043. Họ Phạm (Sơn Cao, Xã Thái Hòa, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình)
19/08/2022 17:21:59Họ Phạm hữu ở Sơn Cao, xã Thái Hòa, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2008.
LỜI NÓI ĐẦU
Mỗi dân tộc, quốc gia đều có sử, gia đình dòng họ đều có gia phả, tộc phả để lưu truyền cho mọi người trong cộng đồng dòng tộc hiểu biết được nguồn gốc của mình.
Quốc phả (lịch sử), tộc phả, gia phả đã được quan tâm ghi chép từ lâu đời, thượng cổ cho đến nay.
Ở châu Á, Trung Quốc là nước ghi chép gia phả sớm nhất như thời nhà Chu trước Công Nguyên, đã có Thế bản chép phả hệ của họ đế vương đến các quan khanh và đại phu. Nhà Hán có sách “Tam Thế biểu”. Đến nhà Tống có “Thần Liêu gia phả”.
Ở Ấn Độ, Nhật Bản, Triều Tiên… cũng quan tâm đến việc viết gia phả, tộc phả. Có những quy định ở cấp nhà nước phổ cập đến toàn dân tộc.
Ở phương Tây, Âu, Mỹ… gia phả, tộc phả ra đời từ thế kỷ thứ V. Đến thế kỷ XIX ngành Gia Phả học được công nhận là một môn Khoa học.
Ở Việt Nam, môn Gia Phả, Tộc Phả cũng ra đời sớm. Thời Lý Thái Tổ năm 1026 nhà vua cho biên soạn Ngọc Điệp và lập sở Ngọc Điệp và viết sách “Hoàng triều Ngọc Điệp”. Thời nhà Trần viết “Hoàng Tông Ngọc Điệp”. Thời nhà Lê viết “Hoàng Lê Ngọc Điệp”. Các Ngọc điệp, Ngọc phả này chủ yếu ghi chép dòng tộc nhà vua, các danh nhân, danh tướng, các nhà Khoa bảng lớn. Nhân dân ta cũng theo đó mà ghi các tộc phả, gia phả, và coi việc viết gia phả, tộc phả là việc rất hệ trọng không thể thiếu được.
Việc viết gia phả, tộc phả không đơn thuần là để biết nguồn gốc của mình mà còn có ý nghĩa nhằm: Báo đáp công ơn đối với Tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người đã đi trước, đã có công xây dựng vun đắp dòng họ nêu gương cho con cháu về tâm - đức - hạnh nhân hậu đoàn kết thương yêu nhau.
“Thương người như thể thương thân”
“Lá lành đùm lá rách”
Giữ gìn nề nếp gia phong có quan hệ tốt trong tình làng nghĩa xóm.
Tôn quý dòng họ thể hiện câu:
“Uống nước nhớ nguồn
Ăn quả nhớ người trồng cây”
là đạo lý làm người của dân tộc ta.
Hiện nay nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam ta có khuynh hướng trở về cội nguồn, ý thức dân tộc gia đình lần lần được chấn hưng để cuộc sống được phong phú về tâm hồn cũng là một phần quan trọng về đời sống tâm linh của mọi người, làm nền tảng định hướng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Người Việt Nam ai cũng có tổ tiên, luôn hướng về cội nguồn như câu ca dao:
“Cây có gốc mới nẩy cành xanh ngọn
Nước có nguồn mới biển rộng sông dài (sâu)”
“Người ta có bởi từ đâu?
Có tổ tiên trước rồi sau có mình”
Tục thờ kính Tổ tiên, kế tục truyền thống của Tổ Tiên là một nếp văn hóa, bản sắc tốt đẹp của dân tộc ta, đã trở thành tập quán sâu xa của dân tộc ta, của mọi người Việt Nam, là cách để tỏ lòng biết ơn với tổ tiên.
Dân tộc ta đã gian lao dựng nước và bao phen giữ nước. Qua mấy nghìn năm lịch sử đã viết nên trang sử huy hoàng, chói lọi. Một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh của dân tộc ta phải nói đến dòng họ của mỗi người. Bởi thế: họ, làng, nước là ba đơn vị cấu thành của xã hội nước ta tồn tại và hòa hợp với nhau thành một khối đại đoàn kết dân tộc vững như vách sắt thành đồng.
Gia đình là tế bào của xã hội. Tế bào tốt thì cơ thể khỏe mạnh, gia đình tốt thì xã hội ổn định phát triển. Gia phả là lịch sử gia đình họ tộc để lưu truyền cho con cháu đọc để hiểu biết về ông bà Tổ tiên của mình đã tốn biết bao công lao khó nhọc mới gây dựng được cơ nghiệp như ngày nay, để con cháu càng thương yêu kính trọng ông bà, Tổ tiên và quyết giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp ấy mãi mãi về sau này. Đó là cách báo hiếu. Vậy gia phả là gia bảo thiêng liêng của họ tộc.
Việc tu chỉnh và bổ sung tộc phả họ Phạm Hữu ở Sơn Cao xã Thái Hòa huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình hiện nay là rất cần thiết và cấp bách là nguyện vọng của dòng họ để lưu truyền cho các thế hệ hiện nay và mai sau.
Chúng tôi được họ nhà giao cho sưu tầm tư liệu chứng tích xưa để lại có một tập gia phả cũ đã bị nhàu nát một phần.
Chúng tôi còn thu thập các di ngôn qua các đời trước để lại, tìm hiểu thêm các tư liệu di tích một số nơi có Chi họ Phạm để viết tập phả của dòng họ gồm:
- Lời nói đầu
- Phả ký
- Phả hệ
- Phả đồ (sơ đồ dòng họ)
- Ngoại phả và phụ khảo
Theo cuốn gia phả cũ có được, ông Tổ họ Phạm Hữu tánh danh là PHẠM HỮU VUI - vị sáng lập ra dòng họ, con cháu tôn là đời I - không rõ năm sinh, mất ngày 28 tháng 4 đến lập nghiệp tại làng Sơn Đường (nay là thôn Sơn Cao) xã Thái Hòa, huyện Thái Thụy, Thái Bình. Ông Tổ có hai người vợ, sanh hạ được mấy người con không rõ, còn biết được một người là Phạm Hữu Thụy (đời II).
Và con ông cũng còn có một người là Phạm Hữu Sùng (đời III). Ông Tam đại Phạm Hữu Sùng có năm người con, 4 nam 1 nữ, 4 nam hình thành 4 chi: chi thứ nhất: Phạm Hữu Kham, chi thứ nhì: Phạm Hữu Ngạn, chi thứ ba: Phạm Hữu Nghiệm và chi thứ tư: Phạm Hữu Hàm (đời IV) và đến nay là đời X con cháu ở nhiều nơi trong cả nước.
Hiện nay hậu duệ chỉ biết nhiều về chi thứ nhì (Phạm Hữu Ngạn) có đông con cháu nối truyền từ đời V đến đời X, còn các chi khác chỉ biết đến đời VII. Hy vọng sau khi có gia phả con cháu các chi sẽ liên lạc tìm đến nhau để bổ sung cho đầy đủ.
Việc biên tập bộ Phả của họ ta tuy có thuận lợi đang là trào lưu của xã hội và sở nguyện của toàn họ; đồng thời có tập gia phả các cụ để lại. Tuy nhiên cũng còn vấp phải nhiều trở ngại là bà con ta ở rải rác nhiều nơi xa, là sự khó khăn về nhận thức và sự hiểu biết cũng như khả năng tham gia của một số thành viên trong họ có hạn chế. Riêng một số anh em chúng tôi được giao nhiệm vụ này cũng có những hạn chế về tuổi tác, sức khoẻ, về tư liệu và điều kiện làm việc nên chúng tôi – Phạm Xuân Khu – có nhờ Trung tâm nghiên cứu và thực hành gia phả TP.HCM hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ trong việc biên soạn, sắp xếp lại theo trật tự và khoa học gia phả, luôn cả việc in ấn bộ gia phả hoàn chỉnh.
Nhân đây tôi xin đại diện cho họ tộc cảm ơn cô bác anh chị bà con trong họ đã cung cấp tư liệu, góp ý, bổ sung cho đầy đủ; xin cảm ơn Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM đã có công sắp xếp biên soạn cho bộ gia phả họ Phạm Hữu chúng tôi được hoàn chỉnh với dạng giản đơn, sau này có điều kiện con cháu có cơ sở để bổ sung mãi mãi sau này.
Bộ gia phả này được phổ biến rộng rãi.
Lập Đông Mậu Tý, 2008
Đại diện họ tộc Phạm Hữu chi thứ Nhì, Đời VII
PHẠM HỮU HOA
PHẢ KÝ
Truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta là ai cũng yêu thương cha mẹ, tôn kính ông bà Tổ tiên như là một lẽ đương nhiên. Đó còn là một biểu hiện tập trung của chữ Hiếu, cũng là tiêu chuẩn quan trọng của đạo đức con người. Câu ca dao dân gian truyền khẩu từ ngàn đời đã như lời nhắc nhủ mọi người:
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Chữ Hiếu nói gọn là lòng biết ơn của con cháu, trước nhất đối với cha mẹ là đấng sinh thành dưỡng dục ta nên người; lòng kính trọng và tri ân đối với Tổ tiên ông bà là những bậc có công đầu vô cùng to lớn đã trải bao gian khổ hy sinh đã dày công tạo dựng để lại cơ nghiệp và nối truyền con cháu đến ngày nay.
Thường người ta tỏ lòng hiếu thảo trên ba phương diện: phụng dưỡng cha mẹ ông bà lúc sinh thời, tôn tạo mồ mã khi các vị quá cố, cúng giỗ hằng năm (tại nhà riêng hoặc ở tự đường) để tưởng nhớ, kính yêu. Còn một việc khác hết sức cần thiết là ghi chép lại lịch sử gia tộc, tức dựng Gia phả để lưu truyền cho con cháu đời sau biết được công lao sự nghiệp của ông bà Tổ tiên mình gần như một quy luật của trình tự tình cảm con người: Biết ( Yêu thương ( Bảo vệ. Biết là cơ sở của sự yêu thương, có yêu thương, quý trọng thì người ta mới ra sức giữ gìn truyền thống tốt đẹp, nền nếp gia phong, tự hào với Tổ tiên, mỗi người càng tự giác làm những điều tốt điều thiện, tránh làm điều sái quấy làm ảnh hưởng đến thanh danh dòng họ mình.
I. TÔNG TÍCH HỌ PHẠM HỮU
Như họ Phạm Hữu ta, có thể ngày trước ông bà ta có lập gia phả hoặc bảng tông chi tóm tắt để lại cho con cháu biết nguồn cội của mình, nhưng do chiến tranh đã bị thất lạc. Mãi sau ngày nước nhà thống nhất, ông Phạm Hữu Hoa (Đời VII, chi 2) đã cố công sưu tầm, ghi chép trong thời gian dài được bộ khung quan trọng của gia phả Phạm Hữu, chủ yếu ở chi 2.
Theo bảng ghi chép quý giá này, Đức Thủy Tổ họ Phạm Hữu là PHẠM HỮU VUI (Đời I), không rõ năm sinh, mất ngày 28.4..., đến lập nghiệp tại làng Sơn Đường (nay là thôn Sơn Cao), xã Thái Hòa, huyện Thụy Anh (nay là Thái Thụy), tỉnh Thái Bình, khoảng cuối thế kỷ 18. Ông Tổ có hai người vợ: bà Chính thất là Giang Thị …, hiệu Từ Tín, không rõ năm sinh, mất ngày 15.10… và bà Kế thất là Chu Thị …, hiệu Từ Minh, không rõ năm sinh, mất ngày 19.1…
Ông bà Tổ sinh hạ được mấy người con không rõ, con cháu chỉ còn biết có một người là Phạm Hữu Thụy, Hiệu: Bảo Tâm Thần Vi (Đời II), không rõ năm sinh, mất ngày 27.3… Ông có hai người vợ: Bà chính thất là Tạ Thị …, hiệu Tinh Thuận, không rõ năm sinh, mất ngày 10.6… Bà Kế thất là Phạm Thị …, hiệu Tinh Thục, không rõ năm sinh, mất ngày 4.11…
Ông bà sinh hạ không rõ mấy người con, còn biết được tên một người là Phạm Hữu Sùng (Đời III), không rõ năm sinh, mất ngày 8.5… Ông cũng có hai vợ: Bà Kế thất là Lại Thị Thơm, hiệu Từ Nhu, không rõ năm sinh, mất ngày 1.4… Bà sinh hạ được ba người con: Phạm Hữu Kham, Phạm Hữu Ngạn và Phạm Hữu Nghiệm. Bà thứ thất là Trần Thị Mảng, không rõ năm sinh, mất ngày 14.11… Bà sinh hạ được hai người con: Phạm Hữu Hàm và Phạm Thị Quyền.
Bốn người con trai của ông Tam đại cao tằng Tổ Khảo Phạm Hữu Sùng hình thành 4 chi (Đời IV), sinh con, đẻ cháu đến nay là 10 đời. 4 chi đó là:
- Chi thứ nhất: Phạm Hữu Kham
- Chi thứ nhì: Phạm Hữu Ngạn
- Chi thứ ba: Phạm Hữu Nghiện
Chi thứ tư: Phạm Hữu Hàm
Hiện nay hậu duệ tộc Phạm Hữu chỉ biết nhiều về chi thứ nhì Phạm Hữu Ngạn: Phạm Hữu Tiến (Đời V), Phạm Hữu Đề (Đời VI), Phạm Hữu Kinh (Đời VII), Phạm Hữu (Quang) Khải (Đời VIII) và Phạm Minh Nguyên (Đời IX) và Phạm Minh Vũ đời X. Các chi thứ ba (Phạm Hữu Nghiện), chi thứ tư (Phạm Hữu Hàm) biết đến đời VII; riêng chi thứ nhất (Phạm Hữu Kham) chỉ biết đến đời VI và cũng chưa đầy đủ, thiếu phần kỷ sự (nhân thân) như: năm sinh, nghề nghiệp, ngày mất (giỗ), mộ táng ở đâu v.v…
Có lẽ do cách trở xa xôi và đất nước ta bị chiến tranh xâm lược kéo dài, người trong họ thất lạc, không còn giữ được gia phả, ngay cả ba đời cao nhất từ vị Thủy tổ đời I đến đời II đời III, nhờ có ngày giỗ, con cháu chỉ còn nhớ danh tánh và ngày mất (giỗ). Dù sao, ở miền Bắc chiến tranh kết thúc sớm hơn (1954) miền Nam 21 năm (1975). Miền Bắc lại là vùng đất cổ, ngàn năm văn vật, có truyền thống bảo tồn biết bao di tích lịch sử của dân tộc, chắc chắn trong đó có lịch sử gia đình họ tộc, có kinh nghiệm viết gia phả sớm hơn (từ triều nhà Lý) và nhiều hơn so với các nơi khác trong cả nước.
Lịch sử các dòng họ người Kinh Việt Nam có trên 150 họ, họ Phạm là 1 trong 10 họ lớn và họ Phạm có từ lâu đời. Đến nay các hậu duệ biết được đến đấng viễn Tổ là PHẠM TU. Trong sách “Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu” (tập 3) có ghi gần 300 bộ gia phả cổ của các dòng họ, trong đó họ Phạm có gần chục bộ, như: An Sơn Phạm tướng công thế phả tinh di cảo ký hiệu 28, Đông Đồ xã Phạm tộc phả hệ ký hiệu 1115, Đông Ngạc Phạm tộc phả ký hiệu 2623, Phạm gia tộc thế gia phả hệ ký, ký hiệu 1168, Phạm tông gia phả ký hiệu 2603, Phạm tộc phả hệ ký hiệu 2623, Phạm tộc thế phả ký hiệu 2624, Phạm Đại vương ngọc phả ký hiệu 2607, v.v…
Có thể nói họ Phạm có mặt ở khắp Bắc – Trung – Nam trong cả nước ta. Hy vọng sau này các hậu duệ họ Phạm, nhất là ở miền Bắc, có điều kiện hơn sẽ ra sức sưu tầm gia phả cổ tộc Phạm trong Viện Hán Nôm (Hà Nội), trong các nhà từ đường họ Phạm, các nhà thờ đạo Thiên Chúa ở nhiều tỉnh, thành… sẽ có thể tìm được nguồn gốc. Đó là cơ sở khoa học và quyết định cho việc nối kết tộc Phạm ở khắp nơi có chung ông Tổ. Làm được điều đó là hạnh phúc lớn lao của cả họ tộc của ngành gia phả học và sử học nước nhà.
Trong khi chưa có số liệu chi tiết, chính xác về năm sinh từ vị Thủy tổ đời I đến các vị đời V. Rất may, Bản Tông chi có ghi rõ: ông Ngũ đại Phạm Hữu Đài sanh năm 1869 là con thứ sáu ông Tứ đại Phạm Hữu Ngạn (chi thứ nhì). Theo cách tính của gia phả học, mỗi thế hệ (đời) cách nhau từ 20 đến 25 năm, mỗi người con trong gia đình thường cách nhau từ 2 đến 3 tuổi. Như vậy ông Đài nhỏ hơn người chị cả Phạm Thị Khéo từ 10-15 tuổi, tức bà Khéo sanh khoảng từ 1854-1859 và bà Khéo nhỏ hơn bố từ 20-25 tuổi, tức cụ Tứ đại Phạm Hữu Ngạn sinh khoảng từ năm 1831 đến 1834, thời vua Minh Mạng (1820-1840).
Từ đó suy ra, cụ Tam Đại Phạm Hữu Sùng sinh khoảng năm từ 1810 đến 1815, cụ Nhị đại Phạm Hữu Thụy sinh khoảng năm từ 1790 đến 1795 và Đức Thủy Tổ Phạm Hữu Vui sinh khoảng năm từ 1770 đến 1775, thời vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786).
Qua việc tìm hiểu năm sinh nói trên, chúng ta hiểu được Tổ tiên mình, từ đời I đến đời VII suốt 200 năm đều sống trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh liên miên, hết cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn đến nội chiến Nguyễn Ánh – Tây Sơn, đến chiến tranh xâm lược Pháp Mỹ. Cuộc chiến chống đế quốc Mỹ dù miền Bắc sống trong hòa bình, nhưng vì miền Nam ruột thịt, thanh niên các họ tộc miền Bắc, trong đó có Phạm Hữu ta hăng hái chiến đấu tại miền Bắc và vào Nam chống Mỹ.
II. PHÁT TÍCH DÒNG HỌ
Theo ký ức của họ tộc Phạm Hữu, mà ông Phạm Hữu Hoa (chi 2, đời VII) còn ghi nhận: “Đức Thủy Tổ Phạm Hữu Vui ta phát tích từ Nga Sơn, Thanh Hóa, về Sơn Đường, tổng Bích Du, huyện Thụy Anh, tỉnh Thái Bình lập thân, lập nghiệp”.
Như vậy, Đức Thủy Tổ Phạm Hữu Vui (1765 - 1775), khi từ Nga Sơn (Thanh Hóa) đến Thụy Anh (Thái Bình) “lập thân, lập nghiệp” phải ở tuổi trưởng thành, tức khoảng năm 1785 đến 1790, thời đó có biến cố lớn là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (1788), đặc biệt năm 1789, anh hùng Nguyễn Huệ lên ngôi vua là Quang Trung kéo quân ra đất Bắc đại phá hơn 20 vạn quân nhà Thanh.
Lý do chính là gì đã khiến Đức Thủy Tổ quyết định một việc hệ trọng: rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có mồ mã ông bà Tổ tiên với biết bao kỷ niệm đậm đà, sâu sắc của một gia tộc ở Tổ quán thiêng liêng Nga Sơn đến định cư lập nghiệp tại Thái Thụy, mảnh đất ven biển Đông xứ lạ quê người? Trong đó, bên cạnh lý do kinh tế, không loại trừ lý do chính trị – giành sự an toàn cho họ tộc – mà Đức Thủy Tổ đã bao phen đắn đo, trăn trở, trằn trọc thâu đêm mới đi đến quyết định táo bạo này, thời bấy giờ!
Nếu tính từ khi Đức Thủy Tổ Phạm Hữu Vui đến định cư là một trong những họ tộc đến sớm ở Thái Thụy, Thái Bình, (1785 - 1790) đến nay (2009), tộc họ Phạm Hữu đã có 10 đời, khoảng trên 200 năm. Thời đó, Thái Thụy có thể là một thôn, làng ven biển hoang sơ, nằm ở phía Đông của tỉnh Thái Bình, sát bờ biển Đông, giáp huyện Tiền Hải ở phía Nam và Đông Nam – Tiền Hải, Kim Sơn là hai huyện mới được thành lập do công trình khai phá lấn biển của lương thần Nguyễn Công Trứ (1778 - 1859), sau được sung chức Doanh Điền Sứ. Đất biển Thái Thụy thích hợp với cây cói, nghề làm muối (nay có thị trấn Diêm Điền), nghề đánh bắt thủy sản, trồng lúa nước, nghề trồng dâu nuôi tằm – Nga Sơn (Thanh Hóa) cũng nổi tiếng nghề trồng và dệt chiếu cói. Có thể họ tộc Phạm Hữu đã làm nghề truyền thống này, và đến nay các hậu duệ còn ai giữ được nghề truyền thống của Tổ tiên không?
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tổng công ty Thủ công mỹ nghệ (Bộ ngoại thương) đã tập trung đầu tư bao tiêu sản phẩm khuyến khích nông dân trồng cói, phục hồi các nghề thủ công dệt chiếu cói, đưa số giống cói tốt ở Nga Sơn, Thái Thụy vô trồng một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long để phát triển mạnh mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm cho phần lớn bà con nông dân bị kiệt quệ sau thời gian dài vắt kiệt sức cho sự nghiệp đánh Mỹ ở miền Nam với khẩu hiệu nổi tiếng của quê hương năm tấn Thái Bình “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Hiện nay, tại các Nghĩa trang liệt sĩ ở Tp.HCM và nhất là các tỉnh ở Đông Nam Bộ, quanh Sài Gòn như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, danh sách các liệt sĩ quê Thái Bình luôn chiếm số đông! Trong số đó, liệt sĩ họ Phạm Hữu cũng có mặt.
III. LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT
Tổ quán họ Phạm Hữu ở thôn Sơn Đường (nay là thôn Sơn Cao), xã Thái Hòa, là 1 trong 47 xã thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, ven biển vịnh Bắc Bộ.
Vị trí xã Thái Hoà, phía Bắc giáp xã Thái Nguyên, phía Nam giáp xã Thái Xuyên và Thái Đô, phía Tây giáp xã Thái An, phía Đông giáp một phần xã Thái Đô (xã mới được thành lập) và bờ biển Đông. Thái Hoà cách bờ biển khoảng 1 cây số. Xã Thái Hoà gồm các thôn: Sơn Cao (Tổ quán họ Phạm Hữu), Bạch Đằng, Vọng Hải, Thùy Dương, v.v… Tử Các là thôn trung tâm nơi có trụ sở Ủy Ban Nhân Dân xã (Thái Hoà) và Bưu Điện. Xã, Chợ Cầu là nơi trao đổi mua bán.
Đường vào thôn Sơn Cao, từ đường lộ 39 dọc bờ biển, có đường đất rẽ ngang từ Đông sang Tây khoảng năm trăm mét. Khu mộ họ Phạm Hữu là một gò đất cao, nằm khoảng giữa đoạn đường đất này, đi cuối đường đất tới chùa làng Sơn Cao là tới tổ quán họ Phạm Hữu.
Thái Thụy là 1 trong 7 huyện của tỉnh, huyện lỵ là thị trấn Diêm Điền, thông ra cửa Diêm Hộ đổ ra biển. Thái Thụy được thành lập ngày 17 tháng 6 năm 1969 do hợp nhất hai huyện Thái Ninh với Thụy Anh. Về vị trí địa lý, Thái Thụy nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Thái Bình, phía Đông giáp biển Đông, phía Nam và Đông Nam giáp huyện Tiền Hải, phía Tây và Tây Nam giáp huyện Đông Hưng và huyện Kiến Xương, phía Tây Bắc giáp huyện Quỳnh Phụ, phía Bắc giáp các huyện của thành phố Hải Phòng, như: Vinh Bảo ở chính Bắc (ranh giới là sông Hóa), Tiên Lãng ở Đông Bắc (ranh giới là đoạn cửa sông Thái Bình); phía Nam huyện Thái Thụy có sông Trà Lý làm ranh giới với huyện Tiền Hải, đổ ra cửa Trà Lý.
Chính giữa huyện có sông Diêm Hộ hướng Tây – Đông đổ ra cửa Diêm Hộ, phân chia huyện thành hai phần có diện tích gần bằng nhau, trong tổng số diện tích của huyện là 257km2, dân số: trên 260 ngàn người. Phần lớn người dân trong huyện làm nông nghiệp, trồng lúa, lạc, cói, khoai lang, thuốc lào; chăn nuôi: lợn, tôm, cá, đánh bắt hải sản, làm muối, chế biến nước mắm, làm thủ công dệt, đan chiếu cói. Nghề thủ công mỹ nghệ nổi tiếng là làng mây tre đan xuất khẩu thôn Lục Nam, xã Thái Xuyên (phía Tây Nam xã Thái Hòa).
Huyện Thái Thụy có nhiều địa điểm du lịch nghỉ mát như bãi biển Cồn Đen (xã Thái Đô), rừng ngập mặn ven biển Thụy Xuân, Thụy Trường, rừng ngập mặn ven biển xã Thái Thượng, Thái Đô (trong phạm vi Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng) có nhiều loài chim quý hiếm như: sếu đầu đỏ, cò… và các loại thủy sản: ngao, tôm sú, cua; nhiều khu di tích văn hóa nổi tiếng như Lễ hội Đền Lệ (xã Thụy Ninh), Đền Hét (xã Thái Thượng),
Đền Tam Hòa (xã Thụy Trường) Đình Từ và Đình Đông (xã Thái Xuyên) là những nơi thờ các vị anh hùng dân tộc Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo… Xã Thái Thịnh là căn cứ cách mạng thời chống Pháp, trước đây được nổi danh là làng Thần Đồng, Thần Huống, là quê hương anh hùng dân tộc Lý Bôn (Bí), quê hương của Nguyễn Đức Cảnh. Thái Thụy có món ăn ngon nổi tiếng với: gỏi nhệch, cá khoai, sứa chua, chả cá.
Thái Thụy có giao thông thuận lợi, đường bộ: Quốc lộ 39, các tỉnh lộ 393, 47, 216, 460 chạy qua; đường thủy có các sông Trà Lý, Diêm Hộ, sông Hóa, v.v…
Ông Phạm Hữu Hoa (đời VII, chi 2 họ Phạm Hữu) trên 80 tuổi ghi lại vùng đất Tổ quán của mình như sau:
Thế kỷ 18 đất nước ta thuộc chế độ quân chủ phong kiến lạc hậu, người dân phải lao dịch phu lính bị vơ vét bằng sưu thuế nặng nề khắp các vùng miền đất nước làng thôn xóm vắng vẻ, đói nghèo xơ xác tiêu điều.
Chính vì thế nhiều người phải rời bỏ quê hương, bản quán, nơi có bao nghĩa nặng tình sâu. Ra đi tìm miếng cơm manh áo, một trong số đó có Đức Thủy Tổ Phạm Hữu Vui ta phát tích từ Nga Sơn – Thanh Hóa về Sơn Đường tổng Bích Du, huyện Thụy Anh, tỉnh Thái Bình lập thân, lập nghiệp.
Thật vậy vùng đất cát địa tối linh Thụy Anh có sóng cửa Trà – Ma, Cửa Hộ hùng vĩ. Đứng có long chầu, ngồi có hổ phục. Lý Bí đã về đất này khởi nghiệp Bá Vương đánh bại quân xâm lược nhà Lương phương Bắc lập nên nước Vạn Xuân độc lập đầu tiên lên ngôi Hoàng đế. Những địa danh minh chứng cho một thời vàng son dân tộc. Tử các Trang nay có đình Quốc Tế dấu tích của đại bản doanh – nơi Lý Bôn luận bàn quốc sự, lo việc quân cơ, coi việc võ bị là vũ công; lo việc văn trị ấy Văn hàn canh giữ biển đông là Vọng Hải; Cất để binh lương là đất Bằng Lương.
Một vùng địa lợi nhân hòa, chứng tích thời thăng hoa của Lý Nam Đế – Vạn Xuân, Thụy Xuân vẫn ngàn đời vang vọng.
Đức Thủy Tổ Phạm Hữu Vui về đây không phải mai danh ẩn tích, mà cũng chẳng phải lập nghiệp Bá Vương mà chọn đất Sơn Đường an cư, lấy nghề nông gia lập nghiệp mong cho con cháu trường tồn – Vạn Phúc – Cường Thịnh muôn đời. Trong bước đầu thật vô cùng gian nan vất vả nhưng với ý chí ngăn sông sâu; quay đê lấn biển lập nên điền thổ làm chỗ dung thân, lấy nơi lập nghiệp.
Làng Sơn Đường nằm ở châu thổ Sông Hồng đồng bằng Bắc Bộ có Hoàng Sơn đình tọa lạc trên khu đất: “Lục long quần hội” _ thế đất địa linh của làng có đình Ngang – Giếng Vại – Thành Hoàng đình làng là hoàng tử thứ tư của Lý Thánh Tông đã có công đánh tan giặc phương Bắc, một vị tướng văn võ song toàn, công lao và tài đức được thể hiện ở câu đối đình làng:
Sinh vi tướng, tử vi thần, uy trấn Nam bang đệ nhất.
Công tại triều, danh tại sử, lưu truyền Bắc Hải vô song.
Thật là Tuấn Kiệt trên đất địa linh. Ngay tướng Cao Biền cai trị đất An Nam cẩn tấu với vua Đường có đoạn:
“Thụy Anh, Sơn Đường
Cát địa khả tàng
Long hổ bài liệt
Hình thế hiên ngang”.
Bởi vùng “Cát Địa khả tàng”, khi vận nước suy vi triều chính đổ nát, Lê Chiêu Thống lúc thế cùng lực kiệt cũng về đất này làm chỗ dung thân qua cơn hoạn nạn. Hay cậu bé làng Lương Khuyết cũng về đây làm con nuôi họ Phạm với việc chăn trâu bò giữ em, lớn lên theo đường văn nghiệp đỗ đạt làm tham tri Bộ Binh Phạm Thế Hiển trong thời nhà Nguyễn, quốc sử còn ghi. Thế đất Sơn Đường nhìn xuống Lễ thần, chợ Bái một vùng thần dân bái phục.
Họ Phạm một thành viên trong cộng đồng dân tộc Việt Nam xuất hiện rất sớm ngay từ đầu dựng nước và giữ nước, cùng với những thăng trầm và biến cố lịch sử. Họ Phạm cũng như các dòng họ khác đã góp công sức vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Như danh tướng Phạm Tu, Phạm Ngũ Lão là bậc khai quốc công thần – thời kỳ nho học nhà Nguyễn. Phạm Thế Hiển tiến thân bằng con đường khoa bảng là bậc kỳ tài.
Trung quân ái quốc anh dũng chống Pháp xâm lược, với thời đại Hồ Chí Minh có Đảng Cộng Sản quang vinh lãnh đạo xây dựng Nhà nước Việt Nam độc lập thống nhất. Như Phạm Văn Đồng – Phạm Hùng – Phạm Ngọc Thạch, v.v… là những bậc danh nhân thiên bẩm. Như anh hùng Phạm Tuân đã bước lên con đường khoa học vũ trụ với bao khó khăn nhưng đầy lạc quan ung dung tự tại thể hiện trong bài ca xuân của Tố Hữu:
“Bữa cơm ít cá nhiều rau
Chân dép lốp bước lên tàu vũ trụ”
Trong lịch sử nước nhà thời đại nào họ Phạm cũng có những danh tướng xuất chúng – những nhân tài kiệt xuất đã làm “Danh gia vọng tộc”.
Gia tộc Phạm Hữu nằm trong dòng họ Phạm Việt Nam vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp của mình:
Đối với họ hàng dòng tộc nặng nghĩa, nặng tình “Chị ngã em nâng”. Đối với cộng đồng xóm làng, gặp khó khăn hoạn nạn “Bầu thương lấy bí” – Đối với quốc gia hữu sự đã xác định được phận sự của mình. Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, gia tộc Phạm Hữu cũng có những người hăng hái tiên phong dẫn đầu hàng quân như cụ Phạm Hữu Tham, ông Phạm Hữu Hồng, ông Phạm Hữu Hoa cùng các lực lượng trong huyện bao vây huyện lỵ thu ấn tín giải tán chế độ thực dân quan lại xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, Cụ Tham được giữ chức Chủ tịch lâm thời và qua các thời kỳ đều là cán bộ nồng cốt trung kiên của Đảng trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, quê hương Thái Bình của họ Phạm Hữu là hậu phương vững chắc chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam với tinh thần
“Thóc không thiếu một cân
Quân không thiếu một người”
Thanh niên Phạm Hữu xung phong lên đường đánh giặc qua các thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ với tinh thần dũng cảm ngoan cường. Đó là tố chất và tinh thần người Phạm Hữu hòa quyện với câu đối đình làng:
Khí bẩm phù dư, huyết thực lưu vạn thế
Tịnh trung sơn hải, hương làn xuất bách thần.
Trong công cuộc đánh giặc giữ nước của dân tộc thật là vô cùng quyết liệt nhưng hết sức vẻ vang. Nhân loại phải nghiêng mình. Thế gới phải thán phục. Vinh dự ấy thuộc về các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các bậc lão thành cách mạng tiền khởi nghĩa, các anh hùng liệt sĩ thương binh, gia đình có công với nước, trong đó cộng đồng xóm làng Sơn Cao.
Ngày nay trong cuộc canh tân đất nước, mọi thành viên trong gia tộc Phạm Hữu không ngừng rèn luyện phấn đấu vươn lên lập thân lập nghiệp trở thành người có đủ đức tài đáp ứng cho nền kinh tế trí thức. Vì vậy trong họ đã có 1 lão thành, 1 tiền khởi nghĩa, 1 liệt sĩ, 5 thương binh, bác sĩ có 3, tiến sĩ có 1, thạc sĩ có 5, 43 đại học thuộc nhiều ngành. Đấy cũng là để tri ân tiên tổ, phát huy truyền thống dòng họ xứng đáng là người làng Sơn Cao sống trên vùng Cát địa linh thiêng này.
Tôi là Phạm Hữu Hoa không phải là bậc tôn trưởng trong họ, nhưng cũng là người cao tuổi trong nhà đã ở tuổi 84 được họ tộc giao cho tu chỉnh tộc phả. Tôi thường trăn trở ngày đêm mong sao cho dòng họ được trường tồn, phúc khang Đức Thịnh. Đến nay tổ quán Phạm Hữu được Đức Thủy Tổ đặt ở nơi “Cát địa Khả Tàng”. Chính vì vậy mà họ tộc Phạm Hữu còn truyền tụng tập thơ Tình Quê, có câu:
“Cảm ơn các bậc tổ tông
Chọn làng lập nghiệp dáng rồng bay lên”
Hoặc người Sơn Cao làm ăn sinh sống ở nơi khác nhìn về bản quán mà tri ân:
“Các cụ già thường bảo Đất làng mình linh thiêng…”
“Để có ngày hôm nay
Nhờ hồn thiêng vào đất”.
(Phạm Quang Chu)
Vậy họ Phạm Hữu ta có miếu đường tổ nghiệp, có mồ mả của ông cha, có phả tộc phả ước, có hội đồng gia tộc, thay mặt mọi người chăm lo việc họ, điều hành phả ước để hòa mình với cộng đồng làng xã bắt nhịp với công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập thật là niềm vui khôn xiết.
Có được như vậy là nhờ đường lối của Đảng và Nhà Nước. Trực tiếp là Đảng ủy chính quyền địa phương – Sự cố gắng của mỗi người mỗi nhà trong họ nội ngoại. Những con em trong họ sống trên khắp các vùng miền đất nước và các châu lục xa xôi đã hết lòng chăm lo phát tâm công đức sự tận tình của các dòng họ trong cộng đồng xóm làng đã giúp đỡ nhau khi khó khăn, lúc tắt lửa tối đèn trong quá trình làm ăn sinh sống tại quê nhà.
IV. ĐẶC ĐIỂM DÒNG HỌ
1. Họ Phạm Hữu định cư ở xã Thái Hòa đã hơn 200 năm, được 10 thế hệ (đời). Từ Đức Thủy Tổ Phạm Hữu Vui (Đời I) nối tiếp đời II, đời III là giai đoạn lạ đất lạ người lo tập trung lao động khai hoang mở đất, tạo dựng cơ nghiệp cho con cháu. Từ đời IV đến đời VI, khi cuộc sống ổn định, nhờ làm ăn giỏi mở mang sản nghiệp của ông cha nên hầu hết các vị đều trở nên khá giả vào bậc nhất thôn làng nên có uy tín trong xã hội! Đó là hai tiêu chuẩn hàng đầu nên nhiều vị được làm lý trưởng; các ông từ Thủy Tổ đến đời VI đều có hai vợ, cá biệt có người tới ba vợ, rất đông con nhưng gia đình vẫn trên thuận dưới hoà, đầm ấm.
2. Nổi bật là truyền thống hiếu học, thông minh, tinh thần chịu khó vượt qua số phận làm nên sự nghiệp. Tiêu biểu là ông Phạm Hữu Lãng (Đời VII) dù bị tật câm điếc từ nhỏ, nhưng không chán đời, phú cho số mạng, ngược lại ông quyết chí vượt lên số phận trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Ông rất thông minh chọn nghề phù hợp với bản thân là nghề đan nát (đát) thủ công, cần mẫn miệt mài lao động sáng tạo, khéo tay, sản phẩm nổi tiếng được đông đảo khách hàng ưa chuộng. Ông có vợ con hạnh phúc, cuộc sống khấm khá, không thua kém gì những người trang lứa trong dòng họ, lại sống rất tình nghĩa được mọi người yêu thương.
Tinh thần hiếu học cũng khá rõ. Thời Pháp thuộc, trường học ít các ông học chữ Nho, nơi nào có trường vừa học chữ Nho vừa học chữ Pháp. Đặc biệt sau khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công, từ đời VII trở về sau này hầu hết các nam nữ trong họ đều học hết cấp hai, nhiều người tốt nghiệp cấp ba, đại học, trên đại học tiến sĩ, thạc sĩ, v.v… Nhờ vốn học thức này, nhiều người trong họ đã đóng góp xứng đáng trong hai cuộc kháng chiến đánh Pháp đuổi Mỹ cũng như trong công cuộc xây dựng hòa bình cả ở hai miền đất nước.
3. Tinh thần yêu nước, anh dũng chống giặc ngoại xâm vừa qua cũng như xây dựng phát triển kinh tế sau khi nước nhà thống nhất của họ tộc Phạm Hữu rất đáng tự hào. Đời VII có đông đảo người tham gia nhất vì nằm trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đánh đế quốc Mỹ xâm lược (1954 - 1975), đánh thắng giặc Pháp ở miền Bắc nhiều người tiếp tục chống Mỹ xâm lược ở miền Nam. Nhiều người tham gia cướp chính quyền tháng 8 / 1945 như ông Phạm Hữu Tham (Đời VI), Phạm Hữu Vượng, Phạm Hữu Hoa, v.v… và thành lập chính quyền cách mạng địa phương, làm chủ tịch xã Thái Hòa như ông Phạm Hữu Tham (sau ông làm Phó Chủ tịch Việt Minh Liên Việt huyện Thái Ninh rồi Chủ tịch huyện Thái Ninh). Ông Phạm Hữu Hoa, sau khi cướp chính quyền, làm Phó bí thư đoàn thanh niên cứu quốc huyện Thái Ninh (nay là Thái Thụy), đi bộ đội tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, vào Đoàn 559 vận tải vũ khí đường Trường Sơn cho chiến trường miền Nam. Trong họ tộc đã có 1 liệt sĩ, 5 thương binh đã đóng góp xương máu vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
V. XÂY DỰNG DÒNG HỌ VĂN HÓA
Mục đích việc lập gia phả là để cho đời sau biết để giữ gìn truyền thống làm vẻ vang họ tộc, trong đó có nội dung xây dựng họ tộc văn hóa là then chốt, thiết thực nhất. Đó là thể hiện tình thương và sự quan tâm cụ thể đối với con cháu. Xây dựng họ tộc văn hóa gồm có: thờ phụng tổ tiên, khuyến học, khuyến nghiệp, khuyến tài. Con cháu họ Phạm Hữu rất hiếu học, nhưng trong đó còn có nhiều gia đình khó khăn. Hội đồng gia tộc nên có quỹ khuyến học để hỗ trợ được tổ chức vào ngày giỗ ông Tổ có biểu dương khen thưởng học sinh giỏi; khuyến nghiệp: lo công ăn việc làm cho số trưởng thành, để cho các cháu tự nuôi sống bản thân và gia đình. Việc xây dựng vợ chồng tự do, bình đẳng, quan hệ xã, huyện tốt. Khuyến tài: quỹ khuyến học sẽ ươm mầm nâng đỡ những cháu xuất sắc để trở thành nhân tài cho đất nước, đem danh thơm về cho họ tộc.
Tôn kính, tự hào Tổ tiên, con cháu họ tộc Phạm Hữu càng làm vẻ vang truyền thống dòng họ. Thật là:
Hữu Dư Phúc Ấm Lưu Miêu Duệ
Bất Tử Tinh Thần Tại Tử Tôn
(Tổ tiên để lại phúc đức cho con cháu
Làm rạng rỡ truyền thống tốt đẹp này là tự ở con cháu vậy).
Các tin cũ
- » 042. Gia phả họ Lê (ấp 2, Bình Lợi, Vĩnh Cửu, Đồng Nai) 19/08/2022 11:24:01
- » 041. Gia phả họ Phạm (làng Lương Quán, xã Thủy Biều, thành phố Huế) 19/08/2022 11:07:57
- » 040. Gia phả họ Đỗ (xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) 19/08/2022 10:01:37
- » 039. Gia phả họ Huỳnh (KP2, xã Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM) 19/08/2022 07:44:52
- » 038. Gia phả họ Bùi (ấp 3, Mỹ Tân, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) 19/08/2022 07:10:18
- » 037. Gia phả họ Phan (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) 19/08/2022 06:48:19
- » 036. Gia phả họ Lê (ấp Hành Chánh, thị trấn Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) 19/08/2022 06:30:37
- » 035. Gia phả họ Phạm ở ấp 9, Mỹ Lộc, Tam Bình, Vĩnh Long) 18/08/2022 21:07:13
- » 034. Gia phả họ Huỳnh (ấp Bàu Cỏ, Phước Hòa, Phú Giáo, Bình Dương) 18/08/2022 20:44:55