh Nghĩa Bình) - Quảng Ngãi – vào đây làm ăn và được cử làm cai trại đầu tiên của Ba Tri. Điều nầy có thể cũng là yếu tố khi vào Nam, người cô chọn vùng đất đã có người cùng quê. Trong quá trình nghiên cứu lâu dài ta nên chọn phương án gốc quê Quảng Ngãi, được biết nơi ấy có một nhà thờ họ Đỗ ở Sơn Tịnh. Trước mắt chúng ta chỉ có thể phỏng đoán rằng thủy tổ của họ Đỗ là người của vùng đất Ngũ Quảng (tức Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam và Quảng Ngãi), đến đất Bến Tre  đầu thế kỷ 19.

Lại nghiên cứu địa danh Bình Hoà, Tổ quán tộc họ Đỗ. Đây là tên không thay đổi từ thôn, làng xã, dẫu rằng tên tổng, tỉnh, huyện có nhiều biến chuyển về địa danh, địa giới. Ta theo dõi như sau: 

- Thời kỳ từ năm 1858 trở về trước, Bến Tre là vùng đất hoang vu đến thế kỷ XVII, lúc chúa Nguyễn cử Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam thiết lập bộ máy hành chánh, Bến Tre có tên là huyện Tân An thuộc châu Định Viễn, dinh Long Hồ, phủ Gia Định gồm hai tổng: An Bảo (cù lao Bảo) gồm 66 thôn – Bình Hòa là thôn thứ 55; Tân Minh (cù Lao Minh) gồm 75 thôn.

- Năm 1823 (thời Minh Mạng) đổi trấn thành tỉnh, dưới tỉnh là phủ, huyện, huyện chia làm nhiều tổng. Vùng đất Bến Tre lúc nầy là phủ Hoằng An gồm hai huyện Bảo An và Tân Minh. Huyện Bảo An có 11 tổng, 59 thôn, 1 trại. Tổng Bảo Lộc có 7 thôn, thôn Bình Hòa xếp thứ nhất.

- Khi thực dân Pháp chiếm xong toàn bộ Nam Kỳ, chúng thiết lập bộ máy cai trị thuộc địa. Cù lao An Hóa nằm trong sở tham biện Kiến Hòa thuộc tỉnh Mỹ Tho. Năm 1867, chia sở tham biện Bến Tre thành sở tham biện Mỏ Cày và tham biện Bến Tre (cù lao Bảo) thuộc tỉnh Vĩnh Long gồm 11 tổng, 99 thôn. Thôn Bình Hòa đứng thứ hai trong 11 thôn của tổng Bảo Lộc. Lúc nầy, ông cha ta đã hoàn thành xong việc khai khẩn đất và đưa vào sổ bộ đất đai.

- Năm 1899, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định đổi đơn vị tiểu khu ra thành tỉnh. Bến Tre được gọi là tỉnh từ ngày 1/1/1900, huyện đổi thành quận, thôn ấp nhất loạt gọi là làng. Bình Hòa vẫn xếp thứ hai. 

- Năm 1945, tổng Bảo Lộc vẫn thuộc tỉnh Bến Tre nhưng thuộc quận Ba Tri, làng Bình Hòa đứng thứ nhất trong 6 làng của tổng.

- Năm 1965, Bến Tre đổi tên là Kiến Hòa, tên Giồng Trôm ra đời thành một quận, Bình Hòa là tên xã đứng thứ nhất trong 5 xã của tổng Bảo Lộc. 

- Năm 1985, Bến Tre được trả về tên cũ, Giồng Trôm là huyện với 22 xã, Bình Hòa xếp thứ mười một.

- Năm 2000, tỉnh Bến Tre sắp xếp lại địa giới, huyện Giồng Trôm còn 21 xã, 1 thị trấn Giồng Trôm. Bình Hòa là xã xếp thứ mười lăm. Bến Tre còn là “cái nôi” của những người yêu nước: Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Ca Văn Thỉnh.

II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN DÒNG HỌ

VỊ HỌ ĐỖ CAO NHẤT Ở XÃ BÌNH HÒA, HUYỆN GIỒNG TRÔM, TỈNH BẾN TRE                                                         

ĐỜI I: ÔNG ĐỖ VĂN VIỆT (VẠC)

 Vị họ Đỗ có công khai sáng dòng họ tại xã Bình Hòa, cả ông và bà mộ chôn tại mộ đất của xã, do sang nhượng đất với ông tư Nhánh, con cháu cải táng dựng đài mộ trong Khu mộ thân tộc. Điều đáng mừng, trong họ còn nhớ và trên các mộ bia ghi đầy đủ các người con của ông Đỗ Văn Việt, Đỗ Văn Vận. 

Riêng phần mộ của người cô họ Đỗ dẫn cháu vào Nam, do khi di dời, xem đất, được biết là ngôi mộ lâu đời, hài cốt hóa thạch, nên con cháu giữ lại, tôn tạo và lập rào bảo vệ.

Như vậy, đối với vị cao nhất dòng họ Đỗ ở xã Bình Hòa đã được xác định danh tánh, tuổi tác, cùng danh tánh của vợ ông bà Võ Thị Vạc. Đó là những dữ liệu quý giá để chúng ta có cơ sở cho việc truy tìm xa hơn về nguồn gốc của dòng họ.

Những thông tin tiếp theo về ông cho biết, khi về vùng đất Bình Hòa trong thân tộc không biết được quá trình khai khẩn ruộng đất của ông nhưng biết được ông được xung vào quân đội, làm đến chức Cai cơ ở Hà Tiên và bị bịnh mất, thi thể đưa về Bình Hòa được chính quyền bấy giờ tiếp rước và tổ chức trang trọng.

Trong KHÂM ĐỊNH ĐẠI NAM SỬ LỆ, trang 553 có ghi rằng: “Năm Thứ 10 (Minh Mạng) 1829, CHUẨN Y LỜI TÂU VỀ VIỆC DÂN PHU Phiên An, Định Tường hợp lực khơi vét đường sông Lại Tế, những CAI TỔNG ĐỐC suất dân phu ở đấy, trừ lương tháng ra, cấp thêm mỗi mỗi ngày 1 tiền và 2 bát gạo - mỗi tháng phát cho 4 quan tiền, 1 phương gạo. Lại cứ mỗi 5 nghìn dân phu thời đặt 1 trăm đầu mục – trang 550 KĐĐNSL”.

Nghiên cứu từ Lịch sử nội các triều Nguyễn, đối chiếu với truyền khẩu của gia đình và yếu tố phát triển dòng họ Đỗ. Ta suy luận: ông Đỗ Văn Việt sinh năm 1802, đến năm 1829, ông khoảng 27 tuổi, ông được huy động khơi vét sông Lại Tế tức kinh Vĩnh Tế và làm Cai Tổng đốc suất dân phu, sau đó ông bị bệnh mất. Vì phải đi công tác xa, thời gian dài, nên ông chỉ sinh một người con là ông Đỗ Văn Vận.

CÔNG LAO KHAI KHẨN ĐẤT HOANG, GÂY DỰNG CƠ ĐỒ SỰ NGHIỆP                                     

ĐỜI II: ÔNG ĐỖ VĂN VẠN

Đời đời con cháu các thế hệ họ Đỗ – xã Bình Hòa đều nhớ ơn và ghi nhận công lao khai khẩn đất hoang, gây dựng cơ đồ sự nghiệp của ông Đỗ Văn Vận đời II. Theo lời kể, khi các ông bà đến vùng đất Bình Hòa nơi đây đã có nhiều người đến khai hoang lập nghiệp những vùng đất cao ráo. Khi ông Đỗ Văn Việt lãnh việc công và mất thì gia đình được hưởng “Công tước khai điền”, ông Đỗ Văn Vận con ông Đỗ Văn Việt, bàn cùng vợ là bà Nguyễn Thị Điếu đi khai thác vùng đất còn hoang hóa, đầm lầy, cách nơi ở khoảng 1km, nhưng bà không phản đối mà cũng không đi theo. Với ý chí  gây dựng cơ đồ, ông quyết tâm khai phá đất hoang. Đây là vùng đất sình, thấp, ông phải tính toán rất kỹ, xắn đất khai mương rộng, thông suốt đường nước chảy, đồng thời lấy đất đào đắp bờ lập vườn. Ngày ngày đi khai hoang, ông ăn uống kham khổ, thức ăn là cua, cá bắt được từ mương, đầm. 

Ngày nay, đi từ lộ liên huyện ra đến bờ sông Chợ Mới, nơi con cháu sinh sống, đất đai thành khoảnh, cây cối tươi tốt, thu nhiều hoa lợi, là chính đất ông Đỗ Văn Vận khai hoang gây dựng cơ nghiệp. Trong giấy tờ đăng ký, con cháu tổng hợp tính đến 50 ha (trong đó có 20 ha là ruộng giáp xã Châu Bình). Quá trình sinh sống, cất nhà, con cháu tìm được 3 cái len xắn đất bằng cây. Tuy nhiên, những lưu vật quý giá không được giữ lại để con cháu chiêm ngưỡng. Khi ông khai khẩn xong, bấy giờ bà Nguyễn Thị Điếu mới chịu về bên vườn.

Việc ông Đỗ Văn Vận khai hoang, cũng được người trong vùng truyền tụng. Trong lần tiếp xúc với ông 5 Ngộ, người cùng xã Bình Hòa là cháu bên chồng bà Đỗ Thị Thị, nghe các bậc lão thành kể rằng: Khi tìm đất khai hoang, bên nầy sông không còn đất, ông Đỗ Văn Vận qua Đông Ngô bồi đất lập vườn. Đất Đông Ngô chính là đất do họ Đỗ khai thác. 

III. HỌ ĐỖ TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN DÒNG HỌ VÀ XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG

A. Sự phát triển về số lượng

Ông thủy tổ họ Đỗ Văn Việt đặt chân đến xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm làm ăn và sinh sống ở đó. Con cháu và mồ mả ông bà còn lưu lại nơi đây đã chứng minh điều này. Nhưng qua đời thứ II, người con là Đỗ Văn Vận mới khai phá ruộng đất và sinh con cháu nối nghiệp cho đến nay là đời thứ VII.

Ông Đỗ Văn Việt, vị tổ của họ Đỗ gá nghĩa trăm năm với bà Võ Thị Vạc đến xã Bình Hòa sanh được một người con là ông Đỗ Văn Vận; khi trưởng thành ông Vận kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Điếu sanh 4 người con như sau:

Thứ hai : Đỗ Duy Hinh còn gọi là Phố.

Thứ ba : Đỗ Thị Chợ

Thứ tư : Đỗ Thị Quán

Thứ năm : Đỗ Thị Lễ

Đời III họ Đỗ có một người trai nối dõi: Ông Đỗ Duy Hinh lập gia thất với bà Nguyễn Thị Hương sanh 4 người con:

Thứ hai : Đỗ Duy Thinh còn gọi là Thiểu.

Thứ ba : Đỗ Duy Phuông.

Thứ tư : Đỗ Thị Truyền.

Thứ năm: Đỗ Thị Nghiên.

Bà Hương mất, ông tục huyền với bà Đoàn Thị Mực, sanh thêm 2 người con:

Thứ sáu: Đỗ Thị Keo.

Thứ bảy: Đỗ Duy Sương.

Như vậy đến đời III, ông Đỗ Duy Hinh sinh 3 người con trai. Đỗ Duy Thinh, Đỗ Duy Phuông và Đỗ Duy Sương lập nên 3 chi (Đời IV):

Đời IV và đời V con cháu trong họ tộc trưởng thành vào đầu thế kỷ 20. Bấy giờ ý thức dân tộc về chống ngoại xâm đô hộ đã được trong họ tộc phát triển không chỉ ở tại Bình Hòa mà còn đi khắp nơi: Sài Gòn, Gia Định, Vũng Tàu, Cần Thơ… 

Ông hai Đỗ Duy Thinh gá nghĩa trăm năm với bà Tạ Thị Chữ sinh 4 người con, trong đó 2 người là trai: Đỗ Duy Mậu và Đỗ Hữu Tỵ. Con cháu ông Đỗ Duy Thinh chủ yếu sống tập trung ở xã Bình Hòa. Đời V, ông Đỗ Duy Mậu với hai bà vợ, sanh ra 9 người con: Đỗ Duy Cư, Đỗ Thị Thước, Đỗ Duy Khanh, Đỗ Công Tước, Đỗ Thị Vượng, Đỗ Thị Hồng Nhung (dòng 1), Đinh thị Điệp, Đinh Văn Thạch, Đinh Thị Anh (dòng 2, các con theo họ mẹ). Ông Đỗ Hữu Tỵ cưới vợ là bà Nguyễn Thị Thế sanh 6 người con, có 1 người con trai: Đỗ Hữu Phước. Chi ông Đỗ Duy Thinh phần lớn sinh sống tại Bình Hòa, Giồng Trôm, nhưng cũng có người định cư tại nước ngoài như ông Đỗ Duy Khanh sinh sống ở Mỹ, ông Đỗ Hữu Phước là Tiến sĩ Hóa học nổi tiếng, định cư tại Pháp. Tuy sống ở nước ngoài, nhưng các ông vẫn thường xuyên liên hệ với gia tộc và hằng năm đều về thăm quê hương. Con cháu các ông đã phát triển đến đời VI và đời VII.

Ông bà Đỗ Duy Phuông có hai đời vợ có 10 người con trong đó có 7 người con trai, với bà Hồ Thị Nho sanh các ông bà: Đỗ Thị Dần, Đỗ Duy Sanh, Đỗ Thị Vinh, Đỗ Duy Dậu, Đỗ Duy Mão; với bà Châu Thị Thôi sanh các ông bà: Đỗ Duy Phánh, Đỗ Duy Phót (Đỗ Hoàng Hải), Đỗ Duy Phái, Đỗ Duy Phính, Đỗ Thị Phiêu. 

Đời V, phần lớn các ông bà đều tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều người hy sinh vì sự nghiệp đất nước như bà Đỗ Thị Dần còn gọi là bà Đỗ Thị Hai, trực tiếp tham gia cách mạng và có 3 người con hy sinh bà được Nhà nước phong là Mẹ Việt Nam Anh Hùng, ông Đỗ Duy Dậu, Đỗ Duy Mão, Đỗ Duy Phái là Liệt sĩ. Ông Đỗ Duy Sanh và vợ cùng các con: Đỗ Duy Nhiên, Đỗ Thị Tiếng, Đỗ Duy Thống, Đỗ Duy Nham, Đỗ Thị Phấn đều có mặt trong hàng ngũ những chiến sĩ cách mạng kiên cường. Ông Đỗ Duy Phánh vào bộ đội là y sĩ, rồi học làm bác sĩ ngoại khoa, ông có 2 vợ: Đào Mai Hoa và Huỳnh Thị Nguyệt, mỗi bà sanh 1 người con trai: Đỗ Duy Phương và Đỗ Duy Phong (Đời VI); Đỗ Duy Phương lập gia thất với bà Đỗ Kim An sanh 2 người con: Đỗ Hoàng Minh và Đỗ Thị Quyên. 

Ông Đỗ Duy Phót tức Đỗ Hoàng Hải tham gia kháng chiến chống Mỹ, bị địch bắt đày đi Côn Đảo, ông là một trong những chiến sĩ đấu tranh ngoan cường trong tù. Khi đất nước thanh bình ông công tác đoàn thể, sau chuyển qua kinh doanh và là nhà kinh doanh nhiều năng lực, ông còn là đại biểu Quốc Hội, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa 9. Ông lập gia thất với bà Lê Lê Thúy sanh hai người con gái Đỗ Lê Hồng Châu và Đỗ Lê Hồng Hạnh (Hạnh bịnh nặng đã qua đời). 

Ông Đỗ Duy Phái tham gia kháng chiến chống Mỹ, hy sinh khi chưa lập gia thất, được công nhận Liệt sĩ. Đỗ Duy Phính bị bịnh qua đời khi còn nhỏ. Người con gái út là bà Đỗ Thị Phiêu cùng tham gia kháng chiến chống Mỹ tại Sài Gòn với nhiều hoạt động xây dựng cơ sở trong vùng địch.

Chi ông Đỗ Duy Sương có 2 người con trai là Đỗ Duy Thôn và  Đỗ Duy Ảnh. Ông Đỗ Duy Thôn mất trên đất Bắc, ông sanh 4 con, trong đó có 3 người con trai: Đỗ Thị Em, Đỗ Duy Nam, Đỗ Duy Tất, Đỗ Duy Cả. Ông Đỗ Duy Ảnh sanh 8 người con, trong đó có 2 người con trai: Đỗ Thị Xuân, Đỗ Thị Vân, Đỗ Duy Phát, Đỗ Thị Minh Phương, Đỗ Thị Kim Loan, Đỗ Thị Thanh Thảo, Đỗ Duy Lộc. Tất cả con cháu ông Đỗ Duy Sương đều sống tại thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn sinh sống bằng nghề uốn tóc.

B. Đặc điểm của dòng họ:

1. Cần cù lao động, khai hoang lập nghiệp

 Họ Đỗ – Bình Hòa vốn có truyền thống cần cù lao động. Gương lớn nhất của tộc họ là tinh thần khai hoang gầy dựng cơ nghiệp của ông Đổ Văn Vận (Đời II), được ông Đỗ Duy Hinh (Đời III) tiếp nối. Con cháu các thế hệ sau, theo gương các ông tiếp tục khai thác nông nghiệp trên mảnh đất cha ông và là nguồn sinh sống cơ bản hiện nay. Truyền thống cần cù lao động, học tập và ý chí vươn lên trong cuộc sống cũng là một trong những đặc điểm lớn của dòng họ Đỗ. 

Như chúng ta đã biết, vị thủy tổ của họ Đỗ là dân vùng Ngũ Quảng, đến mảnh đất Bến Tre lập nghiệp với hai bàn tay trắng, nhưng các vị tiền nhân với  ý chí sáng tạo đã khắc phục những khó khăn của cuộc sống, lao động cần cù, tạo được ruộng vườn, đất đai làm tài sản thừa kế cho con cháu sinh sống, nuôi dạy con cái nên người. Những hậu duệ của họ Đỗ là những người cách mạng đấu tranh cho lý tưởng cao cả của xã hội. Có một số người vươn lên nổi bật trong những trào lưu cách mạng và nắm giữ những trọng trách của xã hội, xứng đáng với truyền thống của mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi mà vị thủy tổ đã chọn làm quê hương thứ hai cho mình.

Chính trên mảnh đất ông bà khai hoang, con cháu các thế hệ nối tiếp sống gần gủi như trong một gia đình.

2. Truyền thống yêu nước

Đặc điểm thứ hai của dòng họ Đỗ đó là có tinh thần cách mạng triệt để, nổi bật nhất là hậu duệ đời IV và đời V qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong thân tộc con cháu nội, ngoại có 22 người tham gia cách mạng, được công nhận một người là Mẹ Việt Nam Anh Hùng: Bà Đỗ Thị Hai, 9 người hy sinh đã được công nhận Liệt sĩ 7 người, 12 người là thương binh, bị bắt, bị tù. Gần như đại bộ phận không tham gia chính quyền Sài Gòn, bị bắt buộc đi lính cũng đều hướng về tổ chức cách mạng. Từ sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, những thế hệ con cháu họ Đỗ tiếp tục truyền thống cha ông, cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

3. Giữ nề nếp gia đình, thờ phụng tổ tiên

Ngày nay, do điều kiện sinh sống, con cháu họ Đỗ một số sinh sống ở quê nhà huyện Giồng Trôm, nhưng cũng có một số ở xa quê hương. Tuy vậy, tinh thần hướng về quê hương, ý thức về dòng họ, tình cảm thân thiện giữa những người cùng huyết thống rất cao. Điều đó được nhìn thấy qua những chuyến điền dã của nhóm thực hiện gia phả đến quê hương Giồng Trôm, Bến Tre và một số nơi tại Tp.HCM. Bà con hồ hởi, đối xử thân tình khi gặp nhau, phân rõ ngôi thứ trên dưới, thương yêu giúp đỡ nhau qua cơn hoạn nạn khó khăn. 

Trong thân tộc có truyền thống thờ phụng tổ tiên, mỗi nhà đều lập bàn thờ, cúng chính, hay cúng vọng. Trên bàn thờ sắp xếp theo gia quy: hình ảnh người quá cố, chưng đông bình tây quả, Huân, Huy chương, bằng Tổ quốc ghi công, lư hương, chân đèn. Thân tộc đều nhớ ngày giỗ ông tổ sáng lập, ông bà, lưu ý cúng người mất là độc thân. Việc cúng giỗ tổ chức nghiêm trang, ngay cả trong thời kỳ còn chiến tranh hay lúc gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn. 

Chăm sóc mồ mả cũng là một truyền thống đáng quý trong thân tộc. Mỗi mộ đều có bia mộ, ghi đầy đủ các thông tin năm sinh năm mất, ngày mất, người lập mộ. Trừ những mộ quá lâu đời, con cháu chưa khẳng định tên họ người nằm dưới mồ, nên không dựng bia. Mộ xây đá ong, đá xanh, xi măng hay lát gạch men theo thời điểm song thể hiện rõ nhất trong thân tộc là sự quan tâm cẩn trọng đối với người đã khuất.

Bên cạnh việc tưởng nhớ tới người qua đời, ngày nay, con cháu xây nhà thờ Họ Đỗ và thờ phượng những vị mất quá 5 đời trong mỗi gia đình và việc lập gia phả.

 Trong thân tộc có ông Đỗ Hữu Tỵ, con ông Đỗ Duy Thinh đã có ý định ghi chép để truyền cho con cháu đời sau những thông tin. Đời VI, ông Đỗ Duy Phót tức Đỗ Hoàng Hải (Năm Khoa), đứng ra lập gia phả. Quá trình lập phả được bà con dòng họ nhiệt tình hưởng ứng, thân tộc tạo điều kiện giúp đỡ nhóm thực hiện, với mong muốn hoàn thành thật tốt bộ gia phả và xem đó như là bảo vật của tộc họ.

4. Thông minh, học giỏi, đa nghề

Những kết quả học tập và nghề nghiệp hien nay cho thấy tộc Đỗ các đời rất chăm học và học tập có kết quả tốt. Trong họ có   nhiều người là bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo. Về tên tuổi đươc lưu danh có ông Đỗ Hữu Phước học tập và định cư nước ngoài nhưng là người nghiên cứu khoa học nổi tiếng: Tiến sĩ Vật lý Nguyên tử, chuyên ngành ADN, giảng viên Đại học Thụy Sĩ và Pháp. Ông Đỗ Hoàng Hải là Đại biểu Quốc Hội và là nhà kinh doanh thành đạt. Về nghề nghiệp ngành: Các ông Đỗ Duy Nhiên, Đỗ Duy Phánh là Bác sĩ quân y; con ông Đỗ Duy Thôn và Đỗ Duy Ảnh làm nghề uốn tóc có uy tín trong giới. Bà Đỗ Thị Phấn Giám đốc công ty phát hành sách Fahasa là Ngọn cờ đầu phát hành sách thành phố Hồ Chí Minh …

Nhìn chung, họ Đỗ cho đến ngày hôm nay là một dòng họ mang bản chất nông dân. Các bậc tiền nhân là những nông dân chất phác, chịu khó làm ăn và có chí tiến thủ, đã rời mảnh đất miền Trung khô cằn để tìm đến miền Nam ruộng đồng phì nhiêu lập nghiệp. Cũng chính vì vậy mà các vị tiền nhân đã đồng cảm và dễ dàng đến với cách mạng, tham gia cách mạng để đem lại cơm no áo ấm cho đồng bào và cho chính bản thân mình. Tuy trên thực tế có một số người sau này trở thành những cán bộ cao cấp, nhưng họ vẫn giữ nguyên sự bình dị, chất phát, mộc mạc - bản chất nông dân của dòng họ. Cho đến ngày nay, nhiều thế hệ con cháu họ Đỗ đã có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp chung của dân tộc, cho quê hương Bến Tre nói riêng và đất nước nói chung. Thế hệ con cháu hiện nay vẫn tiếp tục truyền thống của cha ông góp phần dựng xây đất nước.

Việc dòng họ chủ trương dựng bộ gia phả là một việc làm thiết thực và rất có ý nghĩa, trước hết là để thắt chặt tình cảm bà con trong dòng họ, để con cháu có điều kiện hướng về cội nguồn, tìm hiểu, chiêm nghiệm những lối sống cao đẹp, sự cống hiến cho xã hội và tinh thần lao động cần cù của cha ông trong quá khứ, đó cũng là phương cách giáo dục con cháu một cách hữu hiệu, giúp cho thế hệ ngày hôm nay tin tưởng, tự hào về truyền thống của tổ tiên mình để sống có ích cho gia đình và cho xã hội.

Các bậc tiền nhân đã thật sự làm rạng danh cho dòng họ. Những cống hiến cho xã hội và nhân cách sống của các bậc tiền nhân trong quá khứ sẽ là niềm tự hào và là sức mạnh tinh thần, luôn đồng hành cùng bước đường lập nghiệp tiến thân của hậu duệ tiếp tục lập nên những kỳ tích, viết tiếp những trang phả đầy tự hào của dòng họ trong tương lai.

IV. PHÁT HUY XÂY DỰNG DÒNG HỌ

Có TỪ ĐƯỜNG, GIA PHẢ, trước khí thiêng MỒ MẢ ÔNG BÀ cho phép bộ gia phả đề ra phương hướng xây dựng dòng họ tộc Đỗ như sau:

1. Con cháu các thế hệ cùng phấn đấu gìn giữ truyền thống lao động yêu nước quý báu của dòng họ. Duy trì việc thờ cúng ông bà là đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam.

2. Xây dựng dòng họ vẹn toàn trong ấm, ngoài êm. Mỗi chi, nhánh, mỗi gia đình phát huy những mặt tích cực đóng góp, xây dựng quê hương giàu đẹp trong đó có họ tộc chúng ta.

3. Chăm lo khuyến học, khuyến nghiệp, khuyến tài một cách thiết thực trong dòng họ.

4. Trong họ tộc cùng chăm lo:

- Nhà thờ họ nghiêm túc.

- Mồ mả khang trang.

- Bộ gia phả hoàn chỉnh. 

Trước mắt chúng ta cần tổ chức kết nối thường xuyên trong dòng họ Đỗ tại Giồng Trôm và họ Đỗ Việt Nam để liên kết thông tin cho nhau. Hằng năm, nhân ngày giỗ ông Đỗ Văn Việt sẽ là ngày Giỗ Họ Đỗ ở Bình Hòa, Giồng Trôm, Bến Tre. Trong ngày Giỗ Họ sẽ tổ chức nhiều hoạt động như: Liên kết họ Đỗ trong vùng nhằm mở rộng vòng tay thân tộc, xây dựng quỹ giúp đỡ gia đình gặp khó khăn, quỹ học bỗng cho con cháu học giỏi và chúc thọ các cụ lớn tuổi …

Tất cả những việc làm có ích sẽ gắn bó thân tộc trong mái nhà chung, làm cho dòng họ mãi mãi trường tồn, vinh danh.

Trong Gia phả đã ghi danh ông bà, con cháu các thế hệ (nội ngoại) từ Đời I - Đời VIII tất cả có 397  người.

Bộ Gia phả hoàn thành vào tháng 6 năm Kỷ Sửu 2009, để luôn cập nhật thông tin thân tộc, cứ 5 năm một lần, con cháu các thế hệ tiếp tục cung cấp diễn biến và phát triển từng chi, nhánh, bổ sung kịp thời vào Gia phả.

Gia phả tộc Đỗ chủ yếu lưu truyền trong dòng họ. Trường hợp đặc biệt, những nhà nghiên cứu lịch sử cũng có thể sử dụng tư liệu, sau khi trao đổi với gia tộc.