Trang chủ > 064. Gia phả họ Ngô (ấp Thượng, Tân Thông Hội, Củ Chi TP.HCM)

064. Gia phả họ Ngô (ấp Thượng, Tân Thông Hội, Củ Chi TP.HCM)

21/08/2022 11:31:32

Gia phả họ Ngô ở ấp Thượng, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi TP.HCM được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2011.

LỜI NÓI ĐẦU

“Làm người phải biết tổ tông,

Như cây có cội, như sông có nguồn.”

Câu tục ngữ trên nhắc nhở chúng ta phải luôn nhớ và tìm về cội nguồn. Hướng về cội nguồn, tri ân Tiên tổ, đấng sinh thành, thường đã khắc sâu trong tâm tưởng người con hiếu thảo trong mỗi gia đình của người Việt Nam. Tìm về cội nguồn là tìm hiểu tường tận về lai lịch, từ ông bà Thỉ tổ của dòng họ, biết rõ và tự hào về tổ quán, nơi Tổ tiên ông bà đã đổ biết bao công sức lao động, gầy dựng cơ nghiệp, để dòng họ hôm nay kế thừa phát triển.

Theo ngôn truyền của hậu duệ dòng họ Ngô chúng ta, con cháu chỉ biết ông Thỉ tổ là NGÔ VĂN PHO từ “đàng ngoài” thuộc vùng ngũ Quảng, theo phong trào di dân hướng về phương Nam. Ông là người thật thà chân chất, chịu thương chịu khó, một nắng hai sương, chinh phục sơn lam chướng khí, chí thú làm ăn  được dân làng xóm ấp vô cùng quý mến. Chẳng bao lâu, ông biến một vùng bưng hoang hóa thành vùng đất mầu mở. Cuộc sống ổn định, ông quyết định định cư tại ấp Thượng, xã Tân An Hội, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia định (nay là ấp Thượng, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, Tp.Hồ Chí Minh.)  

Qua những biến động của đất nước, qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Mỹ, dòng họ Ngô cùng nhân dân ấp Thượng bám đất giữ làng, luôn luôn chắc tay súng, vững tay cày, xây dựng cơ nghiệp, phát triển dòng họ, bảo vệ thôn làng, đất nước.

Tổ tiên đã cần cù lao động, tạo cơ ngơi và đã nuôi dạy cháu con nên người hữu ích, họ hàng biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Suốt thời gian chống chiến tranh xâm lược liên tục, dù cho vùng đất Củ Chi được vinh danh “Đất thép thành đồng” này, vẫn có nhiều dòng họ phải rời xa tổ quán, xóm ấp lên đường đánh giặc bảo vệ Tổ quốc, hoăc phải vất vả lam lủ tha hương mưu sinh. Do vậy bà con dòng họ ít có cơ hội gặp nhau, không biết họ tộc thân thuộc. Giỗ chạp không quy tụ được đông đủ họ hàng, các đời nội ngoại không nhận biết nhau. Tình thân tộc xa rời, mồ mả thất lạc (“mồ xiêu mả lạc”). Do đó nếu không có gia phả ghi lại quá trình sống của dòng họ để con cháu đời sau biết được tiền nhân của ta là ai? Thân thích ruột thịt của ta ở đâu? Tổ tiên ta đã muốn truyền dạy điều gì cho con cháu đời sau? 

Sau khi đất nước hòa bình, bà con than tộc nhiều người muốn xây dựng gia phả cho họ Ngô, nhưng chưa có điều kiện. Nay được biết Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM, trực thuộc hội Khoa học Lịch sử, thiện nguyện cống hiến công sức dựng phả cho các dòng họ, trong đó có họ Ngô chúng ta. Việc lập gia phả cho dòng họ thật cần thiết vì đây là điều mà lâu nay cả gia tộc trăn trở, nhưng nay mới được thực hiện.

Trong chủ trương xây dựng mô hình “Nông thôn mới” cho cả nước, Tân Thông Hội là một trong 11 xã được chọn làm thí điểm. Chúng tôi thật vui mừng hơn nữa họ Ngô chúng tôi lại là một trong 10 dòng họ được hổ trợ lập phả.

Việc lập phả cũng găp nhiều khó khăn, hạn chế: thiếu gia phả gốc, thông tin về các bậc tiền bối quá ít, các bâc cao niên phần nhiều già yếu, trí nhớ kém, thời gian chiến tranh lại quá dài . . . nhưng tin rằng với sự hổ trợ tích cực của Trung tâm nghiên cứu và thực hành gia phả, Tp.HCM. Và bằng mọi nổ lực, chúng tôi cố gắng hoàn thành. Sau này có điều kiện tốt hơn, rất mong được toàn gia tộc nghiên cứu và bổ sung.

Xin thay mặt dòng họ Ngô, chúng tôi chân thành cám ơn bà con đã tích cực hợp tác trong quá trính dựng phả. Cám ơn chính quyền các cấp: ấp Thượng, UBND xã Tân Thông Hội, UBND huyện Củ Chi và Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM đã giúp chúng tôi hoàn thành bộ gia phả dòng họ. Đồng thời chúng tôi cũng đồng ý được phổ biến gia phả họ Ngô trong cộng đồng gia tộc trong nước và nước ngoài, đồng thời phổ biến đến các nhà nghiên cứu về phả học.

Ấp Thượng,  ngày  1 tháng 11  năm 2011

Cháu đời thứ tư

NGÔ VĂN NÌ

NGÔ VĂN RÓN

 

PHẢ  KÝ

I. NƠI PHÁT SINH DÒNG HỌ

Đó là ấp Thượng, vùng đất nằm gọn giữa xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh (xưa là làng Tân An Hội, tổng Long Tuy Hạ, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định), dọc quốc lộ 22. Hiện nay còn lại gốc tích là hơn hai mẫu đất thổ cư và một phần là ruộng, trên đó có một phần nhỏ là 2 nền nhà, hiện nay do bà Ngô Thị Ròn (Lê Thị Ba) và ông Ngô Văn Rón (Liêu Văn Rón), làm chủ. Đó là những gì còn lại, sau những năm chiến tranh kéo dài quá lâu. Hầu hết gốc tích Tổ tiên đều do dòng họ truyền khẩu, nhưng đất canh tác rộng lớn thuộc họ Ngô là có thật (gồm 30 mẫu đất ruộng và 40 mẫu đất gò). Nó rộng hơn nhiều so với hiện nay. 

Ông tổ Ngô Văn Pho là một trong những chủ điền ở Củ Chi. Có thể căn cứ từ năm sinh của ông Ngô Văn Mi 1883 (đời II, con thứ ba của ông Ngô Văn Pho), thì có thể ông Pho sinh khoảng năm 1860. Khi ấy Pháp từ Đà Nẵng đã vào chiếm đóng Sài Gòn năm 1859. Rồi đến năm 1862, qua Hòa ước Nhâm Tuất, ba tỉnh miền Đông Nam kỳ thuộc thực dân Pháp. Đến năm 1867, Phan Thanh Giản giao luôn ba tỉnh miền Tây. Toàn cõi Nam lỳ lục tỉnh thuộc chế độ trực trị của thực dân Pháp. Chúng ra sức khai thác, bóc lột, thực hiện chính sách đốt sạch, phá sạch, giết sạch. Trước tình hình đó, các phong trào yêu nước càng ngày càng rộng khắp. Cùng không ít kẻ theo giặc làm hại dân lành,  phần lớn sĩ phu nổi lên kháng Pháp, số khác từ quan, về nhà day học. Ông Ngô Văn Mi đã lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đầy biến động như thế. Ông là con trai duy nhất của ông Ngô Văn Pho, là con nhà khá giả, được cha mẹ coi việc học là trọng. Ông được học chữ Nho, rồi chữ Pháp, nhưng không ra làm quan, mà ông trở về nhà dạy học và bốc thuốc, chữa bệnh cho bà con thôn ấp.

Qua di ảnh thờ, tại nhà ông Ngô Văn Rón (đời IV), ông bà Ngô Văn Mi trong quốc phục trang trọng, chứng tỏ vào hàng trung lưu. Bà Rón (Phạm Thị Mỏi) cho biết, khi bà về làm dâu nhà họ Ngô, gia đình bà đã được cất nhà trên thửa đất hiện nay rồi. Khi xưa nơi đây là đầm lây, lau sậy, bưng cói, nhưng phần lớn là ruộng. Ruộng đất nhiều nên ông Mi chia cho cháu nội và cháu ngoại đồng đều nhau, nhưng sau đó có vài sự cố trong gia tộc, nên đành phải bán đi gần hêt.

Hiện nay, con cháu họ Ngô vẫn sồng chung quanh ruộng vườn cũ tại ấp Thượng hoặc số ít khác, tạo dựng thêm ở ấp Trung.

II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH XÃ TÂN THÔNG HỘI HUYỆN CỦ CHI

1. LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT TÂN THÔNG HỘI

Từ thế kỷ XVII, việc khai phá đất phương Nam đã có rất đông cư dân đến lập nghiệp. Đầu tiên phải kể đến là vùng Đồng Nai. Triều đình cử Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào xây dựng chánh quyền, lấy Đồng Nai làm dinh Trấn Biên, lấy Saigon làm dinh Phiên Trấn, lập phủ Tân Bình với các tổng thôn xã ấp. Khi ấy phủ Tân Bình chia thành 4 huyện và 8 tổng. 

Năm 1836, Khâm sai Trương Đăng Quế vâng lệnh vua Minh Mạng vào Nam đo đạc, lập sổ địa bạ, thì tỉnh Gia Định có 2 phủ là Tân Bình và Tân An. Phủ Tân An có 2 huyện Bình Dương và Tân Long. Huyện Bình Dương có 2 tổng khi đo đạc chia thành 6 tổng: Bình Trị Thượng, Bình Trị Trung, Bình Trị Hạ, Hương Hòa Hạ, Dương Hòa Trung và Dương Hòa Thượng.

Tổng Dương Hòa Thượng có 2 xã và 20 thôn có địa giới rõ ràng, trong đó có các thôn có vị trí, có tên các vị tổng thôn, hào mục và tên các điền chủ được phân canh, phụ canh trong thôn như sau:

1. Tân Thông thôn: 

- Đông giáp địa phận thôn Tân Phú Trung.

- Tây giáp địa phận thôn Tân Thông Tây.

- Nam giáp thôn Mỹ Hạnh (tổng Long Hưng Thượng – Tân Long).

- Bắc giáp địa phận thôn An Thuận Tây.

2. Tân Thông Tây thôn: 

- Đông giáp địa phận thôn Tân Thông.

- Tây giáp địa phận thôn Tân Thông Trung.

- Nam giáp địa phận thôn Hòa Mục (tổng Tân Phong Trung – Tân Long).

- Bắc giáp địa phận 2 thôn Tân Thông Trung và Tân Thông.

3. Tân Thông Trung thôn ở xứ Bàu Tre: 

- Đông giáp địa phận thôn Tân Thông Tây.

- Tây giáp địa phận thôn Phước Mỹ.

- Nam giáp địa phận thôn Tân Thông Tây.

- Bắc giáp địa phận thôn Trung Lập và Vĩnh An Tây.

4. Vĩnh An Tây thôn (là thôn sau này thành ấp Cây Sộp nhập vào làng Tân An Hội).

- Đông giáp địa phận 2 thôn Vĩnh An và An Thuận Tây.

- Tây giáp địa phận thôn Trung Lập.

- Nam giáp địa phận thôn Tân Thông Trung.

- Bắc giáp rừng rậm.

Như vậy, theo địa giới hành chánh, khu vực ấp Thượng hiện nay, nơi ông tổ họ Ngô đến lập nghiệp, thuộc thôn Tân Thông.

Còn các thôn Tân Thông Tây là vùng Xóm Chùa, Xóm Huế, thị trấn Củ Chi đến Mũi Lớn (Tân An Hội), Tân Thông Trung là vùng Bàu Tre, Truông Viết (Phước Hiệp).

Sau năm 1931, bốn thôn Tân Thông, Tân Thông Trung, Tân Thông Tây và Vĩnh An Tây nhập lại thành làng Tân An Hội.

Các thôn Tân Thông là vùng đất triền, hướng Tây Bắc nghiêng dần về phía đồng bưng Mỹ Hạnh (Đức Hòa) và Mũi Lớn (Tân An Hội) vốn là vùng đất phèn chua, nước mặn (sau này gọi là đồng bưng Tam Tân), phía Đông Nam giáp với cánh đồng Tân Phú Trung chuyên trồng lúa, chen với những vạt đất trồng rau, đậu phộng, tre trúc, cây thuốc lá. Đến năm 1900, dân cư vùng này còn thưa thớt, dân khẩn đất trồng trọt và sinh sống hai bên đường thiên lý, vừa cất nhà, vừa làm các điểm dừng chân cho khách bộ hành, tạo thành vừa nhà ở, vừa bán quán.

Đường Thiên lý Tây, tức quốc lộ 1 cắt ngang các thôn Tân Thông, Tân Thông Trung, Tân Thông Tây nối mạch giao thông từ Bến Nghé với Trảng Bàng, Tây Ninh, đem lại sự trù phú cho vùng chợ Củ Chi và xóm ấp xung quanh.

Năm 1957, chính quyền sở tại sắp xếp lại, Củ Chi trở thành quận, thuộc tỉnh Bình Dương, và sau 1975, Củ Chi là một huyện thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Bấy giờ xã Tân An Hội gồm: thị trấn Củ Chi, xã Tân An Hội (gồm Xóm Huế, xóm Việt Kiều Campuchia, ấp Mũi Lớn, Bàu Tre và Cây Sộp), và xã Tân Thông Hội gồm 10 ấp: Tiền, Hậu, Chánh, Bàu Sim, Thượng, Trung, Tân Định, Tân Tiến, Tân Lập, Tân Thành.

2. ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN

Hiện nay, xã Tân Thông Hội là một xã của huyện Củ Chi, thuộc TP.HCM. Vào giữa năm 2011, xã còn là một trong 11 xã của cả nước được chọn làm thí điểm xây dựng nông thôn mới.

Xã nằm về phía nam thị trấn Củ Chi và xã Tân An Hội; Đông giáp xã Tân Phú Trung; Bắc giáp xã Phước Vĩnh An; và Nam giáp huyện Hóc môn và tỉnh Long An.

Với địa hình tương đối phẳng. Đây là nơi chuyển tiếp giữa nam Trung bộ và tây Nam bộ, nên đất có dộ dốc thoải theo hướng đông nam, độ chênh lệch từ 5m đến 10m. Khoảng 2 phần là đất gò, còn lại là bưng, có 4 kênh rạch tưới hoa màu, tao cho nơi đây nhận được nhiều phù sa, phuc vụ cho sản xuất.

Bởi thuộc vùng Nam bộ. xã nằm trong hệ thống khí hậu gió mùa: 6 tháng mưa và 6 tháng nắng.

3. KINH TẾ

Ở một vị thế rất thuận lợi, xã Tân Thông Hội hội đủ điều kiện một vùng sinh thái  đặc trưng nông nghiệp phía đông. Đó là đất nông nghiệp nằm xen lẫn vào khu dân cư, chiếm hơn 4% diện tích của huyện Củ Chi. Riêng dối với xã, diện tích đất trồng khoảng 62%, trong đó phải kể đất trồng cây lâu năm, trồng thủy sản và các loại rau trái khác.

Xã gồm 10 ấp phần lớn là ấp chuyên canh: gồm các ấp Chánh, Trung, Tiền, Hậu và Bàu Sim. Riêng tại ấp Thượng, số diện tích canh tác dần thu hẹp, song song với việc xây dựng các khu công nghiệp. Còn lại 4 ấp, sau năm 2008, cùng với việc hình thành xây dựng thí điểm Nông Thôn Mới, các ấp được đô thị hóa dần dần: Tân Định, Tân Tiến, Tân Lập và Tân Thành.

Với mật độ dân số 1720 người/km2 thì số nông dân là quá bán, còn lại làm ngành nghề khác, sống ven quốc lộ 22. Dù vậy, xã còn thuận lợi hơn với đường xuyên Á trên 3km xuyên qua đia bàn xã, cùng với các truc giao thong ấp, tạo hướng phát triển tốt kinh tế trong tương lai không xa.

Cùng với nhu cầu thiết yếu của người nông dân tại đây, hiên 100% hộ dân đủ diện sử dung cho sinh hoạt và sản xuất. Đó là một cố gắng lớn của chính quyền địa phương.

4. XÃ HỘI VỚI ĐỀ ÁN NÔNG THÔN MỚI

Từ năm 1999, về việc quy hoạch khu dân cư, trong tổng số 132ha đất ở (gồm thêm xã Phước Vĩnh An), đã hình thành một số công trình công cộng, (trạm xá, trường học), công viên cây xanh, xây dựng 23% nhà ở khang trang, với dân số khoảng 12.000 người.

Cùng với 11 xã trong cả nước được chọn làm thí điểm để phát triển nông thôn, xã Tân Thông Hội tính tới thời điểm tháng 8/2011 đã vượt lên dẫn đầu thành tích 16/19 tiêu chí (tổng kết là giữa tháng 11 năm 2011). Tuy nhiên  vẫn còn nhiều khó khăn địa phương cần phải nghiên cứu khắc phục.

Đó là việc đầu ra của việc chăn nuôi và trồng trọt. cà xã được khuyến khích trông rau sạch, chăn nuôi an toàn vệ sinh, vẫn chưa cạnh tranh nổi với hàng ngoại nhập.

Bù lại, điều đạt được nhận thấy rõ sau 2 năm thực hiện là: 

a. Môi trường sống được cải thiện và thu nhập của người dân cao hơn.

b. Người dân tự nguyện hiến đất để xây dựng kết cấu hạ tầng.

c. Doanh nghiệp đầu tư với vốn lớn.

III. HỌ NGÔ Ở ẤP THUỢNG, XÃ TÂN THÔNG HỘI, HUYỆN CỦ CHI

Nằm trong cái nôi cách mạng, nơi mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cho 4 chữ vàng ĐẤT THÉP THÀNH ĐỒNG, người dân Củ Chi đã một tấc đất không nhượng cho giặc và mỗi người dân là một chiến sĩ dũng cảm cho đến ngày thống nhất đất nước.

Con cháu họ Ngô đã cùng những người dân Củ Chi, từ bao đời, đã bám đất bám làng và tham gia kháng chiến. Cơ bản dòng họ Ngô là thành phần nông dân như hầu hết những dòng họ miền Nam, đã từng được coi là những con người đi mở đất, bởi những nguyên do khác nhau, họ đã có công mở rộng bờ cõi về phương Nam. 

Ông tổ họ Ngô là Ngô Văn Pho. Ông còn có thêm một người anh hay em, theo đoàn người cùng trên con đường Nam tiến. Nghe ông cha kể lại, khi ấy có thể hai ông còn rất nhỏ, đi theo một bà cô (không phải mẹ), được bà nuôi nấng dạy dỗ và cưới vợ cho, và cùng nhau sinh sống trên mảnh vườn thửa ruộng mà họ khai phá được. 

Không ai rõ họ tên bà cô và người anh hay em kia. Thế nên ông Ngô Văn Pho là người còn lại, được con cháu nhớ ngày giỗ, được coi như là ông tổ đời 1 họ Ngô. Vợ ông là một thôn nữ tên là Lê Thị Dầu. Đôi vợ chồng trẻ sinh được ba người con: 

- Thứ hai : NGÔ THỊ GIÁ

- Thứ ba : NGÔ THỊ BÔNG

- Thứ tư : NGÔ VĂN MI 

Hai người chị gái của ông Pho, không thấy con cháu ghi ngày giỗ. Có thể, theo phong tục tập quán xưa, những cô  con gái, sau ngày vu qui, đã thuộc về tộc họ chồng, ít khi được ghi nhớ trong dòng họ, hoặc hai người chị này của ông Mi đã chết lúc nhỏ. Tại nhà bà Ngô Thị Rì (đời IV, nhánh Ngô Văn Xưởng), bà có lập hai trang thờ  hai bà cô này, nhưng đặt ở ngoài vườn hoa, không có làm lễ giỗ.

Ông Ngô Văn Mi, là con trai độc nhất trong gia tộc, lại là một nhà giáo, một lương y có tiếng về nghề nghiệp và y đức. Ông bà có năm người con: 

- Thứ hai : NGÔ THỊ LÒNG

- Thứ ba : NGÔ VĂN HƯỞNG (bác sĩ), 

- Thứ tư :NGÔ VĂN XƯỞNG

- Thứ năm : NGÔ VĂN XƯƠNG

- Thứ sáu : NGÔ VĂN NI 

Như phần đông các nhà Nho thời bấy giờ, ông đã giáo dục cháu con tình gia tộc, ơn nghĩa xóm làng và lòng yêu nước sâu sắc. Những người con, rể, cháu nội của ông tham gia cách mạng như ông Ngô văn Xương theo Việt Minh kháng Pháp, làm Công an xã, bị bắt và khi giặc thả ra, do bị tra tấn và những năm tù đày, ông Ngô Văn Xương bị bịnh lao, rồi chết. Kế đến con rể là Phan Văn Dứt (chồng bà Ngô thị Ròn), bị giặc Pháp phục kích trong khi làm nhiêm vụ (hy sinh khi ấy ông mới 22 tuổi).

Em kế bà Ròn là ông Ngô Văn Rón, tham gia trong quân đội hai thời kỳ. Ông Ngô Thanh Nì (con ông Ngô Văn Xưởng) tham gia bộ dội khi còn rất trẻ, hiện nay là bí thư chi bộ ấp Trung. Ngoài ra còn những người con trung hiếu khác như ông Ngô Văn Xưởng (đời 3) có 3 người con đều theo cách mạng. Đó là ông bà Ngô Thị Vững và chồng Nguyễn Văn Luôn. Và hai em của bà Vững là Ngô Văn Tây (mất tích) và Ngô Văn Lai (liệt sĩ).

Các đời sau, trong hòa bình, con cháu họ Ngô học hành đỗ đạt cao trong các trường đại học (Ngô Thị Phượng, Lê Thị Liễu, Nguyễn Anh Kiệt, Du Tấn Trung, Du Nguyễn Hoàng, Ngô Mỹ Duyên, Ngô Kim Hoa, Trần Thị Mai Hảo, Trần Thị Vân Anh, Phạm Thị Thanh Loan, Ngô Thanh Tâm), là kỹ Sư (Đỗ Văn Tới, Ngô Thị Nga ), là trung cấp chuyên nghiệp (Ngô Văn Hoàng, Ngô Thị Hồng Nhung, Ngô văn Hòa, Ngô Hòa Bình, Ngô Thị Thu Hồng, Lê Thị Tuyết, Ngô Văn Thành ), là sư phạm (Du Hoàng Hậu, Lê Thị Thân). Điều đáng quí là hầu hết anh em, con cháu họ Ngô thành đạt trở về phục vụ cho quê hương Củ Chi. 

Giữa một làng quê rạng ngời những chiến công như thế, con cháu họ Ngô cũng đã biết cầm súng bảo vệ tổ quốc, và hiện nay, trong hòa bình cháu con ra sức học tập để xây dựng quê hương.

IV. ĐẶC ĐIỂM DÒNG HỌ NGÔ

1. TRONG DÒNG TỘC

Bà con họ Ngô sống quây quần trong thửa đất mảnh vườn của ông cha để lại, hỗ trợ giúp đỡ nhau. Đó là những nông dân chân chất, chăm chút vườn rau, ruộng lúa. 

2. ĐỐI VỚI ĐẤT NƯỚC

Họ Ngô thừa hưởng của ông cha lòng yêu quê hương và sẵn sàng hy sinh tài sản của cải, máu xương khi tổ quốc cần (như các ông Ngô Văn Tây, Ngô Văn Lai, Phan Văn Dứt (chồng bà Ngô Thị Ròn), cả 3 là liệt sĩ (đời IV), bà Ngô Thị Vửng chiến (đời III), cùng chồng là Nguyễn Văn Luôn, tiếp đến là các ông Ngô Văn Nì, Ngô Văn Rón (đời IV), tham gia kháng chiến 2 thời kỳ. 

Trong hòa bình, hầu hết con cháu họ Ngô vươn lên trong học tập khoa học kỹ thuật, tham gia chình quyền địa phương, góp phần sự tiến bộ đất nước.

3. NHỮNG CUỘC HÔN NHÂN TỐT ĐẸP

Theo lễ giáo phương đông, các căp vợ chồng luôn được cha mẹ đôi bên cưới gã cho, có sự đồng thuận của con cái. Và có nhiều gương sống thuận hòa đến mãn đời. Dòng họ Ngô ở Tân Thông Hội sống quần cư trong các thôn ấp cạnh nhau và các họ được gắn kết với họ Ngô như sau: Lê, Nguyễn, Võ, Phạm, Phan, Trần, Kiều, Trịnh, Đỗ.

V. NGUYỆN VỌNG

Cùng với đất nước chuyển mình, các xã nông thôn thuộc huyện Củ Chi đã dần thay đổi từ  môi trường đến đời sống tinh thần. Con cháu họ Ngô sẽ cùng góp công sức và phát huy nề nếp gia phong:

- Nhớ ơn Tổ tiên, tôn tạo mồ mả, thờ cúng giỗ.

- Thương yêu đoàn kết trong dòng họ, xóm làng.

- Cùng nhau nâng cao kiến thức chuyên môn phục vụ nghề nông.

- Cùng học hành tiến bộ trong khoa học và các ngành nghề khác.

Trong một tương lai không xa, cùng sự góp sức của cộng đồng, với một chương trình Nông Thôn Mới mở rộng, con cháu họ Ngô chúng ta có dịp thi thố tài năng làm cho thôn làng giàu có tươi đẹp hơn lên.