Đình Long Thượng (huyện Cần Giuột, tỉnh Long An)
23/08/2022 20:56:42Đình có từ lúc nào, ngay cả những vị thủ đình hiện còn sống cũng không xác định được, chỉ biết rằng nó có từ rất lâu đời. Đình tọa lạc trên đất thuộc ấp Long Thạnh, xã Long Thượng, huyện Cần Giuột, tỉnh Long An.
Các họ tộc ở đất phương Nam gần như toàn bộ là những lưu dân từ “miền ngoài” vào lập nghiệp, trong đó nhiều nhất là cư dân của vùng đất Ngũ Quảng. Khi đã an cư ở một vùng đất mới, thường họ sẽ lập đình, miếu thờ để hàng năm tế lễ cầu cho dân an, mùa màng thuận lợi. Đó cũng là đặc điểm hình thành những đình, miếu tại vùng đất phương Nam.
Tại xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, thiết chế về đình chùa miếu mạo phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng nhân dân nơi đây khá nhiều. Xã Long Thượng có 4 ấp, thì mỗi ấp đều có cơ sở của thiết chế tín ngưỡng. Ấp Long Hưng có Chùa Phật (còn gọi là Long Quang tự), ấp Long Thạnh có chùa Vạn Đức, ấp Long Thới có Thánh thất Cao đài Long Thới. Ngoài ra Miếu Bà Ngũ Hành tuy tọa lạc trên ấp Long Thạnh, nhưng đây là ngôi miếu nổi tiếng khắp vùng, ngày nay Miếu Bà Ngũ Hành được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật. Miếu Bà Ngũ Hành thờ bà Ngũ Hành Nương Nương, vị thần giúp cho mưa thuận gió hòa, nhân dân làm nông thịnh vượng. Hàng năm miếu có lễ hội truyền thống Lễ ví Ngũ Hành Nương Nương thu hút nhân dân huyện Cần Giuộc và các địa phương lân cận.
Nhà khách và sân sau của Đình Long Thượng
Tuy nhiên nếu những chùa, thánh thất… mang tính chất tôn giáo thì ngôi đình làng là thiết chế văn hóa phi tôn giáo dành cho tất cả mọi người. Ở đây thường thờ ông thần thành hoàng, hoặc vị thần mà nhân dân cho rằng họ sẽ giúp cho đời sống dân làng luôn an lành, mưa thuận gió hòa để người nông dân làm mùa thuận lợi thu nhiều ngô thóc…
Người dân ấp Long Hưng nói riêng và xã Long Thượng nói chung có ngôi đình của mình đó là Đình Long Thượng.
I. MÔ TẢ NGÔI ĐÌNH
Đình có từ lúc nào, ngay cả những vị thủ đình hiện còn sống cũng không xác định được, chỉ biết rằng nó có từ rất lâu đời. Đình tọa lạc trên đất thuộc ấp Long Thạnh, xã Long Thượng, trên một khu đất khoảng hơn 2 công.
Tương truyền rằng, ngày xưa nơi đình tọa lạc là biển, một ngày nọ có con cá ông chết tấp vào nơi đây. Nhân dân cúng bái rồi lập đình thờ. Ban đầu đình cũng đơn sơ, nho nhỏ. Nhưng đây là nơi mà nhân dân trong vùng cho là rất linh thiêng. Trong văn tế đình là tế ông thần: Đại Càng Quốc Gia Nam Hải (ám chỉ con cá ông). Văn tế đình hiện nay là do ông Chung Văn Sớm (đương kim thầy lễ) viết. Văn tế năm nào thì năm đó viết, tế đình xong là đốt. Danh của thần theo ông Chung Văn Sớm cho biết là:
Thần hoàng bổn cảnh
Đại càng Quốc gia Nam hải
Thần chiêu linh ứng
Tứ vị thánh Nương dương
Đương cảnh Thành hoàng Đại dương
Đình được tôn tạo nhiều lần, gần đây nhất là năm 2010, đình được lót gạch nền, lát gạch tường, gia cố các cột xi-măng… Kinh phí do nhân dân trong xã hiến tặng.
Đình hiện nay có 2 khu nhà chính: nhà thờ và nhà khách.
Mặt tiền của đình quay ra sông Cầu Đình (phía bên kia sông là ấp Long Thới), không có sân phía trước. Gian thờ của đình có chiều rộng hơn 8m, chiều sâu gần 15m. Nhà thờ có tường gạch, cách hai bờ tường 2,5m là hai hàng cột gồm tám cột gỗ bóng loáng.
Bàn thờ chính thờ chữ “Thần” theo kiểu đại tự, hai bên có hai con hạc, trước hai con hạc là đôi rồng chầu có tán che. Hai cột gỗ trước bàn thờ chính có hai con rồng uốn lượn ôm lấy cột. Tường quét vôi vàng, nền lát gạch men.
Dọc hai bên tường phía trước bàn thờ chính có 2 dãy bàn thờ. Từ trong nhìn ra, phía tay trái có 4 bàn thờ lần lượt là: Đương cảnh thành hoàng, Tiên sư chi vị, Tiền hiền chi vị và Tiền viên quan chi vị. Bốn bàn thờ phía tay phải là: Chúa Ngọc Tiên Nương, Hậu thổ chi vị, Hậu hiền chi vị và Tiền Hương đấng hữu công.
Bàn thờ nơi chánh điện
Nhà khách ở phía sau nhà thờ chính, chuông vuông khoảng 13m mỗi cạnh, nhà khách lợp ngói, cột bằng xi-măng dùng để hội họp, ăn uống mỗi khi tế đình. Chung quanh nhà thờ chính và nhà khách có vườn bao bọc, quanh đình trồng xoài. Cổng tam quan không nằm phía mặt tiền của đình mà nằm phía sau nhà khách. Từ đường lộ đi vào con hẽm đá khoảng 200m, có một lối mòn đường đất lát đan xi-măng phía tay trái dẫn vào cổng tam quan của đình ở phía sau nhà khách.
II. BAN HỘI HƯƠNG
Đình có Ban Hội hương để lo việc cúng tế hàng năm. Ban Hội hương do nhân dân trong xã bầu ra, gồm 5 vị với 5 chức sắc như sau:
1. Chánh bái
2. Bồi bái
3. Bồi sự
4. Đông hiến
5. Tây hiến
Chánh bái là người lo tất cả mọi việc điều hành tế lễ, quỳ lạy thần đình. Thường thì Chánh bái quỳ ở giữa, bên trái và bên phải là Bồi bái và Bồi sự cùng quỳ lạy với Chánh bái.
Đông hiến và Tây hiến quỳ cùng hàng ngang với Chánh bái, nhưng Đông hiến thì quỳ phía mặt trời mọc, còn Tây hiến quỳ phía mặt trời lặn.
Chức Chánh bái chỉ làm một năm thì nghỉ, ra khỏi Ban Hội hương và được nhân dân gọi là ông Cả đình. Lúc đó thì các chức sắc được đôn lên: Bồi bái lên Chánh bái, Bồi sự lên Bồi bái, Đông hiến lên Bồi sự, Tây hiến lên Đông hiến. Lúc đó còn khuyết chức sắc Tây hiến, vị trí này sẽ do các ông Cả đình cử người mới thay vào.
Ngoài Ban Hội hương còn có một ông từ đình trông coi việc hương khói cho đình. Ông từ đình được canh tác khoảng gần 2 công đất chung quanh đình để lo việc hương khói, quét dọn đình hàng ngày.
III. LỄ CẦU YÊN
Lễ Cầu yên là lễ tế cầu cho yên gia bá tánh, đây được xem là lễ tế lớn nhất của đình và của nhân dân xã Long Thượng. Lễ Cầu yên được chính thức tổ chức vào ngày 17/1 Âm lịch hàng năm.
Trước đó, ngày 16/1 Âm lịch là ngày “nhóm đình”, mọi người chung tay quét dọn, chưng bông, bửa củi, gánh nước… chuẩn bị cho ngày chính lễ.
Ngày chính lễ 17/1 Âm lịch, sáng sớm đình sẽ đánh 3 hồi trống + 3 dùi để thông báo cho nhân dân trong xã biết ngày cúng thần của đình bắt đầu.
Lễ cúng chính thức được tiến hành vào lúc 10 giờ sáng, thầy tế đọc văn tế để Ban Hội hương cúng lạy thần. Sau đó nhân dân bá tánh lần lượt vào dâng hương, cúng thần cầu an rồi ra dự tiệc.
Ngày xưa cúng Lễ Cầu yên, đình cúng 3 con heo lớn, nhưng ngày nay chỉ cúng 1 con heo và 2 đầu heo.
Sáng ngày 18/1 Âm lịch, khoảng 4 giờ sáng là làm Lễ Tống gió, đưa thần ra biển bằng cách làm một chiếc thuyền bằng giấy lớn khoảng bằng cái bàn học. Thuyền giấy được đặt trên bè chuối rồi thả ra sông Cái của xã Long Thượng.
Đến khoảng 8-9 giờ sáng thì làm Lễ Đón cả để hoàn tất Lễ Cầu yên. Đánh một hồi trống chiêng rồi đóng cửa đình. Ban Hội hương tính toán chi phí thiếu đủ để kết toán Lễ Cầu yên.
Kinh phí thường do nhân dân tự nguyện cúng dường hàng năm. Thông thường lúc nào quỹ đình cũng dư, năm nào thiếu thì xuất quỹ đình bù đắp vào. Trường hợp thiếu kinh phí mà quỹ đình cũng đã hết thì các ông Cả đình sẽ lo liệu bằng cách chia nhau cùng đóng góp.
IV. LỄ CẦU BÔNG
Lễ Cầu bông được đình tổ chức vào 2 ngày 16 và 17/10 Âm lịch. Lễ này cúng ông Thần nông để cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho nhân dân được mùa.
Ngày 16/10 Âm lịch, các công việc chuẩn bị cũng tương tự như Lễ Cầu yên.
Ngày 17/10 Âm lịch là chính lễ, Lễ Cầu bông không có văn tế.
Cũng cúng vái nhưng không lớn như Lễ Cầu yên, nhân dân cũng ít người đến dự, chủ yếu là Ban Hội hương của đình có mặt để lo lễ cúng.
Bàn thờ Đuơng cảnh Thành Hoàng (trái); Bàn thờ Tiên sư chi vị (phải)
Bàn thờ Chúa Ngọc Tiên Nương (trái); Bàn thờ Hậu thổ chi vị (phải)
Bàn thờ Tiền hiền chi vị (trái); Bàn thờ Tiền viên quan chi vị (phải)
Bàn thờ Hậu hiền chi vị (trái); Bàn thờ Tiền Hương đấng hữu công (phải)
(Trích gia phả họ Huỳnh - xã Long Thượng, huyện Cần Giuột, tỉnh Long An)
(GP: 4-4-2017)
Các tin cũ
- » Đình Xóm Huế (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi) 23/08/2022 20:34:02
- » Đình Mỹ An Hưng B (xã Mỹ An Hưng B, Lấp Vò, Đồng Tháp) 23/08/2022 19:01:07
- » Đình Tân Hạnh (xã Tân Hạnh, TP Biên Hòa) 23/08/2022 13:45:55
- » Miễu Ông Thạch (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) 23/08/2022 12:51:06
- » Chùa Long Thạnh (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) 23/08/2022 12:41:38
- » Miếu họ Trương (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) 23/08/2022 12:26:38
- » Chùa Tôn Thạnh (tỉnh Long An) 23/08/2022 12:14:56
- » Đình Long Trì (tỉnh Long An) 21/08/2022 20:28:03
- » Đình Mỹ Ngãi (xã Mỹ Tân, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) 21/08/2022 20:17:48