Trang chủ > 045. Gia phả họ Đặng (xã Đức Lập, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An)

045. Gia phả họ Đặng (xã Đức Lập, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An)

19/08/2022 17:58:11

Gia phả họ Đặng ở xã Đức Lập, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2009.

LỜI NGỎ

Tộc phả hay gia phả họ tộc là quyển sách vàng ghi chép cội nguồn dòng họ, cho đời sau biết đến công lao, đức độ của ông bà đã tạo dựng, phát triển họ tộc; cho con cháu các thế hệ biết  mối quan hệ họ hàng thân tộc. Gia phả còn ghi chép những thành đạt, hoặc thất bại của chi họ; biết quá khứ, truyền thống tốt đẹp của dòng họ để phấn đấu giữ gìn và rèn luyện ngày càng làm rạng danh cho bản thân, gia đình và họ tộc.

Mộc bản thủy nguyên thiên cổ niệm

“Chim có tổ người có tông”, “Cây có cội, nước có nguồn”,

những câu ca dao nói lên quan niệm đạo lý của người Việt Nam lưu truyền bao đời nay dẫu cho xã hội có nhiều biến động, thay đổi. Vì vậy việc truy tìm nguồn gốc tổ tiên, chăm lo mồ mả ông bà, là những điều thiêng liêng của người Việt Nam.

Dòng họ Đặng chúng ta đến lập nghiệp tại xã Đức Lập, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An  hơn 150 năm nay. Các bậc tiền bối đã cần cù lao động với mong muốn gầy dựng cho con cháu đời sau một tương lai ngày càng sáng lạn. Điều đáng nói là khi đất nước trải qua chiến tranh, các bậc tiền nhân và con cháu họ Đặng chúng ta cùng góp phần đánh đuổi ngoại xâm. Tất cả những điều đó là tấm gương sáng để con cháu học tập noi theo, tiếp tục truyền thống của gia đình và dòng họ phấn đấu xây dựng một cuộc sống ấm no hạnh phúc cho chính bản thân mình và góp phần xây dựng cộng đồng xã hội.

Khi bắt đầu dựng nghiệp đến nay, họ Đặng chúng ta hết sức khó khăn trong cuộc sống nên chưa có điều kiện  dựng bộ gia phả cho dòng tộc mình, trong thân tộc có truyền thống báo hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ qua việc chăm sóc mộ phần và cúng giỗ hằng năm. Chi nào cũng lập bàn thờ, duy trì việc cúng giổ từ đời ông sơ, ông nội, đến đời cha do con trai trưởng hoặc con trai út được phân công đảm nhiệm. Trong họ tộc chưa có nhà thờ Họ để cúng tế các bậc cao hơn,  nhà thờ hương khói tổ tiên và ngày giỗ họ để tập họp con cháu các thế hệ. Đây cũng là dự kiến của chúng tôi và sẽ cố gắng hoàn thành trong thời gian sắp tới.

Sau ngày giải phóng, đất nước thanh bình, trong dòng họ Đặng chúng ta có ông Đặng Văn Dẫu (đời IV) đã có ước muốn tìm tòi, ghi chép về bà con dòng họ. Đó chỉ là sự nhiệt tình đáng quí chứ chưa dựng lại gia phả cho dòng họ.

Thời gian  trôi qua, ông Đặng Văn Dẫu già yếu rồi qua đời, vẫn chưa thực hiện ước mong. Tôi: Đặng Văn Đây, con ông,  là hậu duệ đời V, từ ý nguyện của cha, nay có điều kiện đã tiến hành lập phả họ Đặng. Tuy nhiên, muốn xây dựng một bộ gia phả hoàn chỉnh cần phải có thời gian, nhân lực và những chuyên môn nghiệp vụ nhất định. Vì thế, với sự đồng ý của những bậc cao niên, chúng tôi đã tìm đến Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Tp.HCM,  nhờ giúp đỡ.

Ngày 13/9/2008, Trung tâm cử nhóm thực hiện gia phả cùng những người đại diện dòng họ đã có buổi tiếp xúc đầu tiên tại xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An để tìm hiểu, ghi chép về bà con thân tộc và nhất là tìm hiểu vị thuỷ tổ của dòng họ mình. Trải qua nhiều đợt điền dã ở các xã Đức Lập, huyện Đức Hòa, Đức Huệ, tỉnh Long An, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh và một số nơi khác. Đến nay, gia phả đã cơ bản hoàn thành xin giới thiệu đến bà con dòng họ để chúng ta cùng tham khảo: 

- Tổ tiên chúng ta bắt nguồn từ xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, nơi đây dòng họ Đặng sinh sống đông đúc. Riêng ông ĐẶNG VĂN QUY là người đầu tiên của họ Đặng đến thôn Đức Lập đầu thế kỷ XIX (nay là xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) sinh cơ lập nghiệp và đây cũng là tổ quán của nhánh họ Đặng nơi đông đảo hậu duệ của ông Đặng Văn Quy sinh sôi nảy nở: Ông Đặng Văn Quy sinh 10 người con (6 trai, 4 gái). Người con trai thứ hai và thứ tư chết lúc nhỏ. Bốn  người con trai còn lại lập nên 4 chi (Đời II):

Chi thứ nhất:  Ông Đặng Văn Nhứt.

Chi thứ hai : Ông Đặng Văn Chất.

Chi thứ ba : Ông Đặng Văn Đầy.

Chi thứ tư : Ông Đặng Văn Giái.

Đến nay, thân tộc họ Đặng ở xã Đức Lập đã phát triển tiếp nối các đời: Đời III, Đời IV, Đời V, Đời VI và Đời VII..

Bộ Gia phả họ Đặng được dựng theo bố cục như sau:

Phần thứ nhứt : Phả ký.

Phần thứ hai  : Phả hệ.

Phần thứ ba  : Phả đồ.

Phần thứ tư : Ngoại phả.

Việc xây dựng gia phả, nhất là với những họ không có phả gốc, cũng như không có ghi chép, chỉ qua chuyện kể, như họ Đặng chúng ta là một việc làm hết sức khó khăn. Vì vậy, bước đầu tập hợp chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, rất mong bà con thân tộc, thông cảm. Công việc xây dựng gia phả lại là công việc cần được tiến hành thường xuyên và liên tục,  mong rằng toàn thể bà con dòng họ Đặng chúng ta hãy cùng nhau tiếp tục góp sức xây dựng, bổ sung để gia phả của chúng ta ngày càng hoàn chỉnh.

Cũng qua đây tôi xin chân thành cảm ơn Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Tp.HCM  và Tổ Thực hiện đã giúp chúng tôi hoàn thành bộ gia phả này. Xin trân trọng sự hợp tác của anh Đặng Văn Khu, Đặng Văn Du, Đặng Văn Danh, cùng rất nhiều bà con họ Đặng chúng ta trong quá trình dựng phả.

Tháng 11 năm Kỷ Sửu - 2009

Cháu đời V họ Đặng

ĐẶNG VĂN ĐÂY

 

PHẢ KÝ

Theo truyền khẩu của các bậc trưởng lão, dòng họ Đặng trước khi đến vùng đất Đức Hòa lập nghiệp đã sinh sống tại xóm Tha La, thuộc xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Nơi đây, khi xưa là vùng giáp ranh với Đức Hòa, Đức Huệ. Nguyên cớ ông Tổ di chuyển nơi sinh sống được biết là khi lập gia thất, ông đã về quê vợ tạo dựng cơ nghiệp. Nếu tính từ Đời I, ông Đặng Văn Quy đến năm Mậu Tý 2008, con cháu phát triển đến đời thứ VI, có nhánh đến đời VII có khoảng thời gian trên 150 năm.

Tộc Đặng nơi đây sinh sống tập trung quanh các vùng Đức Hòa, Đức Huệ, Củ Chi. Trong Họ phần lớn lam lủ với nghề nông. Một nắng, hai sương, chân lắm, tay bùn, cuộc sống khó khăn nghèo khổ nên con cháu các đời không có dịp đi tìm dòng họ, nhưng nghe ông bà, cha mẹ kể rằng: Đời thứ III có ông Đặng Văn Giỏi đi tìm họ hàng, đến Tha La, ông gặp người bà con là ông Đặng Văn Lẻ, nhà có lò gạch, bà con quanh vùng gọi là lò gạch Mười Lẻ ở An Hòa, Trảng Bàng, Tây Ninh. Những lúc có dịp họp mặt đều nhắc đến, nhưng không có điều kiện qua lại, sớm hôm thăm viếng. Tuy vậy, tình huyết thống thiêng liêng trong dòng tộc, không chỉ những bà con họ hàng nơi Đức Lập mà gắn bó cả nơi Trảng Bàng, cách hơn 30 cây số theo đường Liên tỉnh.

Việc xây dựng bộ gia phả của dòng họ Đặng ở xã Đức Lập có gặp những hạn chế do một số lý do như: dòng họ không có gia phả gốc, thời chiến tranh bà con ly tán, mộ của những bậc thuộc các đời đầu đa số là mộ đất, không có mộ bia. Vì vậy, gom góp ký ức và truyền khẩu của tiền nhân, chúng ta hệ thống những sự kiện liên quan đến xác định tổ quán, phát tích dòng họ, việc xác lập mối quan hệ giữa các nhóm họ Đặng có quan hệ thân tộc chủ yếu hiện sinh sống trên đất Đức Lập và các địa phương khác .

Phần phả ký này chủ yếu đề cập đến các vấn đề sau:

- Xác định tổ quán và vị thủy tổ.

- Quá trình hình thành, phát triển của dòng họ.

- Những đặc điểm của dòng họ và mối quan hệ của dòng họ đối với xã hội.

I. PHÁT TÍCH DÒNG HỌ

 1. Vị họ Đặng cao nhất ở xã Đức Lập, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An - Ông Đặng Văn Quy

Trước hết cần nói rằng họ Đặng ở xã Đức Lập, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, không sanh trưởng nơi đây, mà từ nơi khác đến. Bà con họ Đặng ở xã Đức Lập vẫn truyền miệng nhau rằng tổ tiên của mình từ xóm Tha La thuộc xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đến. 

Vị cao nhất của cánh họ Đặng xã Đức Lập là ông ĐẶNG VĂN QUY cả ông và bà mộ an táng tại đồng mộ làng. Con cháu mới tôn tạo, bia  mộ ghi bằng chữ Việt: “Phần mộ cụ ông Đặng Văn Quy. Từ trần 25/5 Âl ” và “Phần mộ bà Trần Thị Đa, quê quán Ap Chánh, Đức Hòa, Long An. Từ trần 10/6 Âm lịch.”, ngoài ra không có thêm những thông tin gì khác, chỉ biết rằng ông bà khi sinh thời làm ruộng, trồng mía, trĩa đậu.  

Về năm sanh ông Đặng Văn Quy theo cách tính như sau: Thứ nhất, từ ông Đặng Văn Quy  đến nay con cháu đã phát triển đến 6 đời. Người cháu đời thứ VI  là Đặng Vương Pha, sanh năm 1980, theo cách tính của các nhà Sử học, mỗi đời cách nhau 25 năm, đời thứ III, con người thứ tư, ông Đặng Văn Trận sinh năm 1868, người thứ hai Đặng Văn Thới sanh khoảng năm 1864. Vậy con trưởng ông Đặng Văn Quy là Đặng Văn Nhứt, sanh năm 1839, trước ông Nhứt là ông Đặng Văn Thống có thể sanh năm 1837 và ông Đặng Văn Quy sanh khoảng năm 1812.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                    Điều đáng mừng, trong họ còn nhớ tên đầy đủ các người con của ông Đặng Văn Quy. Trong mười người con của vị tổ họ Đặng (Đời I) ở Đức Lập: 

- THỨ HAI: ĐẶNG VĂN THỐNG - chết năm 12 tuổi.

- THỨ BA : ĐẶNG VĂN NHỨT

- THỨ TƯ: chết lúc mới sanh.

- THỨ NĂM: ĐẶNG VĂN CHẤT

- THỨ SÁU: ĐẶNG VĂN ĐẦY

- THỨ BẢY : ĐẶNG THỊ XƯA

- THỨ TÁM : ĐẶNG THỊ HOA

- THỨ CHÍN: ĐẶNG THỊ NẦY

- THỨ MƯỜ : ĐẶNG THỊ SUỐT

- THỨ MƯỜI MỘT: ĐẶNG VĂN GIÁI.

Lịch sử phát triển các đời, các chi:

Đời II: 

Ngươi thứ hai tên Đặng Văn Thống (chết lúc nhỏ) người thứ tư  không biết tên. Người thứ ba: Đặng Văn Nhứt gá nghĩa với bà Phạm Thị Hoa sanh ra 5 người con trai: Đặng Văn Thới, Đặng Văn Trận, Đặng Văn Sao, Đặng Văn Cây và Đặng Văn Bót. Người thứ tư chết lúc còn nhỏ. 

Người thứ năm Đặng Văn Chất lập gia thất với bà Nguyễn Thị Thu sanh 10 người con có 4 người con trai: Đặng Văn Giỏi, Đặng Văn Dắn, Đặng Văn Sửng, Đặng Văn Hửng.

Người thứ sáu Đặng Văn Đầy gầy duyên với bà Võ Thị Độ sanh 2 người con, có 1 con trai là Đặng Văn Xét. 

Người thứ bảy Đặng Thị Xưa, có chồng là Lê Văn Bia sinh 10 người con, chết 6, còn 4 người: Lê Văn Dính, Lê Thị Lo, Lê Văn Lường, Lê Thị Tặc. Các con bà Đặng Thị Xưa, có ông Lê Văn Lường là Liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bà Lê Thị Tặc được công nhận là Mẹ Việt Nam Anh Hùng vì có 1 người con duy nhất là Nguyễn Văn Đực là Liệt sĩ. 

Người thứ tám: bà Đặng Thị Hoa, có chồng là Phùng Văn Lén sanh 8 người con, 3 chết lúc nhỏ, còn 5 người: Phùng Thị Quốc, Phùng Thị Chuyền, Phùng Thị Hai, Phùng Thị Phải, Phùng Thị Thôi. Con cháu bà Hoa hầu hết sinh sống bằng nghề nông, thợ may, làm công nhân, riêng con bà Phùng Thị Quốc là Trần Văn Lành, Phó Chủ tịch Huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.  

Người thứ 9 là Đặng Thị Nầy có chồng là ông Nguyễn Văn Thinh, sanh 10 người con, 2 người chết lúc nhỏ, còn 8 người: Nguyễn Văn Tạc, Nguyễn Thị Ơn, Nguyễn Văn Hanh, Nguyễn Văn Nhanh, Nguyễn Thị Thơm, Nguyễn Văn Dứa, Nguyễn Thị Mười, Nguyễn Thị Nhỏ. Con cháu bà Nầy sinh sống ở nhiều nơi như Hốc Môn, Củ Chi. Đời cháu có ông Nguyễn Văn Hoàng thoát ly tham gia kháng chiến chống Mỹ, đi nhiều nơi giữ nhiều nhiệm vụ, cao nhất là Trưởng Ban Tổ chức huyện Củ Chi; đời cháu có ông Nguyễn Văn Tu là Liệt sĩ, ông Nguyễn Văn Quế tham gia kháng chiến chống Mỹ, nhận nhiệm vụ cao nhất là Bí thư Chi bộ xa. 

Người thứ mười, bà Đặng Thị Suốt có chồng về Vinh Lộc, huyện Bình Chánh, nhưng từ khi lấy chồng, không về Đức Lập, ông Đặng Văn Đò chỉ biết được bà có 1 người con tên Cân sanh một con trai đặt tên Văn, 

Người thứ mười một là Đặng Văn Giái kết hôn với bà Cao Thị Bách sanh 7 người con, người con trai thứ ba, thứ bảy chết lúc còn nhỏ, người thứ năm sống độc thân còn 3 người con trai: Đặng Văn Khối, Đặng Văn Đò sống ở Đức Lập, Đức Hòa, Long An; Đặng Văn Rượt sống tại Đồng Tháp.

Từ Đời II, 4 chi thuộc 4 người con trai của ông Đặng Văn Quy lập 11 nhánh Đời III. Từ đó phát triển con, cháu, chắt đến các Đời IV, Đời V, Đời VI và  trong một số nhánh đã phát triển đến Đời VII sinh sống chủ yếu ở xã ĐứcLập song cũng có người sống ở Hòa Khánh, Đức Huệ xa hơn là thành phố Hồ Chí Minh..

Ông Đặng Văn Danh, hậu duệ Đời V, cháu nội ông Đặng Văn Đầy có một câu nói hàm xúc nhưng rất có ý nghĩa: “Trong rừng có một cây sao sinh sôi nẩy nở thành một rừng sao. Người ta từ vợ chồng một người trong họ, phát triển thành một vùng họ”. Câu nói ấy thật đúng với thực tế của họ tộc ta. Từ ông bà Đặng Văn Quy và Trần Thị Đa, dòng họ Đặng sống đông đúc trên khắp vùng Đức Lập Hạ, Đức Lập Thượng, Hòa Khánh Tây, Hòa Khánh Nam, ngoài ra còn vươn xa đến Củ Chi, Tây Ninh và Đức Huệ, tỉnh Long An, Tp. HCM.

2. Tỏ quán, nơi sinh cơ lập nghiệp 

Lịch sử tỉnh Long An ghi: Tên hành chính tỉnh Long An ra đời ngày 22-10-1956 (tư liệu số 143-NV). Trước đó, mảnh đất Long An cùng với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long còn hoang hóa nhiều, dân cư thưa thớt. Từ đầu thế kỷ XVII những nhóm người Việt đến định cư và khai phá vùng đất Đồng Nai, Sài Côn của xứ Nông Nại. Họ tụ họp nhau thành “nậu”, thành “thuộc” và gần như sống biệt lập với sự cai trị của chúa Nguyễn.

Năm 1968, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Nguyễn Hữu Cảnh vào ổn định tình hình và thành lập bộ máy hành chánh. Ông Nguyễn Hữu Cảnh lập đất Nông Nại thành Phủ Gia Định, phân hai huyện: Phước Long trên vùng đất Đồng Nai, có 2 lỵ sở là dinh Trấn Biên và Tân Bình; trên vùng đất Sài Côn có lỵ sở là dinh Phiên Trấn. Đất Long An thuở ấy nằm lọt trong vùng đất Tân Bình.

Năm 1802, Gia Long lên ngôi đổi phủ Gia Định làm trấn Gia Định. Năm 1808, lại đổi trấn Gia Định làm thành thành Gia Định. Tổ chức cơ cấu thời nầy: dưới thành là trấn, dưới trấn là phủ, dưới phủ là huyện.

Năm Minh Mạng thứ XVIII (tức 1832) nhà Nguyễn đo đạc lại ruộng đất, điều chỉnh lại địa giới thành Gia Định làm 6 tỉnh: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Cũng vào năm nầy, hai huyện Thuận An và Phước Lộc của phủ Tân Bình được tách ra, lập thành phủ mới lấy tên là Tân An. Phủ lỵ đóng ở thôn Bình Khuê (nay là Mỹ Thạnh, huyện Vàm Cỏ). Năm 1836, Minh Mạng đổi Phiên An thành tỉnh Gia Định và gọi toàn thành Gia Định là Nam Kỳ.

Tỉnh Gia Định bấy giờ có 3 phủ, 7 huyện, trong đó có phủ Tân An gồm 2 huyện Thuận An và Phước Lộc. Tỉnh Gia Định bấy giờ bao gồm cả Tp.HCM, tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An ngày nay.

Năm 1841, tỉnh Gia Định nhận thêm một phủ mới là phủ Hòa Thạnh: huyện Tân Thạnh và Tân Hóa, nguyên là đất tỉnh Định Tường.

Tứ 1858-1945, thực dân Pháp chiếm thành Gia Định, đến năm 1867 chúng thiết lập bộ máy cai trị và qui định tổ chức 6 tỉnh: Sài Gòn, Mỹ Tho, Biên Hòa, Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên thành 24 khu tham biện. Vùng đất Long An ngày nay vào thuở ấy có khu tham biện Chợ Lớn, Phước Lộc và Tân An.

Từ 1865 đến 1877 có một số thay đổi địa giới như sau: Năm 1865, tổng Hưng Long thuộc huyện Kiến An, tỉnh Định Tường được cắt qua khu Tân An; năm 1867, huyện Tân Hòa được tách khu tham biện Tân An để lập khu tham biện Gò Công. Năm 1871, khu tham biện Tân An nhận thêm phần đất của huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Năm 1877, tổng Cửu Cư Thượng, khu tham biện Chợ Lớn được trả về huyện Cửu An, thuộc tham biện Tân An.

Thời kỳ 1945-1954, có sự phân chia tên gọi như sau: Về thực dân Pháp tỉnh Tân An gồm 3 huyện Châu Thành, Thủ Thừa, Mộc Hóa, tỉnh Chợ Lớn với 4 quận: Gò Đen, Cần Giuộc, Cần Đước và Đức Hòa. Về phía chính quyền kháng chiến phân chia: Tỉnh Tân An gồm 3 huyện: Châu Thành, Thủ Thừa và Mộc Hóa; tỉnh Chợ Lớn gồm 4 huyện: Trung Huyện, Cần Giuộc, Cần Đước và Đức Hòa. Năm 1951, hai huyện Đức Hòa và Trung Huyện nhập với tỉnh Tây Ninh thành tỉnh Gia Định Ninh, đến năm 1954 mới trở lại tên 2 tỉnh Chợ Lớn và Tân An.

Thời kỳ 1954-1975, về phía Sài Gòn, năm 1956 lập tỉnh Long An với một phần đất của tỉnh Tân An và tỉnh Chợ Lớn. Năm 1959, 3 xã của quận Đức Hòa và 5 xã của quận Thủ Thừa lập thành quận Đức Huệ. Năm 1963, hai  quận Đức Hòa, Đức Huệ nhập quận Trảng Bàng và quận Củ Chi, lập nên tỉnh Hậu Nghĩa. Về chánh quyền Cách Mạng phân chia tỉnh Long An bao gồm: một phần của Chợ Lớn và Tân An gồm các huyện: Đức Hòa, Đức Huệ, Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành Bến Lức, Thủ Thừa và thị xã Tân An.

Thời kỳ 1975-1985, sau nhiều lần phân chia, sáp nhập, tên gọi hiện nay là tỉnh Long An gồm một thị xã Tân An và 10 huyện: Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức, Thủ Thừa, Vàm Cỏ, Cần Đước, Cần Giuộc. Trong đó, huyện Đức Hòa có 3 thị trấn: Đức Hòa, Bàu Trai (Hậu Nghĩa), Hiệp Hòa và 17 xã: Lộc Giang, An Ninh Tây, Hiệp Hòa, Tân Phú, Hòa Khánh Tây, Hòa Khánh Nam, Hựu Thạnh, Đức Hòa Hạ, Tân Mỹ, Đức Lập Thượng, Đức Lập Hạ, Mỹ Hạnh Bắc, Mỹ Hạnh Nam, Đức Hòa Đông, An Ninh Đông, Hòa Khánh Đông. 

Cũng nên biết rằng, dù tên gọi, tỉnh, huyện có thay đổi, nhưng tên xã Đức Lập, vẫn duy trì trước là thôn Đức Lập, nay là xã Đức Lập Hạ và Đức Lập Thượng.

Theo hậu duệ họ Đặng sống trên vùng đất Đức Hòa cho biết: Ông Đặng Văn Quy khởi nghiệp từ Đức Lập Hạ, con cháu phát triển đông đúc và sinh sống ở Đức Lập Thượng, Hòa Khánh Tây, Hòa Khánh Nam. Nghề sống chính của dân cư toàn xã là làm ruộng, làm vườn.

 Xã Đức Lập Thượng, Đức Lập Hạ, Hòa Khánh Tây, Hòa Khánh Đông  ngày nay có nhiều đổi mới: Đường chính liên huyện tráng nhựa, hệ thống giao thông thuận lợi, lưới điện, nước máy vào đến tận mỗi nhà, dân chúng tiếp nhận nhanh chóng mọi nguồn thông tin từ hệ thống Tivi, truyền thanh, điện thoại. Chợ Đức Lập  xây dựng khang trang, buôn bán nhiều mặt hàng phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Nhà nhà đều được xây cất lại vững chắc. Ngoài nghề nông truyền thống, nhiều gia đình đã có con em làm công nhân trong các công ty, xí nghiệp, nhiều người chuyển sang kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt và nhiều ngành mới theo cuộc sống thời đại. Cuộc sống nhân dân ổn định, trong đó có thân tộc họ Đặng. Đó là điều tốt cho xã hội ta ngày một phát triển.

ĐẶC ĐIỂM VÀ SỰ PHÁT TRIỂN DÒNG HỌ ĐẶNG Ở ĐỨC LẬP, ĐỨC HÒA, LONG AN

1. Lao động sản xuất

Con cháu các thế hệ tộc Đặng sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, đất xứ sở Long An phần lớn trồng lúa, đậu phọng, đậu xanh, tuy nhiên trong thân tộc đất đai không nhiều, ngoài việc canh tác ruộng vườn nhà: trồng lúa, mía, đậu, chăn nuôi heo, bò, gà vịt, đan lát, có người buôn bán nhưng  không kinh doanh lớn. Theo sự phát triển xã hội, cuộc sống tại Đức Lập cũng đổi thay, ngày nay, nhiều nhà cho con em học hành làm việc nơi công sở hoặc tư nhân, nhiều gia đình có con em làm công nhân, tuy lương chưa cao, nhưng cuộc sống được cải thiện phong phú hơn. Tại địa phương, có nhiều ngành nghề kinh doanh dịch vụ mới  như: Kinh doanh  giải khát, sửa chữa, mua bán điện, điện tử, 

2. Sự phát triển về học vấn 

Thân tộc họ Đặng xã Đức Lập từ đời I dầu gia cảnh khó khăn, nhưng cũng cho con học biết chữ,  từ đời II, đến đời IV đều được đi học, chủ yếu học trường làng, từ chữ Hán và chữ Nôm đến quốc ngữ. Đời V - đời VI, đều đến trường, các trường Tiểu học Đức Lập, Trung học Đức Lập đều gắn bó nhiều kỷ niệm các thế hệ trong họ. Con cháu học nhiều nhất đến ngày nay là Đại học với các ngành: Cử nhân kinh tế, cử nhân Quản trị kinh doanh, Đại học Sư phạm, du học nước ngoài… Trong họ có nhiều người làm việc trong cơ quan nhà nước: Công an huyện Đức Hòa: Đặng Văn Chen, Đội trưởng Đội CSKT. Con cháu bên ngoại tham gia công tác chính quyền: ông Nguyễn Văn Lành, cháu ngoại bà Đặng Thị Hoa làm Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa, ông Nguyễn Văn Hoàng, cháu ngoại bà Đặng Thị Nầy,  nguyên Bí thư xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, ông Nguyễn Văn Công Viện Phó Viện Kiểm sát TP.HCM; Nhiều người là giáo viên dạy trường Tiểu học Đức Lập, Trung học Đức Lập là những ngôi trường con cháu các thế hệ đến học; nhiều người làm công nhân các xí nghiệp Bonchain, Ca Na…; cũng có những người kinh doanh thành đạt như: Đặng Ngọc Quang, Đặng Văn Đây. 

Dẫn chứng việc học tập, phấn đấu và thành đạt của thành viên trong dòng tộc để con cháu tự hào và tiếp tục phấn đấu làm rạng danh họ tộc.

3. Truyền thống yêu nước

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, con cháu họ Đặng đều có người tham gia. Từ những phong trào Thanh niên Tiền Phong, Thanh niên Cứu Quốc, đến kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ có các ông: Đời II: Đặng Văn Giỏi, Đặng Văn Đò; Đời III; Đặng Văn Khu, Đặng Văn Dẫu. Vốn có trình độ văn hóa và nhiệt tình cách mạng, thân tộc ta giữ nhiều trọng trách trong kháng chiến  như Trưởng ban tuyên truyền, Trưởng Ban An Ninh, mở lớp huấn luyện, làm công an… Các bà mẹ ở nhà nuôi dạy con nhưng cũng là cơ sở cách mạng hoặc gián tiếp nuôi cháu cho anh hoặc giúp đỡ các em, cháu khi ra công tác hợp pháp hay khi gặp khó khăn. Nhiều người hy sinh, nay được công nhận là Liệt sĩ: Đặng Văn Chum, Đặng Văn Hum,  Đặng Văn Gọng,  Đặng Văn Bòn, Đặng Văn Đực. Trong thân tộc ngoại có bà Lê Thị Út Tặc là con bà Đặng Thị Xưa được phong Mẹ Việt Nam anh hùng vì có một con duy nhứt: Được công nhận Liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ: Nguyễn Văn Đực; Trần Văn Mặt, Nguyễn Văn Tu, Nguyễn Văn Sanh, cháu rễ Trần Trọng Khéo.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử – 1975, thân tộc họ Đặng cùng nhân dân tham gia giành chính quyền và nhanh chóng ổn định tình hình. Con cháu đời IV, tích cực tham gia hoạt động tại địa phương làm các ngành: Đoàn thể, Mặt trận, phòng Lương thực, xung phong tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự…

4. Truyền thống yêu văn hóa tìm về cội nguồn 

a. Chăm lo mộ phần ông bà tổ tiên

-  Thân tộc họ Đặng ở Đức Lập rất quan tâm đến mồ mả, thờ phụng và cúng giỗ ông bà, cha mẹ. Mỗi nhà đều lập bàn thờ và tiếp nhận việc phân công cúng giỗ trong niềm vinh dự. Các ngôi mộ cổ xưa, được tôn tạo, dựng lại bia mộ. Những nơi con cháu đến lập nghiệp sau nầy, đều xây mộ cha mẹ khang trang. Phần lớn các ngôi mộ đều xây gạch cát, xi măng, có mộ còn sơn nước quét vôi, nhiều mộ ốp đá hoặc lát gạch tráng men. Đặc biệt là mộ ông bà, cha mẹ đều chôn cất trong đồng mả làng hay đất của dòng họ gần nhà, con cháu sớm hôm, hương khói, quét dọn. Mỗi nhà dầu nghèo hay khấm khá, con, dâu, rễ đều nhớ ngày cúng giỗ ông bà, cha mẹ. Đây là điều mà nơi chín suối người khuất mặt rất ấm lòng và là bài học giáo dục thực tế cho con cháu các thế hệ noi gương thờ phụng báo hiếu.

Trong thân tộc đời thứ III, có ông Đặng Văn Giỏi con ông Đặng Văn Chất rất quan tâm đi tìm dòng họ, qua các nơi đi tìm thông tin,  cảm nhận được bước chân ông đã qua: 

- Họ Đặng Tha La, An Hòa, Trảng Bàng, Tây Ninh, kể lại thời ông nội có người bên Đức Lập đi tìm dòng họ (Thời điểm ông nội ông Đặng Văn Sợi là ông Đặng Văn Lẻ SN: 1892 tương đương với ông Đặng Văn Giỏi SN: 1899). 

- Con cháu cũng nghe kể lại, ông Đặng Văn Giỏi đến Hòa Thạnh, Tây Ninh tìm người con thứ ba của ông Đặng Văn Quy là Đặng Văn Nhứt gặp được ông Đặng Văn Cây. 

- Trong thân tộc, các đời có dạy bảo nhau tránh đặt trùng tên, nhất là các bậc sơ, cố và việc cưới hỏi vợ chồng tránh người trùng họ. Do ý thức như vậy, nên trong khi tìm cội nguồn, gia tộc tìm được vị Tổ dòng họ Đặng.

- Ông Đặng Văn Khu, Đặng Văn Danh, là những người thường xuyên liên hệ với họ hàng nên nắm rất rõ từng nhà trong thân tộc, tạo mối quan hệ thân thiết rất quí báu.

- Ông Đặng Văn Đây, khi cuộc sống, công việc kinh doanh tạm ổn định đã liên lạc tìm bạn bè, anh em có kinh nghiệm lập gia phả và truy tìm dòng họ. Ông cũng là người đề xướng xây nhà Từ Đường, trong thân tộc cùng chung tay, chung sức tạo dựng, kẻ góp sức, người góp công riêng ông lãnh phần mua đất và chi phí xây cất.

b. Xây dựng nhà Từ Đường

Dự kiến nhà Từ Đường sẽ xây dựng với diện tích 3.000m2, thuộc xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Người chịu kinh phí mua đất xây dựng 2 tỷ đồng là ông Đặng Văn Đây, con thứ mười của ông Đặng Văn Dẫu, hậu duệ đời thứ V.

Từ đường do kiến trúc sư thiết kế theo ý tưởng của ông Đặng Văn Đây và gia đình. Ông Đặng Văn Đây là nhà kinh doanh,  được đi nhiều nơi, biết nhiều kiểu nhà, ông quan tâm và mơ ước được trở về quê cha đất tổ xây dựng ngôi nhà thờ phụng tổ tiên, như là cách báo hiếu với dòng họ.           

Khi từ đường khánh thành, sẽ chọn ngày giỗ ông Đặng Văn Quy, đời I, làm ngày giỗ Họ, cũng là ngày sum họp ôn lại truyền thống cha ông để dòng họ phấu đấu vươn lên, con cháu các thế hệ ngày càng đoàn kết gắn bó hơn.

4. Phát huy xây dựng dòng họ

Có TỪ ĐƯỜNG, GIA PHẢ, trước khí thiêng MỒ MẢ ÔNG BÀ cho phép bộ gia phả đề ra phương hướng xây dựng  dòng họ tộc Đặng như sau:

1. Con cháu các thế hệ cùng phấn đấu gìn giữ truyền thống lao động yêu nước quý báu của dòng họ. Duy trì việc thờ cúng ông bà là đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam

2. Xây dựng dòng họ vẹn toàn trong ấm, ngoài êm. Mỗi Chi, Nhánh, mỗi gia đình phát huy những mặt tích cực đóng góp, xây dựng quê hương giàu đẹp trong đó có họ tộc chúng ta.

3. Chăm lo khuyến học, khuyến nghiệp, khuyến tài một cách thiết thực trong dòng họ.

4. Trong họ tộc cùng chăm lo:

- Nhà thờ họ  nghiêm túc.

- Mồ mả khang trang.

- Bộ gia phả hoàn chỉnh. 

Trước mắt chúng ta cần tổ chức kết nối thường xuyên trong dòng họ Đặng các nơi để liên kết thông tin cho nhau. Hằng năm, nhân ngày giỗ ông Đặng Văn Quy sẽ là ngày Giỗ Họ Đặng ở Đức Lập, Đức Hòa, Long An. Trong ngày Giỗ Họ sẽ tổ chức nhiều hoạt động như: Liên kết họ Đặng trong vùng nhằm mở rộng vòng tay thân tộc, xây dựng quỹ giúp đỡ gia đình gặp khó khăn, quỹ học bỗng cho con cháu học giỏi và chúc thọ các cụ lớn tuổi…

Tất cả những việc làm có ích sẽ gắn bó thân tộc trong mái nhà chung, làm cho dòng họ mãi mãi trường tồn, vinh danh.

Bộ Gia phả nầy hoàn thành vào tháng 10 năm Kỷ Sửu, đề tên 687 người, để luôn cập nhật thông tin thân tộc, cứ 5 năm một lần, con cháu các thế hệ tiếp tục cung cấp diễn biến và phát triển từng chi   nhánh bổ sung kịp thời vào Gia phả.

Gia phả tộc Đặng chủ yếu lưu truyền trong dòng họ. Trong trường hợp đặc biệt, những nhà nghiên cứu lịch sử cũng có thể sử dụng tư liệu, sau khi trao đổi trong gia tộc.