Trang chủ > Góp phần xây dựng dòng họ văn hóa tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM

Góp phần xây dựng dòng họ văn hóa tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM

29/08/2022 22:08:34

Về việc xây dựng dòng họ văn hóa, tôn vinh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong sự nghiệp xây dựng các mục tiêu quốc gia về nông thôn mới tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Tháng 3 năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM, quyết định bắt đầu dựng 11 bộ gia phả để cống hiến cho một số bà con thuộc các dòng họ cố cựu thuộc xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Đây là xã điểm của Trung ương; xây dựng mục tiêu quốc gia về nông tôn mới.

Đình làng Tân Thông Hội

Tháng 12 năm 2011, cơ bản chúng tôi đã làm xong 11 bộ gia phả đó, với sự nỗ lực cao, trung tâm đã tiến hành và đạt kết quả với chất lượng tương đối tốt,  và đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm ban đầu như sau:

1. Xây dựng đời sống văn hóa ở một xã nông thôn mới, phải chú ý quan tâm cả việc xây dựng dòng họ văn hóa, phải đi từ các dòng họ, nắm bắt sâu sắc về lịch sử hình thành, truyền thống lao động, yêu nước và văn hóa các họ tộc, nắm chắc những con người với những hành trạng cụ thể của họ, nắm rõ ưu khuyết của dòng họ để tuyên truyền giáo dục, phát huy các mặt mạnh vốn có ở mỗi dòng họ và tích cực xây dựng dòng họ văn hóa, đề cao việc thờ cúng tổ tiên.

2. Dòng họ phát triển mạnh trong quá trình lịch sử, là dựa vào hai quy luật cơ bản: quy luật hôn nhân và quy luật di truyền. Trong hôn nhân, lúc sinh con ra, cha mẹ sớm định hướng cho con cái về gia phong, gia lễ, gia quy, sớm nêu các tiêu chí “đồng chí hướng, đồng tài và đồng sức” … Khi con trưởng thành, việc cưới gả phải tôn trọng luật pháp, đề cao tự do kết hôn; tiếp theo, phải xác định tố chất về huyết thống, quản lý di truyền theo cách dân gian và hiện đại, để sớm loại trừ gen sinh bịnh. tật v.v...

3. Trong  nông thôn, khi giá trị đất đai tăng lên, là nguyên nhân chính của các vụ tranh chấp, mất đoàn kết trong và ngoài họ tộc. Giải quyết đoàn kết, ngăn ngừa chia rẻ họ tộc, phải chú ý hướng dẫn các bậc cha mẹ quan tâm đến việc làm bản di chúc tương phân ruộng đất cho con cháu, trong đó, việc thừa hưởng ruộng đất phải cụ thể, rõ ràng, chính xác, đất nào cho con trai, cho con gái, đất nào cho thờ cúng.

4. Đồng mả nông thôn là một thiết chế văn hóa nông thôn, nó gắn liền đến tính thiêng liêng của đồng bào, gắn đến lịch sử dòng họ từ bao đời. Việc di dời, việc cải táng, phải thận trọng, nếu buộc phải làm, thì chú ý đến vấn đề: Phải tạo nơi mới thay thế tốt hơn, khang trang hơn, sạch đẹp hơn.

5. Đình, nhà từ đường (nhà thờ họ), bàn thờ gia tiên, trong từng nhà, cùng với đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ, là một hệ thống thiết chế văn hóa dòng họ đã định hình từ lâu đời. Đình Tân Thông Hội được đầu tư xây dựng mới, bề thế, là công của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và của bà con ở xã ta. Đình phải được sinh hoạt đúng cách: là nơi thờ phụng thành hoàng, bổn cảnh, nơi thờ tiền hiền, hậu hiền và thờ các anh hùng liệt sĩ địa phương; đình là nơi hoạt động lễ hội, kỷ niệm ngày lễ Tết, ngày 2/9, ngày kỷ niệm Quốc tế Phụ nữ, ngày thành lập Đoàn 26/3… và là nơi hội họp; đình là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ở xã ấp. Các đại diện dòng họ - các tộc biểu, tới đình để sinh hoạt, giải quyết việc làm ăn, việc tình nghĩa… Đây phải là nếp hoạt động mới truyền thống và hiện đại của đình làng chúng ta. 

6. Qua các bộ phả, các tổ quán ta ghi nhận được tên các ấp: ấp Tiền, ấp Hậu, ấp Chánh. Tổ quán này cho ta biết, ngày xưa mặt chính diện của xã tứ phía bưng, hướng Đức Hòa, Đức Huệ, sau này khi đường thiên lý Gia Định - Tây Ninh  được hình thành, thì thế đất lại đổi thay.

7. Phát tích dòng họ, truy ông bà tổ, thường là từ đất “Ngũ Quãng”, tức từ Trung bộ vào, là một yếu tố lịch sử quan trọng, nhằm để truy dần tới các vị thỉ tổ, tị tổ xa xưa. Tất cả đều ở cái nôi miền Bắc - nhằm thực hiện giáo dục đoàn kết, thống nhất Việt Nam, là việc làm khó khăn, vẫn còn nhiều sự tồn nghi. Song, trừ một vài chi họ thuộc người Minh Hương, còn hầu hết, các dòng họ ở xã Tân Thông Hội, (kể cả các dòng họ Nam bộ), đều xuất phát từ đà Nam tiến mà lần lược vào Nam, thì yết tố thiêng liêng “Con một cha, nhà một nóc”, là “đồng bào”, “Dân tộc Việt Nam là một”, là một chân lý, không bao giờ thay đổi, không ai có thê phủ nhận hay phân hóa được.

8. Có dòng họ, cho rằng ông cha của mình thuộc quân Tây Sơn, sự thật qua truy xét, đối chiếu, so sánh của chuyên viên gia phả, thì không phải vậy. Vậy phải đính chính, và điều quan trọng hơn là phải chờ sự đánh giá chung cuộc  “công - tội” triều Nguyễn, của giới sử học, mới có nhận xét ưu khuyết lịch sử của dòng họ ở một giai đoạn. Dòng họ ta là “dòng họ nông dân”, dưới chế độ phong kiến, có những mặt, những thế lực chèn ép. Ảnh hưởng thế nào khi vua Minh Mạng đàn áp Lê Văn Khôi, dòng họ ta hưởng ứng việc bao vây đánh đồn Tây Thới (ấp Đồn) và hưởng ứng sung vào quân nghĩa dõng của Đặng Văn Duy ở Bàu Sim và Võ Văn Nhâm ở Bà Giã?

9. Có dòng họ Minh Hương trong nội bộ nhân dân xã nhà. Đây là một hiện tượng cấu tạo dân cư quan trọng, nó hình thành đặc điểm tính chất, lối sống, nếp sống Nam bộ - Việt Nam là ra sao, cần phải xác định rõ. Ở đây, chúng ta chú ý, sự Việt hóa, “sức đồng hóa kỳ diệu”, (từ của Đào Duy Anh) yếu tố văn hóa vượt trội Việt Nam trong việc đồng hóa hoàn toàn một sắc dân khác, đến sống chung, là bài học cụ thể, sống động, sâu sắc của xã nhà và của Củ Chi chúng ta.

10. Chi họ Phan của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, sớm có gia phả từ mấy năm trước. Sau này, đồng chí lại thuận cho ghi tên cha của mình vào bộ gia phả bổ sung. Nay, trong 11 bộ gia phả mới dựng đây, lại có gia phả họ Nguyễn, chúng tôi ghi tên đồng chí vào bộ gia phả họ Nguyễn này. Như vậy, công việc nhận họ như vậy là hoàn chỉnh, trọn vẹn, một sự trung thực, và công bằng đã được thể hiện.

11. Xây dựng dòng họ văn hóa ở nông thôn xã Tân Thông Hội, chúng tôi đề xuất các tiêu chí như sau: a) Dòng họ văn hóa phải có 2/3 gia đình là gia đình văn hóa; b) Phải xây dựng đoàn kết dòng họ, giữ vững, phát huy thờ cúng tổ tiên, giữ gìn mồ mả cha ông nghiêm túc, phải hiểu lịch sử dòng họ (gia phả); c) Phải có chương trình khuyến học, khuyến nghiệp và khuyến tài cho con cháu; d) Phải quan tâm chăm lo tình làng nghĩa xóm, làm công tác xã hội tốt; e) Phải lo thượng tôn pháp luật. Xây dựng gia đình văn hóa không tách rời với việc xây dựng dòng họ văn hóa.

12. Tính ngưỡng thờ cúng tổ tiên Việt Nam là một tập quán tốt đẹp, đã có từ ba, bốn ngàn năm, lại hết sức bao quát, quãng đại, nhà nào cũng thờ, trở thành một thứ đạo thiêng liêng, sâu sắc. Nhân đây chúng tôi kiến nghị: Xin Nà nước ta sớm luật hóa nó, công nhận nó trên phương diện pháp lý, như các tín ngưỡng tôn giáo khác, và trước tiên là phải có chủ trương lập các cơ quan có năng lực, chức năng và trách nhiệm nghiên cứu dòng họ, gia phả và tục thờ cúng tổ tiên Việt Nam thấu đáo và có hệ thống.

Xây dựng dòng họ văn hóa là công việc chung, song trước hết phải à công việc của mỗi dòng họ. Đảng bộ và chính quyền xã cũng phải có trách nhiệm định hướng, quản lý đúng và sâu sát. Đây là nhiệm vụ văn hóa của xã, nó vừa cũ mà vừa mới. Phải bắt đầu trang bị cho mình sự hiểu biết khoa học về dòng họ và phải đưa nó vào chương trình nghị sự của cấp ủy một cách thấu đáo, thường xuyên. 

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn và hoan nghênh sự hợp tác của bà con ở các chi họ trong qua trình dựng phả, cảm ơn Ban quản lý Đình Tân Thông, Đảng úy và UBND xã Tân Thông Hội đã tạo điều kiện, giúp đỡ, ủng hộ chúng tôi đi sát các chi họ để hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi cũng cảm ơn Tổng Công ty SATRA đã giúp một ít kinh phí cho chúng tôi trong việc đi lại.

“Tổ quốc thiêng liêng, Dòng họ vĩnh truyền, Gia đình hạnh phúc”. Gắn với việc quan tâm chỉ đạo; “Nghiên cứu dòng họ là khoa học, Thực hành gia phả là thiêng liêng” là câu khẩu hiệu hiện nay của  chúng ta.

VÕ NGỌC AN
Giám đốc TT NC&THGP TP.HCM

(22-12-2011)