Trang chủ > 041. Gia phả họ Phạm (làng Lương Quán, xã Thủy Biều, thành phố Huế)

041. Gia phả họ Phạm (làng Lương Quán, xã Thủy Biều, thành phố Huế)

19/08/2022 11:07:57

Gia phả họ Phạm ở làng Lương Quán, xã Thủy Biều, thành phố Huế được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2009.

LỜI NÓI ĐẦU

Nước có nguồn, nguồn trong thì dòng sạch

Cây có gốc, gốc đậu nhánh lá xanh tươi.

“Nghiệm xét lẽ đời, người ta ai chẳng có tổ tiên. Từ đời ông tôi (Phạm Ý) lúc thiếu thời học nghiệp ở Nghệ An, khi trưởng thành vào thi ở Thuận Hóa, dày công đèn sách, nhưng vì chưng số phận không thành thông. Sau về dạy học ở làng Lương, cũng có lúc làm thư lại ở Võ khố. Một lòng ngay thẳng, chốn xã thôn ai chẳng kính nể, duyên nợ trời đưa cùng họ Đặng gây nên gia thất. Đến nay con cháu ngày đông, thảy đều nhờ ơn hạnh tổ tiên ta vậy.”

Lời tựa trên do ông Phạm Ân là cha tôi viết lại theo di ngôn của ông nội tôi truyền lại về những đời đầu mà con cháu biết đặng. Ông đã sưu tầm và khởi thảo Phạm Phái Phổ vào đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh và cha tôi sớm qua đời nên việc lập phả cho dòng họ chưa hoàn chỉnh. Qua thời gian và chiến tranh mà dòng họ có người xa rời tổ quán, phải vất vả với cuộc mưu sinh dưới bom đạn, một số phải xa quê hương vì cuộc sống. Do đó, nếu không duy trì cập nhât phả hệ thì các thế hệ sau xa dần cội nguồn, họ hàng ít thân thiết nhau, nền tảng gia đình bị lung lay.  

Khi son trẻ, theo dỏi cử nghiệp, tôi chưa thể kế chí tiền nhân soạn thuật. Lại nữa tin vào cha tôi, người hay chữ nhất trong dòng tộc, có khả năng cập nhật phả hệ, nhưng ông cụ thất lộc sớm. Anh cả tôi cũng sớm qua đời, gây sự hụt hẩng trong ghi nhớ lưu trữ, biên tập bổ sung cho tôi. Suy lại gia phả cũ cố nhiên còn đơn giản, chưa hoàn chỉnh, tôi cố gắng thu thập những sự tích do đời cha ông cận đại truyền lại, phụ thêm phần kiến giải của mình.

Đến nay tôi được biết Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả của Thành phố Hồ Chí Minh chuyên dựng và phục hồi gia phả cho các dòng họ nên tôi nhờ Trung tâm này lập lại Gia phả cho họ ta để con cháu biết được lịch sử dòng họ mình, gắn bó với dòng họ, học tập truyền thống tốt đẹp của dòng họ, đoàn kết giúp nhau trong học tập, trong cuộc sống làm vinh danh dòng họ. 

Mặc dù có rất nhiều cố gắng để sưu tập, sắp xếp, hệ thống hóa phục vụ cho việc biên soạn, nhưng chắc chắn không tránh khỏi nhiều sơ suất, thiếu sót. Rất mong được lời chỉ bảo của toàn gia tộc, mong được các bậc cao nhân hiệu đính, bổ sung và các đời sau nếu có thêm được tài liệu nào mới thì bổ sung vào.

Tôi cũng xin chân thành cám ơn Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả đã giúp chúng tôi hoàn thành bộ gia phả này và hoan nghênh sự hôp tác của bà con trong quá trình tái lập phả.

TP Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 3 năm 2009

Cháu trai đời thứ năm:

Phạm Kiêm Tràng

 

PHẢ KÝ

Ông bà ta nói “Nước có sử, nhà có phả”. Sử ghi chép sự hưng vong của các triều đại, ghi chép từng thời kỳ chống ngoại xâm, giành độc lập của dân tộc. Đọc lịch sử để biết sự thăng trầm của đất nước. 

Gia phả ghi lại sự thực, toàn diện danh tích, tông phái, hành trạng từng người làm cho cháu chắt đời sau không quên nguồn gốc của mình phát tích từ đâu. Nhiều năm, nhiều đời, nhiều sự việc để lâu đời không ghi chép lại thì đời sau sẽ mơ hồ, chẳng biết họ nhà mình ra sao, thời đại trước thế nào, thế thứ ra sao! Đến lúc đó, con cháu mình muốn khảo cứu cũng vô truyền.

Họ Phạm ta kể từ ngài Phạm Ý từ Nghệ An vào đất kinh kỳ lập nghiệp đã sống khoảng 150 năm ở làng Lương xã Thủy Biều huyện Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên. Tổ tiên chúng ta cần cù lao động, nuôi dạy con cháu nên người. 

Việc ghi chép lại lịch sử họ Phạm ta rất ý nghĩa đối với con cháu.

I. NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG HỌ

Theo ngôn truyền của hậu duệ họ Phạm, con cháu chỉ biết ngài Phạm Tư là cao nhất trong dòng họ mình. Quê gốc của họ Phạm là Xóm Chợ, làng Bích Triều, tổng Bích Triều, huyện Thanh Chương, phủ Anh Sơn. tỉnh Nghệ An. Khơng ai rõ ngài Phạm Tư có bao nhiêu người con mà chỉ biết một người con là Phạm Quán. Ông Phạm Quán là quan thủ ngữ, sinh được 5 người con nhưng chỉ biết được 2 người. Người con trưởng là Phạm Chấn và người con út là Phạm Ý. Ông Phạm Ý sinh năm Đinh Hợi (1827), mất năm Quý Mùi (1883). Ông Phạm Ý thiếu thời học nghiệp ở Nghệ An, lúc trưởng thành vào Thuận Hóa. Tại quê nhà ông Phạm Chấn sinh được 3 người con nhưng chỉ biết được một người đó là ông Phạm Tiếu. Ông Phạm Tiếu theo chú út  Phạm Ý vào Thuận Hóa sinh cơ lập nghiệp tại làng Lương Quán, tổng Cư Chánh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Vì vậy, ta tạm coi ông Phạm Tư là ông tổ đời một và ông Phạm Quán là ông tổ đời hai của dòng họ. Hy vọng sau này con cháu có điều kiện phát hiện thêm. Đến đời thứ ba ta tạm chia ra 5 chi và có thể biết  được 2 chi: 

Chi thứ nhất : ông Phạm Chấn và con cháu; chỉ biết người con thứ ba là ông Phạm Tiếu. 

Chi thứ năm : ông Phạm Ý và con cháu.

Ông Phạm Ý vào thi ở Thuận Hóa (Huế), không rõ ông vào năm nào và thi gì? Dày công đèn sách nhưng số phận không thành đạt, ông có thời gian làm “thư lại” ở Võ khố ( thuộc Nghệ An hay Thuận Hóa thì không rõ). Với vốn Nho học uyên thâm, ông bôn ba tìm nơi tá túc, làm thầy dạy chữ cho con trẻ và truyền bá kinh sử trong nhân dân. Ông chọn đất Lương Quán là một làng bên bờ hữu ngạn sông Hương, là vùng đất phì nhiêu có đặc sản Thanh Trà với những vườn cây mênh mông bát ngát, với bãi bồi bên bờ Hương giang phủ xanh dưa hấu An Tiêm và vườn dâu tằm. Không bao lâu sau khi ông đến, trong thôn xóm rộ lên phong trào học tập, tiếng ê a vang rộn xóm làng.

Ông đưa người cháu là Phạm Tiếu, con thứ ba của ông anh trưởng Phạm Chấn, vào sinh sống và cùng phát triển ngành trồng dâu nuôi tằm, kéo tơ dệt lụa. Thành đạt trong dạy học và gầy dựng nghề tơ tằm, ông đã làm dân trong thôn xã kính nể, nhiều người cảm mến. Vợ ông Phạm Ý là bà Đặng Thị Dậu, con của ông Phó Tổng Đặng Hoa., là người làng Lương Quán tổng Cư Chánh huyện Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên.

Ông mất năm Quý Mùi (1883), chánh kỵ ngày 6 tháng 10 âm lịch. Mộ ông táng tại xứ Trạng Cỏ, thơn Long Hồ, xã Hương Hồ huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên. Bà mất năm Tân Mão (1891), chánh kỵ bà nhằm ngày 16 tháng 11 âm lịch. Mộ táng tại Mồ ma Giữa làng Lương Quán xã Thủy Biều huyện Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên, sau cải táng tại Độn Bàu Hồ xã Thủy Biều thành phố Huế. Giỗ ông bà hiện nay do cháu đời thứ năm là Phạm Thị Đính phụ trách.

Ông bà sinh được năm người con: 3 trai và 2 gái. 

1. Phạm Luyến

2. Phạm Quát

3. Phạm Thế Vinh

4. Phạm Thị Đỉ

5. Phạm Thị Nấm

Ba con trai của ông Phạm Ý lập gia đình tạo ra 3 nhánh :

Nhánh thứ nhất : ông Phạm Luyến và con cháu

Nhánh thứ hai   : ông Phạm Quát và con cháu

Nhánh thứ ba    : ông Phạm Thế Vinh và con cháu

Nhìn chung, chi thứ năm là chi phát triển về số lượng đông đảo và sáu đời. 

Tổ tiên lấy từ tâm mở lối, lấy nhân ái khơi dòng. Con cháu kế thừa gia nghiệp cha ông, khiến tộc họ ngày càng thịnh đạt. Con cháu họ Phạm lập nghiệp nơi đất kinh kỳ và xem làng Lương Quán xã Thủy Biều huyện Hương Thủy tình Thừa Thiên là quê hương thứ hai của mình. Từ đó đến nay lưu truyền được sáu đời con cháu. Đến đời thứ năm, vì sinh kế mới có người đi lập nghiệp cư trú khắp nơi trong và ngoài nước. 

II. SƠ LƯỢC VỀ TỔ QUÁN HỌ PHẠM, ĐỜI SỐNG VÀ SỰ ĐÓNG GÓP CHO QUÊ HƯƠNG

1. Sơ lược về tổ quán

Huyện Thanh Chương là một huyện miền núi nằm ở phía tây nam thuộc tỉnh Nghệ An. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, huyện Thanh Chương nằm hoàn toàn bên bờ hữu ngạn sông Lam. Trước khi có huyện Lương Sơn, địa giới Thanh Chương khởi đầu từ bờ nam sông Giăng, giáp huyện Con Cuông kéo dài hết xuống vùng đất của các xã bên kia sông của Nam Đàn hiện nay ( tức là giáp huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh). Địa phận này thời thuộc Hán nằm trong huyện Hàm Hoan; thời thuộc Đông Ngô đổi Hàm Hoan thành Đô Giao. Thời thuộc Đường đổi thành huyện Nhật Nam nằm trong châu Hoan. Dưới thời Minh xâm lược (1414 -1427), chúng đã hoạch định lại địa giới và đặt tên cho vùng đất này là Thổ Du. Sau ngày đất nước được giải phóng (1427), nhà Lê (Lê Lợi) đã đổi tên Thổ Du bằng huyện Thanh Giang. Đến thời Lê Trung Hưng, vào năm 1729, Trịnh Giang lên ngôi chúa, vì kiêng huý nên đã thay từ "Giang" thành từ "Chương". Tên Thanh Chương ra đời từ đó và tồn tại cho mãi đến ngày nay. 

Theo sách địa chí “Các tổng trấn xã danh bị lãm” thì ở thời điểm đầu đời nhà Nguyễn, huyện Thanh Chương được phân thành 6 tổng như sau: 

1. Nam Hoa (1849 đổi thành Nam Kim - nay là các xã phía hữu ngạn sông Lam của Nam Đàn) gồm 21 xã, thôn, sở.

2. Bích Triều: 19 xã, thôn, vạn, sở.

3. Thổ Hào : 7 xã, thôn, nậu

4. Võ Liệt : 22 xã, thôn, trang, giáp, vạn

5. Cát Ngạn : 10 xã, thôn, trang, sách, vạn

6. Đặng Sơn: 21 xã, thôn, vạn, có núi Kim Nhan cao 893m so với mặt biển thuộc địa phận xã Kệ Trường nay là Phúc Sơn.

Xin lưu ý : các khu vực hành chính cấp cơ sở như: Thôn, trang, giáp, vạn, sách, sở nậu....nêu trên đều ngang xã (tức là có lý trưởng đứng đầu và con dấu) và đều trực thuộc tổng. Từ năm 1825 về trước, Thanh Chương là một trong sáu huyện của phủ Đức Thọ (trước 1822 gọi là Đức Quang). Năm 1831, niên hiệu Minh Mệnh thứ 12, xứ Nghệ An tách thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Lúc đó huyện Thanh Chương nhập vào phủ Anh Sơn (gồm các huyện: Lương Sơn, Nam Đàn, Thanh Chương và Hưng Nguyên thuộc tỉnh Nghệ An.

Qua thời vua Thành Thái (1889 - 1907), tổng Thổ Hào và tổng Bích Triều đã sát nhập lại làm một và lấy tên là tổng Bích Hào. Năm 1919, chính quyền thực dân phong kiến bỏ cấp phủ, huyện Thanh Chương trực thuộc tỉnh Nghệ An. Sau cách mạng tháng 8/1945, trên cơ sở 5 tổng cũ, toàn huyện Thanh Chương đã phân chia thành 12 xã (tháng 10/1947), theo đó tổng Bích Triều chia thành hai xã : Thanh Dân và Xuân Triều. 

Các tên xã này tồn tại mãi cho đến đầu năm 1954, theo chủ trương phân chia lại cấp xã của UBKCHC Liên Khu IV thì Huyện Thanh Chương trên cơ sở 12 xã cũ đã chia thành 40 xã mới. Xã Thanh Dân chia ra thành 4 xã Thanh Giang, Thanh Mai, Thanh Tùng và Thanh Bích; xã Xuân Triều chia thành 2 xã Thanh Xuân và Thanh Lâm. 

Quê gốc của họ Phạm ở làng Bích Triều tổng Bích Triều huyện Thanh Chương nay là xã Thanh Mai huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An. Đây là vùng đất xưa của người Việt, là xứ xở “địa linh nhân kiệt” trải dọc bên bờ sông Lam nhưng nhiều vất vả khó khăn. Với vốn Nho học uyên thâm, ông Phạm Ý bôn ba tìm nơi đất lành chim đậu, gây dựng sự nghiệp, để lại vinh hoa phú quý cho con cháu sau này. Ông đã chọn làng Lương Quán bên bờ hữu ngạn sông Hương tỉnh Thừa Thiên. 

Làng Lương Quán nguyên là làng Tần Quán ngày xưa, trước thuộc châu Lý – vật sính lễ mà vua Chàm Chế Mân cầu hôn công chúa Huyền Trân, trở thành lãnh thổ Đại Việt từ 1306 và được vua Trần đổi tên là Hóa Châu. Trong gần bốn thế kỷ (1558-1945), chín đời chúa, mười ba đời vua Nguyễn đều lấy xứ Huế - Hóa Châu là trung tâm chính trị - văn hóa của xứ Đàng Trong, rồi là kinh đô của cả nước. Đây là nơi tụ hội của nhân tài cả nước, các học giả, các nhà Nho uyên bác, các anh hùng hào kiệt, các thợ thủ công và nghệ nhân tài giỏi,….; trong đó có ông tổ đời thứ ba Phạm Ý.

Lương Quán là một địa danh đã có trong dân gian suốt bao đời nay, một vùng đất tuy không lớn, có dáng cong cong hình bán nguyệt nằm dọc bờ sông Hương thơ mộng cách trung tâm thành phố 7 km về phía Tây. Qua hơn năm trăm năm nhờ thiên nhiên ưu đãi bồi đắp, linh duệ cát khí phù sa ở đây đã trở thành một vùng đất trù phú phù nhiêu mà ai ai cũng biết đến, đó là vườn cây đặt sản Thanh trà. Làng Lương Quán có tứ cận đông, nam, bắc đều giáp làng Nguyệt Biều;

Làng Lương Quán thuộc tổng Kim Long, huyện Hương Trà, lập thời các chúa Nguyễn. Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát từ năm 1746 nơi đây có cơ sở đúc tiền kẽm. Theo tác giả Thái Văn Kiểm thì từ năm 1766 đến 1770 nơi đây là Văn Miếu Học Cung Lương Quán. Phủ đệ Huấn Vũ hầu Nguyễn Phúc Thử (1699-1763) được dựng xong ở đất Lương Quán vào năm 1757 còn gọi là phủ Lương Quán (phủ của hệ 7 phòng 9 ngày nay). Địa bạ thời Gia Long chép tổng diện tích làng Lương Quán là 149 mẫu, 3 sào 1 thước, 2 tấc (730.712m2). Năm Minh Mạng 16 (1835) làng Lương Quán thuộc tổng Cư Chánh huyện Hương Thuỷ, Cách mạng tháng Tám thành công thuộc xã Thủy Nguyên, năm 1956 thuộc xã Thủy Biều quận Hương Thủy, từ năm 1981 thuộc xã Thủy Biều, thành phố Huế. 

Những di tích truyền thống của làng qua bao đời.đã được trùng tu và xây dựng thêm như Đình, chùa, trường học, nhà thờ, các họ Tộc, tạo được vẻ cổ kính mỹ quan. Trải qua nhiều thế kỷ, làng Lương Quán đến nay đã có 28 họ tộc lớn nhỏ đến đây định cư trên ba đời. Hiện nay trong làng có 280 hộ gồm 1410 nhân khẩu, có 1 Chi bộ Đảng gồm 4 đảng viên, 1 tổ mặt trận, 1 chi hội nông dân, 1 chi đoàn thanh niên, 1 chi hội cựu chiến binh, 1 chi hội người cao tuổi. Phát triển kinh tế của dân làng chủ yếu là vườn cây đặc sản Thanh trà và sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra trong làng còn có một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như may mặc, mộc, nề, giày da và một bộ phận buôn bán nhỏ…

2. Sự đóng góp của dòng họ

Sự có mặt của ông tổ đời ba vào hậu bán thế kỷ XIX thì vùng đất thì kinh kỳ là nơi tập trung các quan văn quan võ, vương tôn công tử, cung phi mỹ nữ…thích mặt hàng vải lụa cao cấp mà ông tổ đời ba cùng người cháu ra sức mở mang nghề tằm tang để cung ứng. Sự lao động chăm chỉ đã làm thay đổi vùng đất bồi bên sông Hương, xanh mướt nương dâu cùng tiếng thoi đưa rộn rã đêm ngày. Các con cháu họ Phạm theo nghề trồng dâu dệt lụa đã tạo nên sự trù phú của xóm làng và vinh hoa cho dòng họ. Họ Phạm được nhiều người kính nể, đã được họ Đặng, một dòng họ danh giá trong làng quý mến và kết thông gia nhiều thế hệ, kể cả được kết thân gia cùng dòng dõi hoàng tộc thân thích. 

Thành công về phương diện kinh tế, con cháu họ Phạm cũng được học hành đầy đủ, được dạy dỗ nên người…trai anh tài, gái mỹ miều.  Đất Kim Long cũng đã hun đúc nên bao thiếu nữ xinh đẹp, trong đó nổi tiếng là hai O Phạm Thị Vân và Phạm Thị Mậu, từng làm bao chàng trai cảm mến, theo đuổi.

III. PHẨM CHẤT TỐT ĐẸP CỦA DÒNG HỌ

Qua 150 năm, từ ông tổ đời ba đến định cư ở làng Lương Quán tổng Cư Chánh (nay là xã Thủy Biều thành phố Huế) đã truyền tử lưu tôn đến nay là đời thứ sáu, thứ bảy. Họ Phạm đã hình thành những đặc điểm sau đây : 

* Đặc điểm đáng quý của họ Phạm là tinh thần hiếu học, thích học hỏi tìm tòi cái mới, ….. 

* Con cháu họ Phạm lao động cần cù, tiếp nối nghề nghiệp của tổ tiên là nghề làm vườn, tằm tang và buôn bán. Dù ở cương vị nào, cũng giữ được sự gần gũi thân thiện với dòng họ xa gần, giữ được tình làng nghĩa xóm. Đây là bản sắc văn hoá cần được duy trì và phát huy.

* Một đặc điểm nữa của họ Phạm là việc gìn giữ đạo hiếu. Dù ở hoàn cảnh nào, việc phụng thờ tổ tiên cũng được coi trọng. Việc giỗ chạp tổ tiên luôn luôn nghiêm túc, qui tụ đông đảo con cháu xa gần về giỗ và thăm hỏi nhau công việc làm ăn. Ngoài việc cải tạo mồ mả tổ tiên lại khang trang, và nay ông Phạm Kiêm Tràng đã thực hiện được việc làm gia phả cho dòng họ mình. Đó là một đặc điểm đáng quý của dòng họ, một nét đẹp của văn hoá.

* Một đặc điểm rất quý là tình thương người. Ngoài việc quan tâm giúp đỡ những người gặp khó khăn còn đối xử với dòng họ như ruột thịt – thật đáng quý Những đặc điểm trên đây là những truyền thống tốt đẹp của dòng họ Phạm cần được duy trì và phát huy. Với gia phả này sẽ giúp con cháu họ Phạm biết được cội nguồn dòng họ, truyền thống tốt đẹp của tổ tiên để học tập và phát huy từ đó thắt chặt tình thân tộc, đoàn kết giúp nhau trong học tập, trong cuộc sống để làm vẻ vang thêm cho dòng họ trong tương lai.