042. Gia phả họ Lê (ấp 2, Bình Lợi, Vĩnh Cửu, Đồng Nai)
19/08/2022 11:24:01Gia phả họ Lê ở ấp 2, xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2006.
LỜI NÓI ĐẦU
“Làm người phải biết tổ tông
Như cây có cội, như sông có nguồn”.
Hai câu ca dao trên nhắc nhở chúng ta phải tìm về cội nguồn. Việc truy tìm cội nguồn, tri ân tổ tiên luôn luôn có trong tâm tưởng của những người con hiếu thảo trong mỗi gia đình Việt Nam vì người Việt Nam lấy đạo hiếu làm đầu.
Việc truy tìm cội nguồn là tìm lai lịch ông bà thuỷ tổ, tổ quán và công lao xây dựng sự nghiệp của ông bà đối với con cháu.
Họ Lê ta sống hơn một thế kỷ ở xã Bình Long, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hoà nay là xã Bình Lợi huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai – là một xã anh hùng. Tổ tiên chúng ta cần cù lao động, nuôi dạy con cháu nên người. Dòng họ ta cũng có người tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Công lao đó đáng được con cháu học tập và noi gương. Cũng do chiến tranh mà dòng họ ta có người phải thoát ly gia đình xa rời tổ quán để tham gia cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến. Số bà con còn lại quê nhà phải vừa chiến đấu vừa lao động để tồn tại. Số còn lại phải vất vả với cuộc mưu sinh dưới bom đạn của kẻ thù. Một số phải xa quê hương vì cuộc sống rồi mất đi ở xứ người. Do vậy, mà nguồn gốc tổ tiên con cháu không được tỏ tường, dòng họ không biết nhau hết. Giỗ chạp không qui tụ được hết họ hàng, mồ mả tổ tiên mỗi người một nơi. Do đó, nếu không lập gia phả thì các thế hệ sau xa dần cội nguồn, họ hàng ít thân thiết nhau, nền tảng gia đình bị lung lay và cũng không tránh được việc kết hôn với người cùng huyết thống. Do đó, việc lập gia phả họ ta là rất cần thiết.
Tôi được sinh ra và lớn lên trên vùng đất tổ. Khi quê hương mình chìm đắm trong khói lửa của hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Theo truyền thống cách mạng của gia đình, của quê hương, tôi thoát ly gia đình để làm cách mạng suốt thời kỳ chống Mỹ.
Khi hoà bình lập lại, mặc dù bận rộn với công tác mới song tôi cũng tranh thủ lo việc báo hiếu tổ tiên. Gia đình tôi Lê Văn Hồng và gia đình anh 6 tôi Lê Tấn Phong đã cải táng mồ mả ông bà, cha mẹ về gần nhau và xây lại khang trang, còn việc làm gia phả thì chưa thực hiện được vì không biết cách nào để làm cho khoa học. Tôi vẫn ấp ủ việc này trong lòng mãi đến nay, qua thông tin báo chí, tôi được biết Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả của Thành phố Hồ Chí Minh chuyên dựng gia phả cho các dòng họ nên tôi nhờ Trung tâm này dựng gia phả cho họ ta trước tiên để dâng lên tổ tiên như một lễ vật thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu. Sau đó để con cháu hiểu được lịch sử của dòng họ mình, gắn bó với dòng họ, học tập truyền thống tốt đẹp của dòng họ, đoàn kết giúp nhau trong học tập, trong cuộc sống làm vẻ vang cho dòng họ.
Việc lập gia phả dòng họ ta có những khó khăn nhất định vì họ ta không có phả gốc nên tôi rất mong bà con ta cung cấp tư liệu chính xác và bổ sung để gia phả được hoàn chỉnh.
Tôi cũng xin chân thành cám ơn Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả đã giúp chúng tôi hoàn thành bộ gia phả này và hoan nghênh sự hợp tác của bà con trong quá trình dựng phả.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 5 tháng 10 năm 2006
Cháu trai đời thứ ba
Lê Văn Hồng
PHẢ KÝ
Hoà bình đã lập lại trên 30 năm, dòng họ Lê ở xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai cùng cả nước vượt khó khăn sau chiến tranh để vững bước đi lên và cũng không quên nhiệm vụ thiêng liêng đối với dòng họ. Đó là việc lập gia phả cho dòng họ mình.
Thật đáng mừng cho dòng họ Lê, việc lập gia phả cho dòng họ đã mong mỏi từ lâu nay đã được thực hiện. Dù có hạn chế về tư liệu song qua thông tin của hậu duệ, bài phả ký cũng đã tóm lược được lịch sử dòng họ với những điểm cơ bản sau :
… Nguồn gốc và sự phát triển của dòng họ.
… Tổ quán, đời sống và sự đóng góp của dòng họ cho quê hương.
… Phẩm chất tốt đẹp của dòng họ.
I. NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG HỌ
Con cháu họ Lê ở ấp Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai chỉ biết ông Lê Văn Phiên là người cao nhất trong dòng họ mình. Trong họ không có gia phả, cũng không có di chúc hay giấy tờ tương phân ruộng đất của tổ tiên để lại qua đó có thể biết được những đời cao hơn nữa. Qua khảo sát mồ mả, phỏng vấn con cháu họ Lê đặc biệt là bà Lê Thị Vân cháu dâu đời thứ ba là vợ của ông Lê Tấn Phong – người được phân công lo việc phụng thờ tổ tiên nhà chồng nên hiểu biết rất nhiều về dòng họ nhà chồng, thì bà cũng xác nhận người cao nhất trong dòng họ Lê là ông Lê Văn Phiên. Vì vậy, ta tạm coi ông Lê Văn Phiên là ông tổ đời một của dòng họ. Hy vọng sau này con cháu có điều kiện phát hiện thêm.
Ông Phiên từ đâu đến Bình Long hay ông được sinh trưởng tại đây thì trong họ không ai biết được. Căn cứ vào mộ bia thì năm sinh của ông là năm 1873 (Tự Đức thứ 33). Đây là thời điểm mà triều đình Huế phải ký với Pháp hoà ước Harmand. Theo hoà ước này thì miền Nam thuộc chế độ trực trị của thực dân Pháp. Nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam chống lại thực dân Pháp và tay sai. Những sự kiện này ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của con cháu họ Lê đối với quê hương đất nước để gắn bó với cách mạng. Theo con cháu họ Lê thì ông tổ mình làm nhiều nghề khác nhau. Ngoài nghề chính là hớt tóc, ông còn làm khuôn đường thẻ, một nghề thủ công ở địa phương. Ngoài ra, ông còn trồng nhiều loại cây ăn trái trên miếng vườn nhỏ của mình. Đặc biệt bưởi là cây đặc sản của quê hương. Ông có vốn kiến thức chữ nho khá nên nuôi dạy con cháu theo lễ giáo phong kiến song tiến bộ. Nhà ông có rất nhiều sách chữ nho nhưng do chiến tranh, con cháu không bảo quản được, cho đến nay thì không còn quyển nào.
Ông lập gia đình với bà Lưu Thị Lỗi, quê ở ấp Long Chiến cũng thuộc xã Bình Long, quận Tân Uyên tỉnh Biên Hoà nay là xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai. Bà làm nghề tráng bánh tráng và chăm sóc các con trong gia đình.
Ông mất năm 1949, giỗ ngày 10 tháng 5 âm lịch. Mộ ông chôn tại gò Cây Dầu Cầu Kinh thuộc ấp 5 (Xuân Hòa – xã Lợi Hoà) nay ấp 5 xã Bình Lợi. Bà mất năm 1951, giỗ bà nhằm ngày 28 tháng giêng âm lịch, mộ bà ở ấp 5 Xuân Hòa – Lợi Hòa. Năm 2000 cháu đời thứ ba là Lê Văn Hồng, Lê Tấn Phong hốt cốt ông bà đem về đất Chùa Long Vân và xây mộ ông bà lại rất khang trang. Giỗ ông bà hiện nay do cháu dâu đời thứ ba là Lê Thị Vân phụ trách.
Ông bà có 8 người con : bốn trai, ba gái theo thứ tự sau :
Thứ hai : chết nhỏ.
Thứ ba : Lê Văn Tặc.
Thứ tư : Lê Thị Bối.
Thứ năm : Lê Thị Quang.
Thứ sáu : Lê Văn Trấn.
Thứ bảy : Lê Văn Nhậm.
Thứ tám : Lê Thị Tây.
Thứ chín : Lê Văn Lễ.
Ba người con gái lấy chồng ở quê nhà và các xã lân cận. Bốn con trai ông lập gia đình tạo ra bốn chi :
Chi thứ nhất : Ông Lê Văn Tặc kết hôn với bà Nguyễn Thị Nghị. Ông bà chỉ có một con gái, không có con trai nối dòng.
Chi thứ hai : Ông Lê Văn Trấn cùng vợ là bà Trương Thị Trọng. Ông bà có tám con (một người con gái và bảy người con trai), chết nhỏ hai người còn lại năm trai và một người con gái út. Ông là cha của ông Lê Văn Hồng (Lưu) người lập ra gia phả này.
Chi thứ ba : Ông Lê Văn Nhậm lấy vợ ở xã Bình Hoà có 9 con, là một chi có đông đảo hậu duệ, chết nhỏ ba, còn lại hai con gái và bốn con trai.
Đây là một chi phát triển số lượng đông đảo và nhiều đời hơn hết.
Chi thứ tư : Ông Lê Văn Lễ là con trai út của ông tổ. Ông có hai đời vợ. Đời thứ nhất là bà Lương Thị Vỹ có 6 con, có một con trai nhưng chết lúc 15 tuổi. Năm người con gái còn lại lấy chồng có rất đông con nhưng đã chuyển sang họ khác. Bà Vỹ mất, ông Lễ tục huyền với bà Dương Thị Đời có thêm được năm người con trong đó có con trai nối dõi.
Nhìn chung trong bốn chi họ Lê, chỉ có chi hai, tư truyền nối đến nay là đời thứ năm, phát triển đông đảo nhất và dài hơn hai chi kia là chi thứ ba đến nay là đời thứ sáu. Con cháu họ Lê đa số trên vùng đất tổ và các vùng lân cận trong quận nhà. Một số do phải làm ăn nên sống ở thành phố Biên Hoà, một số ít sống tại Thành phố Hồ Chí Minh
II. SƠ LƯỢC VỀ TỔ QUÁN HỌ LÊ, ĐỜI SỐNG VÀ SỰ ĐÓNG GÓP CỦA DÒNG HỌ CHO QUÊ HƯƠNG
1. Sơ lược về tổ quán
Xã Bình Long xưa nay là xã Bình Lợi, thuộc huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai là tổ quán của họ Lê. Từ Thành phố Biên Hoà trên quốc lộ 1K qua khỏi cầu Hoá An độ 500 mét đến ngã tư Bửu Long, rẽ trái theo tỉnh lộ 24 thẳng lên khu du lịch Bửu Long, đến ngã tư Bến Cá đi thẳng lên Bình Lục rẽ phải là địa phận xã Bình Lợi. Xã có vị trí sau :
· Phía Bắc giáp Thương Lan (Tân Mỹ).
· Phía Nam giáp Thạnh Phú, Tân Bình.
· Phía Tây giáp xã Bạch Đằng (Mỹ Quới)
· Phía Đông giáp Thạnh Phú.
Bình Lợi là vùng đất do phù sa cổ của sông Đồng Nai bồi đắp thành những giồng cao phù hợp với cây nông nghiệp và cây ăn quả. Do nằm dọc theo tả ngạn sông Đồng Nai nên sự hình thành và phát triển của vùng này không tách rời sự hình thành và phát triển vùng đất Đồng Nai.
Đồng Nai là địa danh của vùng đất có người Việt định cư khá sớm. Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn đã phản ảnh rõ điều này : “Đến đầu thế kỷ thứ XVII vùng đất Đồng Nai đã trở nên sôi động với sự xuất hiện lớp cư dân mới mà chủ yếu là người Việt từ vùng Thuận Quảng di dân vào vì đất này màu mỡ nhưng vô chủ, là nơi thu hút mạnh mẽ lưu dân Việt đi tìm đất sống”. Như vậy đã có người định cư từ thế kỷ XVII. Phải chăng ông tổ họ Lê là người từ vùng Thuận Quảng vào. Ông Phiên là người nối dòng cho đến thế kỷ XIX chăng ? Vì không có cơ sở nên chưa kết luận được.
Hai tiếng Bình Long chưa biết có từ bao giờ nhưng theo hồi ký của ông Lê Tấn Phong đời ba chi thứ hai viết về quê hương mình thì năm 1925 ông Lê Văn Chương Quận trưởng quận Tân Uyên tỉnh Biên Hòa đã nhập ba làng là Bình Ninh, Long Chánh và Đa Lộc lập ra xã Bình Long thuộc tổng Phước Vĩnh Hạ, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hoà. Như vậy thì Bình Long là hai từ đầu của làng Bình Ninh và Long Chánh.
Đến đầu năm 1963, chính quyền cũ của tỉnh Biên Hoà đã tách một phần đất của quận Châu Thành tỉnh Biên Hoà và một phần đất của quận Tân Uyên nằm dọc tả ngạn sông Đồng Nai lập ra quận Công Thanh, theo nghị định số 122/NV ngày 7 tháng 2 năm 1963 thì Bình Long thuộc tổng Phước Vĩnh Hạ quận Công Thanh tỉnh Biên Hoà. Vùng đất Bình Long do bàn tay lao động cần cù của những người nông dân và nhân dân lao động nghèo khó từ nhiều nơi tụ họp về đây đã đấu tranh với thiên nhiên với thú dữ để xây dựng cuộc sống, biến vùng đất hoang vu thành vùng đất màu mỡ, ruộng đồng phì nhiêu, cây lành trái ngọt quanh năm, phong cảnh xinh đẹp bên cạnh dòng sông thơ mộng. Rồi chiến tranh xảy ra liên miên trên vùng đất này, khốc liệt nhất là hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Từ thế kỷ XIX (1858) đến cuối thế kỷ XX nhân dân Bình Long đã phải vừa lao động vừa chiến đấu để giải phóng quê hương mình mà các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng.
Trong hai cuộc chiến tranh hơn một nửa thế kỷ qua, Bình Long dựa lưng chiến khu D đã là con đường tiếp tế lương thực, thông tin liên lạc kể cả quân sự của vùng chiến khu D thuộc miền Đông Nam bộ. Việc chuyển lương thực từ mọi nơi về chiến khu D đều phải qua xã Bình Long. Xã có đội chuyển lương thực bằng ghe, có chuyên môn giỏi, có tinh thần cách mạng triệt để, vận chuyển nhanh, có quân báo bám sát tình hình không để mất mát. Về quân sự thì Bình Long được sự chỉ huy của chi đội 10 do Huỳnh Văn Nghệ lãnh đạo đã bẻ gãy nhiều âm mưu của địch nên thực dân Pháp quyết tâm xoá sạch xã này. Chúng thực hiện chính sách : phá sạch, đốt sạch, giết sạch làm nhụt chí đấu tranh của nhân dân ta.
Chúng tăng cường bố ráp, đốt nhà, bắn giết nhân dân ta liên tục, một cách dã man. Tình hình này ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản và cuộc sống của nhân dân ta – khét tiếng là hai tên khát máu ở bót Tân Phú : tên Tây lai và tên Phước. Nhân dân chỉ biết biệt danh hắn là Tây lai. Tên này mỗi tuần ba lần sau khi bọn tay sai điềm chỉ gật đầu hay người chúng bắt sau lần đi bố về được đưa đến ngã tư đi Long Chiến (cách nhà ông Lê Tấn Phong độ 150m) thì tên này cắt cổ, bêu đầu hay thả trôi sông.
Thời chống Mỹ nơi này cũng là nơi bọn đế quốc Mỹ giết cán bộ chiến sĩ và nhân dân ta. Còn tên Phước bắt được phụ nữ bất kỳ già hay trẻ, sau khi tra tấn dã man, thoả mãn thú tính, hắn đưa đến ngã ba chùa hay miếu Long Chánh để giết và bêu xác thật lâu mới cho chôn. Những hành động dã man không làm nhân dân ta nhụt chí đấu tranh, chúng quay sang đuổi dân đi khỏi xã, xã Bình Long thời điểm này xơ xác tiêu điều, thôn xóm không có bóng người.
Những cánh đồng loáng nước nằm dài vắng bóng người nông phu cày cấy. Nhân dân biến căm thù thành hành động, đa số nhân dân vào chiến khu theo cách mạng, một số tản cư sang vùng khác vẫn ủng hộ cách mạng và cuối cùng nhân dân Bình Long cũng giành được chính quyền cách mạng trong cách mạng tháng Tám năm 1945 và trong 9 năm kháng chiến.
Đến thời kháng chiến chống Mỹ, Bình Long cũng vẫn là con đường tiếp tế lương thực, đường chuyển quân của chiến khu D. Đế quốc Mỹ và tay sai thực hiện quốc sách ấp chiến lược, dùng thuốc khai quang, dùng vũ khí tối tân cũng để xoá sạch xã này nhưng không thế lực nào có thể làm nhụt ý chí đấu tranh để rồi sau ngày giải phóng 30/4/1975 Bình Long trở thành xã anh hùng. Từ khi hoà bình lập lại, nhân dân Bình Long nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh để xây dựng quê hương. Đến năm 1986 xã Bình Long được sáp nhập vào xã Lợi Hoà để lập ra xã Bình Lợi, diện tích rộng hơn, trước kia có ba ấp, nay có năm ấp : ấp 1, 2, 3, 4, 5. Tổ quán họ Lê ở ấp 2.
Đồng mả ở ấp 3. Xã Bình Lợi nay có diện tích chung là 1500,2 ha; diện tích nông nghiệp là 112,7 ha, kinh tế chính là nông nghiệp và lập vườn trồng cây ăn trái. Bưởi là đặc sản của quê hương. Xã có đình Xuân Hoà (ấp 5), có chùa Long Vân (ấp 3) và Bửu Phước (ấp 4). Có miếu Binh Ninh, Long Chánh và Đa Lộc. Miếu Bình Ninh thờ thần không rõ tên.
Hằng năm vào tháng Ba âm lịch nhân dân tập họp đông đảo để cầu nguyện cho quốc thái dân an. Miếu quay ra hướng Đông cách sông Đồng Nai 50m. Miếu Long Chánh cách sông Đồng Nai 100m, cửa quay hướng Đông Nam, trước cửa có bàu Mật Cật xưa có nhiều cá. Bình Lợi không có nhà thờ, thánh thất. Nhân dân trong xã phần lớn theo đạo thờ cúng ông bà. Hiện nay nhân dân trong xã đang phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp.
2. Đời sống họ Lê
Sự có mặt của ông tổ đời một vào hậu bán thế kỷ XIX thì vùng đất Nam bộ đã dưới sự cai trị của thực dân Pháp sau đó là đế quốc Mỹ. Ông tổ và hậu duệ ông từ đời 1, 2, 3, 4 phải vừa lao động vừa chiến đấu để tồn tại và phát triển. Một số con cháu họ Lê từ đời 1, 2, 3, 4 sống bằng nghề truyền thống của gia đình là nghề hớt tóc, làm khuôn đường thẻ. Có người sống bằng nghề mía ruộng, có người làm mướn, chạy xe Honda ôm, làm tài xế hay buôn bán nhỏ, tráng bánh, có người làm công an, làm công nhân, làm giám đốc công ty. Phụ nữ thì đa số làm nội trợ.
Nhìn chung con cháu họ Lê ai cũng có công ăn việc làm, cần mẫn siêng năng, trách nhiệm và biết sáng tạo trong lao động, không ai làm nghề gì có phương hại đến danh dự gia đình và xã hội.
3. Sự đóng góp của dòng họ qua hai cuộc kháng chiến
Đời thứ hai trưởng thành thì cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ông Lê Văn Trấn (đời hai, chi thứ hai) cùng vợ đã tham gia cách mạng rất sớm vào thời điểm Nhật đảo chánh Pháp 9/3/1945 cho đến thời chống Mỹ. Từ năm 1949-1952 ông là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh xã Bình Long. Khi Hiệp định Geneve 1954 được ký kết, hoà bình lập lại. Ông được lệnh ở lại miền Nam cùng đấu tranh đòi tổng tuyển cử thống nhất nước nhà theo tinh thần hiệp định được ký kết. Từ 1957 -1958 đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm phản bội, trắng trợn giết đồng bào ta nhứt là trả thù một số người kháng chiến cũ, dùng luật 10/59 lê máy chém khắp nơi vừa bắn giết vừa đàn áp phong trào cách mạng miền Nam.
Đến năm 1963 ông bà tiếp tục bị địch đàn áp bắt bớ không sống hợp pháp với chúng được phải thoát ly qua vùng chiến khu D hoạt động. Các con của ông bà kể cả con nuôi đều tham gia cách mạng. Đến thời chống Mỹ cả gia đình ông bà và 6 con đều thoát ly vào chiến khu D công tác. Ba con trai thứ 6, thứ 7, thứ 8 : ông Lê Tấn Phong và ông Lê Văn Hồng và Lê Văn Danh cũng làm công tác tình báo như mẹ. Ông Lê Văn Thắng là con nuôi công tác ở công binh xưởng chế tạo vũ khí. Đến năm 1954 ông tập kết ra Bắc. Sau 1975, ông về Nam công tác ngành đường sắt. Ông Lê Văn Phương, Lê Văn Danh (tự Dũng) cả hai hy sinh khi còn độc thân. Con gái út của ông Trấn cùng chồng cũng thoát ly vào chiến khu D làm cách mạng cũng đã hy sinh bỏ lại cho chồng đứa con thơ.
Riêng ông Lê Văn Hồng từ bộ đội huyện được biệt phái về xã là xã đội trưởng kiêm bí thư chi bộ xã Bình Long, khi chuyển sang ngành tình báo ông làm rất tốt công tác này được giao nhiều công tác với mục tiêu quan trọng. Bị bắt đày ra đảo Phú Quốc, bị tra tấn dã man nhưng vẫn bảo vệ được cơ sở. Sau giải phóng được phân công làm kinh tế, ông đem hết nhiệt tình cách mạng, sáng tạo trong lao động, đưa công ty vật liệu xây dựng do ông làm giám đốc, một đơn vị từ không đến có, từ yếu đến mạnh, đạt danh hiệu anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Dòng họ không ai tham gia chính quyền Sài Gòn, có chăng cũng chỉ bị bắt đi quân dịch rồi sau giải phóng cũng trở về lao động bình thường.
III. PHẨM CHẤT TỐT ĐẸP CỦA DÒNG HỌ
Hơn một thế kỷ, từ ông tổ đời một đã định cư ở xã Bình Long (nay là Bình Lợi) đã truyền tử lưu tôn đến nay là đời thứ 6. Qua lao động và chiến đấu để bảo vệ tổ quốc, họ Lê đã hình thành những đặc điểm sau đây :
- Đặc điểm đáng quý của họ Lê là tinh thần cách mạng triệt để nổi bật là hậu duệ đời hai và ba chi thứ hai. Cả cha mẹ và các con đều tham gia cách mạng, đều thoát ly vào chiến khu. Tuổi thanh niên cũng dũng cảm gan dạ – hy sinh một cách hiên ngang khi tuổi còn rất trẻ như Lê Văn Phương, Lê Văn Danh, Lê Thị Hạnh.
- Đóng góp đáng kể là ngành tình báo - gia đình có 4 người : mẹ và ba con trai và khi hoà bình lập lại thì làm kinh tế giỏi.
- Con cháu họ Lê lao động cần cù, tiếp nối nghề nghiệp của tổ tiên là nghề hớt tóc và khuôn nấu đường. Từ ông tổ đời một đến nay là đời thứ tư, hiện ông Lê Đắc Hải (đời bốn chi thứ tư) vẫn còn sống bằng nghề này. Cho đến nay dòng họ Lê vẫn mang bản chất nông dân với lối sống giản dị, bình dân. Dù ở cương vị nào, cũng giữ được sự gần gũi thân thiện với dòng họ xa gần, giữ được tình làng nghĩa xóm. Đây là bản sắc văn hoá cần được duy trì và phát huy.
- Một đặc điểm nữa của họ Lê là việc gìn giữ đạo hiếu. Dù ở hoàn cảnh nào, việc phụng thờ tổ tiên cũng được coi trọng. Việc giỗ chạp tổ tiên luôn luôn nghiêm túc, qui tụ đông đảo con cháu xa gần về giỗ và thăm hỏi nhau công việc làm ăn. Qua đó giúp nhau trong công việc làm ăn. Ông Hồng đưa con cháu và người của thôn, xã vào làm ở công ty ông rất đông. Ngoài việc cải tạo mồ mả tổ tiên lại khang trang, và nay cùng với gia đình ông Phong đã thực hiện được việc làm gia phả cho dòng họ mình. Đó là một đặc điểm đáng quý của dòng họ, một nét đẹp của văn hoá.
- Một đặc điểm rất quý là tình thương người. Ngoài việc quan tâm giúp đỡ những người gặp khó khăn. Ông Lê Văn Trấn đã nuôi ông Lê Văn Thắng từ khi còn là một cậu bé con nhà nghèo phải sớm chịu cực khổ đi làm công để kiếm sống và ông bà thương như con ruột, Lê Văn Thắng là họ tên mà ông Trấn đã đặt cho con nuôi của mình, Ông Trấn nuôi dạy cho đi làm cách mạng. Con cháu họ Lê coi ông Thắng như một hậu duệ thật sự của dòng họ. Ông Thắng cũng đối xử với dòng họ Lê như ruột thịt – thật đáng quí.
Những đặc điểm trên đây là những truyền thống tốt đẹp của dòng họ Lê cần được duy trì và phát huy. Với gia phả này sẽ giúp con cháu họ Lê biết được cội nguồn dòng họ, truyền thống tốt đẹp của tổ tiên để học tập và phát huy từ đó thắt chặt tình thân tộc, đoàn kết giúp nhau trong học tập, trong cuộc sống để làm vẻ vang thêm cho dòng họ trong tương lai.
Các tin cũ
- » 041. Gia phả họ Phạm (làng Lương Quán, xã Thủy Biều, thành phố Huế) 19/08/2022 11:07:57
- » 040. Gia phả họ Đỗ (xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) 19/08/2022 10:01:37
- » 039. Gia phả họ Huỳnh (KP2, xã Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM) 19/08/2022 07:44:52
- » 038. Gia phả họ Bùi (ấp 3, Mỹ Tân, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) 19/08/2022 07:10:18
- » 037. Gia phả họ Phan (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) 19/08/2022 06:48:19
- » 036. Gia phả họ Lê (ấp Hành Chánh, thị trấn Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) 19/08/2022 06:30:37
- » 035. Gia phả họ Phạm ở ấp 9, Mỹ Lộc, Tam Bình, Vĩnh Long) 18/08/2022 21:07:13
- » 034. Gia phả họ Huỳnh (ấp Bàu Cỏ, Phước Hòa, Phú Giáo, Bình Dương) 18/08/2022 20:44:55
- » 033. Gia phả họ Bùi (cầu Ông Me Lớn, khóm 6, phường 4, thị xã Vĩnh Long) 18/08/2022 20:37:39