Trang chủ > 066. Gia phả họ Trần (xã An Tịnh, Trảng Bàng, Tây Ninh)

066. Gia phả họ Trần (xã An Tịnh, Trảng Bàng, Tây Ninh)

21/08/2022 11:40:57

Gia phả họ Trần ở xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2012. 

LỜI TỰA

Con cháu họ Trần các đời sau thường được nghe người lớn kể chuyện về nguồn gốc dòng họ, về ông bà tổ tiên trong đám giỗ hay ngày chạp mả; không được đọc gia phả là sách ghi chép cặn kẽ lịch sử dòng họ. Đó là do dòng họ ta chưa dựng được gia phả. 

Tổ tiên họ Trần cư ngụ tại xã An Tịnh rất lâu đời, từ lúc An Tịnh còn là thôn Bình Tịnh, thuộc tổng Bình Cách, huyện Thuận An. Lúc đó Thuận An thuộc tỉnh Gia Định. 

Từ đó đến nay, với khoảng thời gian dài trên 160 năm, họ tộc Trần đã trải qua biết bao thăng trầm, mất mát, cùng với các dòng họ khác trở thành chòm xóm, láng giềng; đã đổ mồ hôi khai phá rừng hoang, đổ xương máu chống giặc ngoại xâm, giữ cho An Tịnh ngày nay xanh tươi, giàu đẹp; giữ cho dòng họ từ truyền thống lao động, đến truyền thống yêu nước được phát huy mạnh mẽ.

Từ tấm lòng tôn kính tổ tiên, muốn hiểu biết về nguồn gốc và lịch sử dòng họ, tri ân những bậc tiền hiền có công khai phá đất đai, tạo lập các đời con cháu; hậu duệ Đời Năm đã đề xuất việc dựng gia phả họ Trần ở xã An Tịnh và được đông đảo bà con đồng tình, đóng góp nhiều ý kiến quý báu. 

Ban Tổ chức dựng Gia phả họ Trần được cử ra gồm 11 thành viên các Chi, Nhánh trong dòng họ; đã liên hệ và nhờ Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả, thuộc Hội Khoa học Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, đảm trách việc dựng gia phả họ Trần. 

Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả đã cử chuyên viên về An Tịnh tiếp xúc với dòng họ, hướng dẫn sưu tầm tư liệu, ghi chép thông tin từ đời ông Sơ, bà Sơ cho đến đời Sáu, đời Bảy là thế hệ còn rất trẻ hôm nay. 

Nay thì Gia phả họ Trần xã An Tịnh đã được biên soạn xong.

Đọc gia phả họ Trần hiểu thế thứ họ tộc, biết lịch sử dòng họ, cùng lúc hiểu lịch sử vùng đất mà cha ông ta đã đổ mồ hôi, xương máu để xây dựng và gìn giữ.

Gia phả họ Trần xã An Tịnh gồm các phần:

- Lời Tựa

- Phả Ký: Ghi chép lược sử dòng họ Trần, qua đó, thể hiện lịch sử của xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng các thời kỳ. 

- Phả hệ: Ghi các đời từ ông Sơ-bà Sơ trở xuống, chia ra thành 3 Chi, với hành trạng từng người, ghi đến đời thứ Bảy.

- Ngoại phả: Ngày giỗ các ông bà và con cháu họ Trần đã mất. 

Phả đồ các Chi.

Chúng tôi trân trọng cám ơn sự nỗ lực của các chuyên viên gia phả, sự quan tâm của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thành phố Hồ Chí Minh, đã giúp họ Trần chúng tôi có được bộ gia phả quý báu nầy.

Gia phả họ Trần là quyển sử ghi chép dòng họ, các nhà nghiên cứu lịch sử- văn hóa có thể tham khảo.

TM. Ban Tổ chức dựng Gia phả họ Trần:

Trần Văn My, Trần Nam Vân,  

Trần Văn Giót, Trần Văn Phô

 

PHẢ KÝ

LƯỢC SỬ DÒNG HỌ

Tìm hiểu nguồn gốc dòng họ là tìm hiểu các sự việc từ thời ông bà tổ tiên khai cơ, lập nghiệp cho đến nay; gắn liền với sự tồn tại và phát triển của vùng đất ông bà ta sinh sống trong những giai đoạn lịch sử nhất định. 

Sách xưa có câu:

Quốc hữu quốc sử - Gia hữu gia phả

Nước có sử - Nhà có phả

Công việc tìm hiểu, ghi chép về sự phát triển của dòng họ; ghi chép từng đời, theo thứ tự trên dưới, trước sau gọi là dựng Gia phả. Đây là công việc vừa mang tính văn hóa, khoa học; vừa rất thiêng liêng vì là trách nhiệm của con cháu, nhằm hiểu rõ nguồn gốc họ tộc, xác định ông bà tổ tiên và tổ quán, để biết dòng họ mình phát triển ra sao, có vị trí gì trong xã hội, trong làng xóm.

Tổ quán là nơi ông bà tổ tiên ta cư ngụ lâu đời.

Truyền thống dòng họ gắn với đặc điểm truyền thống của tổ quán, mang các nội dung như truyền thống lao động, truyền thống yêu nước,  truyền thống văn hóa. 

Ghi chép về sự phát triển của dòng họ qua các đời, không thể bỏ qua các truyền thống tiêu biểu nêu trên, cũng như cần ghi lại các mối quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân giữa dòng họ này với các dòng họ khác. 

NGUỒN GỐC HỌ TRẦN XÃ AN TỊNH

Các ông bà tổ họ Trần từ miền Ngoài thiên cư vào đất phương Nam, rồi đến khai khẩn đất đai, cất nhà sinh sống tại xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng là ai, năm nào là các vấn đề mà con cháu họ Trần hiện đang cố công tìm hiểu. 

Nhưng thật khó tìm ra lời giải đáp, vì thời gian có trên hai trăm năm, tính từ đầu thế kỷ thứ 18, lúc các cuộc di dân vào Nam được triều Tây Sơn, kế tiếp là các vua nhà Nguyễn khuyến khích; lưu dân miền Ngoài đã vào đất Gia Định, sinh sống tại Bến Nghé lần hồi theo đường Thiên Lý (nay là Quốc lộ 22) lên tận nơi đây.

Theo ký ức của các ông bà lớn tuổi họ Trần ở xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, thì ông bà họ Trần cao tuổi nhất, được gọi là Ông Sơ-Bà Sơ, năm sinh ước khoảng từ năm 1815 đến 1820; đã qua đời, còn lại dấu tích là hai ngôi mộ đất, đá ong ở ấp An Bình, xã An Tịnh, hàng năm con cháu đắp đất, giẫy cỏ dịp chạp mả cuối năm. 

Không ai biết năm mất của ông Sơ, bà Sơ; chỉ biết ông bà có một người con trai, gọi là Ông Cố, tên là Trần Văn Chí sinh khoảng năm 1845, tại xóm Cây Cao, thôn Bình Tịnh, tổng Bình Cách, huyện Thuận An, tỉnh Gia Định; nay là xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Trước năm 1818, xã Gia Lộc là một phần của thôn Bình Tịnh, tức xã An Tịnh ngày nay. Xóm Cây Cao nằm bên đường Thiên Lý, thôn Bình Tịnh bị đường Thiên Lý (Quốc lộ 22) cắt ngang, nay là ấp An Bình, xã An Tịnh.

Con cháu các đời sau tiếp tục khai khẩn rừng hoang, mở đất, cất nhà và sinh sống tại các vùng đất của thôn Bình Tịnh, sau nầy có tên là ấp An Đước, ấp Tịnh Phong, ấp An Thành, ấp An Bình … thuộc xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Họ Trần lập nghiệp ở đây, tính tới nay là trên 160 năm. 

Xã An Tịnh được xác định là Tổ quán của họ tộc Trần.

LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT AN TỊNH

Xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng ngày nay; xưa kia có tên là thôn Bình Tịnh, thuộc tổng Bình Cách, huyện Thuận An, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, quyển 3, phần Cương vực chí, ghi:

“Thuận An trước đây là Tổng Bình Thuận, nay cải thành huyện, phía Đông giáp sông Xá Hương (Vàm Cỏ Đông), Tây giáp rừng hoang thuộc nguồn Quang Hóa (nay là Trảng Bàng) và phủ Tầm Đuông của Cao Miên; Nam giáp sông Hưng Hòa thuộc trấn Định Tường.

Tổng Bình Cách gồm 33 xã, thôn, phường; phía Đông giáp Ngã ba Nước mặn cửa sông Rạch Chanh của Tổng Thuận Đạo; Tây giáp nguồn Quang Hóa, chằm núi lớn Bà Đinh (Bà Đen) và phủ Tầm Đuông của Cao Miên; Nam giáp sông Tra Giang của trấn Định Tường; Bắc giáp sông Đôi Ma (Song Ma) dọc theo sông Thuận An đến ngòi Miễn Mộ.”

Tư liệu lịch sử xã An Tịnh ghi:

“Thôn Bình Tịnh thuộc Tổng Bình Cách, phía bắc giáp với làng Thạnh Phước, phía đông giáp Bình Dương (nay là Bến Súc, tỉnh Bình Dương). Năm 1836, thôn Bình Tịnh đổi tên là làng An Tịnh, thuộc Tổng Bình Cách, huyện Thuận An, tỉnh Gia Định” 

Sau khi đánh chiếm 3 tỉnh miền Đông, từ năm 1862, Pháp vẫn giữ nguyên cách phân ranh hành chính của tỉnh Gia Định như cũ, chỉ thay đổi quan lại bằng quan người Pháp để thi hành chính sách trực trị và đàn áp. 

Năm 1871, nhà nước Pháp cắt đất Gia Định lập tỉnh Tây Ninh, với hai quận là Thái Bình và Quang Hóa. Quận Quang Hóa sau đổi là quận Trảng Bàng, với 3 tổng, 16 làng bao gồm cả địa phận Gò Dầu, Bến Cầu và các xã Cầu Khởi, Truông Mít, Bến Củi của huyện Dương Minh Châu ngày nay

Tổng Hàm Ninh Hạ của quận Quang Hóa, tức quận Trảng Bàng, gồm các làng An Tịnh, An Hòa (lập ra bởi đất Lò Mo Tha La của An Tịnh), Gia Lộc, Gia Bình, Lộc Hưng, Phước Chỉ. Sau nầy các làng trên được đổi thành xã thuộc huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.  

Thưở xa xưa, An Tịnh là vùng rừng hoang, được lưu dân miền Ngoài vào khai khẩn, lập nên làng xóm. Dấu tích của rừng tuy còn ít nhưng vẫn còn thấy trước ngày thực dân Pháp đặt ách thống trị nước ta. Rừng từng lỏm, kề cận ruộng lúa; những trảng cỏ còn nhiều thú hoang, rắn rít, chim cò; xa xa một cái bàu nước được dân khẩn hoang đào trữ nước, làm ruộng. 

Về đêm, thỉnh thoảng nghe tiếng cọp gầm, chó tru …

Dân đến khẩn đất ngày càng đông tạo thành các xóm nhà, đặt tên  xóm, tên trảng, tên bàu nghe mộc mạc, gần gũi thiên nhiên và gần gũi với cuộc sống lao động: xóm Hốc Ớt, xóm Cây Sao, xóm Trảng Dầu, xóm Trảng Nguồn, xóm Suối Sâu, xóm Lợi Hòa Đông, xóm Rừng Rong, xóm Trầu, xóm Bàu Mây, xóm Cây Cao (xưa là rừng, dân chặt cây còn sót lại một hàng cây cao ngất)…; bàu Cá Chạch, bàu Tràm, bàu Dài, bàu Đắng, bàu Linh, bàu ông Phú; rạch Trảng Bàng, rạch Trưởng Chừa.

Ruộng lúa và đất trồng cây ăn trái thời đó thường gần rạch, suối như rạch Trưởng Chừa, suối Lồ Ồ. Ruộng bưng phía Nam làng An Tịnh ở Bàu Đắng, Bàu Linh, Bàu Tràm… xen kẻ giữa các xóm ấp. Ruộng ở Trảng Dầu là ruộng đất cát khô cằn, thường bị mất trắng lúc hạn hán. Dân nghèo làm ruộng nầy thường ngó trời mà than, kêu trời đừng nổi gió, lúa trôi trốc gốc.

Thời thực dân Pháp cai trị, bộ máy tề làng được thành lập đã dựa vào thế lực Pháp, câu kết với các địa chủ kềm kẹp, chiếm đoạt đất đai, bốc lột nông dân nghèo. Ruộng đất phì nhiêu lần lượt vào tay một số người giàu có trong làng, nông dân làm ruộng xấu thường lâm vào cảnh thiếu ăn. Nợ nần, nghèo khó triền miên từ đời cha, xuống đời con, đời cháu…

Ngoài trồng lúa, người dân An Tịnh còn trồng mía, đậu phọng, thuốc lá, rau xanh, cà, ớt. Một số rừng xưa đã khai phá, người Pháp trồng cây cao su, lập đồn điền sở hữu trên 500 mẫu đất. Dân nghèo không ruộng, đổ mồ hôi kiếm sống ở 13 sở cao su nầy. 

Trẻ con lớn lên ít được đi học. An Tịnh có 3 trường tiểu học ở Suối Sâu, An Thành, An Thới; mỗi trường có chừng 100 học trò học lớp 5, lớp 4 (lớp 1, lớp 2 bây giờ). Học hết lớp 4, phải ra quận Trảng Bàng học. Nhà nghèo không đi học tiếp được, ở nhà cày cuốc, lâu ngày chữ nghĩa cũng quên…

Cho đến năm 1930, sau ngày có Đảng, ông Nguyễn Văn Hai là đảng viên, từ Đức Hòa về An Tịnh hoạt động, tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, lập tổ Đảng ở các đồn điên cao su. Trong thời kỳ đầu, nhân dân An Tịnh là phu cạo mủ, tổ chức đấu tranh đòi quyền lợi, sau lan rộng ra làng, xóm đấu tranh đòi giảm thuế lúa, thuế thân.

Trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tháng 11 năm 1940, một số người dân An Tịnh kéo về Hóc Môn tham gia nghĩa quân, sau đó rút về An Tịnh, hết lòng che chở những chiến sĩ Nam kỳ lánh về đây né sự truy lùng, trả thù của thực dân Pháp. 

Ngọn lửa cách mạng vẫn âm ĩ cháy sau năm 1940 đẩm máu.

Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, nhân dân cả nước giành lấy chánh quyền. Trảng Bàng và làng An Tịnh giành chánh quyền thành công đêm 24 tháng 8, trước thị xã Tây Ninh một ngày. Nhân dân An Tịnh tràn ra đường ủng hộ Việt Minh, khí thế khởi nghĩa sôi sục chưa lúc nào mạnh mẽ đến như vậy.

Mặt trận Suối Sâu và Hội thề Thanh niên Cách mạng Rừng Rong năm 1946, là hai sự kiện nổi bật, thể hiện lòng yêu nước và tinh thần quyết chiến quyết thắng của nhân dân và thanh niên An Tịnh, trước mưu đồ của thực dân Pháp xâm lược nuớc ta lần nữa. Tại Rừng Rong,  27 thanh niên nam nữ của đất An Tịnh và các xã lân cận, đã tuyên thệ và ra đi chiến đấu với lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Trong kháng chiến chống Pháp, quân và dân An Tịnh phát huy truyền thống yêu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã kiên cường đánh giặc. Trận tập kích đoàn công-voa Pháp trên quốc lộ 1, dân quân Trảng Bàng và An Tịnh bắt được 5 xe, đem đốt trong rừng Tịnh Phong. Từ đó, rừng Tịnh Phong được đồng bào đặt tên là “Rừng Năm xe”.

An Tịnh trở thành cái nôi của tổ chức Đảng, của các đơn vị võ trang cách mạng huyện Tràng Bàng, tỉnh Tây Ninh và cũng là điểm xuất phát phong trào nhân dân đấu tranh đòi thi hành hiệp định Genève, lan rộng toàn huyện Trảng Bàng.

Các cuộc đấu tranh chánh trị nổ ra quyết liệt.

Tháng 10 năm 1954, Tỉnh ủy Tây Ninh quyết định về bám trụ An Tịnh tổ chức họp bầu ban chấp hành, đề ra nghị quyết đấu tranh trong tình hình mới. 

Từ năm 1955, địch đóng đồn An Thành, các tua từ cầu Trưởng Chùa theo quốc lộ 1 xuống Suối Sâu. Các cuộc ruồng bố bắt bớ người yêu nước, trả thù kháng chiến đã diễn ra trên đất An Tịnh. 

Quốc sách ấp chiến lược của Ngô Đình Diệm được đề ra nhằm gom dân, tách dân khỏi cách mạng; cộng với bộ máy cảnh sát, mật vụ kềm kẹp nhân dân đã làm cho đời sống  nguời dân An Tịnh thêm điêu đứng. 

Nhưng Đảng trong lòng dân, dân tin Đảng. 

Phong trào cách mạng lại bùng lên. 

Đầu tháng 2 năm 1960, tại An Tịnh, Tỉnh đội Tây Ninh thành lập tiểu đoàn 14 tập trung đầu tiên của tỉnh. 11 khẩu súng do bí thư xã An Tịnh chôn giấu năm 1954, cộng với 24 súng lấy ở đồn Suối Sâu và thu từ trận phục kích địch tại Trảng Bàng của dân quân xã An Tịnh, được đưa ra trang bị cho tiểu đoàn. Lúc mới thành lập, tiểu đoàn có 14 người, trong đó 7 người là ở An Tịnh. 

Chiến thắng Tua 2 của quân và dân Tây Ninh là phát pháo đầu tiên, không chỉ tác động đến phong trào võ trang của nhân dân Tây Ninh, mà còn là ngòi nổ cho phong trào Đồng khởi diễn ra toàn miền Nam.

Nghị quyết 15 xác định đường lối cách mạng miền Nam là “đấu tranh võ trang với địch”, đã kịp thời đến với nhân dân Trảng Bàng, Tây Ninh. Đấu tranh chánh trị đã kết hợp với đấu tranh võ trang và binh vận, hình thành 3 mũi giáp công tiến công, bao vây và làm tiêu hao sinh lực địch.

Trong kháng chiến chống Mỹ, vùng quê An Tịnh có nhiều cuộc đọ sức giữa dân quân và bộ đội địa phương, với các đơn vị lính bảo an, lính Mỹ có võ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, suốt nhiều ngày đêm càn quét vào Tịnh Phong, An Hòa, An Đước.

Ở Bàu Mây, địch huy động 3 tiểu đoàn bảo an, dân vệ giở nhà, gom dân vào ấp chiến lược. Đông đảo phụ nữ, trẻ em nắm chặt tay nhau đấu tranh cản bước giặc, quyết không rời xóm ấp. Cuộc đấu tranh với đầu lưỡi lê, họng súng giặc diễn ra quyết liệt. Giặc đốt nhà, bắt người, đồng bào giành giựt lại. 

Sau 60 ngày gom dân không thành, giặc bỏ Bàu Mây.

Năm 1962, một tiểu đoàn bảo an tỉnh Tây Ninh và một đại đội dân vệ thuộc chi khu Trảng Bàng càn vào An Tịnh từ hai hướng, nhằm diệt tiểu đoàn 14 trú chân tại rừng Tịnh Phong. Tiểu đoàn 14 lúc đó chỉ có một đại đội về Tịnh Phong, đã cùng với bộ đội Trảng Bàng và du kích An Tịnh tổ chức chống càn, diệt 25 tên địch, bẽ gảy cuộc càn quét.

Đó là trận đánh ngày 29 tháng 5 năm 1962, ông Trần Văn Mý (con cháu họ Trần, đời Năm), y tá trưởng tiểu đoàn 14, bị thương nặng ngay tại xóm Cây Dương, ấp Tịnh Phong, trên đất An Tịnh của mình.

Những năm đánh Mỹ, làng xóm An Tịnh xơ xác, đồng ruộng nhiều hố bom, hố pháo nhưng lòng dân thì rất vững vàng. 

Năm 1968, An Tịnh là nơi nuôi dưỡng hàng trăm thương binh từ mặt trận đưa về, sau tổng công kích Tết Mậu Thân. 

Nhân dân và du kích An Tịnh đã đào địa đạo tại An Thới dài 1,4 km, xây dựng căn cứ Rừng Rong, lập bãi trái, bãi mìn, hầm chông, hố đinh đầy khắp An Thành, An Đước.

Các đội du kích phối hợp với bộ đội địa phương, đã đánh tan tác các đội quân tinh nhuệ của Mỹ, của lính Cộng hòa với nhiều xe tăng, trực thăng đổ quân và phi pháo yểm trợ, đánh vào An Tịnh. 

Các cuộc càn quét của giặc không làm nhân dân khiếp sợ.

Các ấp chiến lược trên đất An Tịnh lần lượt bị nhân dân phá bỏ.

Hàng trăm thanh niên An Tịnh tòng quân, gia nhập quân chủ lực đánh giặc nhiều nơi, hàng trăm chị em phụ nữ đảm đang việc nước, việc nhà, tích cực làm công tác binh vận, dân vận tại địa phương; nhiều bà mẹ động viên con em mình theo kháng chiến, người nầy hy sinh, người khác tiếp bước.

Cán bộ, chiến sĩ An Tịnh được nhân dân đùm bọc, cưu mang và bằng tinh thần “Một tấc không đi, một ly không rời”, đã bám làng xóm, diệt ác ôn, phá kềm kẹp; kiên cường đánh giặc cho đến ngày toàn thắng.

Đất Anh hùng sinh ra các Anh hùng. 

Sau ngày giải phóng, nhân dân và lực lượng võ trang nhân dân xã An Tịnh rất tự hào, được Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng Lực lượng võ trang”. 

Ban An ninh xã An Tịnh cũng được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng võ trang trong năm 1978.

Có 4 cán bộ chiến sĩ của An Tịnh được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng võ trang.

53 bà mẹ được tuyên dương danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.

An Tịnh còn là nơi sản sinh các người con yêu nước, tham gia Quân đội Nhân dân, trở thành tướng lãnh: 

- Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ quốc phòng; 

- Trung tướng Bùi Thanh Liêm, ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7; 

- Thiếu tướng Nguyễn Thanh Dương, Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh. 

- Trung tướng Nguyễn Châu Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng

Sau ngày chiến tranh kết thúc, bằng nỗ lực của mình, nhân dân xã An Tịnh đã khắc phục hậu quả chiến tranh, tăng gia sản xuất, dần lấy lại màu xanh trên đồng ruộng. 

Thời gian trôi qua, mồ hôi tiếp tục thắm đượm đường cày, líp rau, luống đậu; người dân An Đước, Tịnh Phong, An Khương, An Phú… đã có cuộc sống ổn định, rất nhiều gia đình đã cất nhà xây, nhà ngói. Ngoài cây lúa, người dân An Tịnh còn trồng rau, đậu phọng, bắp và danh một số đất không nhỏ chuyển sang trồng cao su dạng tiểu điền.

An Tịnh có Quốc lộ 22 cắt ngang ở ấp Suối Sâu, là cửa ngõ của Tây Ninh và là vùng tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi. Do vị trí địa lý như vậy nên An Tịnh là xã kinh tế phát triển nhanh nhất huyện Trảng Bàng. 

Xã An Tịnh hiện nay có 8 ấp: An Thành, An Phú, An Khương, An Bình, An Đước, Tịnh Phong, An Thới và ấp Suối Sâu sát Quốc lộ 22. Các ấp An Bình, An Đước, An Phú có nhiều con cháu họ Trần sinh sống.

TỪ TRUYỀN THỐNG LAO ĐỘNG ĐẾN TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC

Ông Trần Văn Chí (Đời Hai) là con của ông Tổ Đời Một họ Trần, lấy vợ người cùng quê ở xóm Cây Cao, thôn Bình Tịnh. Ông bà khẩn đất đai, làm ruộng, cuộc sống hiền hòa, sinh nhiều con, gái trai đều có. 

Thời gian nầy thực dân Pháp đã chiếm 3 tỉnh Nam Kỳ, đặt ách cai trị tận làng, xóm và lập ra tỉnh Tây Ninh. Tuy đã có ranh giới hành chánh, song đất đai An Tịnh lúc đó còn nhiều cụm rừng nguyên sinh, đất trảng, đồng bưng chưa ai khai thác. Các con của ông Trần Văn Chí sau ngày lập gia đình, đã tách ra tiếp tục khẩn đất, tạo lập cuộc sống riêng. 

Đời Ba họ Trần, ông Trần Văn Dưỡng lấy vợ ở xóm Suối Lội thuộc ấp An Đước, sau dời về An Đước khẩn đất, cất nhà, định cư yên ổn ở xóm Lợi Hòa Đông. Ông Trần Văn Xứng ở với cha mẹ tại xóm Cây Cao, nay thuộc ấp An Bình. Ông Trần Văn Sến lập gia đình, về quê vợ khẩn đất, nay thuộc ấp Gia Huỳnh, xã Gia Lộc.

Các người con gái của ông bà, có người lấy chồng cùng ấp nên vẫn ở xóm Cây Cao làm ruộng, sinh con  đẻ cháu; có người theo chồng nhưng cũng đến các vùng lân cận như An Khương, An Thới, An Thành, Tịnh Phong … cùng xã An Tịnh.

Con cháu họ Trần đời Bốn, sống trong khoảng thời gian cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, đời sống đạm bạc với đất đai cha mẹ để lại, tự canh tác, nhà cửa cột kê, vách ván; vườn tược cây trái sum suê. Có lẽ do cuộc sống đầy đủ mà gia đình nào cũng đông con, có từ 10 đến 13 con. Cho nên với vài mẫu ruộng khẩn được từ đời ông cha, sau chia cho con cháu, lần hồi ruộng đất ít đi. Cũng do đông con mà có gia đình rơi vào cảnh vất vã, thiếu trước hụt sau, nhứt là trong các thời kỳ kinh tế khủng hoảng.

Cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 thành công đã đem lại tự do độc lập cho dân tộc, ánh sáng cách mạng đã soi sáng đêm đen, chấm dứt những ngày tăm tối của đời nô lệ. 

Cùng với những đổi thay trong cuộc sống của người dân An Tịnh, con cháu họ Trần (Đời Năm) hòa vào khí thế cách mạng chung, tham gia xây dựng chánh quyền, gia nhập tự vệ chiến đấu bảo vệ xóm làng, có mặt trên trận tuyến sẵn sàng chống giặc.

Từ truyền thống lao động, khai phá rừng hoang thành ruộng vườn canh tác, từ tình yêu xóm làng sâu sắc, con cháu họ Trần (Đời Năm) đã sớm khơi dậy lòng yêu nước, biến tình yêu gia đình, làng xóm thành hành động cụ thể là đứng lên chống giặc, tham gia kháng chiến, cưu mang cán bộ cách mạng, tăng gia sản xuất, đóng góp nuôi quân, bảo vệ tổ chức cách mạng.

Truyền thống yêu nước của vùng đất An Tịnh được họ tộc Trần phát huy mạnh mẽ. Trong hai cuộc kháng chiến, rất nhiều con cháu họ Trần tham gia cách mạng, cầm súng chiến đấu và không ít người đã anh dũng hy sinh, thương tật…

Ông Trần Văn Di rất giỏi võ, năm 1946 đã tập võ cho trai tráng đội tự vệ trong làng, sau huấn luyện cho đội đặc công Trảng Bàng. 

Ông Trần Văn Bi tham gia cách mạng năm 1946, được điều động về Đoàn 22 quân báo thuộc Bộ Tham mưu Miền. 

Con ông Trần Văn Ngọc là ông Trần Văn Mới tham gia lực lượng võ trang miền Đông Nam bộ, cán bộ Cục Tham mưu Miền, hy sinh tại chiến khu D. 

Hai người con của ông Trần Văn Ngoài, cháu nội ông Trần Văn Ngọc, là Trần Văn Leo và Trần Văn Trèo (Đời Sáu) hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

Con ông Trần Văn Sum là Trần Văn Nị (Ba Thiện) tham gia cách mạng năm 1946, công tác Đoàn hậu cần 83, hy sinh năm 1969. 

Con gái ông Trần Văn Nị là Trần Thị Ảnh cũng là liệt sĩ. 

Ông Trần Văn Bổ chiến sĩ sư đoàn 9, hy sinh ở xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh năm 1969, chưa tìm được mộ. 

Gia đình ông Trần Văn Hợp và bà Trần Thị Triện là tiêu biểu cho họ tộc Trần ở An Tịnh về tinh thần yêu nước, tham gia kháng chiến và chịu nhiều hy sinh, mất mát. Ông bà có mười một người con (7 trai, 4 gái), 5 người con trai tham gia cách mạng đã có 3 người hy sinh, 2 người là thương binh. 

Ông Trần Văn Trắc (Hai Sào) con trai trưởng của ông Trần Văn Hợp, tham gia kháng chiến chống Mỹ, là chính trị viên xã đội An Tịnh, rồi bí thư Đảng ủy xã. Lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng tại xã nhà, bí thư Hai Sào bám dân, bám xóm ấp hoạt động. Ông hy sinh năm 1969 trên quê hương An Tịnh. 

Cũng trong năm 1969, ngưòi con thứ bảy của ông bà là Trần Văn Hững (Bảy Danh) ngã xuống trên mãnh đất An Tịnh anh hùng.

Người con trai thứ Năm là ông Trần Văn Rưng, phó Văn phòng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Tây Ninh, hy sinh năm 1972, trên chiến trường bắc Tây Ninh.

Ông Trần Văn Mý (Tư My), y tá trưởng tiểu đoàn 14, phục vụ chiến đấu, tham gia 10 trận đánh, bị thương cánh tay phải trong trận chống càn quét tại xóm Cây Dương, ấp Tịnh Phong, xã An Tịnh ngày 29 tháng 5 năm 1962. 

Ông Trần Văn Bững (Tám Bững), tham gia cách mạng, là du kích ấp sau chuyển qua quân bưu, huyện đội Trảng Bàng. Ông là thương binh bậc 1/4.

Địch biết gia đình ông Trần Văn Hợp là gia đình kháng chiến nên rình rập, bắt ông đưa về Tây Ninh tra tấn, giam giữ mấy tháng trời.

Là mẹ của 3 liệt sĩ (Trần Văn Trắc, Trần Văn Rưng, Trần Văn Hững); sau ngày miền Nam giải phóng, bà Trần Thị Triện được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Các người con gái họ Trần ở xã An Tịnh (đời Bốn, đời Năm) bám đồng ruộng, động viên chồng, con, rễ của mình đóng góp với cách mạng, tham gia du kích, đi đầu trong đấu tranh chánh trị, binh vận. Chồng, con của các bà họ Trần, có nhiều người đã hy sinh, bị thương tật trong kháng chiến chống Mỹ. 

Tổng kết sau chiến tranh, xã An Tịnh có 1357 gia đình diện chánh sách, bao gồm 794 liệt sĩ, 231 thương binh, 350 người có công với cách mạng, 

Trong hai thời kỳ kháng chiến, cùng với những đóng góp máu xương, công lao của đồng bào An Tịnh; họ tộc Trần bên nội, các cháu bên ngoại, có 16 liệt sĩ, 5 thương binh; tiêu biểu là:  

- Gia đình ông Trần Văn Sum có 2 liệt sĩ, 1 cháu nội liệt sĩ.

- Gia đình ông Trần Văn Hợp có 3 liệt sĩ, 2 thương binh

- Gia đình ông Trần Văn Ngoài có 2 liệt sĩ.

- Gia đình ông Trần Văn Càng có 2 liệt sĩ

Họ tộc Trần tính đến Đời Sáu, có 46 người là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

QUAN HỆ HÔN NHÂN

Sự phát triển của dòng họ gắn liền với các cuộc hôn nhân giữa dòng họ mình với các họ khác, ở tại địa phương hay với các nơi khác. Nhìn lại trên 160 năm họ Trần lập nghiệp tại An Tịnh cho đến nay, các cuộc hôn nhân cưới gã với các họ khác được thống kê lại như sau:

Họ Nguyễn 33 cuộc

Họ Trần 12 cuộc

Họ Phạm 9 cuộc

Họ Lê 6 cuộc

Họ Dương 6 cuộc

Họ Trịnh 5 cuộc

Họ Hồ 4 cuộc

Họ Phan 4 cuộc

Họ Cao 4 cuộc

Họ Đặng 3 cuộc

Với các họ như Đặng, Ngô, Lâm, Huỳnh, Trương, Mai có từ 2 đến 3 cuộc hôn nhân với họ Trần; các họ Thân, Phương, Thành, Khổng, Lư , Châu v.v… có 1 cuộc cưới hoặc gã con.

Ở các đời Ba, đời Bốn; các mối hôn nhân được xác lập trong quan hệ xóm giềng, trong lao động khai khẩn đất đai, trồng trọt, xây dựng làng xóm. Các ông bà đời Bốn khỏe mạnh, sinh rất nhiều con và sống thọ.

Đời Năm họ tộc Trần sinh ra khoảng thời gian từ năm 1915 đến 1960, việc cưới hỏi có phần rôm rã hơn theo nếp sống gia đình và tập tục làng xã, thường thì được cha mẹ hai bên sắp đặt mà nên vợ nên chồng.

Từ năm 1945 trở về sau, trai gái trong làng có điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ nhau qua các phong trào thanh niên, các cuộc vận động xây dựng làng xã chiến đấu nên đến với nhau qua sự mến mộ lòng dũng cảm, chung ý chí chiến đấu giữ nước, giữ làng. Người thoát ly theo gia đình thì lấy vợ, lấy chồng thông qua sự tìm hiểu và được tổ chức cơ quan, đơn vị chấp thuận.

Vào thời bình, các thế hệ con cháu họ Trần đời Sáu học hành tiến bộ, đi làm việc, đi công tác ở môi trường lao động mới, tri thức nâng cao, sự hiểu biết đời sống mở rộng. Do đó, quan hệ hôn nhân thường diễn ra trong môi trường làm việc: cùng ngành, cùng cơ quan, cùng trình độ văn hóa; và không có sự sắp đặt của cha mẹ hai bên. 

Quan hệ hôn nhân tiến bộ là tự nguyện và xây dựng trên nền tảng tình yêu đôi lứa. Các cặp vợ chồng trong thời gian nầy sinh ít con, từ 1 đến 3 con.

Về yếu tố di truyền thì con cháu họ Trần các đời sau vẫn giữ được vóc dáng cao lớn, nhanh nhẹn của các ông đời trước. Các nét riêng của dòng họ được nhìn thấy qua các ông đời Bốn, đời Năm họ Trần là hai vành tai rộng, gò má cao, mắt sâu; với các bà họ Trần thì khuôn mặt đầy tròn, phúc hậu.

Thống kê (chưa đầy đủ) về họ tộc, tính từ đời Một ông bà Sơ đến đời thứ Bảy họ Trần hiện nay (năm 2012), cộng với con của các bà họ Trần, tất cả có 357 người (nam 184, nữ 173), 71 ông bà đời trên và các liệt sĩ hy sinh đã qua đời. 

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA CỦA DÒNG HỌ

Tìm hiểu lịch sử phát triển của họ tộc Trần ở An Tịnh, nhận thấy sau ngày chiến tranh kết thúc, con cháu họ Trần xã An Tịnh Đời Sáu lớn lên đã tiếp bước cha anh mình, bằng truyền thống lao động, truyền thống yêu nước, khắc phục hậu quả chiến tranh, đổ mồ hôi trên đồng ruộng, xây dựng cuộc sống mới. 

Các thế hệ trước của họ tộc Trần, do hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp cai trị, với chủ trương “Ngu dân để trị”, việc học hành, giáo dục không được chánh quyền thực dân coi trọng. An Tịnh chỉ có 3 trường tiểu học dạy cho vài trăm học trò cấp 1. Con nhà nghèo không có tiền theo học bậc cao hơn. 

Trải qua nhiều năm chiến tranh day dẵng, cả một thế hệ thanh niên An Tịnh hết cầm cày, rồi cầm súng đánh giặc, ai được đi học cao lắm là lớp 4, lớp 5 rồi cũng thoát ly gia đình theo kháng chiến. Một số con cháu Đời Năm còn nhỏ, được cha anh đưa đi học nội trú trường cách mạng Hoàng Lê Kha đạt trình độ văn hóa cao hơn.

Sau ngày giải phóng, việc giáo dục được chánh quyền cách mạng coi trọng, trẻ con đều được đến trường, học hành tiến bộ. Con cháu họ Trần ngày nay nhiều người tốt nghiệp trung học phổ thông, một số không ít có bằng đại học, tốt nghiệp chuyên ngành, cao đẳng và làm việc ở công sở Nhà nước, ở các môi trường khoa học, nhân văn. 

Đời sống kinh tế phát triển cộng với trình độ văn hóa được nâng cao, đã hình thành một thế hệ họ Trần mới, nắm vững khoa học kỹ thuật, nhạy bén trong cuộc sống, yêu lao động, coi trọng tình đoàn kết trong họ tộc, trong xóm ấp.

Truyền thống văn hóa họ tộc vốn có từ lâu qua việc thờ cúng tổ tiên, ông bà; trong nếp sống kính trên, nhường dưới và giữ tình đoàn kết láng giềng…đã ngày càng đậm đà hơn qua các dịp giỗ chạp, đông đảo bà con họ hàng gặp nhau, giữ được sợi dây liên hệ bà con nội ngoại.

Ngày 26 tháng chạp hàng năm, con cháu họ tộc Trần luôn viếng mộ ông Sơ bà Sơ, ông Cố bà Cố; thắp nhang cúng bái và tưởng nhớ các ông bà đời trước, nhắc chuyện khẩn đất lập làng, rồi chỉ bảo các đời sau giữ gìn nếp sống đạo đức, yêu lao động, biết thương yêu và giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Với quan niệm “Dòng họ văn hóa góp phần tạo ra làng xóm văn hóa, xã ấp văn hóa”, trong thời gian tới, họ tộc Trần sẽ xây dựng tiêu chí nếp sống văn hóa trong họ tộc và tiến hành xây dựng Nhà Từ đường họ Trần để tiện việc thờ cúng tổ tiên.