065. Gia phả họ Lý (ở 2 huyện Bình Dương & Tân Long, phủ Tân Bình)
21/08/2022 11:35:30Gia phả họ Lý ở 2 huyện Bình Dương & Tân Long, phủ Tân Bình (sau là TP Sài Gòn - Chợ Lớn nay là nội thành TP.HCM) được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2011.
LỜI NGỎ
Theo Văn bia khắc trên mộ phần, con cháu các thế hệ tộc Lý biết được ông Lý Xáng Ái người họ Lý từ Trung Hoa vào Việt Nam năm 1820 - cùng thời Nguyễn Gia Long - ông mất năm 1862, không biết năm sanh. Khi được 20 tuổi - năm 1820, ông rời quê hương thôn Sa Loan Tư Tạ, huyện Phiên Ngung tỉnh Quảng Đông, là đời thứ 24 chi phái Cửu Viễn Đường sang Việt Nam.
Nguyên cớ gì rời quê hương, chúng ta chưa được tường tận, nhưng trong chi phái họ Lý lập nghiệp tại vùng Chợ Lớn biết được ông chọn nơi đây là quê hương thứ hai, lập gia thất với người Việt sanh con và phát triển chi họ đến nay thêm 7 đời. Nếu tính người đầu tiên dừng chân vùng đất nầy, sanh cơ lập nghiệp thì ông Lý Xáng Ái đứng vào Đời I.
Con cháu các thế hệ, kẻ nhớ người quên về mối liên quan đến dòng họ, bởi không được ghi chép. Điều biết tương đối có hệ thống được khắc trên bia mộ, Bảng Tông chi họ Lý và những văn bản tương phân thừa tự. Những tư liệu quí ấy chưa thể làm hài lòng những người đương thời. Vì vậy, trong dòng họ quyết tâm lập Gia phả và bởi sinh sống lâu đời trên đất nước Việt Nam, trong họ chọn cách dựng phả theo phương pháp của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thành phố Hồ Chí Minh. Điều quan trọng mong muốn là được ghi chép cội nguồn dòng họ.
Những điều gia phả ghi lại, cho đời sau tỏ tường công lao, đức độ của ông bà đã tạo dựng và phát triển họ tộc; cho con cháu các thế hệ biết mối quan hệ họ hàng. Từ hiểu rõ quá khứ, truyền thống tốt đẹp của dòng họ, các thế hệ nối tiếp phấn đấu giữ gìn và rèn luyện để ngày càng làm rạng danh cho bản thân, gia đình và họ tộc.
Trong thân tộc họ Lý, từ Đời thứ IV và Đời thứ VII, con cháu phân tán nhiều nơi, kẻ sang Pháp, Mỹ, người còn ở lại Việt Nam. Khu vực mộ phần ở Chợ Lớn và Phú Thọ Hòa, tuy vẫn còn những ngôi mộ khang trang song cũng bị người cư ngụ xung quanh dần lấn chiếm.
Nay, tôi là Gilbert Lý Văn Mạnh tự Hiếu, con ông Albert Lý Văn Mạnh, cháu cố ông Lý Tường Quang, cháu sơ ông Lý Xáng Ái – thuộc Đời thứ VI, với tư cách người giữ Hương hỏa dòng họ Lý rất mong muốn lập Gia phả họ: Trước là tìm biết thêm về ông bà, những vị thời trước, cách sống, tư tưởng và những công việc đã làm, sau là để biết thêm về bà con, họ hàng hiện giờ và cũng để lại cho thế hệ sau những tư liệu quí về dòng họ một cách có hệ thống.
Tuy nhiên, muốn xây dựng một bộ gia phả hoàn chỉnh cần phải có thời gian, nhân lực và những chuyên môn nghiệp vụ nhất định. Vì thế, với sự đồng ý của bà con thân tộc, tôi tìm đến những anh chị thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Tp.HCM, giúp đỡ dựng phả họ tộc.
Ngày 21/7/2010, trong chuyến về nước giải quyết công việc tôi đã làm việc với Trung tâm và Trung tâm cử nhóm thực hiện gia phả cùng những người đại diện dòng họ tìm hiểu, ghi chép về bà con trong thân tộc. Đến nay, Gia phả họ Lý đã cơ bản hoàn thành xin giới thiệu đến bà con dòng họ để chúng ta cùng tham khảo.
- Bộ Gia phả họ Lý được dựng theo bố cục như sau:
Phần thứ nhứt : Phả ký.
Phần thứ hai : Phả hệ.
Phần thứ ba : Phả đồ.
Phần thứ tư : Ngoại phả.
Cội nguồn và công lao khó nhọc của tổ tiên chúng ta chỉ qua chuyện kể. Trong các bước sưu tầm thân tộc các thế hệ, kẻ nhớ người quên, lại có người chưa chung tay, góp sức. Vì vậy, bước đầu tập hợp chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót, rất mong bà thông cảm bổ sung để gia phả ngày càng hoàn chỉnh và dặn dò thêm con cháu hiểu về cội nguồn.
Cũng qua đây chúng tôi xin chân thành cảm ơn Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Tp.HCM và Tổ Thực hiện: ông Võ Văn Sổ, bà Đoàn Lê Phong cùng ông Đào Văn Chương đã giúp chúng tôi hoàn thành bộ gia phả này. Xin hoan nghênh sự hợp tác của rất nhiều bà con trong họ nhất là gia đình bà Lý Thị Dàng và ông Nguyễn Đạt Nhiếp đã dành nhiều thời gian quí báu trong quá trình sưu tầm tư liệu. Bộ Gia phả nầy hoàn thành vào tháng Mười Hai năm Tân Mão 2011, để luôn cập nhật thông tin thân tộc, cứ 5 năm một lần, con cháu các thế hệ tiếp tục cung cấp diễn biến và phát triển từng chi, nhánh, bổ sung kịp thời vào Gia phả. Gia phả tộc Lý chủ yếu lưu truyền trong dòng họ. Trường hợp đặc biệt, những nhà nghiên cứu lịch sử cũng có thể sử dụng tư liệu, sau khi trao đổi với gia tộc.
Cháu Đời VI
Gilbert Lý Văn Mạnh (Hiếu)
PHẢ KÝ
Dòng họ Lý – ông Lý Xáng Ái rời Sa Loan Tư Tạ thôn, huyện Phiên Ngung, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đến Việt Nam sinh cơ lập nghiệp dừng chân tại thôn Nhơn Hòa (sanh quán của ông Lý Tường Quang), huyện Tân Long, phủ Tân Bình nay là khu vực quận 5, Chợ Lớn.
Theo lời con cháu, những chuyện kể về người họ Lý đầu tiên đến đất Chợ Lớn không nhiều, nhưng thông tin trên bia mộ, cấu trúc phần mộ, cho thấy, lúc ông qua đời, gia cảnh khá giả. Khi chọn Việt Nam là quê hương thứ hai, ông Lý Xáng Ái từ Quảng Đông di chuyển bằng đường biển, đến cửa Cần Giờ xuôi theo sông Sài Gòn đến định cư trên đất Chợ Lớn. Nơi đây, ông sinh sống bằng nghề buôn bán, việc kinh doanh ngày một thuận lợi, ông được tín nhiệm giữ chức Bang trưởng Quảng Triệu, tức Bang Quảng Đông.
Ông Lý Xáng Ái cưới vợ người Việt Nam là bà Trần Thị Nghệ - chánh thất, bà Huỳnh Thị Thơ – thứ thất. Ông và hai bà sanh con và phát triển dòng họ đến ngày nay.
Phần phả ký này chủ yếu đề cập đến các vấn đề sau:
- Xác định tổ quán và thủy tổ họ Lý.
- Phát tích dòng họ.
- Những đặc điểm của dòng họ và mối quan hệ của dòng họ đối với xã hội.
I. NGUYÊN QUÁN TỘC LÝ Ở VIỆT NAM: THÔN NHƠN HÒA, HUYỆN TÂN LONG, PHỦ TÂN BÌNH
Khi ông ông Lý Xáng Ái đến định cư tại vùng đất nầy, lúc ấy vùng Sài Gòn là trung tâm chính trị nơi trị phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, còn vùng Chợ Lớn thuộc huyện Tân Long, trung tâm thương mại của đa số người Hoa.
Năm 1836 ,vua Minh Mạng cử Khâm sai Trương Đăng Quế vào đo đạc và lập sổ địa bạ cho 6 tỉnh Nam Kỳ. Nhờ có sổ địa bạ mà ta biết được vị trí làng, ấp, xã, thôn, tổng, huyện , phủ, tỉnh một cách rõ ràng.
Những thôn, huyện liên quan đến gia tộc họ Lý:
- Huyện Bình Dương có 6 tổng là Bình Trị Thượng, Bình Trị Trung, Bình Trị Hạ, Dương Hòa Thượng, Dương Hòa Trung, Dương Hòa Hạ. Trong đó, tổng Bình Trị Trung có 20 thôn, 1 phường đã thấy tên Nhơn Hòa thôn.
- Huyện Tân Long có 6 tổng là Tân Phong Thượng, Tân Phong Trung, Tân Phong Hạ, Long Hưng Thượng, Long Hưng Trung, Long Hưng Hạ. Trong đó, tổng Tân Phong Thượng có 3 xã, 25 thôn, 1 ấp, đã có thôn Nhơn Giang và thôn Lộc Hòa.
Trạm Gia Cẩm có một sở đất cạnh sông lớn, rừng rậm, đường Thiên Lý và đường nhỏ, tất nhiên, ta hiểu, lúc nầy họ Lý nhà ta chưa xuất hiện, cho đến năm 1859, Pháp đánh chiếm thành Gia Định.
Qua năm 1862, ngày 5 tháng 6, triều đình Huế cắt nhượng 3 tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường cho Pháp. Từ đó, Pháp chia 3 tỉnh miền Đông thành 16 địa hạt (arrondissement)
Năm 1872, tỉnh Saigon còn 5 hạt.
Năm 1876, Pháp phá bỏ khung hành chánh “lục tỉnh” chia Nam kỳ thành 4 khu vực (Circonscription) có tất cả 19 địa hạt (arrondissement). Khu vực Saigon có 5 địa hạt: Saigon, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa và Bà Rịa. Địa hạt Cholon cùng với Gò Công, Tân An, Mỹ Tho thuộc khu vực Mỹ Tho.
Năm 1880, Pháp lập thêm một địa hạt mới là địa hạt 20 (20è arrondissement) có 2 tổng: Bình Chánh Thượng và Dương Minh. Ranh giới 2 tổng là đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay. Phía Nam là tổng Dương Minh có 18 xã thôn. Phía Bắc đường là tổng Bình Chánh Thượng có 10 xã thôn – Nhơn Hòa và Nhơn Giang ở vùng Chợ Lớn.
Thời điểm này 2 thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn còn hẹp và tách rời nhau, ranh giới Sài Gòn trong phạm vi huyện Bình Dương xưa, từ cầu Thị Nghè đến góc Ba Son, giáp sông Sài Gòn và vàm Bến Nghé đến đường Nguyễn Thái Học, nối lên Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thị Minh Khai đến Công viên Lê Văn Tám (Nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi) rồi xuống Cầu Nhị Thiên Đường chỉ rộng 447ha và cách thành phố Chợ Lớn bằng một miền quê thuộc các thôn, xã Phú Thạnh, Thái Bình, Nhơn Hòa, Tân Thành, Tân Hòa, Bình An, Tân Quang, Nhơn Giang, Tân Kiểng, Tân Châu, Hòa Bình. Đến đầu thế kỷ 20, hai thành phố mới giáp ranh nhau và các xã thôn nầy mới nhập vào thành phố.
Thành phố Chợ Lớn rộng hơn Sài Gòn, vùng huyện Tân Long xưa gồm có các thôn xã cũ như: Minh Phụng, Bình Tây, Bình Tiên, Bình Đông, Phong Phú, Long Vĩnh (trong vòng đường An Bình lên đại lộ Hùng Vương; Ngã Sáu lên đường Ba Tháng Hai xuống rạchBến Nghé đến rạch Lò Gốm, bến Phú Lâm; phía Bắc thì theo đường Ba Tháng Hai từ Phú Lâm đến Nguyễn Thiện Thuật).
Năm 1888, giải thể địa hạt 20, các thôn xã nhập vào Sài Gòn.
Đến 1889 (20/12/1889) các địa hạt đổi thành tỉnh (province), địa bàn xưa thành tỉnh Gia Định, thành phố Sài Gòn, thành phố Chợ Lớn.
Năm 1910, thành phố Sài Gòn đã giáp ranh với thành phố Chợ Lớn, Bắc giáp Thị Nghè, Đông giáp sông Sài Gòn, Nam giáp rạch Bàu Đồn (chưa có Kinh Tẻ), Tây giáp thành phố Chợ Lớn (nơi đại lộ Nguyễn Văn Cừ).
Thành phố Chợ Lớn trên địa bàn quận 5, quận 6 và một phần quận 10, Bắc giáp đường chiến lược 2, (tức đường Ba Tháng Hai, Đông giáp đường Nguyễn Văn Cừ, Nam giáp rạch Bến Nghé ( rạch Tàu Hủ) Tây giáp rạch Lò Gốm) tỉnh Gia Định có 18 tổng; tỉnh Chợ Lớn có 11 tổng.
Năm 1917, tỉnh Gia Định chia thành 4 quận: Hóc Môn, Thủ Đức, Gò Vấp, Nhà Bè.
Năm 1931, hai thành phố sáp nhập lại gọi là địa phương Saigon-Cholon (Région de Saigon-Cholon).
Năm 1944 thành lập thêm tỉnh Tân Bình, lấy các xã ở khu vực Gia Định, Thủ Thiêm, Nhà Bè, tỉnh lỵ ở Phú Nhuận, nhưng chưa bao lâu thì bùng nổ Cách Mạng Tháng Tám nên bị giải thể, sau đó thành quận Tân Bình.
Từ năm 1954 về sau, Saigon là thủ đô của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Tỉnh Gia Định xưa chia ra: Đô thành Sài Gòn, tỉnh Hậu Nghĩa, tỉnh Bình Dương, tỉnh Tây Ninh, tỉnh Long An và tỉnh Gò Công.
Từ năm 1959, hai thành phố Saigon-Cholon hoàn toàn sáp nhập vào nhau gọi là Đô thành Sàigòn, đứng đầu là một Đô trưởng, chia làm 8 quận, dưới quận là phường
Đến năm 1967, lập thêm quận 9 ở Thủ Thiêm và lập thêm quận 10, quận 11 tách ra từ các quận 3, 5 và 6.
Tỉnh Gia Định có 8 quận, trong đó quận Tân Bình có các xã: Bình Hưng Hòa, Phú Nhuận, Phú Thọ Hòa, Tân Phú, Tân Sơn Hòa, Tân Sơn Nhì, Vinh Lộc (Phú Thọ Hòa do Phú Thọ và Lộc Hòa nhập lại).
Sau năm 1975, Đô thành Sài Gòn và tỉnh Gia Định được vinh dự mang tên thành phố Hồ Chí Minh, có 12 quận nội thành và 6 quận ngoại thành là quận 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và các huyện là: Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ.
Hiện nay, có thêm quận 2, 7, 9, 12 Bình Tân, Tân Phú tách từ các quận, huyện sẵn có mà thành. Dưới quận là phường, dưới huyện là xã.
Ngày nay, quận 5 có 15 phường, ranh giới phía Bắc là đại lộ Hùng Vương, Nguyễn Chí Thanh, phía Đông giáp đại lộ Nguyễn Văn Cừ, phía Tây giáp bến Dương Công Trừng và đường Ngô Nhân Tịnh, phía Nam giáp kinh Tàu Hủ.
Quận Tân Bình là 4 xã cũ Tân Sơn Hòa, Tân Sơn Nhì, Phú Thọ Hòa và Tân Phú, nay quận Tân Bình tách ra lập quận Tân Phú thì phường Phú Thọ Hòa thuộc quận Tân Phú.
II. PHÁT TÍCH DÒNG HỌ
Nghiên cứu Chi tiết phần Ngoại phả.
Thân tộc biết rằng ông Lý Xáng Ái, thân phụ ông Lý Tường Quang, là người đầu tiên họ Lý từ Trung Quốc sang sinh sống tại Nam Kỳ; lần lượt lớp con cháu đã nổi tiếng một thời ở thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn; nếu gia phả họ Lý mà viết từ ông trở về sau, e rằng cũng chưa hình dung được tổng thể, căn nguyên họ Lý từ đầu (cội nguồn) đến nay.
Tầm căn vấn tổ, nước chép sử, làng xã biên địa chí, họ tộc trùng tu gia phả, đó là nhiệm vụ thiêng liêng của mọi người, do đó, ta không thể không tìm thêm về quy mô họ Lý từ ngàn xưa.
Tại Trung Quốc, một Ban Biên tập họ Lý do những người Hoa ở hải ngoại và tại bản địa thành lập và viết nên bản “Quảng Đông Lý thị An Chánh Công phả hệ” xuất bản năm 2003, đã làm sáng tỏ từng thế hệ họ Lý. Xin chép ra để thân tộc cùng tham khảo. Trong bản chánh người ta chia ra làm 3 thời kỳ:
1. Thế hệ Viễn cổ thời đại, viết từ đời I
2. Thế hệ Nguyên Thận Công từ thời nhà Đường, lấy lại đời I cho đến đời thứ 20 Văn Tĩnh Công.
3. Thế hệ An Chánh Công từ thời nhà Tống trở lại , từ đời I cho đến đời 10 khoảng Tống mạc đến đời Nguyên sơ là hết. Ban Biên tập còn đang chờ các chi phái bổ sung tiếp.
Phần chi tiết xem tiếp trong Ngoại phả.
Phả hệ viết rằng:
Ông tổ Lợi Trinh Công, người đầu tiên mang họ Lý, ông là cháu 7 đời của vua Hiên Viên Huỳnh Đế, có tên là Cao Đào làm chức Đại Lý tư pháp trưởng quan thời vua Nghiêu, vì vậy, nên lấy tên quan đặt làm họ, tức họ Lý, nhưng viết là: (理) Truyền đến đời thứ 36 là Lý Chính Công, ông vì nhân dân bá tánh mà can gián vua Trụ nên bị giết. Vợ ông là Khiết Hòa Thi bồng đứa con nhỏ tên Tiếp Lực (tức Lợi Trinh sau này) chạy về tỵ nạn ở bờ đập Y Hầu (nay thuộc tỉnh Hà Nam), giữa đường bị đói khát nhờ ăn trái lý mà sống sót, để nhớ ơn ấy nên đổi từ họ Lý (理) sang họ Lý (李) và từ tên Lý Trinh, được hài âm thành Lợi Trinh. Bắt đầu từ đó, họ Lý đã sanh sôi nảy nở đông đúc khắp cả bốn phương, sản sinh nhiều bậc anh tài kiệt xuất, là một trong bách gia tính sáng chói nhứt trong thời gian nầy.
Về nguồn gốc phát tích họ Lý từ Thượng cổ thời đại cho đến cuối thế kỷ XIII, nhà Nguyên thành lập. Ở Việt Nam, nhà Trần đã có vị vua thứ 3 là Nhân Tông. Từ đó đến nay, phả họ Lý chưa có công trình nào tiếp tục, công việc “Kế chí thuật sự” về ông Lý Xáng Ái tưởng chừng như bế tắc, đành quay lại tìm những địa chỉ: ở nhà từ đường và văn bia, mộ chí họ Lý ở vùng Chợ Lớn xưa.
Nơi đây có những mục tiêu được chú ý như sau:
• Mộ bia ông Lý Xáng Ái ghi:
- Hoàng Thanh, Hiển khảo húy Táo tự Xáng Ái, Lý công mộ chí.
- Quảng Triệu bang trưởng
- Chung ư Nhâm Tuất niên, nhị nguyệt tam thập nhựt.
Tức ông mất ngày 30 tháng 2 năm Nhâm Tuất 1862, đúng vào năm quân Pháp từ Trung Quốc trở lại Nam Kỳ sau khi họ đã chiếm Sài Gòn từ năm 1859, văn bia không ghi năm sanh
• Mộ bia ông Lý Tường Quang ghi:
- Hoàng Thanh, thọ chánh đại phu, nhẩm lục thế hiển khảo húy Tường Quang Lý công vực.
• Mộ bia ông Lý Thanh Sĩ (con ông Lý Tường Quang) ghi:
- Hoàng Thanh, Hiển khảo nhị thập thất thế tôn, húy Thanh Sĩ, Lý công chi mộ.
Ba ngôi mộ trên chẳng nói lên được điều gì? Nhưng cụm từ đời thứ 26 nơi mộ ông Lý Tường Quang và đời thứ 27, nơi mộ ông Lý Thanh Sĩ đã cho ta một bài toán khó có đáp số.
Đành phải tìm thêm tới bài văn bia nơi mộ ông Lý Tường Quang, thì được biết thêm:
“Ông nguyên gốc người tỉnh Quảng Đông huyện Phiên Ngung, thôn Sa Loan Tư tạ, thuộc đời thứ 26, tông phái Cửu Viễn Đường. Ông họ Lý, tên húy Tường Quang, hiệu là Phước Trai, sanh ra trên nước Việt Nam thời Thiệu Trị thứ hai nhà Nguyễn, đó là vào năm Nhâm Dần,…ở làng Nhơn Hòa, Gia Định…đến năm Bính Thân giờ Dậu ngày 21 tháng 10, trong lúc cười nói như thường, bỗng nhiên không ốm đau mà chết.”
Những chi tiết trên đây cho biết ông Lý Xáng Ái mất năm 1862, không biết năm sanh, nhưng có thể là khoảng năm 1.800, khi được 20 tuổi - năm 1820, đi sang Việt Nam, khoảng thời Thanh Gia Khánh – cùng thời Nguyễn Gia Long, ông lập gia đình sanh con cái và mất khi con là Lý Tường Quang được 20 tuổi. Văn bia hé mở cho ta chữ Cửu Viển Đường đời thứ 15; con là Lý Thanh Sĩ đời thứ 26, đương nhiên ông Lý Xáng Ái đời thứ 24 Cửu Viễn Đường.
Ta có thể kết luận rằng thời gian nầy, chỉ Cửu Viễn đường ở Thạch Bích thôn huyện Phiên Ngung, họ Lý thành lập cho đến đời 25, ông Lý Xáng Ái qua Việt Nam, với con số năm tương đối từ 1284 qua 600 năm cho 24 đời là chấp nhận được.
Từ đó, ta nói: Đời 25 Cửu Viễn đường ở Sa LoanTư Tạ thôn, Phiên Ngung huyện xuất phát từ ông Viễn tổ Lợi Trinh Công, đến Nguyên Thận Công, rồi An Chánh Công sanh ra: Minh – Lương –Đăng – Phong và ông Lý Xáng Ái là hậu duệ đời thứ 24 của một trong bốn vị nầy có phả hệ từ Trung Quốc theo như tập Quảng Đông Lý Thi An Chánh Công phả hệ đã chép.
III. SỰ PHÁT TRIỂN CÁC ĐỜI
Tuy có những lý giải có thể chấp nhận sự liên quan, giữa ông Lý Xáng Ái với phả hệ họ Lý ở Phiên Ngung, Quảng Đông, song chúng ta căn cứ vào thực tế và những cơ sở tư liệu tìm được để lập phả họ Lý ở Việt Nam. Từ đó, thống nhất phân định, người đầu tiên của họ Lý – Phiên Ngung, Quảng Đông lập nghiệp ở đất Chợ Lớn: ông Lý Xáng Ái là Đời I. Từ Đời I phát triển các đời như sau:
Đời I: Ông Lý Xáng Ái, ông lập gia thất với bà Trần Thị Nghệ và bà Huỳnh Thị Thơ, sanh 4 người con trai.
Đời II: 4 người con của ông Lý Xáng Ái:
1. Lý Quảng Quang.
2. Lý Đông Quang.
3. Lý Tường Quang.
4. Lý Thuận Quang.
Trong 3 người con của ông Lý Xáng Ái, người thứ I, thứ II, thứ IV chết trẻ, không có con. Chỉ người con thứ III là Lý Tường Quang lập gia thất với 3 người vợ Việt là Nguyễn Thị Tấn, Nguyễn Thị Lâu và Nguyễn Thị Cúc sanh ra 14 người con, trong đó có 9 con trai, 5 con gái.
Đời III:
Đến đời thứ III, quan hệ hôn phối cho thấy ông Lý Xáng Ái lấy vợ người Việt, sanh con mang dòng máu Hoa Việt. Đời thứ II ông Lý Tường Quang, lấy 3 bà vợ đều là người Việt, nên các con đời thứ III ảnh hưởng sinh hoạt, phong tục tập quán người Việt rất nhiều. Ba người vợ ông Lý Tường Quang đều có con như sau:
Con ông Lý Tường Quang với bà Nguyễn Thị Tấn:
- Lý Thanh Vân, Lý Thị Thoại, Lý Thị Quỳnh.
Con ông Lý Tường Quang với bà Nguyễn Thị Lâu:
Lý Thanh Huy, Lý Thanh Châu, Lý Thanh Trân, Lý Thanh Sĩ, Lý Thanh Đẩu, Lý Thanh Hà.
Con ông Lý Tường Quang với bà Nguyễn Thị Cúc:
Lý Thanh Lang, Lý Thanh Ngọc, Lý Thanh Bửu, Lý Thanh Hạnh, Lý Thanh Hửu. (Chi ghi đươc một phần thông tin nhánh ông Lý Thanh Lang)
Đời IV:
Do điều kiện định cư ở nhiều nước, nên việc tìm mối quan hệ thân tộc họ Lý từ đời IV trở về sau có nhiều khó khăn, phải sử dụng nhiều mối liên quan khác, có những tiểu chi, nhánh cung cấp không đầy đủ, nên có những tư liệu liên quan đến tộc họ - cả bên nội, chi họ Lý và bên ngoại, các họ khác đều đưa vô trong phần phả ký để con cháu tiện việc truy tìm.
Ông Lý Thanh Vân: có 2 người vợ là bà họ Ngô, mất sớm và bà Trương Thị Hậu. Ông bà chỉ sanh 1 người con gái là Lý Thu Liên.
Bà Lý Thị Thoại có chồng là Nguyễn Thọ Kỳ sanh con là bà Nguyễn Thị Mùi.
Bà Lý Thị Quỳnh có chồng là Ngô Tạo Hưng sanh con là Ngô Văn Long (Luông), Ngô Văn Huệ, Ngô Thị An, Ngô Thị Nhàn, Ngô Văn Khương, Ngô Văn Ninh, Ngô Văn Mẹo, Ngô Văn Phát.
Ông Lý Thanh Huy, có vợ là bà Lương Thị Bửu Quế sanh 6 người con 5 trai, 1 gái: Lý Văn Mạnh, Lý Văn Quý, Lý Văn Tú, Lý Văn Tài, Lý Văn Nguyên (Lý Thành Nguyên), Lý Thị Ân.
Lý Thanh Châu. có 3 bà vợ, với bà Huỳnh Thị Ngọ - chánh thất sanh 6 người con 1 trai, 5 gái: Lý Thị Mai, Lý Thanh Trước, Lý Thị Lựu, Lý Thị Điều, Lý Thị Dương; Với bà Văn Thị Nữ thứ thất sanh 3 người con gái: Lý Thị Nhị, Lý Thị Ngâu, Lý Thị Lài; Với bà Từ Nhuận Kim sanh 2 người con 1 trai, 1 gái: Lý Mỹ Anh, Lý Toàn Anh, tổng cộng gồm 10 người (3 nam, 7 nữ).
Lý Thanh Sĩ, có vợ nhưng chưa có thông tin về bà, sanh 4 người con 5 người 4 trai, 1 gái: Lý Văn Truy (Tri), Lý Văn Cơ, Lý Văn Hữu, Lý Thị Thàng, Lý Văn Thông, Lý Văn Minh.
Lý Thanh Đẩu, mất sớm không lập gia đình.
Lý Thanh Lang có 4 bà vợ. Bà thứ tư sanh 6 người con (2 trai 4 gái): Lý Thị Hai (Kiên), Lý Thanh Báu, Lý Thị Ngọc, Lý Thị Thành, Lý Thị Minh, Lý Văn Chánh.
Đời V:
Cháu ông Lý Thanh Vân, con bà Lý Thu Liên có chồng là ông Nguyễn Quý Anh (con trai của Kỳ Xuyên Nguyễn Thông) sanh 6 người con: Nguyễn Minh Truyết, Nguyễn Minh Nguyệt, Nguyễn Minh Duệ, Nguyễn Minh Tuyết, Nguyễn Minh Hòa, Nguyễn Minh Hiệp.
Cháu bà Lý Thị Quỳnh biết được nhánh ông Ngô Văn Huệ có các con: Ngô Thị Phước, Ngô Văn Hiền, Ngô Văn Trung, Ngô Thị Hậu, Ngô Thị Hạnh, Ngô Thị Hòa, Ngô Văn Hảo, Ngô Thị Diệu, Ngô Thị Dàng, Ngô Thị Quới, Ngô Văn Thắng.
Cháu ông Lý Thanh Huy:
Con ông Lý Văn Mạnh, có vợ là Nguyễn Thị Hoa sanh các con: Dominique Lý Văn Mạnh, Louise Lý Thị Hường, Jeanne Lý Anh Kiều; với bà Võ Thị Ban sanh các con: Lý Hoàng Mai, Albert Lý Văn Minh, Paul Lý Văn Bằng, Marcelle Lý Thị Khanh, Marie Lý Thị Hoa Nối tiếp là các ông bà: Lý Văn Quyền, Lý Hoàng Dung, Lý Văn Hiếu, Lý Văn Nghĩa, Lý Hoàng Liên đều định cư sang Pháp ngoài tên mang họ Lý còn có tên đệm tiếng Pháp.
Con ông Lý Văn Quý là Pierre Lý Văn Vị.
Con ông Lý Văn Tú là Paul Lý Văn Tú, Jeanne Lý Thị Lệ, Julie Lý Thị Hoa.
Con ông Lý Văn Tài là Juliette Lý Thị Nhàn và Gabrielle Lý Thị Tý.
Con bà Lý Thị Ân là Goeges Nguyễn Văn Sáng và Francois Nguyễn Văn Sáng.
Cháu ông Lý Thanh Châu:
Con bà Lý Thị Điều là Trần Thanh Xuân, Trần Xuân Sang, Trần Thị Xuyến, Trần Thị Trang, Trần Thị Xiếu, Trần Văn Nghĩa.
Con bà Lý Thị Dương là Phạm Hiệp Hòa, Phạm Hiệp Hảo, Phạm hiệp Bảo, Phạm Hiệp Ân, Phạm Hiệp Thạnh.
Con bà Lý Thị Lài là Trần Túy Quyên, Trần Lý Trí, Trần Duy Nhơn.
Con bà Lý Mỹ Anh là Phan Mỹ Dung, Phan Anh Dũng, Phan Mỹ Duyên, Phan Xuân Diên, Phan Xuân Duy, Phan Xuân Dung.
Con ông Lý Toàn Anh là Lý Anh Thư và Lý Thanh Phong.
Cháu ông Lý Thanh Sĩ:
Con ông Lý Văn Truy (Tri) là Lý Văn Nở sanh con là Lý Thanh Liêm; Lý Thành Lộc.
Con ông Lý Văn Cơ là Mai Văn Đán.
Con ông Lý Văn Hữu là Nguyễn Thị Nhơn và Nguyễn Văn Chánh.
Con bà Lý Thị Thàng là Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thanh Xuân, Nguyễn Thanh Gia, Nguyễn Thanh Lễ, Nguyễn Thị Mỹ Yên.
Con ông Lý Văn Thông là Lý Văn Thạnh, Lý Văn Thảo.
Con ông Lý Văn Minh là Lý Văn Phát, Lý Thị Nhang, Lý Văn Thành, Lý Thành Nhạn, Lý Thị Xuyến, Lý Văn Ngọc (Tâm), Lý Văn Ân, Lý Thành Danh, Lý Hồng Lợi.
Cháu ông Lý Thanh Lang:
Con bà Lý Thị Hai (Kiên) là Dương Văn Tước, Dương Minh Huệ, Dương Thị Bé Tư.
Con ông Lý Thanh Báu Lý Thị Hùng Anh, Lý Thị Tuyết Mai, Lý Thành Kiệt, Lý Thành Tâm, Lý Thành Trung, Lý My Ri Na.
Con bà Lý Thị Ngọc: Trần Thanh Sơn, Trần Thanh Vân, Trần Thanh Hân, Trần Thanh Tùng, Trần Thanh Tuyết.
Con bà Lý Thị Thành là Ala Lê Đồng, Lorang Lê Điền, Sébastien Lê Điện
Các đời VI và một số chi có Đời VII, nhưng ở Việt Nam không nhiều, phần lớn định cư sang Pháp, Mỹ. Tuy nhiên, khi có điều kiện đều về Việt Nam thăm mộ phần ông bà và nhờ người trông coi, chăm sóc mộ phần.
IV. ĐẶC ĐIỂM THÂN TỘC HỌ LÝ
1. Việc hôn phối trong dòng họ Lý
Họ Lý định cư tại vùng Chợ Lớn trên 200 năm. Từ ông Lý Xáng Ái, lập gia thất ông đã có chủ ý, kết hôn cùng người Việt Nam, sanh con nối tiếp dòng họ vẫn mang họ Lý, Đến đời thứ V, họ Lý đã phát triển 137 người, trong đó có 105 người mang họ Lý. Các Đời trong thân tộc phần lớn kết hôn với người Việt Nam và thông gia các họ khác: học Trần, Huỳnh, Nguyễn, Ngô, Trương. Lương (người Việt), Văn, Từ (người Hoa), Đời thứ VI, hôn phối với các họ người Pháp, người Mỹ... Những gia đình thông gia với họ Lý từ đời I đến đời V, sinh sống xung quanh khu vực Chợ Lớn, có quan hệ kinh doanh, mua bán. Các Đời V và VI sanh sống tản mát nhiều nước, nhiều địa phương khác nhau.
2. Kinh doanh, mua bán, sự nghiệp thành công
- Người điển hình là ông Lý Tường Quang, đời thứ II, ông được gọi là “Bá hộ Xường”, (nói theo tiếng Quảng Đông: Tường là Xường), xếp hàng thứ hai trong bốn vị giàu có nổi tiếng lúc bấy giờ: Nhất Sĩ, nhì Xường, tam Phương, tứ Định. Ông còn là Trưởng 7 Bang Hoa Kiều ở Saigon Cholon. Đến khi ông qua đời 15 năm, tài sản phân chia cho vợ, con mới đánh giá hết được.
Tổng cộng tài sản vợ con được nhận: 434 căn nhà (biệt thự, nhà lầu, dãy phố lớn nhỏ) 10.822.027m2 đất các loại, 1.238.383m2 (đất Hương Hỏa), 230.405đ tiền, 1.793 đồ dùng. Ông Lý Tường Quang biết sâu 3 thứ tiếng: Trung Quốc, chữ Nôm, và tiếng Pháp. Ông rất hiếu để trong việc chăm sóc mộ phần cho cha, anh và em. Ông còn để tâm giáo dục con tình cảm thương yêu nhau và phụng thờ ông bà. Vì vậy, với số tài sản kếch sù, việc phân chia rõ ràng, con cháu không tranh cải và thuận lòng giành phần Hương hỏa hợp lý. Các Đời III và IV tiếp tục xây mộ ông bà, cha mẹ trang trọng.
Đặc biệt, ông đã vận dụng chữ Nôm (một kiểu chữ mượn tự dạng Hán văn) để phiên dịch thành văn vần theo thể lục bát cho 3 bộ sách Tam Tự Kinh, Thiên Tự Văn và Ấu Học cho khắc in và lưu hành ở Nam Kỳ - do nhóm Biên soạn Gia phả nghiên cứu được
- Theo gương ông, con cháu có những đóng góp cho xã hội: Lý Thanh Lang qua công đức xã hội, được phong chức Kế Hiền ở làng Hiệp Hòa, Biên Hòa. Lý Văn Mạnh phụ trách Trường đua Phú Thọ và mở nông trường vùng Tân Tạo, Bình Chánh.Lý Văn Nguyên tức Lý Thành Nguyên là phi công, có lúc mang tên đường ở Chợ Lớn. Lý Thanh Vân làm Thông phán ngành Cảnh sát Sài Gòn một thời gian, sau nghỉ việc về nhà kinh doanh.
3. Truyền thống hiếu học
Ngoài ông Lý Tường Quang, đã nêu, trong họ Lý có những người ham học, học giỏi, được tiếng tốt như:
Lý Thu Liên giáo sư trường Áo Tím ngày xưa nay là trường Nguyễn Thi Minh Khai.
Lý Thanh Huy giữ chức Thông Sự cho Pháp 3 năm rồi cùng con sang Pháp du học, học xong trở về Việt Nam dạy học.
Lý Thanh Trân và chồng đều làm nghề dạy học.
Con bà Lý Thị Quỳnh là ông Ngô Văn Huệ đi Pháp lúc còn trẻ, thi Tú Tài và học Luật ở Pháp từ năm 1898 đến năm 1913. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Phú là một trong những giáo viên đầu tiên ở Chợ Lớn viết và nói giỏi tiếng Pháp.
Cháu nội bà Lý Thị Quỳnh, bà Ngô Thị Hạnh là bác sĩ tốt nghiệp Đại học Y khoa Paris, bà Ngô Thị Dàng là Giáo sư tốt nghiệp Đại học Văn khoa Paris La Sorbone với bằng Cử nhân Maitrise và CAPES (chứng chỉ khoa Pháp văn) chồng bà là ông Nguyễn Đạt Nhiếp, quê Ngọc Hà - Hà Nội, du học sang Pháp, tốt nghiệp ngành Vật Lý ESPCL, tốt nghiệp Quản lý Xí nghiệp, Đại học Paris, làm Giám đốc Thương mại cho một hảng Pháp đến khi về hưu; ông Nhiếp và bà Dàng rất quan tâm đến gia phả tộc họ đã đóng góp rất nhiều các tư liệu tộc Lý.
Bà Ngô Thị Quới, là Giáo sư, tốt nghiệp Đại học Paris La Sorbone với bằng Cử nhân và Maitrise Anh văn, nguyên là giáo sư Anh văn trường kỹ sư điện cơ Sudra Paris, Hội trưởng sáng lập Hội Aide à l’enfence oubliée du Việt Nam; chồng bà là ông Trần Tiễn Lang hậu duệ đại học sĩ Trần Tiễn Thành Thượng Thư, Thái bảo Cần Chánh điện triều đình Huế.
Về rễ, dâu thành đạt, nổi tiếng có ông:
- Nguyễn Quý Anh, chồng bà Lý Thu Liên con ông Lý Thanh Vân. Ông Quý Anh là con út của Kỳ Xuyên Nguyễn Thông ông về Phan Thiết lập ra Liên thành Thư xã, mở trường Dục Thanh, dựng Thương quán. Hảng nước mắm Liên Thành nổi tiếng hơn 100 năm xuất thân từ tổ chức nầy.
- Trương Thị Hậu là vợ ông Lý Thanh Vân tích cực trong phong trào Duy Tân, được Chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh viết bài văn bia nơi mộ phần.
Các cháu ngoại Đời V, con bà Lý Thu Liên có Nguyễn Minh Truyết, giáo sư Anh văn, Giám đốc Quản lý Nhân viên UNESCO
Nguyễn Minh Nguyệt cử nhân Luật, chồng là Bác sĩ Hồ Tá Khanh, con trai cụ Hồ Tá Bang.
Nguyễn Minh Hòa là Cử nhân, Nguyễn Minh Hiệp, cử nhân Tâm Lý học.
4. Truyền thống yêu nước và cách mạng
Trong họ không được nhiều người tham gia, nhưng có người thoát ly, người hy sinh như: Lý Toàn Anh, thoát ly tham gia kháng chiến, và người con bà Lý Thu Liên là Nguyễn Minh Duệ tự Long tham gia kháng chiến và hy sinh được công nhận Liệt sĩ.
5. Sự phân chia ngôi thứ trong tộc Lý
Trong thận tộc, cụ thể là các con ông Lý Tường Quang. Theo phả hệ. Ông Lý Tường Quang có 3 bà vợ, các con của ông Lý Tường Quang với ba bà không tính anh em riêng của từng bà mà xếp thứ tự theo năm sanh, ai sanh trước là anh hoặc chị, ai sinh sau là em. Tuy nhiên, do mối liên hệ hiện nay, việc lập phả thể theo từng chi chưa thể hiện được như mong muốn.
Những đặc điểm của thân tộc họ Lý vừa nêu là nguồn động viên con cháu các thế hệ phấn đấu làm nhiều việc có ích cho xã hội. Điều đáng nói là từ thế hệ thứ I, ông Lý Xáng Ái, xác định Việt Nam là quê hương thứ hai nên hòa đồng gắn liền với tập quán, phong tục xã hội. Các con ông Lý Tường Quang, mẹ là người Việt, cha mang hai dòng máu Việt – Trung càng gần gũi với người Việt Nam hơn từ việc học hành, cách ăn mặc, sinh hoạt cư xử… đều theo phong cách Việt Nam.
Việc dòng họ chủ trương dựng bộ gia phả là một việc làm thiết thực và rất có ý nghĩa, trước hết là để thắt chặt tình cảm bà con trong dòng họ, để con cháu có điều kiện hướng về cội nguồn, tìm hiểu, chiêm nghiệm những lối sống cao đẹp, sự cống hiến cho xã hội của cha ông trong quá khứ, đó cũng là phương cách giáo dục con cháu một cách hữu hiệu, giúp cho thế hệ ngày hôm nay tin tưởng, tự hào về truyền thống của tổ tiên mình để sống có ích cho gia đình và cho xã hội.
Các bậc tiền nhân đã thật sự làm rạng danh cho dòng họ. Những cống hiến cho xã hội và nhân cách sống của các bậc tiền nhân trong quá khứ sẽ là niềm tự hào và là sức mạnh tinh thần, luôn đồng hành cùng bước đường lập nghiệp tiến thân của hậu duệ tiếp tục lập nên những kỳ tích, viết tiếp những trang phả đầy tự hào của dòng họ trong tương lai.
Trong thời gian sưu tầm, nghiên cứu tư liệu trong tộc họ, việc cung cấp thông tin không được đầy đủ. Từ đời thứ VI trở về sau, còn thiếu rất nhiều. Đây cũng là một khiếm khuyết lớn trong việc dựng phả tộc Lý. Tuy nhiên, lực bất tòng tâm, mong rằng với khởi điểm thu thập hiện nay, các thế hệ nghiên cứu và bổ sung, để gia phả tộc họ ngày càng hoàn chỉnh.
IV. PHÁT HUY XÂY DỰNG DÒNG HỌ
Có GIA PHẢ, có MỒ MẢ ÔNG BÀ trong tộc họ Lý ta cần lưu tâm:
Trong họ tộc cùng chăm lo:
- Giỗ thân tộc nghiêm túc.
Bà con thân tộc chúng ta nên chọn ngày 21 tháng 10, ngày giỗ ông Lý Xáng Ái là ngày Giỗ Họ hàng năm để con cháu có dịp tề tựu đông đủ nhìn bà con, họ hàng, kết chặt tình cảm thân tộc.
- Gìn giữ mồ mả khang trang, là những công trình kiến trúc nghệ thuật quí giá, nếu được đăng ký phân vùng bảo quản, trước là tôn tạo mộ phần tổ tiên, sau nữa cần lưu lại một công trình độc đáo của tộc Lý.
- Tiếp tục xây dựng bộ gia phả hoàn chỉnh.
- Liên kết họ Lý nhằm mở rộng vòng tay thân tộc, kết nối quan hệ họ Lý đang định cư tại Việt Nam, Pháp, Mỹ.
Trong Gia phả, toàn tộc xin lưu ý:
- Trên Phả đồ chỉ thể hiện tên người họ Lý, con gái họ Lý, có chồng sanh con mang họ khác, các con không có tên trong phả đồ.
- Trong Phả hệ, những người con gái họ Lý, được thể hiện các chi tiết đến đời con, cháu nhưng không tách chi.
- Trong gia phả có một số người được nêu danh, nhưng thiếu thông tin về hành trạng. Việc nầy có nhiều nguyên nhân: Do sinh sống tản mát không liên hệ được, song cũng một phần do thiếu chung tay dựng phả.
Bộ Gia phả nầy hoàn thành vào tháng Mười Hai năm Tân Mão 2011, để luôn cập nhật thông tin thân tộc, cứ 5 năm một lần, con cháu các thế hệ tiếp tục cung cấp diễn biến và phát triển từng chi, nhánh, bổ sung kịp thời vào Gia phả. Gia phả tộc Lý chủ yếu lưu truyền trong dòng họ. Trường hợp đặc biệt, những nhà nghiên cứu lịch sử cũng có thể sử dụng tư liệu, sau khi trao đổi với gia tộc.
Các tin cũ
- » 064. Gia phả họ Ngô (ấp Thượng, Tân Thông Hội, Củ Chi TP.HCM) 21/08/2022 11:31:32
- » 063. Gia phả họ Nguyễn (ấp Tiền, Tân Thông Hội, Củ Chi, TP.HCM) 21/08/2022 11:26:18
- » 062. Gia phả họ Đinh (ấp Chánh, Tân Thông Hội, Củ Chi TP.HCM) 20/08/2022 22:56:56
- » 061. Gia phả họ Lê (ấp Trung, Tân Thông Hội, Củ Chi, TP.HCM) 20/08/2022 22:44:50
- » Tiêu chí bình chọn danh hiệu hội đồng dòng họ Việt Nam 20/08/2022 22:38:47
- » 060. Gia phả họ Liêu (xã Tân Thông Hội & xã Tân An Hội, Củ Chi, TP.HCM) 20/08/2022 22:31:06
- » 059. Gia phả họ Phạm (ấp Chánh, Tân Thông Hội, Củ Chi, TP.HCM) 20/08/2022 22:20:09
- » 058. Gia phả họ Trương (xóm Dinh, Tân Đông, Gò Công Đông, Tiền Giang) 20/08/2022 22:14:37
- » 057. Gia phả họ Nguyễn (ấp Tân Trạch, Bạch Đằng, Tân Uyên, Bình Dương) 20/08/2022 22:04:52